Nhằm định hướng nghề nghiệp cho những người đang băn khoăn trong vấn đề này, chúng tôi sẽ giới thiệu 10 ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất ở Việt Nam trong tương lai. Hãy cùng điểm qua dưới đây.
1. Ngành Công Nghệ Thông Tin
Theo con số thống kê trên báo Tuổi Trẻ cho thấy: trong giai đoạn 2013 – 2015, ngành CNTT ở TP.HCM cần khoảng 23.000 – 25.000 người lao động mỗi năm và trong vòng 5 năm tới, cả nước cần 411.000 người. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Mức lương trung bình của một kỹ sư CNTT mới ra trường hiện nay thấp nhất vào mức 5 triệu đồng, so với nhu cầu hiện nay mức lương này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh ngay trong tương lai gần.
Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn đến 2020 thì Công nghệ thông tin là một trong những ngành mũi nhọn. Chính vì thế, ngày càng nhiều công ty công nghệ trong và ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam và hướng ra khu vực, thế giới. Vì vậy, nhân sự ngành công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để phát triển kinh tế trong tương lai.
2. Ngành Ngôn Ngữ Anh
Trong tình hình hội nhập toàn cầu như hiện nay thì ngôn ngữ Anh là ngôn ngữ quốc tế, chiếm vị trí rất quan trọng và là một phần không thể thiếu trong hồ sơ xin việc cũng như ứng dụng trong đời sống. Ngôn ngữ Anh xuất hiện trong nhiều lĩnh vực lĩnh vực như kinh tế đối ngoại, sư phạm ngoại ngữ, marketing, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng,… Nói chung là ngôn ngữ Anh hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa, quốc tế hóa như hiện nay. Hơn nữa, số lượng văn phòng đại diện nước ngoài đặt ở Việt Nam hiện nay đã lên tới hơn 1000. Vì vậy, đây là cơ hội được làm việc, tiếp xúc nhưng cũng đặt ra yêu cầu cạnh tranh giữa các công ty. Đây là một ngành học thực sự rất triển vọng.
3. Ngành Du lịch, quản lý khách sạn
Việt Nam được thế giới biết đến là đất nước của Hội An, Mỹ Sơn, Hạ Long,… cùng hàng loạt các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng xinh đẹp. Sự đa dạng trong tập quán, văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em cũng là nền tảng để ngành du lịch nước ta càng phát triển.
Theo mục tiêu của các nhà quản lý ngành du lịch, đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đón từ 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, 36 – 37 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 – 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 – 6% vào GDP cả nước. Để làm được như vậy, du lịch Việt Nam cần đến 620.000 lao động trực tiếp với khoảng 2,2 triệu việc làm. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn trẻ đam mê khám phá các nền văn hóa mới gắn với đất nước, con người Việt Nam và muốn thử sức mình với lĩnh vực du lịch – nhà hàng – khách sạn. Do đó đây chính là thời cơ việc làm lý tưởng cho các bạn lựa chọn với mức thu nhập hấp dẫn.
4. Ngành quản trị kinh doanh
Quản trị kinh doanh luôn là một trong những ngành hấp dẫn các bạn trẻ năng động, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp phải không ngừng phát triển. Chưa bao giờ kinh doanh, doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển như ngày nay. Chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta đã có khoảng 20 vạn doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, liên doanh, doanh nghiệp hoạt động ngoài nước cũng rất phát triển. Đây là cơ hội về số lượng việc làm trong ngành này nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Nếu bạn thích sự năng động, hãy lựa chọn quản trị kinh doanh.
5. Ngành Điện, Cơ khí
Hiện nay ở nước ta, đa phần các doanh nghiệp Nhà nước cũng như các xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài đều đã đưa vào sử dụng các dây chuyền thiết bị hiện đại ứng dụng công nghệ của các nước công nghiệp phát triển. Chính vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia thì nhu cầu nhân lực cho ngành Kỹ thuật cơ điện tử ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Thực trạng hiện nay còn cho thấy đa số lao động ở các nhà máy đều chưa qua đào tạo bài bản, nên ngành học này được xem là một gợi ý rất tốt dành cho những bạn yêu máy móc, lắp ráp. Cơ hội việc làm cũng như nguy cơ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Không những vậy, cơ hội được đi xuất khẩu lao động sang các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… của các bạn cũng rất lớn. Ngay từ giảng đường đại học, các nhà tuyển dụng đã tạo dựng sợi dây liên kết giữa nhà trường và công ty, mỗi khóa tốt nghiệp đều có những chỉ tiêu kí kết hợp đồng lao động.
6. Ngành xây dựng
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong ba quốc gia hứa hẹn về tăng trưởng ở châu Á. Bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam có điểm nhấn về nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng. Có thể dễ dàng nhận thấy, ở Việt Nam những công trình kiến trúc mang tầm cỡ quốc tế ra đời ngày càng nhiều. Các tòa nhà cao tầng, nhà ở cho đến căn hộ, công trình đường bộ, đường sắt, công trình công cộng cũng ngày một nhiều hơn. Đầu tư cơ sở hạ tầng là việc làm bức thiết và được chú trọng hàng đầu. Vì thế, nhu cầu tìm kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư của các công ty, nhà thầu cũng tăng lên. Điển hình như số lượng công ty xây dựng tìm nhân lực lên đến 1526 tính đến năm 2016. Ngành xây dựng là lĩnh vực được dự báo có tốc độ tăng lao động cao nhất, khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Theo tính toán, nhân lực ngành xây dựng đến năm 2015 sẽ là 5 triệu người, trong đó có 3 triệu nhân lực đã qua đào tạo. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400.000 – 500.000người. Từ những thông tin trên cho thấy ngành nghề này đang tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Vì thế, yêu cầu hiện nay là cần có một lực lượng kỹ sư xây dựng dồi dào và trình độ chuyên môn đáp ứng theo nhu cầu phát triển của đất nước.
7. Ngành công nghệ thực phẩm
Ngành công nghệ thực phẩm được đánh giá là ngành của tương lai vững vàng, ngành của sự tiềm năng. Đây là một trong những ngành học có tính ứng dụng cao và đa dạng, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Ngành đã và đang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới trẻ trong những năm gần đây. Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà ngành công nghệ thực phẩm còn hướng đến việc sản xuất, chế biến những sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đây là một ngành học thực sự tiềm năng và cơ hội khá lớn cho vấn đề việc làm, đặc biệt là với những bạn nữ.
8. Ngành tư vấn tâm lý xã hội
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề tư vấn tâm lý đã và đang phát triển mạnh tại Việt Nam thu hút đông đảo bạn trẻ.Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TPHCM, trong giai đoạn 2013 – 2015 đến 2020, nhu cầu nhân lực của ngành tâm lý học là rất lớn, riêng TPHCM cần đến hàng nghìn người mỗi năm. Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của ngành này là hơn 1.000 người. Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tâm lý rất đa dạng. Sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học có thể đảm trách nhiều công việc khác nhau: giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm, viện nghiên cứu; chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, trung tâm, đài phát thanh, đài truyền hình; chuyên viên trị liệu tâm lý tại bệnh viện,… Mức lương và chế độ đãi ngộ trong ngành này được dự đoán là ngày càng tăng cao. Các bạn trẻ đang có mong muốn trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý trong tương lai thì hãy mạnh dạn và tự tin hơn để quyết chọn chọn ngành này.
9. Ngành kinh doanh xuất nhập khẩu
Theo khảo sát của Bộ lao động – thương binh và xã hội, hiện nay ngành xuất nhập khẩu đang trong tình trạng khan hiếm nhân lực, chỉ 35% nhu cầu về lao động được đáp ứng. Riêng lĩnh vực Xuất nhập khẩu đang thiếu một lượng hơn 10.000 lao động qua đào tạo để đảm nhận toàn bộ các khâu của quá trình XNK.
Ngoài ra, ngành này có đặc thù gắn với quốc tế, mở ra nhiều cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và thăng tiến trong các công ty đa quốc gia. Mức lương trung bình cao hơn nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, nghề Xuất nhập khẩu cho đến nay vẫn giữ được độ “hot” trên thị trường lao động.
10. Ngành giáo dục
Có lẽ bạn sẽ hơi ngạc nhiên khi thấy ngành giáo dục- một ngành được đánh giá là dư nhân lực nhiều nhất trong mấy năm trở lại đây khi nó xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng trong tương lai gần, nhóm ngành giáo dục – đào tạo sẽ rất khát nguồn nhân lực trình độ cao.Thế nhưng, hiện nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành sư phạm và quản lý giáo dục lại đang giảm dần từng năm. Nguyên nhân chính là do tình trạng dư nhân lực quá nhiều trong mấy năm trước. Theo dự báo, nhu cầu giáo viên các ngành sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học (chủ yếu là giáo viên tiếng Anh) và nhân viên bảo mẫu… sẽ tăng mạnh trong vài ba năm tới vì toàn ngành giáo dục – đào tạo đang đẩy mạnh thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đồng thời hoàn tất việc chuyển đổi các trường mầm non bán công trên toàn quốc sang mô hình trường công lập, nên chắc chắn sẽ thu hút một số lượng lớn giáo viên đã được đào tạo bài bản. Theo dự báo, nhu cầu nhân lực của giáo dục mầm non đến năm 2020 khoảng 240.000 người; bình quân mỗi năm tăng 6600 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục tiểu học đến năm 2020 khoảng 522.000 người; bình quân mỗi năm tăng 5750 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục THCS dự báo đến năm 2020 khoảng 480.000 người; bình quân mỗi năm tăng 9850 người. Nhu cầu nhân lực của giáo dục THPT đến năm 2020 khoảng 148.000 người. Nếu bạn thực sự yêu thích nghề giáo thì đừng do dự và lo sợ về vấn đề việc làm vì đây là một ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong tương lai.