Top 8 nghề ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp hot nhất hiện nay

0
18252
Vật Phẩm Phong Thủy

Chọn ngành, chọn nghề là câu chuyện muôn thuở của nhiều bạn trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, là trăn trở của nhiều thế hệ. Trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay, lựa chọn cho mình một ngành nghề đã không dễ, xác định con đường sự nghiệp lâu dài còn khó khăn hơn. Để giúp các bạn trẻ và các ứng viên có nhu cầu tìm việc Mạng Việc Làm xin giới thiệu các nghề hot thuộc ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp

1 CÁN BỘ KIỂM LÂM
Kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, bảo vệ rừng là công việc chính của cán bộ kiểm lâm. Họ theo dõi, phát hiện, xử lý những vụ vi phạm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Họ thường phải đương đầu với những tình huống nguy hiểm trong công việc, đối phó với những kẻ lâm tặc liều lĩnh. Đây là công việc khá mạo hiểm, đến với nghề này, bạn không chỉ cần có những kiến thức chuyên môn về rừng, lâm sản mà còn cần có một trái tim thép và tinh thần thép.

2 CHUYÊN VIÊN PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Với những phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, chuyên viên phát triển nông thôn truy cập các cơ sở dữ liệu liên quan đến nông thôn để bổ trợ cho những hoạt động của mình tại các vùng nông thôn một cách đắc lực, giúp gia đình mình làm giàu đồng thời cũng giúp cho các tầng lớp nhân dân ở nông thôn làm giàu.

3 KỸ SƯ NGÀNH THỦY LỢI
Những kỹ sư này am tường về quy luật của nước như: sự phân bố nước theo không gian và thời gian; số lượng và chất lượng nước; giải pháp kỹ thuật quản lý và khai thác tài nguyên nước; cảnh báo và dự báo rủi ro do nước gây ra, cách phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai từ nước v.v… Họ làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, cao đẳng; các công ty, tổng công ty tư vấn thuỷ lợi, thủy điện, giao thông, xây dựng… thuộc các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và công nghệ…

4 KỸ SƯ NÔNG NGHIỆP
Nhà nông học có kiến thức về: chất lượng môi trường, sinh thái, công nghệ sinh học, sinh lý thực vật, khoa học thảm cỏ, quản lý dịch bệnh, di truyền học, chọn tạo giống cây trồng, sinh học phân tử, khoa học hạt giống, dinh dưỡng, bệnh cây, toán học và xây dựng mô hình, phát triển quốc tế…

Với những kiến thức ấy, nhà nông học nhận dạng, giải thích và quản lý cây trồng để dùng trong nông nghiệp, trong trang trí khu đô thị và đất chăn thả theo phương pháp bền vững môi trường. Những kỹ sư nông học khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp phong phú và cũng đầy sáng tạo, thách thức.

5 NGHỀ CHẾ BIẾN THỦY SẢN
Ngành chế biến thủy sản có thể nói là ngành truyền thống, đào tạo thành những Cử nhân làm trong những nhà máy xí nghiệp với nghiệp vụ là chế biến các loại thủy sản nói chung. Hay nói cách khác là tạo cho người học một nền tảng kiến thức hiểu biết về cách chế biến, bảo quản, xử lý các sản phẩm thủy sản một cách an toàn nhất, hiệu quả nhất, và mang lại kinh tế cao nhất. Tuy nhiên đó là những kiến thức chính, ngoài ra người học sẽ được học nhiều về các kiến thức khác mà khi học các bạn sẽ nắm rõ hơn.

Ngành thuỷ sản bao gồm các công ty nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. Mô hình kinh doanh chung cho các công ty này là: nuôi trồng hoặc thu mua thuỷ sản từ các hộ gia đình nuôi thuỷ sản về để sản xuất và chế biến bởi các dây chuyền chế biến hiện đại được họ nhập từ nước ngoài, sau đó phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để đầu tư thành công vào ngành thuỷ sản thì nhà đầu tư cần chú ý các đặc điểm sau: Nguồn nguyên liệu đầu vào là các mặt hàng thuỷ sản như: tôm, cá tra,cá basa…

6 NGHỀ KỸ SƯ LÂM NGHIỆP
Kỹ sư lâm sinh

Tất cả công việc từ thiết kế, lập kế hoạch sản xuất, trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến những kỹ thuật gây giống, trồng trọt, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng đều do kỹ sư lâm sinh đảm nhiệm. Họ là những người lập kế hoạch triển khai, đưa nghiên cứu phát minh của các nhà khoa học tới sản xuất thực tiễn. Công việc của họ tạo ra những sản phẩm cụ thể, có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của các dự án phát triển lâm nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm đó được tạo ra trong thời gian khá dài (đơn vị tính bằng năm) nên sự kiên trì là điều kiện không thể thiếu với những ai lựa chọn công việc này.

Ngoài ra, việc tiếp xúc thường nhật với người dân vùng sâu, vùng xa đòi hỏi ở họ kỹ năng giao tiếp tốt, biết hoà đồng và thân thiện.

Kỹ sư lâm sinh chủ yếu làm việc tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia, các lâm trường, hợp tác xã sản xuất kinh doanh rừng. Họ làm việc với các công cụ từ thô sơ như dao, cuốc tới những thiết bị hiện đại tối tân như thiết bị định vị toàn cầu, phân tích vi lượng đất, khoáng, công nghệ GIS…

Kỹ sư công nghệ sinh học

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen (chuyển gen, cấy ghép gen), công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, nuôi cấy mô và tế bào là công việc thường nhật của kỹ sư công nghệ sinh học. Bằng công nghệ sinh học (những tác động sinh học), họ tạo ra những giống cây mới có nhiều thuộc tính, ưu điểm vượt trội như: tốc độ sinh trưởng cao, phù hợp nhiều điều kiện địa hình, khí hậu, có nhiều phẩm chất tốt cho mục đích sử dụng v.v…

Môi trường làm việc chủ yếu của kỹ sư Công nghệ sinh học là các phòng thí nghiệm với đầy chai, lọ và những thiết bị điện tử hiện đại, con số và biểu đồ, các trạm thực nghiệm… Họ hoạt động tại các viện nghiên cứu, các trường Đại học, các nhà máy, xí nghiệp v.v…

Kỹ sư chế biến lâm sản

Từ lâm sản (chủ yếu là cây gỗ, tre nứa, song mây) và một số phế liệu từ nông sản như: rơm, bã mía, bẹ ngô v.v…, công nghiệp chế biến lâm sản sẽ tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống hoặc các dạng nguyên vật liệu phục vụ cho một ngành sản xuất khác.

Quản lý, lập kế hoạch, hướng dẫn, điều hành sản xuất là công việc chủ yếu của kỹ sư chế biến lâm sản. Rất am hiểu về cơ khí kỹ thuật, công nghệ, họ là nhân vật không thể thiếu của mọi cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chế biến lâm sản.

Kỹ sư chế biến lâm sản thường làm việc tại các phòng kỹ thuật, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, xưởng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, công ty, tập đoàn, cơ sở sản xuất kinh doanh lâm sản.

7 NHÀ KHOA HỌC LÂM NGHIỆP
Giới thiệu về Nhà khoa học lâm nghiệp: Nhà khoa học lâm nghiệp là những người hiểu biết rất rõ về rừng. Từ những nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, rừng thực nghiệm, những mô hình sản xuất thử nghiệm, họ tìm ra các quy luật phát sinh, phát triển và diệt vong của rừng.

Hoạch định kế hoạch, đề xuất những dự án, giải pháp phát triển, bảo vệ rừng, cảnh báo nguy cơ xâm hại rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng một cách hiệu quả nhất, họ nghiên cứu tìm ra công nghệ, kỹ thuật chế biến cây rừng thành những nguyên vật liệu mới sử dụng hiệu quả cho cuộc sống. Ngoài ra, họ còn tham gia đào tạo, truyền thụ những kiến thức về rừng cho cộng đồng, giúp mọi người hưởng lợi từ rừng mà vẫn có thể bảo vệ rừng.Nhà khoa học lâm nghiệp làm việc tại các viện nghiên cứu, trường Đại học, các trung tâm thí nghiệm hay phòng thí nghiệm của các tập đoàn, công ty sản xuất lớn, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Đi công tác xa nhà (đi thực địa, đi du lịch sinh thái, khảo sát thực tế) là công việc khá thường xuyên của các nhà khoa học lâm nghiệp.

8 NHÀ THIẾT KẾ LÂM NGHIỆP
Hiểu rất rõ về nguyên liệu (chủ yếu là gỗ và tre nứa, song mây), về kết cấu sản phẩm mộc, về công nghệ sản xuất là ưu điểm vượt trội của nhà thiết kế sản phẩm mộc và nội thất so với các nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp thuần tuý. Được trang bị thêm những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, kiến trúc, về nhân trắc học, các nhà thiết kế sản phẩm mộc và nội thất đưa ra những phương án thiết kế thực tế khả thi.

Công việc chủ yếu của nhà thiết kế sản phẩm mộc và nội thất là khảo sát nhu cầu sử dụng, điều kiện công nghệ, nguồn vốn, phác thảo tạo dáng, phân tích kết cấu sản phẩm, lập kế hoạch thi công, sản xuất.

Nhà thiết kế sản phẩm mộc và nội thất làm việc chủ yếu trên bàn giấy với hệ thống máy tính cấu hình cao cùng các phần mềm đồ hoạ tiên tiến tại các phòng kỹ thuật, phòng thiết kế của những công ty, tập đoàn sản xuất chế biến lâm sản hoặc các công ty thiết kế kiến trúc, nội thất.

Nhà thiết kế cảnh quan

Thiết kế cảnh quan công viên, công sở, khu đô thị, khu công nghiệp… là công việc chủ yếu của nhà thiết kế cảnh quan. Với lợi thế am tỏ, thông tường về cây xanh (điều kiện sinh trưởng, đặc tính sinh học, phân bố), các nhà thiết kế cảnh quan luôn đưa ra những đồ án thiết kế thông minh, không chỉ đơn thuần đem lại những cảm giác thư giãn cho nhu cầu giải trí của con người mà còn tạo ra một môi trường sống hài hoà, gần gũi với tự nhiên. Anh ta làm việc tại các văn phòng thiết kế, quy hoạch đô thị, công ty tư vấn thiết kế…

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN