Top 5 cuốn sách hay nhất về tình mẹ mà bạn nên đọc và suy ngẫm

0
2285
Vật Phẩm Phong Thủy

Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không dược chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai dạn dày sương gió, có ai sẵn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ…Những người mẹ, người cha chẳng bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì cho mình, bởi đối với họ, chỉ cần thấy con mình được vui vẻ, hạnh phúc là quá đủ. Còn chúng ta, những đứa con thì lại quá vô tư, vô tư đến mức trở thành vô tâm lúc nào không hay. Cũng phải thôi, bởi trong vòng tay cha mẹ, ai cũng như một đứa trẻ mà…

Hãy thử dừng lại, dù chỉ một phút thôi, để nhìn lại cha mẹ mình, để thấy mái tóc mẹ đã bạc thêm vài sợi, thấy khóe mắt cha có thêm vài vết chân chim.

Hãy nhớ lại những lúc mẹ đã nói dối rằng mẹ không sao trong khi mẹ đang ốm, những lúc cha khuyên răn mà ta cứng đầu không chịu nghe theo… Hãy nhớ lại những khi ta học bài ôn thi, vẫn là mẹ thức tới tận khuya, mang vào phòng cho con cốc sữa, đóng cửa rồi mà vẫn trằn trọc không yên. Hãy nhớ lại những khi cha ngồi chờ bên cửa, sợ con về khuya lại xảy ra chuyện gì…

Chỉ một phút mỗi ngày thôi, nhìn lại những gì cha mẹ đã làm cho ta, rồi nghĩ lại xem mình đã làm gì cho cha mẹ… Rất có thể, một lúc nào đó, khi ta muốn bên cha nhiều hơn, muốn nói rằng “Con yêu mẹ” thì lại quá muộn rồi…

1 “Tôi là con gái của mẹ tôi” – Iris Krasnow
Cuốn sách này cũng được viết ra từ người con gái đã trải qua hành trình khó nhọc từ tuổi thơ với những tình cảm đầy mâu thuẫn giữa hờn giận, ghét bỏ xen lẫn yêu thương kính phục mẹ cho đến khi trưởng thành và dần chín chắn hơn. Khi bước vào tuổi trung niên cô đã nhận ra giá trị và sợi dây tinh thần mỏng manh nhưng vô cùng bền chặt của tình mẫu tử. Những trăn trở ấy đã thôi thúc cô kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về những hoàn cảnh mẹ – con gái khác để một lần nữa khẳng định mối quan hệ mẹ – con gái có phức tạp như thế nào, có chứa đựng nhiều xung đột thì không ai có thể phủ nhận được mối ràng buộc bền chặt này
Một buổi chiều êm dịu cuối tháng Bảy, tôi đẩy chiếc xe lăn của mẹ dọc theo hồ ở Chicago. Chicago thân yêu là nơi mẹ đã sinh ra tôi 55 năm trước và có lẽ mẹ cũng sẽ qua đời tại mảnh đất này. Với sự dũng cảm và kiên cường trước những đau đớn trong suốt cuộc đời mình, mẹ tôi đã vững vàng bước tiếp những năm tháng còn lại của cuộc đời sau biết bao đau đớn khi cả gia đình thân yêu của mẹ đã phải chịu nạn tàn sát người Do Thái của Hitler, khi người chồng thân yêu của mẹ và người cha đáng kính của tôi qua đời vào năm 1986 và mới đây nhất là khi mẹ bị cắt cụt phần dưới của chân trái. Sau lần tham gia một cuộc thi điền kinh đáng tự hào, mẹ đã phải phẫu thuật chân và giờ đây mẹ đang phải ngồi trên xe lăn, bị nhiễm trùng, mất trí và toàn thân như kiệt quệ.

Tôi và mẹ vẫn bên nhau giữa buổi chiều êm ả và không chú ý đến nỗi đau đớn tôi sắp phải gánh chịu: sự ra đi của mẹ. Mặt trời vẫn tỏa những ánh nắng vàng tươi và những làn gió từ hồ Michigan nhẹ nhàng thổi vào hai mẹ con tôi. Tôi nhìn mẹ và chiếc khăn rất nhiều hoa văn trước đây mẹ vẫn dùng để quấn đầu nhưng giờ đây, nó lại được đặt che phần chân đã bị cắt cụt của mẹ. Đôi má mẹ đỏ ửng lên và mẹ mỉm cười. Tháng Bảy là tháng đẹp nhất của mùa hè với những thân cây to mập và những đóa hoa căng tràn nhựa sống. Chúng tôi dừng lại trước một khoảng đất trồng hoa uất kim hương ngay bên cạnh con đường bãi biển Cây Sồi và khoảng đất này được bao trùm bởi màu tím, màu vàng, màu hồng và màu đỏ. Những cánh hoa mở rộng ra như thể sắp bao phủ khắp mặt đất.

“Những bông hoa uất kim hương sắp rụng rồi Iya thân yêu ạ, nhưng mẹ con sẽ không như vậy đâu. Mẹ con vẫn sẽ sống”, mẹ nói nhỏ với tôi và đôi tay mẹ yếu ớt với lấy một bông uất kim hương. Mẹ vẫn thường gọi tôi bằng cái tên thân mật là Iya khi tôi còn nhỏ và thời gian gần đây, mẹ lại gọi tôi bằng cái tên ngọt ngào và tràn ngập tình yêu thương này. Mỗi lần mẹ gọi tôi trìu mến như thế, nỗi lo lắng về sự ra đi của mẹ lại trỗi dậy trong lòng tôi và dường như nỗi đau ấy quá lớn đến nỗi tôi không thể đứng vững được. Tôi biết mẹ cũng đang nghĩ những điều tôi đang lo lắng và chúng tôi đang nghĩ về đám hoa uất kim hương được trồng phía sau vườn nhà tôi. Từ ngôi nhà thân yêu nằm kề công viên Cây Sồi ấy, mẹ đã nuôi lớn ba đứa con bé bỏng của mình. Tôi và mẹ cũng nghĩ, đời sống rồi cũng sẽ trôi qua nhanh như làn gió thổi qua mặt hồ và những cánh hoa uất kim hương nở rộ theo mùa cũng giống như những đứa con của mẹ đang đi khắp đất nước này. Chị gái Frances của tôi sinh sống ở Chicago, anh trai Greg sống ở bang California, còn tôi định cư ở Maryland.

2 “Người mẹ số 0” – Marjolijn Hof
“Thế là bảng của tôi có hai ô dành cho hai má. Má 1, đó là người má sinh ra tôi. Má 2, là má tôi bây giờ. Nhưng ngay lập tức, tôi cảm thấy hối hận vì má tôi bây giờ bỗng trở thành số hai. Tôi vội vàng xóa đi những chữ vừa viết, và điền lại vào ô thứ nhất: Má 0. Còn ô thứ hai: Má 1.”

Vừa hóm hỉnh, vừa thoáng buồn – câu chuyện này sẽ thủ thỉ với con, với ba và với mẹ – rằng điều gì là quan trọng trong một gia đình.

3 “Nhật ký của mẹ” – Kawa Chan
Nhật ký của mẹ là cuốn nhật ký bằng tranh, là tâm sự chân thành và đầy tình cảm mà tác giả Kawa Chan muốn gửi đến cậu con trai đầu lòng của mình.

Xuyên suốt cuốn sách là những bức tranh được vẽ theo phong cách dễ thương, hài hước đôi lúc lại tự trào xoay quanh nhân vật chính là người mẹ đáng yêu, hay xúc động nhưng rất yêu con. Mở đầu cuốn sách hình ảnh người mẹ hiện ra là người “chỉ thích rong chơi” và “chưa từng nghĩ đến việc chăm sóc một em bé”. Thậm chí khi biết tin có bầu, cảm giác đầu tiên của người mẹ trẻ này là “tiêu rồi”. Thế nhưng những điều kỳ diệu mà thiên thần mang tên “đứa trẻ” mang đến đã thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ của người phụ nữ ham chơi và vô lo vô nghĩ này. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ gặp trong cuốn sách một ông bố điềm đạm, hai ông bà nội ngoại luôn chăm lo từng chút một cho cháu, những người họ hàng và đồng nghiệp vui tính…

Thông qua hơn 80 tranh vẽ, Nhật ký làm mẹ mô tả lại sống động quá trình mà bất kỳ người mẹ nào khi mang thai cũng phải trải qua. .Từ những lúc bị đau lưng, phù chân, đi lại khó khăn, chuột rút… cho đến những nỗi lo lắng cho con khi bị ốm mà không dám uống thuốc, khi đi cầu thang suýt trượt chân ngã mà cảm thấy như vừa trải qua một sự việc khủng khiếp, niềm vui háo hức khi nhìn thấy những hình ảnh siêu âm đầu tiên, cảm giác vui sướng khi lần đầu cảm nhận được cử động của con trong cơ thể, sự sốt ruột khi đến ngày mà con chưa chịu chào đời… và niềm xúc động vô bờ khi lần đầu tiên được ôm con trong vòng tay.

Lật giở từng trang của cuốn sách, bạn sẽ đi từ vui thích đến đồng cảm. Bởi lẽ những tâm sự và câu chuyện của tác giả rất gần gũi và đúng với tâm trạng của rất nhiều bà mẹ đã từng sinh con. Khi mới bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên, Kawa Chan chỉ đơn giản muốn lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình mang thai để sau này có thể cho con mình xem lại, nhưng sau đó, những nét vẽ đáng yêu, hài hước của tác giả đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của rất nhiều người. Hy vọng với cuốn sách nhỏ này, bộ tranh sẽ đến được với nhiều người hơn nữa.

4 “Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ” – Gong – Ji – Yong

Đều đặn vào mỗi thứ Ba, Uy Nyung, cô bé đang bâng khuâng trước bậc thềm thanh xuân lại nhận được một lá thư. Lá thư luôn mở đầu bằng “Uy Nyung à” và kết thúc bằng “Chúc con một ngày tốt lành”, được gửi từ mẹ cô, một nhà văn vẫn dằn vặt vì không thể đối thoại trực tiếp với con mình. Dùng những cuốn sách bắc nhịp cầu, bằng con mắt quan sát thầm lặng mà sâu sắc, bà rủ rỉ trả lời từng câu hỏi cô bé đang vướng mắc: Nên gặp gỡ chàng trai thế nào? Làm sao tiếp nhận lời khen chê? Đâu mới là cuộc sống hạnh phúc… Không chỉ gói ghém những tâm tình gửi đến con gái, tập tản văn này của Gong Ji Young, nữ tác giả tiêu biểu của văn học Hàn Quốc hiện đại, còn là ngọn đèn soi lối tìm đến cuộc đời của mỗi chúng ta.

“Mẹ hy vọng con không chỉ đang tồn tại, mà sống sao cho đúng là con ngày hôm nay. Mẹ hy vọng con sẽ thử suy nghĩ về những điều đương nhiên theo một cách không đương nhiên, hy vọng con sẽ không e ngại trước bất cứ điều gì, mà thoải mái dang rộng đôi cánh của mình ra. Mẹ hứa, dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ con.”

5 Mẹ ơi con sẽ lại về – Hong Yeong Nyeo và Hwang An Na
Đây là một cuốn sách hay về tình cảm và những bài học gia đình, gồm những lá thư của người mẹ gửi cho sáu người con cùng hành động của con. Ở đó có chân dung mẹ, từ một cô gái lấy chồng ở tuổi đôi mươi, chịu đựng những vất vả, đắng cay từ gia đình chồng đến nỗi đau không bao giờ xóa được khi mất người con trai của mình. Đó là hình ảnh mẹ làm lụng, gánh nước, từng lần ốm đau đến không dám đi du lịch vì nhớ đàn mèo và vườn rau. Những lời răn dạy từng trải của mẹ dành cho con thật ý nghĩa: Gia đình luôn là tất cả những gì con cần và nhất định phải giữ mối liên hệ giữa các thành viên, và bằng cuộc sống đầy biến cố của mẹ, mẹ dạy con biết quý trọng và sống đúng đắn hơn.

Mẹ ơi con sẽ lại về cũng làm người đọc hiểu hơn về tâm lý của người già như việc họ lại chẳng hay bước ra ngoài giao du, điều người già sợ hãi là gì, tại sao lại luôn nói nhiều, người già vui mừng thế nào nếu được thấy mặt con cháu… Mỗi người, trên hết, hãy lắng nghe và yêu thương mẹ, vì “cuộc đời dù sáu mươi năm hay bảy mươi năm đều như một cái chớp mắt thoáng qua”.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN