Top 6 nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp ở sinh viên khi mới ra trường

0
2362
Vật Phẩm Phong Thủy

Có rất nhiều lý do để giải thích cho thực trạng đáng buồn này. Mình xin trình bày 6 nguyên nhân nổi bật nhất gây ra nỗi sầu thất nghiệp của các tân sinh viên trong nước thời gian gần đây.

1. Sinh viên thiếu kỹ năng thực tế để đáp ứng công việc
Trên 80% sinh viên mới ra trường được cho là có kiến thức nhưng lại yếu kém về các kỹ năng mềm – kỹ năng mà đa số nhà tuyển dụng, đặc biệt là các tập đoàn, tổ chức nước ngoài đánh giá cao. Chính vì thế, nhiều bạn đã mất điểm trong lần gặp đầu tiên trong buổi phỏng vấn ở các công ty. Trong quá trình học, đa số sinh viên đều tự chuẩn bị hành trang cho mình là hai bằng ngoại ngữ và tin học và đều cho rằng đây là điều kiện đủ để có thể trúng tuyển việc làm sau này. Tuy nhiên, đối với các nhà tuyển dụng, họ đánh giá cao các kỹ năng sống như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm,… hơn là các giấy tờ chứng nhận. Đối với các ứng viên được nhận, họ thường có thời gian khoảng 1 – 2 tháng học việc và thử việc tại công ty nhưng không có nhiều ứng viên có thể tiếp thu và xử lý công việc. Ngay cả các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí loại xuất sắc cũng không thể trụ vững làm nhân viên chính thức sau thời gian thử việc như thế. Rất rõ ràng đây chính là yếu điểm mà các sinh viên cần khắc phục để nâng cao cơ hội có việc sau khi tốt nghiệp.

2. Thiếu định hướng nghề nghiệp
Định hướng giá trị cho sinh viên cũng là một vấn đề cần quan tâm trong giáo dục hiện nay. Một là không có định hướng, nghĩa là không biết mình học để làm gì. Hai là định hướng sai lệch, không có lòng phấn đấu vì đam mê mà đơn giản chỉ học để lo toan cuộc sống. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Mình học đại học để làm gì và cho ai?”. Ở Việt Nam, việc chọn nghề nghiệp sau này chịu sự tác động, chi phối lớn từ các bậc phụ huynh. Với tâm lý thương con và một phần vì danh danh dự gia đình, các bậc cha mẹ thường khuyên con cái chọn các ngành có tiếng như: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, ngân hàng,.. Ngoài ra, một số bạn trẻ chọn ngành học theo xu hướng “hot” của thị trường chứ không thật sự yêu thích, đam mê với nghề và không đúng với khả năng của mình. Hệ quả của việc học như thế dẫn đến sự lười học, học cho có lệ để qua kỳ kiểm tra và lấy được cái bằng cho có. Chính vì thế, chất lượng nhân lực đầu ra trở nên hạn chế và tình trạng thất nghiệp lại tiếp tục tăng.

3. Nhiều công ty chỉ tuyển người có kinh nghiệm và ngoại hình
Kinh nghiệm và hình thức là yêu cầu thường thấy trong các mẫu tin tuyển dụng của các công ty. Qua các tin này, chúng ta thường thấy yêu cầu của nhiều nhà tuyển dụng hay có gạch đầu dòng đầu tiên là – “Hình thức khá” hoặc “Ngoại hình ưa nhìn” tiếp sau đó mới đến các yêu cầu về bằng cấp, kỹ năng… Điều này cũng dễ lý giải bởi vì bất kỳ công ty nào cũng mong muốn tuyển được một nhân viên có kinh nghiệm làm việc để có thể giảm thời gian và chi phí trong công tác đào tạo người mới. Thêm vào đó, một hình thức ưa nhìn sẽ luôn được ưu tiên vì ai cũng yêu thích nhìn cái đẹp thị giác, đặc biệt là những công việc có tính chất xã giao, tiếp xúc với khách hàng. Thực tế, chỉ có số ít các công ty muốn tuyển dụng người mới ra trường mà không cần kinh nghiệm. Những ai trải qua quá trình tìm việc và phỏng vấn chắc hẳn sẽ thấy rõ thực trạng này. Đây cũng là một thử thách khó khăn cho các bạn sinh viên trong quá trình xin việc đầy cạnh tranh hiện nay.

4. Hạn chế trong trình độ tiếng Anh
Tiếng Anh chính là tấm vé thông hành cho tất cả các ngành nghề hiện nay. Tất cả sinh viên đều được học tiếng Anh trong trường và đa số các bạn đều có sẵn bằng cấp tiếng Anh để ứng tuyển vào các công ty. Tuy nhiên, cách thức dạy và học thụ động, không áp dụng thực tế làm cho kỹ năng ngoại ngữ chỉ còn là con số 0. Các công ty mong muốn nhân viên phải vận dụng được tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp vào công việc nhưng đa số sinh viên không thể đáp ứng được. Chính vì thế, để vượt qua hạn chế này, các bạn sinh viên nên cố gắng thực hành tiếng Anh càng nhiều càng tốt hơn là chỉ cố gắng học để lấy được một bằng cấp hữu danh vô thực. Một khi tiếng Anh vững chắc thì thành công sẽ mở lối cho chúng ta.

5. Sự bị động trong quá trình tìm việc
Nhiều sinh viên mới ra trường còn thụ động trong công tác tìm việc cho bản thân. Họ chỉ gửi hồ sơ đến các công ty trên Internet và chờ đợi nhà tuyển dụng gọi phỏng vấn. Hãy hiểu rằng hàng ngày nhà tuyển dụng nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc từ các nguồn khác nhau và việc bạn bị hòa lẫn với hàng loạt các ứng viên khác là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, có một số người ngồi ở nhà không làm gì vì trông chờ vào ba mẹ hay người thân quen xin việc giúp. Chính điều đó làm cho các bạn mất tính cạnh tranh và bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Hãy cố gắng mở rộng mọi mối quan hệ mình thông qua nhiều kênh khác nhau để tạo thêm nhiều cơ hội cho bản thân. Bên cạnh đó, không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cho bản thân để bắt kịp với nhu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng chính là việc các bạn phải làm song song với việc tạo lập mối quan hệ. Điều này sẽ giúp tăng cao khả năng xin việc của các bạn.

6. Sự không minh bạch trong tuyển dụng
Một quy tắc ngầm trong xin việc mà ai cũng hiểu, đó chính là: mối quan hệ và tiền tệ. Có những bạn may mắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được ba mẹ vận dụng mối quan hệ quen biết để xin được một công việc ổn định. Ai cũng phải công nhận rằng trong thời buổi tìm việc khó khăn hiện nay, để tìm được một công việc là một quá trình rất khắc nghiệt và khó khăn đối với những người không có mối quan hệ và năng lực tài chính mạnh. Chính quy tắc ngầm này đã tạo nên sự bất công trong quá trình tuyển dụng. Có những bạn năng lực học tập hay kỹ năng làm việc hạn chế vẫn có được việc làm nhờ vào sự quen biết của gia đình. Ngược lại, những bạn có hoàn cảnh bình thường thì phải chật vật để tìm được một công việc đủ nuôi sống bản thân. Thực trạng này dù bất công như thế nào thì cũng đã được sự chấp thuận từ lâu trong xã hội bởi lẽ không ai có thể phủ nhận sức mạnh của đồng tiền và địa vị.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN