Là một trong những địa điểm có nhiều làng nghề truyền thống nhát trên cả nước , những làng nghề truyền thống ở vẫn còn đang hoạt động hiện tại . Chúng ta cùng đi xem đó là những làng nghề nào nhé.
1.Cốm làng Vòng
Vâng! Không biết tự bao giờ, cốm làng Vòng đã quyện hoà với sắc thu Hà Nội, để trở thành nỗi nhớ của người Hà Nội lúc đi xa. Hạt cốm xanh rờn ấy vừa dẻo vừa thơm – cái hương thơm rất riêng của lúa nếp mới qua thời kỳ ngậm sữa, lại được những nghệ nhân cha truyền con nối kỳ công sáng tạo để hiến cho đời một món ăn tao nhã mang đậm hương sắc Việt Nam.
Người ẩm thực sành điệu nhâm nhi hạt cốm làng Vòng với chén nước chè Thái Nguyên cao suốt, hay thưởng thức cốm Vòng với những quả hồng trứng đỏ mọng, quả chuối tiêu trứng cuốc. Các chàng trai khôn ngoan đặt gói cốm làng Vòng cạnh chục hồng trứng làm quà sêu tết bố vợ tương lai. Màu xanh tươi của cốm như màu ngọc thạch quí giá hoà hợp với màu đỏ thắm của hồng như màu ngọc lựu già. Một thứ ngọt thanh, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau cho cuộc nhân duyên càng thêm ý nhị. Bánh cốm được coi là bánh cưới, gửi thay cho cánh thiếp hồng báo hỷ. Mình bánh làm bằng cốm Vòng xào với đường và mỡ, thêm nhân bằng đậu xanh giã nhuyễn trộn với đường và ít sợi dừa trắng muốt, gói hình vuông, bọc lá chuối xanh, buộc dây lạt đỏ. Màu lạt như màu những sợi tơ hồng vấn vít xe duyên. Người đời biết cốm Vòng không ít, nghĩ ra nhiều cách thưởng thức cốm Vòng sao cho ý nhị và lý thú, nhưng có mấy ai hiểu được người làng Vòng làm ra hạt cốm thật lắm công phu, vất vả.
Người ta không biết đích xác nghề làm cốm làng Vòng có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ xưa truyền lại: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến. Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm. Hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm… Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi luỹ tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua nhà Lý (1009 – 1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An. Vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 âm lịch trở đi.
Lúa gặt về, tuốt lấy hạt, sàng bỏ những cọng rơm, đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy rồi đổ vào chảo rang bằng gang đúc. Ðể giữ được nhiệt, bếp lò rang cốm phải đắp bằng xỉ than có bề dày 15cm trên miệng, 40cm dưới chân, nhưng không đốt bằng than (nhiệt lượng quá cao) mà phải dùng củi (dễ điều chỉnh lửa). Lúc đầu rang vừa lửa, khi hạt thóc tái trắng thì bớt lửa đi. Hạt thóc rang phải được đảo liên tục, sao cho nóng đều. Rang 30 phút thì xem thử. Mỗi lần thử bốc lấy 5 hạt đặt lên một miếng gỗ, lấy ngón tay cái miết mạnh lên từng hạt thóc, nếu thấy “2 quằn 3 róc” – tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng quằn lại, 3 hạt róc vỏ nhưng không quằn – là được. Thóc rang xong, để nguội, cho vào cối giã, mỗi mẻ giã khoảng 5 kg. Giã mươi phút, thấy có trấu thì xúc ra, xẩy trấu đi, lại giã, tới 7 lần, mỗi lần phải tuỳ theo cốm khô hay ướt mà có biện pháp xử lý. Lần giã thứ 5 phải phân cốm ra làm 3 loại: cốm rón, cốm non và cốm gốc và giã riêng từng loại trong hai lần cuối. Cốm thành phẩm được gói thành hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá; Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng, thanh cao.
2.Làng đúc đồng Ngũ Xã
Làng Ngũ Xã nằm bên bờ hồ Trúc Bạch phía Tây Hà Nội, hồ Trúc Bạch ăn thông với Hồ Tây mênh mông. Quanh bờ Hồ Tây tập trung các làng nghề thủ công nổi tiếng của kinh thành Thăng Long trong nhiều thế kỷ – nghề dệt lĩnh hoa và nghề giấy dó Yên Thái, nghề đúc đồng Ngũ Xã…Ngũ Xã nghĩa là 5 làng (Đông Mai, Châu Mỹ, Làng Thượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm – Hải Hưng và Thuận Thành – Hà Bắc) vốn có nghề đúc thủ công. Dân 5 làng kéo về Thăng Long lập nghiệp và lập nên làng nghề mới, lấy tên Ngũ Xã để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình. Họ tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã.
Tài năng và sản phẩm:
Nói đến Ngũ Xã là nói tới tài năng của thợ đúc đồng Việt Nam, mà những sản phẩm nổi tiếng của họ – ra đời trong suốt gần 500 năm nay đã trở thành những tác phẩm lớn, tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc. Một trong những pho tượng nói lên trí tuệ, tài năng, bản sắc bí quyết và sự lao động cần mẫn, giàu sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công đúc đồng Ngũ Xã là tượng Di Đà ở chùa Trần Quang ngay trên đất làng này. Tính cả tượng và tòa sen làm đế, pho tượng Di Đà cao 5m50, nặng 12 tấn 300 kg. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế trên mọi lĩnh phương diện, cả kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của ta. Tượng được bố cục hết sức hài hòa, hợp lý. Từ thân hình, dáng ngồi đến nếp áo đều toát lên sự trầm lắng sâu xa, nhưng lại sống động như người thực – thể hiện quan niệm nhân sinh truyền thống đạo Phật Việt Nam. Các sản phẩm đồ đồng Ngũ Xã – những sáng tạo tài hoa của các bậc tiền nhân nơi đây quả thực không chỉ có tượng Phật Di Đà, mà còn hàng loạt tác phẩm đã rất nổi tiếng được coi là các kiệt tác của Việt Nam.
Bí quyết kỹ thuật:
Trình độ đúc đồng của thợ Ngũ Xã đã đạt tới đỉnh cao. Thành công của người Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay đã khẳng định tài năng kỳ lạ của họ. Bên cạnh sự thông minh sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo và đức tính cẩn trọng, người thợ thủ công còn có bí quyết nghề nghiệp và kinh nghiệm từ lâu đời. Bí quyết đúc đồng của Ngũ Xã, theo tục truyền là ở các khâu làm khuôn, nấu đồng, rót đồng thành sản phẩm.Từ ý đồ ban đầu, theo đơn đặt hàng, các nghệ nhân phải tiến hành hai công việc: tạo mẫu và làm khuôn. Mẫu thường đắp bằng sáp hay nến (praphin). Đối với thợ Ngũ Xã, việc khó nhất là làm khuôn, làm khuôn phải căn cứ vào tượng mẫu, khuôn có nhiều loại nhưng chất liệu thường dùng hơn cả là đất sét, bùn ao, giấy bản, vôi, trấu…Người ta dùng đất bùn ao phơi sấy khô, rây mịn xong trộn với tro trấu, giấy bản đã giã nhỏ phơi sấy khô để làm khuôn luyện đồng tinh chất. Khuôn tạo hình thì làm bằng đất sét trắng.
Nghệ nhân bao giờ cũng nung khuôn trước khi đúc. Việc điều chỉnh nhiệt độ khi nung khuôn là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải tinh vi, cẩn thận và giàu kinh nghiệm. Nung sao cho các đường vân trên khuôn không bị xây xước, để khuôn vừa chín để không bị rạn nứt, khi gắn các mảng khuôn không bị gờ gợn ở chỗ giáp ranh. Khi đúc, các nghệ nhân đặc biệt chú ý và tập trung mọi cố gắng vào 2 việc nấu đồng và rót đồng vào khuôn. Nấu đồng nguyên chất (đồng đô) và pha các kim loại khác theo tỷ lệ rất nghiêm ngặt, để tạo đồng hộp kim. Họ thường cân đo lượng đồng bằng mắt, bằng tay (nghĩa là ước lượng một cách chính xác), không có máy móc hiện đại nào trợ giúp. Đây quả là những bí quyết kỹ thuật đặc sắc nhà nghề. Đối với chuông, cần cho thêm kim loại quý hiếm (vàng, bạc) vào hợp kim đồng. Nhưng sợ pha chế thêm vàng bạc bao giờ cũng để đúc thâm và vú chuông, nhằm tạo âm thanh trong và ấm khi đánh lên. Đồng nấu đồng thời một lúc, dù phải tập trung nhiều lò. Rót đồng vào khuôn cũng liên tục, không ngừng nghỉ. Có như vậy, sản phẩm đúc dù lớn đến mấy cũng không hề có vết chắp nối. Kỹ thuật đúc đồng Ngũ Xã từ lâu đã được đánh giá cao, đã làm cho chúng ta và khách quốc tế phải hết sức khâm phục. Người Ngũ Xã tự hào về nghề đúc đồng của mình, một nghề đã trở thành truyền thống quý báu của họ.
3.Làng giấy dó Yên Thái
Làng nghề giấy nổi tiếng Yên Thái, còn gọi là làng Bưởi, ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Nghề làm giấy ở đây bắt đầu từ thế kỷ XV, được Nguyễn Trãi nói đến khá rõ trong sách “Dư địa chí” của ông (viết năm 1435): Phường Yên Bái ở Thăng Long đương thời chuyên làm giấy; người thợ thủ công ở đây đã làm ra giấy thị (để viết chỉ thị); giấy lệnh (để ghi mệnh lệnh). Phường giấy Yên Thái trước đây luôn vang dội nhịp chày giã vỏ dó làm giấy. Âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca, đã gợi cảm hứng cho những tâm hồn thi nhân nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ:
“Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”
(Nguyễn Huy Lượng – Tụng Tây Hồ Phú)
Thế nhưng, đằng sau những tờ giấy thanh tân, đằng sau cái “Nhịp chày Yên Thái” “nện trong sương” giữa quanh co ngọn nước “Mặt gương Tây Hồ” kia đã mấy ai hiểu hết sự khó nhọc của người thợ làm giấy! Trong cuốn “ca dao ngạn ngữ Hà Nội” có những câu ca dao về lao động của người thợ Yên Thái:
Giã nay rồi lại giã mai
Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày
Hay:
Xeo đêm rồi lại xeo ngày
Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi!
Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái cũng như một vài nơi khác đã được chuyên môn hóa từ khá sớm. Nguyên do là nghề giấy phải qua nhiều công đoạn sản xuất với kỹ thuật khá phức tạp. Nó đòi hỏi từng loại thợ ở từng công việc cụ thể phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Có thể nói, ở tất cả các công đoạn sản xuất – từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, xeo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán – đều hết sức vất vả. Làm giấy thủ công trước đây hầu như hoàn toàn phải bằng sức người, bằng đôi tay trần của người thợ. Sản xuất giấy cần rất nhiều nước, mà phải nước sạch, lại phải cần lửa, để đốt lò nấu bột dó. Xưa kia, ở làng Yên Thái, người ta chọn ven bờ sông Tô Lịch để làm nơi sản xuất, ngâm, đãi, nấu dó. Những cái vạc lớn nấu bột dó đặt trên các lò đắp đất trên bờ sông. Cạnh đấy là bãi sông – nơi ngâm, giậm và đãi vỏ dó. Trên bờ sông ấy có giếng nước rất sâu, trong mát, đã nổi tiếng một thời ở Thăng Long xưa. Bố trí và tổ chức nơi sản xuất giấy của làng nghề này vừa thuận tiện vừa hợp lý. Lò nấu đó của Yên Thái được đắp cao tới 5m. Miệng lò đặt chiếc vạc lớn, đường kính 2m. Vỏ dó được đun cách thủy trong vạc đó. Khi vỏ dó chín, người ta vớt ra và đem ngâm nước vôi một lần nữa. Dó nấu chín, ngâm nước vôi, được đem giã nhuyễn bằng cối lớn, chày tay.
Công việc hòa ngâm bột giấy trong bể lọc (gọi là tàu xeo) và kỹ thuật xeo giấy của những người phụ nữ làng Yên Thái không có gì khác các làng giấy khác. Nghĩa là xeo giấy phải có nhớt nước. Nước nhớt chế từ nhựa cây mò. Đó là thứ men, hay nước men để hòa tan bột dó trong bể ngâm (tàu xeo) đồng thời làm cho bột dó kết thành giấy khi được vớt ra khỏi tàu xeo. Hơn nữa, nhờ men nước này, các tờ giấy bóc khỏi bàn xeo, dù còn ướt, để chồng lên nhau vẫn không bị dính với nhau.
Ép giấy: Từng chồng giấy ướt vừa xếp lại khi đã nhấc ra khỏi tàu xeo được đem ép kiệt nước. Ép giấy bằng bàn gỗ có tay đòn, bằng phương pháp dùng lực đòn bẩy. Người thợ Yên Thái lại dùng lò sấy là chủ yếu ít khi phải đem phơi giấy. Dù trời mưa vẫn không ảnh hưởng đáng kể đến công việc, giấy vẫn được sấy khô như thường.
Sản phẩm truyền thống của Yên Thái chủ yếu là giấy bản để in sách và viết chữ Nho và giấy dó (dày hơn giấy bản) để in tranh dân gian. Ngoài ra thợ giấy Yên Thái cũng sản xuất loại giấy moi, giấy phèn bằng nguyên liệu xấu hơn. Mặt giấy ấy thô ráp, bán cho khách mua để gói hàng.
4.Làng hương Yên Phụ
Nói tới Thăng Long – Ðông Ðô – Hà Nội đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, không thể không kể tới những làng nghề truyền thống, bởi chính những làng nghề, phố nghề đã ở Hà Nội đã mai một như Ngọc Hà, Ngũ Xã, An Thái … nhưng Yên Phụ, một làng làm hương vẫn như sống mãi với thời gian. Nằm ở cửa ô Yên Phụ, qua dốc Thanh Niên – Cổ Ngư là tới làng nằm ven hồ Tây mênh mông kỳ bí, trước kia thuộc quận Ba Ðình, nay về quận mới Tây Hồ. Ngoài nghề nuôi cá cảnh mới được du nhập mấy chục năm nay, thì người dân ở đây vẫn có nghề làm hương đốt từ lâu đời.
Theo một số tư liệu cũng như các bậc cao niên trong làng kể lại thì nghề làm hương ở đây do một người Trung Hoa mang tới từ thế kỷ 13 và dạy cho dân làng. Ðạo Phật và tục đốt hương phát triển ở đây mà còn ở nhiều nơi khác. Bước sang thế kỷ này, nghề hương ở Yên Phụ phát triển mạnh mẽ nhất và không chỉ thu hút dân trong làng mà còn hấp dẫn các làng An Dương, Nghi Tàm theo nghề với số lượng lớn. Ðầu những năm 80 nghề hương ở đây có dấu hiệu bị mai một khi rất nhiều gia đình bỏ nghề chuyển qua nuôi cá cảnh và kinh doanh, buôn bán. Lúc này chỉ còn khoảng 20% số hộ trong làng còn làm nghề. Thế nhưng, chỉ 7-8 năm sau, bước sang những năm 90, nghề này lại được khôi phục. Nghề làm hương tuy không nhàn hạ và thu nhập cũng chẳng lấy gì làm cao nhưng người dân vẫn một mực theo nghề vì họ cho rằng đây là nghề truyền thống, vả lại từ lâu người dân đã sống bằng nghề này giờ không biết chuyển nghề nào cho hợp.
Quả đúng như vậy, nghề hương ở đây rất vất vả, để làm ra được que hương phải mất bao nhiêu công đoạn. Nhà làm nghề thì tất cả các thành viên trong gia đình đều phải làm việc cật lực với sự phân công mỗi người một việc, từ nhỏ tới lớn, từ một việc, từ đơn giản nhất tới phức tạp. Người già và trẻ em thường đảm nhiệm những công việc nhẹ nhàng không phức tạo như vót que, phơi và thu lượm, đóng bao thành phẩm.
Công đoạn khó và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột mùn hương (loại mùn cưa gỗ) với một số hương liệu như bột hồi, quế, trầm… Công việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha chế không cẩu thận hoặc không đúng liều lượng, hương sẽ không thơm.
5.Làng làm bánh chưng Thanh Khúc
Chiếc bánh chưng xanh từ bao đời nay đã trở thành món ăn dân tộc không thể từ câu chuyện truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu thời Hùng thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Xưa kia, bánh chưng là lễ vật cao quý dùng để dâng biếu vua quan khởi nguồn Vương, nhờ dâng vua cha loại bánh chưng quý giá này mà được nhường ngôi vua.
Ở Hà Nội, có một làng nghề gắn liền với truyền thuyết ấy. Ðó là làng Thanh Khúc, còn gọi là Tranh Khúc, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hàng năm, cứ dịp 10-3 âm lịch, người làng Thanh Khúc lại đem lễ vật bánh chưng lên đền Hùng (Phú Thọ) để dâng cúng. Thanh Khúc nằm về phía nam thành phố. Ðến làng vào dịp cuối năm ta mới cảm nhận được cái không khí chuẩn bị tết sớm và náo nức như thế nào. Trong nhà các “ông chủ bánh chưng” có đến cả tấn gạo, tạ đỗ. Ở làng Thanh Khúc nhà nào cũng làm bánh chưng. Chỉ có điều làm ít hay làm nhiều thôi. Gia đình làm ít cũng 1-2 yến gạo mỗi ngày, còn gia đình làm nhiều thì phải 1-2 tạ gạo. Bánh chưng Thanh Khúc đã có danh tiếng từ lâu đời nhờ bánh ngon, hình thức đẹp, bảo đảm vệ sinh thực phẩm nên lượng bánh tiêu thụ hàng ngày cũng như ngày lễ tết rất lớn. Các gia đình ở làng Thanh Khúc ít đi bán lẻ mà thường đổ buôn bánh chưng đến các chợ Hôm, chợ Ðồng Xuân…đến các bệnh viện, khách sạn lớn ở Hà Nội.
Bí quyết gì giúp bánh chưng Thanh Khúc ngon và nổi tiếng đến vậy? Muốn bánh chưng ngon thì trước hết khâu chọn nguyên liệu làm bánh phải thật chu đáo. Phải chọn gạo nếp ngon, trước lúc gói cần được ngâm kỹ, thịt không ôi, đảm bảo mỗi miếng thịt có đủ thịt bì mỡ. Ðậu xanh khi đồ cần hớt bọt, chín vừa tới, giúp đậu còn độ thơm, ngậy. Nhân đậu, thịt phải cho đủ gia vị. Lá dong to bản, rửa sạch, lau khô trước khi gói. Gói xong cần luộc ngay tránh hiện tượng thịt, đậu, gạo để lâu dễ lên men. Khi xếp bánh để luộc cũng cần phải cẩn thận. Không xếp bánh sống hoặc bánh chín nhừ quá. Lửa đun bánh phải đều giúp bánh rền, ngon và luộc không dưới 8 tiếng đồng hồ.
Vào những ngày áp tết, mỗi gia đình làm bánh chưng ở Thanh Khúc cần từ 10-25 người phục vụ, cần 5-10 lò luộc của khách hàng. Không ít khách hàng từ các tỉnh, thành phố khác tới đặt bánh. Những ngày này, từ các em nhỏ 10-15 tuổi đến các cụ già 70-80 tuổi đều tham gia làm bánh.
Trong không khí vui tết, vui xuân, người thưởng thức bánh chưng mới cảm nhận được cái hương vị đậm đà của một loại bánh dân tộc. Tết mang vài cặp bánh chưng Thanh Khúc tới nhà ai thì như đem niềm vui, đem không khí ấm áp của mùa xuân tràn ngập vào gia đình đó.
6. Làng nghề Bát Tràng
Bát Tràng là một làng cổ nằm bên sông Hồng, đến đầu làng ta đã bắt đầu thấy những bình hoa, chậu cảnh, tượng gốm bày la liệt, rải dài theo ngõ ngách khắp làng; cả hàng mộc, thô cho đến những thành phẩm trau chuốt, bóng bẩy, đa hình, đa sắc; cả đồ dân dụng cho đến hàng mỹ nghệ đắt tiền. Tương truyền, gần 6 thế kỷ trước, có một nghệ nhân cao tuổi, râu tóc đã bạc trắng, từ làng Bồ Bát trong Thanh Hóa đến Bát Tràng hành nghề, dựng nghiệp, rồi truyền lại nghề gốm bàn xoay cho dân làng. (Gọi là gốm bàn xoay, bởi cách nặn, chuốt đồ gốm trên một cái mâm luôn luôn được đạp cho quay tròn). Câu chuyện về cụ nghệ nhân tóc bạc trắng chỉ là truyền khẩu. Còn theo những gì được ghi lại trong sử sách thì làng nghề Bát Tràng cũng đã có đến 500 năm tuổi. Một số thư tịch cổ có ghi việc thời Lê sơ, thế kỷ 15, các cống phẩm triều đình cống nạp cho nhà Minh bên Trung Quốc gồm các sản vật quý như gấm, vóc, lụa là, châu ngọc , và có cả đồ gốm Bát Tràng. Nhưng có thể nói, nghề gốm ở Bát Tràng cực thịnh là vào thế kỷ 16, thế kỷ 17. Nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, đền, chùa, miếu còn đến nay, thấy có ghi tên tuổi những người cúng tiến và thời gian chế tác, thì biết những đồ gốm Bát Tràng cực kỳ đẹp cả cốt, dáng, nét và men đã ra đời vào thời Mạc Mậu Hợp và thời Lê Trung Hưng.
Từ xưa, dân Bát Tràng đã sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Đất sét để làm đồ gốm, người Bát Tràng phải mua từ làng Cổ Điển bên Vĩnh Phú, hoặc mua từ làng Dâu bên Bắc Ninh. Hàng gốm Bát Tràng thời kỳ đầu là đồ gốm trắng, mãi sau mới chuyển sang làm đồ đàn. Gốm đàn là loại gốm “xương” đỏ, miệng loe, mỏng và thấp. Nghĩa là người thợ làm “xương” gốm bằng đất đỏ, rồi mới lót một lượt đất trắng mỏng ra ngoài. Quy trình gia công này có công đoạn phải đàn cho “xương” và “da” gốm mỏng ra, do vậy mới gọi là đồ đàn. Đất đỏ làm đồ đàn phải mua từ Hồ Lao, Hồ Lễ bên Hải Dương hoặc mua của Thổ Hà bên Bắc Ninh. Lò đàn của Bát Tràng truyền thống làm theo cấu trúc dưới vuông trên cuốn. Khi đưa đồ vào nung phải xếp trong những bao thơi. Bao thơi là 4 viện gạch vuông cỡ lớn, rộng chừng 33cm, dày 8 đến 9cm, ghép lại thành hình hộp, trong lòng vừa đặt 4 cọc bát hoặc những đồ khác tương đương. Các bao thơi chứa đồ gốm bên trong được xếp vào lò, chồng lên nhau từ thấp lên cao. Mỗi mẻ lò nung được hàng trăm ngàn bát đĩa. Gạch làm bao thơi sau mỗi lần dùng, nếu không vỡ, sẽ được dùng tiếp cho lần sau. Bởi thế mà độ già, độ rắn chắc của gạch này rất cao, chất lượng tuyệt tốt, nên người tứ xứ ưa mua loại gạch này về để xây cất. Người xưa hay dùng nó để xây nhà, lát sân, xây mộ, xây giếng… Từ đó mà có câu ca : Anh mua về gạch Bát Tràng – xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Ngoài bát đĩa, ấm chén thông dụng, Bát Tràng còn làm nhiều hàng khác, như các đồ thờ tự và các đồ cho trang trí nội, ngoại thất : độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, các bộ tượng tam đa, tam thánh, chậu hoa, con giống, gạch trang trí cao cấp… Hàng Bát Tràng từ xa xưa đã nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men màu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Đặc biệt là Bát Tràng đã có men lý, men nho, men này màu gần như màu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Tiếc thay, đến nay loại men quý này đã bị thất truyền. Câu nói truyền miệng của người Bát Tràng “nhất nho, nhì lý” không chỉ nhằm ca ngợi thứ đặc sản của quá khứ vinh quang, mà còn như một lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay gắng sức tìm lại giá trị ông cha đã đạt được. Riêng hai loại men rạn, là rạn xương đất đen và rạn xương đất trắng rất có giá trị từ xưa, thì ngày nay các nghệ nhân chế tác rất thành công.
Nói đến làng nghề Bát Tràng, không thể không nêu những linh hồn của làng, đó là các nghệ nhân. Thời nay, Bát Tràng có những nghệ nhân xứng đáng với truyền thống của mình, như các ông Trần Văn Giàng, Nguyễn Văn Cổn, Lê Văn Cam, hoặc nghệ nhân rất trẻ như Lê Xuân Phổ… Các nghệ nhân, có người chú trọng về men, nói cách khác là giỏi độc đáo về men; có nghệ nhân chuyên sâu về tạo dáng; có nghệ nhân tài về vẽ… Nói đến gốm sứ, giá trị của nó đã được gói gọn trong câu nhất dáng, nhì men, sau đó mới đến nét khắc, vẽ. Giờ đây, gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng đã và đang tiếp tục chinh phục người tiêu dùng, bởi các nghệ nhân Bát Tràng chú ý đến tất cả các mặt tạo nên cái đẹp của đồ gốm sứ. Dáng gốm thì thoáng, nhìn mát mắt. Men màu thì tự nhiên, phóng khoáng, tạo được độ trong và sâu. Về trang trí, nếu dùng nét khắc chìm thì loại men có độ chảy cao sẽ làm nổi bật hình vẽ. Bởi vậy, thị trường ăn hàng Bát Tràng đã rộng khắp nước, và có một lượng không nhỏ được bán đi các nước Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan…
7.Làng nghề kim hoàn
Mặc dù chúng ta đã quá quen thuộc với những mặt hàng của đồ trang sức hoặc những vật dụng trang trí hay đồ mỹ nghệ bằng vàng bạc nhưng khi nói tới lịch sử, xuất xứ nghề kim hoàn ở nước ta, ít có người quan tâm tới.
Ở nước ta, hai kinh đô Thăng Long và Huế là nơi có lịch sử truyền thống lâu đời mang tính tập trung của những người thợ làm vàng bạc nổi tiếng, những nghệ nhân đó đã được lớp hậu duệ tôn thờ mãi cho tới ngày nay. Ở kinh đô Thăng Long trước đây, làng Đình Công Thượng là cơ sở phục vụ vàng bạc sớm nhất cho kinh thành Thăng Long. Dân gian kể lại rằng, vào cuối thế kỷ VI, ở làng Đình Công có ba anh em họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, do nghèo khổ dưới ách thống trị của nhà Đường làm cho anh em họ Trần phải tha phương cầu thực tới một nước láng giềng, rồi từ đó họ học được nghề kim hoàn. Khi trở về quê hương, họ truyền nghề cho dân làng. Sau này làng Đình Công có nghề truyền thống vàng bạc phục vụ thị trường ở Thăng Long. Từ thế kỷ XVIII, XIX khi nền kinh tế Thăng Long, Hà Nội ngày một phát triển cao, những nghệ nhân này mới đi dần lên Thăng Long hành nghề bằng chuyên môn của mình là các đồ nữ trang như hoa tai, xuyến, vòng… ở phố Hàng Bạc ngày nay. Thế kỷ XV, khi ngành luyện kim ở nước ta tiến bộ, nghề đúc bạc nén bước vào giai đoạn mới, thoát thai từ làng Trần Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng).
Dân gian kể lại rằng, dưới thới Lê Thánh Tông (1461) trong làng này có ông Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập nên một tràng đúc bạc và tiền ở Thăng Long, sau đó làm tới chức Thượng Thư Bộ Lại, rồi được tôn làm thủy tổ của nghề đúc bạc. Về sau, người làng của ông ra Thăng Long hành nghề ngày càng đông. Phố Hàng Bạc được thành lập từ đó. Họ đã xây dựng nên các tràng đúc bạc (nay là 58 phố Hàng Bạc) làm nơi sản xuất. Hai ngôi đình: Thượng Đình (số 50 Hàng Bạc) và Kim Ngân Đình (số 42 Hàng Bạc) là nơi giao nộp thành phẩm cho Nhà nước đương thời. Qua thời gian, nhu cầu về vàng bạc càng ngày càng lớn. Phố Hàng Bạc còn có thêm một số nghệ nhân người làng Đồng Sâm (huyện Kim Sương, tỉnh Thái Bình) đến đây làm ăn sinh sống, với sở trường chạm trổ những đồ vật lớn bằng bạc như hộp trầu, chén bát dĩa, đỉnh, lư đèn…
Ông Tổ của phái này là Nguyễn Kim Lân, sống vào thế kỷ XV. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, các Chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong, nơi có nhiều mỏ vàng như Bồng Miêu, Trà Kiệu, vàng của dân tộc Chàm (Chămpa) do các vua chúa chôn giấu. Đến cuối đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, có ông Cao Đình Độ, sinh năm 1746, người làng Cẩm Tú, tỉnh Thanh Hóa, sống bằng nghề bịt đồng thau (hàn khay gãy, bịt chén bể) nhờ đôi tay khéo léo, thông minh sáng tạo, ông học nghề kim hoàn với một Hoa Kiều và đã trở thành một nghệ nhân đặc biệt. Sau đó thành nghề, ông mang vợ và con trai của ông là Cao Đình Hương (sinh năm 1773) vào Thuận Hóa, lập nghiệp tại làng Kế Môn (nay thuộc huyện phong Điền – Thừa Thiên Huế) được Hoàng đế Quang Trung triệu cả hai cha con vào cung, lập Cơ vệ ngành ngân tượng, chuyên làm đồ trang sức cho Hoàng Gia. Sau ngày Nguyễn Ánh chiếm Thuận Hóa, tất cả những thành tựu văn hóa được xây dựng thời Tây Sơn đều bị phá hủy. Riêng ngành ngân tượng vẫn giữ nguyên. Ông Cao Đình Độ và con trai của ông bị buộc phải tiếp tục phục vụ cho vua quan nhà Nguyễn.
Cả hai cha con đều được tôn vinh là đệ nhất và đệ nhị Tổ sư nghề kim hoàn tại Huế. Đến nay, truyền thừa đã được hơn 7 đời, phát triển vào khắp miền Trung và Nam, vào ngày giỗ Tổ, các thợ kim hoàn xuất xứ ở đây đều tựu về Tổ Đinh kim hoàn thăm viếng và dâng hương đông đảo. Lăng mộ của hai ông được kiến trúc công phu, trang trọng, bề thế và đẹp đẽ. Chất lượng của vàng bạc rất phức tạp, chúng ta có vàng lá (còn gọi là vàng điệp, vàng 10 tuổi dưới dạng lá mỏng, như vàng lá Kim Thành). Vàng nén (hay còn gọi là vàng ròng, dưới dạng thỏi, mỗi thỏi nặng mỗi yến, theo cân Trung Quốc). Vàng Hời (vàng chôn dưới đất lâu năm của dân Chàm ngày xưa, vàng này có pha lẫn với nhiều bạc, nên có màu vàng xanh, từ 6 đến 6,5 tuổi, thường đào lên gặp quả cau, con rùa, con cua, buồng chuối, ông Phật…) Vàng Bồng Miêu (hiện đang khai thác quy mô ở Quảng Nam – Đà Nẵng, đó là loại vàng sa khoáng, có dạng hạt tấm, bụi cát, lẫn trong đất cát hoặc ẩn bên trong đá). Vàng Tây rất nhiều loại, người ta đánh giá vàng Tây bằng Karat (khác với karat đo trọng lượng hạt xoàn), có 10K, 12K, 14K, 16K, 18K, 20K, 24K. Có loại nhập cảnh dưới dạng nữ trang, có loại hộp chế gồm hợp kim đồng, bạc với vàng ta, để thành vàng Tây. Vàng hóa học thường dùng trong mỹ nghệ, thường điều chế để bịt răng hoặc trang trí dưới nước, loại vàng này ở dưới nước vẫn bóng loáng quanh năm, gặp không khí lâu ngày sẽ bị thâm đen. Đồng thòa (còn gọi là Đồng xứng, là hợp kim 50% vàng ta, 50% đồng đỏ, vàng thường làm bông tai để đeo). Vàng chân là loại trang sức bên trong bằng bạc hoặc đồng, nên ngoài chỉ đọc một lớp vàng như khâu chấn, bông búp chấn. Vàng xi mạ (dùng dòng điện xúc tác bao phủ một lớp vàng thật mỏng trên đồ trang sức bằng bạc hay đồng, thoạt trông như đồ vàng thật).
Thợ kim hoàn ở tỉnh nào cũng có, mà tập trung nhiều nhất là ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… sản xuất các mặt hàng nữ trang tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
8.Rượu nếp gảy làng Tó
Làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến không chỉ như một nơi trung chuyển vải khổng lồ của các tỉnh phía bắc mà tự bao đời, ngôi làng cổ này, với tên gọi đẹp nền nã, bình dị như nhiều làng quê Việt khác: làng Nành- còn được biết đến bởi một nghề không kém phần phong phú, sôi động: nghề làm và buôn bán đông dược. Làng Nành, hay làng Ninh Hiệp, hay Phù Ninh, đều là những tên gọi chỉ mảnh đất lành này cả.
Những câu chuyện kể lại
Nghề làm thuốc ở Ninh Hiệp hình thành từ khá lâu đời. Người già trong làng kể lại, thuở xưa, người làng Nành chỉ biết làm ruộng làm nương, không có nghề phụ nên cuộc sống người dân vất vả, lam lũ tứ mùa. Tương truyền, vào thời Lý, khoảng năm 968, làng Ninh Hiệp lúc đó tên gọi Phù Ninh. Bà Lý Nương trong một lần ghé qua đây, thấy người dân hiền lành hiếu khách, nên bà cảm mến lắm. Nhìn cảnh dân đau ốm, bệnh tật, bà bèn trổ tài dùng lá cây để chữa bệnh giúp dân. Thế rồi, để đáp lại tấm lòng tha thiết được học của người dân đất lành này, bà đã ở lại để dạy cho dân cách trồng và biến cây thành những thang thuốc để chữa bệnh cứu người. Sử sách chép lại, dân các nơi nghe tiếng cũng kéo đến học nghề. Hiện một số làng như Ngọc Lịch, Nghĩa Trai, Như Quỳnh cũng thờ bà là vì thế. Sau khi bà mất, người Ninh Hiệp dựng am thờ bà, bây giờ vẫn còn nhiều dấu tích trên đất Ninh Hiệp. Vua Lý phong bà danh hiệu “Lý nhũ thái lão- Dược tiên thần linh”. Trong cuốn Vũ trung tùy bút của tác giả Phạm Đình Hổ có ghi lại: y học bây giờ chia làm hai khoa: nội và ngoại. Ngoại khoa chia làm ba phái: Phái họ nguyễn ở Bão Từ, phái họ Nguyễn ở Phù Ninh, phái họ Nguyễn ở Văn Lãng. Ba phái ấy dùng thuốc cao thuốc đồ hiệu nghiệm lắm.
Như vậy, có thể khẳng định, từ thế kỷ 17-18 làng Phù Ninh đã là một môn phái trong y học cổ truyền Việt Nam. Hiện trong gia phả của một số dòng họ ở Ninh Hiệp vẫn còn ghi lại, dưới phong kiến, nhiều tên tuổi của làng Nành từng được triều đình cử vào cung chăm lo sức khỏe cho vua và triều thần. Tại một số bia đá còn lại, các nhà Hán nôm cũng đã đọc được những thông tin về người làng Phù Ninh từng làm lương y trong triều đình như, bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) ghi Lương y chánh Thạch Duy Khiêm từng là chánh ngự y triều Nguyễn. Bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 4, có lương y Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Duy Khảo. Cảnh Hưng thứ 17 (1756) có lương y Nguyễn Đình Lệ… Thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức, còn ghi lại có chánh lương y Nguyễn Tán, mất năm 1881, chánh lương y Nguyễn Khắc Hoạt, mất năm 1903. Thầy thuốc xuất thân từ làng Phù Ninh thời nào cũng có, được phân bố rải rác khắp nơi.
Nghề thuốc ở Phù Ninh hồi đó phát triển cả y và dược, đặc biệt, ngành dược buôn bán phát đạt từ thời đó. Hầu hết những nhà khoa bảng, nhà nho trong làng Nành thuở xưa đều biết cắt thuốc chữa bệnh. Nghề thuốc ở Ninh Hiệp cũng từ đó được duy trì và phát triển mãi. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh, tác giả cuốn sách Chuyện cũ làng Nành, được tổ chức UNESCO trao giải Ba, trong cuộc thi viết về văn hóa làng, là một trong những vị cao niên trong làng am hiểu và cũng tha thiết yêu văn hóa địa phương mình. Cụ cho biết: Năm 1680, Hoài Viễn tướng quân, người làng Nành, đi sứ Trung Quốc, vừa lúc hoàng hậu đang lâm trọng bệnh. Hoài Viễn đã được vời đến chữa bệnh cho hoàng hậu. Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh của bà thuyên giảm hẳn. Cảm kích trước tài năng, nước bạn đã ban tặng cho Hoài Viễn tướng quân một bài thuốc linh diệu có tên Thái ất thần cao. Nghe đâu, bài thuốc này có thể chữa được bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh nan y khác. Hiện bài thuốc này đang được Hội đông y lưu giữ cẩn thận. Tuy nhiên, do nguyên liệu toàn thứ khó kiếm, cách làm cũng quá kỳ công nên bài thuốc này đã lâu rồi không được nhắc đến.
Khôi phục nghề xưa
Người Ninh Hiệp, vốn rất nhanh nhạy với cơ chế thị trường, những năm đất nước mở cửa, trở nên giàu lên trông thấy bởi sự năng động trong giao thương buôn bán với bên ngoài. Chính thời điểm này, nghề thuốc của làng dần bị mai một và dần đi vào quên lãng. Người Ninh Hiệp nhảy vào nhiều lĩnh vực buôn bán khác nhau, thị trường cần gì, họ đáp ứng thứ ấy, mùa nào thức ấy, làng Ninh Hiệp không khi nào chịu ngồi yên. Số người bốc thuốc, trồng cây thuốc ở làng vẫn còn nhưng bỏ nghề hầu hết. Đó là những năm những năm 1990, một nhóm những người cao niên trong làng đã nảy ra ý tưởng cần sớm khôi phục lại nghề trước khi bị mất hẳn. Tháng 6 năm 1990, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Chi hội Đông y xã Ninh Hiệp, nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Hải, nguyên là hội viên Hội Đông y Trung ương, làm hội trưởng. Tổ chẩn trị trong dịp này cũng được thành lập. Thanh niên trong làng, thấy sự hăng hái của lớp già, cũng đã tập hợp được một lượng thành viên đáng kể để xin gia nhập. Hội liên hệ để cử một phần sang Viện Đông y để học thêm. Phần nữa tìm lại những vị nhiều tuổi còn nhớ nghề trong làng để học lại. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh cũng góp phần không nhỏ trong việc khôi phục nghề cũ của tổ tiên bằng cách, hằng ngày, cụ vẫn dạy chữ Hán nôm cho lớp trẻ, với chủ định có thể giải mã được những bài thuốc hay, quý của làng mà văn tự cổ còn lưu giữ được nhưng chưa có điều kiện dịch. Hiện nay, một phần do tây y đã phát triển và có những thành tựu rõ rệt trong chẩn và trị bệnh nên ít người theo chữa bằng đông y. Chính vì thế, các hội viên cũng tập trung vào chữa trị những căn bệnh thông thường, hoặc có tính chất mãn tính như dạ dày, thần kinh, suy nhược cơ thể… Các loại cao dán, thuốc viên, thuốc bột… thế mạnh của các cụ ngày xưa, cho đến nay, sau hơn chục năm Hội đông y được thành lập, cả làng Ninh Hiệp cũng không có người làm. Chẳng hạn, để nấu cao để dán, chữa mụn nhọt, đặc biệt cho trẻ nhỏ vào mùa hè, các cụ ngày xưa phải dành hẳn một chiếc nồi riêng, nguyên liệu cho vào nồi nấu lên được đánh liên tục, vừa nấu vừa ngoáy để không bị cháy. Cứ để trên lò nấu liên tục mấy ngày đem mới cho ra được một mẻ thuốc. Quy trình làm thì đòi hỏi công sức là vậy mà trên thực tế, những căn bệnh đó, chỉ cần ra hiệu thuốc tây là có thể mua ngay được thuốc chữa trị kịp thời.
Nói là nói vậy, đông dược thời nào cũng có chỗ đứng nhất định. Nhiều cây thuốc dân gian bắt đầu được để ý trồng và nhân rộng trên đất làng Nành hôm nay. Vào các buổi sáng, chợ xóm 8 trong làng trở thành nơi các loại cây thuốc đã qua sơ chế tập trung về đây buôn bán, trao đổi. Do điều kiện đất chật người đông, người làng Nành hôm nay không có điều kiện để trồng cây thuốc nhiều nữa mà chủ yếu được thu mua từ khắp các tỉnh phía Bắc. Nhưng người ở đây vẫn tự hào, bất kể cây thuốc từng qua tay những ai, phải qua tay người làng Nành mới có thể tự tin xuất khẩu ra nước ngoài được. Nghề buôn bán dược liệu được hình thành xuất phát từ nhu cầu thị trường. Thuốc chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, bởi trên thực tế, Trung Quốc có điều kiện khí hậu thích hợp, vùng trồng rộng lớn nên rất có điều kiện để phát triển thành vùng nguyên liệu. Trong khi đó, ở Việt Nam chủ yếu chỉ phát triển được một số loại thuốc nam, chủ yếu khai thác từ vùng chùa Hương, chùa Thầy. Cây thuốc nhập thô về, được người dân ở đây sấy khô. Việc thái lát thì như một người chuyên buôn bán cây thuốc ở đây nói, người Ninh Hiệp thái đẹp không nơi nào bằng. Quế, hồi, sa nhân… từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… tập trung về, người Ninh Hiệp gia công lại lần cuối, không bao giờ sợ mốc cả. Với các loại củ quả, người Ninh Hiệp mua thô về, tiến hành phân loại rồi sấy khô qua lửa. Sau đó mới đóng gói rồi phân bổ đi các nơi. Các loại củ như quy sâm, quy thục, các hộ ở đây mua về, sấy khô, rồi tiến hành sao tẩm, đóng gói. Còn với các loại thân, rễ cây thuốc, họ mua nguyên cây, rồi thuê người thái thành khúc như ta vẫn nhìn thấy ở quầy thuốc bắc, sau đó sấy bằng diêm sinh. Thấy tôi băn khoăn về sự độc hại của chất diêm sinh trong quá trình sấy, chị chủ cửa hàng quả quyết: Từ lúc sấy khô đến lúc đóng bao chuyển đi cũng phải hơn một tuần, mùi diêm sinh sẽ tự mất, không ảnh hưởng gì đến chất lượng thuốc. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng thực tế tôi thấy, con gái Ninh Hiệp suốt ngày tiếp xúc với việc thái, sấy thuốc mà cô nào cũng da trắng tóc dài, thật chẳng hổ danh quê ngoại của Ngọc Hân công chúa.
Nghề buôn bán thuốc bắc, chính vì thế đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở đây. Chúng tôi đến cửa hàng buôn bán thuốc bắc của vợ chồng nhà anh Chín. Họ đã làm nghề được gần mười năm nay. Trước đây, vợ chồng anh chuyên thu gom hạt sen để bán lại cho các cửa hàng thuốc. Thấy bạn hàng có nhu cầu mua thêm thuốc bắc, họ đã dần dần đáp ứng. Mỗi tuần anh Chín đi Trung Quốc lấy hàng một lần, khoảng bốn, năm tấn, thu lãi tầm vài triệu đồng. Anh ước tính, trong làng phải có vài trăm gia đình có mức buôn bán kiểu nhỏ lẻ như vợ chồng anh, chủ yếu tập trung ở xóm 7, xóm 8. Một phần các hộ gia đình vốn còn mỏng, chưa có điều kiện tậu xe như anh Chín thì có thể liên lạc qua điện thoại với bạn hàng quen sẵn để đặt hàng. Người chủ hàng ở Trung Quốc chịu trách nhiệm đóng gói sẵn gửi về cho người mua theo xe hàng về phân phát cho các hộ ở đây. Hoạt động buôn bán, đặc biệt vào dịp cuối năm như hiện nay, càng trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Thuốc họ mua về hầu như đủ tất cả những thứ nhu cầu thị trường đang cần. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cửa hàng thuốc Đông y đang “mốt” dùng các loại củ, quả để nấu canh dưỡng sinh như củ ngưu báng, nấm đông cô. Thấy tôi tò mò thích tìm hiểu, chị Trung, vợ anh Chín, không ngần ngại, hướng dẫn ngay: Đây là nấm đông cô. Em nên chọn mua loại một có mầu trắng đục, to đều nhau. Loại một như ta đang nhặt đây giá bán buôn tại đây khoảng 100.000 đồng/kg. Nấm loại hai, loại ba ngả mầu đen hơn, kích cỡ cũng không được to đều như loại một, giá bọn tôi bán ra ở đây chỉ bằng hai phần ba loại một thôi. Hay như củ ngưu báng này, loại một củ to, được thái lát vàng óng chúng tôi bán ra loại một 15.000 đồng/kg, loại hai chỉ 7.000 đến 10.000 đồng/kg trong khi đó trên thị trường bán lẻ loại hai đã lên đến 40.000 đồng/kg. Với các cửa hàng bán sĩ, nhà không ở mặt đường như gia đình anh Chín, thu mua và chế biến đông dược thực sự chỉ là một nghề lấy công làm lãi. Bạn hàng của họ thường là những người sành các loại dược liệu, thông thạo về chất lượng, giá cả. Với các cửa hàng bán lẻ ở đây cũng như các hàng thuốc đông y ở Hà Nội, người tiêu dùng thường ít rành về thuốc thì dễ mua phải hàng loại hai với giá của loại một lắm. Chị Trung hồn nhiên tiết lộ “bí mật”, ra dáng cửa hàng của mình làm ăn giữ chữ tín lắm. Cũng phải thôi, làm ăn về lâu về dài, chẳng thể ăn xổi với bạn hàng của mình được. Người Ninh Hiệp nhờ thế bao nhiêu năm nay, việc làm ăn buôn bán của họ vẫn xuôi chèo mát mái.
Cùng với nghề buôn bán vải, Ninh Hiệp được coi là một trong những điểm trung chuyển thuốc đông y lớn vào hàng nhất nhì miền bắc. Với sự phát triển ào ạt như hiện nay, bên cạnh cái lợi nhìn thấy trước mắt, sự làm ăn năng động, cùng những mối quan hệ chằng chịt như hiện nay, cũng có những mặt trái của nó. Để trở thành một làng quê phát triển vừa vững chắc và lành mạnh, bên cạnh cơ chế rọng mở, thông thoáng, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ, từ phía chính quyền địa phương. Cuộc sống giàu mạnh trong sự bình yên, đó vẫn là mục tiêu đạt tới của các làng quê Việt trong nhịp sống mới.