Top 4 làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Tp Hồ Chí Minh

0
14844
Vật Phẩm Phong Thủy

Với một thành phố phát triển nhất cả nước , hiện nay Tp Hồ Chí Mính phải nói là không còn một làng nghề truyền thống nào trên địa bàn thành phố , nhưng trở lại vài năm trước , chắc chắn chúng ta sẽ còn nghe đến những cái tên vô cùng nổi tiếng dưới đây.

1.Làng đúc đồng An Hội
Làng đúc lư đồng An Hội xưa xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và phát triển theo những thăng trầm của lịch sử, cùng với quá trình đô thị quá của Sài Gòn.

Thế nhưng đến nay, với tốc độ phát triển nhanh cùng những biến động của thị trường, đã khiến nghề làm lư đồng nổi tiếng một thời dần bị mai một, mất đi theo năm tháng. Đến nay chỉ còn một số xưởng nhỏ và hộ gia đình còn bám nghề.


2.Làng dệt vải Bảy Hiền
Làng dệt Bảy Hiền tập trung nhiều nhất là ở quận Tân Bình, TP.HCM, tiêu biểu là các con đường Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng, Tái Thiết,…dường như nhà nào cũng làm nghề dệt là chính.

Những ai một lần đi qua làng dệt Bảy Hiền, khi chỉ mới vào đầu con đường Võ Thành Trang, Năm Châu hay Nguyễn Bá Tòng, sẽ nghe được những âm thanh “ầm ầm” của những máy dệt – âm thanh quen thuộc của làng dệt Bảy Hiền cũng như cuộc sống của những người dân sinh sống tại làng dệt.

Được biết, vào những năm thập niên 1960, do chiến tranh và thiên tai tàn phá khốc liệt, nên đa số những hộ làm nghề dệt đều là người Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) đi cư vào Sài Gòn, mang theo cả nghề truyền thống của gia đình đến nơi mới để lập nghiệp.

Cũng trong khoản thời gian đó, các phường 11 và 12 (quận Tân Bình) có khoảng 90% cư dân sinh sống đều là người Quảng Ngãi nên ngoài cái tên làng dệt Bảy Hiền, thì còn được nhiều người gọi với cái tên “xóm xứ Quảng thu nhỏ”. Những năm 80-90 là thời gian hưng thịnh nhất của làng dệt, cung cấp vải lớn nhất đi khắp cả nước.

Đa số những máy dệt đều là máy gỗ thủ công, dùng con thoi để dệt vải là chính, nhưng ngày nay theo sự phát triển của công nghệ, chúng đều được thay thế bằng máy dệt hiện đại. Không cần phải có nhiều thợ đứng máy, chỉ cần một thợ có thể đứng nhiều máy và dệt vải thì nhanh hơn, cho ra năng suất cao hơn gấp 4 lần.

Ngày nay, những thế hệ trẻ tại làng dệt Bảy Hiền cũng đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của gia đình để lại mà chuyển sang nghề khác. Bởi ở cái thời buổi trên đất Sài Gòn phồn hoa và tấp nập thì việc “buôn có bạn, bán phải có phường” thì mới có thể tồn tại được, nhưng làng nghề dệt Bảy Hiền lại riêng lẻ, một phần cũng do những hộ làm nghề dệt không có điều kiện để mua máy dệt hiện đại để đáp ứng được nhu cầu thị trường cũng như đỡ tốn về thời gian và công sức.


3.Làng nem Thủ Đức
Đất Thủ Đức là để chỉ các quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 bây giờ. Xưa là một vùng rộng lớn, cảnh vật nửa quê nửa chợ, phù hợp với các trò ăn chơi tiêu khiển của khách du đãng thập phương: “Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ“, cái câu ấy nửa giỡn nhưng cũng nửa thiệt. Thủ Đức có suối Xuân Trường, suối Lồ Ồ, có nhiều vườn lài vườn ngâu, là những chốn vui thú ngoạn cảnh được ưu tiên thời ấy, còn ven chợ Thủ Đức lại có nhiều quán xá để la cà, với đủ loại món ăn chơi, trong đó dĩ nhiên nemThủ Đức là đại diện tiêu biểu.

Để đáp ứng cho nhu cầu của khách đối với món nem danh tiếng, xứ Thủ Đức đã từng có tới hàng trăm lò nem, mà điểm tập trung đông nhất là ven chợ Thủ Đức. Mỗi lò nem có bí quyết riêng, nhưng cũng có những nguyên tắc chung để có thể cùng nhau giữ gìn thanh danh làng nghề. Những nguyên tắc chung đó là sự cẩn thận trong các khâu chọn thịt, chế biến. Thường là phải chọn thịt ở mông con heo, khi ướp không bỏ hàn the và không bỏ quá nhiều gia vị, khi gói thì gói bằng lá vông chứ không phải lá ổi hay lá chùm ruột, trước hết là để bảo quản lâu hơn. Nem làm thủ công, các gia vị để ướp thường được chọn kĩ lưỡng, như muối phải là muối Phan Thiết, rượu phải rượu ngon, đường phải là đường tinh luyện.

Nhờ những nguyên tắc đó, cộng với một số kinh nghiệm, bí quyết gia truyền của từng nhà, miếng nem Thủ Đức được cho ra lò, khi tới mặt thực khách đã là những miếng mồi nhậu hồng tươi, chắc mà không cứng, thơm mà không nặng mùi, khi cắn vô cảm thấy vừa dai vừa dòn, vị chua cay mặn ngọt quyện hòa vô nhau rất đã.

Nhiều lò nem dựng gần nhau, tạo thành một làng nghề, gọi là làng nem Thủ Đức. Làng nem này cung cấp nem cho khắp các quán nhậu Sài Gòn, mà cũng ra tới các tỉnh miền đông tây, dễ dàng cạnh tranh với nem nổi tiếng các xứ khác như nem Lai Vung, nem Chợ Huyện. Trên phần sân nhà, thì nem Thủ Đức lấn át nem Bà Điểm, nem Gò Vấp… Các quán xá ở quanh chợThủ Đức xưa luôn bày biện đầy những món nem có thể làm mệt cái bao tử của bất kì người ăn mặn nào: từ nem chua lột ra ăn liền, tới nem chưa chua đem nướng, hay nem xắt nhỏ cuốn bánh tráng ăn với rau sống… Người ta tới Thủ Đức, thường ghé vô các quán này ăn nem, thỏa mãn, nhưng chưa xong chuyện, lại còn phải mua mấy đùm về làm quà biếu, để chứng tỏ với bà con là cái món mà mình và các bậc tiền bối vẫn hay ca ngợi kia không phải hữu danh vô thực.

Nem Thủ Đức xưa uy danh là thế. Làng nghề xưa nhộn nhịp là thế. Những câu chuyện kể về nem Thủ Đức xưa kia khiến người ngày nay khó mà cầm lòng, khiến nhiều kẻ phải chạy ra chợ Thủ Đức một chuyến để thưởng thức nó, hay ít ra cũng để biết làng nem Thủ Đức bây giờ ra sao.


4.Làng hoa Gò Vấp
Danh gọi “Làng Hoa Gò Vấp” có từ bao giờ, những gia đình nghệ nhân lâu đời về hoa kiểng – những con người gắn liền với thăng trầm của một làng nghề truyền thống nơi đây nhớ rất rõ. Một ngày giáp Tết Bính Tý 1996, cách đây đúng 10 năm, phóng viên Tờ tin Gò Vấp có dịp tìm hiểu về Làng Hoa, được các nghệ nhân giới thiệu về xuất xứ của cái tên thân thiết ấy. Trước thềm năm mới Bính Tuất 2006, đến thăm lại những vườn kiểng, càng thấm thía ý nghĩa máu thịt của quê hương mình khi có một làng nghề truyền thống tuyệt mỹ nhân gian, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa cao quí của tổ tiên. Điều kỳ diệu nhất là giữa không gian đô thị hóa phát triển nhanh vẫn tồn tại một Làng Hoa truyền thống tỏa ngát hương sắc cho quê hương thêm lộng lẫy trong mùa xuân đất nước.

Theo các nghệ nhân, nguồn gốc có Làng Hoa ngày nay là do thú chơi tao nhã của người xưa ngay từ khi đến vùng Gò cao này khẩn hoang lập nghiệp. Rồi nhờ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của vùng đất có nguồn nước trong mát, ngọt ngào, thú vui đã chuyển thành nghề có thu nhập, tạo nên công ăn việc làm cho bao gia đình. Trải qua hàng trăm năm, trồng hoa và làm hoa kiểng với đủ thế dáng có thu nhập cao đã trở thành một nghề truyền thống mang tính uyên bác đầy tài năng, thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật trong tâm hồn vốn yêu thiên nhiên của người dân Gò Vấp, khiến nơi đây trở thành vùng cung cấp hoa kiểng chủ lực cho Thành phố.
Một năm chỉ có ba tháng xuân và hoa thường được nở đẹp nhất vào những ngày Tết, nhưng người Gò Vấp thì dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa hoa nở khắp Làng Hoa, mùa nào hoa nấy. Dường như ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp cũng có và hiện có tới hơn 200 loại. Chuyện cơm áo của nghề là một đòi hỏi cao cho việc du nhập thường xuyên các giống cây mới, có giá trị kinh tế cao nên càng làm cho Làng nghề thêm trường tồn và phát triển bền vững.

Hoa Gò Vấp qua sự mở rộng làm ăn của các gia đình làm nghề đã du ngoạn không chỉ trong Thành phố mà còn đến khắp các vùng miền đất nước, ra cả Hà Nội trang trí cho các văn phòng hiện đại, các khách sạn cao cấp, thậm chí giao lưu với cả những xứ sở nổi tiếng về hoa trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Xinhgapo, Nhật, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ… Các nhà sản xuất Hoa của nước bạn thường đăt mối hợp tác với các nghệ nhân Gò Vấp trong việc sản xuất, cung cấp giống và cây kiểng quí hiếm. Từ cách đây mấy chục năm, nghệ nhân Tư Tịnh – Phường 11 đã có khoảng 2.000m2 vườn kiểng ngay tại Làng Hoa mà vẫn không đủ so với nhu cầu đặt hàng của bạn. Mỗi năm bác Tư xuất khẩu khoảng 10.000 cây giống và thành phẩm (cần thăng, sao đỏ, cau dừa, thiên tuế…) sang Pháp và một số nước Châu Á quanh ta. Do vậy nguồn cây của Bác luôn dồi dào và có dự tính chiến lược nhiều năm. Người nghệ sĩ trồng hoa thường là phải chịu khó thu mua từ khắp các nơi, tìm kiếm tận miền Tây, miền Đông, ra cả những cánh rừng miền Trung nắng gió, những nơi thậm chí chưa từng có ai đến để đem về những chủng loại, kiểu dáng lạ. Sau đó với đôi tay khéo léo, uốn tỉa, tạo dáng và chăm sóc, ít là vài năm, nhiều là hàng chục năm để có được những chậu kiểng bonsai tuyệt mỹ, giá trị có thể tính bằng vàng mới mua nổi. Cả những loài hoa và cây tưởng chỉ sống được ở xứ lạnh, khi đưa về ta, các nghệ nhân hoa Gò Vấp vẫn có thể làm cho nó sinh sôi nảy nở, không “bất đồng” xứ sở chút nào!

Lực lượng nghệ nhân Hoa kiểng Gò Vấp thật đông đảo và có truyền thống lâu đời với trên một trăm nhà vườn hoa kiểng chuyên nghiệp và có gần hai trăm nhà vườn bán chuyên nghiệp. Vườn ông Lý Hùng từng có cây thiên tuế 180 tuổi, vườn ông Huỳnh Văn Thân có cặp Cần Thăng trên 120 tuổi, vườn ông Đỗ Văn Quế có cặp sộp trên 110 tuổi, vườn nhà ông Địa Quýt có loại Địa Lan cao gần 3m và hàng trăm chậu hoa Sứ độc đáo với danh gọi là “Hoa hồng sa mạc”. Ông Lê Bạch Quang với những chậu Xương Rồng lạ mắt đã từng đem về cho Gò Vấp trên 70 huy chương các loại trong các hội thi hoa Xuân và trưng bày sản phẩm hoa của Thành phố và cả nước. Ông Lê Văn Tịnh có cây khế bonsai trên 100 tuổi và là người say mê tạo các giống bonsai xuất khẩu. Nhà ông Tám Giáp thì như một khuôn viên lá màu đủ loại. Ông Hai Minh thì lại có đủ loại Hoa Giấy, Thiên tuế. Giáo Tú thì đi sâu “lĩnh vực” bonsai kiểng khô tinh xảo, ông Năm Gấm thì trồng đại trà cúc đồng tiền đủ màu. Sân kiểng nhà bác Chín Le thì giống như khu trưng bày những vần thơ Đường luật bằng sinh vật cảnh…

Ngắm vườn kiểng bonsai của nghệ nhân Làng Hoa Gò Vấp, dùng chữ “đẹp” chưa hết nghĩa và đẹp cỡ nào thì còn tùy nhận xét của mỗi người. Với riêng tôi, nên thêm vào cụm từ “độc đáo” như một nét riêng của Gò Vấp. Độc đáo dáng cây, chủng loại, cách chăm bón, và hơn cả là sự độc đáo của ý thức giá trị nghệ thuật và phương thức làm ăn kinh tế. Nghệ nhân và những người làm hoa Gò Vấp không giấu nghề, có bao nhiêu bí quyết đều sẵn lòng phổ biến, tự tin vào sự phát triển của làng nghề, chính là mong có nhiều người biết làm giàu từ hoa như mình. Bất cứ ai đến thăm vườn của các nghệ nhân đều bắt gặp sự “thảo lòng” gần gũi của chủ nhân. Nếu có ai quyết tâm làm nghề đến học hỏi, các nghệ nhân vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa là người cung cấp giống và cũng đồng thời là người bao tiêu sản phẩm, thậm chí sẵn sàng giúp cả vốn không lãi cho đến khi bán được sản phẩm thì mới trả lại. Tất nhiên không phải tất cả ai cũng theo được đến cùng, bởi nghề nó đòi hỏi phải có một tình yêu đến độ đam mê, kiên trì và chịu khó, và cũng cần có chút năng khiếu nghệ thuật để khai thác chất liệu nâng cấp ngày một đẹp hơn, cũng như đáp ứng thị hiếu ngày càng cao hơn của khách thập phương.

Xuân 2006 – năm đầu tiên của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận khóa IX đề ra, một trong 5 công trình kinh tế – xã hội đòn bẩy cho Quận phát triển, đó là thực hiện mục tiêu “xây dựng Trung tâm Làng Hoa”, tạo điều kiện cho người trồng hoa phát triển theo qui mô tập trung, một dự án kinh tế có tầm vóc chiến lược lâu dài, khai thác tiềm năng dồi dào của một làng nghề truyền thống, để tiếp tục là một vùng trọng điểm về hoa kiểng của Thành phố. Gò Vấp đang bước vào xuân với niềm tin mới: quê hương đang giàu hơn nhờ nghề trồng hoa kiểng, làm đẹp thêm cho vùng đất vốn giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của Thành phố.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN