Một ngày nọ, ta chợt nhận ra có vô số những cuốn sách mà mình đọc đã được người ta chuyển thể thành phim. Bạn có tò mò mở laptop lên và xem thử nội dung bộ phim có thực sự cuốn hút?
Bạn đã từng có cảm giác đến một nơi nào đó và nghe người ta kể về một bộ phim hay và nó kích thích bạn đi xem? Bộ phim ấy lại được chuyển thể từ một cuốn sách bán chạy nào đó. Bạn muốn xem phim trước hay đọc sách trước? Bạn có nghĩ đọc sách khuyến khích sự sáng tạo và tưởng tượng nhiều hơn so với việc xem một bộ phim được chuyển thể từ nó?
1 Một lít nước mắt – Kito Aya
Kito Aya vốn là một nữ sinh trung học hồn nhiên, vui vẻ và hoạt bát như bao đứa trẻ khác. Em luôn thích chơi đùa và chành chọe với mấy đứa em trong gia đình. Nhưng cuộc sống của Aya hoàn toàn thay đổi khi em phát hiện mình măc bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não (Spinocerebellar Atrophy). Căn bệnh phát sinh do những tế bào của tiểu não đang dần thoái hóa một cách tự nhiên khiến cơ thể khó di chuyển và vận động. Ai mắc phải căn bệnh này sẽ mất khả năng kiểm soát hành động của cơ thể.
Từ một cô bé hay cười, vô tư, Aya trở thành một cô bé mau nước mắt và đắm mình trong những suy tư về cuộc đời. Aya gửi những suy nghĩ đó vào những trang nhật ký và coi đó như cuộc chiến chống lại bệnh tật và chứng tỏ tinh thần của mình : mạnh mẽ và không từ bỏ . Những trang nhật ký thấm đẫm nước mắt ,cùng với câu chuyện của Aya đã làm hàng triệu độc giả trên khắp thế giới cảm phục và rơi lệ. Tinh thần của Aya đã truyền cảm hứng tới tất cả những người đang sống thông điệp mạnh mẽ về cuộc sống .
Mang trong mình căn bệnh quái ác, gặp phải trở ngại lớn trong việc di chuyển, Aya không khỏi lo lắng về tương lai, về những cái nhìn dè bỉu, những ánh mắt thương hại của mọi người xung quanh. Với Aya, tương lai của cô là một con đường hẹp, và càng ngày nó càng trở nên hẹp hơn. Căn bệnh ngăn trở Aya khỏi tất cả những ước mơ và dự định, thậm chí việc tự mình bước ra ngoài phố để đi tới hiệu sách cũng trở thành một khao khát cháy bỏng.
Vượt lên trên sự lo lắng đó là ý chí kiên cường chống chọi với bệnh tật và khát khao sống mãnh liệt của một cô bé. Nếu không có ý chí chiến đấu kiên cường đến vậy thì làm sao một đứa trẻ có thể chịu đựng được từng mũi tiêm đâm sâu vào tủy, vào da thịt, chịu được cảm giác đau đầu, buồn nôn dưới tác dụng phụ của thuốc mang lại. Cô bé ấy luôn khao khát bản thân sẽ sớm bình phục, sẽ được hòa nhập với cộng đồng, giống như mọi người sẽ được tung tăng vui đùa, nhảy múa. Ước mơ thật giản dị, nhưng có lẽ lại rất đỗi “xa xỉ với Aya. Một tiếng nấc nghẹn ngào, nghe chua xót làm sao.
2 Khi hơi thở hóa thinh không – Paul Kalanithi
Paul viết cuốn sách này trong những tháng cuối cùng của cuộc đời anh – khi anh đang đối mặt trực tiếp với cái chết. Tác giả là một bác sĩ tài năng – một bác sĩ phẫu thuật thần kinh chính tại Stanford sau khi hoàn thành khóa đào tạo lĩnh vực lâm sàng khắt khe nhất. Anh cũng là một nhà khoa học xuất chúng. Đề tài nghiên cứu tiến sĩ về liệu pháp Gene đã giúp anh giành được giải thưởng nghiên cứu cao nhất trong sự nghiệp.
Nhưng còn hơn thế, anh cũng là một nhà văn. Trước khi vào trường y khoa, anh đã có hai tấm văn bằng văn học Anh từ Đại học Stanford và đã suy nghĩ nghiêm túc việc theo đuổi nghiệp viết lách.
Ở tuổi 36, đang trên đỉnh cao sự nghiệp, Paul Kalanithi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Từ một bác sĩ điều trị cho những người sắp chết, nay anh trở thành một bệnh nhân đang phải vật lộn để sống. Dù biết rằng cái chết cũng sẽ đến với mình, nhưng không ngờ nó đến quá sớm khi sự nghiệp tương lai đang rộng mở và một gia đình rất hạnh phúc.
Kalanithi viết cuốn sách khi biết mình bị ung thư phổi. Cuốn hồi ký này ghi chép lại cuộc đời của anh từ thời trẻ với những sự kiện đã đưa anh tới quyết định trở thành bác sĩ phẫu thuật não – một ngành chuyên môn khó và danh giá nhất trong y khoa; cho tới những ngày anh từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân – những ngày anh đi tìm định nghĩa về sự sống và cái chết, và định hình lại ý nghĩa sự tồn tại của anh trên cuộc đời này.
3 Chiếc áo lặn và con bướm – Jean-Dominique Bauby
Từ sau tấm riđô bằng vải bị nhậy cắn là thứ ánh sáng màu sữa báo hiệu ngày mới đang đến gần. Đầu gối tôi đau nhức, đầu cứng ngắc và thứ gì đó như thể áo lặn siết chặt lấy toàn bộ cơ thể. Căn phòng từ từ ra khỏi bóng tối nhập nhoạng. Tôi nhìn thật kĩ các tấm ảnh của người thân, tranh các con vẽ, hình vận động viên đua xe đạp nhỏ bằng sắt màu bạc một người bạn gửi tặng vào trước ngày bắt đầu giải xe đạp đua Paris-Roubaix và cái giá treo hình chữ T đang chìa ra bên trên chiếc giường nơi tôi bị đóng cứng vào từ suốt sáu tháng nay như một con ốc mượn hồn nằm trong vỏ.
Tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ xem mình đang ở đâu và hồi tưởng lại cuộc đời mình đã đảo lộn như thế nào từ thứ Sáu ngày mồng Tám tháng Mười Hai năm ngoái.
Cho đến tận khi ấy, tôi chưa bao giờ biết đến thân não là gì. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã khám phá ra nó chính là bộ phận quan trọng trong bộ não người, là đường nối liền giữa cấu trúc não và tủy sống. Tai biến mạch máu não hôm đó đã khiến thân não ngừng hoạt động. Trước đây, bệnh này được gọi là chứng “xung huyết não” và người mắc bệnh đơn giản là qua đời. Tiến bộ y học giúp người bệnh tránh được cái chết nhưng cuộc sống của họ lại gắn liền với hội chứng khóa trong (hay “hội chứng bị nhốt trong tiềm thức”).
Tôi đã trải qua 20 ngày hôn mê và vài tuần mờ mịt không hiểu gì trước khi thực sự nhận ra mức độ tàn phá cơ thể của tai biến vừa rồi. Đến tháng Giêng, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo, trong căn phòng số 119 thuộc Bệnh viện Hàng Hải, Berck. Căn phòng đang được chiếu rọi với những tia sáng bình minh đầu tiên.
4 Still Alice – Lisa Genova
Cuốn sách Still Alice của Lisa Genova xoay quanh căn bệnh Alzheimer.
Still Alice kể về Alice Howland, một giáo sư ngôn ngữ học tại trường đại học Columbia mắc phải bệnh Alzheimer ở tuổi 50. Căn bệnh đã dần thay đổi những mối quan hệ trong gia đình và xã hội của Alice.
Bà phải vật lộn với chứng mất trí nhớ dần dần, gặp khó khăn trong giao tiếp và phương hướng. Từ đây, độc giả được chứng kiến những câu chuyện cảm động về cách Alice cố gắng vượt qua căn bệnh và tình yêu thương mà bà giành cho gia đình mình.
Cuốn sách đánh dấu lần đầu tiên tác giả Lisa Genova viết tiểu thuyết và tự xuất bản vào năm 2007. Trước những câu từ trau chuốt, câu chuyện thấm nhuần tình yêu thương, nhà xuất bản Simon & Schuster đã đề nghị xuất bản cuốn sách Still Alice và trở thành hiện tượng trên khắp nước Mỹ, đứng trong danh sách bán chạy của The New York Times trong suốt 40 tuần.
Still Alice đã chiến thắng giải Bronte năm 2008, đến nay đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và được bán ở khắp 30 quốc gia trên thế giới. Năm 2014, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên và đã mang về cho nữ diễn viên Julianne Moore vô số giải thưởng, trong đó có một tượng vàng Oscar và một giải thưởng Quả cầu vàng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
5 Ways to Live Forever – Sally Nicholls
Cuốn sách Ways to Live Forever của tác giả trẻ Sally Nicholls kể về căn bệnh máu trắng và ung thư.
Ways to Live Forever kể về cuộc sống của hai cậu bé Sam và Felix, một người bị máu trắng, người kia bị ung thư. Hai đứa trẻ hàng ngày sống dựa vào thuốc men và những đợt hóa trị đã làm bạn với nhau và cùng thực hiện những ước muốn cuối đời trong cuốn sách Ways to Live Forever của chính Sam. Khi biết tin Felix qua đời, Sam nhận ra cậu sẽ không bao giờ hoàn thành hết danh sách mà họ đã đề ra.
Ways to Live Forever là cuốn sách đầu tay của nữ tác giả trẻ người Anh Sally Nicholls viết năm 2008, khi cô mới 23 tuổi. Ngoài Ways to Live Forever, Nicholls còn là tác giả của hai cuốn sách khác cũng lấy cái chết là chủ đề chính như All Fall Down, Close your Pretty Eyes.
Năm 2008, Ways to Live Forever đã giành được giải thưởng Waterstone’s Children Book, giải Glen Dimplex cho tác giả mới xuất sắc nhất và giải Luchs des Jahre cho bản dịch sách tiếng Đức. Cuốn sách được chuyển thể thành phim năm 2010 với sự tham gia của Robbie Kay, Alex Etel, Ben Chaplin, Emilia Fox và Greta Scacchi.