Top 8 cuốn sách nhạc sĩ ca sĩ được mua nhiều nhất hiện nay

0
1411
Vật Phẩm Phong Thủy

Bỏ qua những bận rộn ngày thường, dịp cuối tuần các bạn nên dành thời gian tự thưởng tâm hồn mình bằng những cuốn sách. Một cuốn sách hay hoàn toàn có thể giúp bạn bổ sung thêm góc nhìn mới về cuộc sống, kiến thức và ngày càng yêu đời hơn đấy! Topxephang.com xin chia sẻ với các bạn 8 cuốn sách nhạc sĩ ca sĩ được mua nhiều nhất hiện nay

1 Bản Nhạc Đam Mê Beethoven
Cuốn sách lấy tuổi thơ và thời thanh niên của Beethoven làm trọng tâm, lấy tinh thần bất khuất của ông làm cốt lõi, chạm đến thế giới tâm hồn ông thông qua nhiều phương tiện.

Beethoven là nhà soạn nhạc được nhắc tới nhiều nhất và có ảnh hưởng bậc nhất. Ông đã có những đóng góp vĩ đại cho nền nhạc cổ điển thế giới. Những sáng tác của Beethoven mang nhiều tính triết lý sống. Cuốn sách giới thiệu những sáng tác của Beethoven. Những sáng tác này đã trở nên bất hủ và vẫn còn khắc ghi trong lòng của nhiều người nghe nhạc cho đến tận hôm nay.

2 Vang Vọng Một Thời
Vang Vọng Một Thời là một tập sách nhạc gồm 4 quyển, tập hợp 50 bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ quyển một đến quyển ba, mỗi quyển gồm 12 bản nhạc; riêng quyển tư gồm 14 bản. Nói như nhạc sĩ thì đây là những bản nhạc “đã từng là kỷ niệm riêng của từng người, có thể gợi lại những nỗi buồn ít hơn niềm vui, rất là đáng nhớ của thời dĩ vãng.”

Vang Vọng Một Thời không chỉ đăng lại bản phổ 50 bài nhạc của Phạm Duy mà còn gửi đến những người yêu nhạc muốn biết thêm những thông tin chi tiết xoay quanh từng bài của ông như: bản nhạc soạn ra với cảm tưởng nào, đã soạn ở đâu, vào năm nào, tự xuất bản hay ai phát hành, đã có những bài viết phê bình của những ai?…

Bên cạnh đó, thông qua những bài phân tích, nhận định, đánh giá viết về nhạc Phạm Duy trong tập sách này, độc giả cũng hiểu thêm được những nét đặc sắc về các kĩ thuật nhạc lí mà ông đã áp dụng để sáng tạo ra những giai điệu tuyệt phẩm. Chẳng hạn như bằng cảm tính bản năng, ai nghe bài Ngậm ngùi của Phạm Duy cũng đều cảm nhận được đây là một bản nhạc mang âm hướng giản dị. Thế nhưng, khi đọc bài phân tích của Phạm Quang Tuấn trong tập sách này, người đọc sẽ hiểu được cụ thể hơn một cách lí tính vì sao bản nhạc này lại mang đến cảm giác đó và càng thấy được sự tài hoa trong cách xử lí nhạc của Phạm Duy:

“Nguyên đoạn đầu, mỗi câu kết thúc bằng một chủ âm (huyền = Do thấp, ngang = Do cao):

Nắng chia nửa bãi chiều rồi (Do thấp)

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (Do thấp)

Sợi buồn con nhện giăng mau (Do cao)

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây (Do cao)

Nhịp cũng đều đều giữ nguyên tính cách ru ngủ của thơ lục bát, không thêm bớt vần nào. Vì chung thủy với thơ như vậy, nên hát lên nghe gần như là đọc thơ – ĐỌC chứ không phải là NGÂM, vì khi ngâm người ta ngân nga ra thành những âm điệu phức tạp hơn. Có lẽ nhạc bài Ngậm Ngùi vô cùng ăn khách ở cái lục bát tính đó.”

Với tuyển tập Vang Vọng Một Thời, người yêu nhạc không chỉ hiểu thêm về những suy tư của Phạm Duy, những kĩ thuật nhạc lí đặc sắc trong các bản nhạc của ông mà còn có thể theo chân tác giả để hành hương về những nơi, vừa là chốn đã khai sinh ra bài hát, vừa là nơi được coi như những thắng cảnh của đất nước. Ví dụ như cùng tác giả đi tìm cô gái mơ năm xưa và đi chơi chùa Hương luôn thể (nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách Động Hương Sơn nửa dặm đường)… hay đi lên tận Lao Kai (để tìm lại chiếc cầu biên giới).

3 Trịnh Công Sơn – Ngôn Ngữ Và Những Ám Ảnh Nghệ Thuật
… Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, điều đó đã hẳn. Nhưng, trên và trước, người nhạc sĩ đó lại là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình. Và chính là từ những dòng ca từ tuyệt đẹp pha lẫn những nét đau đớn xót xa và rất lạ lùng của Trịnh Công Sơn mà cuộc đời này đã mở ra chứa chan những điều tuyệt mộng và bi thiết trước mắt nhìn của chúng ta, những người nghe anh. Chính vì thế, cho dù đây là một nhạc sĩ tài hoa, điểm nổi bật và đáng nói hơn hết trong nghệ thuật của Trịnh Công Sơn lại nằm trong những hình ảnh mà anh đã nhìn thấy hoặc khám phá ra cũng như trong cái ngôn ngữ mà anh dùng để cất giấu, hé lộ, bật mở, hoặc nâng đỡ những hình ảnh ấy và làm cho chúng ta cất cánh bay lên. Trong nhân thức đó, tập chuyên luận nhỏ này muốn đưa ra một nỗ lực phát hiện và phân tích một số ám ảnh nghệ thuật, cũng như phân tích cung cách sai sử ngôn ngữ một cách rất đặc thù của Trịnh Công Sơn… (trích Tựa của Bùi Vĩnh Phúc).

4 Những Nhân Vật Nổi Tiếng Thế Giới – Những Nhạc Sỹ, Ca Sỹ, Nhóm Nhạc Nổi Tiếng Thế Giới
Mục lục

Johann Sebastian Bach

Molfgang Amadues Mozart – Thiên tài không đợi tuổi

Thánh nhạc Ludwig Van Beethoven

Chopin

Andrés Segovia

Louis Amstrong

Ravi Shankar – Bậc thầy âm nhạc Ấn Độ

Maria Callas

The Beatles

Abba

Micheal Jackson – Ông hoàng nhạc Pop

Đặng Thái Sơn

5 Huyền Thoại Nhạc Pop Michael Jackson
Thời gian như đặc quánh lại. Cả thế giới truyền nhau từng giọt cảm xúc, đau đớn, rạn vỡ trước tin ông Vua nhạc Pop Michael Jackson ra đi… Hàng triệu trái tim vỡ oà nghẹn ngào trước sự ra đi của một huyền thoại âm nhạc, một huyền thoại có công trong kết nối văn hoá giữa hai màu da đen và trắng, hoà nhịp trái tim của nhân loại trong một tình yêu lớn: âm nhạc.

Michael Jackson sớm thể hiện khả năng âm nhạc thiên phú bằng giọng ca ngọt ngào và những điệu nhảy mê hoặc lòng người.

Tuy nhiên, những vấn đề xung quanh cuộc sống đời tư, đằng sau vầng hào quang, những nỗ lực cho sự thành công… của anh vẫn là những câu hỏi hoặc những hiểu biết chưa đầy đủ của nhiều người về anh.

Với mong muốn giúp độc giả hiểu biết thêm về cuộc đời sự nghiệp của Vua nhạc Pop Michael Jackson – người luôn muốn hàn gắn thế giới này trong hoà bình, trong tình yêu thương như lời ca khúc bất tử anh đã sáng tác, cuốn sách “Huyền thoại nhạc Pop Michael Jackson” gồm những bài viết được lựa chọn từ các nguồn tư liệu phong phú, hấp dẫn đăng tải trên báo chí trong và ngoài nướcđược giới thiệu đến tất cả các bạn đọc.

Hôm nay, bằng tình yêu thương, niềm cảm mến về một tài năng, một con người vĩ đại chúng ta tìm hiểu về anh để hiểu rõ hơn về cuộc sống, sự nghiệp, những cống hiến lớn lao của anh cho âm nhạc nói riêng và kết giao văn hoá tâm hồn nhân loại nói chung.

6 Sao Kể Chuyện Đời Sao – Mực Tím Tuổi 20 (Tặng Kèm Đĩa CD Ca Nhạc Và Poster Chân Dung Ca Sĩ)
Là con người, ai cũng có những góc khuất rất riêng, và với các ngôi sao, góc khuất ấy lại càng ít được thổ lộ. Ở đó có những thăng trầm trong cuộc sống, có những kỉ niệm thời ấu thơ, những nhọc nhằn của những ngày đầu khi bước chân vào nghệ thuật. Đáng lí ra những “góc khuất” ấy sẽ được họ giữ mãi cho riêng mình nhưng vì yêu quý bạn đọc tuổi mới lớn, yêu quý những khán giả hâm mộ, các ngôi sao sẵn sàng trải lòng mình ra trang giấy. Trải qua nhiều số báo, chuyên mục Tự truyện của sao của Mực Tím đã được bạn đọc yêu quý và ủng hộ hết mình bởi những lời kể rất thật, rất đời do chính các ngôi sao viết riêng cho Mực Tím. Qua những tâm sự của họ, bạn sẽ hiểu hơn về cuộc sống cũng như con đường trở thành sao của họ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Đọc để hiểu, để cảm thông với ngôi sao mình mến mộ, và để chúng ta cùng chia sẻ: Không có thành công nào từ trên trời rơi xuống: thành công chỉ đến từ sự nổ lực, phấn đấu cho ước mơ của mình. Nhân kỉ niệm báo Mực Tím tuổi 20, tủ sách Mực Tím tập hợp lại tự sự của những ngôi sao bằng một hình thức mới hơn, đẹp hơn, qua tập sách sao kể chuyện đời sao của nhà báo Việt Hùng.
Bãn hãy lật từng trang sách và thử hé mở các “góc khuất” xem thế nào

7 Đặng Thái Sơn Người Được Chopin Chọn
“Đặng Thái Sơn đã làm thay đổi cả một nền âm nhạc!
Anh đã làm điều đó như thế nào?”
Đặng Thái Sơn vẫn thường nói sẽ biểu diễn những dạng mục đa dạng, từ các bản nhạc của Chopin cho đến các tác phẩm âm nhạc Nga, Pháp…. Danh mục này càng mở rộng, anh càng chứng minh được sự trưởng thành của một nghệ sĩ dương cầm tài năng. Sau nhiều năm, thường xuyên viết bài về những nghệ sĩ dương cầm, nghe và xem họ biểu diễn, tác giả rút ra một kết luận: “Nghệ sĩ dương cầm thể hệ truyền cảm nhất khi đến tuổi 40”.

Không biết có phải vì cây đàn piano quá lớn, không như violon, mà các nghệ sĩ nhí, được gọi là “thần đồng”, thường xuất hiện trên sân khấu với loại nhạc cụ có dây, còn chơi piano, nếu không qua một độ tuổi nhất định thì khó mà biểu diễn thành công, chỉ dừng ở chơi cho vui, cho biết. Có lẽ cần nhiều thời gian để một người có thể hiểu cơ cấu và cảm nhận về loại nhạc cụ phức tạp này.

Thông thường, các nghệ sĩ piano muốn thành công trên con đường sự nghiệp biểu diễn quốc tế, có mặt trong các buổi hoà nhạc lớn ở các nhà hát lừng danh, không còn cách nào khác hơn là tham gia các cuộc thi piano quốc tế từ độ tuổi 15 đến 30. Cũng có trường hợp được các ông bầu nổi tiếng hay những công ty sản xuất âm nhạc phát hiện, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm. Tuy nhiên, với nhiều người được vinh danh tại các cuộc thi âm nhạc, ngay sau khi nhận giải thưởng, dù họ có tổ chức nhiều hoạt động rình rang, đình đám như thế nào thì vài năm sau đó, tên tuổi của họ cũng dần trở nên im ắng. Cuộc đời của những nghệ sĩ piano luôn nghiệt ngã như thế đấy! Bất chấp tất cả, họ vẫn tồn tại, vẫn luyện tập từng giờ từng ngày, chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình cho nghiệp dương cầm. Chính vì vậy, khi biểu diễn, những thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ dương cầm được thể hiện rất rõ nét qua tiếng đàn. Từng nốt nhạc vang lên phản ánh chân thực lối sống của người nghệ sĩ. Âm nhạc luôn luôn gắn bó với họ. Ngay cả khi đi ngủ, những bản nhạc mà họ đang luyện tập vẫn cứ réo rắt vang lên trong đầu.

Chúng ta, những khán giả thưởng thức âm nhạc, sẽ cảm nhận và hiểu hơn về lẽ sống của người nghệ sĩ piano từ những buổi biểu diễn của họ, đó chính là cái mà chúng ta gọi là sự “đồng điệu”.
Đời người thay đổi, âm nhạc cũng đổi thay. Kinh nghiệm sống đem lại sự cảm nhận tác phẩm sâu sắc và sự truyền cảm khi biểu diễn. Từ một cuộc sống đầy trắc trở, điều mà Đặng Thái Sơn học được, đó là gì? Tác giả bắt đầu cuộc hành trình giải mã những điều bí ẩn xung quanh con người Đặng Thái Sơn.

8 Tác Giả Cổ Nhạc Bạc Liêu – Cuộc Đời Và Sự Nghiệp
Người đời biết đến Bạc Liêu vì Bạc Liêu đã từng là tỉnh giàu có nhất nhì vùng Nam Bộ, có những chàng Công tử nổi tiếng ăn chơi; nhiều người còn biết đến Bạc Liêu vì đây là một mảnh đất giàu tình nghĩa và đậm chất thi ca. Nói như thế quả không ngoa bởi Bạc Liêu đã từng sản sinh ra nhiều anh tài cùng những tác phẩm văn thơ bất hủ. Bạc Liêu còn được biết đến như một chiếc nôi của cổ nhạc Nam Bộ mà bản Dạ cổ hoài lang là một ví dụ điển hình.

Cổ nhạc Bạc Liêu thắm đượm tình quê. Nó như làn hương thoảng nhẹ, lan toả khắp trời Nam và bay đến tận những miền xa, nơi đâu có người Việt Nam sinh sống. Giới nghệ sĩ cải lương không ai không biết đến Nhạc Khị – Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu – “Một con người đã đi vào huyền thoại”, nghệ sĩ Bảy Kiên – “Giọng ca vàng của những năm đầu thế kỷ XX”, Cao Văn Lầu – “Ngôi sao sáng của cổ nhạc Việt Nam”, Ba Chột – “Một nhạc sĩ kỳ tài ở Bạc Liêu”….. Song ít ai biết được rằng, các nghệ nhân, các bậc anh tài đó đi lên từ những luống cày kết dính những hạt phù sa màu mỡ mang hương vị đậm đà của quê hương Bạc Liêu. Dù có đi đâu hay sinh sống trên mảnh đất này, tất cả họ đã chung tay, tiếp nối bằng cả sự đam mê và sáng tạo nên dòng chảy âm nhạc đờn ca tài tử – cải lương không hề vơi, không bao giờ ngừng nghỉ. Với các điệu nhạc ngũ cung học đã làm nên những điều kỳ diệu, góp với đời những sắc màu để tạo nên vườn hoa nghệ thuật nước nhà đầy mật ngọt, hương thơm….

Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu – cuộc đời và sự nghiệp là một công trinh có giá trị trên nhiều bình diện của sử học, nhân danh học, văn hoá – nghệ thuật …. Nó giúp người đọc hiểu đầy đủ hơn về giá trị của một loại hình nghệ thuật vốn sản sinh từ vùng đất Nam Bộ với sức lan toả mạnh mẽ và sự cải tiến không ngừng để được thăng hoa. 30 nhân vật trong tác phẩm, mỗi người một vẻ, được tác giả sắp xếp, trình bày giới thiệu như một bức tranh toàn cảnh của cổ nhạc Bạc Liêu, như một nhịp cầu nối từ quá khứ đến nay và vươn mãi trong tương lai. Nó sẽ là niềm động viên cho sự nối tiếp những công trình nghiên cứu về cổ nhạc Việt Nam sau này.

Với Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu – cuộc đời và sự nghiệp, người đọc không khỏi nể phục trước sự công phu sưu tầm, khảo cứu, tập hợp và xử lý một khối lượng tư liệu khổng lồ và khá phức tạp của tác giả công trình. Ngoài việc giới thiệu chân dung các tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, tập sách còn có những đóng góp lớn lao trong việc sưu tầm bản gốc và các dị bản của Dạ cổ hoài lang; xác định được ngày chính thức ra đời của Dạ cổ hoài lang (ngày rằm tháng Tám âm lịch), một cái mốc quan trọng trong lịch sử cổ đại, để từ đó có cơ sở đề xuất làm ngày truyền thống văn hoá của tỉnh…..

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN