Top 6 tựa sách hay về ẩm thực Việt Nam được nhiều người mua nhất hiện nay

0
1828
Vật Phẩm Phong Thủy

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay về ẩm thực Việt Nam được nhiều người mua nhất hiện nay

1 Ẩm Thực Trung Quốc

Nói đến ăn uống, tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người dân xem miếng ăn là trời”, đủ để thấy được “miếng ăn” chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ăn, không chỉ để no bụng, mà có cái để ăn, ăn được, biết cách ăn, được xem là “phúc đức”. Người đời sau hay dẫn câu nói của Khổng Tử: “Ẩm thực, trai gái, đều là ham muốn to lớn của con người” để thúc đẩy văn hóa ẩm thực, và đây cũng chính là căn cứ, là bằng chứng cho thấy thái độ tích cực, tư tưởng tiến bộ trong hưởng thụ cuộc sống của người dân.

Kỹ thuật nấu ăn của Trung Quốc phát triển vượt bậc, rất nhiều nguyên vật liệu trong mắt người nước ngoài là không thể ăn được, nhưng khi vào tay các đầu bếp Trung Quốc đã biến thành món ăn thơm ngon, đẹp mắt; thực đơn món ăn của người Trung Quốc cũng tương đối phong phú, những gì ăn được đều liệt kê vào thực đơn, rất ít kiêng kỵ. Người Trung Quốc cho rằng, ăn được là phúc đức, nên không chỉ sáng tạo ra nhiều món ngon với khẩu vị của nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ rộng lớn của mình mà còn đem nền văn hóa ẩm thực này truyền bá khắp thế giới, do đó, trong thời đại hội nhập ngày nay, ở các thành phố lớn trên khắp thế giới đều có thể thưởng thức được hương vị món ăn Trung Hoa.
Cũng giống như các quốc gia có diện tích rộng lớn khác, khẩu vị các món ăn Trung Hoa được phân chia thành nam bắc hai miền. Mặc dù gạo ngon nhất của Trung Quốc ở vùng đông bắc, nhưng người dân các tỉnh thành miền bắc và vùng đông bắc này lại thích ăn mì và các món chế biến từ bột mì. Các món ăn nổi tiếng và kinh điển nhất của vùng này là món thịt dê nhúng, vịt quay Bắc Kinh, các món Sơn Đông. Thức ăn chính của người dân miền nam Trung Quốc chủ yếu là gạo và các món chế biến từ gạo, bột gạo, cách thức chế biến khá phong phú, vừa có những món cay của vùng Tứ Xuyên, vùng Tương Giang (Hồ Bắc – Hồ Nam), vừa có các món mang vị ngọt của vùng đất Tô Châu, vị tươi ngọt thịt của các món canh hầm Quảng Đông. Vì vậy, những ai từng đặt chân đến Trung Quốc đều ngạc nhiên rằng không những các món ăn thay đổi khá nhiều theo vùng miền, mà chủng loại, hình thức cũng vô cùng đa dạng, phong phú.

Món ăn Trung Hoa không chỉ thỏa mãn vị giác của thực khách mà còn là đại tiệc của thị giác. Tiêu chuẩn trong nghệ thuật ẩm thực của Trung Hoa là phải hội tụ cả sắc, hương, vị. Để món ăn có màu sắc đẹp mắt, thông thường sẽ chọn đủ các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ thực vật lẫn động vật, thường bao gồm một nguyên liệu chính và hai, ba loại phụ liệu có màu sắc khác nhau, phối hợp hài hòa giữa các màu xanh, lục, đỏ, vàng, trắng, đen, màu tương… cùng với cách thức chế biến phù hợp sẽ cho ra món ăn có màu sắc đẹp mắt, đạt đến hiệu quả thẩm mỹ cao. “Hương” thường là những hương liệu được thêm vào món ăn với lượng thích hợp như: hành, gừng, tỏi, rượu, đại hồi, quế, tiêu, dầu mè, nấm hương… để tăng thêm mùi vị cho món ăn, kích thích khứu giác của thực khách. Có nhiều cách chế biến món ăn như: chiên, xào, kho, hấp, rán, hầm, nấu… vừa chú trọng đảm bảo giữ được mùi vị, hương sắc của thức ăn, vừa có thể dùng món ăn với các loại nước chấm như nước tương, giấm, hương liệu, ớt… để món ăn thêm đậm đà, tạo nên khẩu vị mặn, ngọt, chua, cay khác nhau. Ngoài ra, còn có thể dùng cà chua, củ cải, cà rốt cắt, gọt, tỉa thành bông hoa, con vật… trang trí, tô điểm cho món ăn thêm phần đẹp mắt, để việc “ăn” các món ăn Trung Hoa thực sự trở thành nghệ thuật ẩm thực.

2 Bản Sắc Ẩm Thực Việt Nam

Cuốn sách ra đời đánh dấu mốc quan trọng bước phát triển ẩm thực học Việt Nam. Đồng thời, bước đầu khởi xướng xây dựng Thực đạo Việt Nam, nghệ thuật ẩm thực lấy tự nhiên làm gốc với trình độ văn hoá cao, ngon lành từ nguyên vật liệu rau củ quả, cá là chính đến cách nấu ngon lành; luộc, hấp, tươi sống là chính và cách ăn ngon lành gia giảm, cân bằng âm dương…

Với sự góp mặt của các tên tuổi nổi tiếng như TS. Nguyễn Nhã, GS. Trần Quốc Vượng, GS.TS. Nguyễn Tiến Hữu, TS. Nguyễn Văn Dương, GS.TS. Trần Văn Khê, GS.TSKHDD. Bùi Quốc Châu, BS. Trương Thìn, Nguyễn Hà, Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Ngọc Thương, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Xuân Việt, Sơn Nam, Nguyễn Chí Bền, Hồ Thị Hoàng Anh, Trần Đình Sơn, Trần Viết Ngạc, Nguyễn Xuân Hoa, ThS. Phan Thuận An, Toan Ánh, Phạm Hi Hùng, BS. Nguyễn Lân Đính, BS. Bùi Minh Đức, DS. Bùi Kim Tùng, TS.BS. Nguyễn Hữu Ngọc, GS.TS. Lưu Duẩn, Phạm Ngọc Trác, Đỗ Minh Triết, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân. Cuốn sách giúp người đọc có thêm những hiểu biết và trải nghiệm thú vị về ẩm thực Việt, cũng như khám phá những nét độc đáo thi vị của ẩm thực Việt Nam từ dân dã đến chốn cung đình. Bên cạnh những cơ sở lý luận chung và riêng cho ẩm thực Việt Nam, cuốn sách còn có công thức của một số món ăn hiện lưu lạc trong các gia đình Việt.

Cuốn sách chia làm 8 chương và 1 mục lục. Chương 1 nói về văn hoá ẩm thực và các yếu tố địa lý, lịch sử ảnh hưởng đến văn hoá ẩm thực Việt Nam, văn hoá ẩm thực Việt Nam trên nền sinh cảnh môi trường sinh thái, nhân văn của ba miền Bắc, Trung, Nam, hay văn hoá ẩm thực của các dân tộc thiểu số, ăn uống trong ngôn ngữ, ăn uống trong thời kì hội nhập và những chiến lược định hình, phát huy bản sắc Việt Nam trong ăn uống. Chương 2 bàn về thực đạo và những nét đặc trưng của văn hoá ẩm thực Việt, nghệ thuật nấu bếp, ăn uống và triết lý miếng ăn ở đời. Chương 3 là văn hoá ẩm thực với văn hoá vùng miền ở Việt Nam, với những giá trị văn hoá của ẩm thực đất Bắc, quà và người Hà Nội ăn quà, những đặc trưng văn hoá ẩm thực miền Trung, miền Nam. Chương 4 bàn về ẩm thực cung đình và ẩm thực dân dã, đây là hai dòng ẩm thực khá độc đáo của ẩm thực Việt Nam, ẩm thực cung đình Huế đã tạo nên những giá trị bất biến cùng thời gian và văn hoá. Chương 5 là sự quyện hoà của văn hoá ẩm thực với phong tục tập quán ở Việt Nam, đó là mâm cỗ truyền thống của dân tộc trong ngày lễ tết, cúng thần, tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách, cho đến phong tục ăn trầu, hút thuốc lào đã tồn tại lâu đời trong văn hoá Việt. Chương 6 đã khái quát những món ăn đặc trưng Việt Nam, đó là nước mắm, nước chấm, phở, bữa cơm gia đình Việt, những món ăn đặc trưng vùng miền. Chương 7 là những món ăn bài thuốc trong ẩm thực Việt Nam, ẩm thực dưỡng sinh, thực phẩm chức năng và những giá trị dinh dưỡng trong món ăn Việt. Chương 8 khép lại với những vấn đề cần quan tâm của văn hoá ẩm thực Việt Nam như ẩm thực học là gì? trà đài và cách uống trà theo phong cách Việt, rượu Việt, gốm sứ trong ẩm thực Việt. Phần phụ lục là danh sách nhà hàng, quán ăn ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Với nội dung phong phú, độc đáo, và những nghiên cứu thật cụ thể, có cơ sở khoa học vững chắc, đặt nền móng cơ sở lý luận cho ẩm thực Việt Nam, để rồi trên cơ sở lý luận chung ấy, các chuyên gia đi sâu vào nghiên cứu ẩm thực các vùng miền như Thăng Long – Hà Nội, Huế, Nam bộ, Sài Gòn. Cuốn sách tổng cộng 279 trang, in trên màu trên chất liệu giấy bóng, đi kèm với nhiều hình ảnh minh hoạ, cuốn sách thực sự đã chinh phục độc giả gần xa.

3 Tinh Tế Ẩm Thực Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản sử dụng nguyên liệu và gia vị để chế biến món ăn theo một phong cách rất riêng. Khi nấu ăn người Nhật không sử dụng nhiều gia vị mà chú trọng đến tính dinh dưỡng, hương vị tươi ngon và tự nhiên của món ăn. Cách trình bày món ăn Nhật đẹp mắt, kích thích sự thèm ăn và có tính nghệ thuật cao. Tất cả những điều đó tạo nên sự tinh tế và nét đặc trưng cho ẩm thực xứ hoa anh đào.

4 Độc Đáo Ẩm Thực Chăm

Kiều Maily – được biết đến như nhà thơ trẻ người Chăm – vừa in tác phẩm nghiên cứu đầu tiên của mình, cuốn Độc đáo Ẩm thực Chăm. Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh & Cty Sách Phương Nam ấn hành vào tháng 7 năm 2014. Đây là công trình đầu tiên về một khía cạnh khác của nền văn hóa dân tộc Chăm: văn hóa Ẩm thực.

Bằng nỗ lực hiếm có, và với sự tự tin của tuổi trẻ, tác giả đã “dành nhiều thời gian đi, nghiên cứu, tự thực hiện các món ăn, tự chụp ảnh và viết” (“Lời cảm ơn”). Các làng palei khắp ba miền ẩm thực Chăm: Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang – Tây Ninh đều in dấu chân nữ nhà thơ trẻ này.

Văn hóa Ẩm thực Chăm không chỉ là những món ăn, thức uống mà nó còn gắn liền với sinh hoạt lễ nghi tôn giáo của từng địa phương, vùng miền khác nhau, cho nên việc miêu tả nó vừa chính xác vừa linh hoạt được như Kiều Maily, là điều khó khăn. May mắn thay, khó khăn ấy, tác giả này đã vượt qua. Cứ nhìn 106 bức ảnh màu vừa thể hiện món ăn với nguyên liệu đặc trưng và cách chế biến độc đáo, bên cạnh những sinh hoạt cộng đồng xung quanh văn hóa Ẩm thực, cũng đủ biết tác giả đã công phu và yêu thích việc làm của mình như thế nào.

Không lạ, khi ngay từ nằm trong bản thảo, công trình này đã chinh phục được nhiều người nghiên cứu người Chăm và về văn hóa Chăm. Ths. William B. Noseworthy – Đại Học UW-Madison (Hoa Kỳ) viết:

“… Với nhiều nỗ lực, Kiều Maily đã chứng minh sự đa dạng của ẩm thực Chăm và lựa chọn cẩn thận là tốt nhất cho chúng ta để thưởng thức. Trong ba năm nghiên cứu về văn hóa Chăm, từ năm 2011, chúng tôi đã được may mắn để thưởng thức các món ăn nhiều Chăm. Sự pha trộn độc đáo của các hương vị ngon, mặn, cay và ngọt ngào đã biến tôi thành một người yêu ẩm thực Chăm… Theo chúng tôi được biết và nghiên cứu thì đây là cuốc sách ẩm thực đầu tiên của người Chăm được nghiên cứu công phu và có những món ăn thật phong phú và hấp dẫn”.

Độc đáo Ẩm thực Chăm diễn trình trên 184 trang in khổ 18x22cm với 106 ảnh màu minh họa, phải công nhận là cách làm vừa nghiêm túc vừa dũng cảm của Công ty Sách Phương Nam với tác giả trẻ mới dẫn bước vào lĩnh vực nghiên cứu khó nhằn này.

5 Tùy bút ẩm thực Sài Gòn chở cơm đi ăn phở
Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở

…Viết về cái ăn của người Việt khó vô cùng. Khó là bởi sành ăn thôi chưa đủ, hiểu biết và ham mê kê cứu sách vở thôi chưa ổn, giàu ký ức về chuyện ăn uống thôi cũng chưa xong… mà phải nhập cuộc vào “cõi ăn” với một tâm thế tự do, cái tư do của người làm chủ thứ “cú pháp ăn uống” để một mặt không rơi vào cái bẫy phàm tạp, không đi lạc vào địa hạt nữ công gia chánh, càng không cao đạo, thiêng hóa mọi thứ theo kiểu “chủ nghĩa lưỡi dân tộc”.

Trước đây, các ông Vũ Bằng, Võ Phiến, Nguyễn Tuân, Sơn Nam…, bằng những cách khác nhau, đã từng hướng văn chương đến miền thao thức với cái ăn, cách ăn của người Việt. Nhiều áng văn vẫn còn sống mãi với thời gian dù “đối tượng phản ánh” đã tam sao thất bổn qua biết bao bể dâu thế cuộc.

Biết bao dâu bể đã xảy ra trên bàn ăn của dân ta!

Không cố tình dệt nên những áng văn hoa mỹ về chuyện ăn uống, ông Ngữ Yên, thậm chí làm ngược lại, “anti” cái sự kiểu cách vẽ vời để mong muốn chạm trực tiếp đến cái ăn cho được “đúng như nó là, đúng như là nó – tự do, phóng khoáng, xả láng hài hước nhưng đau đáu, thâm trầm”. Cách ăn “không son phấn” đó mang lại cho chúng ta nguồn dữ liệu thực, thực từ ngôn ngữ trên bàn ăn (cách dùng từ lóng, giễu nhại, bóng gió,…) đến câu chuyện sau cái ngon, cái chưa ngon là nỗi đời, sự đời mang tính phổ quát mà cũng rất đỗi riêng tây.

Chuyện ăn trong cõi ta bà của xứ Sài Gòn như cách tác giả cuốn sách này chọn kể hóa ra cũng một nẻo thong dong đi vào đời sống, gom nhặt biết bao ân tình!…

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê!
Người ăn rong 3 là sự tái ngộ với quý độc giả tri âm sau Người ăn rong 1 và Người ăn rong 2, với tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê!. Tựu trung, đây là những câu chuyện ngắn về ẩm thực xứ Việt, đôi khi lẫn chút xứ người và đôi chút nhìn nghiêng ngó xéo về làn sóng “thực xâm” của các món ăn xứ người thời mở cửa trên mảnh đất Sài Gòn vốn chất chồng những lớp hưng phế của văn hóa ăn uống. Có những món ăn đã biến mất khỏi bàn ăn người Việt. Có những món đang lụi tàn. Có những món dân dã được phục tráng trên bàn ăn cao cấp. Chỉ là những câu chuyện ăn trong những lần rong ruổi khám phá ẩm thực đã lần lượt đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị và Thế Giới Tiếp Thị. Nhại theo câu nói nổi tiếng của Julius Caesar: “Ta dến, ta thấy và ta chiến thắng”, Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! kể chuyện theo kiểu “Tôi dến, tôi thấy và tôi ngợi ca/càm ràm” tùy theo may mắn nhiều hay ít của những lần đi. Nhưng cũng có khi xui tận mạng khi bước vào một quán ăn gặp những món hoặc là giả như cá nục ở nhiều quán trên mảnh đất cách biển gần 70 cây số này, hoặc là dở – dở thì không thể giới thiệu được, hoặc đại ngôn mà chỉ rất rất… tiểu táo, dành tiền mất, uất khí ráng ngậm mình ên.

Con người ta, trong khi ăn thường lộ ra nhiều thứ. Với Trần Công Khanh, cái ăn của anh rốt cuộc làm phát lộ ra anh là người ham… những chuyện xung quanh chuyện ăn. Nhờ vậy mà những chuyến dung dăng đi vào cuộc rong chơi ẩm thực của anh cũng tựa như hành trình khám phá đề tài cho trang báo. Nói tựa như, vì trong cái chuyện ăn để viết – viết để ăn ấy, bảo dễ thì cũng dễ xuôi lọt, còn bảo khó chắc cũng khó đến nghẹn ngào. Đọc chuyện anh ăn, thấy chính niềm yêu thích những thứ “bàng môn tả đạo” nằm bên ngoài mực thước tư duy ăn uống theo các “nhà ẩm thực” đã mang lại cho anh “cảm giác ngon” kỳ đặc hơn người. Cũng từ một chuyện nước mắm, nhưng cái khác nhau giữa Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Định,… đâu chỉ là kết quả của cái lưỡi nếm trải. Mà đâu đó trong hành trình chưng cất từ cá đến mắm, có quan niệm gió mùa thời tiết, có cảm nhận nắng mưa gắt nhạt, có nghệ thuật dùng liều lượng và chất lượng muối biển thế nào…đều không ai giống ai. Những “cái khác” ấy không phải cái lưỡi sành ăn nào cũng chạm tới được.

Trong hành trình ăn rong, cái lưỡi của Công Khanh nhiều khi đến sau bước chân phóng sự và đôi tay ghi nhanh, nên cái ngon trong ẩm thực của anh gom gói nhiều chất vị lắm. Đó là chưa kể, cái sự ăn rong của anh thường khởi phát từ những ưu tư về thời quá vãng, nên miếng ngon của ngày hôm nay còn dắt díu cả những mối dây liên hệ từ thuở nảo nào trong tàng thư hay qua lời nhân chứng kể – mà lắm khi đấy chính là lý giải thuyết phục cho việc sinh ra, trường tồn lẫn biến thiên của các món ăn trong từng cộng dồng cư dân. Ấy gọi là trong khi đọc chuyện anh ăn, người ta còn ăn chuyện anh đọc nữa vậy. Hay như lời tác giả cho rằng việc đọc cũng như ăn, cần phải thay đổi món liên tục, thay vì cá theo cá thịt theo thịt. Thế mới ngon, mới thú…

Những điều được viết trong sách không còn nguyên tính chính xác vì thời gian viết và thời gian độc giả cầm trên tay cuốn sách này có một quãng cách nhất định bao nhiêu nước đã về xuôi, tồn hư thật vô thường.

6 Gạo, Nước Mắm, Rau Muống… Câu Chuyện Ẩm Thực Việt

Hoàng Trọng Dũng từng giữ chuyên mục ẩm thực trên Tuần san Thanh Niên và báo Đà Nẵng một thời gian dài. Những bài viết đọc vô cùng cuốn hút, đọc thôi là đã có thể nhìn thấy màu sắc và ngửi thấy mùi thơm, khiến nỗi thèm muốn được tức khắc thưởng thức món ăn ấy. Tác giả đã chứng tỏ khả năng của một người biết cảm thụ từng miếng ngon tinh tế, và một kho kiến thức về ẩm thực Việt, văn hóa Việt.

Các bài báo ngắn về Bún thang Hà Nội, bún bò Nam Bộ, mì Quảng, cơm rượu Sa Pa… về bánh Hỏi, bánh Ít, về các món kho, về các món quà, về món ăn của bữa cơm thật giản dị, về các loại rau, về gia vị, về cách làm bún, bánh cuốn,… của các miền đất nước mang chứa đầy đủ những đặc điểm, những dư vị, dư cảm… của từng món ăn Việt. Các món ăn chứa chan tình yêu của mẹ, của vợ, không chỉ là món ăn, cách ăn, còn là câu chuyện của một hạnh phúc ấm êm gia đình.Giọng văn Hoàng Trọng Dũng nồng nhiệt, sôi nổi nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, duyên dáng. Những câu chuyện bên lề, những liên tưởng độc đáo, những ca dao, tục ngữ được được đặt đúng chỗ trong các diễn giải, không những giúp làm rõ hơn ý hướng của người viết mà còn đem lại cho ý hướng ấy sự thấm thía, thuần nhã, gần gặn. Câu chuyện ẩm thực của Hoàng Trọng Dũng đã trở thành Câu chuyện văn hóa ẩm thực.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN