Đi lể chùa đầu năm là một trong những tập quán vô cùng tích cực trong phong tục người Việt có thể rước lộc cũng như một phần thể hiện tấm lòng của mỗi người trước đạo Phật . Để dễ dàng hơn trong việc thăm viếng đầu năm , topxephang xin giới thiệu đến bạn đọc 5 ngôi chùa nổi tiếng và tâm linh nhất tại Vĩnh Phúc.
1.Chùa Hà Tiên
Chùa Hà Tiên (thường được gọi là chùa Hà), thuộc xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa nằm ngay bên quốc lộ 2B từ thành phố Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Đây là ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Chùa đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1995.
Chùa Hà vừa là nơi thờ phật, vừa là phật học đường nơi truyền bá tri thức giáo pháp cho nhiều thế hệ tăng ni, cư sĩ qua hàng trăm năm, và cũng là nơi thờ bà thánh mẫu Năng Thị Tiêu. Đặc biệt nơi đây đã từng lưu dấu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại những đi sản còn lại của chùa cổ là rất ít, và đang dần bị xuống cấp như: Cây hương đá, tấm bia đá hai mặt, hai con voi đá, khu vườn mộ, tháp sư và giếng ngọc.
Thấy rõ được những giá trị và ý nghĩa lịch sử của di tích chùa Hà Tiên, để đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế văn hoá – xã hội của tỉnh. UBNĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đầu tư xây dựng khu di tích chùa Hà Tiên với tổng điện tích gần 6ha.
2.Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.
3.Chùa Tích Sơn
Chùa Tích Sơn (tên chữ là Ngũ phúc tự) được xây dựng trên một địa thế đẹp, thuộc địa bàn phường Tích Sơn, thành phố vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Về lịch sử xây dựng chùa, hiện nay vẫn chưa rõ niên đại tuyệt đối, tuy nhiên, qua kiến trúc xây dựng, nghệ thuật điêu khắc và qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy chùa Tích Sơn có thể được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay, chùa đã có nhiều lần tu bổ lớn, hiện ở câu đầu chùa còn ghi Hoàng triều Bảo Đại thập thất niên, nguyệt hạ chí, thiên bổ thượng lương đại cát (có nghĩa là: tu tạo, dựng nóc chùa vào tháng 6 năm Bảo Đại thứ mươi bảy – năm 1942). Chùa Tích Sơn không chỉ là 1 nơi thờ phật, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đây còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, là nơi hội họp của các cơ sở, tổ chức cách mạng địa phương nên chùa không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn mang đậm dấu ấn di tích cách mạng. Chùa có quy mô đồ sộ với nhiều hạng mục như tam quan, gác chuông, nhà Tổ, chính điện và mộ tháp làm nên tổng thể ngôi chùa bề thế, linh thiêng. Chính điện có kiến trúc hình chữ Đinh (J) với hệ thống cột chủ yếu là bằng chất liệu gỗ và gạch xây, hệ thống mái bằng gỗ quý, hầu như không chạm trổ hoa văn mà được tạo tác bằng hình thức bào trơn đóng bén tạo nên cảm giác chắc chắn, vững chãi. Nghệ thuật điêu khắc của chùa Tích Sơn rất hiếm, chỉ thấy có ở các bức chạm cửa nách hậu cung nhà Tổ. Yếu tố nghệ thuật nổi bật ở đây chính là hệ thống tượng thờ ở chính điện. Hai bức chạm cửa nách hậu cung ở nhà Tổ có hình tam giác cân, được chạm nổi hình rồng thân uốn khúc, nhiều vảy, đuôi xoắn đang vờn mây. Phủ kín bức chạm là hình vân mây và sóng nước. Bức chạm phía trên cùng, chính giữa hậu cung nhà Tổ cũng có hình tam giác cân chạm hình đầu rồng với bờm tóc dữ tợn, nhìn thẳng xuống, miệng ngậm ngọc, xung quanh là hình hoa lá mềm mại. Tuy không phải là đề tài mới lạ, nhưng các bức chạm có nét chạm sắc, gọn làm cho phần hậu cung nhà Tổ tuy thấp nhưng vẫn nổi bật được sự uy nghi, thâm nghiêm cần thiết.
4.Thiền viện Trúc Lâm-Tuệ Đức
Chùa Trúc Lâm Tuệ Đức được tôn tạo từ chùa Kim Tôn, một ngôi Chùa cổ đã có trên 700 năm tuổi, với công đức vô lượng của Quí Phật tử gần xa, từ một ngôi chùa đã bị đổ nát theo tháng năm, ngày nay một ngôi Thiền viện khang trang đã dần được hình thành trên nền chùa Kim tôn – Thiền việc Trúc lâm Tuệ Đức (xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Trúc lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này ta có thể nhìn thẳng ra Sông lô, và một chiếc Hồ lớn hình một ông Rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.
5.Chùa Vàng Tam Đảo
Cách thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chừng 25km đường đèo dốc, ôtô chạy non một giờ sẽ đến khu du lịch Tam Đảo. Đường dốc trung bình 15 độ nghiêng, quanh co, ngoằn ngoèo men theo sườn núi, dọc hai bên đường chập chùng rừng thông bạt ngàn, lá reo vi vu trong gió.
Đến Tam Đảo, du khách thường viếng đền Mẫu, chùa Vàng, thác Bạc, bởi đấy là những di tích, danh lam, thắng cảnh gắn liền với miền núi Tam Đảo hoang sơ, kỳ vĩ.
Từ chân núi Thiên Thị, qua 200 bậc đá, xuyên qua khu rừng trúc thâm u, tĩnh mịch, du khách sẽ đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn và chùa Vàng.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn có kiến trúc phương Đông ước lệ, mái lợp ngói miểng Thổ Hà, phía trên ngay cửa chánh điện có đắp phù điêu cặp rồng xanh đang giương nanh múa vuốt (lưỡng long tranh châu). Các cột trụ vuông bốn mặt giả đăng đỉnh (trụ đèn), dọc cột có những hàng chữ Nho. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái đầu của Quốc Mẫu Âu Cơ. Theo một truyền thuyết dân gian khác, Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương.