Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Bắc Ninh

0
2420
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Bắc Ninh nhé.

1.Hội Lim
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương .

Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim. Song trải tháng năm lịch sử, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng

Phần lễ
Ngày 13/1 Âm lịch, ngày hội chính,. Vào 8h sáng, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Buổi sáng ngày 13 tháng giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần

Phần hội
Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội

Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.

Hội Lim lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc ,với những hoạt động phong phú của lễ và hội đã có nội dung và tầm cỡ lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh – mảnh đất được coi là vương quốc của lễ hội dân gian Việt Nam

2.Lễ hội Đền Đô
Lễ hội đền Đô được tổ chức trong các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hằng năm tại làng Ðình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, âm vang tiếng gọi cội nguồn nhằm kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hoá Đại Việt rực rỡ.

Lễ hội Đền Đô diễn ra trong 3 ngày (từ 14 – 16 tháng 3 âm lịch) nhưng chính hội là ngày 16/3 – ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô (khoảng 3 km). Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.

Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng tự nguyện lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa cha ông bao đời xây đắp.


3.Hội làng Phù Ðổng
Hằng năm vào ngày mồng tám tháng Tư, tại đình làng Gióng, tên chữ là làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh có mở hội kỷ niệm đức Phù Ðổng Thiên Vương, tục gọi là Ðức Thánh Gióng, rất linh đình và trang trọng.Hội đền Phù Ðổng Thiên Vương tục gọi là hội Gióng rất vui với cuộc rước lịch sử, diễn lại trận đánh giặc Ân của đức Thánh Gióng.

Hội đền Phù Ðổng Thiên Vương là một hội rất lớn do bốn xã thuộc tổng Phù Ðổng cùng tổ chức với sự tham gia của làng hội Xá, nên việc sửa soạn ngày hội cũng rất cẩn trọng, nhất là sửa soạn cho cuộc diễn lại thần tích đức Thánh Gióng phá giặc Ân.

Trong bốn xã này có hai xã Phù Ðồng và Phù Dực được luân phiên cử chủ tọa đám hội. Hai xã Ðổng Xuyên và Ðổng Viên chỉ đóng vai phụ tá trong đám hội và chỉ được đóng vai quân lính do thám. Mỗi xã được chia làm nhiều giáp, mỗi giáp tựa như một ấp hiện nay.

Hàng giáp phải cử lấy những người giữ các vai quan trọng trong cuộc diễn lại trận diệt giặc Ân. Những người này là các ông Hiệu, hiệu Cờ trông nom cờ lệnh, hiệu Chiêng điều khiển khiêng, hiệu Trống điều khiển trống. Còn một ông Hiệu Trung Quân để phối hợp điều hòa sự tiến quân và hai ông Hiệu Tiểu Cổ để đi tiên phong thám thính quân giặc.

Tất cả các ông Hiệu đều phải kén trong đám thanh niên từ 12 đến 26 tuổi. Có thể là những chàng trai đã lập gia đình rồi nhưng phải chay tịnh trong suốt thời gian sửa soạn cho đến ngày hội. Quân được chọn trong dân đinh bốn xã từ 18 đến 36 tuổi họp thành 10 cơ, mỗi cơ gồm một cơ trưởng và 15 cơ binh. Kẻ địch là quân tướng nhà Ân được tượng trưng bằng 28 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 13 do hàng tổng cử ra để đóng vai 28 viên tướng giặc Ân, ăn mặc sặc sỡ, đeo đồ trang sức lộng lẫy.

Cờ lệnh bằng lụa màu lòng đỏ trứng gà, rộng ba tấc rưỡi và dài bảy vuông. Cờ do giáp chủ tọa may, đây chính là cờ đức Thánh Gióng dùng trong ngày diễn trận. Mỗi năm thay cờ lệnh một lần. Cờ năm trước, ông Hiệu cờ năm sau dùng để luyện tập trước ngày diễn trận.

Ðể phân biệt với những lá cờ khác, trên cờ sẽ có chữ “Lệnh” do một tay văn tự viết lên. Giáp chủ tọa trong mấy ngày đầu tháng tư sẽ lựa một ngày tốt, mời một bậc đại khoa nếu có, bằng không cũng phải mời một tay văn học tới viết chữ “Lệnh” này với sự chứng kiến của tất cả các ông Giáp trưởng bốn xã trong hàng tổng.

Cuộc diện trận đã được sửa soạn từ ngày mồng sáu tháng Tư. Ngay từ ba giờ chiều hôm mồng sáu, dân làng đã cử hành một đám rước tới giếng trước đền Mẫu, tức là Ðền Hạ, để lấy nước lau rửa tự khí dùng trong việc diễn trận. Nước đựng vào hai chỏe sứ. Hai mươi bốn quân sĩ của Phù Ðổng Thiên Vương sắp hàng hai theo bậc Giếng từ trên bờ tới mặt nước để lấy nước. Người cơ binh đứng ở bậc Giếng cuối cùng, sát mặt nước, múc nước vào một chiếc gáo đồng rồi chuyển cho người đứng cùng hàng với mình ở trước mặt. Người này nhận gáo nước rồi lại chuyển cho người đứng trước mặt mình bên bậc trên, đứng kế bên người vừa chuyển cho mình…

Cứ lần lượt như vậy, gáo nước được chuyển theo đường chữ “CHI” cho tới miệng Giếng đến tay người đứng bên chóe sứ. Ngườ i này đổ nước vào choé, lọc qua một miếng vải điều theo hiệu lệnh Cơ trưởng. Cơ trưởng mặc áo thụng xanh, đánh Kiểng để ra lệnh cho người cơ binh đổ nước vào choé. Tự khí được rửa bằng nước đã lọc đựng trong choé sứ ở ngay sân đình.

Ngày mồng bảy vào cuối giờ Tỵ, cờ lệnh được rước từ đền Mẫu đến đền Thượng và buổi chiều vào lúc giờ Mùi, hàng tổng đi kiểm soát lộ trình từ đền đến bãi trận. Có điều gì khiếm khuyết lập tức phải sửa chữa và bổ khuyết ngay.

Vào giờ Tỵ ngày mồng Chín có lễ tế cờ tại đền, có cả mổ trâu giết bò. Mọi người đều sẵn sàng để xuất trận. Mặt trận sơ sài, dưới chân Ðê có một hồ sen, địch quân chiếm đóng nơi hồ. Quân Phù Ðổng Thiên Vương tiến chiếm bờ hồ bên này, có một khoảng đất trống với nhiều mô nhỏ. Có ba chiếc chiếu đã trải giữa những mô đấy này. Giữa mỗi chiếc chiếu có một chiếc bát úp trên một tờ giấy: Chiếu tượng trưng cho cánh đồng, Bát tượng trưng cho đồi núi, Tờ giấy cho mây.
Cờ lệnh đã trương lên, ông Hiệu cờ tiếp lấy rồi tiến lên ba bước. Rồi ông đứng ở giữa chiếc chiếu, hai chân chụm vào nhau. Ông nhảy lên hai lần, sau đó ông quỳ gối bên phải xuống chiếu, bàn chân trái dẫm ra đằng trước như hình chữ “Lệnh”, hai tay ông phất cờ lệnh, xoay mình ba lần. Dân chúng dự cuộc lúc đó mỗi lần ông xoay mình lại đếm theo. ông đứng lùi khỏi chiếc chiếu. Lập tức mọi người nhảy xô tới cướp lấy xé chiếc chiếu. Họ tin những mảnh chiếu mang may mắn cho họ, và những người hiếm con được mảnh chiếu có thể thấy được tin mừng.
Khi chiếc chiếu thứ ba được dân chúng xâu xé chia nhau hết quân giặc cũng tan, các tướng giặc cũng rút lui hỗn loạn. Kiệu của các cô thiếu nữ được rước về làng Phù Ðổng. Một tiệc khao quân lớn diễn ra ngay trước cửa đền. Trận tái chiến diễn ra ở bãi Sòi Bia thuộc làng Phù Ðổng. ở đây cũng lại có ba chiếc chiếu như ở Ðồng Ðàm. Ngày mùng mười tháng Tư, hàng tổng duyệt lại đạo binh thắng trận. Các khí giới được kiểm soát. Hàng tổng lạilàm lễ trước đền. Quân sĩ lại được khao thưởng. Thế là “thiên hạ Thái Bình”. Sau ngày diễn trận, hàng tổng lại tổ chức rước nước để rửa lại khí giới, đồ thờ đã dùng trong việc chiến trận. Và có nhiều trò vui cho khách trẩy hội thưởng thức: đánh vật, hát chèo và có cô đầu hát thờ.

Ðến dự hội, người xem được chứng kiến nghi thức về một hệ thống lễ với các động tác thuần tục, uy nghi mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao. Ðến hội, người ta có dịp cảm nhận được mối quan hệ hai chiều giữ a làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, quá khứ và hiện tại như hòa nhập với nhau vừa thiêng liêng, vừa huyền ảo. Truyền thống yêu làng-yêu nước được giữ gìn như một tài sản văn hóa.


4.Lễ hội Đền Đậu
Nằm ven sông Đuống thuộc phía nam huyện Quế Võ là một vệt các làng cổ, trong đó có Mộ Đạo tên nôm làng “Đậu”. ở đây có ngôi đền cổ được gọi là đền Đậu, là nơi chính đền của 3 tổng 9 làng xã xưa, tương truyền thờ danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương. Cũng từ lâu đời, hội của 9 làng vùng ven sông Đuống này đã trở thành hội vùng nổi tiếng. Theo tục lệ, cứ 3 năm một lần vào các năm (Tý, Mão, Dậu), ngày 16 đến ngày 20 tháng 3 (âm lịch) 9 làng trên lại mở hội chung tại đền Đậu .

Những làng thuộc về hội đền Đậu, xưa thuộc 3 tổng (Mộ Đạo, Đại Toán, Quảng Lãm) và nay thuộc 3 xã (Mộ Đạo, Chi Lăng, Yên Giả) gồm các làng sau: Mộ Đạo, Đức Tái, Đô Đàn, Tập Ninh, Trúc Ổ, Mai Ổ, Trạc Nhiệt, La Miệt, Yên Giả. Trong 9 làng cùng thờ thánh trên thì đền Mộ Đạo là nơi chính đền (anh Cả), 8 làng còn lại được gọi là hàng từ và phân thành 3 “tích”: Tích nhất gồm 3 làng (Mộ Đạo, Trạc Nhiệt, Mai Ổ), tích nhì (Tập Ninh, Đức Tái, Đô Đàn), tích ba (Trúc Ổ, La Miệt, Yên Giả). Những làng trên còn bảo lưu được thần phả sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối ghi chép phản ánh về người được thờ. Căn cứ vào thần tích, sắc phong thì thần được thờ của 9 làng trên là “Bình Thiên hiển đức đại vương” là một danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương 18, thần thường linh ứng phù giúp các triều vua đánh giặc và nhân dân người khang vật thịnh, nên các triều vua đều gia phong mỹ tự và có sắc lệnh cho 9 làng xã nơi đây phải thờ phụng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trong chức sắc của 9 làng phải tổ chức họp bàn với nhau. Làng Mộ Đạo có chính đền, thuộc tích nhất, phải chuẩn bị những lễ vật để tế thần tại đền Đậu như: Lễ Tam sinh (lợn, dê, ngỗng trắng), lợn tượng (lợn tạ) và các loại rượu, bánh trái, hoa quả đặc sản của địa phương (rượu Hoàng tửu, bánh đường, chè kho, chè lam, kẹo lạc…). Những làng còn lại, mỗi làng phải lo một lợn tượng để tế thần. Sáng ngày 16 tháng 3, tất cả 9 làng đều phải rước kiệu thần từ đình làng mình đến tập trung tại đền Đậu để tế lễ và mở hội. Đoàn rước kiệu của các làng, vai cờ kiệu là “giai trần” (trai tráng cởi trần, đóng khố), đầy đủ cờ kiệu, tàn lọng, siêu đao, bát bửu, trống chiêng và còn phải có đội “quân cờ”. Đội quân cờ có tướng cờ và quân cờ, mặc trang phục màu đỏ, tướng cờ có lọng che và đội quân cờ này là tượng trưng cho nghĩa binh của thần khi đánh giặc. Khi các đoàn rước của các làng tập trung đông đủ tại đền Đậu, theo thứ tự kiệu của các làng được rước vào đền trong, đền ngoài các quan viên tế của các làng cùng tế. Trong khi tế lễ có hát ca trù để thờ thần. Làng Mộ Đạo là một trong cái nôi của hát ca trù, các nghệ nhân không những tham gia hát thờ, mà còn tham gia hát hội. Lễ hội đền Đậu kéo dài đến ngày 20, sau khi tế “rã đám” thì kiệu thần của làng nào lại được rước về làng ấy.

Trong những ngày lễ hội đền Đậu, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi, giải trí như: Tuồng, chèo, ca trù, đu cây, thi vật, thi dệt vải, nhảy phỗng, bắt vịt, bắt trạch… thu hút hàng ngàn người đến lễ hội.

Lễ hội đền Đậu đã trở thành một nét văn hiến tiêu biểu của xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh.

5.Lễ hội chùa Bút Tháp
Lễ hội chùa Bút Tháp là môt lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.Với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội gồm 2 phần:

Phần Lễ, diễn ra chủ yếu trong khu nội tự với các nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng Phật, Lễ dâng hương Lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, Lễ cúng Tổ…với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương

Sau phần Lễ đến phần Hội, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật Chèo… Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…

Chùa Bút Tháp là một trong những di tích Phật giáo độc đáo của đồng bằng Bắc Bộ Việc tổ chức lễ hội truyền thống Chùa Bút tháp đã phần nào đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và khách thập phương.
6.Lễ hội làng Vọng Nguyệt
Lễ hội làng Vọng Nguyệt được tổ chức trong ba ngày 25, 26, 27 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất truyền thống và hiện đại tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công lập làng.
Vọng Nguyệt xưa có tên gọi là làng Thứ Nhị hay còn gọi là làng Ngột Nhì. Vào thời Nguyễn thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm ở bên bờ Nam sông Cầu là vùng quê có phong cảnh thơ mộng trữ tình với một quần thể di tích đình, đền, chùa đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa. Từ bao đời nay nơi đây vẫn có nghề trồng dâu nuôi tằm gắn bó với cuộc sống và tình yêu lao động của mỗi một người dân.

Vọng Nguyệt không những nổi tiếng trong dân gian là vùng đất khoa bảng tiêu biểu của huyện Yên Phong với 8 vị đỗ đại khoa và nhiều vị đỗ cử nhân tú tài vào thời phong kiến mà còn là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Vọng Nguyệt còn là một trong những làng Việt cổ với những di sản văn hoá vật thể, đánh dấu những mốc son thăng trầm của một cộng đồng làng xã trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Chùa Vọng Nguyệt (tên chữ là Khai Nghiêm tự) do Nguyệt Sinh công chúa nhà Lý dựng. Đến thời Lê và Nguyễn chùa Khai Nghiêm được tu sửa lớn, dựng thạch trụ thiên đài vào năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705), đúc chuông đồng lớn vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tạc nhiều pho tượng Phật. Đời Dụ Tông (1341-1369) Hàn lâm học sỹ Trương Hán Siêu soạn văn bia, khắc trên đá.

Lễ hội Vọng Nguyệt diễn ra trong vòng 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ:

Trong ngày hội, có rất nhiều tốp được phân chia nhiệm vụ để rước lễ vật. Gồm một nhóm các em thiếu niên nữ và nam, các cụ ông, cụ bà, thanh niên nam nữ riêng mỗi tốp sẽ có một nhiệm vụ rước từng lễ vật khác nhau như, ngựa ông, ngựa bà, lọng, kiệu…Đoàn rước đi từ đình làng ra chùa và đi qua các ngõ lớn trong làng.

Đi dẫn đầu đoàn rước là một nhóm múa lân gõ chiêng trống inh ỏi và góp lộc của các hộ dân hai bên đường của đoàn rước ban phát, biểu thị sự no ấm đầy đủ, đi sau là người mặc bộ áo dài đỏ (người có chức sắc trong làng thời xưa) dẫn đầu cho đoàn rước.

Từng đoàn rước nối đuôi nhau đi trong tiếng kèn trống chiêng rỗn rã cộng với nhóm múa lân vui nhộn trên đường, rất đông những người già người trẻ đứng ra hai bên đường để ban lộc cho đoàn rước và xem lễ hội

Tất cả các đoàn rước được đi về ngôi chùa cổ của làng để tập trung và lễ hội chính sẽ được tổ chức ở đây, các nghi thức trang trọng và các màn ca múa dân gian được tái hiện lại như các lễ hội thời xưa.

Từng đoàn rước được quy tụ vào sân chùa để tiến hành nghi lễ trang trọng cúng hoàng làng. Có rất đông du khác thập phương và bà con cùng tham gia lễ hội. Vừa ôn lại nét văn hóa dân gian vừa có dịp vui chơi trong ngày hội và gìn giữ những nét văn hóa ấy cho thế hệ mai sau.

Trên một khúc sông nhỏ các liền anh liền chị hát quan họ tình tứ, người Bắc Ninh có một giọng hát bẩm sinh, không chỉ những liền anh liền chị chuyên nghiệp mới có thẻ hát hay mà hầu hết trong lễ hội đều có sự góp mặt của các giọng hát vẫn luôn chân lấm tay bùn với nghề nông.

Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn nghệ thể thao như: chọi gà, bóng chuyền, bóng đá, văn công…Ngoài các trò chơi dân gian được tổ chức một cách quy mô như lễ hội vật, vật vốn là một trong những trò chơi dân gian chính trong các lễ hội, về với hội làng có nhiều đô vật ở các tỉnh có truyền thống vật như Hà Tây diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ.

Lễ hội luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người dân Vọng Nguyệt và du khách thập phương. Bên cạnh sự đổi mới về kinh tế xã hội, thì những nét đẹp về mặt thuần phong mỹ tục của làng Vọng Nguyệt vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn xứng danh một vùng quê văn hiến xứ Bắc./.

7.Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương
Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, tại làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, ghi khắc công lao muôn đời của các bậc tiền nhân- những người có công đánh giặc giữ nước, giữ yên bờ cõi.

Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ người quê vùng Lục Đầu- Bình Than, trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà bảo vệ nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, thi hài được hổ tha về quê. Dân làng trông thấy liền kéo nhau ra đánh đuổi hổ và làm lễ an táng ông, dấu tích xưa còn đó là lăng mộ ông tại làng Tiểu Than. Đền thờ ông tại làng Đại Trung, đình làng Tiểu Than và lăng mộ Cao Lỗ Vương đều được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.

Vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch- ngày sinh của Cao Lỗ Vương, người dân 7 làng quanh vùng cùng phối hợp tổ chức tế lễ ở đền Đại Trung, sau đó mỗi làng đều tổ chức lễ hội theo tục lệ để bày tỏ lòng tri ân công đức vị danh tướng của quê hương. Với làng Tiểu Than, lễ hội có những nét độc đáo riêng. Ngày mùng 9 tháng 3 dân làng tổ chức rước Long Đình cùng nhiều lễ vật ra lăng mộ Ngài làm lễ tuyên văn, sau đó vào nhà cụ Thủ sắc (người chuyên giữ sắc thờ của làng) rước văn ra đình.

Sáng ngày mùng 10 tiến hành rước song hành kiệu và lễ vật xuống đền làm lễ tế chung. Đám rước uy nghiêm gồm trống khẩu, lọng, quạt, chiêng trống cùng long đình, bát bửu, cờ hội, súng lệnh…

Trong những ngày hội, làng tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như vật, tam cúc điếm, hát cô đầu; đặc sắc nhất là trò múa bông, đuổi bệt, tạo nét hấp dẫn riêng trong không gian lễ hội nơi thôn quê. Tương truyền cây bông bằng tre được vót như đũa bông làm 3 đoạn với 6 phôi bông. Người múa bông là một thôn nữ thanh tân mặc áo the thắt lưng bó cạnh, hai tay cầm hai cây bông múa theo điệu trống giữ nhịp. Mỗi tiết mục múa khoảng hơn nửa tiếng, trước khi kết thúc cô gái đưa cây bông lên miệng ngậm một vài sợi phôi sau rồi vứt cây bông ra, dân làng xô nhau đến cướp. Ai tranh được coi như năm ấy gia đình, họ tộc sẽ gặp nhiều may mắn tốt lành. Với trò “Đuổi bệt” còn gọi là đuổi hổ được lưu truyền nhằm diễn lại sự tích dân làng đuổi hổ lấy thi hài Cao Lỗ Vương để an táng. Vào hội dân làng cho đặt một cái bàn trước nhang án và quây màn tượng trưng làm một quán rượu. Trong màn, một bậc cao niên đóng vai ông chú đang uống rượu say, bên ngoài là hai cháu bé một trai một gái. Khi vị quan viên cầm sách đọc bài “Văn dã”, hai cháu đọc lại theo từng nhịp, hết mỗi đoạn lại quay ba vòng. Phía ngoài, người đội lốt hổ là một thanh niên đang lấp ngoài đầu đình với cành cây che kín. Bài văn dã kết thúc, ba chú cháu cùng cầm gậy ra đuổi hổ. Người và hổ giao tranh ba vòng xung quanh đình, khi hổ mệt chạy ra Miễu (khu vực lăng mộ Cao Lỗ Vương), ba chú cháu lấy được lốt hổ đem đốt tượng trung cho việc đã giết được hổ giành lại thi hài Cao Lỗ Vương và dân làng đem an táng tại Miễu.

Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương ngày nay vẫn được người dân 7 làng cùng tôn thờ ông phối hợp tổ chức nhiều nghi thức tế lễ, rước sách uy nghiêm tại đền, mở nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian tại đình chùa làng, thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết gắn bó bền chặt của các làng xã vùng sông nước Lục Đầu- Bình Than- nơi ghi dấu ấn nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống xâm lược của nước Đại Việt xưa./

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN