Top 5 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Quảng Trị

0
4702
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Quảng Trị nhé.

1.Lễ hội cầu ngư truyền thống Vĩnh Thạch
Lễ hội cầu ngư truyền thống Vĩnh Thạch diễn ra hàng năm vào ngày Rằm tháng 5 , tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, nhằm cầu quốc thái – dân an, ngư dân ra khơi thuận buồm – xuôi gió đánh bắt nhiều cá tôm…

Xã Vĩnh Thạch có 10 thôn, nhưng chỉ có thôn Vịnh Mốc là có người dân đi biển đánh cá. Cả thôn có 120 thuyền, đây là phương tiện sản xuất chủ yếu giúp cho trên 350 hộ dân thôn Vịnh Mốc nâng cao thu nhập hàng năm.

Ngoài phần lễ, phần hội được xã tổ chức với nhiều nội dung như: hội thi đan lưới, hò chèo cạn cầu mùa …

Đặc biệt, hội thi đua thuyền truyền thống, nhằm tái dựng lại cuộc sống thường ngày của ngư dân làng chài Vịnh Mốc, phát huy tinh thần anh dũng, kiên cường của những lão ngư Vịnh Mốc trong những năm chống Mỹ cứu nước đã không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ, các đội đua gồm những trai tráng thôn Vịnh Mốc đã cống hiến hết mình đưa thuyền về đích trong sự cổ vũ của đông đảo người xem.

Lễ hội cầu ngư truyền thống được xã Vĩnh Thạch tổ chức hàng năm có ý nghĩa quan trọng nhằm động viên ngư dân của xã đoàn kết, ngày ngày ra khơi bám biển góp phần nâng cao đời sống và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới tuyến biển của Tổ quốc./.

2.Lễ hội Ariêuping của dân tộc Pa Cô
Lễ hội Ariêuping (lễ nhà mồ) truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, diễn ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Không ấn định thời gian lễ hội cụ thể, có khi 5 năm, 10 năm hay lâu hơn bởi còn phụ thuộc vào điều kiện và thời gian thuận tiện người Pa Cô mới tổ chức lễ Ariêuping một lần.

Đây là lễ hội có từ ngàn đời nay và quan trọng bậc nhất mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Pa Cô. Lễ hội Ariêuping mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ đến những người đã khuất của đồng bào dân tộc Pa Cô.

Nội dung của lễ hội Ariêuping là tổ chức cất bốc những ngôi mộ người thân trong gia đình của tất cả các dòng họ trong làng đã chết trước đó được an táng rải rác các nơi và cải táng quy tập về một khu vực để tiện thăm viếng, chăm sóc, hương khói.

Thời gian diễn ra lễ là 3 ngày với các nghi lễ như tổ chức cất bốc và an táng hài cốt, lễ cúng ma, hội đâm trâu, múa cồng chiêng…

Khi cây nêu mọc lên, cũng là lúc không khí lễ hội mới thực sự rộn ràng. Cây nêu là nơi ở của các vị thần cháu con mời về dự lễ. Đứng trước cây nêu, một người có uy tín nhất trong bản đọc lời thề: “Hỡi anh em các dân tộc 3 miền, chúng ta hãy nguyện đời đời đoàn kết đùm bọc lẫn nhau như anh em một nhà”. Kết thúc lời thề, tất cả các loại nhạc như cồng, chiêng, tù và nổi lên và nhân dân trong vùng nhảy múa suốt đêm để hầu các vị thần về chung vui, phù hộ cháu con.

Lễ vật cúng thần linh rất nhiều nhưng trong đó có một số lễ vật không thể thiếu là một con trâu, trầm, trà, hương, rượu và một số thực phẩm sống. Quan niệm của người Pa Cô, khi cúng các vị thần thường cúng những thực phẩm sống để các vị thần linh, những người đã khuất thích gì chế biến nấy.

Cùng với việc dựng nêu, bà con dân bản tiến hành dựng nhà mồ theo lối kiến trúc dân gian gồm 4 cột chịu lực, mái trước cao, mái sau thấp, liên kết chân và đầu cột bằng các tấm ván có trang trí họa tiết hình mặt người như trang trí trên đầu cột. Hình thức lợp mái nhà mồ rất độc đáo đó là bằng các ống tre chẻ đôi sắp úp ngữa, nắng không thể vào, mưa không thể dột.
Việc đặt nhà mồ cũng theo thứ tự, nhà mồ của chủ làng được đặt ở ví trí đầu tiên, kế theo là các dòng họ của làng. Địa điểm đặt nhà mồ đặt ở gần các con suối có nước chảy quanh năm. Theo quan niệm của người Pa Cô, việc đặt nhà mồ ở đó để những người đã khuất luôn mát mẽ và thuận lợi trong làm ăn ở thế giới bên kia. Nhà mồ nơi đặt các hài cốt tập thể, không phân biệt gái, trai, ai chết sau đặt trước, ai chết trước đặt sau (tức là đặt ở bên trên), hướng đầu quay về phía núi cao thoáng rộng. Phía trước nhà mồ được trang trí bằng các hình người nam, nữ khỏa thân được đẽo bằng cây rừng tượng trưng cho hạnh phúc và sự sinh sôi nảy nở như vòng đời bất tận.
Trước khi cất bốc hài cốt về nhà mồ 3 ngày, các gia đình và dòng họ làm lễ cúng Giàng và người đã khuất cáo mời về dự lễ Ariêuping. Khi công tác chuẩn bị lễ hội xong, đại diện các họ tiến hành cốt bốc người quá cố tại rừng ma về. Theo luật tục, khi bốc các hài cốt còn mới, các gia đình đặt câu hỏi “bốc hết chưa”, người giúp cất bốc chỉ cần lấy một vài bộ phận nào đó tượng trưng mà trả lời “hết rồi” thì xem như hài cốt người quá cố đã được lấy hết và đưa vào tiểu sành mang về như những người khác.
Đối với những người không tìm thấy xác được cất bốc với hình thức cầu hồn (A Liêm), tức là bỏ một ít thức ăn vào một mảnh vải rồi khấn tên tuổi người quá cố, sau đó bất kể loài côn trùng nào như châu chấu, kiến… vào tấm vải thì gói lại buộc thỉnh về xem đó là thể xác người mất đã về. Trong quá trình di chuyển hài cốt từ rừng ma về, không được đi ngang qua làng mà phải đi ngoài rìa làng về nơi đặt nhà mồ. Khi các nghi lễ phục vụ cất bốc hài cốt diễn ra cũng là lúc các loại nhạc như trống, khèn, thanh la, chiêng, tù và, a ben… nổi lên.
Tục lệ này gọi là “đánh trống- chiêng nuôi người đã khuất”. Người đến dự lễ nhảy múa quanh rạp quàn hài cốt cho đến khi kết thúc lễ hội với bài hát “Anh em dân tộc ba miền. Cùng nhau xiết chặt nối liền vòng tay. Truyền thống tốt đẹp xưa nay. Một lòng đoàn kết nồng say chan hòa./.

3.Hội cướp cù
Hội cướp cù được tổ hàng năm vào ngày 4 tháng 1 Âm lịch, tại đình An Mỹ, Cẩm Phổ, Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Đây là trò chơi dân gian mang tính truyền thống của cha ông từ khi mới lập làng truyền lại.

Trước khi đưa cù vào sân thi đấu, bô lão lớn tuổi nhất làng phải tiến hành làm lễ tế trời đất, tuyên tố khai Hội.

Ba quả cù, mỗi quả nặng 1,5kg, làm bằng gốc cây chuối, gọt tròn tạo thành cù, tuợng trưng cho Thiên – Địa – Nhân đã được các vị cao niên kính cẩn đặt lên bàn thờ. Lễ cúng cù, cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, con cháu học hành đỗ đạt, người đi làm ăn xa sức khỏe, bình an…

Sau phần lễ, tế cầu an là trò cướp cù. Nét độc đáo của lễ hội là bên nào huy động được nhiều người tham gia thì càng dễ thắng cuộc. Người tham gia không kể già, trẻ, trai, gái.

Quả cù được vị trưởng làng tung lên trời và tất cả các thành viên trong làng trở thành vận động viên tranh cù, chia thành hai phe, tìm cách ném cù vào chiếc rọ tre treo trên cao.

Địa điểm chơi Hội cướp cù được chọn một đồi cát vàng lớn nhất của làng. Mỗi trận đấu thường kéo dài ba hiệp, một hiệp khoảng 30 phút đến một giờ.

Mỗi đội chơi đại diện cho một xóm, hoặc một thôn trong xã. Đội nào đưa cù vào rọ, được đặt trên ngọn một cây tre cao chừng hơn 3m là đội chiến thắng.

Ban tổ chức có trách nhiệm ghi vào sử làng đội thắng cuộc. Từ xưa đến nay, ít có đội thắng vì rất hiếm khi cù được ném vào đúng rọ.

Theo truyền thống của làng, Hội thi cướp cù dù thắng hay thua các đội đều được phần thưởng là những cái bắt tay thật chặt, vui vẻ, rồi chung những chén rượu nồng lấy lộc đầu năm…

Hội cướp cù với một ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được tốt tươi. Con cháu học hành đỗ đạt, đi làm ăn ngoài Bắc, trong Nam được thuận lợi. Ngư dân ra khơi thì thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm.

Hội được tổ chức trong hai ngày./.

4. Lễ hội Trường Sơn huyền thoại
Lễ hội là hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ trên Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và các nghĩa trang khác ở Quảng Trị.
Lễ hội này gắn với hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người còn sống với anh hùng liệt sỹ đã hi sinh và vì đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.

Phần lễ: Gồm Lễ cáo kết hợp với lễ viếng nghĩa trang được tổ chức trước ngày giỗ chính. Lễ giỗ tại đền thờ nghĩa trang dành cho các đoàn hành hương tổ chức trong cả hai ngày 26 và 27/7. Lễ giỗ chính do lãnh đạo tỉnh chủ trì tổ chức tại Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn chiều 27/7. Cùng ngày, tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trong toàn tỉnh đều tiến hành lễ viếng, dâng hương.

Phần hội: Gồm các hoạt động tổ chức hành hương cắm trại tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Tuỳ theo điều kiện từng lễ hội để tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật, tôn vinh chiến công của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuối ngày dâng nến trên tất cả các phần mộ ở hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Lễ hội Trường Sơn huyền thoại sẽ được tổ chức ở hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia nhưng phần Hội tập trung ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Đại giỗ sẽ được tổ chức định kỳ ba năm một lần.

5.Lễ hội đêm Thành Cổ
Lễ hội đêm Thành Cổ thường được tổ chức vào ngày và đêm 1/5 tại thị xã Quảng Trị. Và lễ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần vào dịp năm chẵn,năm tròn ngày giải phóng Quảng Trị. Lễ hội gắn với khu di tích Thành Cổ Quảng Trị nhằm tưởng niệm những người con nước Việt đã ngã xuống trên mảnh đất Thành Cổ. Tôn vinh chiến công hiển hách của quân và dân cả nước trong cuộc chiến 81 ngày đêm chống phản kích và tái chiếm của địch. Đồng thời giới thiệu cho du khách những nét văn hoá tiêu biểu của Thành Cổ, một trung tâm chính trị văn hoá, thời Nguyễn ở tỉnh Quảng Trị…
Phần lễ:

-Lễ tưởng niệm tại tượng đài Thành Cổ, kết hợp với kỷ niệm ngày giải phóng thị xã Quảng Trị.

-Thả hoa đèn trên sông Thạch Hãn.

-Lễ dâng hương ở các hương án.

-Lễ cầu siêu chung cho các vong linh đã mất.

Phần hội: Các hoạt động giao lưu, toạ đàm dành cho cựu chiến binh Thành Cổ. Các hoạt động văn hoá thể thao, du lịch tôn vinh và quảng bá văn hoá truyền thống.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN