Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Đức có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
1.Nhà thờ chính tòa Aachen
Nhà thờ chính tòa Aachen (thường được coi là “Nhà thờ chính tòa cung đình” (tiếng Đức: Kaiserdom) là một nhà thờ Công giáo tại thành phố Aachen, miền tây Đức. Nhà thờ này là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Aachen, là cũng là nhà thờ chính tòa lâu đời nhất ở Bắc Âu và trong thời trung cổ, nó được biết đến với tên gọi Nhà thờ Hoàng gia Thánh Maria của Aachen.
Trong vòng gần 600 năm, từ năm 936 tới 1531, nhà thờ Aachen đã được dùng làm nơi tấn phong cho 30 vị vua và 12 hoàng hậu Đức. Nhà thờ này có ngai tòa giám mục từ năm 1802 tới năm 1825. Năm 1930 giáo phận lại được tái lập ở đây.
2.Dinh thự Würzburg
Dinh thự Würzburg hay Cung điện Würzburg (tiếng Đức:Würzburger Residenz) là một di sản kiến trúc nghệ thuật Baroque nằm ở Würzburg, Lower Franconia, xứ Bavaria, miền Nam nước Đức.
Đây là một trong những công trình lớn và đẹp nhất ở Đức, các khu vườn tuyệt đẹp, quảng trường lớn của hoàng tử Lothar Franz và Friedrich Carl von Schönborn. Công trình được thiết kế xây dựng bởi nhóm các kiến trúc sư, nghệ sĩ, điêu khắc do Balthasar Neumann đứng đầu cùng với các nghệ sĩ tên tuổi như: Robert de Cotte, Germain Boffrand…Dinh thự được xây dựng từ năm 1720 và hoàn thành năm 1744. Họa sĩ người Áo Giovanni Battista Tiepolo là người đã vẽ các bức bích họa trong dinh thự.
Công trình bao gồm nhiều cầu thang lớn, những nhà nguyện, các căn phòng trang trí rất đẹp. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, nó đã bị hư hại nặng nhưng đã được phục chế đã được tiến hành và hoàn thành ngay sau đó.
3.Công viên Muskauer / Park Mużakowski
Công viên Muskau (tiếng Đức thông thường: Muskauer Park, tên chính thức: Fürst-Pückler-Park, tiếng Ba Lan: Park Mużakowski), là vườn lớn nhất và là một trong các vườn theo kiểu Anh nổi tiếng của Đức và Ba Lan. Vườn này bao trùm một diện tích 3,5 km2 trên đất Ba Lan và 2,1 km2 trên đất Đức.
Vườn trảì ra trên cả hai bờ sông Lusatian Neisse, dòng dông làm thành biên giới giữa 2 nước. Một vùng trái độn rộng 17,9 km2 bao quanh công viên, gồm cả thành phố Bad Muskau của Đức ở phía tây và thành phố Łęknica của Ba Lan bên phía đông. Trung tâm vườn là khu trồng rừng từng phần bên bờ phía đông của sông, gọi là The Park on Terraces.
Ngày 2.7.2004, UNESCO đã đưa Công viên Muskau vào danh sách Di sản thế giới, trong khóa họp thứ 28.
4.Các tòa nhà phong cách kiến trúc hiện đại ở Berlin
Các tòa nhà phong cách kiến trúc hiện đại ở Berlin là một quần thể các dinh thự theo kiến trúc của chủ nghĩa tân thời nằm ở Berlin, Đức. Quần thể dinh thự này gồm rất nhiều dinh thự hoành tráng và đẹp. Năm 2008, UNESCO đã liệt kê quần thể các dinh thự theo kiến trúc của chủ nghĩa tân thời ở Berlin vào danh sách di sản thế giới.
5.Tòa đô chính Bremen và Tượng Roland Bremen
Tòa đô chính Bremen hay Tòa thị chính cổ Bremen là nơi làm việc thị trưởng và thượng viện của thành phố Bremen. Tòa nhà là công trình nổi bật về kiến trúc xây dựng Gothic ở châu Âu. Cùng với Tượng Roland Bremen, Tòa đô chính Bremen được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới vào tháng 7 năm 2004.
Tòa nhà nằm ở quảng trường trung tâm thành phố, phía trước của tòa nhà, giữa quảng trường là bức tượng Roland Bremen, đối diện của tòa nhà là phòng thương mại thành phố. Bên phải là tòa thị chính mới Bremen (New Town Hall xây dựng từ năm 1909 đến 1913 gồm 3 tầng do Gabriel von Seidl thiết kế) và Nhà thờ Bremen còn bên trái là nhà thờ Giáo hội.
6.Đảo Bảo Tàng ở Berlin
Đảo bảo tàng (tiếng Đức: Museumsinsel) tại thành phố Berlin, Đức là tên của nửa phía bắc của Spreeinsel, một đảo nằm trong sông Spree ở trung tâm thành phố (nửa phần phía nam đảo gọi là Fischerinsel (đảo ngư dân)).
Đảo có tên này vì có nhiều nhà bảo tàng nổi tiếng thế giới, nay chiếm toàn bộ nửa đảo phía bắc (nguyên là khu cư trú dành cho nghệ thuật và khoa học bởi vua Frederick William IV của Phổ năm 1841). Được xây dựng dưới nhiều triều đại vua Phổ, các bộ sưu tập nghệ thuật và khảo cổ của các nhà bảo tàng này đã trở thành tài sản công sau năm 1918, khi Stiftung Preußischer Kulturbesitz (Quỹ di sản văn hóa Phổ) hiện nay nắm giữ các nhà bảo tàng và các bộ sưu tập.
Các bộ sưu tập của Phổ bị chia cắt trong cuộc Chiến tranh lạnh, khi thành phố Berlin chia thành 2 phần, nhưng đã được hợp nhất khi thống nhất Đức, ngoại trừ các tác phẩm bị quân đội đồng minh lấy đi sau thế chiến thứ hai vẫn chưa được trả lại; trong đó có Kho tàng Priam, cũng gọi là vàng thành Troy, do Heinrich Schliemann đào lên năm 1873, rồi lén đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ về Berlin.
Hiện nay Museumsinsel và các bộ sưu tập nghệ thuật đang được sắp xếp lại. Vì nhiều tòa nhà bị phá hủy trong thế chiến thứ hai và một số không gian triển lãm đang trong quá trình tái thiết, thông tin dưới đây ở trong tình trạng thay đổi liên tục.
Nhà bảo tàng lâu đời nhất trên đảo mang tên thích hợp Altes Museum (Nhà bảo tàng cũ). Nhà này được xây dựng hoàn tất theo thiết kế của kiến trúc sư Karl Friedrich Schinkel năm 1830. Năm 1859, Neues Museum (nhà bảo tàng mới) được hoàn thành, theo đồ án của kiến trúc sư Friedrich August Stüler, một học trò của Schinkel.
Alte Nationalgalerie (Phòng trưng bày tranh quốc gia cũ) được hoàn thành năm 1876, cũng theo thiết kế của kiến trúc sư Friedrich August Stüler, là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật của thế kỷ 19, do Joachim H. W. Wagener, một chủ ngân hàng tặng. Năm 1904 Kaiser-Friedrich-Museum, ngày nay gọi là Bảo tàng Bode, được khai trương. Nhà bảo tàng này trưng bày bộ sưu tập tượng điêu khắc và nghệ thuật thời Cổ và nghệ thuật Byzantine.
Nhà bảo tàng cuối cùng trong quần thể bảo tàng được xây dựng năm 1930, đó là nhà bảo tàng Pergamon,. Nhà bảo tàng này gồm nhiều công trình kiến trúc lịch sử lớn có ý nghĩa được tái tạo, như Bàn thờ Pergamon và Cổng Ishtar của Babylon.
Năm 1999, quần thể nhà bảo tàng này đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.
7.Xưởng đúc đồ sắt Völklingen
Xưởng đúc đồ sắt Völklingen (tiếng Đức: Völklinger Hütte) nằm tại thành phố Völklingen, bang Saarland, Đức. Năm 1994, xưởng này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Völklinger Hütte là công trình được xây dựng để đúc đồ bằng sắt vào năm 1873 ở Völklingen thuộc bang Saarland. Đến năm 1986 xưởng đúc đồ sắt này ngừng hoạt động.
UNESCO công nhận xưởng đúc đồ sắt này là di sản thế giới vì đây là công trình công nghiệp đầu tiên ở trên thế giới(erstes Industriedenkmal), được xếp vào danh sách một trong những di sản văn hóa thế giới của loài người. Năm 2007 công trình này được đề cử là công trình có tính biểu tượng lịch sử của ngành công nghiệp nặng ở Đức. Đây cũng là công trình văn hóa được bảo vệ theo công ước Haager.
Völklinger Hütte ngày nay là điểm tham quan quan trọng, có tính chất như một biểu tượng văn hóa công nghiệp ở châu Âu. Vào năm 2011 đã có khoảng 400.000 người đến thăm di sản văn hóa thế giới này.
8.Trier
Trier (tiếng Pháp: Trèves) là một thành phố độc lập thuộc tiểu bang Rheinland-Pfalz của Đức. Thành phố Trier được kiến lập trước đây trên 2.000 năm dưới tên là Augusta Treverorum (từ nửa sau thế kỷ thứ 3 là Treveris) và vì thế là thành phố Đức lâu đời nhất dựa trên một lịch sử thành phố (La Mã) lâu đời nhất đã được công nhận (khác với một làng mạc hay trại lính cũng do người La Mã kiến lập cùng thời đấy).
Năm 1986 khu vực La Mã trong thành phố Trier (Hý trường Trier, Bể tắm nước nóng Barbara, Hội trường Konstantin, Cột Igel, Cổng Nigra, Cầu La Mã), Nhà thờ lớn St. Peter zu Trier và Nhà thờ Đức Bà được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra một di sản thế giới khác nữa là Nhà thờ St. Paulin.
Với khoảng gần 100.000 dân cư, Trier cùng với Kaiserslautern là thành phố lớn thứ tư của tiểu bang sau Mainz, Ludwigshafen am Rhein và Koblenz. Các thành phố lớn gần đó là Saarbrücken (khoảng 80 km về hướng đông-nam) và Koblenz, khoảng 100 km về hướng đông-bắc cũng như là thủ đô Luxembourg chỉ cách Trier khoảng 50 km về hướng tây-nam.
Thành phố có trường Đại học Trier (Universität Trier) và Đại học thực hành Trier (Fachhochschule Trier).
9.Nhà thờ Wies
Nhà thờ Wies (tiếng Đức: Wieskirche) là một nhà thờ hình trái xoan theo kiểu kiến trúc rococo, nằm trên đồi thấp dưới chân dãy núi Alpes, thuộc xã Steingaden, quận Weilheim-Schongau, bang Bayern, Đức.
Nhà thờ Wies được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1983 và đã được trùng tu lớn từ năm 1985 tới năm 1991.
10.Biển Wadden
Biển Wadden (tiếng Hà Lan: Waddenzee, tiếng Đức: Wattenmeer, tiếng Hạ Saxon:Wattensee, tiếng Đan Mạch: Vadehavet, tiếng Tây Frisia: Waadsee) là một đới gian triều (vùng đất bị ngập nước biển khi triều lên) ở phần đông nam của biển Bắc. Khu vực này nằm giữa vùng duyên hải của phía tây bắc châu Âu lục địa và chuỗi các đảo trong quần đảo Frisia, tạo thành một vùng nước nông với các bãi lầy thoai thoải và các vùng đất lầy lội. Đây là nơi có đa dạng sinh học cao. Năm 2009, các phần của biển Wadden thuộc Đức và Hà Lan đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản thế giới vào năm 2009 và được mở rộng thêm phần thuộc Đan Mạch vào năm 2014.