Top 8 ngành học thuộc lĩnh vực nhân văn hot nhất hiện nay

0
1316
Vật Phẩm Phong Thủy

Chọn ngành, chọn nghề là câu chuyện muôn thuở của nhiều bạn trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, là trăn trở của nhiều thế hệ. Trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay, lựa chọn cho mình một ngành nghề đã không dễ, xác định con đường sự nghiệp lâu dài còn khó khăn hơn. Để giúp các bạn trẻ và các ứng viên có nhu cầu tìm việc Mạng Việc Làm xin giới thiệu các ngành học thuộc lĩnh vực nhân văn hot nhất hiện nay

1 LỊCH SỬ
Đào tạo cử nhân lịch sử đạt được các yêu cầu sau:

– Có phẩm chất chính trị đạo đức; có ý thức phục vụ nhân dân.

– Có kiến thức toàn diện và hệ thống về tiến trình lịch sử Việt Nam và tiến trình lịch sử nhân loại.

– Có kiến thức cơ bản về một chuyên ngành lịch sử.

– Được trang bị một số phương pháp lịch sử cần thiết để tiến hành công việc chuyên môn.

Người có bằng cử nhân lịch sử có thể làm công tác nghiên cứu tại các viện, các trung tâm nghiên cứu, các cơ quan đoàn thể xã hội cần sử dụng hoặc có liên quan đến các kiến thức lịch sử hoặc có thể làm công tác giảng dạy lịch sử tại các trường đại học, cao đẳng và trung học.

2 NGÔN NGỮ HỌC
Cử nhân ngôn ngữ học được trang bị những kiến thức căn bản về Ngôn ngữ học và Việt ngữ học, trong đó bao gồm cả những tri thức về bản thể của đối tượng nghiên cứu cũng như các phương pháp nghiên cứu, phân tích cụ thể, để họ có thể tác nghiệp trong những môi trường rộng rãi có liên quan đến Ngôn ngữ học, Việt ngữ học và tiếng Việt như: nghiên cứu và giảng dạy về Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, làm biên tập xuất bản báo chí, phát thanh truyền hình …

Chương trình đào tạo còn giúp cho sinh viên có được những khả năng tiếp cận, tập sự nghiên cứu giải quyết những vấn đề hữu quan bằng lý luận và thực tiễn Ngôn ngữ học; đồng thời, họ cũng sẽ có được một số kỹ năng, thao tác làm việc Ngôn ngữ học đối với những đối tượng hữu quan mà trong quá trình tác nghiệp (nghiên cứu, giảng dạy, biên tập, truyền thông …) cần phải xử lý.

3 QUẢN LÝ VĂN HÓA
Chương trình đào tạo ngành Quản lý văn hóa trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Quản lý văn hóa để quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

4 QUỐC TẾ HỌC
* Đào tạo cử nhân Quốc tế học đạt được những yêu cầu cơ bản sau đây:

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân.

– Nắm vững kiến thức cơ bản và hệ thống về khoa học xã hội – nhân văn, về Quốc tế học và chuyên ngành; có khả năng vận dụng vào nghiên cứu những vấn đề quốc tế, khu vực và quan hệ quốc tế.

– Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu chuyên môn với 4 kỹ năng nói, nghe, đọc, viết.

– Có kỹ năng thực hành nghiệp vụ nghiên cứu, giảng dạy, giao dịch và các công tác trong lĩnh vực quốc tế và quan hệ đối ngoại.

– Chương trình có thể hướng sâu vào các chuyên ngành như Châu Âu học, Châu Mỹ học, Châu Phi học, Châu á học, Quan hệ quốc tế…

* Những người tốt nghiệp ngành Quốc tế học có khả năng công tác trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy hoặc phục vụ trong các ngành liên quan đến các vấn đề quốc tế và quan hệ đối ngoại. Cụ thể, họ có thể đảm nhận công việc về các khu vực Âu, Mỹ, Á, Phi hoặc về quan hệ quốc tế tại các trường đại học, các cơ quan đối ngoại, an ninh, truyền thông; các văn phòng đại diện, các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân; các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước hoặc nước ngoài.

5 TRIẾT HỌC
Đào tạo cử nhân triết học nhằm đạt được các mục tiêu sau:

– Trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên môn của ngành Triết học, giúp sinh viên nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp tư duy khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng, nhân sinh quan khoa học.

– Trên cơ sở nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật, sinh viên có thể vận dụng tốt những kiến thức triết học vào việc lý giải các vấn đề của thực tiễn.

– Có thể tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc có thể chuyển đổi sang những ngành học gắn với triết học theo yêu cầu của thực tiễn xã hội.

Cử nhân Triết học có thể làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy các khoa học triết học, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng; có thể làm việc trong các ban, ngành của trung ương và địa phương.

6 VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM
Chương trình đào tạo ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam để nghiên cứu, bảo tồn, tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa dân tộc thiểu số.

7 VIỆT NAM HỌC
– Về chuyên môn: Cung cấp những kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về Việt Nam học (và cả về tiếng Việt trong trường hợp sinh viên là người nước ngoài), giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam học; hoặc trở thành hướng dẫn viên cho ngành Du lịch; hoặc để làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở trong và ngoài nước Việt Nam. Chương trình cũng nhằm bồi dưỡng và nâng cao trình độ tiếng Việt và hiểu biết về đất nước Việt Nam cho những người gốc Việt ở nước ngoài.

– Về khả năng, kỹ năng: sinh viên nếu là người nước ngoài còn phải rèn luyện những kỹ năng trong sử dụng tiếng Việt, thông thạo trong phiên dịch, biên dịch, nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt.

8 ĐÔNG PHƯƠNG HỌC
* Đào tạo cử nhân Đông Phương học đạt được những yêu cầu cụ thể dưới đây:
– Có kiến thức cơ bản tương đối rộng về khoa học xã hội và nhân văn, về Đông Phương học, vừa đảm bảo tính hệ thống, tính lịch đại, vừa nắm bắt được tình hình hiện tại của một nước hay một khu vực và mối quan hệ với Việt Nam.

– Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ chuyên ngành với 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.

– Có kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong giao tiếp và công việc.

* Chương trình có thể hướng dẫn sâu vào các chuyên ngành như Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc), Ấn Độ học, Đông Nam Á học, Trung Cận Đông học, v.v…

* Những người tốt nghiệp ngành Đông phương học có thể công tác trong lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với các nước phương Đông; hoặc làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm khoa học; hoặc làm việc trong các cơ quan ngoại giao, quan hệ quốc tế, các văn phòng đại diện; hoặc các hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và nước ngoài.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN