Hãy tạo cho mình thói quen đọc sách thường xuyên. Đọc sách giúp chúng ta giảm căng thẳng, kích thích trí não,.. và hơn hết đó là giúp chúng ta ngẫm lại những việc mình làm là đúng hay sai,.. rất nhiều lý do để bạn lên đọc sách. Topxephang.com chia sẻ với các bạn 8 tác phẩm văn học nước ngoài thuộc thể loại truyện lịch sử được mua nhiều nhất hiện nay
1 Ông Chúa Đức Huệ
Ông Chúa Đức Huệ là cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của tác giả Kwon Bee-Young (Hàn Quốc). Đây là cuốn sách viết về Hoàng nữ cuối cùng của Triều Tiên, được giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên vào năm 2009. Ngay từ khi mới ra mắt, cuốn sách luôn đứng hàng đầu trong những cuốn sách bán chạy nhất thời điểm đó, chỉ sau năm tuần ra mắt đã bán được 80.000 bản. Tính đến ngay đã có hơn một triệu bản được bán ra.
Bộ phim điện ảnh cùng tên được dựng dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết ra mắt vào cuối tháng 8 năm 2016 thu hút gần 5,6 triệu khán giả đến rạp và đứng thứ 59 trong bảng xếp hạng những bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại. Nhờ hiệu ứng của bộ phim, một lần nữa tiểu thuyết Ông chúa Đức Huệ lại được độc giả quan tâm tìm đọc và luôn xếp hàng đầu trong số những cuốn sách bán chạy nhất Hàn Quốc suốt tháng 9, tháng 10 năm 2016.
Vậy Ông chúa Đức Huệ là ai? Và vì sao một cuốn tiểu thuyết lịch sử – thể loại tưởng chừng như khô khan và khó đọc – lại có thể gây được hiệu ứng độc giả mạnh mẽ đến vậy?
Cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 là một giai đoạn lịch sử đầy biến động đối với toàn thế giới nói chung và các quốc gia châu Á nói riêng. Đó là giai đoạn mà nhân loại chứng kiến sự suy tàn của chế độ phong kiến, cũng như sự nỗ lực trong vô vọng của các hoàng tộc hòng cố gắng níu giữ quyền lực xưa nay vốn thuộc về mình, giờ đây bị đủ các thế lực nhăm nhe tước đoạt. Đất nước Triều Tiên và hoàng tộc Triều Tiên cũng không nằm ngoài vòng xoáy nghiệt ngã đó. Mặc dù hoàng đế Cao Tông đã để lại dấu ấn khá đậm nét bởi chí khí và lòng tự tôn dân tộc (ông là vị vua đầu tiên tự xưng hoàng đế của Triều Tiên, các vị vua đời trước chỉ xưng vương), nhưng những nỗ lực của ông cũng vẫn không thể cưỡng lại được trước xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
2 Tào Tháo – Thánh Nhân Đê Tiện
Tào Tháo là nhân vật có tính cách phức tạp và nhiều hình tượng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vừa giảo hoạt gian trá, lại thẳng thắn chân thành, vừa khoan dung độ lượng, lại đa nghi khôn cùng; vừa hào sảng, lại hẹp hòi; khí phách anh hùng, tình cảm dạt dào; hành động tàn nhẫn, tâm địa Bồ tát. Tào Tháo là một nghệ nhân Biến Diện tài tình, lúc thì mang gương mặt này, thoắt cái lật sang gương mặt khác. Có thể hợp nhất những tính cách phức tạp như vậy trong một con người, là điều vô cùng khó, vậy mà tất cả những thứ ấy đều hội tụ nơi ông. Dường như con người Tào Tháo là tổng hòa của mọi mâu thuẫn trên thế gian.
3 Khổng Minh Gia Cát Lượng
Trong văn hóa Trung Hoa, Khổng Minh Gia Cát Lượng là bậc quân sư lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử, người được mệnh danh trên thông thiên văn dưới tường địa lý, thấu hiểu kinh sử, liệu việc như thần, một bậc đại tài khiến đời đời thán phục.
Ông đã cai quản nước Thục thành một nền chính trị trong sáng, quy củ đâu ra đấy. Ông trung thành với sự nghiệp, tận tụy, đầy mưu lược và tầm nhìn xa. Ông có một sức hấp dẫn nhân cách hết sức mạnh mẽ. Sức hấp dẫn đó trải qua hàng ngàn năm vẫn không phai nhạt.
Ông được nhân dân yêu mến sâu sắc, là một tấm gương của các nhà chính trị cổ đại. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà quân sự tài ba. Về mặt hoạch định chiến lược lâu dài, về mặt quản lý quân đội, Gia Cát Lượng đã đạt đến đỉnh cao của nền quân sự cổ đại. Ông đã có nhiều đóng góp quý báu đối với sự phát triển của nền quân sự Trung Quốc
Cuộc đời Khổng Minh Gia Cát Lượng là câu chuyện dường như không có hồi kết. Có những điều được ghi trong chính sử, có những giai thoại được lưu truyền trong dân gian. Dù được kể lại dưới hình thức nào thì luôn gây ra sự tò mò, thú vị và thán phục cho người đọc.
4 Hợp Tuyển Văn Học Cổ Điển Hàn Quốc
Văn học Hàn Quốc rất phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, những tác phẩm được dịch và giới thiệu ở Việt Nam còn quá khiêm tốn. Bộ Hợp tuyển văn học Hàn Quốc được biên soạn với mục đích dịch và giới thiệu những tác phẩm (trích đoạn tác phẩm) tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm, yêu mến và mong muốn thưởng thức, tìm hiểu văn chương xứ sở Kim chi.
Trước khi bán đảo Hàn bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38 (bắt đầu từ năm 1945 và chính thức từ năm 1953), có một nền văn học truyền thống của chung toàn bán đảo. Sau khi chia cắt, miền Bắc và miền Nam thành hai quốc gia. Ở miền Bắc (North Korea) là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Joseon Minjujueui Inmin Gonghwaguk), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Triều Tiên. Ở miền Nam (South Korea) là Daehan Minguk (Đại Hàn Dân Quốc), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Hàn Quốc.
Theo Kim Jung Bae(1) và nhiều nhà nghiên cứu khác, Han (Hàn) trong “bán đảo Hàn”, “người Hàn”, “chữ Hàn”, “dân tộc Hàn”… vốn là một từ tiếng Hàn có nghĩa là “vĩ đại”, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Sau sự sụp đổ của Go Joseon (Cổ Triều Tiên), vào thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên và các thế kỷ đầu sau Công nguyên, ở Trung và Nam bộ bán đảo Hàn hình thành ba liên minh bộ lạc là Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn. Các liên minh bộ lạc này đến thế kỷ IV bị sát nhập vào các nước Tam Quốc của Korea. Từ Han được chuyển sang Hán tự là 韓, 幹, hay 刊, có sự phân biệt với từ chỉ người Hán (漢) hoặc nước Hàn (韓) thuộc về Trung Hoa.
Khi trình bày văn học dân gian, văn học cổ điển, tức là những thời kỳ mà bán đảo Hàn chưa bị chia cắt, một cách chặt chẽ, cần dùng thuật ngữ “văn học Korea” (Korean Literature), không phân biệt Bắc (North Korea) và Nam (South Korea). Tuy nhiên, do điều kiện tư liệu về văn học Triều Tiên (North Korea) còn rất thiếu thốn ở Việt Nam, ngay khi tìm hiểu văn học dân gian, văn học trung đại, chúng tôi cũng như giới nghiên cứu ở Việt Nam nói chung chỉ có thể dựa vào nguồn tư liệu tác phẩm, tài liệu tham khảo của Hàn Quốc. Vì vậy, khái niệm “Hàn Quốc” trong tên của bộ sách Hợp tuyển này được hiểu theo nghĩa rộng với phạm vi “bán đảo Hàn” cho đến trước năm 1945 và được hiểu theo nghĩa hẹp với phạm vi Đại Hàn Dân Quốc từ năm 1945 trở đi.
5 Phong Thần Diễn Nghĩa
“Phong thần diễn nghĩa” là tiểu thuyết thần thánh của Trung Quốc lấy sự kiện lịch sử đấu tranh chính trị thời cuối đời nhà Thương làm đề tài chính, câu truyện xoay quanh triều chính Trụ Vương hủ bại và Võ Vương phạt trụ, từ đó xuất hiện một loạt tình tiết như hồ li tinh Đát Kỷ mê hoặc Trụ Vương làm loạn triều chính, các trọng thần nghĩa sĩ bị ép phản Thương, các chúng thần phò trợ nhà Chu đánh đổ nhà Thương…
6 Tam Quốc Diễn Nghĩa
Được vinh danh là một trong “Tứ đại danh tác” hay “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc, cho đến nay Tam Quốc Diễn Nghĩa đã trở thành danh tác thế giới bởi số lượng bản dịch và tầm phổ biến rộng khắp.
Tam Quốc Diễn Nghĩa tên đầy đủ là “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” là tiểu thuyết lịch sử chương hồi nổi tiếng của Trung Quốc do nhà văn La Quán Trung sống vào khoảng cuối đời Nguyên, đầu đời Thanh viết. Bản Tam Quốc lưu truyền rộng rãi nhất ngày nay là bản do Mao Tôn Cương tu sắc và bình chú.
Về mặt nội dung, Tam Quốc là pho sử thi dựng lại gần một trăm năm lịch sử Trung Quốc cổ đại từ thời Đông Hán cho đến những năm đầu của triều đại Tây Tấn một cách bao quát và toàn diện gồm cả những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự cho đến diễn tiến của mâu thuẫn xã hội dựa trên quan điểm “Ủng Lưu phản Tào” (Ủng hộ Lưu Bị, phản đối Tào Tháo).
Về mặt nghệ thuật, Tam Quốc là mẫu mực của thể loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc. Với bạn đọc thế giới, Tam Quốc đã xây dựng được nhiều nhân vật điển hình có tính cách điển hình: Tào Tháo gian hùng, Lưu Bị nhân từ, Quan Công trượng nghĩa, Trương Phi nóng này…
Tuy có một số hạn chế nhưng Tam Quốc vẫn là tác phẩm kinh điển như lời nhận xét của chính Mao Tôn Cương:
“Tam Quốc phảng phất Sử Ký của Tư Mã Thiên nhưng chuyện Tam Quốc khó kể gấp mấy Sử Ký. Sử Ký được chia ra các phần nói riêng về từng nước. Nhân vật cũng được tả riêng. Cho nên có những bản kỷ, thế gia, liệt truyện riêng biệt. Tam Quốc thì không thế. Phải hợp các bản kỷ, thế gia, liệt truyện lại, rồi viết thành một truyện chung. Chia từng phần thì văn ngắn mà dễ khéo. Hợp lại một thì văn dài mà khó… Cho nên đọc Tam Quốc thú hơn… từ đầu đến cuối mạch lạc liên tục, gay cấn hấp dẫn.”
7 Chiến Quốc Tung Hoành: Thế Cục Quỷ Cốc Tử
Quỷ Cốc Tử vốn là thế ngoại cao nhân, không màng thế sự.
Xót thương trăm họ lầm than bởi binh hỏa phân tranh, nên quyết định tạm gác tu tiên, thao túng ván cờ thiên hạ.
Rèn luyện tứ đại đệ tử Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần thành những quân cờ chủ chốt, kết cục của ván cờ chính là sự thái bình của thiên hạ. Song phàm là con người ai cũng có hỉ, nộ, ái, ố, ai cũng có tư tình tư lợi, không phải những quân cờ vô tri mặc người điều khiển. Bốn đại đệ tử có tính cách khác biệt, nhân phẩm có cao thấp, có lý tưởng xa gần, sau khi hạ sơn, lập tức mỗi người một hướng.
Bốn quân cờ do Quỷ Cốc Tử tung ra, liệu có vuột khỏi tay ông mà khiến thiên hạ loạn càng thêm loạn?
Thế cục quỷ cốc tử không chỉ là một pho lịch sử bi tráng mà còn là một bộ toàn thư sống động về mưu lược, mở ra cảnh giới tối cực của trí tuệ và âm mưu, chính nghĩa và nham hiểm…
8 Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn là một nhân vật lịch sử nổi tiếng từ xưa tới nay, là một vĩ nhân được thế giới công nhận hằng nghìn năm qua. Ông chẳng những thống nhất cả vùng thảo nguyên Mông Cổ, xây dựng dân tộc Mông Cổ, mà còn có công đóng góp một cách kiệt xuất trong việc thống nhất và phát triển dân tộc Trung Hoa, đồng thời còn có ảnh hưởng rất to lớn đối với nhiều quốc gia và dân tộc ở Châu Âu cũng như ở Châu Á.
Thành Cát Tư Hãn chẳng những là một vị anh hùng của dân tộc Mông Cổ mà cũng là của dân tộc Trung Hoa, mà còn là một trong những nhà quân sự, chính trị, tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, tác giả Chu Diệu Đình cùng nhà biên kịch nổi tiếng Du Trí Tiên đã tham khảo tất cả những tác phẩm như Thành Cát Tư Hãn Toàn Truyện, Truyện Thành Cát Tư Hãn, Kịch bản văn học truyền hình Con Cưng Của Trời và quyển Thành Cát Tư Hãn, v.v… viết lại thành một bộ tiểu thuyết lịch sử dài, lấy nhan đề Thành Cát Tư Hãn.
Những nhà xuất bản cũng như trong giới học thuật đều cho rằng quyển sách này là quyển truyện ký lớn về Thành Cát Tư Hãn đầu tiên ở Trung Quốc, đứng đầu tất cả những quyển sách giới thiệu về nhân vật “Con Cưng Của Trời” này. Hơn nữa, nó cũng bổ sung những khoảng trống trong việc nghiên cứu về Thành Cát Tư Hãn lên một trình độ mới. Quyển sách này không phải dựa vào sự ước đoán chủ quan để suy luận, mà là dựa vào những tài liệu lịch sử đáng tin cậy để tiến hành sáng tác, cố gắng phản ánh cho được sự chân thật về mặt lịch sử.