Hãy tạo cho mình thói quen đọc sách thường xuyên. Đọc sách giúp chúng ta giảm căng thẳng, kích thích trí não,.. và hơn hết đó là giúp chúng ta ngẫm lại những việc mình làm là đúng hay sai,.. rất nhiều lý do để bạn lên đọc sách. Topxephang.com chia sẻ với các bạn 8 cuốn sách tiểu thuyết tình yêu được mua nhiều nhất hiện nay
1 12 Chòm Sao Và Học Viện Ngân Hà
Người ta nói rằng tuổi học trò là khoảng thời gian đẹp nhất và phải chăng vì thế những câu chuyện về cuộc đời học sinh luôn được độc giả đón nhận nồng nhiệt? Tác phẩm lấy bối cảnh lớp học cấp 3 với 12 tính cách điển hình cho các nhân vật hoàng đạo kể về tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ chắc chắn sẽ đem lại cho bạn rất nhiều cảm xúc.
– Đó là khi ta không còn sự ngỗ nghịch, ngây ngô của tuổi mới lớn, nhưng cũng chưa nhuốm màu già dặn, man mác buồn của tuổi trưởng thành.
– Đó là lúc ta bỡ ngỡ quen, bỡ ngỡ yêu, vẫn còn bao dại khờ, nhưng vẫn ngốc nghếch nghĩ mình đủ lớn.
– Chẳng biết từ khi nào, một người bạn mới, một ánh nhìn, một chút dở khóc dở cười mà cuộc sống của ta xoay quanh nhau, dính chặt vào nhau như định mệnh.
– Vào một ngày kì lạ như thế, lớp Z – lớp học đặc biệt nhất của Học viện Ngân Hà – chào đón thêm ba học sinh mới. Từ khoảnh khắc đó, số mệnh của mười hai chòm sao cuối cùng cũng nối liền.
– Những tình bạn chân thành, tình yêu tuổi học trò trong sáng ngô nghê, tất cả đều là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ…
Tất cả đều có trong ấn phẩm mùa đông “Học viện Ngân Hà”
2 Hạnh Phúc Đơn Sơ
Mai Bửu Minh là một tác giả khá quen thuộc với bạn đọc Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, ông đã xuất bản các tác phẩm như Đường tới hạnh phúc, Đốm lửa trên đồng, Vua nói dóc, Quê mẹ xa xưa… Ông từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác văn học trong nước.
Tiểu thuyết “Hạnh phúc đơn sơ” miêu tả đời sống của cư dân vùng núi thông qua hình ảnh nhân vật Loan, một người con gái bồng bột yêu đương và bị gia đình bạn trai ngăn cấm từ thời còn cắp sách. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Loan liệu có tìm được hạnh phúc của mình hay không?
Như thế nào mới là hạnh phúc? Chắc chắn trong đời không dưới một lần ai cũng có lúc băn khoăn tự hỏi chính mình như thế. Bằng giọng văn mộc mạc, chơn chất nhẹ nhàng, tác giả đã chậm rãi kể những câu chuyện về tình người rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày cũng như những mối quan hệ họ hàng, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, làng xóm…
3 Thư Gửi Thiên Thần
Thư gửi thiên thần là cuốn tiểu thuyết của Tạ Hà Như Bình – một cô gái đã từng tiểu phẫu vì khối u vú. Cuốn sách không viết dưới dạng tự truyện, “mà ở đó chứa đựng cuộc sống của nhiều người tôi đã từng gặp trong hành trình sống chung với ung bướu; là nhiều lát cắt về cuộc sống này, những lát cắt hình thành lên từ thế giới quan và khát khao yêu thương của tôi” – Như lời tác giả chia sẻ ở đầu cuốn sách.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của Bình – cô gái đã chiến đấu với nỗi sợ bệnh ung thư vú suốt từ thời thơ ấu đến khi nằm xuống. Mẹ của cô đã chết vì ung thư vú khi cô mới 6 tuổi, và nỗi ám ảnh bị di truyền ung thư làm tan vỡ mối tình đầu đầy hy vọng của cô.
Trong lúc buồn bã vì bị bỏ rơi và sợ sệt vì biết mình có nguy cơ bị ung thư, Tú đã tới an ủi, chia sẻ và mang đến niềm tin, đặc biệt là một thiên thần nhỏ cho Bình. Éo le, Tú lại là người đàn ông đã có vợ và hai cô con gái. Bình chọn cách mang cậu con trai đến một vùng đất mới, nơi mà Tú không biết có sự xuất hiện của cậu con trai trên đời. Chỉ khi cô phải vào viện điều trị ung thư thì Tú mới biết anh có một cậu con trai với Bình. Vợ Tú đã gửi cho Bình một lá thư và muốn nhận nuôi cậu bé thay cô, để có thể chăm sóc đứa trẻ khi cô ra đi.
Bình đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, bằng những hoạt động của quỹ Ruy băng vàng, tuyên truyền cho mọi người cách phòng và sống cùng căn bệnh ung thư. Liều thuốc hiệu quả nhất để vượt thoát khỏi nỗi sợ hãi và căn bệnh chính là tình yêu thương, và thái độ sống tích cực, lạc quan.
Một việc làm ý nghĩa và quan trọng trong suốt thời gian Bình điều trị bệnh là cô viết những lá thư cho con trai trong một cuốn nhật ký, để khi cô ra đi đứa trẻ vẫn có những kỷ niệm và biết rằng cô luôn theo dõi con trên bước đường đời. Việc làm này được lan rộng cho các bà mẹ bị ung thư, họ đặt tên cho những cánh thư gửi con là Thư gửi thiên thần.
Tiểu thuyết có đề tài mới lạ, thú vị, phần nào giúp bạn đọc có thêm thông tin, kiến thức về căn bệnh ung thư. Tác giả viết dung dị, cảm xúc, không hoa mỹ mà từng con chữ vẫn trôi nhẹ vào lòng người. Khi gấp trang cuối cùng của sách lại, bạn đọc sẽ mỉm cười, bởi vẫn tin rằng, tình yêu thương, lạc quan và niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi biến cố trong cuộc đời dài rộng này.
4 Màu Rừng Ruộng
Câu chuyện đan xen giữa hồi ức, hiện tại và giấc mơ tương lai của Vinh, một người lính – cuộc đi tìm hài cốt đồng đội và cái chết bi tráng của anh. Bối cảnh chính là làng Bùi nhỏ bé thuộc Bắc bộ và những khu rừng đại ngàn ở làng Sập của Tây Nguyên. Tiểu thuyết có nhiều tình tiết khá hấp dẫn, hiện thực ngồn ngộn và dữ dội.
5 Miền Hoang Tưởng
Miền hoang tưởng là cuốn tiểu thuyết gồm một chuỗi bức thư của nhân vật Tư gửi cho người yêu tên Ngà, kể về cuộc sống đầy khó khăn thử thách của anh sau khi từ Tây Bắc xuống Hà Nội để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Song song với đó là những đối thoại của Tư với Chúa về những gì anh nhìn thấy từ muôn phận người trong xã hội.
Miền hoang tưởng ngợp những đối thoại, ở đó có nỗi buồn miên man bất tận, có sự tranh chấp của tình yêu và tình bạn, của niềm đam mê và cuộc sống nghèo đói tù ngục, ở đó có sự đấu tranh không ngừng nghỉ giữa cái thiện và cái ác. Nhân vật chính luôn băn khoăn và trăn trở để chọn con đường sống cho mình thông qua các cuộc tự thoại và đối thoại với Chúa. Những trăn trở bi thương này làm cho không khí trong truyện trở nên sôi sục, nhưng bí bách đến đáng sợ. Tuy vậy, chính tình yêu đẹp đẽ trong truyện là một điểm sáng le lói, làm điểm tựa và giúp câu chuyện vơi bớt bi thương và giúp con người tin tưởng hơn.
Tiểu thuyết được viết theo dòng tâm trạng, đan xen những bức thư “không gửi” đầy bi quan là những phút giây lạc quan, đan xen của những điều-đã-xảy-ra trong chiến tranh đầy ám ảnh và hiện tại hoang hoải đang-sống của các nhân vật. Qua sự nối tiếp nhào lộn của hai tuyến tâm trạng đó, chúng ta được một cuộc sống rệu rã, hoang mang, thiếu niềm tin vào tương lai của lớp người hậu chiến trong giai đoạn đó.
Cuốn tiểu thuyết có số phận đặc biệt, in lần đầu với tên Miền hoang tưởng, sau đó được NXB Hội Nhà văn in với tên Hoang tưởng trắng. Và lần in này, NXB Phụ nữ trả lại tên ban đầu cho cuốn sách, là tên mà tác giả muốn đặt – Miền hoang tưởng.
6 Nỗi Buồn Chiến Tranh
Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.
Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. Tiểu thuyết nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.
7 Đồng Tiền Hai Mặt
Đồng Tiền Hai Mặt là quyển sách viết về xã hội càng phát triển, đồng tiền càng có vị thế. Tiền có thể mang lại hạnh phúc, ấm no nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi khiến nhân gian thất cách, đổi trắng thay đen, tha hóa đạo đức, xoay chuyển lòng người.
Tuy chỉ là đồng tiền nhưng cũng là thế lực vạn năng khiến người ta mù quáng, bất chấp tất cả. Rốt cuộc mấy ai có thể làm chủ được đồng tiền? Liệu đồng tiền sẽ giúp con người ta bay cao, bay xa với những ý muốn nhân từ quảng đại hay sẽ ghì chặt đám nô lệ thấp hèn của mình xuống vũng bùn tham lam và ti tiện?
7 Đeo Bám
Niềm đam mê, cũng như tình yêu, kỳ lạ và kỳ diệu là, đã dính vào thì khó cưỡng lại hoặc rũ bỏ. Đó là khát vọng thánh thiện của tâm hồn, không gian bao la cho trí tưởng tượng, động lực vô biên tạo nên sức mạnh, nghị lực giúp con người vượt lên khó khăn, hướng tới mục đích. Như một nguồn năng lượng lớn, niềm đam mê nếu được giải phóng, có thể tạo ra những kết quả không ngờ. Và trong cuộc sống thực tế, không phải bao giờ đam mê và đời thực cũng trùng khít nhau. Giải quyết mối quan hệ này phụ thuộc nhiều điều kiện, nhất là nghệ thuật xử lý, tính cách và bản lĩnh mỗi người. Từng chứng kiến nhiều cách thức giải quyết mối xung khắc này, song kết quả tích cực thường không phải chiếm tỷ lệ cao.
Và trường hợp Nguyễn Tấn Phát mà tôi biết là một trường hợp hiếm hoi. Nhìn theo cách thông thường, Nguyễn Tấn Phát là một người thành đạt. Là học sinh miền Nam, lớn lên đúng lúc nước nhà chia cắt, tuy nhiều khó khăn, nhưng việc học hành vẫn suôn sẻ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thành giảng viên, tiến bước đều đều, có công trình khoa học xuất bản được chú ý, có học hàm học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ; là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa, Đại biểu Quốc hội hai khóa, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…, đấy là chưa kể những chức danh kiêm nhiệm khác. Kể đường đời như vậy cũng là vinh quang và đáng tự hào. Nhưng ở một phía khác của cuộc sống, anh lại có những đam mê khó cưỡng, mà một trong những điều đó là say mê văn học. Cuộc đời anh, nhất là thời thơ ấu và tuổi hoa niên, không ít thăng trầm, với những cảnh ngộ rất éo le, tủi thân, cô đơn, đau đớn rất riêng, cả thể chất lẫn tinh thần. Người đơn giản thì dễ quên, hoặc gác lại để tận hưởng những niềm vui và hạnh phúc đang hiện hữu, là một cách. Nhớ để hiểu và trân trọng hơn giá trị của hạnh phúc hôm nay, là một cách khác thường thấy ở những người chân chính. Nhưng, Nguyễn Tấn Phát còn hơn thế, trò chuyện với anh có thể thấy, trong anh không nguôi cháy sáng những kỷ niệm một thời đã xa. Những ký ức ấy như đang sống, như mới hôm qua, chi tiết và đầm ấm. Anh nuôi dưỡng, ấp ủ, ghi nhận, lưu giữ tận trong đáy sâu tâm khảm. Không có tâm hồn văn học thì không thể có những ký ức kiểu như vậy. Một cán bộ phụ trách anh thời niên thiếu, cũng là ân nhân cứu anh thoát chết trong một trận bão dữ, nhận thấy ở anh sự nhạy cảm của một tâm hồn, ức đoán và mong anh cố đọc nhiều sách để lớn lên trở thành nhà văn. Nhưng công việc dồn dập cuốn anh đi, không theo con đường trở thành nhà văn, mà thành một nhà giáo, một nhà khoa học, một cán bộ quản lý giáo dục.
Nếu ở thời nay, cũng có thể sẽ khác, nhưng ở vào giai đoạn ấy, khi đất nước đang còn chiến tranh, khi Nam Bắc đang còn chia làm hai miền, thì đấy là con đường do tổ chức ấn định, không thể khác, hơn nữa, tính cách của một người điềm đạm như anh, hoàn cảnh như anh, thì việc phá tung tất cả để rẽ ngoặt theo lối đi của ý mình, là điều không thể. Và, như ngọn nến cháy hết mình, anh đã đi với tất cả tâm huyết và cố gắng vì sự nghiệp giáo dục, cho đến tuổi được quyền nghỉ ngơi, nghĩa là khi được tự làm theo ý thích của mình, không bị ràng buộc bởi sự quản lý của tổ chức và công việc hằng ngày. Lúc đó ngọn lửa đam mê xưa trong anh lại bừng cháy. Những ký ức mấy chục năm âm ỉ trong lòng thuở nào, cộng với bao trăn trở bộn bề của cuộc đời hiện hữu, hiện lên trong anh trở thành những con chữ, để anh dựng lại một thời đã qua, cùng bao ước vọng cho hiện tại, tương lai. Ngôi sao hộ mệnh, cuốn tiểu thuyết tự truyện đầu tay ra đời như là một thử sức trên loại hình mới của anh. Bạn bè đọc anh, vui và cảm động vì tác phẩm như thứ trái cây ngọt lạ của dòng cảm xúc sôi nổi, của hiện thực phong phú và sinh động. Và đam mê tiếp tục theo anh, thôi thúc anh tiếp tục hoàn thành tác phẩm thứ hai có tựa đề Đeo bám này.
Lần này, chất tự truyện có phần giảm đi, dòng hư cấu, tưởng tượng, chiêm nghiệm được tăng thêm, nhằm chuyển tải những suy nghĩ về lẽ sống, sự đời lâu nay anh nghiền ngẫm, nhận thức, giác ngộ. Và ta lại gặp nhiều trang sách với mái trường, dòng kênh, cảnh vật thiên nhiên đầy yêu thương, sinh động bởi một người ưa quan sát và giàu cảm xúc; những trang về tình yêu, tình vợ chồng ý vị, đắm say được nhìn bằng con mắt của tâm hồn tươi trẻ; những trang khắc họa xung đột các ngõ ngách cuộc đời bằng cái nhìn sâu sắc của người từng trải, đặc biệt là trong giáo dục, lĩnh vực tác giả nhiều năm gắn bó, thông hiểu. Kỹ năng làm nghề của người cầm bút được trau dồi và luyện rèn thêm, cho nên tính đa chiều trong dòng chảy của câu chuyện, của suy nghĩ, lôgíc của hiện thực thêm sự nhuần nhuyễn, êm thuận. Có thể thấy trong cấu trúc tác phẩm, việc cài đặt, thắt – mở tình tiết, ráp nối các sự kiện được che giấu một cách khá kín đáo, tạo niềm tin trong người đọc; hệ thống nhân vật, cả tích cực và tiêu cực đều có những nét cá tính mạnh, tương tác lẫn nhau trong hoàn cảnh xung đột tưởng chừng không có độ dừng, các vấn đề đặt ra nối tiếp nhau không dứt, để mạch văn và câu chuyện lôi cuốn người đọc, theo dõi đến trang cuối cùng. Tuy vậy, là một nhà giáo, nhà khoa học từng làm công việc lãnh đạo, ít nhiều bị chi phối bởi tâm lý “đổi mới toàn diện” nhưng phải “ổn định” như nhân vật trung tâm tác phẩm từng quan niệm, cho nên, dù các xung đột cứ đẩy cao mãi lên, nhưng kết thúc câu chuyện vẫn không bung khỏi ngưỡng an toàn. Đôi khi, gặp “nhân vật nổi loạn”, mạch truyện không nhu thuận theo ngòi bút, vấp vào những tình huống khó xử, tác giả muốn tìm gặp các nhà văn, vừa chia sẻ nỗi niềm trăn trở của người cầm bút, vừa mong tìm thấy cách hóa giải những vướng mắc làm nghề. Với vài cảm nhận nổi bật khi đọc bản thảo này, tôi xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đọc thưởng thức tác phẩm.