Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay về âm nhạc được nhiều người mua nhất hiện nay
1 Cha Mẹ Là Giáo Viên Âm Nhạc Tốt Nhất Của Con
Âm nhạc là ngọn nguồn của cuộc sống, âm nhạc là sợi dây tình cảm gắn kết mọi người với nhau. Đặc biệt với con trẻ, âm nhạc có ý nghiac quan trọng trong phát triển não bộ và tư duy của con. Tuy nhiên không phải phụ huynh nào cũng biết điều này và lựa chọn được phương pháp giúp trẻ tiếp xúc, làm quen, và học nhạc hiệu quả. Đã có không ít phụ huynh mắc sai lầm ngay từ quan niệm về việc học nhạc của trẻ, ép trẻ tập đàn, lựa chọn nhạc cụ… dẫn đến những hậu quả không hay.
Vậy cho trẻ nghe nhạc như thế nào là đúng cách?
Có phải cứ nghe nhạc và học nhạc là sẽ trở thành tài năng âm nhạc được không?
Âm nhạc có ảnh hưởng gì đến thành tích học tập của con trẻ không?
Nghe và học bao nhiêu thì đủ?
Mấy tuổi trẻ có thể học nhạc cụ?
Ngoài Piano, trẻ còn có thể học gì khác?
Mỗi ngày nên tập đàn trong bao lâu?
Đây là những câu hỏi mà nhiều cha mẹ băn khoăn, bối rối.
“Cha mẹ là giáo viên âm nhạc tốt nhất của con” sẽ giúp các ông bố, bà mẹ thông thái giải đáp tất cả những thắc mắc ấy. Cuốn sách không chỉ là cẩm nang cho các bậc cha mẹ quan tâm, đã và đang cho con học nhạc mà còn thay đổi suy nghĩ cố hữu của nhiều người về vấn đề giáo dục âm nhạc cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ.
Cuốn sách hay này như một hành trình chi tiết về các chặng đường cha mẹ đồng hành cùng con để việc học nhạc đem lại hiệu quả lớn nhất. Học nhạc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, sẽ có lúc trẻ chán tập đàn, trẻ sợ tới lớp học nhạc, sẽ có lúc trẻ nghe sai âm, có lúc cha mẹ cảm thấy nản vì trẻ kém tiết tấu? Vậy phải làm sao để cùng con đi qua những thời kỳ đó? Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn mọi vấn đề mà ai cho con đến với âm nhạc cũng từng gặp phải.
Cuốn sách Cha mẹ là giáo viên âm nhạc tốt nhất của con tổng kết kinh nghiệm hơn 30 năm giáo dục âm nhạc cho trẻ em và từ chính quá trình nuôi dạy hai con gái của tiến sĩ âm nhạc Trịnh Hựu Tuệ. Tình yêu và tâm huyết của một người mẹ, một chuyên gia giáo dục âm nhạc đong đầy trong mỗi trang sách.
2 Dẫn Luận Về Âm Nhạc
Trong cuốn sách Dẫn luận này, Nicholas Cook nỗ lực cung cấp một khung tư duy về toàn bộ ý niệm âm nhạc. Khảo sát trên mọi bình diện, cá nhân, xã hội và các giá trị văn hoá mà âm nhạc là hiện thân, tác phẩm chỉ ra những sai sót trong cách nhìn nhận truyền thống về âm nhạc, đồng thời phác hoạ một lối tiếp cận toàn diện hơn, làm nổi bật vai trò của người trình diễn và người nghe trong hoạt động âm nhạc.
“Một tour trình diễn đầy sức mạnh. Không hoài nghi gì, Nicholas Cook là một trong những nhà tư tưởng khám phá nhất và sáng tạo nhất về âm nhạc trong thời đại chúng ta. Phong cách sống động, bút pháp trôi chảy và lôi cuốn, và bên dưới tất cả những thứ đó là sự khai triển phong phú của một học vấn uyên bác. Hơn thế nữa, sự sắc cạnh trong ngôn ngữ phê bình của ông sẽ khiến bạn liên tưởng đến lưỡi dao cạo”.
3 Âm Nhạc Cho Trẻ Em
Hướng tới đối tượng độc giả nhí, cuốn sách hình ảnh này trình bày một các ngắn gọn, dễ hiểu những vấn đề âm nhạc. Bốn mục chính: Hồ sơ nhạc sĩ, Hồ sơ nhạc cụ, Phong cách âm nhạc, Trình diễn được sắp xếp theo diễn biến: từ nhạc sơ khai đến nhạc cổ điển và nhạc hiện đại nên các em dễ dàng theo dõi và hình dung được quá trình thay đổi, phát triển của lịch sử âm nhạc.
Các em sẽ được làm quen với thế giới nhạc cụ hơi, nhạc cụ dây, tìm hiểu cây vĩ cầm sôi nổi, cây đại phong cầm, ghita điện hay cây xắcxô xấc xược… Chắc chắn em sẽ rất thích thú khi hòa mình vào thế giới âm nhạc khắp năm châu: châu Á thân quen với với đàn tỳ bà, cây đàn koto…; châu Phi xa xôi với lối hát Maasai ở Kenya, tiếng trống đất sét udu ở Nigeria…; châu Mỹ sôi động là nơi ra đời hip hop, nhạc blues… hay âm nhạc cổ điển ở châu Âu.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn giúp những độc giả nhí tìm hiểu cuộc đời của một nhà soạn nhạc hay nghệ sĩ biểu diễn danh tiếng và khám phá nguồn cảm hứng đằng sau công việc của họ. Em sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nhạc sĩ thiên tài Beethoven từ năm 27 tuổi đã gặp vấn đề về thính giác và dần dần bị điếc. Thế nhưng ông không ngừng sáng tác và đã khai phá hướng đi mới cho nhạc cổ điển. Một trường hợp nổi tiếng khác là nhạc sĩ người Tây Ban Nha Jaoquín Rodrigo bị mù từ nhỏ và ông sáng tác bằng chữ nổi braille.
Với đĩa CD kèm sách, các em sẽ được thưởng thức 35 trích đoạn âm nhạc tiêu biểu, từ giai điệu cổ truyền Trung Quốc, những trích đoạn của các vở nhạc kịch, bản giao hưởng… cho đến bài hát nổi tiếng của The Beatles hay một bài beat hip hop phóng túng… Tình yêu âm nhạc sẽ được khơi nguồn bởi những giai điệu của cuộc sống ấy.
4 Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy – Khê
Tôi đã hiến cả đời tôi cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam để đem tiếng nhạc đó giới thiệu sâu trong dân Việt và rộng khắp năm châu. Trước đây, khi còn là một thanh niên trẻ với bao hoài bão và ước vọng, tôi chỉ quan tâm đến tân nhạc vì trong đời tôi có lúc vọng ngoại, nghĩ rằng phải cố làm sao học nhạc phương Tây để làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển, và trong sự sáng tạo đó âm nhạc có thể vượt ra đường lối truyền thống để tìm một con đường mới.
Trên chuyến hành trình dài bất tận trong đời cũng như trong thế giới diệu kỳ của âm nhạc, tôi đã có may mắn quen biết rất nhiều người bạn lạ lùng, với những cá tánh đặc biệt, những tâm hồn nhạy cảm và tài năng phải nói là trác tuyệt. Phạm Duy là một trong những người như vậy, cũng có thể nói Duy là người “một trong muôn một”.
Sinh ra cùng một năm Tân Dậu với Nhạc sĩ Phạm Duy, tính theo dương lịch thì hai anh em tôi – “hai con gà” chào đời vào tháng 7 (Trần Văn Khê) và tháng 10 (Phạm Duy). Duy là người bạn rất thân trong cuộc đời tôi, nhứt là trong cuộc đời âm nhạc. Công việc của Duy ít nhiều có mối dây liên kết về dân tộc tính trong âm nhạc đối với công việc nghiên cứu và niềm đam mê của tôi. Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn với nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ.
Nhiều lần trong đời, tôi đã từng viết bài nói chuyện về những người bạn nhạc sĩ thân thiết cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc của tôi như Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo, Võ Đức Thu…, và về sau này thỉnh thoảng có một vài bài nhận định về người nhạc sĩ đàn em của chúng tôi là Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên với Phạm Duy, vì những hoàn cảnh về thời cuộc, về khoảng cách địa lý, về công việc làm mỗi người mỗi khác…, nên anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng không vì thế mà không hiểu nhau. Bản thân tôi cũng đã từng viết về những sáng tác của Phạm Duy, nhưng các bài viết đó giới hạn trong việc bình luận, phân tách nhạc ngữ, lời ca… và cũng chỉ là những bài viết có tánh cách học thuật, trao đổi về nghề nghiệp chứ ít khi có những bài đi sâu vào cá tánh và tâm hồn của Duy, hoặc kể lại những kỷ niệm, hoặc có tánh chất thân mật, sâu sắc về tình bạn của hai anh em. Tôi cho rằng đó là một sự thiếu sót lớn nếu không nói ra được những khía cạnh riêng biệt của Duy trong lòng tôi!
5 Lý Thuyết Âm Nhạc (Phần Nâng Cao)
Bộ sách Lý Thuyết Âm Nhạc gồm hai tập cơ bản và nâng cao. Sách được trình bày tỉ mỉ, diễn giải ngắn gọn, dễ hiểu kết hợp kiến thức tổng hợp trong quá trình giảng dạy của các tác giả, sẽ giúp bạn đọc yêu nhạc dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu và thỏa mãn đam mê học tập âm nhạc.
Phần Phụ lục diễn giải một số khái niệm cơ bản về âm nhạc, âm nhạc và những điều còn khá mơ hồ trong suy nghĩ của nhiều người, như: khái niệm về ca sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, diva, người viết ca khúc, âm nhạc cổ điển, âm nhạc Việt Nam…
Thông qua 2 tập sách, bạn đọc yêu âm nhạc dễ dàng tiếp cận các kiến thức âm nhạc để phục vụ việc học nhạc cụ, thanh nhạc, đệm Guitar hay Piano…
6 Âm Nhạc Học Và Hành
Tác giả :
Phạm Duy
Một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam.
Phạm Duy sinh tại Hà Nội, năm 1921, trong một gia đình rất chuộng văn chương nghệ thuật…
Sau những năm theo học tại các trường Kỹ nghệ Thực hành và Cao đẳng Mỹ thuật, ông chuyển qua ngành âm nhạc khi đi theo một đoàn ca kịch lưu động. Chính vì có cơ hội đi khắp mọi nơi trong nước, nhất là trong những năm điều khiển các đoàn văn nghệ kháng chiến (1946-1952) nên ông đã sưu tập được rất nhiều các điệu dân ca địa phương (với hơn 200 cổ điệu).
Ông là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới mẻ cho nền Tân nhạc; là nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với hơn 1.000 ca khúc. Trong đó có rất nhiều ca khúc được yêu mến qua nhiều thế hệ.
Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị như: Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam; Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu…
Âm Nhạc Học Và Hành
Âm Nhạc Học Và Hành là những chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Duy vầ âm nhạc. Cuốn sách đi sâu vào nhạc lý, cũng như những kinh nghiệm của ông trong quá trình nghiên cứu, học hỏi để từ sự học đó mà soạn ra cái được gọi là “nhạc Phạm Duy”; từ thời kỳ đầu tiên Đi tìm giai điệu – bởi căn bản của âm nhạc là giai điệu, cho đến việc quan sát, ứng dụng những chất liệu cuộc sống, chất liệu dân gian vào ca khúc của mình.