Phương pháp nuôi dạy con ngoan thông minh từ 0 đến 3 tuổi hiệu quả. Các bậc cha mẹ thường có suy nghĩ rằng trẻ dưới 3 tuổi vẫn chưa nhận thức được nên chưa thể dạy bảo được gì. Nhưng thật chất ra trẻ dưới 3 tuổi vẫn có thể nhận thức được thế giới xung quanh có thể tiếp thu được những gì chúng ta chỉ bảo.
1 Học không ngừng
Nhà tâm lý học nổi tiếng Ivan Petrovich Pavlov đã nói: “Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất hai ngày”. Do đó, hãy kích thích năm giác quan của trẻ ngay từ khi trẻ được sinh ra thông qua các trò chơi, những vật thể hình khối, âm thanh kích thích trí tò mò của trẻ. Việc này cần làm hàng ngày và phải tạo ra các kích thích phù hợp qua từng thời kì. Các phương pháp có thể áp dụng như:
Giáo dục qua thị giác: Dùng các hình ảnh trực quan sinh động để trẻ quan sát bằng cách dán hoặc treo những bức tranh, ảnh đẹp, đồ vật nhiều màu sắc, thu hút sự chú ý của trẻ.
Giáo dục qua thính giác: Kể chuyện, cho bé nghe nhạc, hát ru bé ngủ.
Giáo dục qua hành vi: Tập cho bé cử động chân tay hoặc múa những động tác đơn giản, kết hợp với kỹ năng giáo dục qua thị giác và thính giác. Cần tác động để trẻ không chỉ hiểu mà phải thực hiện theo.
2 Từng chút một
Cho bé học không ngừng nhưng phải kiên trì từng chút một, trong trường hợp này, “chậm sẽ chắc”. Đừng nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu trẻ mà quên mất giới hạn chịu đựng của trẻ sẽ khiến trẻ bị áp lực và không còn hứng thú khám phá kiến thức nữa.
3 Quan sát và điều chỉnh đúng lúc
Những dấu hiệu thay đổi của con người rõ rệt nhất là thời kì 0-12 tháng tuổi, do đó, cha mẹ cũng cần phải quan sát để kịp thời điều chỉnh việc giáo dục sao cho phù hợp với trẻ.
4 Kích thích thị giác
Để tăng khả năng tập trung của con, đối với trẻ em dưới 1 tháng tuổi, mẹ nên để bé nhìn những dải sọc màu đen trắng 3 phút mỗi ngày, liên tục trong 1 tuần. Cách này giúp bé tăng khả năng tập trung từ 5 giây lên đến 60 -90 giây. Tăng khả năng tập trung giúp bé có được nền tảng tốt cho việc học tập sau này. 6 tháng tuổi, nếu bé đã chán những dải sọc màu đen trắng, mẹ có thể “nâng cấp” lên thành sọc caro trắng đen.
Ngoài ra, mẹ cũng nên để bảng chữ cái, với những chữ in to, màu đỏ gần giường bé. Đưa bé lại gần bảng chữ cái, mỗi lần 2-3 giây và lặp lại nhiều lần. Trẻ được tiếp xúc với bảng chữ cái từ nhỏ sẽ có khả năng nhận thức mặt chữ nhanh hơn.
5 Phát triển thính giác
Cho bé nghe nhạc mỗi ngày, mỗi lần từ 15 đến 30 phút. Âm nhạc có tác động tích cực đối với sự phát triển não bộ của bé, giúp kích thích các giác quan, mở rộng nhận thức và cảm nhận của bé.
Khi cho trẻ nghe nhạc, mẹ nên dùng tay giữ nách của bé, để bé đứng tự đứng trên chân của mình và đung đưa bé nhẹ nhàng theo nhạc. Những bài nhạc nhẹ nhàng với âm thanh êm dịu như nhạc múa balê sẽ giúp bé phát triển tốt. Nhạc thiếu nhi nhẹ nhàng, với những âm thanh vui nhộn cũng rất thích hợp với con.
Giọng nói của mẹ cũng là một trong những âm thanh giúp bé phát triển thính giác của mình. Bất kể làm gì, từ thay tã đến khi tắm cho bé, mẹ cũng nên nói chuyện nhẹ nhàng với con. Trong khi thay tã cho con, mẹ có thể nắm tay, nói với bé “Đây là bàn tay, bàn chân” và lặp lại nhiều lần.
6 Xúc giác
Khi cho con bú, mẹ nên di chuyển để núm vú chạm vào các vị trí khác nhau trên khuôn mặt bé như môi, miệng, hàm trên, hàm dưới, cằm, má trái, má phải. Điều này giúp bé học được cách điều chỉnh không gian, cảm nhận được vị trí trên dưới, trái phải.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng ngón tay hoặc khăn chà nhẹ vào hàm trên và hàm dưới. Bé sẽ học được cách nhận biết cảm giác khi liếm, cắn những vật không giống nhau.
7 Khả năng cầm nắm
Khả năng cầm nắm các đồ vật theo bé ngay từ lúc mới sinh. Thử chạm vào lòng bàn tay con, mẹ có thấy bé chụm những ngón tay bé xung quanh tay bạn? Đây là phản xạ xuất hiện trong những tuần đầu tiên sau khi sinh. Để kích thích kỹ năng này của con, mẹ nên thường xuyên để bé nắm tay, đặt đồ chơi hoặc những vật nhiều màu sắc ra xa và khuyến khích bé cầm lấy chúng.
8 Tương tác với con
Các nhà khoa học đã quan sát những đứa trẻ không được ôm ấp, yêu thương và chơi cùng với bố mẹ hầu như không phát triển não bộ. Họ cũng nhận thấy những đứa trẻ không được ôm ấp và không nhận được sự quan tâm chú ý không phát triển đồng đều, và thường có cảm giác chán nản, thậm chí có thể tử vong. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tương tác như ôm ấp, chơi với con giúp phát triển trí tuệ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những đứa trẻ. Kết nối yêu thương cùng với những tương tác được hình thành giữa bạn và con của bạn sẽ mang lại nền tảng cho việc phát triển các kỹ năng tư duy.
9 Nói chuyện với trẻ
Hãy nói chuyện với trẻ và lắng nghe những gì trẻ nói. Điều này giúp củng cố khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Bạn cũng có thể đọc sách cho con nghe. Hãy bắt đầu đọc sách cho trẻ ngay cả khi trẻ chưa biết chữ. Điều này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển các kĩ năng ngôn ngữ. Những đứa trẻ được bố mẹ đọc sách cho nghe từ nhỏ có khả năng phát triển niềm đam mê đọc sách, có thành tích học tốt ở trường và thành đạt trong cuộc sống khi trưởng thành. Đọc sách cho trẻ là một trong những họat động quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ thông minh.
10 Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải
Bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian, Còn bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước. Bán cầu phải có cơ năng mang tính chỉnh thể, tổng hợp, sáng tạo, chủ quan trực giác, trí tưởng tượng, thái độ, tình cảm, ý chí của con người. Tuy rằng mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hoạt động.
Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ cho trẻ.