Hà Tây cũ hay nay là Hà Nội là một trong những địa điểm có nhiều làng nghề truyền thống nhất trên cả nước với vô số làng nghề vô cùng nổi tiếng mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
1. Động Giã phát triển nghề làm nón
Xã Đỗ Động có 4 thôn: Văn Quán, Trình Xá, Cự Thần, Động Giã chủ yếu là làm nông nghiệp. Ngoài làm ruộng, những lúc nông nhàn người dân lại tranh thủ làm nghề mộc, xây dựng, làm nón… trong đó thôn Động Giã có nghề làm nón từ lâu đời. Toàn thôn có 390 hộ, 1.680 khẩu thì có trên 90% số hộ làm nghề nón. Thu nhập từ nghề đã đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho người dân nơi đây, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã.
Thôn Động Giã có lợi thế về đường giao thông, thuận lợi cho việc giao dịch buôn bán nón lá với chợ Chuông. Nối tiếp nghề truyền thống, tranh thủ khi kết thúc vụ mùa, người dân thôn Động Giã lại hăng say làm nón. Để hoàn thành xong một sản phẩm nón, người làm nghề cũng phải trải qua khá nhiều công đoạn, nhưng với đức tính kiên trì, chịu khó, mỗi ngày người dân trong thôn sản xuất ra hàng nghìn chiếc. Hàng đẹp đa phần được các chị, các bác trung tuổi lành nghề, tinh mắt chọn làm vì tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng lại bán chạy và có lãi, mỗi cái bán ra khoảng 15.000 đồng, trừ chi phí cho thu nhập từ 15.000 đến 20.000 đồng/ngày.
Những người làm nghề nón ở Động Giã và các thôn lân cận đều mua nguyên liệu ở chợ Chuông về làm. Nguyên liệu gồm có: Vòng, lá và mo. Người làm nghề muốn có sản phẩm đẹp thì khâu chọn nguyên liệu phải kỹ. Lá phải chọn lá non, trắng. Còn vòng phải chọn sao cho tròn, nhẵn, đẹp, ít mấu và có độ cứng cao. Có 16 cỡ vòng khác nhau, nhỏ nhất là vòng trên cùng ở chóp nón, to và dài nhất là vòng cái ở lớp ngoài cùng. Nguyên liệu cuối cùng để hoàn thành sản phẩm là mo gồm mo tre và mo nứa, nhưng mo nứa được dùng nhiều hơn vì nó có ưu điểm nhẹ và khi khâu sẽ nhanh, không bị nặng mũi kim. Khi chọn nguyên liệu xong, công đoạn đầu tiên là rẽ lá cho to ra, sau đó là cho lá được bóng, thẳng, không bị nhăn. Người làm nghề quen tay quen việc nên việc điều chỉnh ngọn lửa ở nhiệt độ thế nào là vừa phải, đảm bảo lá khi miết không bị sống, nhăn hay quá chín. Muốn sản phẩm nón đẹp thì công đoạn khâu phải rất cầu kỳ vì mất nhiều thời gian và phải đảm bảo mũi kim đều, khít, mũi chỉ không thưa. Khi sản phẩm hoàn thành xong người ta quây nón ra xung quanh rồi đốt diêm sinh để hun cho trắng nón, sau đó bỏ ra quang dầu cho bóng. Nón bán chạy nhất vào những tháng hè, còn vào mùa mưa tuy bán chậm hơn nhưng người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau vừa trò chuyện vừa đan nón. Nhiều hộ được chủ đến đặt hàng và thu mua tại chỗ, số hộ còn lại mang bán ở chợ Chuông. Hàng nón đẹp thường được chủ thu mua gom lại bán ra các tỉnh lân cận. Tiêu biểu có hộ chị Nguyễn Thị Liêm chuyên đi thu mua mặt hàng nón đẹp của các hộ trong thôn sau đó bỏ mối trên Lạng Sơn, mỗi tháng chị cũng xuất được 7-8 chuyến với số lượng hàng nghìn chiếc. Những tháng bán chậm chị vẫn mua hàng về dự trữ để khi đối tác yêu cầu là chị cung cấp kịp thời, đảm bảo hàng lúc nào cũng có nên đã tạo được uy tín cho bạn hàng. Những mặt hàng bình thường được các hộ chị như Phạm Thị Dung, Nguyễn Thị Thắm thu gom để xuất sang Trung Quốc. Nhờ có những nỗ lực của chính quyền và nhân dân, trong năm 2005, tổng thu từ ngành nghề, dịch vụ của toàn xã đạt 10,5 tỷ đồng thì riêng thôn Động Giã đã đạt gần 8 tỷ đồng, tăng hơn 500 triệu đồng so với năm 2004. Kinh tế phát triển, làng quê Động Giã ngày càng thay da đổi thịt. Hàng năm, Động Giã có gần 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các công trình phúc lợi như xây dựng trường học, nhà trẻ mẫu giáo, công trình điện nông thôn được tu sửa thường xuyên, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đã góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng đổi mới, tươi đẹp.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển làng nghề, đồng chí Nguyễn Quang Long, Chủ tịch xã Đỗ Động cho biết: Trong những năm tới xã có chủ trương quy hoạch một điểm công nghiệp làng nghề ở cánh đồng Lươn thôn Văn Quán, trích kinh phí làm đường để tạo thuận lợi trong giao dịch buôn bán, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh khuyến khích phát triển nghề truyền thống, năm tới xã sẽ chủ động nhân cấy nghề mới như mây, tre đan để đời sống của người dân ngày càng ấm no hơn nữa.
2. Làng gỗ Sơn Đồng
Nghe tiếng nghề đã lâu song hôm nay tôi mới có cơ hội về thăm làng gỗ Sơn Đồng, không chỉ để thêm một lần khẳng định nguyên do vì sao sản phẩm của làng nghề lại tạo được tiếng vang khắp từ Nam chí Bắc, mà còn biết thêm nhiều điều mới mẻ khác ở làng nghề.
Để rồi chợt nghĩ, nếu như ngành nghề thủ công truyền thống nào trong tỉnh cũng biết bảo tồn, gìn giữ, trao truyền tốt nếp nghề như ở làng Sơn Đồng này thì hay biết mấy!
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Cho đến giờ, lớp con cháu của làng gỗ Sơn Đồng không ai còn nhớ rõ xuất xứ của nghề, chỉ biết rằng sản phẩm của làng nghề đã được xác định từ hàng trăm năm nay. Ngót hơn một trăm năm qua, người làng Sơn Đồng không chỉ tài tình trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống.. nổi tiếng trong cả nước, mà từ cái thời xa xưa ấy, người Sơn Đồng đã biết nhắc nhau phải luôn kính trọng nghề tổ tiên ban tặng cho mình: Nghề sơn, tạc tượng thờ – nghề đã tạo nên cho làng quê Sơn Đồng biết bao nghệ nhân có đôi tay tài hoa, được vua Khải Định ban thưởng; được người Pháp phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Từ vùng đất tổ Hùng Vương đến Nam thiên đệ nhất động – chùa Hương, bất cứ đâu trong cả nước, người ta cũng thấy có tượng thờ do chính bàn tay thợ gỗ Sơn Đồng chế tác. Một điều rất đặc biệt ở những người thợ làng gỗ này là mặc dù không có dấu hiệu gì trên các pho tượng, song ở đâu đâu người Sơn Đồng cũng dễ dàng nhận ra được những đường nét không thể lẫn của sản phẩm tượng gỗ làng mình. Họ đã nhìn vào đó để tự hào có nghề quý được kết tinh trong đôi bàn tay người thợ quê nhà mà người vùng khác muốn học cũng khó lòng theo được và còn để “khắc cốt ghi tâm” phải giữ tròn chữ tín cho nghề tổ. Khách thập phương sau này cũng vì kính nể chất lượng “độc nhất vô nhị” của sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mà quyết một lần tìm đến thăm làng gỗ… Bí quyết nào khiến sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng được yêu thích, tạo nên uy tín với khách hàng đến vậy, trong khi trong cả nước có biết bao làng nghề cũng chuyên làm đồ thờ cúng như Sơn Đồng? Câu hỏi được chính những người đang làm công việc truyền, giữ nghề của làng giải thích rất mộc mạc, đơn giản: “Nhiều đời nay, người làng gỗ chỉ khắc cốt ghi tâm, một điều là phải biết, phải hiểu thế nào là: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Sự trân trọng của người thợ gỗ làng Sơn Đồng dành cho sản phẩm làng nghề của mình còn được biểu hiện trong cách cư xử, giao thiệp buôn bán hàng ngày. Ai ai ở mảnh đất này, từ người già cả trong làng đến các cháu nhỏ 2- 3 tuổi, thế hệ tương lai của làng gỗ, cũng biết gọi các sản phẩm gỗ này là “ông tượng, ngài tượng” một cách rất thành kính và xếp đặt theo ngôi thứ rõ ràng, khi chuyển hàng cho khách đều có vải đỏ phủ kín mình tượng. Nhiều thế hệ vẫn trung thành với nguyên liệu sơn tự nhiên dùng để sơn tượng, mà phải tự tay người thợ trong làng chế ra mới tin tưởng… Những việc làm nhỏ mà đầy hàm ý trân trọng ấy đã trở thành nếp nghề trong đầu mỗi người dân làng gỗ. Đối lại sự trân trọng ấy, nhiều người nơi xa tới thăm làng cũng dành những tình cảm trân trọng, ưu ái đặc biệt với người dân Sơn Đồng, người làm ra những sản phẩm được khắp nơi ngưỡng vọng, thờ cúng. Trăm năm, nét xưa còn lại…
Chuyên về sản phẩm tượng thờ, nên dù thể hiện sản phẩm theo cách thức nào, người thợ cũng phải tuân thủ theo tính chất tôn giáo một cách nghiêm khắc. Cái khó của chế tác tượng thờ còn là: Dù phải đảm bảo những yêu cầu trên nhưng cũng không được quá cứng nhắc mà phải giàu nét hiện thực với vẻ mặt dịu dàng, đôn hậu, có thiện có bi, dáng dấp tôn nghiêm vừa uy nghi vừa gần gũi với con người. Chỉ một nét chạm thôi, người thợ cũng có thể tạo nên cái thần cho cả một tác phẩm. Những yêu cầu này, bằng đôi bàn tay tài hoa, người thợ Sơn Đồng thể hiện rất tốt trên sản phẩm tượng gắn tên làng mình.
Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề sơn, tạc gỗ của Sơn Đồng cũng có quãng thời gian lắng đọng rồi mai một. Đấy là thời điểm cả nước đang dốc lòng chống Mỹ, nhiều đình, chùa được dỡ bỏ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, việc thờ cúng, hương khói tạm lắng xuống. Nhiều gia đình làm nghề tượng ở Sơn Đồng thời đó, đã chuyển sang làm các nghề khác như: Dệt vải, thêu ren, đan thảm len… cho phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khả năng nhạy bén trong kinh doanh có thể khiến đời sống kinh tế của người dân Sơn Đồng luôn ổn định trong những thời điểm khó khăn nhất nhưng lại không thể khiến lòng họ nguôi ngoai nỗi niềm đau đáu nhớ về nghề tổ. Nỗi niềm này đã được nhiều nghệ nhân thời đó như cụ Dậu, cụ Tường và một vài người khác… dồn cả vào các sản phẩm tượng gỗ khi đó với mục đích “làm cho đỡ nhớ nghề”. Chính vì vậy mà nghề gỗ của Sơn Đồng không những không bị mất đi mà còn được khôi phục nhanh chóng bắt đầu từ năm 1980, được duy trì, phát triển cho tới tận bây giờ.
Bắt đầu từ lớp học nghề sơn, tạc đầu tiên do cụ Nguyễn Đức Dậu đứng ra mở lớp với hơn 30 thanh niên trong làng hồ hởi tham gia học, nghề tạc tượng, điêu khắc của Sơn Đồng thật nhanh chóng đã sống lại với đầy đủ những nét tài hoa bao đời. Nhiều người trong làng cho rằng vì bọn trẻ lúc nhỏ luôn được ông, bà kể cho nghe những câu chuyện, những điển tích về Phật bà Quan Âm, về đức Liễu Hạnh,… mà ngấm dần vào máu thịt lúc nào không hay. Chúng được sống trong môi trường lúc nào cũng thấy cha, ông cần mẫn, đục đẽo nên chẳng xa lạ nữa, song cũng có không ít người lại khẳng định rằng đấy là cái tố chất khéo léo, tài hoa đặc biệt của người Sơn Đồng với nghề truyền thống. Cách giải thích nào cũng có lý, cũng thật tự nhiên Cho đến nay, bên cạnh lớp nghệ nhân xuất sắc, ở làng gỗ Sơn Đồng, người ta còn thấy có cả một thế hệ thợ sơn, tạc trẻ trung, sức dài vai rộng và đặc biệt rất chí thú theo nghề tổ. Lớp trung niên ở làng gỗ, tay nghề giỏi có đến hơn 40 người, mỗi người một thế mạnh khác nhau, đang được chọn lựa, đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Trong làng, có hơn 200 hộ sản xuất chuyên nghiệp, có tổ hợp sản xuất chưa kể hàng nghìn công lao động khác. Không chỉ làm nghề ở làng mà hiện giờ ở khắp nơi trong cả nước, từ thành cổ Sơn Tây, chùa Đỏ Hải Phòng, Văn Miếu Quốc Tử Giám… đến cố đô Huế, người thợ Sơn Đồng đem tài hoa làng nghề làm công việc khôi phục, gìn giữ những nét xưa lịch sử.
Người Sơn Đông bây giờ có thể tự hào rằng, không những đã sống được mà còn sống rất sung túc bằng nghề của cha ông để lại.
3.Làng nghề cơ kim khí nông cụ Vĩnh Lộc
Đây là làng cơ kim khí lớn nhất tỉnh Hà Tây. Nghề này có từ lâu đời nhưng trước đây chủ yếu là sản xuất cày, bừa, cuốc, xẻng, phát triển lên làm xe vận chuyển, xe cải tiến, bản lề, cửa xếp, cửa hoa.
Mấy năm trở lại đây làng nghề Vĩnh Lộc nấu cả thép, cán thép, làm ống nước, thậm chí có tới 40 bể mạ, nghĩa là sản xuất khép kín từ tạo nguyên liệu ra sản phẩm. ở đây việc đầu tư máy móc trang thiết bị chuyên dùng được đẩy mạnh, các khâu sản xuất được cơ khí hoá cao. Hiện tại làng nghề Vĩnh Lộc đã được quy hoạch thành cụm công nghiệp.
Cùng với Vĩnh Lộc, số làng nghề cơ khí được công nhận là 08 làng:
4.Làng nghề cót nan Văn Khê
Người dân làng Văn Khê giờ đây không còn nhớ chính xác vùng quê mình có nghề đan lát tự bao giờ. Sử dụng nguyên liệu sẵn có là tre nứa tại địa phương, các hộ đua nhau đan nát từ rổ rá, nong nia đến cót nan.
Ban đầu chỉ phục vụ cho một số chợ của xã, sau bán ra các chợ quanh vùng. Do nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn, sản phẩm rổ rá và nong nan của Văn Khê được đưa đi các chợ lớn và chuyển đi nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang… Ở Văn Khê đã hình thành một số chủ hộ đứng ra thu mua gom của các hộ trong thôn đưa đi các chợ lớn tiêu thụ. Đây là nghề làm được quanh năm phù hợp với nhiều đối tượng, tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng.
Cùng với Văn Khê, số làng nghề cót nan được công nhận là 04 làng
5.Làng nghề đan cỏ tế thôn Lưu Thượng
Nghề đan cỏ guột tế là nghề truyền thồng của thôn Lưu Thượng. Nghề đã thu hút khá đông lao động và đang là nghề chính của thôn.
Hiện nay sản phẩm guột tế đã được đa dạng hoá với hàng ngàn mẫu mã khác nhau như bàn ghế, giường tủ, vali, lẵng hoa, khay đựng trái cây. Bằng sự nhạy bén trước cơ chế thị trường cộng thêm chất lượng sản phẩm tốt, bền đẹp vì vậy hàng guốc tế không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới. Sự phát triển của làng nghề đã góp phần vào vịêc cải thiện nâng cao đời sống cho người dân trong thôn.
6.Làng nghề Dư Dụ
Những hình tượng Phật Di Lạc, tượng tiên nữ, tượng phù điêu… là những biểu tượng mang lại sự yên ấm, thanh bình, chút ngộ nghĩnh đáng yêu của những bức tượng con giống với những đường nét chạm khắc thật công phu, tỉ mỉ và có cả cái hồn được thổi vào từ bàn tay tài hoa của người thợ điêu khắc. Đó là những sản phẩm làm nên sự hấp dẫn của điểm du lịch làng nghề Dư Dụ.
Trên tuyến quốc lộ 21B cách thị xã Hà Đông chừng 10 km, tới lối rẽ trái chỉ 4 km là địa phận xã Thanh Thùy (Thanh Oai), nơi có làng nghề truyền thống điêu khắc Dư Dụ. Đến Dư Dụ, lắng tai nghe, lọc qua tiếng xe cộ qua lại tấp nập sẽ thấy tiếng rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ, đồng thời sẽ cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn…
Dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa đông hay cái nóng bức giữa trưa hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất. Xu thế hiện nay ở nông thôn hay thành thị người dân đều có thú chơi trưng bày những biểu tượng của sự yên vui, may mắn đó là hình tượng ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lạc… Những sản phẩm ấy được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết. Nào là những đường lượn cho cái bụng ấm no của ông Di Lạc, vừa căng tròn lại thêm cái miệng cười tươi rất yêu đời, là gương mặt hiền từ và cái tai trường thọ của đức Thích Ca Mâu Ni… Trên từng thớ gỗ người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét độc đáo. Những tác phẩm điêu khắc này được làm ra không hề qua khuôn đúc mà trông như từ những tấm khuôn in vành vạnh. Được như vậy là do kỹ năng nghề đã thật nhuần nhuyễn của đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây. Đứng trước mẫu sản phẩm mới đến với người thợ làng Dư Dụ là điều dễ “như trở bàn tay” bởi cái căn cơ của nghề thấm vào tiềm thức họ. Vào thăm gian trưng bày sản phẩm của mỗi cơ sở sản xuất ở Dư Dụ sẽ thấy những mẫu mã rất đa dạng và phong phú. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường chỉ như củi đun bếp, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy đã trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến họa tiết trên khuôn mặt. Làm nghề theo hình thức “cha truyền con nối” nên người dân ở đây, từ trẻ nhỏ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn
từng ngày, từng giờ mài rũa, đục khắc, “đẽo” cái hoa tay của mình để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Cùng bắt nhịp với sự đổi mới khoa học công nghệ của đất nước, người dân, người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ cũng đã đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số khâu pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần túy. Các loại máy cưa, máy phun sơn, máy tiện và một số dụng cụ khác có thể hỗ trợ rất nhiều cho người thợ đầu tư vào nâng cao tay nghề tinh xảo. Điều này rất quan trọng trong việc sáng tạo mẫu mã, đưa vào họa tiết độc đáo cho bức điêu khắc làm trên chất liệu gỗ. Nếu như trước đây sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ được làm chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm thì đến nay đã dần được thay thế bằng các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ. Nguyên liệu gỗ được người Dư Dụ nhập về chủ yếu từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái…
Hiện nay, làng Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc truyền thống đã giải quyết lao động và tạo thu nhập chính cho người dân đất làng nghề có mặt trên thị trường các nước: Trung Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á… Thu nhập từ làm nghề điêu khắc của làng tăng và chiếm tỉ trọng chính trong sự phát triển kinh tế của thôn, thu nhập bình quân đã đạt 6,8 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 8 cơ sở sản xuất kinh doanh là chủ xưởng gia đình, thu hút lao động số lượng lớn của thôn cũng như ở các địa phương khác đến học và làm nghề tại cơ sở. Một số chủ xưởng sản xuất như anh Nguyễn Văn Tịnh, mới 40 tuổi đã có tuổi nghề là hơn 20 năm, hàng năm giải quyết cho 30 lao động thường xuyên tại xưởng và các hộ lao động khác làm vệ tinh. Cơ sở của anh Nguyễn Văn Song có 2 khu nhà xưởng phục vụ công việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm điêu khắc, giải quyết cho trên 40 lao động thường xuyên và các lao động khác làm tại nhà. Ngoài ra, các chủ xưởng ở Dư Dụ còn được biết đến như anh Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Công Hỗ, Nguyễn Văn Hùng… Thù lao cho thợ làm công đoạn xâu chuỗi hạt làm chiếu hạt (mức độ công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp nhiều) là từ 300.000 đến 500.000 đồng/người/tháng có ăn trưa tại xưởng. Còn với thợ chuyên đục, có kỹ thuật cao thì thu nhập lên tới trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang ngày càng phát triển.
7.Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ
Làng nghề thủ công Chuôn Ngọ nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Tây. Ðây là cái nôi của một môn nghệ thuật tinh hoa của Việt nam: nghề khảm trai.
Sự tinh tế và lòng say mê nghề đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người dân nơi đây và được truyền từ đời này qua đời khác. Ông Trương Công Thành chính là ông tổ của nghề này. Dưới triều Lý, ông là một người có văn võ song toàn và từng tham gia vào độị quân của Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân xâm lược và nhiều lần được phong thưởng. Sau khi rời quân đội, ông đã dành cả phần đời còn lại để nghiên cứu, tìm hiểu và học nghề khảm trai. Gia tài mà Trương Công Thành để lại và còn tồn tại đến ngày nay đó là nghề khảm trai ở làng Chuôn Ngọ. Sản phẩm của ba nghệ nhân của làng Chuôn Ngọ đã được trao huy chương vàng. Họ là những nghệ nhân có đôi bàn tay khéo léo, con mắt mỹ thuật tinh tế và bộ óc đầy sáng tạo. Họ là hiện thân của câu nói: “Những nghệ nhân khảm trai dường như nhập hồn mình vào trong mỗi tác phẩm”.
Trong đền thờ Thành Hoàng Làng bên cạnh bụi tre hàng trăm năm tuổi có một bức hoành phi trên đó có khắc dòng chữ được tạm dịch là: “Người dân làng Ngọ luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nó mãi mãi “. Nguyễn Thuyết Trình, một nghệ nhân đạt huy chương vàng nói: “Trước đây, hầu hết những sản phẩm của làng là khảm trai trên các khay trà trong triều đình và khảm trên những chiếc bàn tiệc của vua, chúa và hoàng hậu. “Chiếc khay khảm trai được đặt trên những chiếc sập khảm trai là những biểu tượng cho sự sang trọng và có địa vị” và chỉ những người giàu có và các nhà nho mới có được những vật đó. Khảm trai còn được sử dụng trong những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc cổ: họ đã khảm cừ lên những vòm mái với những viên ngói màu xanh của hoàng thành.”.Chuôn là làng đầu tiên làm nghề khảm trai và được khách hàng tín nhiệm bởi chất lượng sản phẩm. Bên cạnh là làng Ngọ Hà nổi tiếng với nghề sơn mài. Hai cái tên của hai làng nghề này gắn với nhau tượng trưng cho một Chuyên Mỹ. Khi nhắc đến Chuôn Ngọ, bạn không thể không nhắc đến bảy làng nghề của xã. Nghề khảm trai đã đưa làng thoát khỏi cảnh nghèo nàn và có nhiều hộ gia đình được coi là “giàu có”.
Người nào vẽ hoa đẹp, khâu hoa khéo, khi dệt lên thành hàng hoa rất đẹp giống hoa thật, khách hàng rất ưa chuộng, dệt không kịp bán. Với cách cài hoa trên, bất cứ vẽ hoa gì, hình gì, chữ gì các nghệ nhân Vạn Phúc đều làm được.
Trước kia, khi chưa có máy zắc-ca mà các nghệ nhân Vạn Phúc đã khâu hoa và vẽ hoa được rất điêu luyện và tinh tế. Hiện nay, máy zắc-ca cũng chỉ cài hoa bằng các tông đục lỗ để móc kim kéo go lên thành hoa, vẫn là nguyên lý cài hoa của các bậc tiền nhân từ trăm năm nay, chỉ khác là không có người kéo hoa như xưa.
8.Làng nghề làm chăn gối đệm bông
Thôn Tiền Phong (xã Trát Cầu, huyện Thường Tín) là làng nghề thuộc đất trăm nghề Hà Tây. Dọc theo quốc lộ 1 tới cây số 18, qua ga Thường Tín rẽ phải, vượt qua cầu Chiếc, đi một thôi đường nữa là tới làng.
Trát Cầu nằm bên bờ sông Nhuệ, là làng quê trù phú, sung túc vì có nghề phụ truyền thống, quanh năm không hết việc. Trát Cầu chuyên làm mặt hàng chăn, gối, đệm bằng bông thiên nhiên, bông gạo, bông gòn. Nhà nào cũng biết nghề. Khắp làng rộn ràng tiếng máy cào, làm ra những tựa bông dài nõn nà, trắng xốp như hoa tuyết. Làm ra một chiếc chăn bông loại tốt phải mất khá nhiều sức lực, phải qua 20 công đoạn mới thành được một tấm chăm đắp cho bạn trong mùa đông giá buốt. Ðầu tiên, người ta dùng máy thủ công để tách hạt và hoa bông, sau đó dùng dây cung để bật cho những sợi bông tơi thành những tựa bông dài. Lại dùng cung lải cho mặt chăn trải dài, rộng hẹp theo cữ chăn, nhưng phải làm quá mỗi chiều 20 phân để gấp bìa. Lải xong lại phải teng mặt cho lớp lông tơ bên trên thật mịn và xốp. Công đoạn dùng sợi để mạng thành 4 cấp mới là công việc đòi hỏi khéo tay và kĩ thuật cao. Chỉ cần những hạt sợi mảnh mà không cần vải xô trần. Sau khi hoàn thành công đoạn này phải dùng bàn xoa bằng gỗ da du có mặt hơi gai để ngọn bông quyện với sợi mạng. Mặt sau mền bông cũng phải lải, gấp bìa, mạng sợi, xoa…rồi mới lồng vải hoa hoặc satanh màu mỏng để làm vỏ. Cuối cùng là chần chăn theo lối quả trám hoặc theo các họa tiết trang trí. Một chiếc chăn bông làm đúng các quy trình truyền thống, bạn có thể dùng vài chục năm mới phải bật lại.
9.Làng nghề rèn Đa Sỹ
Làng Đa Sỹ thị xã Hà Đông có nghề rèn truyền thống đã hình thành và phát triển hàng trăm năm nay cùng với làng Vũ Ngoại huyện Ứng Hoà. Trước năm 1996, cả làng chỉ có hơn 300 lò rèn, làm ra hơn 2 triệu sản phẩm một năm.
Đến năm 2000, số lò rèn trong thôn đã phát triển lên đến 500 lò. Đa số các lò đã đưa máy móc vào sản xuất, nâng sản phẩm lên trên 6 triệu một năm. Sản phẩm của làng chủ yếu là dao kéo…Nói đến làng Đa Sỹ không thể nhắc tới chiếc kéo phục vụ trong may mặc- một sản phẩm có chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ trên khắp đất nước và một phần được xuất khẩu. Nhờ vậy đời sống nhân dân được cải thiện, nhân dân càng gắn bó với nghề rèn truyền thống.
Làng Đa Sỹ (xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, Hà Tây) tự hào rằng: “Từ mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái đâu đâu cũng có dao, kéo của làng. Tiếng lành đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sỹ để mua hàng”. Cũng bởi vậy, hàng trăm năm nay, trong làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa, tiếng xe…
Thời gian này, làng rèn Đa Sỹ đang rậm rịch chuẩn bị cho ngày giỗ ông tổ làng nghề (27-3). Cờ, hoa đã được treo phấp phới ngay từ cổng làng. Bà Nguyễn Thị Tìm – Chủ tịch Hội ND xã khoe ngay: “Hiệp hội làng nghề đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Tây để mở tour du lịch làng nghề. Năm nay giỗ tổ chắc lớn lắm. Các tay thợ cả đang gấp rút tập dượt để đua tài”.
Cả làng tham gia Hiệp hội
Dù không quy định nhưng từ nhiều năm nay, người làng Đa Sỹ thường làm việc theo giờ… hành chính. Sáng, hơn 7 giờ các tay búa, tay bễ mới bắt đầu quai. Từ 5 giờ chiều, cả làng không còn tiếng đập, tiếng chát. Ông Hoàng Văn Lâu – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho hay: “Bà con còn tránh tiếng ồn, ảnh hưởng tới hàng xóm vào những lúc nghỉ ngơi”. Trong giờ làm việc, cả làng như một đại công xưởng. Hầu như nhà nào cũng làm rèn. Sản phẩm chủ yếu nhất vẫn là dao và kéo. Một số hộ còn mở rộng làm các mặt hàng khác như sắt mỹ nghệ, cầu thang, cửa xếp nhưng không nhiều. Ông Lâu cho hay: “Chỉ làm dao, làm kéo đã không hết việc. Sản phẩm làm ra chừng nào hết chừng ấy. Cuối giờ chiều, các “cánh nhà buôn” đi từng hộ để thu gom”.
Theo lời ông Lâu, trước đây dân làng quy định không được truyền nghề cho người ngoài. Nhưng nay, công việc nhiều, người ta phải thuê thêm thợ từ các nơi khác về. Để sản phẩm đạt chất lượng, họ buộc phải truyền bí quyết cho người lạ. Nhà nhiều nhất thuê 4 – 5 lao động thường xuyên. Những đợt cao điểm giáp Tết, họ thuê đến hàng chục lao động. Gia đình ông Lâu có 2 lao động chính làm nghề rèn là vợ chồng anh con trai cả. Vợ chồng ông Lâu tuổi đã cao (cả hai ông bà đều ngoài 70) phụ trách “công tác” cố vấn và giao dịch với khách hàng. Mỗi ngày, gia đình ông làm được từ 80 – 120 dao con các loại. Giá bán buôn cho thương lái 2.000 đồng/con, trừ chi phí ông lãi 120 nghìn đồng.
Làng Đa Sỹ hiện có tới gần 90% số hộ theo đuổi nghề rèn. Số còn lại không trực tiếp sản xuất nhưng đứng ra tổ chức các dịch vụ phục vụ nghề như mở dịch vụ thu gom hàng, cung cấp than, sắt nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Tìm – Chủ tịch Hội ND xã cho biết: “Hầu như cả làng tham gia Hiệp hội nghề rèn. Quy định bắt buộc đối với các thành viên là không được làm hàng dối, hàng kém chất lượng. Bù lại, các sản phẩm của họ sẽ được hiệp hội giúp quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và giúp tiêu thụ khi cần thiết. Hộ nào khó khăn, thiếu vốn sản xuất sẽ được hiệp hội đứng ra bảo lãnh để được vay vốn phát triển sản xuất”.
Mở website giới thiệu sản phẩm
Ông Lương Công Đoán – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho hay: Để hội nhập với cơ chế thị trường, làng nghề cũng có những thay đổi cơ bản. Hiệp hội đã đưa các sản phẩm của làng đi giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, người dân trong làng cũng tự “vận động” đi tìm các mối tiêu thụ hàng ở trong nam, ngoài bắc và xuất tiểu ngạch sang Lào, Campuchia. Ngay trong hiệp hội đã hình thành những đầu mối thu gom hàng giao cho đại lý tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và xuất vào thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, các đầu mối xuất vào miền nam từ 3 – 5 xe tải hàng. “Hiện, chúng tôi đã cố gắng xây dựng thương hiệu và lập website giới thiệu sản phẩm của làng” – ông Đoán cho hay.
Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ đã bình chọn và làm hồ sơ gửi Hiệp hội Văn nghệ dân gian công nhận sáu nghệ nhân nghề rèn. Ông Hoàng Văn Lâu – một trong những nghệ nhân cao tuổi cho hay: “Không cầm được búa, được đe nhưng chúng tôi cố gắng truyền lại cho con cháu những bí kíp của làng nghề, hướng dẫn chúng không vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà vi phạm những điều cấm của làng”.
Hiện, UBND xã Kiến Hưng đang quy hoạch một khu vực rộng 15ha để chuyển “công xưởng” của các hộ gia đình ra đó làm tập trung. Ông Trịnh Văn Bình – Trưởng thôn Đa Sỹ cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là gắn sản xuất của làng nghề với phát triển du lịch. Chúng tôi đã liên hệ với Sở Du lịch, Sở Công nghiệp mở tour du lịch làng nghề, vừa để giới thiệu, quảng bá sản phẩm vừa đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, để nâng cao đời sống cho nhân dân
10.Tơ lụa Hà Đông
Hà Tây nay nguyên là Hà Đông và Sơn Tây cũ, từ lâu đã được coi là quê hương của tơ lụa. Câu ca, câu thơ trên có lẽ bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc, cũng thích, đã phản ánh một vùng dệt tơ lụa thủ công lâu đời và lừng danh của nước ta, mà sản phẩm ở nơi đây đã nổi tiếng khắp trong nước, cũng như trên thị trường quốc tế: Tơ lụa Hà Đông.
Tơ lụa Hà Đông là những mặt hàng dệt thủ công bằng tơ tằm, rất đặc sắc và độc đáo, tiêu biểu nhất trong số những hàng dệt bằng tơ sợi ở Việt Nam. Nói đến tơ lụa Việt Nam không thể không nói tới tơ lụa Hà Đông. Hàng tơ lụa của ta rất bền, đẹp, lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng.
1. Các loại hàng tơ lụa Hà Đông
Mặt hàng tơ lụa thủ công của Việt Nam có tới hàng trăm loại khác nhau. Trong đó, đa số hàng được dệt bằng tơ tằm, gọi chung là tơ lụa, lại ra đời ở vùng làng nghề dệt Hà Đông. Đó là các loại: lụa, là, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, đũi, kỳ cầu… Chỉ riêng làng dệt Vạn Phúc (Hà Đông cũ), một trung tâm dệt thủ công lớn và nổi tiếng nhất trong cả nước đã từng làm ra tới 70 thứ hàng the, lụa, đũi, gấm, lĩnh, vải…
Gấm: Đây là loại hàng dệt dày (nền dày), có nhiều màu sắc khác nhau tạo nên gấm các loại, như gấm lam, gấm hồng cánh chấu, gấm đỏ, gấm vàng… Hoa trên gấm thường có màu tươi rực rỡ, được dệt cài nổi, tựa như thêu chỉ các màu rất khéo trên nền sa tanh. Một tấm gấm có nhiều màu, phổ biến là 5 hay 7 màu – gọi là gấm ngũ hay gấm thất thể.
Gấm là mặt hàng quý nhất, khó làm nhất trong tất cả các mặt hàng tơ lụa. Người ta coi gấm là “bà chúa” của các loạt hàng dệt, tơ, lụa. Người thợ dệt gấm phải đạt tới tay nghề rất cao, kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo và có óc thẩm mỹ tuyệt vời. Xưa nay, chỉ có rất ít nghệ nhân biết dệt gấm. Theo truyền tụng dân gian, dưới thời Lê, chỉ có làng Vạn Phúc (Hà Đông) là nơi duy nhất biết dệt gấm.
Vân: Là mặt hàng lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn. Còn hoa chìm phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Vân được dệt ở Vạn Phúc, là một loại sản phẩm nổi tiếng. Chỉ có thợ Vạn Phúc dệt vân giỏi nhất trong nước, ca dao xưa có câu “The La, lụa Vạn, vải Canh” để chỉ các làng dệt với từng sản phẩm đẹp có tiếng: làng La (nay là La Khê, La Cả) dệt the, làng Vạn Phúc dệt lụa, làng Canh (nay là Canh Diễn) dệt vải bằng sợi bông.
Lụa: Bao gồm các loại lụa trơn, lụa hoa. Đấy là mặt hàng dệt theo kiểu đan lóng mót, nhưng mặt lụa rất mịn mang, óng ả.
The, sa, xuyến, băng, quế: Các loại sản phẩm này có đặc điểm chung, nét đặc sắc là đều dệt thủng – nghĩa là trên mặt tấm the, sa, xuyến, hay băng, quế đều có những lỗ thủng nhỏ rất đẹp, nhưng cách bố cục sợi dọc, sợi ngang không giống nhau. Lỗ dệt thủng giữa các loại này khác nhau về kích thước và độ thưa, dày. Kỹ thuật dệt như thế vừa tạo ra các loại hàng dệt khác nhau, vừa tăng thêm tính thẩm mỹ của từng mặt hàng tơ, lụa.
Lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh: Là các loại hàng dệt dày. Số lượng sợi dọc của hàng này đều nhiều hơn lụa. Mỗi tấm lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh có số sợi dọc khoảng độ 8.000 sợi. Trong khi đó lụa tơ chừng 3.000 sợi dọc mỗi tấm. Là hàng thủ công, lụa Hà Đông không thể coi nhẹ yêu cầu về thẩm mỹ. Các thế hệ nghệ nhân và thợ dệt ở đây không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất, mẫu hàng và những thủ pháp nghệ thuật. Các sản phẩm của họ ở bất cứ loại nào cũng đã đạt tới mức hoàn mỹ. Nghệ thuật trang trí và hoa văn trên lụa được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng, bằng sợi của các nghệ nhân và nghệ sĩ dân gian Việt Nam. Các nghệ nhân tạo mẫu và những người thợ dệt Hà Đông đã sử dụng những đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn, nhằm thích ứng với chất liệu dệt. Đề tài thường gặp trên một số hàng tơ lụa dệt hoa là Ngũ phúc, Long vân (rồng mây), Nguyên hoa (hoa chanh, cúc, hồng…), Thọ đỉnh (lư hương và chữ Thọ)… Nhìn chung, hoa văn dệt truyền thống bao giờ cũng bố trí đối xứng. Đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát.
2. Kỹ thuật dệt lụa Hà Đông
Để tạo ra được những loại sản phẩm tơ lụa tuyệt hảo nói trên, những thợ dệt thủ công ở trung tâm tơ lụa Hà Đông, cũng như các hàng dệt khác ở nước ta, đã phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp, làm hết sức mình với lòng kiên trì và say mê, chịu khó tìm tòi học hỏi trong nhiều năm, thậm chí suốt cả cuộc đời. Quy trình công nghệ dệt lụa bao gồm nhiều bước cũng gọi là các công đoạn hay các khâu công việc: