Top 6 tựa sách hay về văn học Việt Nam được nhiều người mua nhất hiện nay

0
1413
Vật Phẩm Phong Thủy

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay về văn học Việt Nam được nhiều người mua nhất hiện nay

1 Cốt cách phụ nữ – Huyền Trang Bất Hối

“Cốt cách phụ nữ”, một cái tên nghe rất lạ, rất phụ nữ cũng rất đàn bà. Cảm giác của tôi khi lật giở trang đầu cuốn sách, là những lời giới thiệu một cách chân thật về tác giả, là cảm nhận được sự từng trải và nỗi cô đơn thấm nhuần vào lời văn.

Tác giả viết: “Tôi, bạn hay ai khác, đều có những bí mật riêng, những nỗi đau và những điều bất lực. Chỉ hơn nhau ở chỗ, ai giấu kỹ hơn, ai che giấu hỏi hơn…”.

Huyền Trang Bất Hối, một tác giả mới trong làng văn trẻ hiện nay. Nhưng lại là một cái quen quá đỗi quen thuộc với cộng đồng mạng, một cô gái khắc họa nỗi lòng của những người phụ nữ từng trải, tạc lên sự cô độc và viết ra nỗi đau mà phái yếu đều cố gắng che đậy. Một cô gái lấy đi nước mắt của rất nhiều người.

Một giọng văn không thể hòa lẫn, có chút tư vị mềm yếu, pha thêm vài phần đắng cay, nhưng nhiều nhất có lẽ tôi cảm nhận là sự quật cường của một người con gái đứng dậy sau bao giông bão. Từng câu chuyện ngắn, từng dòng văn tâm sự, từng lời chia sẻ chân thật và những tình huống chân thực nhất tạo nên một “Cốt cách phụ nữ”.

Tôi tin mỗi độc giả khi cầm trên tay cuốn sách tâm trạng sẽ men theo từng cung bậc cảm xúc được viết lên. Vui có, buồn có, hạnh phúc có, nhiều hơn là đau khổ. Nhưng tôi tin, mỗi một độc giả khi khép cuốn sách lại, mặc dù rơi lệ nhưng trong lòng trăm mối suy nghĩ ngổn ngang đều đã được sắp xếp gọn gàng lại. Tôi tin, mỗi người đều sẽ tìm được bình yên khi đọc hết cuốn sách này.

“Cốt cách phụ nữ” được viết lên bởi một tác giả trẻ nhưng không vì thế mà lời văn non nớt hay có phần ngông cuồng, cao ngạo. Lời văn thấu hiểu tâm tư đối phương, thấu hiểu chính mình. Cuốn sách mang tên “Cốt cách phụ nữ” nhưng không vì thế mà độc giả cho rằng chỉ dành cho phụ nữ. Tôi nghĩ, phụ nữ đọc để thấu hiểu chính mình. Đàn ông đọc để thấu hiểu người phụ nữ của mình.

Trong sách, tác giả nói rằng: “Phụ nữ, yêu và sống đừng quá đặt nặng vấn đề, đừng quá để tâm mọi chuyện. Càng để tâm lòng càng thêm phiền muộn, càng chú ý càng khiến bản thân trở nên hèn mọn.

Mọi sự đều là nên đến, cưỡng cầu là vô ích. Phụ nữ yêu cũng được, buông cũng được, nhưng nên giữ cho lòng an tĩnh, dù sóng gió hay bão táp cũng tuyệt đối đừng ngả nghiêng. Dù người thật lòng hay dối trá, coi nó như mọi sự tùy duyên, thế nào cũng được. Điều quan trọng dù đang rơi lệ cũng vẫn phải mỉm cười, bởi với người không thương ta, đừng để họ thấy ta khóc”.

2 Sài Gòn bao nhớ – Đàm Hà Phú

Sài Gòn thay da đổi thịt từng giờ từng phút từng ngày. Có một điều Sài Gòn trọn dạ thủy chung và son sắt vĩnh viễn. Đó là dòng đời chảy ngang, là đa mảnh chuyện nho nhỏ góp nhặt tạo thành vốn liếng đậm đà tình người. Nơi nhẹ nhàng tìm đến và thấp thỏm ra đi ngang ngang dọc dọc biết bao số phận trần duyên.

Chúng ta ai từng trải qua và chứng kiến tận mắt mối tình không mấy ruột rà, những người dưng hoàn toàn lạ lẫm vừa gặp nhau vội tiễn biệt, đều thấu hiểu đều thấm thía vẻn vẹn cuộc gặp gỡ chân tình. Những ai chưa một lần cảm nhận dòng đời, hay mảnh chuyện cưu mang từ những người bình dân phong trần, những người thượng lưu đến với chốn phồn thịnh dăm ba lần vài năm, cũng chẳng sao.

Mọi người đều có thể đi du lịch qua từng con chữ bằng giọng văn từng trải, mộc mạc, thẳng thắn, và thương Sài Gòn khắc khoải như thương chính thân thể mình. Để tự nghe tiếng lòng rung động bởi những chuyện đời thật tình, thật người và thật tâm.

Sài Gòn bao nhớ là cuốn sách mới nhất viết về Sài Gòn của tác giả Đàm Hà Phú. Không ghi lại những cảnh đẹp hoa lệ bóng bẩy trung tâm thành phố, không nói nhiều về tình yêu đôi lứa sặc mùi thương tổn đánh đổi ở Sài Gòn, những món ăn ngợp trời đâu đó ở các khu phố sầm uất xuất hiện ít ỏi trong cuốn sách. Không viết về những cách cửa rộng rãi ngày hay đêm, trong tuần hay dịp lễ vẫn đóng biệt tách xa vọng.

Sài Gòn bao nhớ tồn tại thiên hình vạn trạng câu chuyện về con người bình thường đến thượng đẳng, từ mảnh đời chỏng chơ khó nghèo phắt lên giàu ở xứ thị thành chen chúc chộn rộn. Câu chuyện chảy mải chảy miết chạy đến tận cùng cảm xúc của mỗi người. Từ món “sà bì chưởng” ấm lòng bao người khi đói, cách cửa rộng lớn không bao giờ khép y hệt cánh tay người mẹ che chở đứa con thơ dại. Từ tên xì ke nảy sinh ý định cướp của vay mượn tin nhắn nói hộ nỗi lòng lúc lâm nguy khốn cùng.

3 Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư

Nếu bạn mong chờ một sự giải trí đơn thuần hay những phút giây gạt bỏ những vướng bận cuộc sống hàng ngày thì xin đừng đọc Nguyễn Ngọc Tư. Vì không cứ chỉ Cánh đồng bất tận mà ngay cả những tạp văn, bút ký hay truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều khó đọc. Bởi hiểu một nghĩa chưa đúng, chưa đủ, đằng sau cái đó còn là những tầng nghĩa khác. Cánh đồng bất tận hay và hấp dẫn vì ngay từ đầu nó đã bắt ta phải căng óc, hình dung, tưởng tượng và tự mình xây dựng cho mình sân khấu các nhân vật trong tác phẩm. Trên sân khấu ấy sự đau khổ tột cùng không phải là nội dung chuyển tải chủ yếu mà sự lạc lõng, bơ vơ giữa bầy đàn và giá trị sống mưu sinh của con người mới là ám ảnh đối với người đọc.

Hai đứa trẻ lạc lõng chính trong gia đình – chúng chỉ như những cái bóng lập loè, dường như không dùng “tiếng người” để giao tiếp. Rồi ông bố – sống lầm lũi và hoang dại với những thù hằn. Ngay cả đến những người đàn bà đĩ điếm hay khao khát sự đụng chạm thể xác với người đàn ông hoang dại cũng trôi nổi vô định như những kiếp bèo bọt. Câu chuyện theo lời kể của nhân vật “tôi” nhưng dường như từ đầu cho đến cuối, bất kể là lời tự sự hay những đoạn đối thoại đều vang lên những tiếng kêu gào nhức buốt của những kiếp người. Họ đòi quyền sống, đòi quyền làm người và đòi cả một sự giảng giải cụ thể mang ý niệm triết học: Sống để làm gì?

Cánh đồng bất tận là một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng và gợi hình to lớn. Không gian hun hút và nơi đó lầm lũi những kiếp người vô tình với chính đồng loại mình. Thế giới đó con người thật xa lạ, thật cách xa. Họ nhìn nhau bằng những dấu hỏi và việc hiểu biết đồng loại trở nên quá xa vời. Con cái không hiểu những gì bố mẹ chúng làm, những người phụ nữ không thể hiểu sức mạnh của sự cuốn hút từ người đàn ông của đồng ruộng. Và đến ngay cả hai đứa trẻ cũng lạ lẫm trong cách hành xử của nhau. Trong truyện có một câu rất quen thuộc “tưởng sống khó chứ chết đi thì dễ ợt” đó phải chăng là nội dung chủ đạo mà tác phẩm hướng tới.

Quyền sống và hạnh phúc của con người đã được nói đến nhiều. Nhưng ở Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư muốn cảnh báo con người về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Không gào thét, không ồn ào nhưng nếu đọc tác phẩm mà bên trong bạn không quặn thắt những đợt sóng về nỗi niềm băn khoăn về kiếp sống làm người xin bạn hãy đọc lại tác phẩm với một cái đầu tỉnh táo và nhân văn.

4 An nhiên mà sống – Lê Đỗ Quỳnh Hương

An nhiên mà sống, tập tản văn tập hợp những ghi chép của MC Lê Đỗ Quỳnh Hương trên trang mạng facebook. Từng là cây bút cộng tác với các tạp chí tuổi học trò khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Quỳnh Hương đã có trong tay nhiều bài báo, truyện ngắn được đông đảo độc giả biết đến. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, cô xuất bản một tập sách của riêng mình.

Những bài viết của Quỳnh Hương giản dị nhưng sâu sắc, tràn ngập tinh thần lạc quan, được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc sống, công việc của chính tác giả. Trong vai trò một người con, người vợ, người mẹ, một phụ nữ thành đạt trong xã hội, Quỳnh Hương đã mang đến cho độc giả, nhất là những độc giả nữ, những bí quyết sống an nhiên, tự tại, buông bỏ mọi muộn phiền.

Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần: Yên an mà qua và Yêu thương khi còn có thể.

Yên an mà qua – chia sẻ những bí quyết giúp bạn sống vui vẻ, lạc quan hơn.

Yêu thương khi còn có thể – khuyên bạn nên mở lòng với thế giới xung quanh, để bạn thấy rằng cuộc sống cũng không quá dài để ta vung phí, hãy trao đi những lời thương yêu, những cử chỉ âu yếm đến tất cả mọi người, không kể thân sơ. Chỉ khi ấy, ta mới thấy cuộc đời thật dễ thương và đáng sống.

5 Con Đường Hồi Giáo – Nguyễn Phương Mai

“Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.

Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.”

(Nguyễn Phương Mai)

6 Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang

“Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần “Ngọc Trinh” một con số ấn tượng cho một làn da xấu xí như vậy.”

Đây là một trong rất nhiều các quan sát thú vị, kèm theo các giải mãi hóm hỉnh, không kém phần chua xót song cũng rất giàu nhân văn trong tuyển tập BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like…đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế.

Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giài pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến các bài viết, trước khi được tập hợp lại trong tuyển tập này, đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều chia sẻ từ đông đảo cư dân mạng.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN