Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Phú Thọ

0
2629
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng topxephang tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Phú Thọ nhé.

1.Lễ hội đền Năng Yên
Lễ hội đền Năng Yên diễn ra vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, tại xã Năng Yên, huyện Thanh Ba. Lễ hội tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Tam Vị Đại Vương và cầu xin Tam Công ban cho mưa thuận gió hòa, cho muôn nhà được hạnh phúc.
Đền Năng Yên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây thờ Tam Vị Đại Vương: Cả Ngọ Cao Sơn, Nhị Ngọ Cao Sơn, Út Ngọ Cao Sơn những tướng lĩnh tài ba xuất chúng đã có công giúp vua Hùng Vương thứ 17 tức vua Hùng Nghị Vương đánh tan giặc Thục, dẹp hổ lang và trấn giữ vùng đất này ngay từ thủa bình minh của dân tộc.

Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê và tu sửa vào thời Nguyễn, song vẫn giữ được kiến trúc gỗ hoàn chỉnh, kiến trúc được tạo tác hoàn hảo, với một số tiêu bản nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian độc đáo hòa đồng với không gian đẹp, thoáng, vươn tỏa tràn đầy sinh lực giữa không gian rộng lớn của núi rừng Năng Yên. Với thủ pháp nghệ thuật tạo hình các nghệ nhân xưa đã để lại các tác phẩm điêu khắc, trang trí với đề tài Nho giáo hết sức phong phú. Toàn bộ các mảng nghệ thuật để lại ấn tượng độc đáo có kiến trúc gỗ cổ mới phô hết tài năng của cha ông từ thế kỷ trước. Đây là những giá trị tinh thần văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Đền Năng Yên có mặt bằng khá rộng khi đi qua cổng đền phía bên tay phải là Đền Giếng thờ Mẫu Mẹ người đã có công sinh ra Tam Vị Đại Vương, đi thẳng vào là Đền chính thờ Tam Vị Đại Vương và bên cạnh là đền thờ các quan đã bảo vệ các vị. Phía bên trên là Đền Thượng đang được xây dựng, nơi đây ba vi đã hóa về trời. Bên cạnh đền thờ về phía tay trái là khu đất rộng được dùng để tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội.

Ngôi đền còn giữ được nhiều di vật quý như: Sắc phong, Ngọc phả, Ngai thờ… những bức thư tịch là minh chứng ghi tạc công đức của Tam Vị Đại Vương mà nhân dân Năng Yên phụng thờ, tôn kính, lưu truyền đến đời nay.

Cứ vào dịp mùng 7 tháng giêng hàng năm, dân làng Năng Yên lại mở hội cầu tế để tưởng nhớ công đức của Tam Vị Đại Vương và cầu xin Tam Công ban cho mưa thuận gió hòa, cho muôn nhà được hạnh phúc.

Lễ hội gồm hai phần:

Phần lễ gồm: lễ rước kiệu được tiến hành từ nhà ông từ để sắc phong đến Đền chính. Lễ rước mẫu gồm các thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp được tuyển chọn trong làng. Tiếp đó là lễ túc yết và lễ tế thần do các cụ cao tuổi trong làng đảm nhiệm, lễ hội còn phục dựng lại phần lễ rước nước và lễ tẩy trần.

Phần hội với các trò chơi dân gian như: Cờ người, nhún đu, bóng chuyền, chọi gà…

Đền Năng Yên là nơi vô cùng linh thiêng, dành cho những ai có tâm linh hướng Phật. Hàng năm cứ ngoài rằm tháng giêng rất nhiều người ở gần xa đến Đền để thắp hương xin giải hạn cho mình có một năm tràn đầy sức khỏe, cả gia đình tai qua nạn khỏi, an khang thịnh vượng. Những cặp vợ chồng mới cưới muốn có con theo ý muốn đến Đền để xin được cầu đinh (sinh con trai). Mỗi dịp đầu xuân hàng nghìn du khách ở khắp mọi nơi về Đền để thành tâm công đức./.


2.Hội làng Đào Xá
Hội làng Đào Xá được tổ chức vào ngày 9/7 âm lịch, tại Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, nhằm suy tôn Hùng Hải Công và Tam vị Đại vương – có công giúp dân trị thủy, Quế Hoa công chúa.
Làng cổ Đào Xá thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Làng nằm ở phía bờ Tây sông Đà. Vào ngày 29 tháng 1 năm 1964, cụ Hồ đã ghé thăm làng. Tương truyền, đây là khu vực xảy ra giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.

Trong làng có một ngôi đình được gọi là đình làng Đào Xá. Đình gồm 7 gian có niên đại cuối thế kỷ XVII với những cột lớn hơn vòng tay ôm có nhiểu mảng chạm khắc đẹp, tinh xảo, thờ Hoàng Hải công và tam vị đại vương.

Ngoài ra, làng cũng có chùa Đào Xá. Ngôi chùa nằm ở ngoại thôn có những pho tượng Phật đẹp hài hoà. Hằng năm làng Đào Xá, tổ chức hơn 10 lễ hội.

Hội lễ múa trâu

Tổ chức vào ngày mồng 3 tết Nguyên đán, diễn lại sự tích nàng Quế Hoa làm trò mua vui cho bà Trang (phu nhân đức thành hoàng Hùng Hải đại vương) trong thời kỳ thai nghén. Theo truyền thống, thì đến giờ động thổ, thủ từ xin quẻ âm dương, nếu được, thì mở cửa đền, giáp đăng cai tế lễ năm đó nổi 3 hồi trống cho dân làng hay, sau đó là tiếng reo hò dậy làng và dâng thành hoàng làng 12 cỗ tế.

Xong lễ, giáp đăng cai được rước lồng bánh “trâu rước” là một con trâu làm bằng bột nếp đen (gọi là nếp dìn) với lượng chừng 6 đấu gạo nếp, tất cả là 2 con: con phủ giấy vàng, con phủ giấy bạc, trên mỗi con khắc hai chữ Hán “xuân ngưu” (trâu xuân). Hai lồng bánh cũng có 2 bát nước, một bát đựng một quả trứng, còn bát kia đựng một cái “gầu giai” đan bằng tre phết giấy theo loại hình linh khí, tế khí. Chủ tế lễ xong, 1 lồng trâu đưa cho một trai của giáp đăng cai, còn lồng trâu kia trao cho bà đồng. Hai người nâng lồng trâu lên múa đối diện nhau trước bàn thờ, chủ tế vẩy nước lên hai người múa. Điệu múa truyền thống này được gọi là múa xuân ngưu.

Lễ cầu tháng Giêng

Nghi lễ được tổ chức vào ngày 27 tháng Giêng. Sau các nghi thức cần thiết và soạn sửa xong đồ thờ, chủ tế đọc văn tế, quan viên và trai đinh giáp đăng cai và các giáp trong làng rước kiệu, rước văn từ đình làng vào đình thờ. Từ trong đền, cụ thủ từ rước bài vị ra sân và làm lễ tắm bài vị (gọi là lễ một dục) trong một bể nước nhỏ trước sân đền thờ, sau đó bài vị, thần sắc được rước về đình làng trong những nghi lễ truyền thống.

Lễ vật cúng dâng thành hoàng có: 3 nải chuối, 3 bát bánh trôi không nhân, 3 con cá chép, tượng trưng cho tam vị đại vương và giấc mộng của Trang phu nhân báo về. Sau ngà̀y 28, giáp đăng cai tiến cúng thành hoàng 4 cỗ thờ, mỗi cỗ là 4 đồng chè kho, 4 đồng bánh mật, chuối, phật thủ, thanh yên, cam, quýt, trầu cau và 1 con gà trống luộc. Cỗ để qua đêm, ngày 29, bốn giáp mổ lợn và tế lễ như ngày mồng 3 tháng Giêng. Ngày 30, các giáp lại biện trầu cau, chủ tế lại xin tiếp thành hoàng phù hộ cho dân làng. Trong những ngày lễ, nhiều hội vui được tổ chức trang nghiêm và theo truyền thống lâu đời. Chẳng hạn: như trò múa voi, thổi cơm thi….
Lễ cầu tháng Bảy

Vào sáng ngày mồng 9, sau lễ yết cáo thành hoàng làng, với cỗ bàn như tế ngày mồng ba tháng Giêng, không có đánh trống, cuộc thi bơi trải giữ hai giáp Đông, Bắc và hai giáp Tây, Nam bắt đầu. Trải của hai giáp đầu gọi là “trải đực” và trải của hai giáp sau gọi là “trải cái”. Mỗi trải gồm 24 người bơi, 1 người gõ mõ, 1 người lái và 1 người đầu trải, tất cả đều áo đỏ cọc tay và đóng khố. Hai trải đua tài trong đầm nước trước cửa đền. Trong cuộc đua, bơi hai thuyền, một thuyền đực, đầu hình chim và một thuyền cái, đầu hình cá (bơi thành cặp). Vốn xưa là dòng sông nối liền từ sông Hồng vào sông Đà, gọi là sông Cổ, nay đã cạn.


3.Hội làng Dị Nậu
Hội làng Dị Nậu được tổ chức từ ngày 04/01 đến 06/01 Âm lịch tại xã Dị Nậu có tên tục là Kẻ Núc, thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, nay là xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hội tổ chức nhằm suy tôn Tản Viên, Cao Sơn, Quí Minh.
Trong phần lễ hội có trò đánh quân đấu gậy tượng trưng chia thành hai cánh quân làng Trong và làng Ngoài chỉ giả vờ đánh nhau không gây xô xát.

Bên cạnh đó cũng có diễn các trò trình nghề gồm các vai: giáo đầu, cày, bừa, cô thợ cấy, thợ gặt,….và trong lễ hội này còn có tục cướp kén mang tính chất phồn thực.

Trước ngày vào tiệc, làng cho chôn hai cây tre ở hai bên sân đình. Trên mỗi cây treo 30 bộ kén, mỗi bộ kén gồm 1 chiếc mo cau rạch thủng ở giữa và xỏ vào đó một chày ngấn bằng gỗ vuông, tước xơ một đầu. Sáng sớm, cụ Từ ra mở cửa đình thắp hương cáo thánh để các giáp mang cỗ tế ra đình.

Đến giờ Ngọ khoảng 12 giờ trưa khi mọi người đã đông đủ, lễ tế xong, ông chủ tế đọc to về sự tích thần thánh và lời giáo đầu của tục lễ. Sau hồi chiêng trống, mọi người ùa vào chen lấn nhau cướp kén, cầu mong cho một năm an khang thịnh vượng./.


4.Hội Xoan
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…

Tập “truyền thuyết Hùng Vương” đã ghi sự tích của hát xoan như sau: “Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt , khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô dẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát xoan”.

Từ đó điệu hát Xoan được truyền rộng rãi với dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên trong vùng và được tổ chức thành phường hát. Hàng năm vào mùa xuân, các phường xoan Phù Đức, Kim Đôi, An Thái, Thét thuộc Phù Ninh thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám hết hội đám lại chia nhau đi hát ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) là một ông trùm. Ông trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép. Trước mùa hội hè họ tổ chức tập luyện bài bản. Mùa hội họ đi tứ xứ hát có khi đôi ba tháng mới về.


5.Lễ hội đền mẫu Âu Cơ
Đền mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Hàng năm, không chỉ người dân trong vùng mà cả du khách thập phương từ nhiều nơi khác cùng hội tụ về đây vui đón Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ vào các ngày 7 tháng Giêng là ngày “Tiên giáng”, ngày 11-12 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám, và ngày “Tiên thăng” 25 tháng Chạp. Đặc biệt, ngày 7 tháng Giêng là ngày lễ chính và do trùng vào dịp đầu năm vừa đón Tết Nguyên Đán nên rất đông vui, nhộn nhịp.

Vừa vui đón Tết Nguyên Đán chưa hết thì không khí chuẩn bị vào hội đền Mẫu Âu Cơ đã đến. Cả làng sôi động, tập tế nam, tập tế nữ, tập rước kiệu làm bánh ngọt truyền thống…Bánh được làm bằng bột gạo nếp thơm và mật ngọt, nhào kỹ lăn thành hình tròn dài, sau đó cắt thành từng đoạn như đốt tre và đem đồ chin như đồ xôi. Một trăm bánh ngọt sẽ được coi là lễ vật của một trăm người con dâng lên Mẹ Âu Cơ.
Từ sáng sớm mùng 7 tháng Giêng, trên sân đình xã Hiền Lương cờ xí phấp phới, trống chiêng rộn rã, tất cả dân làng đều đã có mặt với những bộ quần áo đẹp, rực rỡ sắc màu. Mở đầu lễ hội là lễ tế Thành Hoàng ở đình, với đội hình tham gia toàn nam giới, sau đó là rước kiệu từ đình vào đền. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, bát âm sáo nhị… ta thấy một cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng do 8 cô gái mặc đồng phục khiêng nhẹ nhàng, uyển chuyển theo nhịp trống. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc bô lão mặc áo thụng xanh, áo dài khăn xếp, cuối cùng là dòng người dân làng và cả du khách thập phương cười nói vui vẻ đi trảy hội.

Đúng giờ thìn ( từ 7-8 giờ ) đám rước vào đến sân đền. Phường bát âm gồm có đàn, sáo, nhị, trống, phách, sinh tiền…vang lên trong không khí trang nghiêm, đèn nến các loại sáng rực, khói hương nghi ngút. Sau lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả , thì đến đội tế nữ. Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn. Các cô đều mặc áo dài với các màu vàng, hồng, xanh, tím…rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, trở thành tâm điểm thu hút chú ý của mọi người. Trong đội tế nữ, riêng chủ tế bận trang phục toàn màu đỏ.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục từ mùng 7-9 tháng Giêng. Sau khi tế nữ xong, nhân dân địa phương và khách thập phương nô nức đến lễ Mẫu Âu Cơ, dâng hương, dâng sớ, cầu sức khỏe, tài lộc, may mắn…Đồng thời, ngoài đền diễn ra các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm… đều có treo giải thưởng của Ban Tổ chức lễ hội.

Ngày thứ ba, sau khi tế nữ xong là lễ rước kiệu từ đền trở về đình để kết thúc lẽ hội chào mừng “ Tiên giáng “.
Đối với các ngày lễ khác trong năm tuy không sôi động, nhộn nhịp bằng 3 ngày lễ hội đầu tháng Giêng trên đây nhưng vẫn diễn ra rất trang trọng, thiêng liêng và được nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương từ mọi miền đất nước và cả Việt kiều ở nước ngoài hành hương về lễ tổ Mẫu.
Đền Mẫu Âu Cơ là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời, một di sản quý báu của cả nước, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc cho lớp lớp con cháu muôn đời. Chính vì thế, vào dịp các ngày lễ hội, đặc biệt vào những ngày đầu năm, từ mùng 7-9 tháng Giêng, đến với Tổ Mẫu Âu Cơ đã trở thành tập quán, nét đẹp văn hóa của các thế hệ người Việt Nam. Đến với Tổ Mẫu Âu Cơ vào dịp này cũng như đến với các vị vua Hùng vào dịp giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba hàng năm chính là sự biết ơn tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc, là tình cảm, đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây “. Đó cũng là nguồn sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm đoàn kết bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh hiện đại hơn, nhưng vẫn bảo tồn và tiếp tục phát huy hơn nữa những nét đẹp đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.


6.Hội Bạch Hạc
Làng Bạch Hạc xưa kia là Phong Châu, kinh đô nước Văn lang đời Hùng Vương, nay là Phường Bạch Hạc thuộc Thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Phường Bạch Hạc hàng năm mở hai kỳ hội Xuân, kỳ đầu từ mồng 3 đến hết mồng 5 tháng giêng, kỳ sau từ mồng 10 đến 13 tháng ba.
Hai kỳ hội Bạch Hạc cũng có các nghi lễ và các trò chơi giống những ngày hội Xuân, Thu khác ở miền Bắc, nhưng đáng chú ý nhất, ở đây có cuộc thi thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu.

Tục cướp cầu diễn ra trong thời kỳ hội mồng ba tháng giêng. Đây là một thú vui đặc biệt của dân làng và hàng năm, trong ngày hội, dân chúng các xã lân cận đã kéo nhau tới đây rất đông để xem và đôi khi cũng tham dự cuộc cướp cầu.

Mỗi năm dân làng cử một người may bộ cầu để tung cho dân làng cướp trong dịp hội. Được cử may bộ cầu là một điều vinh dự trong dân xã, thường là hương chức trong làng. Bộ cầu gồm một quả cầu mẹ và tám quả cầu con. Mỗi quả cầu gồm một nắm bông bọc trong vải ngũ sắc có thêu chỉ mầu sặc sỡ. Một sợi chỉ được đính vào quả cầu, một đầu chỉ buộc vào một ngành tre. Mỗi quả cầu đều có dải buông thõng, dải hoặc khâu bằng lụa màu, hoặc kết bằng chỉ sặc sỡ.

Sáng ngày mồng ba Tết, dân làng tới nhà vị Hương chức được chỉ định may cầu để rước bộ cầu ra đình. Đám rước long trọng có cụ Tiên chỉ trong làng cầm hương, các nam nữ thanh niên đi theo, có phường bát âm cử nhạc điểm theo tiếng chiêng trống rất oai nghiêm. Chín mẹ con quả cầu bầy trên long đình do bốn thanh niên khiêng.

Rước tới đình, cả bộ cầu được kính cẩn đặt lên bàn thờ thay cho bộ cầu năm trước. Kế đó là lễ tế cầu. Tế cầu xong là cuộc tung cầu để dân làng và cả dân thiên hạ cùng chen nhau cướp.

Cầu tung từng ba quả một, mỗi lần tung đều do một vị hương chức hoặc một vị bô lão đảm nhiệm.

Đầu tiên là ông Tiên Chỉ, thời Pháp thuộc khi không có ông Tiên Chỉ, do ông niên trưởng trong làng, – tung quả cầu Mẹ và hai quả cầu Con. Vị này trước hết phải đọc một bài văn chúc, đại khái ca tụng phong cảnh của làng, dân phong và nhất là sự linh thiêng của Đức Thành Hoàng đã che chở cho dân được thịnh vượng, làng xã được yên bình. Sau bài văn chúc ba cành tre được giơ cao theo nhịp trống thờ. Khi tiếng trống dứt, dân làng hò reo ầm ĩ. Dứt hồi hò reo, vị Tiên Chỉ lại đọc một bài văn chúc thứ hai cầu cho dân chúng trong xã gặp được mọi sự tốt lành. Tiếp theo bài văn chúc thứ hai lại là một hồi trống và một loạt hò reo ầm ĩ.

Sau đó vị Tiên Chỉ hoặc niên trưởng tháo ba quả cầu buộc ở ngành tre ra, buộc lại với nhau làm một rồi tung lên để dân chúng xô nhau cướp cho đến khi một người nắm chặt được bộ cầu mới dừng.

Sáu quả cầu sau đó do hai vị chức sắc hoặc bô lão khác mỗi người tung ba quả, nhưng lần này, không còn hai bài văn chúc, chỉ có trống đánh nhịp và mọi người hò reo để cướp cầu. Họ tin rằng cướp được quả cầu sẽ gặp may mắn.

Cướp được cầu, dù một quả hay bộ ba quả, có thể đem về nhà làm kỷ niệm, hoặc để thờ tại đình. Thường thường dân làng Bạch Hạc, cướp được cầu, họ vẫn mang tới đình để thờ cho tới năm sau.

Tục cướp cầu, tuy chỉ là một cổ tục cử hành hàng năm theo nghi thức cổ truyền, nhưng đây chính là một cổ tục đề cao tinh thần thượng võ, chứng tỏ người dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng bất khuất nó đã khiến dân tộc Việt Nam được tự chủ với bốn nghìn năm lịch sử.

Cuộc thi thuyền hàng năm làng Bạch Hạc tổ chức vào ngày rã đám trong kỳ hội từ mồng Mười đến Mười Ba tháng ba, tổ chức trên dòng sông Lô để dân xã và khách trẩy hội từ thập phương tới có thể đứng hai bên bờ sông dự xem.

Làng có bốn giáp: Bộ Đầu, Tiểu Hạc, Đông Nam và Thần Chúc. Mỗi giáp có một chiếc trải dài bằng gỗ chò, dài hơn hai chục thước, rộng chừng thước rưỡi, đóng bằng nguyên cả cây gỗ theo chiều dài. Chiếc trải có năm chục bơi chèo ở hai bên; đầu trải uốn thành rồng và đuôi trải cũng lượn khúc như đuôi rồng.

Để dự cuộc bơi trải các giáp đều kén những dân đinh khoẻ mạnh sung vào những tay bơi, mỗi giáp năm chục người cho chiếc trải, nhưng giáp nào cũng kén một số người dự khuyết. Ngoài những tay bơi, mỗi giáp còn phải kén ba người, ba người này thường là các bậc đàn anh trong giáp, một người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, một người đứng giữa gõ một chiếc trống khẩu để giữ nhịp cho những tay chèo, và ở cuối thuyền, một người ngồi cầm lái. Mỗi bên mạn thuyền là hai mươi lăm tay chèo, đây là những tay trai lực lưỡng đã được hàng giáp lựa chọn, và đã có luyện tập cùng với ba vị đàn anh điều khiển chiếc trải. Trong lúc bơi, họ vừa chèo vừa hò reo. Để có thể kết hợp nhịp nhàng họ phải tập luyện trước cả tháng.

Lúc cuộc thi bắt đầu, bốn chiếc trải xếp hàng đều nhau ở trước cửa đình làng. thật là một cảnh nhộn nhịp cho người xem và cả cho người dự cuộc. Dân giáp nào cũng hồi hộp như chính những tay bơi.

Các chiếc trải khởi hành ở trước cửa đình làng và bơi cho tới ngã ba sông nhánh chảy vào sông lô. Theo lời truyền tụng đây là dân làng diễn lại tích đức Thổ Lệnh đại vương, tiễn đức tản viên khi xưa, lúc đức Tản Viên tới thăm ngài ra về.

Chiếc trải về tới đình trước nhất sẽ được giải thưởng và làm lễ đốt mừng bánh pháo.

Gặp những năm dân làng làm ăn thịnh vượng, mùa màng được, nhân dịp hội tháng ba, dân làng tổ chức cờ người thay cho cờ bỏi, cờ người cũng chơi như cờ bỏi chỉ khác quân cờ thay vì những biển cờ có khắc chữ, là những nam nữ thanh niên mặc quần áo có thêu chữ mang tên những quân cờ, chữ thêu ở trước ngực và ở sau lưng người đóng quân cờ. Cũng có nơi, quân cờ mặc quần áo như thường, nhưng có thêm chiếc biển khắc hoặc viết chữ theo bộ cờ, như vậy mỗi nước đi, nếu quân cờ di chuyển phải mang theo chiếc biển của mình. Tại mỗi vị trí của bàn cờ đều có một chiếc ghế để quân cờ ngồi.

Tại những xã lớn thịnh đạt, những nam nữ đóng quân cờ còn mang theo khí giới, và khi quân bên nọ ăn quân bên kia, quân cờ ăn sẽ múa một thế võ như hạ quân cờ bị ăn, y như trong một màn hát bội.


7.Hội chọi trâu Phù Ninh
Hội chọi trâu Phù Ninh được tổ chức tại huyện Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ. Tương truyền rằng khi các tướng của vua Hùng đi săn qua chợ Hàm Rồng, thấy có 2 con hổ đang đánh nhau những người đi săn liền lấy giáo mác đâm chết 2 con hổ rồi đem mổ thịt ăn ngay tại chỗ. Để tưởng nhớ những người đi săn thời các vua Hùng, mỗi năm vào 2 ngày chợ phiên (5-5 và 10-10 âm lịch) là dân trong xã và các làng lân cận lại đem các thứ hàng hóa, sản vật đến kẻ bán, người mua rất nhộn nhịp, nhưng không phải chỉ có họp chợ mà còn dự tế lễ và chọi trâu.
Để chuẩn bị cho lễ chọi trâu bốn làng là: Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi mỗi làng phải chọn mua một con trâu cà (trâu phải đen tuyền), khi mua phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới mua. Trâu mua rồi mỗi làng phải cử người làm mo nuôi để đến ngày chợ cho chúng chọi nhau và mổ thịt tế thần. Đến ngày chợ phiên dân làng tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ, trước khi vào trận đấu người ta cho trâu uống nửa lít rượu. Phiên chợ ngày 5-5 cho chọi cả 4 con trâu, 2 cặp trâu chọi con nào thua thì mổ thịt, còn 2 con thắng cuộc được giữ lại cho chọi trận chung kết vào phiên chợ ngày 10-10. Khi mổ trâu làm lễ tế thần, người dân chuẩn bị những thứ để đựng thịt trâu (không bầy vào bát đĩa), đó là những cái rế tết bằng dây thừng, đan dầy và nông, trên lòng rế có lót lá chuối. Thịt bày vào những cái rế ấy và đem đặt lên một mô đất vuông bằng phẳng ở ngay giữa chợ để làm lễ cúng thần, trên cái nền này có bày hương án. Khi cúng lễ xong mọi người tập trung ăn uống ngay ở chợ.

Lễ hội chọi trâu ở xã phù Ninh là một lễ hội cổ xưa nhất mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với tín ngưỡng gắn biểu tượng con trâu và tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN