Top 4 dân tộc thiểu số chưa có trong danh sách dân tộc ở nước ta

0
2490
Vật Phẩm Phong Thủy

Dù đang hoạt động và sinh sống trên địa phận nước ta , nhưng những dân tộc sau vẫn chưa được công nhận (hoặc thiếu) trong danh sách 54 dân tộc ở Việt Nam.

1.Người Pa Kô
Người Pa Kô là tên một cộng đồng thiểu số có vùng cư trú truyền thống là Trung Việt Nam và Nam Lào. Theo nghĩa trong tiếng Tà Ôi thì “Pa” là phía, “Kô” là núi, tức là người bên núi . Tại Việt Nam người Pa Kô chủ yếu sống ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông tỉnh Quảng Trị, và A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên cộng đồng Pa Kô chưa được coi là một dân tộc riêng mà đang được xếp vào dân tộc Tà Ôi trong Danh mục các dân tộc Việt Nam. Theo Ethnologue tiếng Pa Kô là một ngôn ngữ riêng biệt tuy cũng có quan hệ gần với người Tà Ôi, và tại Lào thì người Pa Kô và Tà Ôi là hai dân tộc riêng biệt .


2.Người Nguồn
Người Nguồn là tên gọi cộng đồng người gồm 35 ngàn nhân khẩu, sống ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Hiện vẫn còn chưa có sự thống nhất về việc người Nguồn có phải là một sắc tộc riêng hay không. Tại Hội thảo khoa học xác định dân tộc Nguồn tổ chức ngày 19 tháng 10 năm 2004 tại Đồng Hới, Quảng Bình, có ý kiến đề nghị xếp người Nguồn vào dân tộc Mường, Thổ hoặc Chứt, và cũng có ý kiến tách người Nguồn thành một dân tộc thiểu số riêng. Tiếng Nguồn hiện được Glottolog xếp là một ngôn ngữ riêng


3.Người Arem
Người Arem là tộc người hiện có 42 hộ với 183 người, sống ở vùng vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hiện được xếp là người Chứt. Năm 1992 họ được bộ đội biên phòng phát hiện trong các hang đá và đưa về sống với cộng đồng, hiện ở xã Tân Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình . Họ nói tiếng Arem nhưng cũng nói được tiếng của những tộc láng giềng: gặp người Khùa họ nói tiếng Khùa, gặp người Ma Coong họ dùng tiếng Ma Coong để giao tiếp .


4.Người Tà Mun
Người Tà Mun là cộng đồng cỡ 3.000 người, với gần 2.000 người sống ở Tây Ninh và trên 1.000 người ở Bình Phước. Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh đã chủ trì một đề tài khoa học là “Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun tại Tây Ninh”, trong đó đã xác định là khoảng những năm 1945 – 1954 nhóm người Tà Mun trú ngụ ở sóc 5, xã Tân Hiệp, huyện Bình Long (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước) đã di cư đến Tây Ninh. Người Tà Mun theo chế độ mẫu hệ. Theo người già thuật lại thì giấy chứng nhận sắc tộc trước kia hiện còn giữ lại, đã công nhận “sắc dân Tà Mun” là “đồng bào Thượng miền Nam”. Sau năm 1975, trong CMND của người Tà Mun vẫn được ghi là dân tộc Tà Mun. Đến khi lập danh mục thành phần dân tộc VN thì người Tà Mun không còn vị thế riêng mà xếp vào nhóm dân tộc “được coi là có quan hệ gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ trên địa bàn là người Xtiêng và Khmer”. Tuy nhiên bà con người Tà Mun luôn khẳng định mình là người Tà Mun và không liên quan gì tới người Xtiêng, Khmer, hay Chơ Ro .

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN