Top 4 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Bến Tre

0
6041
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Bến Tre nhé.

1.Lễ hội truyền thống cách mạng
Lễ hội truyền thống cách mạng được tổ chức vào ngày 17/1 dương lịch hằng năm, tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, với các hoạt động gắn với sự kiện kỷ niệm ngày truyền thống Cách mạng Đồng Khởi 17/1/1960.

Đối với người dân Bến Tre, ngày 17-1 mãi mãi là ngày không thể nào quên. Năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa, mở đầu bằng cuộc Đồng Khởi. những người con anh dũng trên cả ba dải cù lao xanh của quê hương Bến Tre đã vùng lên làm cuộc Đồng khởi với mõ tre và súng gỗ vùng lên đánh Mỹ, diệt ngụy, phá bốt, diệt đồn.

Như vậy, Đồng khởi ở Bến Tre không chỉ có nghĩa đơn giản là cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân từ tay không cướp đồn địch, giành chính quyền. Đồng khởi là một quá trình liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, liên tục giành thắng lợi, hết đợt này đến đợt khác. Đó là một hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam. Để kỷ niệm chiến thắng hào hùng đó vào ngày 17/1 dương lịch hàng năm nhân dân tỉnh Bến Tre lại tổ chức Lễ hội truyền thống cách mạng.

Trước đó vào tối 16-1, diễn ra đêm hội Hoa đăng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh được tổ chức ngay trên dòng sông Bến Tre lịch sử, tại khu tượng đài Anh hùng liệt sỹ Hoàng Lam – người chiến sỹ đặc công thủy huyền thoại năm nào. Hàng ngàn ngọn hoa đăng trên sông và những cảnh đánh chìm tàu giặc của đặc công thủy được phục dựng sẽ dẫn dắt người xem đi tiếp từ cảm xúc về một Bến Tre trữ tình lãng mạn trong lễ khai mạc đến với một Bến Tre của tấm lòng cảm tạ và tri ân sâu sắc đối với những chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống mảnh đất này.

Ngày Bến Tre Đồng khởi được tổ chức vào tối 17-1 tại khu Sao Mai. Đây là điểm nhấn nổi bật của cả lễ hội với một chương trình nghệ thuật và một lễ diễu binh, diễu hành được tổ chức. Lễ hội truyền thống cách mạng mang âm hưởng chủ đạo của một bản anh hùng ca bất diệt được dàn dựng kết hợp giữa hình ảnh của hàng chục đài đuốc lửa và hàng trăm ngọn đuốc dừa rực cháy với âm thanh của hàng trăm chiếc trống và hàng ngàn chiếc mõ tre được phát cho những người tham dự cùng đánh tạo nên không khí sống động nhất của những ngày đồng khởi năm xưa.

Đặc biệt, tại đây chúng ta sẽ được gặp lại những người phụ nữ con cháu của “đội quân tóc dài” năm xưa đến từ Mỏ Cày, gặp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có cả ba người con trai ngã xuống cho quê hương, đất nước.

Đêm ca múa nhạc tổng hợp mang tên Ký ức Đồng khởi được tổ chức vào tối 18-1. Ngoài ra còn có các hoạt động văn nghệ, hội thao, hội chợ… cũng được tổ chức trong dịp lễ hội./.

2.Hội đình Phú Lễ
Hàng năm, lễ hội đình Phú Lễ diễn ra 2 lần: Lễ Kỳ Yên vào ngày 18 và 19/3 âm lịch, lễ Cầu Bông vào 10/11 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

Phần lễ trong hội đình Phú Lễ gồm có rước sắc thần, tế lễ Thành hoàng, Tiền, Hậu hiền (người khai khẩn, khai cơ). Phần hội, đêm hội có hát bội và ca nhạc tài tử. Lễ hội cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.

Đình Phú Lễ là đình có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá, được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851). Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm 10 gian: 6 gian chính và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm võ ca, viên đường, thính đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.

Qua thời gian và chiến tranh các công trình và hiện vật bài trí bên trong đình như hương án, hoành phi, cuốn thư, bình phong… đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay.

Ngày 7/1/1993, đình Phú Lễ được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.

3.Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu
Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu – Lễ hội mang ý nghĩa văn hoá – lịch sử được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 hàng năm, tại khu mộ nhà thơ tại xã An Đức, huyện Ba Tri với hàng ngàn người tham dự.

Tuy không sinh ra ở đất Bến Tre, nhưng hơn một phần tư thế kỷ sống và lao động nghệ thuật cần mẫn, cứu người giúp đời, gắn bó chặt chẽ với nhân dân Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu có một uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào Bến Tre về phương diện nhân cách, tư tưởng, văn chương. Để tỏ long chi ấn hàng năm vào ngày 1/7, nhân dân tỉnh Bến Tre lại tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu.

Lễ hội Nguyễn Đình Chiểu diễn ra với phần lễ là bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” được xướng lên trong không gian trang nghiêm. Sau đó là các hoạt cảnh diễn lại tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nổi tiếng. Các hoạt động của lễ hội nhằm tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Chiểu, người đã gắn bó và gần gũi với nhân dân Ba Tri.

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi như: thi nấu ăn, kéo co, đập niêu, hát đờn ca tài tử… Lễ hội góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Từ 1975 sau ngày giải phóng đến nay, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa đã đầu tư công sức, tiền bạc để tôn tạo khu vực này thành một di tích lịch sử có giá trị mang ý nghĩa giáo dục về tinh thần yêu nước, thương dân. Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ có tầm cỡ của nửa sau thế kỷ XIX, mà còn là một nhà giáo, một thầy thuốc giàu tâm huyết./.

4.Lễ hội Nghinh Ông
Lễ Nghinh Ông, hay còn gọi là lễ tế, lễ rước, lễ cúng cá Ông thường diễn ra trước mùa đánh bắt cá ở biển. Cũng như các vùng ven biển khác lễ Nghinh Ông ở Bến Tre là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người. Lễ Nghinh ông ở Bến tre được tổ chức nhiều nơi: xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) lễ được tổ chức vào ngày 20-6 Âm lịch, xã Thừa Đức cùng huyện, lễ mở vào ngày 23-4 Âm lịch, xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) và ở xã Bình Thắng (huyện Bình Đại), lễ cùng mở vào ngày 15 và 16-6 Âm lịch.Trong đó lễ Nghinh Ông tổ chức ở xã Bình Thắng huyện Bình Đại được tổ chức với quy mô lớn nhất.

Lễ gồm ba phần: túc yết, nghinh ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế và xây chầu đại bội.

Trước ngày lễ các thuyền đánh cá dù đang làm nghề ở nơi xa hay gần, đều phải tề tựu về bến. Điều này đã trở thành quy ước bắt buộc.Tham gia vào lễ nghinh ông còn có những thuyền đánh cá ở nơi khác, tỉnh khác đang hành nghề tại biển của địa phương. Các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân có bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo, cùng với hương hoa. Khởi đầu là lễ túc yết với nghi thức đơn giản được tiến hành tại lăng. Mọi người dân trong vạn lạch, từ những ngày trước đã góp tiền làm lễ cúng Ông. Đóng góp nhiều hay ít là tùy tấm lòng của từng gia chủ ngư dân, mà không có một sự bắt buộc nào, và cũng không có sự phân biệt giữa người đóng tiền nhiều hay ít, có đóng tiền hay không đóng tiền. Đêm đầu tiên của lễ hội này có một nghi thức không hoàn toàn bắt buộc, tùy theo ban tổ chức. Đó là lễ hội cầu an. Ông chánh bái và phó chánh bái quay mặt vào điện thờ khấn vái, xin sự chứng kiến của Nam Hải ngọc tôn thần. Ông phó chánh bái đội tờ sớ xin cầu an lên đầu, quỳ lạy. Tám nhà sư quỳ thành hai hàng ở phía sau, rồi đứng lên tụng kinh làm lễ cầu an cho vạn lạch. Lá sớ cầu an được đem đốt vào cuối buổi lễ.

Sáng hôm sau là nghi thức Nghinh ông.Dẫn đầu đoàn ngoài ra khơi nghinh Ông gồm có ông chánh bái và phó chánh bái. Theo sau có 4 học trò lễ, 4 đào thài (2 đào nam và 2 đào nữ), 8 người mang bát bửu, chấp kích, một người vác cờ có chữ Nam Hải, bốn người khiêng long đình, hai người cầm lọng, một người vác cờ lớn, cùng với phường bát âm. Tất cả những người này khiêng long đình, cùng tất cả đồ lễ, từ lăng thờ cá Ông tiến ra cửa sông để xuống một ghe riêng đã được chọn sẵn, gọi là ghe lễ. Thông thường chiếc ghe được chọn là ghe của gia chủ song toàn nhất trong vạn, không có vướng mắc gì, làm ăn phát đạt và phải là ghe mang số chẵn, trên ghe này có một bàn bày các lễ vật, gồm một con heo quay, hai đĩa lòng heo (một đĩa sống, một đĩa chín), một đĩa bánh hỏi, cùng hoa quả. Hai bên cạnh con heo quay là 12 chiếc chén (bát) cùng 12 đôi đũa. Sau ghe lễ là ghe chở đoàn múa lân. Tiếp sau hai ghe này là tất cả một đoàn ghe gồm hàng trăm chiếc của ngư dân trong vạn lạch. Trên từng chiếc ghe đều có bày đồ lễ cúng. Tất cả cùng tiến ra ngoài biển khơi, để làm lễ rước Ông. Cả ghe lễ, ghe chở đoàn múa lân và các ghe chở ngư dân, đều có thả một sợi dây xuống nước, ở cuối sợi dây có buộc một chùm giẻ ngũ sắc. Khi cả đoàn ghe ra tới chỗ giáp nước (nơi nước sông và nước biển gặp nhau) cả đoàn ghe lượn quanh nhiều vòng. Ông chánh bái bắt đầu đợi “Ông lên vọi”. Ngư dân tin rằng, năm nào đoàn ghe ra khơi nghinh Ông mà gặp “Ông lên vọi”, coi như là năm đó vạn lạch gặp may mắn, làm ăn phát tài. Trường hợp không thấy tăm tích gì sau lượn vòng nhiều bận, ông chánh bái sẽ xin keo âm dương. Nếu trong một hai đồng tiền tung lên, rơi xuống mặt dĩa mà có chiếc úp chiếc ngửa thì coi như ông Nam Hải đã chấp thuận lòng thành của ngư dân. Liền ngay đó, tức là lễ rúc lên một hồi tù và vang động một vùng biển, và bắt đầu đốt pháo. Tất cả hàng trăm chiếc ghe đi sau ghe lễ đều đốt pháo theo. Sự hứng khởi tột độ của ngư dân lúc này đã khiến tất cả các ghe chạy ào ào hỗn độn. Có ghe va chạm vào các ghe khác, không sao, người dân chấp nhận sự ồn ào và hỗn độn này. Đoàn ghe nghinh ông náo nức quay trở về bến. Đi đầu vẫn là chiếc ghe lễ. Tới bến người ta khiêng long đình, hương án và tất cả các đồ lễ lên bờ, rước về lăng. Tới lăng, người chánh bái, cùng phó chánh bái khiêng bát hương vừa mang ra khơi nghinh Ông, đặt lại bàn thờ. Sau khi làm các nghi thức an vị và các thủ tục khấn vài, lễ Nghinh Ông chấm dứt. Ngư dân tin rằng ông Nam Hải đã về ngự tại điện thần, chứng giám lòng thành của họ.

Sau đó, lễ tế tiền hiền, hậu hiền bắt đầu. Lễ vật cúng tiền hiền là món mặn, như mọi đám giỗ tổ tiên, gồm 4 mâm xôi (3 mâm xôi trắng, một mâm xôi đỏ). Sau một hồi chiêng, một hồi trống và nhạc lễ, ông chánh bái và phó chánh bái cùng các bồi tế dâng lễ nến và hoa. Sau đó, dâng thức ăn, dâng rượu và đọc văn tế tiền hiền xin vong hồn tổ tiên cùng các cô hồn cùng về chung hưởng.

Nghi thức xây chầu đại bội là nghi thức không cố định, nghĩa là phụ thuộc vào ban tổ chức năm ấy có mời đoàn hát hội hay không? Trước khi vào xây chầu, các đào thài lạy trước điện thờ ông Nam Hải. Lễ vật tại bàn thờ lúc này là một con lợn trắng, đã mổ, cạo sạch lông, quay đầu về phía bàn thờ Ông, bát huyết đặt bên cạnh, lá mỡ chài phủ lên đầu con lợn. Người cầm chầu là Ông chánh bái. Dân cúng ở trong vạn chài ngồi xem hát bội ở ngay nhà võ ca. Các đào thài hát, múa dân chúng xem, cùng với nghĩa hát cho ông Nam Hải vui lòng.

Nghi thức lễ chánh tế được tiến hành vào giữa đêm 16-6 (âm lịch), vào lúc giao điểm giữa hai ngày. Sau các nghi thức thông thường như củ soát tế vật, tựu vị, chỉnh y, ban tổ chức chọn một người có tuổi, có đức độ song toàn, được mọi cư dân trong vạn lạch kính trọng, làm nhiệm vụ khai mõ, kế đến là nghi thức khai chiêng, rồi khai trống. Ban nhạc cụ này đều được đánh theo hồi, theo nhịp đã quy định. Khi dứt nhịp trống thì sàn nhạc lễ bắt đầu nổi lên. Ông bồi tế dâng nến, hoa cho ông chánh bái. Ông này giơ mấy nén nhang trong tay lên ngang trán, vừa đọc vừa khấn.

Sau đó, ông thắp nhang lên bàn thờ. Theo sau học trò lễ là các đào thài, vừa đi từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ quanh điện thần, vừa hát những câu hát chúc thần. Tiếp theo là nghi thức dâng rượu. Các học trò lễ nhận rượu từ tay ông chánh bái bước lên dâng thần. Các đào thài vừa đi đàng sau học trò lễ, vừa hát chúc thần. Sau tuần rượu thứ nhất vị chánh tế bắt đầu đọc tế văn ông Nam Hải.

Sau khi đọc tế văn xong, ông chánh tế lại dâng tiếp tuần rượu thứ hai, rồi tuần rượu thứ ba cùng lời khấn. Sau khi dâng trà, bốn đào thài vái lạy trước bàn thờ ông. Cuối cùng là nghi thức đốt văn tế. Tất cả, ban khánh tiết, học trò lễ, đào thài vái lạy Ông lần cuối. Nghi thức chánh tế kết thúc, đồng thời cũng là kết thúc lễ hội Nghinh Ông của người dân vạn lạch

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN