Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Bình Định

0
2325
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Bình Định nhé.

1.Lễ hội đâm Trâu
Hàng năm, từ tháng chạp đến tháng ba âm lịch, tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh dân tộc Bana theo truyền thống mở lễ hội tạ ơn Giàng (Yang) là đấng thần linh tối cao của họ. Người Bana gọi lễ ấy là Koh Kpô hay Groong Kpô Tonơi, tiếng Việt gọi là Lễ hội Ðâm Trâu.

Theo Ðặc san Văn hóa Bình Ðịnh (ấn hành tại Qui Nhơn, 1992) và các tài liệu khác, già làng chọn bãi đất rộng, bằng phẳng thuộc địa phận buôn làng mình để dựng giàn tế (gưng) là một quân thể gồm: Một cây tre cao, thẳng, còn nguyên ngọn, gốc được chôn vững vàng gọi là nêu, sát bên cây nêu là một cột lớn rắn chắc bằng cây muôn hay cây plang, cũng được chôn chặt để đỡ cây nêu và dùng vào việc buộc trâu; nhưng nếu chọn được cây săn thẳng, đủ vững chắc để làm nêu thì không cần trụ buộc trâu nữa. Và quanh cây nêu còn trồng 4 hay 8 trụ gỗ tròn, cao độ 3 mét, đường kính khoảng 15cm. Các trụ gỗ này được bố trí theo hình hoa thị đối xứng từng cặp và trang trí thành những vành khuyên sơn màu đen, trắng, xanh, đỏ xen kẽ nhau. Ở đầu các trụ gỗ có các thanh ngang buộc nối hai trụ lại với nhau, cấu kết theo thế liên hoàn vững chắc. Dọc theo chân cây nêu có các dây buông dài, tết bằng lạt tre buộc những tấm nan hình tam giác và các ống tiêu gió bằng cây lồ ô đưa vi vu trước gió. Trên cùng cây nêu có treo túi thiêng, tiếp theo là cánh phướng đan bằng lạt giang, biểu tượng cho chim đại bàng (kring), hình ảnh của sức mạnh và trí tuệ
Lễ hội Ðâm Trâu được tổ chức trong ba ngày, hai ngày đầu tại giàn tế (gưng), ngày cuối ở sân Nhà Làng (nhà Rông). Ngày thứ nhất, người ta dắt một con trâu to béo, đầy sức lực đến giàn tế, nối cổ trâu vào cột tế (Plang Kpô) bằng một dây thừng bện thật chắc, dài độ 2 mét tây. Dân trong buôn và người xem đứng bao quanh giàn tế thành một vòng tròn rộng.

Giờ hành lễ bắt đầu, dàn cồng rộn rã nổi lên chen lẫn âm thanh của bộ chiêng rền vang, kết hợp với bộ trống lớn (Bnưng) dồn dập, dậy lên bản giao hưởng hùng tráng như tiếng gọi từ hồn thiêng ngày hội.

Các thanh niên nam nữ xếp hàng dọc, tay cầm gậy múa Kơ tếch (điệu múa dành riêng cho lễ hội Ðâm Trâu), đi vòng quanh giàn tế theo chiều ngược kim đồng hồ, vị tù trưởng đứng vai chủ tế dẫn đầu các vị bô lão (chừng 5, 6 người), mặc lễ phục sặc sỡ từ từ tiến đến giàn tế, quỳ rạo khấn vái thần Giàng (Yang).
Tiếp theo bài khấn là lễ Hiến tế, một bô lão mạnh mẽ nhất trong ban tế lễ, tay cầm giáo, tay cầm khiên bước ra khỏi hàng, lựa thế đâm một nhát vào con vật tế thần. Tuy bị thương nhưng trâu vẫn còn sức mạnh, cố bứt dây chạy thoát nhưng không được, đành chạy vòng quanh giàn tế. Mọi người trong buôn đồng loạt hú lên, rung chuyển cả núi rừng và đi quanh giàn tế đánh cồng, múa hát đến chiều tối mới mãn.

Ngày thứ hai, cả buôn tập trung bao quanh giàn tế để làm lễ hiến sinh. Lần này trai tráng trong buôn vào cuộc. Họ cầm vũ khí và khiên, la hét, dồn đuổi con trâu chạy quanh giàn tế. Họ thi nhau bắn cung, phóng lao, đâm giáo vào con vật tế thần. Lòng dũng cảm và sự khôn khéo của họ được thể hiện qua cách săn đuổi con mồi, và phần thưởng chiến thắng dành cho chàng trai nào lựa được thế, đâm thẳng tim con vật gục xuống chết ngay. Già làng cầm bát đồng hứng máu tươi, hòa với rượu dâng thần linh. Tiếng hú mừng chiến thắng lại một lần nữa vang trời dậy đất.

Trâu được xẻ thịt ngay tại chỗ, chọn thịt ngon và toàn bộ lá gan chia đều cho năm nhóm rồi vảy máu đã hòa rượu, cung kính đật trên bàn thờ thần Giàng. Già làng đứng ra khấn bái. Xong lễ, gan trâu được chia đều cho tất cả trai tráng trong buôn. Họ tin rằng ăn gan đó sẽ tăng cường sức mạnh và lòng dũng cảm vì đã có thần Giàng chứng nhận.

Ngày thứ ba, túi thiêng trên cây nêu được rước về thờ ở nhà Rông, đặt ngay chỗ để vò rượu chính. Già làng làm lễ khấn xong, gọi mọi người đến uống rượu này vì tin rằng ảnh hưởng của túi thiêng đã hòa trong rượu, uống vào sẽ tiêu trừ những rủi ro bệnh tật. Họ còn tổ chức những trò chơi thượng võ ngay trước sân nhà Rông như bắn cung, đấu kiếm, phóng lao, đấu võ… cuộc vui suốt ngày và kéo dài đến thâu đêm suốt sáng./.

2.Lễ hội cầu ngư
Lễ hội cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân miền ven biển từ Quảng Bình đến Nam bộ. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư có hầu hết các vùng ven biển của các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn.

Theo thống kê năm 2002, toàn tỉnh có trên 15 lăng Nam Hải – nơi tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội gắn liền với tục thờ cúng cá voi với nhiều truyền thuyết còn ghi đậm nét trong dân gian.

Lăng Nam Hải, đó là lăng cá voi (cá ông) do ngư dân ở các vạn chài lập ra để thờ phụng. Cá Ông là một loại cá lớn có vú sống ở biển, có con dài đến hơn 30m, nặng cả chục tấn, có sức mạnh phi thường. Ngư dân kể rằng nhiều lần gặp mưa bão ở ngoài khơi, thường hay có cá voi cứu nạn. Cá coi áp tựa lưng vào mạn thuyền đánh cá làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ và chính cá voi cũng khỏi bị sóng gió đẩy vào ghềnh đá mắc cạn. Ngư dân xem đây là sự che chở của Nam Hải thần ngư.

Từ sự cứu nạn lớn lao của cá voi, nên loài cá này đã trở thành vị Thần ngư Nam Hải (có địa phương còn gọi là Quan âm Nam Hải hoặc Nam Hải Ngọc Lân). Hễ dân vạn chài thấy cá voi “lụy” (vì bị mắc cạn lâu ngày hoặc đến lúc bệnh) là tập trung toàn dân vạn chài trong làng (đầm) để tiến hành lễ an táng cá voi. Sau ba năm an táng, ngư dân làm lễ di hài cốt về lăng Nam hải của làng.

Ở Bình Định có lẽ lăng Nam Hải làng Hưng Lương xã đảo Nhơn Lý , thành phố Quy Nhơn là một trong những lăng có từ lâu đời hơn cả. Các bảo vật còn lưu giữ ­ tại lăng là 6 sắc phong của triều Nguyễn tặng: Minh Mạng thất niên cửu nguyệt nhất thập nhất nhật, Thiệu trị tam niên bát nguyệt nhất thập tam nhật, Thiệu trị tam niên cửu nguyệt nhị thập nhất nhật, Tự Đức tam niên nhất thập nhất nguyệt bát nhật, Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt nhất nhật, Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật; cùng với hai liễn phong: Ngọc Tôn Thần và Võ Cao Môn. Điều đó nói lên ở vạn chài Hưng Lương có lễ hội cầu ngư đã hình thành khá lâu đời, lăng Nam Hải của làng là một di tích có thể khẳng định niên đại ra đời muộn nhất là cuối thời vua Gia Long. Lễ hội cầu ngư ở lăng Nam Hải xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn diễn ra vào ngày 10 tháng 5 âm lịch hằng năm.

Lễ hội cầu ngư lăng Nam Hải làng Hưng Lương, lễ chính là tế Nam Hải Ngọc Lân. Thông qua tế lễ ngư dân bày tỏ niềm kính tín, chiêm tượng thần linh, đồng thời gửi gắm ước nguyện thiêng liêng là cầu mùa bội thu và cầu an cho vạn chài. Nghi lễ tế cá ông tương tự nghi thức tế Thành hoàng. Bởi vậy có nhà nghiên cứu gọi cá Ông là Thành hoàng vạn chài. Nhân sự thực hiện cuộc tế là một ban khánh tiết do vạn chài cử ra, gồm các bậc cao nhiên đức độ, gia đình trọn vẹn, hòa thuận và không bị vướng tang. Người đứng chánh tế phải tập quỳ, tập lạy hàng tháng trước đó và phải ăn chay, dọn mình sạch sẽ ba ngày trước lễ tế. Khi tế lễ thần nếu lạy sai cũng sẽ bị vạn chài bắt vạ.

Theo thông lệ, lễ hội được diễn ra trong quỹ thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, được diễn ra vào ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.

Nghi thức lễ đầu tiên, có nơi còn gọi lễ vọng, được bắt đầu từ sáng sớm với mục đích cáo giỗ và cầu xin thần Nam Hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Lễ được cử hành trang nghiêm, dâng đủ ba tuần rượu và đọc văn cúng. Bản văn cúng ca ngợi công đức của cá Ông trong việc giúp đỡ các vạn chài. Nghi thức lễ nghinh thần, có nơi còn gọi là nghinh ông Sanh (tức Đông Hải Ngọc Lân), có lăng thực hiện lễ nghinh thần cả dưới biển lẫn trên bờ (nghinh thủy lục), được di chuyển về ngự tại điện lăng để chứng lễ tế thần Nam Hải. Sau đó là lễ di thỉnh cô bác, chư vị tiền hiền vãn ngự các nơi trong vạn chài về lăng cùng phụ hưởng.

Tiếp đến là lễ tế cô hồn tại sân lăng Nam hải với các lễ vật tồm: bát cháo thánh (cháo hoa), bát gạo, muối, trầu cau, rượu cùng hương đăng, đồ vàng mã. Khởi sự tế, vị chánh bái gõ ba hồi mõ sau đó dâng tuần rượu đọc văn tế. Nội dung văn tế cô hồn biểu hiện sự thương yêu cho những kẻ bất hạnh và tình cảm cộng đồng nhân ái dành cho những kiếp người khốn khổ đã khuất. Tế xong, vật tế lễ được tung ra khắp nơi để thí thực cô hồn.

Lễ thánh tế (đại lễ nghinh thần) được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày thứ hai bước sang sáng ngày thứ ba. Thức cúng gồm đầu heo, hoa quả, bánh tráng (không bao giờ dùng đồ hải sản). Phần tế đủ nghi thức lễ lục cúng, đọc văn tế ca ngợi công đức của thần, cầu xin cho thần ban cho vạn chài mùa bội thu, thuyền ra khơi xuôi chèo mát mái, khi trở về tôm cá đầy ghe. Sau đó ngư dân làm lễ xuống thuyền mở màn cho một vụ mùa đánh bắt cá.

Lễ xây chầu hát bả trạo là nghi thức bắt buộc, mở màn cho buổi hát án, trở thành một lệ không thể thiếu. Hát bả trạo là một bộ phận nghi lễ, thể hiện diễn xướng tổng hòa nhiều yếu tố hát và múa với đạo cụ là mái chèo. Đội hình trình diễn bao gồm các con trạo (tay chèo) dưới sự chỉ huy của các tổng mũi, tổng thương, tổng lái và tổng khậu. Tất cả được xếp theo hình một chiếc thuyền rồng – thuyền linh để đưa hồn cá Ông phiêu diêu miền cực lạc. Nội dung xuyên suốt là tạ ơn và ca ngợi đức cá ông, xin thần ban cho vạn chài cuộc sống bình an, no đủ.

Đan xen với phần nghi lễ là phần hội gồm các sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân làm nghề biển. Có hình thức sinh hoạt văn hóa vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát bả trạo, lại có những hình thức hoàn toàn thuộc về hội, là sự giải trí, giải tỏa, tạo không khí vui vẻ, náo nức trong làng trước khi bước vào một vụ mùa mới như hò đối đáp trên thuyền, hô bài chòi, tổ chức hát bộ trong đêm, thi đua ghe, lắc thúng vào ban ngày…

Từ việc tôn thờ một hiện tượng tự nhiên, một sinh vật có mối quan hệ gắn bó lâu đời với ngư dân trong phương thức sinh tồn đã trở thành một hình thức tín ngưỡng và cũng từ một hình thức tín ngưỡng đã có sự tích hợp những giá trị văn hóa phi vật thể, trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của ngư dân làm nghề biển hàm chứa những giá trị nhân văn.

Là những người sống nhờ biển khơi, gắn bó với biển, thường xuyên phải đối đầu, ứng phó với sóng gầm, gió dữ, con người rõ ràng có nhu cầu gửi gắm niềm tin, cầu xin sự viện trợ ở một đối tượng nào đó. Họ đã gửi niềm tin của mình vào thần ngư Nam hải, tức cá Ông. Ngư dân vạn chài lập lăng để thờ phụng, mở lễ hội tế thần để cầu an, cầu mùa qua đó thể hiện ước vọng thiêng liêng của ngư dân về cuộc sống bình an, phồn thịnh mà khía cạnh cụ thể ở đây là được mùa biển.

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, lễ hội cầu ngư góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân. Quanh năm bận rộn với việc đi biển cùng bao khó khăn, vất vả. Lễ hội là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng./.


3. Lễ hội Nước Mặn
Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định cách đây gần bốn thế kỷ. Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, để thờ cúng. Lễ hội Nước Mặn được tổ chức hàng năm trong ba ngày: ngày cuối tháng giêng âm lịch, có thể là 29 hay 30 tùy tháng thiếu đủ, và ngày 1 và 2 tháng 2 tại Chùa Bà.

Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả – Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này. Cho đến ngày nay, mặc dầu cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định.

Thuở xưa, khi cảng thị còn phồn vinh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ dưới sự điều hành của ban nghi lễ, dân cảng thị cả người Việt và người Hoa (Minh Hương) khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ (bà chúa Thai sinh – Bảo sản) rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. Nửa đêm ngày 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quan Thánh, Bà Mụ là những vị thần khai sáng che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân cảng thị, cầu xin các vị thần ban phúc lành cho làm ăn phát đạt, con cháu đông đúc, sinh đẻ tốt lành để cảng thị ngày một phát triển. Những gia đình trong năm qua làm ăn phát đạt, giàu có hẳn lên, sinh con đạt ý nguyện như đã cầu xin hay tai qua nạn khỏi thành kính mang lễ vật tới tạ ơn các vị thần.
Có người ở Gia Lai, Kon Tum xuống, từ Phú Yên, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh ra hiến tế cả một con bò, con heo hay một số tiền khá lớn góp phần cùng dân cảng thị tu sửa đền miếu và tiến hành lễ hội.
Phần tế lễ thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng Việt – Hoa trong đời sống tâm linh của người Nước Mặn. Các vị thần người Việt và người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Sự xuất hiện thần Thành Hoàng trong tế lễ với ngai thờ riêng chứng tỏ các vị thần dù của người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ.
Sau ngày tế thần, sang ngày thứ hai và thứ ba là hai ngày hội. Ban tế lễ cũng như ban tổ chức hội đều dưới sự cai quản, hướng dẫn của chính quyền cảng thị. Ngày tế thần là nghi thức tín ngưỡng, tới ngày hội mới thực sự phô diễn hết vẻ đẹp văn hóa cảng thị xưa. Khách thập phương xa gần về Nước Mặn chờ đợi từ mấy ngày trước. Sau tế lễ họ mới vào chùa cầu cúng và dự hội. Nghi thức đầu tiên mà mọi người mong chờ là hình thức rước các biểu trưng trên đường phố để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng sình lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất ở miền cực nam nước ta thời bấy giờ. Những hình người: kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc.v.v… được cung kính đặt lên kiệu nối theo nhau khiêng đi. Lại còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió làm sống lại những ngày đầu tàu thuyền bốn phương tới cảng thị buôn bán. Phật giáo và Đạo giáo theo bước chân di cư của người Việt, sau đến người Hoa tới Nước Mặn nên trong ngày hội còn có rước biểu trưng Hà Tiên Cô ngồi trong hoa sen có cánh khi cụp khi xòe thu hút sự chú ý của người xem.
Việc rước các biểu trưng khai hội qua phố phường đánh thức truyền thống tốt đẹp của cha ông trên đường mở nước và xây dựng vùng đất mới.

Sau rước biểu trưng, ban ngày thì các trò chơi dân gian nối tiếp diễn ra. Tùy điều kiện tổ chức từng năm nhưng nhìn chung có: đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, đập ấm, bịt mắt bắt dê. Có trò chơi tao nhã như thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người. Có trò chơi tiếp nhận của người Hoa như tục đổ giàn, đốt cây bông. Lại còn có trò chơi chịu ảnh hưởng của các thầy cúng Chàm thuở trước như hát mộc xà leo. Ban đêm, các gánh hát nổi tiếng ở phủ Quy Nhơn được mời tới hát bả trạo, diễn tuồng; các nhà sư đưa phật tử đến múa lục cúng.

Ngày cũng như đêm các trò chơi dân gian và múa hát đã thu hút đông đảo người trong vùng và khách phương xa tới dự hội. Vì thế trong ba ngày lễ hội Nước Mặn thuở xưa, người phủ Quy Nhơn sống trong niềm hân hoan và bầu không khí đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trên các đường phố, người Việt, người Hoa và cả người phương Tây, Đông Nam Á tới truyền giáo, buôn bán cùng chung vui. Nhiều màu da, nhiều tiếng nói, trang phục đủ kiểu, đủ màu càng làm đa dạng thêm, đẹp thêm cho lễ hội.

Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào Nước Mặn được, cảng thị suy tàn, chuẩn bị cho cảng thị Quy Nhơn ra đời vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Người Nước Mặn, nhất là những thương nhân Minh Hương chuyển về Quy Nhơn, các thị trấn thị tứ trong vùng hay đi xa vào phương nam tới tận Chợ Lớn – Sài Gòn buôn bán. Thế nhưng đến ngày lễ hội vẫn trở về Nước Mặn như trở về quê hương một thuở của mình.

Ngày nay, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch, đền miếu nếu không chỉ là đống gạch vụn thì cũng mái sập tường xiêu. Là vùng trắng bị bom đạn Mỹ – Ngụy tàn phá dữ dội, dân Nước Mặn kẻ vào rừng kháng chiến, người sơ tán đi xa. Tới ngày thống nhất đất nước mới trở về dựng lại nhà cửa, tu bổ lại chùa Bà – miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị cho đến ngày nay. Lễ hội Nước Mặn được chính quyền địa phương cho phép phục hồi, song đã đổi mới cả nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với đường lối giữ gìn phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Lễ hội vẫn tổ chức trong ba ngày, trình tự tiến hành vẫn như xưa. Dân địa phương và khách xa gần, nhất là những gia đình vốn quê Nước Mặn nhưng đã đi làm ăn xa trở về dự lễ hội khá đông.
Về phần tế lễ trong đêm đầu là tín ngưỡng của người dân trong vùng vẫn được tôn trọng và tiến hành riêng theo ý nguyện. Sang ngày thứ hai mới chính thức khai hội. Đảng ủy, chính quyền địa phương giao cho Mặt trận Tổ quốc long trọng đọc diễn văn khai mạc trước quan khách và công chúng về dự hội, nêu công lao khai sáng của cha ông, lịch sử phát triển cảng thị và vai trò cảng thị trong đời sống kinh tế, văn hóa Bình Định trong nhiều thế kỷ qua.

Phần hội không còn nghi thức rước biểu trưng trên các đường phố như xưa nhưng vẫn tổ chức một số trò chơi mang tính chất truyền thống, ngoài ra còn tổ chức đấu bóng chuyền giữa các xã lân cận. Ban đêm vẫn đón các gánh hát trong vùng và cả nhà hát tuồng Đào Tấn về diễn suốt mấy tối lễ hội.


4.Lễ hội Đổ Giàn
Đổ giàn là một lễ hội văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định do một số dòng họ người Hoa lĩnh xướng.Trước kia lễ hội diễn ra từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 âm lịch (4 năm tổ chức một lần) tại Chùa Ngũ Bang Hội Quán thuộc thôn An Thái xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn. Sau một thời gian dài bị lãng quên giờ đây Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đang phối hợp với địa phương khôi phục lễ hội để gìn giữ một nét văn hoá đẹp của cùa người dân đất võ.

Theo người già trong làng kể lại cũng như các lễ hội khác lễ hội Đổ giản gồm 2 phần :

Phần lễ, khoảng 2-3 giờ sáng rằm là bắt đầu lễ rước nước, lấy từ sông Kôn, cách vài ba cây số về phía thượng nguồn ở đoạn sông sâu, nước trong sạch nhất. Nước được chứa trong cái chum đất mới sạch sẽ để trên kiệu hoa gọi là Long Đình, có cờ phướn, nhạc, chiêng trống… Ban lễ đưa nước về dâng lên bàn thờ Phật trong chánh điện và các bàn thờ hai bên tả hữu. Mờ sáng ngày rằm là tiến hành lễ rước Phật, có chiêng trống, cờ phướn, học trò gia lễ đi hai bên kiệu hoa, đi giữa là ban lễ. Xuất phát từ chùa Hội Quán lần lượt đi hết các chùa của người Hoa trong phố và đến chùa Phổ Tịnh là chùa Phật để làm lễ rước Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy. Hai bên dãy phố, nhà nào cũng thiết hương án, lễ vật trước sân, khi đoàn rước Phật đi ngang thì chủ nhà ra cắm hương trên kiệu hoa. Bắt đầu khai lễ tại chánh điện là làm thủ tục cung nghinh chức sự (chủ sám, kinh sư, công văn, thuyết pháp…) và trình tự khai kinh, niệm kinh, tụng kinh, trai đàn và cúng chẩn diễn ra suốt 3 ngày đêm.

Phần hội được chuẩn bị khá công phu, tốn kém. Một khán đài (giàn) bằng gỗ và tre được dựng lên trước cổng chùa. Giàn cao hơn 2 mét, chiều rộng mỗi bề khoảng 4 mét đủ đặt hương án, lễ vật gồm tam sanh (heo, bò, dê) và hoa quả, đứng cúng trên giàn lễ chỉ có ban lễ và học trò gia lễ, áo mão theo từng chức sự của nghi thức. .

Tối rằm là làm lễ phóng đăng, phóng sanh (chim, cá) ở giữa sông Kôn; múa lân và hát bội; 3 đêm liền nhà nào cũng thắp đèn lồng rực sáng cả phố chợ và hương án trước nhà. Trước sân chùa có dựng một ngôi nhà tạm lắp ghép bằng gỗ được làm sẵn, xong lễ hội là xếp lại đến kỳ sau lại dựng lên. Khách thập phương xa gần đến dự lễ hội, kể cả người hành khất đều được vào nhà tạm ăn uống, nghỉ ngơi.
Trong phần hội có nghi thức khá quan trọng “Xô cỗ, xô giàn” về sau gọi là đổ giàn. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, đám đông bên dưới trở nên xôn xao, rộn rịp. Những người già, phụ nữ, trẻ em thì dãn ra vòng ngoài để cho những võ sĩ và những người khỏe tiến vào. Những người tiên phong lên giàn hườm sẵn trong tư thế chuẩn bị lao lên, mắt hướng về phía giàn cao, chờ đợ cho đến khi vị chủ tế tuyên bố xô giàn, cho phép cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy cỗ heo quay. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang con heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay. Trong cuộc tranh tài này, các võ sĩ dùng tất cả các ngón võ, chiến thuật khôn ngoan để giành chiến thắng về mình. Hầu như Đổ Giàn năm nào phần thắng cũng thuộc về các võ sĩ An Thái, vì bản lĩnh võ công và vì lợi thế “sân nhà”. Vì tinh thần thượng võ nên các trường phái võ thắng không kiêu, bại không nản.

Và người ta cũng tin rằng, bên thắng sẽ được hên cả năm, vì nhờ được “lộc thần”. Còn bên thua thì “mài sắc ý chí” chờ mùa tranh tài năm sau.

Lễ hội có ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ trên miền đất võ An Thái, đã từng góp phần quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm để cho “Quốc thái – Dân an”, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của quê hương Bình Định.


5.Lễ hội Đống Đa
Lễ hội Đống Đa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 4 và mòng 5 tết. Đây là lễ hội lớn nhất nước để tưởng nhớ công đức các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.

Lễ hội được tổ chức quy mô, hoành tráng. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng…tái hiện lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận.

Chương trình lễ Đống Đa diễn ra từ trưa mồng 4 tết. Đến chiều tại điện Tây Sơn diễn ra lễ tế long trọng.

Chương trình lễ ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sĩ, nghệ nhân biểu diễn các bài quyền như “Lão mai độc thọ”, hay các bài roi như “Tấn nhất ô du”…

Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định, người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”, tạo nên những âm thanh hùng tráng.

Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa, được tổ chức trên địa thế qui mô, dàn dựng công phu, tập dượt chu đáo, có cả ngàn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn luỹ…, có năm còn có bốn, năm con voi trận tham gia.

Đến với lễ hội Đống Đa chúng ta như được sống lại một thời kỳ lịch sử để cảm nhận khí phách hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định và hơn thê nữa là tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc không bao giờ thay đổi trong mỗi con người Việt Nam.

6.Hội xuân chợ Gò
Hội Xuân chợ Gò nhóm họp mỗi năm một lần vào sáng mồng một tết tại chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, Bình Định. Trong tâm thức của người dân Tuy Phước nói riêng và người Bình Định nói chung, hội xuân Chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc trong ngày đầu năm mới.

Trời rạng sáng, chợ bắt đầu nhóm họp. Người dân từ các vùng phụ cận mang đến những sản vật từ địa phương của mình. Nhưng nhiều nhất vẫn là trầu cau. Việc mua – bán không nặng tính kinh doanh. Người bán không nói thách và người mua cũng không trả giá mà chỉ xem việc mua bán như một hình thức cầu lộc, tìm thấy niềm vui nho nhỏ cho mình trong ngày đầu năm mới.

Bên cạnh việc mua bán cầu lộc, người đến chợ còn được thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương như chả cá, nem chua, bánh ít lá gai… và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất và người Bình Định như: hô bài chòi, lô tô, đánh cờ người, múa lân… Trưa tròn bóng nắng thì chợ tan.

Theo các bậc cao niên thì Hội xuân chợ Gò xuất phát từ thời Tây Sơn. Quân Tây Sơn khi ấy đóng quân án ngữ khu vực này, ngày Tết sợ quân lính buồn, nhớ nhà nên vua cho mở hội chợ Gò để nhân dân và quân sĩ vui chơi…

Dẫu chỉ là truyền thuyết nhưng chợ Gò mỗi năm một lần đến hẹn lại lên đã đi vào tiềm thức của dân địa phương như một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mỗi năm, người đến được hội thì vui vẻ, mãn nguyện; còn người đi xa thì cứ khắc khoải nhớ về…

7.Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh
Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh được tổ chức vào các ngày 12,13 và 14 tháng Hai âm lịch hằng năm tại làng Tây Phương Danh (thị trấn Đập đá, An Nhơn, Bình Định). Đây là một lễ hội mang tính truyền thống, thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của những người thợ làng rèn đối với cụ tổ sáng lập và những bậc tiền hiền trong nghề.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì: “Theo truyền thuyết thì nghề rèn có mặt ở đây phải có đến 300 năm rồi. Thời này nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp nơi rất cần các loại nông cụ được làm bằng kim khí. Thời đó, cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để vừa tạo kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển.

Để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn trên đất này, hằng năm, người dân Tây Phương Danh đã đồng tâm hợp lực tổ chức một lễ hội gọi là Lễ hội làng rèn, kéo dài suốt 3 ngày kể từ ngày 12-2 âm lịch! Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang hành nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người đang hành nghề rèn trên toàn tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con.

Đúng 4 giờ sáng ngày 12/2 âm lịch, các vị bô lão trong làng nghề trang trọng trong những bộ lễ phục truyền thống với sự có mặt của hàng ngàn người dân trong nghề, tất cả đều trang nghiêm đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền hiền khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân và cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn. Sau đó, cả một vùng nông thôn tưng bừng hẳn lên trong suốt 3 ngày đêm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: Hát bộ truyền thống, các trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm…) và các chương trình văn nghệ quần chúng của lực lượng thanh niên.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN