Những địa danh nổi tiếng ở Miền Tây không chỉ được du khách trong nước yêu mến mà còn được bạn bè quốc tế không tiếc lời khen ngợi, khiến chúng ta thêm phần háo hức muốn được một lần tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp này.
1 Làng nổi Tân Lập, Long An
Từ TP HCM, đi khoảng 100 km về phía tây với hơn 2 giờ đi xe dọc theo tuyến đường QL N2, sau đó rẽ phải vào đường QL 62, đi thẳng khoảng 35 km, bạn đã đến được khu du lịch Làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Phí vào cổng là 50.000 đồng. Khách sẽ được nhận một chiếc mũ, một chai nước, khăn lạnh và được vận chuyển vào rừng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, bạn sẽ được chở vào khu rừng tràm bằng ghe. Sau 10 phút, bạn sẽ tới khu rừng.
Đến nơi bạn sẽ bắt gặp một tháp canh cao 38 m. Từ trên tháp canh, bạn có thể quan sát được hết toàn bộ rừng tràm.
Nơi đây cũng là nơi thu hút khá nhiều nhiếp ảnh gia cũng như là những cặp tình nhân vào chụp ảnh cưới.
2 Rừng tràm Trà Sư, An Giang
Đến hẹn lại lên, tháng 9 khi điên điển nở vàng dọc theo các bờ kênh, cá linh lấp lánh trĩu nặng theo các mẻ cất lưới, cũng là thời điểm bắt đầu mùa nước nổi ở miền Tây. Là một trong những khu sinh thái, rừng quốc gia nổi tiếng nhất đồng bằng sông Cửu Long, rừng tràm Trà Sư là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá xứ miệt vườn – sông nước.
Được đánh giá là điểm thăm quan đặc sắc nhất của An Giang, rừng Trà Sư ngày nay nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc 20km.
Là niềm tự hào du lịch của tỉnh, Trà Sư mang đầy đủ những nét đặc trưng sông nước, với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía Tây sông Hậu.
3 Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp
Nằm giữa vùng đất ngập nước mênh mông, diện tích vườn quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.313ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” này là nơi phát triển của thảm thực vật đa dạng với hơn 130 loài khác nhau, với các kiểu quần xã đặc trưng: Quần xã sen, lúa trời, năng, cỏ ống, mồm mốc, rừng tràm và đầm lầy, phân bố xen kẽ với nhau.
Hệ động vật ở đây nổi bật với Hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Một số loài quý hiếm như: Ngan cánh trắng, Cốc đế, Ô tác, Công đất, Choi choi lưng đen, Cổ rắn, Giang sen, Bồ nông chân xám, Già sói… và đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc – một tài sản thiên thiên vô giá của vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.
– Hệ cá ở rừng quốc gia Tràm Chim cũng không kém phần phong phú, vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim. Trong đó có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá Còm, cá Mang hổ, cá Ngựa nam, cá Duồng bay, cá Ét mọi, cá Hô…
4 Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng ở miền Tây.
Nếu như miền Bắc có đền Bà Chúa Kho là nơi dân kinh doanh, buôn bán thường tới lễ bái, xin lộc, vay vốn làm ăn thì ở miềm Nam có miếu Bà Chúa Xứ. Nơi đây, vào dịp Tết cho tới tháng 4 âm lịch, lúc nào cũng đông khách thập phương cùng giới buôn bán nườm nượp đổ lễ bái, cầu may, xin lộc làm ăn, cầu phúc cho người thân.
Đặc biệt, từ ngày 23-27/4 âm lịch (khoảng nửa cuối tháng 5 dương lịch) nơi đây diễn ra lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà). Lễ hội được tổ chức lớn nhất vùng và mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ.
Người dân địa phương cho biết, họ thường đi lễ miếu Bà Chúa Xứ vào buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, như vậy lời cầu khấn mới hiệu nghiệm. Những người tới xin lộc, vay tiền Bà để làm ăn thường dâng lễ heo quay, hoa quả.
5 Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ
Từ thành phố Cần Thơ, di chuyển khoảng 30 phút từ Bến Ninh Kiều, dọc theo dòng Sông Hậu, bạn sẽ được tham quan chợ nổi Cái Răng. Chợ nhộn nhịp, đông đúc nhất là vào buổi sáng sớm. Thời gian hoạt động của chợ nổi Cái Răng là từ 5 đến 9 giờ sáng, các sản phẩm chủ yếu ở chợ là hàng nông sản, trái cây, hàng hóa… Đây là nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước Cửu Long và thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách trong nước, cũng như quốc tế.
6 Chùa Dơi, Sóc Trăng
Chùa Dơi hay còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, ngôi chùa được thiết kế theo tín ngưỡng và phong cách tiêu biểu của người Khơ Me. Chùa cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 3km về hướng tây nam. Với tuổi thọ gần 400 năm cùng lối kiến trúc độc đáo, đến đây du khách không chỉ được hòa mình cùng thiên nhiên mà còn được chiêm ngưỡng những đàn dơi treo mình lơ lửng trên những tán cây trong khuôn viên nhà chùa.