Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Vĩnh Phúc

0
2537
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Vĩnh Phúc nhé.

1.Lễ hội đền Bắc Cung
Lễ hội đền Bắc Cung hay còn gọi là lễ hội đền Thính được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức thánh Tản Viên, người anh hùng có công khai điền trị thuỷ từ thuở Vua Hùng dựng nước.

Đền Bắc Cung nằm ở xã Tam Hồng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ đức thánh Tản Viên (một trong tứ bất tử của tâm thức người Việt Nam). Tương truyền, Thánh Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn, con một vị trưởng lão họ Nguyễn ở Sơn Tây. Năm 6 tuổi thì cha qua đời, 2 mẹ con đến ở nhờ nhà bà Ma Thị Cao (con thần núi Tản Viên). Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi đốn củi gặp thần Thái Bạch, thấy cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thần đã trao cho cây gậy thần và dạy câu thần chú để cứu đời. Sau này chàng có công cứu con Long Vương thoát chết và được Long Vương đền ơn biếu cuốn sách có thể hiểu mọi lẽ huyền vi của trời đất. Biết chàng là người có tài, có hiếu, trước khi qua đời, mẹ nuôi đã trao cho chàng cai quản muôn vật ở núi Tản Viên. Khi Vua Hùng kén rể cho công chúa Mị Nương, Nguyễn Tuấn nhờ có sách quý và gậy thần đã kiếm được sính lễ mang đến trước Thủy Tinh và cưới được Mị Nương. Sau chiến thắng Thủy Tinh và quân Thục, biết chàng là người có tài, Hùng Vương đã trao quyền trị nước cho Nguyễn Tuấn, nhưng chàng từ chối và xin vua cha cho đi du ngoạn khắp nơi giúp dân. Khi đi qua vùng Tam Hồng, thấy cảnh sơn thủy hữu tình, Ngài đã dừng chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá, sản xuất nông nghiệp. Ghi nhớ công đức của Ngài, nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền thờ gọi là đến Thính, xây ở phía Bắc núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng nên có tên là đền Bắc Cung (một trong “Tứ cung” thờ Đức thánh Tản Viên). Thần núi Tản Viên hết sức linh ứng, khi nào nhân dân cầu mưa, cầu nắng cho mùa màng đều được ứng nghiệm. Mỗi khi lạnh trời, thánh Tản Viên thường hiện hình ở các khe suối, lại đem theo cây gậy thần cứu chữa bệnh cho người nghèo khổ, đi đến đâu, Ngài cho hiện ra đền đài để nghỉ ngơi. Để ghi nhớ công lao của Tản Viên Sơn Thánh, tại vị trí này nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền để thờ phụng gọi là đền Bắc Cung.

Lễ hội gồm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội

Trong phần lễ, nhân dân Tam Hồng tổ chức rước kiệu từ các đình Phù Lưu, Man Để, Tảo Phú, Lâm Xuyên, Nho Lâm lên đền. Mỗi làng đều có Ban tế gồm: Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Bồi tế và người hầu chủ tế cùng bộ phận chấp kích. Chủ tế phải là người trên 60 tuổi, phải có con, cháu đầy đủ cả trai, gái. Lễ tế phải có một thủ lợn, mâm xôi và hoa quả do nhân dân các làng làm ra. Chủ tế thay mặt người dân trong làng dâng hương, nước, rượu, lễ vật và đọc văn tế xin Đức thánh Tản Viên cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Sau phần lễ là phần hội. Hội đền Bắc Cung được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú như các trò chơi dân gian: chọi gà, đấu vật, đánh cờ người, đu cây, kéo co, bóng chuyền. Các cuộc thi múa hát dân ca, dân vũ của các làng, trống hội. Nhân dân trong vùng và khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc về hội đền Bắc Cung rất đông, mỗi năm có trên một triệu lượt khách thập phương đến vãn cảnh, bình an, hạnh phúc. Nhân dân Tam Hồng mỗi khi xuất hành đi xa, hay xây dựng nhà cửa, con cháu học hành đều thành tâm ra lễ đền xin được Thánh phù hộ.

Lễ hội đền Bắc Cung không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia, mà còn là điểm thăm quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.


2.Lễ hội đền Ngự Dội
Lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. Nếu như lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất ở thị xã Sơn Tây thì lễ hội đền Ngự Dội cũng đã được xác định là lễ hội vùng của huyện Vĩnh Tường. Người dự hội có thể thấy ở lễ hội đắc sắc này sự hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình, no ấm của người dân vùng đất bãi ven sông trong suốt dọc dài lịch sử.

Được xây dựng từ năm 603 trên cánh bãi La Phiên xưa, nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, đền Ngự Dội đã chứng kiến bao mùa đổi dòng thay hướng của sông Hồng mỗi mùa con nước. Đền được lập nên để lưu giữ dấu linh của Đức thành Tản Viên trên mảnh đất Vĩnh Ninh, gắn với huyền tích hai cô thôn nữ nhờ phép màu của Đức Thánh đã dùng sọt gánh cỏ mà gánh được nước sông Hồng dâng lên để Đức Ngài gột tẩy bụi trường chinh, trước khi Ngài về hóa Thánh trên đỉnh non Tản. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ngự dội xưa không còn nữa. Năm 1989, đền bắt đầu được khởi công tôn tạo và bảo tồn cho đến ngày nay.

Lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức vào rằm tháng giêng, thường diễn ra trong 4 ngày. Đặc biệt, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, được gọi là năm đại lễ, 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; Phù Sa, Phú Nhi thuộc xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và làng Duy Bình thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn: rước kiệu Thánh từ đền Và thuộc xã Trung Hưng sang đền Ngự Dội.

Đây là nghi thức hoành tráng và đặc sắc nhất của lễ hội đền Ngự Dội bên cạnh các nghi lễ trang trọng, thiêng liêng khác như: tổ chức rước nước tại Sông Hồng, cử hành lễ mộc dục, lễ tiến đốn và lế tế, tổ chức tiệc làng Duy Bình…

Lễ rước ngai Thánh đi trong đêm vào lúc 2 giờ sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây, ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang địa phận xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường. Những người chở đò ăn mặc quần áo lễ hội và chở khách thập phương qua sông đều không lấy tiền. Gần chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự kiệu và chở người hành lễ. Có đến hàng nghìn người theo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông cùng các thuyền nan hộ tống, còn đoàn rước thì reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng người theo hầu Thánh Tản sang sông. Ở bên này bờ, kiệu thánh của đền Ngự Dội đã đợi sẵn cùng hàng trăm người dân và khách thập phương náo nức đợi rước Thánh về.

Khi thuyền rước kiệu Thánh từ đền Và cập bờ, lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bờ bắc sông Hồng, ấy là lúc cả khúc sông dậy lên tiếng hò reo hân hoan cùng tiếng bước chân chạy rầm rập; người dự hội ùa ra đón kiệu Thánh với tất cả lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Người thành kính chiêm bái, người chen chúc để được chui dưới gầm kiệu, cầu cho mình một năm mới khỏe mạnh và bình an.

Đoàn rước xếp thành cả một dãy dài với 8 kiệu, cờ phướn rợp trời. Đoàn rước kiệu đi trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Hương trầm ngạt ngào, trống hội âm vang cùng với tiếng nhạc xênh tiền uyển chuyển khiến cho lễ hội vừa mang tính linh thiêng mà cũng rất gần gũi, đời thường. Khi đoàn rước về tới đền Ngự Dội, ấy là lúc diễn ra lễ khai hội cùng lễ tiến đốn và lế tế. Nhân dân 2 bên bờ sông Hồng cùng hòa chung trong không khí linh thiêng của lễ hội, hòa vào các trò chơi dân gian đang làm mê mẩn các vị khách hành hương… Cho đến khi lá cờ ở cổng đền phất về phía sông Hồng, đoàn người lại cùng nhau rước kiệu Thánh trở về đền Và ở bên kia sông./.

3.Lễ hội bơi trải Tứ Yên
Lễ hội bơi trải Tứ Yên được tổ chức tháng 5 âm lịch hàng năm, tại xã Tứ Yên, huyện Sông Lô. Tứ Yên có 4 thôn, mỗi thôn có một chải, mỗi chải có 36 tay chèo, bơi từ bến Yên Lương tới bến Yên Lập lại bơi trở về, dọc đường bơi trên sông đều cắm cờ.

Năm 544, trước sự tấn công của quân Lương, vua Lý Nam Đế đã từ Long Biên (Hà Nội ngày nay) rút lực lượng về xây dựng căn cứ ở miền rừng núi Lập Thạch. Sau đó, Ngài đem quân ra mai phục ở vùng hồ Điển Triệt, tức là hồ Miêng của xã Tứ Yên để giao chiến với quân giặc. Tại đây đã diễn ra trận thủy chiến vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Quân ta do lực lượng còn non yếu nên đã thất bại. Vua Lý Nam Đế phải rút quân về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) rồi trao binh quyền cho tướng Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương, rồi Ngài mất ở đó.

Tuy bị thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa Lý Bí ở thế kỷ thứ VI đã để lại những dấu tích hào hùng trên mảnh đất Tứ Yên, khiến mỗi người dân các thôn Yên Lập, Yên Mỹ, Yên Phú, Yên Lương dù đang lao động, học tập và sinh sống ở đâu cũng luôn cảm thấy tự hào về quê hương, xứ sở của mình. Những cái tên như Rừng Cấm, đồi Ông Ngự, Thành Lĩnh là nơi vua ở; những Phù Giai, Phù Lánh, Phù Yến, Phù Chè, Phù Gầm… là nơi quân ta mai phục; những cái tên nghe dân giã và hoang sơ như Bến Bêu, Đồng Bịch, Cơm Son, hóc Áo trôi, Đồng Quét… vốn có từ rất xa xưa và liên quan đến sự có mặt của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc, cùng hàng vạn nghĩa quân do Lý Bí chỉ huy, đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trên vùng đất địa linh nhân kiệt này cách nay một nghìn 500 năm. Tất cả những cái đó đã đi vào máu thịt của mỗi người dân Tứ Yên từ cụ già đến em nhỏ, không ai là không biết đến.
Uống nước nhớ nguồn vốn là truyền thống nghìn đời của dân tộc. Người dân Tứ Yên cách đây 4, 5 trăm năm đã dựng đình miếu để thờ cúng, tưởng nhớ và tôn vinh người anh hùng Lý Bí và thờ vọng Thánh Tản Viên, người có công dựng nước thời đại Hùng Vương. Khi có đình, có miếu thì hàng năm làng tổ chức lễ hội.

Từ đó người dân nơi đây đã truyền tụng nhau câu ca: “Rau gác Hạc bơi, Hạc gác Me bơi, Me gác Đức Bác bơi, Đức Bác gác Dạng bơi”. Rau là thôn Cựu ấp, xã Liên Châu (Yên Lạc); Hạc là phường Bạch Hạc (Việt Trì); Me là xã Yên Lập (Vĩnh Tường); Đức Bác là xã Đức Bác (Lập Thạch); Dạng là xã Tứ Yên (Lập Thạch). Đây là trình tự thời gian thi bơi trải của các địa phương dọc hai dòng sông Hồng và sông Lô.

Bơi trải của các làng ở Tứ Yên được đóng bằng gỗ chò, sơn đỏ. Đầu trải hình đầu chim phượng, thân trải thót dần uốn hình đuôi tôm cong ngược. Trải dài 20,5m, lòng trải chia thành nhiều khoang, chỗ rộng nhất là 1,5m. Mỗi trải có 36 tay giầm, chia thành 18 cặp ngồi hàng ngang. Người bơi trải là những trai tráng khoẻ mạnh được tuyển chọn, ngồi quỳ một chân xuống mạn trải theo tư thế thống nhất, tay cầm dầm đúng chiều. Chuôi dầm sơn đỏ mái dầm sơn trắng, khi bơi phải theo đúng nhịp hò của người hò mõ, tay bơi miệng phụ hoạ theo tiếng hò.
Ngày lễ hội, ngoài việc tế lễ ở đình miếu, còn có hình thức rước kiệu và bơi trải giữa hai làng Yên Lương và Yên Lập vào các ngày 24, 25 tháng Năm.Trước giờ xuất phát các làng sắm lễ vật cúng quan Hà Bá, sau đó bốn chiếc trải dàn hàng ngang dưới sông trước cửa đình chờ hiệu lệnh. Khi nào có hiệu lệnh thì các tay bơi mới được vung giầm, hò reo để cố cho trải mình lao lên trước.

Sau những lần thi bơi trải, người bơi cũng như người xem đều mệt lả, tắt tiếng vì hò reo. Làng nào chiến thắng thì được thưởng, mặc dù thưởng không nhiều nhưng niềm vui và vinh dự thì náo nức trong cả năm, mọi người tin rằng năm đó làng mình sẽ an khang thịnh vượng.

Đây là một cuộc thi tài sức dẻo dai bền bỉ, tinh thần đoàn kết của những đội thuỷ binh, rồi trở thành các cuộc đua tài trí của các làng trong hội thi bơi trải. Đó chính là hình thức khai hạ, mừng nước vốn có từ lâu đời ở vùng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nó đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của những người dân vùng quê quanh năm gắn bó với sông nước./.


4.Lễ hội đền thờ Đức Ông
Lễ hội đền thờ Đức Ông (Lễ hội chợ Dưng), được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, tại đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng, xã Tứ Trưng. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.

Đền thờ danh tướng dưới thời Lý Cao Tông 1176 Nguyễn Văn Nhượng, ông đã có công đánh giặc Ai Lao, giữ gìn biên ải bình định non sông được vua Lý Cao Tông ban cho nhiều ấn tín, lúc ông mất được vua cho xây lăng và lập đền thờ phong Đông Kinh Thông Phán Đại Vương Thượng Đẳng phúc thần hưởng theo nghi lễ quốc thể.

Đền nằm bên bờ sông Kỳ Giang bây giờ gọi là “Đầm Dưng”. Các triều đại đều có sắc phong tặng ông là bậc Đại Vương bậc Thượng Đẳng Tối Linh Từ. Kiến trúc của đền được làm rất đẹp được khắc chạm chổ rất nhiều hoa văn tinh tế, về các đề tài như Rồng, Phượng, Kim nghi long mũ quạt giấy… vô cùng phong phú, nó phản ánh lên ước vọng của một cuộc sống đầy đủ, thanh bình của nhân dân lúc bấy giờ, đồng thời cũng phản ánh lên các tập tục tín ngưỡng của nhân dân.

Xong phần lễ là đến phần hội. Vì lễ hội chỉ diễn ra trong một ngày nên ngày mùng 6 cả dân làng già trẻ, gái trai… gác hết công việc gia đình để tập trung ở chợ Rưng cùng nhau vui chơi biểu diễn các trò truyền thống như đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ người, bơi thuyền ván, nấu cơm thi, bắt trạch trong chum. Họ bảo nhau rằng trò bắt trạch trong chum có nguồn gốc từ chính nơi đây. Người ta thả mỗi con trạch vào một chiếc chum, mỗi đội tham gia bắt trạch chỉ có hai người một trai một gái biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực. Chàng trai luồn tay phải qua eo cô gái và cô gái luồn tay trái qua eo chàng trai. Họ cùng nhau cúi xuống cho tay còn lại vào trong chum bắt trạch. Đội nào bắt được nhanh hơn thì đội đó thắng.

Đến ngày mùng 7, dân làng tổ chức lễ giỗ ông Nguyễn Văn Nhượng. Lễ giỗ ông Nhượng được người già và những người có trọng trách trong xã đứng ra tổ chức ở Miếu Ông, sau đó dân làng đến làm lễ cúng ông Nhượng để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người con yêu nước của xã. Và lễ giỗ ông Nguyễn Văn Nhượng được duy trì cho đến bây giờ./.

5.Lễ hội đúc bụt ở Đồng Tĩnh
Hàng năm vào tháng Giêng – mùa lễ hội – cũng như bao làng quê khác, nhân dân thôn Phù Liễn – xã Đồng Tĩnh – huyện Tam Dương lại tổ chức lễ hội truyền thống: Hội “Đúc Bụt” để ôn lại một truyền tích đáng tự hào, mà ở trong tỉnh Vĩnh Phúc chỉ riêng làng Phù Liễn mới có lễ hội đặc biệt này.

Theo các cụ già ở địa phương kể lại, tương truyền lễ hội “Đúc Bụt” là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đã có từ rất lâu, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa, một nữ tướng tài ba, chí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng đền nợ nước, trả thù nhà, diệt giặc Tô Định những năm 40 sau Công nguyên đã từng được ghi vào chính sử.

Truyện kể rằng Ngọc Kinh công chúa (Mỹ Tự được Vua Bà phong sau khi dẹp xong Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua), nguyên là một phụ nữ tài đức vẹn toàn đã có chồng và hai người con trai, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Bà đã để các con ở lại quê, theo về với Hai Bà đánh giặc, được Hai Bà cử về quê Phù Liễn mộ quân, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lực lượng. Tại đây, Bà đã ẩn mình dưới dạng nhà sư, tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy cho dân biết làm sĩ, nông, công, cổ.

Sĩ: là dạy dân học hành, nâng cao hiểu biết, bồi đúc lòng căm thù giặc Hán xâm lược.

Nông: là dạy dân cày cấy, trồng trọt, săn bắn làm ra sản phẩm chủ động nuôi sống người và cung cấp lương thực cho nghĩa sĩ.

Công: là nghề phụ trợ, ở đây là nghề rèn đúc sản xuất công cụ sản xuất và vũ khí đánh giặc.

Cổ: là cổ giả, nghĩa là sự lưu thông hàng hoá, đồng thời cũng là hình thức thông tin, dò la tin tức giặc…

Từ đó, Đức Bà đã dần xây dựng được lực lượng đông đảo, bao gồm những người dân Phù Liễn và các vùng xung quanh, cùng với 65 quận thành trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành độc lập.

Sau này, để tưởng nhớ công lao, nhân dân Phù Liễn đã lập Đền thờ Bà và quen gọi là Đền thờ Đức Bà lưu truyền đến ngày nay. Và hàng năm cứ đến ngày 8 tháng giêng (ngày hoá của Đức Bà), nhân dân lại tổ chức lễ hội diễn lại các tích trò xưa, và trong đó, tích trò “Đúc Bụt” được đặc biệt quan tâm và không thể thiếu trong ngày lễ hội.

Để chuẩn bị cho lễ hội, thường vào trung tuần tháng Chạp ta năm trước các quan viên, bộ lão trong làng đã họp bàn, quyết định tổ chức mở lễ hội, phân công công việc và chọn lựa những người trực tiếp tham gia, những người trực tiếp tham gia, những người được chọn lựa đều phải đạt các nghi lễ theo lệ làng, về cơ bản đó phải là những trai thanh, gái lịch hoặc người già phải gương mẫu, song toàn, gia đình ấm êm, hoà thuận, được hàng xóm mến phục tin yêu… Trong đó nghiêm ngặt nhất là bầu chọn ông chủ lễ, chủ trò và 3 thanh niên chọn làm Bụt.

Những người tham gia gồm:

Ông Chủ tế, 3 thanh niên khoẻ mạnh, chưa có vợ, gia đình song toàn, gương mẫu.

1 ông thợ Đúc Bụt (cũng là người chủ trò) kèm theo có các công việc bổ củi, kéo bễ, nấu đồng, quạt lò, che lọng (mỗi công việc có 1 người thực hiện)

1 vị sư và 5 bà vãi phục vụ

1 ông giáo học (có tráp, bút kèm theo) và 5 học trò

Nghề nông có: 1 thợ cày, 1 thợ cấy, 1 người làm trâu kéo cày, 1 người phát bờ, 1 người cuốc góc, 1 người nhổ mạ, 1 người tát nước, 1 người câu ếch

Tất cả khoảng 30 người trực tiếp tham gia diễn trò.

Các công việc chọn người, chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ… được dân làng chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ trước tết Âm lịch để ăn tết xong cả làng sẽ vào hội.

Đúng ngày 8 tháng Giêng Âm lịch; ngay từ sáng sớm, tất cả người dân trong làng và các vùng xung quanh đã nô nức tập hợp về khu vực sân Đình làng, Ban tế làm lễ tế thân tại Đình, sau 3 tuần tế, ông Chủ tế xin âm dương và phân công quan viên đi Đúc Bụt, các quan viên cùng dân làng chuẩn bị xôi, trầu cau, chiếu.v.v… và những người đã được lựa chọn tham gia các tích trò Sĩ, nông, công, cổ nêu trên cùng 3 thanh niên đã lựa chọn kỹ tiến ra vùng ao (hoặc ruộng) đã tát cạn hết nước từ hôm trước (thông thường là ở gần bờ kênh Liễn Sơn, cách đình làng khoảng 500m) tới nơi, 3 thanh niên tự xuống ao, lấy bùn trát kín toàn thân, sau đó, quan viên sẽ dùng 1 sợi dây buộc ngang 1/3 (theo chiều rộng) một chiếc chiếu cói, rồi để xoè phần dưới chụp lên đầu mỗi Bụt một chiếc riêng “Bụt” đi giữa, trên đỉnh đầu, phần chiếu buộc phía trên có đặt một bó mạ xanh, sau đó quan viên và dân làng làm lễ rước “Bụt” về đình.

Thoạt tiên, sau khi chùm chiếu xong, các cụ phụ lão dùng trầu cau đã được chuẩn bị sẵn, bón cho mỗi “Bụt” một miếng, rồi cả đoàn người cùng ông Chủ lễ từ từ tiến về đình trong tiếng chiêng, trống, cờ xí và các điệu múa dân gian. Trên đường đi sẽ diễn ra tất cả 3 lần mời trầu do các tốp phụ lão khác nhau lần lượt bón cho “Bụt” thì cả đoàn rước mới về tới sân đình.

Khi đoàn rước “Bụt” về tới đình, ông Chủ tế sẽ làm thủ tục xin phép Thần Thành Hoàng, 3 “Bụt” sẽ chạy nhanh vào khoảng trống ở sân Đình đã được định sẵn, ngồi thành hàng ngang, quay mặt vào gian chính giữa cửa đình, xung quanh nhân dân quây thành một vòng tròn có đường kính khoảng 15m, đồng thời tất cả các tích trò đều được diễn ra ngay trong vòng tròn đó, trong tiếng chiêng trống, hò reo vui vẻ của cả biển người. Các trò được diễn ra như sau:

Những người làm ruộng, trâu kéo cày, người cầm cày chạy theo ngược với chiều kim đồng hồ, cùng các tốp thợ nhổ mạ, tát nước, phát bờ, cuốc góc, câu ếch… cùng vừa diễn động tác, vừa chạy theo người thợ cày.

Ở một góc, ông giáo học đang lên lớp giảng bài cho học sinh và tích trò trung tâm là ông chủ trò (vai người thợ Đúc Bụt) có thợ phụ trợ là bổ củi, quạt lò kéo bễ… để nấu đồng trong một chiếc nồi đất to (đường kính từ 0,60 – 0,8m), ông thợ đúc chân đi tập tễnh, thi thoảng lại bị thợ phụ đá cho một cái (nhằm gây cười); cũng như vậy anh thợ cuốc bờ thì để lưỡi cuốc ngoảng ra ngoài, người đi câu ếch làm phao bằng bông hoa đỏ, giỏ thủng đáy lại treo ngược lên… càng làm cho không khí vui nhộn hơn.

Trong quá trình diễn trò thi thoảng 3 “Bụt” ở giữa vòng tròn được 2 người phụ nữ đem xôi, trầu bón cho nhưng chỉ bón nhử mà thôi. (Phải chăng đây là một tục hèm của lễ “Cầu Đinh”). Khi các tích trò diễn ra liên tục khoảng 40-45 phút, nghĩa là nguyên liệu đồng trong nồi nấu đã đến nóng chảy, ông thợ đúc dùng gáo múc đồng trong nồi đổ vào các “Bụt” (chính xác hơn là các “khuôn Bụt”), sau đó dùng “kìm” (1 thanh tre tươi to bản bẻ gập) xoay Bụt (cho rời khỏi khuôn) cũng theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ, đồng thời, nhà Sư xuất hiện gieo quẻ xin âm dương, khi được, ông thợ Đúc lập tức cầm 3 chiếc chiếu trùm lên “Bụt” ném ra ngoài và đập vỡ nồi nấu đồng. Đồng thời 3 thanh niên làm khuôn Bụt nhanh chóng chạy biến ra ngoài và kết thúc trò diễn, nhân dân reo hò tranh nhau cướp chiếu, 3 chiếc chiếu sẽ được cướp giật thực sự từ tay người này đến tay người khác, đến khi rách nát tả tơi, hoặc có người khoẻ mạnh hơn người, cướp được và tránh không để ai đuổi cướp lại được, nhất là chiếc chiếu giữa có bó mạ xanh ban đầu thì chắc chắn năm đó vợ chồng họ sẽ sinh con trai. Vì vậy Hội rất đông và cũng có nhiều người ở rất xa mà chưa sinh quý tử đến dự Hội hy vọng cướp được dù một mảnh chiếu rách là cũng đạt nguyện vọng. (Một điều lạ là mặc dù lễ hội năm nào cũng tổ chức, trong đám đông tranh cướp huyên náo như vậy nhưng chưa hề xảy ra thương tích!).

Buổi chiều, các trò chơi phụ trợ được tổ chức đến tối gồm thi đấu bóng chuyền, cờ tướng…

Như vậy có thể thấy:

Lễ Hội “Đúc Bụt” mùng 8 tháng Giêng ở Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh) là một hình thức văn hoá dân gian truyền thống tồn tại và phát huy cho đến nay, nhằm ôn lại một truyền tích đẹp về “Đức Bà” (Ngọc Kinh công chúa), cùng nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Tô Định – đại diện cho thế lực xâm lược, đô hộ của Nhà Hán ở thế kỷ đầu Công nguyên; đồng thời có thể thấy, trong cuộc sống của một cộng đồng, không thể thiếu sự phối hợp, dung hoà của những ngành nghề sơ khai của một nền văn minh lúa nước là nông nghiệp, thủ công nghiệp, trao đổi hàng hoá và dần phát triển trở thành những nghề truyền thống, trong sự phân công lao động ở những giai đoạn phát triển tiếp theo của xã hội.

Trong suốt quá trình diễn tích trò của hội “Đúc Bụt” mọi sự vận hành đều được diễn ra trong một vòng tròn khép kín theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ (mà theo các cụ già trong làng kể lại thì từ xưa tới nay vẫn thực hiện như thế, không hiểu vì sao nhưng không ai dám lên ý kiến thay đổi cả).

Điều này dễ gợi một sự liên tưởng tới cách bố trí các hoa văn trên trống đồng cổ. Cũng là các mô típ trang trí hoa văn lên các cảnh sinh hoạt trong đời sống, lễ hội của người Việt cổ, được hoá trang (hay mô phỏng) thành những hình chim, thú.v.v… hay cách điệu hoá và cũng đều xoay quanh những hình tròn đồng tâm ngược chiều kim đồng hồ.

Thêm vào đó, trong địa bàn xã Đồng Tĩnh hiện nay rải rác, nhân dân cũng có và phát hiện một số công cụ bằng đá mài như: rìu đá, bàn đá và hiện vật bằng đồng. Có niên đại vào khoảng đầu công nguyên (thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên muộn). Vậy thì phải chăng hội “Đúc Bụt” ở Phù Liễu muốn mô phỏng một nghề tuy mới ra đời nhưng đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Nghề Đúc Đồng – các sản phẩm của nghề này sẽ dần thay cho các công cụ đá có vai trò như là một yếu tố quyết định để làm thay đổi một hình thái sản xuất trong lịch sử loài người. Và nếu có thêm được những cơ sở khoa học đáng tin cậy cho điều giả định này, thì nên chăng thời gian tới đây, các cơ quan hữu trách, các nhà nghiên cứu có thể ưu tiên hơn về mọi mặt để khai thác thêm , khẳng định những gì có thể khẳng định nhằm gìn giữ được kho tàng văn hoá phi vật thể của tỉnh nhà.

Quan niệm ngày khai xuân, cả làng mở hội vui vẻ cầu mong cho vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bôi thu, giống nòi phát triển, một quan niệm phồn thực là quan niệm đẹp và biện chứng của cư dân nông nghiệp thể hiện ở việc đặt lên chiếc chiếu giữa một bó mạ xanh, tục cướp chiếu được diễn ra rất nhiệt tình, thậm chí rất quyết liệt, cách bón trầu, xôi nhử của 2 phụ nữ bón cho “khuôn Bụt”… và qua kinh nghiệm lâu đời của nhân dân địa phương thì hình thức “cầu Đinh” ở lễ hội này khá điển hình và cũng rất hiệu nghiệm.

Song song và phụ trợ cho tích truyện “Đúc Bụt” trong lễ hội cũng diễn ra các trò hài, các cuộc thi đấu thể thao cờ tướng nhằm rèn trí, nâng cao thể lực, sức khoẻ, tạo thêm sự vui vẻ phấn chấn trong lao động, sản xuất, tất cả đã tạo nên phẩm chất đẹp của người Việt và trở thành bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.


6.Hội vật ở làng Hà
Trong các môn võ cổ truyền, môn vật tuy đơn giản nhưng lại được đông đảo người xem yêu thích. Cư dân vùng núi Tam Đảo vốn là dân thượng võ, từ xa xưa đã có những lò vật nổi tiếng với những đô vật lừng danh. Trong đó có đô vật Trần Nguyên Hãn đã dẫn đầu đoàn quân đô vật trong vùng đi giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Ở chân núi Tam Đảo có nhiều hội vật nhưng hội vật ở làng Hà xã Hồ Sơn huyện Tam Đảo là vui nhất. Vì tất cả các danh thủ vô địch ở các hội khác đều hẹn nhau về để tranh tài cao thấp lần nữa. Ai đoạt được vô địch ở làng Hà mới đáng mặt anh hùng.

Hội vật làng Hà được tổ chức hàng năm vào ngày mồng bảy tết. Từ sáng sớm sau khi các bô lão làm lễ đình xong, tiếng trống trận nổi lên gọi đám đông về tụ tập. Trên bãi cỏ trước sân đình bên cây đa cổ thụ, từng cặp đô vật ra múa chào dân làng ngay giữa đám đông mang nghi thức trình làng. Trước khi vào cuộc, đô vật còn “xe đài” hay “múa hạc”. Đây là hình thức khởi động cơ thể tạo không khí vui vẻ và mang phong cách biểu diễn nghệ thuật. “Xe đài” còn tạo không khí áp đảo đối phương hoặc phô diễn sở trường sở đoản của mình với những miếng võ độc đáo. Rồi chuyển sang múa Hạc “uyển chuyển”. Múa càng khéo càng lôi cuốn người tới xem. Theo hiệu trống của vị trưởng lão cầm trịch, các đô vật trẻ múa vờn nhau rồi vào cuộ vật “dọn bãi”. Tuy chỉ là vật dọn bãi nhưng cũng khá gay cấn và hấp dẫn. Hai đô vật đùn đẩy nhau đến đâu, đám đông giãn ra đến đó, lúc co vào lúc giãn ra trong tiếng hò reo ràn rạt và nhịp trống cái thúc vang trời dậy đất như kêu gọi khách thập phương tụ về mỗi lúc một đông, chật bãi chật đường, leo lên kín cả gốc đa cổ thụ. Khi các keo vật kết thúc thì vòng tròn sân bãi cũng đã hình thành xong và hội vật bắt đầu. Các đô vật nổi tiếng nhường nhau vào đình nhận khố đỏ, khăn điều để lên xới giữ giải và nhận thách đấu trước bàn dân thiên hạ.

Hội vật làng Hà theo lề lối tự do với cách thách đấu giữ giải. Cho nên bất cứ ai dù lớn bé già trẻ đều có thể vào tranh giải. Tùy theo các tình huống, diễn biến mà cụ trưởng lão đánh trống cầm trịch sẽ gióng trống “Tùng” hay “Cắc” để phân định và điều khiển cuộc chiến. Trống là mệnh lệnh, một hồi ba tiếng trống là chuẩn bị vào xới vật. Đánh trông nhịp ba là múa “xe đài” rồi “múa hạc”. Trống đánh ngũ liên là vào kịch chiến, nghe các tiếng “cắc, cắc” đều là tạm ngừng chiến. Một hồi trống dõng dạc là trận đấu kết thúc có kẻ thua người thắng rõ ràng. Ở đây, ai làm cho đối phương ngã lấm lưng, trắng bụng hay bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất hoặc đùn đẩy đối phương ra khỏi vòng xới vật…là người đó chiến thắng. Vì vật, đã từng có đô vật trông rất nhỏ con mà đã giữ giải cả buổi. Nhiều đô vật to lớn vào đấu, chỉ vì sơ ý chủ quan đã bị đối phương bất thình lình đội nhấc lên khỏi mặt đất hoặc do quá ham húc, cày, đẩy nên đã bị đối phương lừa thế quay ngoắt lại tránh đòn, thuận đà liền đẩy theo cho ngã xõng xoài ra khỏi vòng chiến. Đành cay đắng, ngậm ngùi lóp ngóp bò dậy chịu thua trong tiếng trống cắc, tùng chua chát và tiếng cười chọc ghẹo của đám đông, nhất là của phái nữ.

Rõ ràng là muốn dành chiến thắng ở đây không chỉ cần sức mạnh mà phải có cả trí và dũng. Vì vậy, hội vật ở làng Hà có rất nhiều pha bất ngờ và thích thú như gầy thắng béo, nhỏ thắng to, bé thắng lớn. Đặc biệt là người nào đấu vật ở đây không nhất thiết phải đóng khố cởi trần. Vì thế đã từng có những bậc nữ cao thủ ăn mặc giả trai vào đấu tranh giải. Chỉ sau chiến thắng giòn giã bậc mày râu, vị tướng đó mới chịu lột khăn để lộ mái tóc mây óng ả vứi mắt phượng mày ngài, rồi nàng từ tốn xin nhường giải lại cho các đấng nam nhi bởi lượng sức nữ nhi khó mà giữ giải được lâu. Đến lúc này thì cả đám hội đều ngớ ra rồi suýt xoa phục tài và tiếc rẻ!Hội vật làng Hà nhờ vậy mà càng trở nên hấp dẫn người xem đến say mê quên cả về ăn cơm trưa, cơm chiều mặc dù bụng đói cồn cào.

Từ nhiều đời nay, người dân quanh vùng còn kể cho nhau nghe về trận tranh hùng giữa hai đô vật nổi tiếng bởi dự bất ngờ đến khó tin. Đó là đô Đình có vẻ già yếu như trói gà không chặt đã thắng giòn giã đô Ba Trại rất cường tráng, oai phong lẫm liệt chỉ trong vòng thời gian đánh xong ba hồi trống trận. Lại có nhiều cuộc chưa đấu đã thắng bởi đối thủ biết cách diễu võ dương oai. Trước khi vào xới, anh ta còn nhẩn nha bước lên nhỏ cột cờ nhẹ tựa lông hồng, vươn tay bóp vỡ ống tre kêu rôm rốp hoặc nâng cao cối đá lỗ nặng trịch…mà vẻ mặt vẫn thản nhiên không hề biến sắc, khiến các đối thủ nhìn thấy thế đã phát hoảng đành lắc đầu lè lưỡi xin vái tạ và tự rút lui không dám vào vuốt râu hùm! Điều đó cũng đủ nói lên rằng các đô vật đã đứng vững trên các võ đài quả thật có sức khỏe đáng phải kính nể.

Với cách đấu và thách đấu như vậy, hội vật làng Hà bao giờ cũng chỉ mở trong một ngày mà vẫn thành công. Cuối ngày đều tìm được chủ nhân của chức vô địch – một người xứng đáng để trao giải thưởng.

Lễ trao giải ở đây cũng thật độc đáo. Một vị trưởng lão mặc kễ phục đi trước cầm bó hương theo sau là cô gái trẻ đẹp nhất làng đội mâm xôi có một chân giò lợn lớn và một vò rượu tăm đem đến tận nguyên quán của nhà vô địch để làm lễ gia tiên và kính cáo với dân làng sở tại, nơi đã sinh ra một thiên tài làm rạng rỡ truyền thống thượng võ của quê hương. Giải thưởng chỉ có vậy thôi nhưng ý nghĩa thật sâu xa. Chỉ những dân tộc có truyền thống thượng võ lâu đời mới có được những hội vui như vậy!

Hội vật ở làng Hà ngày nay vẫn được mở vào ngày mùng bảy tháng giêng hàng năm. Nhưng lề lối và truyền thống xưa đã được thay bằng nhiều kiểu cách vật hiện đại theo từng hạng cân với thể thức đấu loại vòng tròn và phần thưởng là những gói tiền lớn. Tuy vậy, hội vẫn không hấp dẫn và đông vui như hội vật ngày xưa. Điều đó cũng rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm./.


7.Lễ hội chọi trâu
Trong rất nhiều lễ hội văn hóa nước ta lễ hội chọi trâu là nghi lễ đặc biệt của bà con nông dân trong dịp đầu năm. Hàng năm vào hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch người dân xã Hải Lưu huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc lại tưng bừng mở lễ hội chọi trâu cầu cho mưa thuận gió hòa, một vụ mùa bội thu. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi nó biểu trưng cho tính cộng đồng và đặc biệt hơn gợi nhớ về cội nguồi cũng như giáo dục tình yêu quê hương sâu sắc.

Việc chuẩn bị lễ hội được diễn ra từ nhiều ngày trước đó, trước đêm lễ hội là lễ tế Thàng hoàng làng, nét tưng bừng nhộn nhịp hòa cùng những chén rượu nhỏ, lời ca tiếng hát và những câu chuyện dự tính làm ăn trong dịp năm mới. Khi trời rạng sáng mọi người cùng chuẩn bị cho trâu vào xới chọi ngày mai. Tất cả đều vui vẻ và bình dị như chính con người nơi đây.

Tùy vào từng năm mà số lượng trâu nhiều hay ít. Trâu được chọn phải đáp ứng những tiêu chuẩn như: ngoại hình đẹp, cân đối, lông màu đen, da trê… Trước vài ngày thi đấu trâu được chăm sóc rất chu đáo. Nét đặc biệt so với nhiều lễ hội chọi trâu khác chính là trâu không phải được nuôi theo cá nhân và được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng và chăm sóc. Chính nét đặc sắc này khiến bà con nông dân trong vùng thêm gần gũi và thân thiết với nhau hơn.

Thường thì lễ hội chọi trâu được diễn ra ba vòng, mỗi vòng sẽ chọn ra những con trâu khỏe nhất, đẹp và “duyên dáng”. Những chú trâu được rèn luyện kĩ lưỡng, béo tốt và tràn đầy sinh lực trước khi bước vào thi đấu. Tiếng chiêng trống, tiếng hò hét bên ngoài làm tăng thêm khí thế chiến đấu của những chú trâu đầy hiếu chiến. Trâu chọi bao giờ cũng có đôi sừng dài và to, đấu nhau và lối đối mặt dùng sừng, những thế tấn công của cặp trâu thi đấu sôi nổi, hấp dẫn và nhận được rất nhiều sự cổ vũ của mọi người.

Kết thúc lễ hội bất kể trâu thắng hay trâu thua đều được đem giết thịt, liên hoan tập thể và mời những du khách phương xa tham dự ly rượu thịt trâu đầu năm. Mọi người cùng thưởng thức miếng thịt trâu thơm ngon và cùng nhau bàn luận sôi nổi, vui vẻ với những pha gay cấn đã diễn ra trong cuộc thi.

Nếu ai đã từng đến lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc một lần, hòa chung niềm vui đầu năm với những người dân nơi đây, cùng sống trong không khí sôi động này thì hẳn sẽ nhớ mãi một lễ hội đặc sắc mang đậm nét riêng thổi hồn vào truyền thống dân tộc.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN