Top 5 làng nghề truyền thống nổi tiếng ở thủ đô Huế

0
1654
Vật Phẩm Phong Thủy

Nhắc đến làng nghê truyền thống , thì không thể bỏ qua thành phố Huế mông mơ của nước ta . Với Huế thì ta sẽ có những làng nghề nào ,chúng ta cùng tìm hiểu dưới đây nhé.

1.Làng chài Thuận An
Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 12km, tọa lạc trên dải đất xung yếu, có tính chiến lược về mặt biển của thủ phủ xứ Đàng Trong và kinh đô Huế, làng chài Thuận An ngày nay bao gồm phần đất của làng Thai Dương Thượng và Hạ – ngôi làng tồn tại hơn 5 thế kỷ và gắn liền với truyền thuyết về vị nữ thần gốc Chămpa – Thai Dương Phu Nhân.
Làng chài Thuận An trải dài theo bờ biển Đông, trước mặt là hệ sinh cảnh riêng có của dải đất miền Trung – phá Tam Giang, sau lưng là biển Đông, nên ngư nghiệp, từ bao đời vẫn là sinh kế của người dân nơi đây. Cũng chính bởi cuộc sống gắn liền với con nước thủy triều, bấp bênh trước sự đe dọa của biển cả bao la, nên bên cạnh những cung cách, kinh nghiệm ứng xử với môi trường sống qua nhiều thế hệ, những điều kiêng kỵ, công cụ đánh bắt, hay phương thức khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện địa hình… người dân làng chài thường có cuộc sống tín ngưỡng phong phú: lễ trình nghề, ăn tết cả, lễ cúng bến nước, lễ tang cá ngài, cúng phòng long… những lễ tiết liên quan nghề nghiệp và đặc biệt là lễ hội cầu ngư hay còn gọi là đua trải cầu ngư.

Cứ “tam niên đáo lệ”, vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, ngư dân làng chài Thuận An lại tưng bừng chuẩn bị tổ chức lễ hội cầu ngư, ngoài phần lễ cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, an cư lạc nghiệp…; phần hội gồm nhiều trò diễn vui nhộn, tái diễn cuộc sống với những hoạt động trên sông nước, đồng thời cũng chuyển tải ước mơ của cộng đồng đến một vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thuận An, ngoài là mảnh đất còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, còn là hình ảnh của bãi biển đẹp, nơi nghỉ mát lý tưởng của người Huế và du khách… và cũng là địa phương được triều Nguyễn phong tặng bốn chữ “văn vật danh hương”.


2.Làng nón bài thơ Tây Hồ
Khi nhắc đến hình ảnh o gái Huế, mọi người đều không quên tà áo dài tím thướt tha sánh cùng chiếc nón lá trắng xinh, che nghiêng trong nắng. Nơi ấy, chứa đựng cả một dáng hình đất nước, dù đi xa ai cũng gắng quay về. Vì thế, trong nhiều địa danh đẹp và thơ của Huế, người đến du ngoạn nơi đây cũng không quên ghé thăm làng nón Bài thơ Tây Hồ, để tận mắt nhìn thấy những chiếc nón duyên dáng đã được ra đời từ bàn tay khéo léo của con người đất cố đô như thế nào.

Làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không biết tự bao giờ, làng đã bắt đầu nghề làm nón bài thơ. Người ta chỉ biết rằng trải qua bao sự thăng trầm lịch sử làm nón vẫn là cái nghề, là nghiệp phải noi theo của bao thế hệ người làng Tây Hồ.

Nguyên liệu để làm nên một chiếc nón bài thơ xứ Huế rất đơn giản, chỉ bằng lá dừa và lá gồi. Để có một chiếc nón bài thơ vừa nhẹ vừa đẹp, người ta phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ… Để có được lá đẹp, người ta thường lên rừng chọn loại lá non (của cây Bồ Qui Diệp) có màu xanh nhẹ, sau đó đem phơi sương qua đêm để lá dịu lại. Tiếp theo, người ta ủi lá cho phẳng, chuẩn bị khung để chằm nón. Khung này bao gồm 6 cây sườn chính, dựa trên đó người ta bố trí 16 nan tre được vót nhỏ uốn quanh khung hình chóp nón. Khi làm nón bài thơ, người ta chỉ làm 2 lớp lá, ở giữa là những thắng cảnh và các câu thơ hay. Để bền hơn người ta lót thêm một lớp lá đót. Cuối cùng là cắt phần lá thừa, làm quai và phết một lớp mỏng sơn dầu để chống thấm.

Chiếc nón bài thơ xứ Huế tuy đơn giản nhưng mang trong nó là một tấm lòng, một tình yêu quê hương đất nước, nhẹ nhàng đi vào thơ ca:

“Áo trắng hỡi thuở tìm em chẳng thấy

Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Hình ảnh o gái nhỏ xinh trong tà áo dài mang sắc tím, trên đầu là chiếc nón bài thơ, dịu dàng trên đường phố Huế đã để lại biết bao xúc cảm cho người đến với mảnh đất cố đô này. Đến đây, bạn không chỉ tận hưởng được không khí cổ kính của những thành quách lầu đài, thưởng thức những món ngon mà còn cảm nhận một tâm hồn Huế chứa đựng trong từng chiếc nón bài thơ hòa cùng câu hò bên bờ Hương giang thơ mộng.
3.Làng nón lá Phủ cam
Làng Phú Cam còn được gọi là phường Phước Vĩnh, ngay ở trung tâm thành phố Huế, trên bờ nam sông An Cựu. Nón Huế, nón Phú Cam đã xinh ở dáng lại nhã ở màu, mỏng nhẹ như thấu quang, soi lên ánh sáng thấy rõ những hình trổ giấy về phong cảnh Huế kèm theo lời thơ được cài ở hai lớp lá.

Dáng nón trước hết phụ thuộc vào khung nón. Cả làng nón Phú Cam chỉ có một gia đình bác Tân nối đời làm khung nón, giữ kỹ thuật tạo dáng mái, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành… như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mỹ dân gian “hay mắt” mà thật ra là cả một tỷ lệ toán học đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm “thuận mắt ta ra mắt người”. Sau khung là lá nón, phải chọn lá vừa tuổi để chỉ 8-9 lá đủ chằm một cái nón, lại tránh được sự thô nặng phải dùng nhiều lá nón, hoặc lá già đầy… có lá đúng tuổi còn phải xử lý qua một quy trình công nghệ sấy ủi phức tạp. Cả làng chỉ có bốn gia đình thạo kỹ thuật mở lò sấy thủ công. Khi lò đỏ lửa, lá phải được đảo liên tục cho đến lúc đủ xanh và chín tới từng gân lá, thì chuyển sang đệm om trong độ ấm của lò.

Nón Huế duyên dáng còn do bộ xương 16 cái vành lớn nhỏ khác nhau. Các cụ ông đảm nhiệm khâu chuốt vành rồi lên khung nón, còn cụ bà thì nhận phần nức vành và ủy lá, các cháu gái làm khâu cuối cùng là chằm. Với cây mác sắc các cụ chuốt từng sợi tre nan vành đều đặn, tròn trặn và bóng bảy. Những nan vòng được uốn thành vòng thật tròn, với hai đầu tre được liền với nhau bằng sợi chỉ khéo léo. Với tay kim chằm, các cháu gái khâu thêm nón một cách tỷ mỷ những sợi chỉ cước trong suốt gắn những tấm lá trắng xanh được sắp xếp đều đặn vào bộ vành.

Ở Huế ngay cả quai nón cũng là một nghệ thuật, có khi là dải gấm đen tuyền, nhưng thường là dải lụa trắng bạch hay các màu nhẹ như vàng mỡ gà, hồng ráng chiều, xanh ánh trăng, biếc liễu non, tím e ấp… Mầu sắc ấy cũng lại hợp với cái nắng mưa đa tình ở xứ Huế.

Có thể nói, nón bài thơ là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng ở riêng Huế. Nó không chỉ đơn thuần là vật đội đầu để che mưa che nắng mà còn là vật để làm duyên, trang điểm thêm cho vẻ đẹp dịu dàng, đáng yêu của những cô gái Huế. Vì thế chiếc nón Huế đã đi vào nhạc, vào thơ, vào những bức tranh, bức ảnh. Những văn nghệ sỹ đến, làm nên tác phẩm rồi đi mà vẫn hẹn lòng quay lại bởi niềm hứng khởi trước những vẻ đẹp duyên dáng dịu dàng của người con gái Huế cùng mảnh đất Huế thân yêu.


4.Làng rèn Hiền lương
Hiền Lương là một làng cổ hình thành từ giữa thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, ở bờ Bắc trung lưu sông Bồ. Nơi đây dân làng vốn thành thạo nghề rèn truyền thống, một nghề quan trọng chuyên sản xuất các loại nông cụ rèn từ sắt như cày, cuốc, liễn, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay…

Ngược về quá khứ, ngoài nghề rèn nông cụ, vào cuối thời chúa Nguyễn bước qua thời Tây Sơn và triều Nguyễn, với tay nghề rèn khéo léo, các dân đinh làng thường được tuyển mộ, trưng tập vào Dã Tượng cuộc (một tổ chức thợ rèn nhà nước chuyên chế tác vũ khí, vật dụng của phủ chúa, vương triều). Một số người xuất sắc đã trở thành những vị quan quản lý, đốc công ở tổ chức này hay ở sở vũ khố của bộ Công (sở sản xuất binh khí và vật dụng) như các ông Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch. Đặc biệt ông Hoàng Văn Lịch, giữ chức Đốc công sở vũ khí tại Kinh thành Huế, vào năm 1838 đã tổ chức đóng thành công chiếc tàu thủy với cỗ máy hơi nước tái tạo từ bộ máy và chiếc tàu thủy mua của Tây phương đã bị hỏng. Hai năm sau, lại đóng thành công 2 chiếc tàu thủy lớn hơn, được vua Minh Mạng ban thưởng. Điều đó khẳng định tay nghề xuất sắc của các hiệp thợ rèn Hiền Lương, và hướng phát triển mới của nghề này.

Do nhu cầu phát triển nghề nghiệp, cư dân làng tỏa đi sinh sống, làm nghề khắp các làng xã ở Thừa Thiên Huế, và đặc biệt là khắp các thị xã, thị trấn từ Quảng Trị vào Nam. Một số ít vẫn giữ nghề rèn nông cụ, và đa số đã mở rộng, chuyển đổi nghề nghiệp thích ứng với nhu cầu mới của xã hội, như các nghề cơ khí, sửa chữa ô tô, nghề kim khí như làm đinh, khóa, lề, làm cửa sắt, cửa nhôm…Ngay tại Huế, cư dân làng còn tập trung thành một xóm nghề rèn, nghề sắt tại làng Bao Vinh, xã Hương Vinh.

Dẫu lập nghiệp nơi đâu, hằng năm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, dân nghề rèn Hiền Lương vẫn trở về, nô nức tập trung làm lễ tế tổ sư và tiên sư của nghề tại làng cũ.


5.Gốm Phước tích
Đi từ phía Bắc vào hay trong Nam ra, trên tuyến Quốc lộ 1A đến ngã ba chợ Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49 khoảng 800m, qua cầu Phước Tích rẽ tay phải là đến làng Phước Tích. Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1470 và nổi danh khắp kinh thành Huế về nghề gốm. Nghề gốm ở Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi, từng là vật phẩm tiến vua, từng nuôi sống bao thế hệ người dân ở ngôi làng bé nhỏ nép mình bên dòng Ô Lâu trong xanh, hiền hòa.

Cụ Nguyễn Duy Mai – một trong 15 nghệ nhân còn sót lại của làng kể: “Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới dạng các loại gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… . gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thời, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế”.

Cũng theo lời cụ Mai, thời hoàng kim của nghề gắn chặt với thời điểm làng thành lập. Trong làng có cả thảy 12 lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Dưới sông, trên bờ ngược xuôi tấp nập tàu thuyền đưa gốm của làng đến tận Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quy Nhơn…

Chất liệu chính của sản phẩm gốm Phước Tích khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị), đất sét – người thợ thường gọi là kẻ được chia thành nhiều loại: kẻ tốt, kẻ màu… Trong quy trình sản xuất gốm, kẻ tốt được dùng để sản xuất những sản phẩm có thành mỏng, hình khối lớn, kẻ màu dùng làm những đồ vật không yêu cầu về mặt ngoại hình. Sản phẩm gốm, qua các công đoạn làm đất, chuốt, làm nguội… với sự hỗ trợ của các công cụ: thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, dợ sát, trang, cái lù, tre dồn… và nung trong những dạng lò sấp hay lò ngửa. Đôi tay của người thợ Phước Tích cho ra đời nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các loại đồ đựng như: lu, hông, ảng, hủ, độc, trình, thống…; các loại đồ nấu như om, siêu, nồi, ấm; dụng cụ sinh hoạt khác như: bình vôi, bình hoa, dĩa dầu chuồng…; hay chiếc oa ngự dụng (om ngự) dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua mà dân gian thường gọi là om cồi luôn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Cồn Dương.

Ngày nay, trước sự cạnh tranh của hàng nhựa công nghiệp, trên những gian hàng xén của làng quê miền Trung đã vắng dần hình ảnh thân quen của mặt hàng độc Phước Tích. Tuy nhiên, Phước Tích vẫn là ngôi làng được nhiều người biết đến, bởi sản phẩm thủ công của họ vẫn là vật gần gũi với mọi người trong một thời gian dài và cả trong ký ức.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN