Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Lai Châu

0
1191
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Lai Châu nhé.

1.Lễ hội Then Kin Pang
Lễ hội Kin Pang Then là một lễ hội của đồng bào dân tộc người Thái trắng, mang tính cộng đồng cao có hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10/3 (Âm lịch) khi những bông bó mạ nở vàng trên núi đồi, những trận mưa đầu mùa lắc rắc rơi gọi mầm măng đắng nhú lên khỏi mặt đất là bà con dân tộc Thái trắng ở Lai Châu lại kéo về xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu để dự lễ hội Then Kin Pang.

Đây là một lễ hội địa phương có nguồn gốc từ dân gian. Truyền thuyết dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Vua Trời là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu con người. Bởi vậy mà Vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người. Dân bản trên mường dưới hễ đau ốm thì được Then cho thuốc, nhà nào gặp rủi ro vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy nên cứ đến mùng 10/3 hàng năm là những người này lại đến tổ chức lễ tạ ơn Then, người khác đến cầu phúc xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên no ấm. Dân bản khắp vùng cũng kéo đến dự lễ, tổ chức các cuộc thi múa hát dân ca; thi ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bơi lội, té nước; thi nấu ăn… mà thành lễ hội Then Kin Pang (nghĩa là ngày hội ăn mừng tạ ơn Then).

Lễ hội Then Kin Pang gồm 2 phần là phần lễ và phần hội.

Phần lễ với lối hát Then truyền thống. Qua lời hát, ông Then cầu cúng cho dân làng trong bản, trong mường sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho mùa màng tươi tốt và cùng với đó là lễ tạ ơn của con cái đối với cha mẹ. Ngoài ra, “Kin Pang Then” cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu, là dịp để con cháu tạ ơn thầy trong dịp đầu năm mới. Phần lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, không có yếu tố mê tín dị đoan, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.

Phần hội với những lời hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian lành mạnh như Trò mưa đá (là trò chơi ông Then xin trời cho mưa xuống để cho mùa màng tươi tốt), trò cày bừa, hái nấm, múa khăn, múa tăng bu tăng bẳng, múa vòng xoè… đã tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, cuốn hút dân làng đến tham gia. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để trai gái trong bản, trong mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Và sau lễ hội, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.

Lễ hội Then Kin Pang giờ chỉ còn lại ở mảnh đất Khổng Lào, cái rốn văn hóa của đồng bào Thái Lai Châu. Đây là một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích du lịch văn hóa, ẩm thực phát triển tại vùng đất gian khó nhất nơi địa đầu Tổ quốc.


2.Lễ hội Hoa ban
Hội Hoa ban, được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, khi thời tiết bắt đầu nắng ấm. Lễ hội có một ý nghĩa quan trọng đối với người Thái. Hội hoa ban mở ra không chỉ là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc tưởng nhớ đến câu chuyện của đôi trai gái trong sự tích mà còn là dịp bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thỉnh bái thần rừng, thần hang cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau mùa mư­a hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng thì người Thái ở Tây Bắc bắt đầu đi trẩy Hội.

Lễ hội bắt nguồn từ sự tích của dân tộc Thái: Ngày xưa, nàng Khôm (tiếng Thái là nghèo, cay đắng) và chàng Tào Lu (nghĩa là giàu có) yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang Thẩm Đông Ngoạng (hang rừng ve, tức hang Thẩm Lé thuộc tỉnh Yên Bái bây giờ). Ít lâu sau, chàng cảm chết, biến thành con Tô Mánh Lú (màu đen, to hơn con ve). Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác đã bỏ trốn vào rừng. Nàng chạy, chạy mãi, kiệt sức rồi chết ở trong rừng. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa Ban.

Loài hoa ban ấy nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc,và người Thái khắp nới trên vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đều háo hứng đi trẩy hội.

Ngày hội sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu múa hái hoa.

Đó là dịp gặp nhau, hò hẹn, tâm tình của những đôi bạn tâm giao. Chàng trai ngắt những bông hoa ban đầu xuân đẹp nhất cài lên mái tóc của người mình yêu. Cô gái e ấp, thẹn thùng nấp mình dưới những lộc ban xanh mướt. Tất cả đư­ợc thể hiện thông qua tiếng đàn, tiếng hát và lời nguyện cầu tha thiết
3.Lễ hội Căm Mường
Lễ hội Căm Mường là một lễ hội của đồng bào dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu. Đây là dịp để bà con dân bản dâng tế lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối thần rồng phù hộ cho bà con dân bản no đủ, điều lành ở lại, điều dữ mang đi. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm

Phần lễ: Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam giới đi tham gia phần phụ lễ, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà. Mở đầu cuộc lễ, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ. Trong lời của thầy cả đề cập tới lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ và những người sẽ được “thụ lễ” lần này.

Khi bắt đầu lễ các thầy lạy một lạy rồi bắt đầu đọc lời khấn. Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kì một loại nhạc cụ nào để làm âm vang. Theo quan niệm của người Lự thì như thế sẽ làm ảnh hưởng tới các linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng.

Người Lự ví lễ là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp, và thầy cúng sẽ khẩn cầu lên vị thần thấu hiểu lòng thành kính của dân bản, mong được mùa bội thu, thóc lúa đầy bồ, già trẻ gái trai trong bản được vui vẻ sum vầy hạnh phúc.

Phần hội: Các chàng trai thổi sáo để các cô gái hát những bài ca của dân tộc mình. Những lời hát nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng bản mường ngày càng ấm no hạnh phúc.

Cùng với các bài hát thì các trò chơi như kéo co, đẩy gậy. Nó thể hiện sức mạnh của mỗi người, đồng thời nếu ai thắng sẽ gặp may mắn trong năm tới, còn ai thua sẽ là gặp không may. Vì vậy mà kết thúc lễ hội mọi người cùng té nước để cầu may, cũng như gột rửa những điều không may mắn.


4.Lễ mừng cơm mới của người Si La
Dân tộc Si La chỉ có khoảng 700 người sống chủ yếu ở hai bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và bản Nậm Sin, xã Cung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người Si La gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới (ổm khe) của đồng bào dân tộc Si La. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Nếu ngày cúng trùng vào ngày giỗ của gia đình trưởng họ thì phải lui lại nhưng vẫn phải chọn vào một trong những ngày kể trên.

Khi lúa trên nương chín, trưởng dòng họ đi hái một nắm lúa đem về phơi khô rồi giã lấy gạo nấu một bát xôi làm lễ vật cúng chính. Những người con trai đã ra ở riêng, nếu bố đã mất phải đem lễ vật đến bàn thờ đặt ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên (nếu còn bố thì bố làm thay). Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.

Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.

Khi cúng xong các gia đình sẽ cùng nhau ăn mừng lúa mới. Gia đình nào khó khăn, trưởng dòng họ cho đem lễ vật đã cúng về nhà ăn cùng con cái và người thân. Người Si La rất coi trọng Lễ mừng cơm mới nên các dòng họ thường tổ chức rất chu đáo. Lễ cúng xong, sáng hôm sau các gia đình lên nương thu hoạch lúa.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La ở Lai Châu ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Các điệu hát và tiếng sáo, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Si La.


5.Lễ hội Xên Mường
Lễ hội Xên Mường ((cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm ở Lai Châu, nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường – cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc…Lế hội được tổ chức vào ngày Thìn tháng 2 âm lịch hàng năm tại Xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Mỗi Mường chọn địa điểm, thời gian, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau. Người Thái Tây Bắc thường tổ chức lễ hội này ở đầu nguồn sông suối, nơi cung cấp nước cho toàn Mường. Tuy nhiên, người Thái Đen ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) lại tổ chức ở một khu rừng cấm của Mường, nơi có gốc đa to nhất, xung quanh là chỗ “yên nghỉ” của những người đã khuất. Ở Mường Lò, ông mo Nghè (mo Mường), người trông coi thần quyền cho chủ Mường và Hội Phụ lão đứng ra tổ chức lễ hội Xên Mường. Tại đây, lễ Xên Mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức làm vật tế. Ngày nay, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái lấy áo của một vị lãnh đạo xã làm vật tế. Lễ vật do người dân toàn Mường đóng góp, có thể mổ từ hai đến bốn con trâu. Riêng người Thái ở Yên Châu, tỉnh Sơn La thì tế trâu trắng. Điều lạ là, con trâu để Xên Mường phải do chính mo Nghè đi tìm, ông thích con nào thì chỉ con đấy, không cần biết con trâu đó của nhà ai. Người ta bảo khi bị ông mo chỉ gậy vào, con trâu đứng yên đến mức gần như bị thôi miên, người giúp việc cho ông chỉ việc dắt trâu về nơi tổ chức lễ hội. Cỗ cúng thường gồm ba mâm nhưng phải đảm bảo có thịt trâu chín, gạo và rượu. Ông mo khấn bảy lần, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân Mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui. Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp, ném còn. Trước khi bắt đầu, người Thái lập đàn tế còn dưới chân cột còn cao 15m-20m. Lễ vật gần giống Xên Mường, chỉ khác là có thêm hàng trăm quả còn trên đàn tế. Tham gia trò này chủ yếu là nam thanh niên, ai ném rách tâm điểm trên đỉnh cột còn sẽ được coi là người hùng của hội…


6.Lễ hội Bun vốc nặm
Đây là lễ hội té nước của người Lào ở Lai Châu. Lễ hội được tổ chức trước mỗi mùa vụ, nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc cư dân bản địa… thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc quanh vùng tham gia.

Ngay từ sáng sớm, khi mây mù còn giăng mắc trên đỉnh núi, từ các ngả đường đã thấy bà con các dân tộc nô nức kéo về trung tâm xã – địa điểm tổ chức lễ hội. Nổi bật hơn cả là các cô gái Lào xúng xính trong trang phục truyền thống với những hoa văn tinh xảo, miệng cười tươi tắn dắt tay nhau về xem hội.

Phần lễ cúng cầu các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở không bị sâu bệnh phá hoại, người người mạnh khoẻ, nhà nhà hạnh phúc. Các già làng, trưởng bản và nam nữ thanh niên trong xã đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… giả làm tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi đến từng nhà xin nước, xin lộc trời… Đó là những hành động mang ý nghĩa phồn thực, cầu mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu…

Phần hội được bắt đầu khi trai bản trên, gái bản dưới, không phân biệt người già, trẻ nhỏ kéo nhau ra suối té nước. Với quan niệm ướt nhiều, may mắn sẽ đến nhiều nên ai cũng mong mình được té càng ướt càng tốt. Không chỉ người dân bản địa tham gia trong cuộc, ngay cả khách xem bên bờ suối cũng được đắm mình trong dòng nước mát. Tất cả đều vui vẻ, thoải mái, rộn vang tiếng cười.

Mang trên mình bộ quần áo ướt sũng, mọi người cùng lên bờ thưởng thức các món ăn làm từ sản phẩm nông nghiệp, do chính bà con dân tộc Lào làm như: cơm lam, bánh trưng, xôi ngũ sắc…

Lễ hội kết thúc bằng các trò chơi dân gian truyền thống như: đẩy gậy, ném còn, kéo co…


7.Lễ hội Gầu Tào
Ngày xưa, lễ hội Gầu Tào là một hình thức tâm linh của người Mông cúng thần đất mong năm mới có nhiều con, cháu. Ngày nay, cứ đến ngày 4 – 5 âm lịch, lễ hội Gầu Tào trở thành trung tâm của mọi lễ hội trong mùa xuân đối với người Mông, người Hà Nhì, người Dao, người Lô Lô… của 8 xã biên giới khu vực Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Những cụ già người Mông kể lại, trước đây, lễ Gầu Tào do những gia đình giàu có, không có con hay sinh con một bề trong năm làm ăn không phát đạt gặp nhiều rủi ro thì đứng ra tổ chức để cầu thần đất cho sang năm mới có nhiều con, nhiều cháu; sức khỏe dồi dào; cầu để có lúa xếp đầy bồ, ngô treo đầy gác; trâu, bò đứng chật trong chuồng, bản làng vui vẻ hòa thuận, “người yên, vật thịnh”.
Ngày nay lễ hội Gàu Tào chủ yếu mang ý nghĩa vui xuân, cầu cho mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc… Lễ hội không còn do riêng một gia đình tổ chức mà đã trở thành ngày hội của cả xã, cả vùng cao biên giới này. Phần lễ ngắn gọn, chủ yếu là phần hội, thời gian tổ chức trong ba ngày, từ mùng 4-6 Tết.

Mọi người đến lễ hội từ rất sớm, khi còn chưa nhìn rõ mặt người, trung tâm Dào San đã chật cứng người, tiếng hát chúc mừng nhau năm mới huyên náo cả một góc núi. Các trai mường khoẻ mạnh bắt đầu thịt trâu để làm lễ cúng thần đất, mong năm mới con người sinh sôi, mưa thuận gió hoà.

Rất nhiều trò chơi được tiến hành sau lễ cúng như thi bắn nỏ, thi đẩy gậy, thi leo cây, thi kéo co, hát giao duyên, làm xiếc…

Các thiếu nữ Mông xúng xính váy áo tham gia trò chơi kéo co. Các thiếu nữ Hà Nhì duyên dáng trong những điệu múa dâng các vị thần, cầu mong che chở cho con người. Các chàng trai cường tráng ưỡn ngực lên dây thi bắn nỏ. Những bàn tay gân guốc, rắn chắc thoăn thoắt như sóc, chinh phục đỉnh cao trong trò chơi thi leo cây cầu mong năm mới lên rừng bắn được nhiều thú, khai khẩn được đám nương tốt.
Lễ hội Gầu Tào là tín hiệu báo mùa xuân đã về trên cao nguyên Dào San

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN