Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh

0
4884
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hà Tĩnh nhé.

1.Lễ hội đền Chiêu Trưng
Đền Chiêu Trưng còn gọi là đền Võ Mục, thuộc xã Kim Đôi nay là xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Đền thờ Lê Khôi, thuỵ là Võ Mục, con ông Lê Trừ – người anh thứ hai của Lê Lợi. Hàng năm, vào ngày 1,2,3 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ ông, nhân dân tổ chức lễ hội, đây là dịp giới thiệu về thân thế sự nghiệp và công lao của danh tướng Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi trong lịch sử chống giặc Minh xâm lược.
Lê Khôi tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày đầu, có tên trong Hội thề Lũng Nhai và trong danh sách 35 vị công thần khởi nghĩa. Ông làm quan trải 3 triều (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, và Lê Nhân Tông) lên tới chức: Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ thượng tướng quân.

Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu, ông chú trọng phát triển nông nghiệp đắp đập khai hoang lập làng. Năm 1446, phụng mệnh vua Nhân Tông, ông cầm quân đi đánh Chiêm Thành, trên đường trở về bị bệnh nặng, mất tại Cửa Sót, dưới chân núi Nam Giới.

Thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm. Triều đình làm quốc tang và cho lập đền thờ tại đây. Năm 1487, vua Lê Thánh Tông tặng phong “Chiêu Trưng đại vương”.

Đền Chiêu Trưng gồm 3 toà được xây dựng năm Đinh Mão (1477), một năm sau khi Lê Khôi mất, đã qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được kiến trúc ban đầu.

Lễ hội đền Chiêu Trưng gồm 2 phần:

Phần lễ được cử hành trang nghiêm và xúc động. Sau đám rước của 4 xã Thạch Hải, Thạch Bàn, Mai Phụ, Thạch Kim từ các đền thờ vọng vào các điện thờ, đúng 14h các vị chủ tế và bồi tế đã làm lễ bái chiêu hồn tướng công trước sự chứng kiến của hàng trăm người đi lễ. Lễ hội kết thúc vào ngày mùng 3 với phần tạ lễ của nhân dân trong vùng.

Phần hội tưng bừng với những tiết mục nghệ thuật mang đậm đà bản sắc riêng xứ Nghệ cùng những trò chơi dân gian, những hoạt động thể thao thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách.

Đến lễ hội, du khách còn đắm mình trong danh thắng Quỳnh Viên – Nam Giới – Cửa Sót. Bởi thắng cảnh nơi đây gắn liền với sự tích kỳ ngộ trên bãi sông để nên duyên vợ chồng của công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử và vườn Quỳnh Viên của Chử Đồng Tử

2.Lễ hội rước sắc phong Vua Hàm Nghi
Lễ hội rước sắc phong Vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm là lễ hội truyền thống của người dân Hương Khê và là một nét văn hoá tâm linh tiêu biểu có một không hai ở miền Trung trong những ngày đầu năm.

Trước đây, Lễ hội diễn ra hai năm một lần, từ năm 2010 trở đi, Lễ hội diễn ra một năm một lần.tại xã Phú Gia – nơi vào năm Ất Dậu 1885 – Vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần vương, đắp luỹ, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ dinh luỹ; đánh chặn giặc từ Tuyên Hoá – Quảng Bình ra và trấn an Quân đội, phòng đánh giặc từ Bắc ải tấn vào.

Tương truyền sau khi vua từ bỏ ngai vàng, từ biệt Mẫu Hậu cùng với quân thần yêu nước bôn tẩu ra Hà Tĩnh, đến xã Phú Gia. Vua cùng đoàn ngự bôn với vị chủ tướng Tôn Thất Thuyết hoạt động ở đây được 3 tháng 10 ngày, ra hịch Cần Vương cứu nước, đã tổ chức phá kho thóc của Nhật Tổng Chu Lễ phát cho dân.

Trước sự tấn công quyết liệt của giặc Pháp vua buộc phải rời khỏi thành Sơn Phòng. Lúc rời thành, Vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ cho đền Đức Thánh Mẫu hai con voi bằng vàng nặng 0,54kg, ban hai đạo sắc (mang tên: Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc thanh nghi anh linh thượng thượng, đẳng tối linh thiên thần. Đô thống chế hung thắng Đại vương người trấn ải biên cương), các thanh bảo kiếm, áo Hoàng bào của Vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen.

Hiện nay, các ẩn tích đó vẫn được lưu giữ nguyên vẹn tại nhà các cố đạo và quần thể khu lịch sử Thành Sơn Phòng Hàm Nghi, đền Công Đồng Hội Sở, đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm tại xã Phú Gia, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc Gia và đầu tư trùng tu, xây dựng lại.
Cứ đến ngày 07 tháng giêng các báu vật của Vua Hàm Nghi đều được rước từ nhà cố đạo cũ tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản. Trước khi được rước tới nhà cố đạo mới phải rước qua đền Công Đồng Hội Sở, thành Sơn Phòng thờ vua Hàm Nghi để làm lễ và đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm để cúng vái tạ ơn người với hàm ý để rước sắc phong vua nhân dịp đầu năm mới, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, hai vụ chiêm mùa ruộng đồng bội thu.

Người giữ báu vật của nhà Vua được xét tuyển qua Lễ Hạ Nguyên vào tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) trên nhiều mặt từ đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hoá dân tộc, khi xin keo trước Bàn thờ Vua phải được quẻ.

Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Hai bên lề đường nơi đoàn rước đi qua nhiều người dân đã tự nguyện trình bày trầu cau, rượu, bánh kẹo và thắp hương để nghênh đón, mời những người đi trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân. Đó là một nét văn hóa độc đảo đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây.


3.Lễ hội Chùa Chân Tiên
Theo truyền thống, vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng các cấp chính quyền lại tổ chức lễ hội chùa Chân Tiên, tại chùa Chân Tiên – xã Thịnh Lộc huyện Lộc Hà.

Từ thành phố Vinh, theo quốc lộ 1A về phía Nam đến thị trấn Nghèn tại km số 31 rẽ hướng Đông theo đường Liên Hương 18km sẽ đến chùa Chân Tiên. Chân Tiên là một ngôi chùa khá đẹp trên núi Tiên Am, nằm cuối dãy Ngàn Hống, sát biển Đông. Đứng trên chùa nhìn xuống là những rừng thông xanh trùng điệp. Đi về bốn phía xung quanh chùa Chân Tiên, du khách sẽ được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp và chứng tích gắn với những truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn như: cây đa nơi Thái thượng lão quân nghỉ mát, dấu chân Tiên, chùa Vồn Sơn thờ Phật Tổ, bàn cờ tiên, nền Sơn Tinh, nền Hoàng Thạch, bàu tiên v.v…Tất cả những di tích và dấu tích này đã góp phần làm cho mảnh đất Thịnh Lộc trở thành một trong những địa điểm du lịch lý tưởng.

Chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13). Trong quá trình biến thiên của lịch sử, chùa đã được tu sửa 3 lần. Đây là công trình có kiến trúc hài hòa, gồm hai nhà: nhà bên trái (chùa thứ nhất) và nhà bên phải (chùa thứ hai).

Nhà bên trái thờ Phật Tổ, được xây dựng bằng vôi vữa theo kiến trúc tứ trụ, có 3 gian, xung quanh có tường bao bọc. Chùa được lợp ngói vảy, hai bên hiên chùa thờ hai vị: quan Văn (bên trái) và quan Võ (bên phải). Trước cửa có 4 câu đối:

“Tùng sơn địa thắng lưu tiên tích

Hồ Thủy Thiên Quang ánh phật đường

Sa môn bất tử đường như dẫn

Thạch thất do tuyên Hán dĩ lai”

Nhà bên phải thờ Thánh Mẫu bao gồm các công trình như nhà Thượng điện, kiệu Long đình và nhà Bái đường với diện tích 56m2… Các công trình này đều được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo như hình rồng, hình mặt trăng, hoa lá v.v…

Trong chùa Chân Tiên hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật thờ tự quý hiếm như: các pho tượng Phật, lư hương, trống, hương án, cờ Phật… Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chùa Chân Tiên còn là một di tích lịch sử cách mạng. Chùa Chân Tiên được mệnh danh “Am tiên đệ nhất danh lam” được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1992.

Lễ hội chùa Chân Tiên thu hút các đại đức, tăng ni, Phật tử và đông đảo du khách thập phương về dâng hương, cầu Phật.

Tại Lễ hội diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như: bóng chuyền bãi biển, đua thuyền và vật cổ truyền, đi cà kheo…

4.Lễ hội Chùa Hương Tích
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày 10 tháng Giêng (âm lịch), tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, du khách và bà con nơi đây lại nô nức trẩy hội Chùa Hương Tích.

Chùa Hương Tích toạ lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc huyện Can Lộc. Theo truyền thuyết, chùa là nơi thờ công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương nước Sở, (khá giống với truyền thuyết chùa Hương Hà Tây).

Căn cứ vào một số tư liệu cổ còn để lại, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Hương Hà Tĩnh có từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần.

Để lên tới đỉnh chùa Hương Tích, du khách phải đi thuyền qua lòng hồ Nhà Đường chừng 2 cây số, sau đó vượt thêm 2 cây số đường rừng rợp bóng thông trúc và nhấp nhô đá suối.

Lên chùa, du khách có cơ hội thưởng ngoạn rất nhiều cảnh sắc kỳ thú của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Có động Tiên Nữ 36 cửa ra vào, am Phun Mây, khe Tiên Tắm, bàn cờ Tiên…Nếu như động Hương Tích ở Hà Tây được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động” thì phong cảnh chùa Hưng ở Hà Tĩnh được người xưa phong tặng là “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”.

Chùa Hương ở Hà Tĩnh đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… cùng nhiều du khách thập phương khác. Quanh năm suốt tháng, chùa được đón du khách đạo hữu lên dâng hương, vãn cảnh. Vào mùa lễ hội (tháng giêng, tháng hai âm lịch) và mùa lễ vu lan (tháng bảy âm lịch), có hàng vạn du khách trẩy hội về ngôi chùa linh thiêng này.
Trước ngày hội chính, từ ngày mùng 4 đến 9 Tết mỗi ngày có hàng nghìn lượt người từ khắp các địa phương và việt kiều về chùa Hương Tích để hành hương vãn cảnh, trẩy hội, dâng hương, hoa, dâng lễ cầu nguyện cho một năm mới quốc thái, dân an, gia đình an lành, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Du khách ngoài hành hương vãn cảnh, trẩy hội, còn được tham dự rất nhiều hoạt động văn hoá thú vị, có ý nghĩa như: kéo co, vật, bóng chuyền, giao lưu văn hoá văn nghệ với địa phương…, và đặc biệt là được tham quan triển lãm những hiện vật cổ vừa được khai quật từ di tích nền Trang Vương.
Hiện khi du khách đi lễ hội, vãn cảnh chùa đã có hệ thống cabin – cáp treo. Vì vậy thời gian một lượt đi từ Miếu Cô đến chùa Hương Tích và ngược lại bây giờ chỉ mất khoảng 4 phút.

5.Lễ hội Đền Bà Hải
Hàng năm cứ vào ngày 12/2 âm lịch, du khách các nơi lại trẩy hội Đền Bà Hải, tại cửa khẩu bến Kỳ La, huyện Kỳ Anh, để được thắp nén hương thơm thỉnh cầu đắc tài, đắc lộc.

Theo sử sách, bà Nguyễn Thị Bích Châu quê xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công, một ông quan rất mực thanh liêm. Vì 40 tuổi mới sinh con nên gia đình Nguyễn Tướng Công rất vui mừng, coi như bắt được ngọc, ngày đêm nâng niu cho đặt tên là Bích Châu.

Từ nhỏ bà đã được cha mẹ chăm sóc dạy dỗ chu đáo về văn chương đạo lý cung kiếm võ thuật toàn tài. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373) nàng được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi.

Bấy giờ chế độ phong kiến cuối thời Trần suy vong, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu bèn thảo bản sớ “Kê minh thập sách” dâng lên vua nhằm chỉnh đốn chính sự. Sớ được dâng lên, vua mừng quá đập tay vào phách mà nói: Không ngờ một người đàn bà thông tuệ đến thế! Thật là một Từ Phi (vợ vua Đường Thái Tông ở Trung Quốc thế kỷ VII).

Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe nên nàng xin đi theo hộ giá. Khi quân nhà Trần đến cửa biển Thị Nại (Bình Định) đóng quân thì được vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem ngà ngọc, vàng bạc tới trực tiếp cho quan quân ta để trá hàng, sau đó lại lập mưu tiến đánh vào lúc nửa đêm.

Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua bất an. Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận bị trúng tên độc. Khi hồi quân về hội điểm an toàn vào rạng sáng ngày 11/2, bà ngã xuống bất tỉnh, đến nửa đêm cùng ngày bà từ trần. Ba ngày sau vì bệnh tình quá nặng, nhà vua cũng băng hà.

Quân ta rút về kinh đô. Khi tới địa điểm đầu Châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay) vì sóng to, gió lớn, tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (nay là Vũng Áng thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh). Quan quân làm lán trại ở chân núi bên bờ biển rước linh cữu lên tế lễ. Sau đó linh cữu nhà vua được rước về bằng đường bộ còn linh cữu của quý phi được chở về bằng đường biển. Tàu thuyền tiến được 50 dặm trên biển thì bị gió Đông Bắc tràn xuống phải ấn náu tại cửa biển Kỳ Hoa. Sau mấy ngày thời tiết vẫn không thuận Triều đình xuống chiếu cho an táng quý phi Bích Châu tại cửa khẩu bến Kỳ La, huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh).

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông lại thân chinh ngự giá đi đánh Chiêm thành. Khi đến đây đồn trú thấy đền thờ bèn hỏi các bô lão địa phương được các cụ cho xem bản thần tích của đền. Nhà vua biết công trạng của Bích Châu liền cho bày đồ tế lễ và đề lên bài vị 4 chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” đồng thời xin Ngài phù trợ “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” . Khi thắng trận trở về, nhà vua cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá xây dựng 3 toà điện thờ và sắc phong cho bà là “Chế Thắng Phu Nhân”.
Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng Đông Nam, phía trước đền từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần còn gọi là cửa cá nổi tiếng nhiều hải sản quý.

Toàn bộ công trình được bao bọc bằng cát bồi lấp giống như một bức tường, ba toà là thượng điện, trung điện và hạ điện. Năm 1991 ngôi đền đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh. Trải qua 634 năm được người dân địa phương tu bổ và ngôi đền nổi tiếng với sự linh thiêng nên hàng năm có rất nhiều khách thập phương trong cả nước đến thăm viếng, cầu may.

Hàng năm cứ đến ngày 12/2 âm lịch, Ban quản lý phối hợp với chính quyền địa phương làm giỗ cho Thánh Mẫu và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co…


6.Lễ hội Đô Đài và trò “Đình Đụn “
Đền Đô Đài thờ quan Đô đài Ngự Sử Bùi Cầm Hổ, toạ lạc dưới chân núi Bạch Tỵ, nay thuộc xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Lễ hội đền Đô Đài còn gọi là lễ báo ân, tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đó chính là ngày giổ của quan Đô đài Ngự Sử Bùi Cầm Hổ .

Lễ hội được tổ chức với 2 loại nghi thức: Đại lễ hội thì 50 năm 1 lần, lễ hội thường làm hàng năm. Với đại lễ ngoài nghi lễ qui định là dựng “Đình Đụn” làm sân khấu ngay bờ khe Vẹt trước đền để diễn trò tuồng “Đình Đụn “gồm 4 cột mạ (cái), các cột quyết và xà ngang bằng thiết mộc làm sẵn ngâm dưới khe, đến kỳ hội vớt lên dựng, sao cho cột cắm sâu xuống khe, sàn đình lát ván cao hơn mặt nước, vừa phải giống như nhà “Thuỷ Tạ “, dành gian giữa đình để biểu diễn, các phía chung quanh dân làng ngồi xem. Khi các thủ tục nghi lễ xong là diễn tuồng, tan hội đình được tháo dỡ ngâm xuống khe cho đến kỳ lễ hội sau lấy lên dựng lại. Vì có ” Đình Đụn ” dựng trò tuồng, nên “Đình Đụn ” cũng gọi là nhà Trò, khe Vẹt chảy trước đền gọi là khe Nhà Trò. Lễ hội thường hàng năm chỉ tổ chức rước cỗ, chầu hầu, yết bái và đại tế diễn ra trong 1 ngày 1 đêm, không dựng “Đình Đụn “diễn trò .


7.Hội Đình Đụn
Phong Phú xưa là xã Long Phúc, nay là xã Thạch Khê, Thạch Hà. Mé tây của xã có con sông Nài chảy qua, xuống ngã ba Sơn rồi đổ ra cửa Sót. Ngày xưa bờ sông bị sạt lở và vào đời Tự Đức, tú tài Trương Quốc Hiền đã bỏ tiền ra mua đá về kè ghép bờ sông, về sau con của ông là Tiến Sỹ Trương Quốc Dụng đổ thêm 2 kè nữa và dân làng đã đắp con đê dọc sông để ngăn mặn. Hàng năm vào dịp tháng 6 âm lịch, dân làng tổ chức đắp sữa đê 1 lần. Kỳ đắp đê kết hợp tổ chức với hội làng gọi là hội Đình Đụn.

Đã từ lâu ngoài các đền, miếu còn có một nơi rất thiêng liêng đối với dân làng đó là vùng Cây Đa – Cồn Đình. Đây là một cồn đất vuông, mỗi chiều khoảng 40m, cao 4 m chính giữa trồng một cây cột lim cao khoảng 6m gọi là “Cột Đình Đụn ” ..Phía tây nam cồn đình có cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi . Hội ” Đình Đụn ” mở vào rằm tháng 6, kéo dài 3- 4 ngày. Trai 4 giáp đan 4 tấm phên, mỗi chiều 6m đem đến vây quanh cột đình và che làm rạp tế. Dân làng lo soạn mâm cỗ, năm được mùa thì 4 giáp thịt 4 con trâu, hông 40 thúng xôi, năm không được mùa cũng 4 con trâu và 20 thúng xôi. Ngày rằm làm lễ tế yết cáo Thành Hoàng và các vị tiên hiền của làng sau đó thỉnh các vị đến rạp đình làm Đại lễ. Cả khu đình đông vui tấp nập. Đêm đến trăng thanh gió mát trai gái thi nhau hò đối đáp, diễn tuồng, đánh vật, kéo co …Hội kéo dài 3 ngày nhưng đến ngày 18 tháng 6 thì tan.

Trong thời gian hội tan cũng là vào thời gian con nước kiệt, trai làng 4 giáp phá rạp lấy 4 tấm phên tre gánh ra đê Long Tường ráp vào các đoạn đê xung yếu đã được qui định. Tiếng reo hò hoà lẫn với tiếng trống cỗ vũ thôi thúc 4 giáp thi đua đào đất đắp theo phần đất và khối lượng đã được qui định. Đê đắp xong, trai gái 4 giáp nhóm lại trên đê nghe công bố kết quả và nhận giải.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN