Top 5 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Đồng Nai

0
9156
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Đồng Nai nhé.

1.Lễ hội dựng nêu tại làng dân tộc Châu Ro
Lễ hội dựng nêu tại làng dân tộc Châu Ro diễn ra vào những ngày cuối tháng Chạp hàng năm, tại Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

Hàng năm cứ đến ngày lễ hội không khí làng lại rộn ràng tiếng cười, tiếng hát, tiếng cồng chiêng. Dân làng kéo đến nhà rông, cùng nhau thành kính dâng lên Giàng lễ vật do chính bàn tay họ làm ra để tạ ơn về mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh và cầu cho năm tới được mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt.

Nhiều ngày trước lễ cúng, trai làng đã rủ nhau vào tận rừng sâu chọn dựng một cây nêu thật to, thật cao. Lễ vật cúng Giàng gồm có: đầu heo, thịt nướng xâu, cơm lam, gà luộc và rượu cần. Đoàn dâng lễ vật được rước từ dưới đất lên nhà rông, dẫn đầu là già làng với bát nhang dâng cao, tiếp đến là đầu heo, rượu cần cùng nhiều lễ vật khác…

Trong ngày lễ hội, nhà rông được trang hoàng đẹp đẽ, có hình ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng đặt gần bên bàn thờ cúng Giàng.

Khi dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên, già làng thay mặt toàn thể dân làng tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng một năm khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu năm tới được thần linh tiếp tục ban cho ơn lộc dồi dào. Tiếp sau đó là phần dựng nêu. Cây nêu năm nay được dựng cao hơn mọi năm. Khi cây nêu đã được dựng lên, toàn thể dân làng và khách mời vào trong nhà rông thưởng thức rượu cần, cơm lam, thịt nướng xâu và múa hát rộn ràng theo nhịp cồng chiêng.

Lễ hội dựng cây nêu của đồng bào dân tộc ChâuRo Đồng Nai nhằm giúp bà con duy trì, phát huy được bản sắc của dân tộc.

2.Lễ hội cúng bà ở Miễu
Lễ hội cúng Bà ở mỗi miễu một khác, tùy vào ngày vía của mỗi Bà. Những ngày sóc, vọng, ngày Tết, ngày vía đất, các miễu Bà được mở cửa cúng một lễ nhỏ bằng nhang, đèn, bông, bánh trái. Ngày vía mới là lễ chính. Có nơi cúng thường niên như nhau, có nơi đáo lệ hai ba năm một lần.

Miễu Bà ở Đồng Nai, Bà được thờ là một tập hợp các nữ thần có nguồn gốc và lý lịch khác nhau, được thờ cúng ở miễu tùy theo tâm niệm của mỗi nơi, phổ biến là các Bà Ngũ Hành nương nương; Liễu Hạnh công chúa; Bà Chúa Thượng ngàn; Chúa Ngọc nương nương, Chúa Tiên nương nương; Chúa Xứ nương nương, Linh sơn thánh mẫu; Thiên Hậu thánh mẫu; Thủy Long thần nữ, các nữ thần bổn địa…

Lễ cúng vía Bà thường vào ban đêm (thuộc âm) do Ban quý tế của làng đứng cúng hoặc có khi do tổ chức hội mẫu ở địa phương làm chủ lễ. Miễu thuộc hệ dân dã nên nghi thức cúng Bà không đúng khung theo khuôn phép điển lệ; cởi mở, sinh động hơn cúng đình. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn áp dụng nghi thức cúng đình trong cúng miễu.

Lễ vật cúng miễu đơn giản và cũng không nhiều kiêng kỵ như cúng đình. Bình thường thì: heo quay, heo luộc, mâm xôi, đèn nhang, bánh trái, nghèo hơn thì cúng gà, xôi, chè, heo thu gọn thành thủ vĩ, vịt quay… nói chung là tùy tâm, tùy sức. Dân làng thành tâm dâng cúng hoa, mâm vàng bạc, đồ trang sức… đều được miễn là lòng thành.

Việc bày trí điện thờ hết sức đơn giản: bát nhang, bình bông, chén nước, chân đèn… Nhiều nơi vật thờ còn có thêm: gương, lược, trâm cài, quạt và một vài món trang sức khác của nữ giới. Những miễu độc lập thường có thêm Tả ban, Hữu ban, Nhị vị công tử, Nhị vị công nương, cậu Chài, cậu Quới… Vì là thờ nữ thần cho nên án thờ dù nhỏ vẫn thường được trang hoàng sặc sỡ, có lộng che, rèm phủ.

Trước kia, rất ít miễu có cốt tượng, thường thờ đơn giản bằng chữ Hán vẽ trên tường hay dán trong khám thờ. Gần đây phát triển thờ cốt tượng bằng thạch cao, xi măng, gốm hoặc vẽ bằng tranh lồng kiếng cho nên các Bà đều đồng dạng, trang phục lộng lẫy như nhau, chỉ khác ở tên gọi. Riêng Bà Ngũ Hành là dễ nhận ra nhất với bộ cốt tượng đủ năm bà trong năm sắc áo khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng, lục với quan niệm cổ truyền rằng hành thổ màu vàng là trung tâm nên ngồi giữa.

Đêm trước ngày vía, tiến hành lễ thay áo cho Bà như lễ mộc dục phổ biến. Khi tiến hành lễ này, Chánh bái, Bồi tế lên nhang đèn khấn vái xin phép Bà, rồi lui ra. Các phụ nữ “sạch mình” đã chuẩn bị sẵn nước thơm (nước lá sả, hương nhu, bông bưởi), dùng khăn sạch nhúng nước thơm lau khắp các tượng Bà. Khăn lau Bà xong,vắt trả nước ra thau khác, cứ như thế cho đến khi sạch rồi thay cho Bà áo mới, áo cũ và khăn lau không được dùng việc khác, sau phải đốt.

Dự phần vào lễ hội cúng Bà phổ biến là Hát bóng rỗi, chặp Địa-Nàng, một loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở Biên Hòa – Đồng Nai.

Hát bóng rỗi, Chặp Địa-Nàng vừa mang tính nghi lễ (để cúng) vừa để giải trí, vui chơi trong lễ hội; đó là hình thức diễn xướng tổng hợp, gồm nhiều tiết mục liên hoàn, đồng thời cũng có thể phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn. Hát bóng rỗi, Địa-Nàng ở Đồng Nai thường gồm các tiết mục: Khai tràng; Chầu mời-thỉnh tổ; Chặp Địa-Nàng; Hát bóng rỗi.

Mở đầu cuộc hát luôn là lễ Khai tràng nhằm mục đích khai mạc cuộc hát, do dàn nhạc bóng biểu diễn. Tiếp theo là các xấp hát Chầu mời-thỉnh tổ. Điệu hát vận dụng cả lý, vè, nói rỗi (nói lối) nhiều khi cả làn điệu tuồng. Sau Hát Chầu là diễn Chặp Địa-Nàng. Đây là Chặp bóng – tuồng hài hước thường gắn với lễ cúng miễu Bà hoặc miễu Thổ Địa. Cuộc hát chỉ có hai nhân vật là Địa và Nàng. Chặp Địa – Nàng vừa dứt, bóng múa liền tiếp theo. Bóng múa vừa mang tính nghi lễ vừa nhằm mục đích giải trí. Các bóng thay nhau múa bông, múa dâng mâm vàng rồi tiếp theo là các tiết mục tạp kỹ. Các tiết mục múa trò chơi, gọi là múa tạp kỹ dài – ngắn, nhiều ít tùy thuộc không khí cuộc vui; dân làng thưởng nhiều thì sự hào hứng khiến các bóng múa hay, khéo, tận tình hơn và ngược lại.

Các nữ thần được thờ tại miễu ở Đồng Nai phần lớn có nguồn gốc nữ thần biển, đánh dấu một hồi ức gắn với chặng đường gian lao hình thành các cộng đồng cư dânViệt ở Đồng Nai. Với một tập hợp nữ thần phức hệ như thế, Đồng Nai như là điểm hội tụ đồng thời cũng là nơi khuếch tán các hệ tín ngưỡng thờ nữ thần của miền Bắc, miền Trung, miền Tây, người Hoa và bổn địa. Tục thờ cúng nữ thần cũng cho thấy, cư dân Việt ở địa phương ít nhất cũng tìm được biểu tượng có ý nghĩa nhân bản hơn tư tưởng Nho giáo vốn xem thường phụ nữ.

3.Lễ hội Kỳ Yên Đình Tân Lân
Lễ hội Kỳ Yên Đình Tân Lân, phường Hoà Bình, thành phố Biên Hoà, được tổ chức và từ ngày 12 tháng 14 tháng 12 âm lịch hàng năm.

Ngày 23 tháng 10 năm 1720, Trấn Biên Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên mất. Để ghi nhớ công lao của ông trong công cuộc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định, nhân dân trong vùng đã lập ngôi miếu nhỏ thờ ông trong khu vực thành cổ Biên Hòa.

Ngày 14 tháng 12 năm 1861, theo kế hoạch đánh chiếm Biên Hoà do tướng Bonard phê chuẩn, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với khoảng một ngàn quân, hai hạm thuyền tiến đánh cả đường bộ và đường thủy. Sáng ngày 17, Pháp chiếm được tỉnh lỵ Biên Hoà, và kể từ đó ngôi miếu phải hai lần dời chuyển (năm 1861 và 1906), mới đến nơi hiện nay. Năm 1935, miếu được xây dựng mới kiên cố và đặt tên là Tân Lân thành cổ miếu (gọi tắt là Đình Tân Lân).

Đình Tân Lân được Bộ Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 25 tháng 3 năm 1991, Đình thờTrấn Biên đô đốc Trần Thượng Xuyên.

Đình Tân Lân với những mảng trang trí trên là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn với yếu tố kiến trúc nghệ thuật đặc trưng vùng Hoa Nam (Trung Quốc).

Hiện nay, đình Tân Lân còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban cho Trần Thượng Xuyên, những tài liệu Hán Nôm và những chất liệu gỗ gồm 8 tấm liễn đối, 12 tấm hoành phi và 2 bộ Bát bửu bằng đồng…

Lễ hội Kỳ Yên Đình Tân Lân diễn ra trong hai ngày, lễ hội gồm có các hoạt động cơ bản như: lễ nhập đoàn, lễ cung thỉnh sắc ông, lễ thỉnh sanh, lễ xây chầu đại hội, lễ hạ đàn. Những người trong Ban tổ chức trước khi tham gia các hoạt động làm lễ phải thực hiện tẩy uế bản thân bằng rượu trắng.

Trước khi rước Đức ông đi chu du trong thành, phải làm lễ khai sắc ông: đưa đức ông ra tắm rửa bằng rượu, mặc áo bào… Ngoài ra, trong lễ hội còn có nghi thức cúng tiên yết, là hoạt động cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân chúng khắp nơi thường tụ tập về đây trẩy hội, thắp nhang, đưa Đức ông đi chu du trong thành, xem hát bội, hát tuồng./.

4.Lễ cúng thần lúa của người Châu-ro (lễ sa yang-va)
Người Châu-ro được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Ph’nôông, Ro, Tô, Xôp, Dơro… Đồng bào tự gọi là Chrau Jro (Chrau: người, Jro: tên bộ tộc). Theo số liệu thống kê năm 1999, dân số người Châu ro là xếp thứ 5 trong số 40 dân tộc đang sinh sống ở Đồng Nai. Lễ Sa Yang-va là lễ hội truyền thống của người Châu ro hằng năm vẫn còn nhiều nét đặc sắc, phản ánh nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy du canh, phụ thuộc thiên nhiên sâu sắc. Lễ hội cúng Yang-va.diễn ra trong tháng 3 đó là thời gian họ đã thu hoạch xong, chuẩn bị tỉa hạt.

Trước kia, người Châu ro còn ở nhà dài. Căn nhà có khi dài năm bảy chục mét chứa số cư dân tương đương vài chục hộ nhỏ một ấp, có một già làng đứng đầu, thì lễ cúng Yang-va mang tính tập thể kéo dài khoảng 1 tuần liền. Nay nhà dài không còn, từng hộ lần lượt cúng thì lễ hội này ở mỗi ấp có thể kéo dài cả tháng, nhưng cũng chỉ trong tháng 3.

Rượu ịt (rượu quảng – một thứ rượu cần) được đồng bào làm trước cả tháng. Gạo lứt nấu chín, trải ra đệm bàng cho nguội. Men làm bằng một số lá rừng trộn vỏ cây bình linh giã nát với bột gạo nặn thành viên. Vò rượu ịt to cỡ thùng gánh nước trở lên được rải lớp trấu sạch mỏng ở đáy, cơm trộn men theo tỷ lệ nhất định được đổ vào. Miệng vò gài vỉ, rồi người ta úp ngược vò xuống đất ba ngày đêm. Sau đó vỉ được mở ra, phủ lớp trấu sạch mỏng lên trên cùng và bịt miệng vò. Nếu cơm khô, một tháng sau rượu ngấm; cơm nhão chỉ 25 ngày đã được rượu. Chủ nhà chiết ra một chai rượu cốt để cúng, sau đó đổ thêm nước lã đầy vò. Lúc uống, người ta dùng cần dài mà hút. Rượu vơi thì châm thêm nước cho đầy. Rượu ịt có màu đục lờ lờ, ngai ngái mùi lá tươi, là thứ nước lên men nhẹ (uống nhiều cũng say)

Trước ngày cúng Yang-va, chủ nhà sách chai rượu ịt đi mời họ hàng, bạn bè chòm xóm. Khách đến dự đều chuẩn bị một chai rượu, có thể là rượu đế và phong bao tiền, tùy hảo tâm.

Vào ngày cúng Yang-va, mọi thứ đều phải được chuẩn bị sẵn từ trước. Thông thường chủ nhà nhờ họ hàng, bạn bè làm giúp như dựng cây nêu, làm các loại bánh cúng (bánh dày, bánh nếp, cơm lam…), trang hoàng bàn thờ Yang… Người ta lấy hai cây tre non vót thành bông ở đầu cây – tượng trưng cho bông lúa. Đỉnh bông trải lớp tro để đốt trầm hoặc nhang thơm. Một cây dựng ở bàn thờ, một cây đặt ở kho lúa. Bàn thờ Yang rất đơn sơ, đặt dăm mâm cúng, mỗi mâm đều có thịt gà, bánh, rượu, miếng thịt heo sống…Riêng mâm hứa trả vụ tới không có thịt gà mà có 15 cọng tre, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng… đặt quanh miếng thịt heo sống.

Người gọi Yang đọc lời khấn trong buổi cúng theo truyền thống là Bà Búp hoặc Thầy Chang nhưng vài mươi năm trở lại đây là người chủ gia đình, người được tôn trọng trong dòng họ, thân tộc. Vào sáng sớm ngày cúng Yang-va, trong khi người nhà và họ hàng chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà đeo gùi, mang theo bầu nước và chà gạt vào rẫy, thực hiện nghi thức “rước hồn lúa”. Lễ vật sau khi thực hiện nghi thức “rước hồn lúa” gồm có 02 cây mía, 02 cây chuốc non, các bông lúa nhiều hạt và sau khi đưa về nhà được chia làm hai phần: một để ở bàn thờ Yang-va, một đặt vào trong kho lúa.

Lễ cúng Yang-va thường bắt đầu vào lúc 10 giờ, làm lễ ba lần:

– Lần đầu, chủ nhà đọc lời thỉnh Yang và ông bà tổ tiên về chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

– Lần thứ hai khấn trả lễ mùa trước và cầu mong mùa vụ tới Yang và ông bà cho được mùa thì sẽ trả lễ to.

– Lần thứ ba tổ chức cúng ngoài kho lúa.

Bài khấn hứa của chủ nhà có tiết tấu nhịp nhàng, nội dung lời khấn ở trong nhà và kho lúa không khác nhau nhiều. Ở kho lúa chú trọng đến Yang lúa nhiều hơn các Yang khác. Lễ cúng diễn ra trong tiếng đàn cồng chiêng bảy chiếc, đánh theo nhịp điệu lúc khoan thai, lúc dồn dập. Đồng bào cho rằng phải có tiếng nhạc cụ, cồng chiêng rộn ràng thì ông bà tổ tiên và các Yang mới vui vẻ về dự và chứng giám lễ cúng.

Khi cúng Yang ở kho lúa cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang-va. Gia chủ mời khách lên nhà chính. Lễ vật, thức ăn làm cho ngày cúng Yang được dọn ra đãi khách. Mở đầu cuộc vui, vò rượu cần được khai mở và người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình được mời uống trước vì là tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà cửa, chịu đựng nhiều khó khăn, lo lắng trong gia đình… Trong khi cùng chúng vui uống rượu cần, mọi người đều vui vẻ, ca hát những bài hát của dân tộc mình theo tiếng đàn tre, kèn lúa, cồng chiêng ngân vang.

Đêm xuống, tại khoảng sân rộng trước nhà gia chủ, đồng bào tụ tập xung quanh bếp lửa cùng nhau ca hát, nhảy múa, biểu diễn nhạc cụ… Gia chủ cũng chuẩn bị sẵn rượu cần để mời khách. Họ vui chơi cho đến khi bếp lửa tàn, thường là nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn lễ hội cúng Yang-va.

5.Lễ cúng Lơh– Yang – Rơ của người Kơho
Cộng đồng dân tộc Kơho có nhiều nhóm như:Xre; Nôp; Cơ Don; Chil; Lạt; T’ring…, sống xen kẽ và giao lưu chặt chẽ với các dân tộc mạ và Mnông anh em nên một số nhóm Kơho phó phân biệt với hai dân tộc trên. Người Kơho quan niệm thần linh, ma quỷ chi phối đến đời sống nên họ tổ chức cúng tế rất nhiều trong năm, lễ cúng thần lúa (Lơh Yang rơ ) và lễ đâm trâu là 2 lễ hội quan trọng nhất trong đời sống của người Kơho. Lễ Lơh Yang rơ cúng diễn ra sau khi thu hoạch xong vụ mùa để tạ ơn thần lúa đã phù hộ một vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy kho, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Qua đó họ cũng xin thần lúa phù hộ cho họ một vụ mới vào năm sau khá hơn năm trước.

Lễ vật cúng thường tổ chức mổ lợn, giết dê hay gà, vịt và rượi cần. Trong lễ cúng Yang lúa, người Kơho lập bàn thờ Yang ở kho lúa của mình. Cách trang trí bàn thờ Yang gồm: bên trên được trang trí cây bông vải, cây bông tre đã bôi tiết của con vật dùng cúng lễ. Bên dưới gồm các vật như: thính (cốm dẹp); bánh chưng, bánh dầy, củ khoai môn đỏ; bộ đồ lòng các con vật cúng; ly rượu; bó bông lúa; đọt mây… Hai sợi dây chỉ được đính bông trắng nối liền từ tầng trên của bàn Yang đến bình rượu cần, dùng làm dây dẫn đường để Yang đến được với bình rượu và các vật tế lễ.

Trong lúc hành lễ, người lớn tuổi hay già làng sẽ đọc lời gọi Yang, lễ tạ ơn, cầu xin… Lễ cúng Yang được tổ chức ở kho lúa trước xong rồi mới được di chuyển vào nhà ở.

Đây là lễ hội lớn, xảy ra trong thời điểm rảnh rỗi, mang tính chất ăn mừng. Lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 7 ngày trong không khí vui vẻ. Trong điệu nhạc cồng chiêng (cing và gòng) và men rượu cần, mọi người nhảy múa, hát hò, kể chuyện, làm quen… Các hình thức văn hóa nghệ thuật được dịp phô diễn bảo lưu cho các thế hệ trẻ.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN