Top 4 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Gia Lai

0
2130
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Gia Lai nhé.

1.Lễ cơm mới của người Gia – Rai
Vào khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, thời điểm bắt đầu vào mùa khô, các vạt lúa trên rẫy đã bắt đầu chín, báo hiệu bước vào vụ thu hoạch đó chính là lúc buôn làng Gia – Rai tổ chức Lễ Cơm Mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa.

Dân làng Gia-Rai Lễ cơm mới là để tỏ lòng biết ơn Yàng (Trời) đã cho mưa thuận gió hoà, ngăn dịch bệnh, muông thú phá hoại cây lúa và cầu xin Yàng giúp cho mùa lúa năm sau tươi tốt hơn.

Để có cơm cúng Yàng, người Gia-Rai phải chuẩn bị rất công phu. Từ lúc làm rẫy, chủ nhà phải chọn một vạt đất nhỏ màu mỡ, tương đối bằng phẳng để gieo lúa. Vạt đất đó gọi là “đất thiêng”, ngoài người chủ gia đình không ai được bước chân vào, kể cả khi thấy muông thú đến phá cũng chỉ đứng ở đằng xa xua đuổi chứ không được lại gần. Giống lúa gieo ở “đất thiêng” phải là giống tốt, gạo ngon và nấu cơm phải dẻo thơm nhất. Gieo hạt xong phải chăm sóc chu đáo để cây lúa phát triển tốt. Khi lúa vừa chín, chủ nhà chọn một chiếc gùi mới, đẹp và chắc chắn nhất do chính mình đan để thu hoạch lúa. Lúc tuốt lúa chỉ dùng tay, không được dùng bất cứ phương tiện nào khác.

Người Gia-Rai quan niệm rằng làm như thế mới chứng tỏ lòng thành thật với Yàng. Sau khi thu hoạch về phải phơi thật khô, sẩy sạch. Lúc giã gạo không được làm mất đi lớp vỏ lụa của gạo để khi nấu, cơm có mùi thơm nức. Kể từ khi lúa được tuốt cho tới khâu chế biến khác để thành cơm cúng, nguyên liệu phải được đặt nơi cao ráo, sạch sẽ, nếu không sẽ mất đi sự linh thiêng.

Lễ vật cúng ngoài cơm còn có rượu cần, gà, heo, thịt thú rừng và trong lễ cơm mới người Gia-rai thường tổ chức lễ hiến trâu. Chuẩn bị xong lễ vật, già làng-chủ lễ sẽ tiến hành làm lễ. Ông lấy máu con vật hiến tế bôi lên kho lúa, miệng vò rượu và cần hút rượu, đồng thời dùng rượu đổ ra rẫy, đổ lên kho lúa với quan niệm để cho rẫy và kho lúa cùng chia vui với mọi người.

Tiếp sau đó chủ lễ quỳ xuống dâng bát cơm hoặc nắm cơm mới lên ngang ngực, mắt hướng lên trời, mời chủ nhà ra nhận lễ rồi khấn. Lời khấn Yàng của người Gia-rai như sau: “Ơ… ơ Giàng! Giàng Lúa, Giàng Nước, Giàng Núi… Cảm ơn Giàng đã cho cây lúa già, hạt lúa nhiều, hạt lúa chắc… Giàng hãy bảo con chuột, con chim… không được cắn lúa. Giàng hãy bảo hồn lúa đừng sợ. Giàng hãy bảo hồn lúa về với gia đình…”.

Cúng xong, những thành viên trong gia đình cầm một cành lá nhỏ nhúng vào bát rượu rồi đi vẩy lên người nhau, lên vạt rẫy, lên giàn chuông, bếp lửa, kho lúa, cầu thang… tỏ ý chúc sức khoẻ lẫn nhau và cùng nhau hưởng những phần Yàng cho. Lúc bấy giờ các vò rượu đã được xếp thành hàng, người già uống trước, người trẻ uống sau và cứ thế, cuộc vui thâu đêm. Theo nhịp cồng chiêng, người ta nối đuôi nhau xoang (múa) theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ.

Lễ cơm mới (hay còn gọi là lễ ăn cốm mới) diễn ra liên tục trong nhiều ngày, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà là lễ hội của mọi người trong buôn làng, không chỉ thu hút mọi người trong một buôn làng mà cả các cộng đồng lân cận. Ở đây phần lễ và phần hội hoà quyện vào nhau đã đáp ứng nhu cầu về tâm linh và vui chơi, giải trí của người Gia-Rai./.

2.Lễ hội Dúi cầu mùa
Lễ hội Dúi cầu mùa cộng đồng người Ba Na được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, lúa vừa bắt đầu trổ bông (khoảng tháng 5 dương lịch), tại xã Kon Pne, huyện Kbang.

Lễ hội Dúi chỉ có ở duy nhất trong cộng đồng dân tộc Ba Na ở xã Kon Pne. Đồng bào Ba Na xem con dúi là biểu tượng của sự cần cù và siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói. Thời điểm diễn ra lễ hội, chủ gia đình đại diện gia đình mình mang lễ vật đến nhà rông của thôn bản để cúng Giàng, cầu mong được mùa bội thu, các con vật không về nương rẫy phá hoa màu.

Thông qua lễ hội người Ba Na muốn giáo dục con cháu trong thôn bản phải chăm chỉ làm ăn mới mong có được một cuộc sống no đủ. Không vi phạm pháp luật, tránh xa những thói quen xấu như trộm cắp, ăn chơi sa đọa…

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày đêm, nhưng để chuẩn bị cho lễ hội phải mất 7 ngày.

Trước một tháng diễn ra lễ hội, mỗi gia đình trong các buôn, làng đi tìm một con dúi (một giống chuột núi) và chuẩn bị một ghè rượu cần. Đây là 2 lễ vật không thể thiếu để gửi đến Giàng trong Lễ hội Dúi

Trong ngày lễ hội, mọi thứ được trang trí công phu. Một cây nêu được dựng lên giữa sân nhà rông, con dúi sau khi luộc chín sẽ được cắm vào một cái que từ đuôi lên đến đầu rồi treo lên cây nêu dựng giữa sân nhà rông. Con dúi của gia đình nào, gia đình đó cắm que đánh dấu.

Các ghè rượu cần làm từ men của các loại cây rừng được bày ra từng hàng ngay ngắn giữa sân nhà rông. Mỗi ghè rượu được bày xen kẽ với một con dúi. Phía dưới và khu vực xung quanh trang trí các con vật linh thiêng và vẽ những hình ảnh mang tính chất tín ngưỡng của cộng đồng Ba Na .

Sau khi trang trí và chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết, già làng tiến hành cúng Giàng theo nghi lễ của người Ba Na. Mọi người trong bản tập trung về nhà rông để nghe già làng cúng và cùng cầu nguyện cho mùa màng của gia đình mình bội thu. Sau nghi lễ cúng của già làng là các tiết mục văn nghệ.

Qua một đêm cúng ở nhà rông, đến trưa ngày hôm sau con dúi sẽ được xẻ thịt để mọi người cùng ngồi bên nhau uống với rượu cần, khi đó mọi người sẽ trao đổi với nhau những kinh nghiệm làm ăn để sản xuất, cải thiện đời sống. Khi uống hết ghè rượu cần này thì mỗi hộ gia đình lại góp thêm một ghè rượu cần nữa để tiếp tục uống cho đến hết ngày hôm sau.

Buổi tối hôm đó, mọi người sẽ chuyển về nhà mình tiếp tục làm lễ mong Giàng phù hộ cho mùa màng. Thịt con dúi của mỗi gia đình sẽ được xẻ ra chia phần cho mỗi gia đình trong thôn.

Lễ hội Dúi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh. Đây là nét văn hoá truyền thống của dân tộc của người Ba Na ở Kon Pne./.

3.Lễ Pơ Thi (Lễ bỏ mả)
Hàng năm khi mùa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch năm sau), khi muà màng thu hoạch xong, cả hai tộc người Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai tổ chức Lễ bỏ mả và họ cùng gọi là Pơ thi. Lễ bỏ mả là lễ hội lớn nhất, đông vui và dài ngày nhất.

Theo quan niệm của cư dân bản địa, người sống đều có hồn, khi người chết hồn biến thành ma. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến nhà mồ, quét dọn nhà mồ. Mục đích của lễ hội chính là tiễn đưa các tinh linh (ma mới) về với thế giới tổ tiên, về với “ma cũ”. Chỉ sau khi làm Lễ bỏ mả người chết mới đi về với thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống với người chết.

Ngày xưa người Jrai tổ chức lễ hội bỏ mả trong 7 ngày, nay chỉ còn 4 ngày:

Ngày thứ nhất gọi là ngày vào hội

Ngày thứ hai là ngày vỡ hội

Ngày thứ ba là ngày rửa nồi

Ngày thứ tư là ngày giải phóng cho người goá bụa.

Công việc chuẩn bị khá công phu: đốn cây to làm hàng rào quanh mồ, đẵn gỗ để đẽo tượng dựng quanh nhà mồ. Cuối cùng làm nhà mồ.

Lễ bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, đó là một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên tiễn đưa người chết đi về thế giới bên kia, đoàn đưa tiễn gồm những người đánh khiêng và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác theo tiếng nhạc. Trang phục của những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Có thể nói, lễ hội bỏ mả là biểu tượng nổi trội nhất, hấp dẫn nhất trong các lễ hội nói riêng và những sắc thái văn hoá của người Jrai nói chung. Bởi lẽ, Lễ hội bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, mang tính chất tổng hợp trong tất cả các loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Jrai. Bữa ăn bên nhà mồ là bức tranh đầy đủ về “văn hoá ẩm thực” của tộc người Jrai. Đây là bữa ăn mang tính cộng đồng lớn nhất về quy mô những người tham dự, về sự phong phú của các món ăn và cả về nghi thức tín ngưỡng đời thường. Nghệ thuật nhà mồ cũng là hình thức tổng hợp bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, trang trí, nghệ thuật đan. Nghệ thuật nhà mồ đề cao tính nhân văn của con người, lấy con người làm trung tâm vũ trụ. Những ngày Lễ bỏ mả thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cộng cảm cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng, bằng những con rối… Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết. Họ có thể lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui của dân làng. Đến đây lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc.

Xét dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng thì Lễ bỏ mả là một nghi thức tang ma. Thế nhưng nhìn ở khía cạnh văn hóa thì Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên mà điển hình nhất của người Jrai và người Bahnar ở tỉnh Gia Lai là đỉnh điểm của những hoạt động văn hóa truyền thống. Đương nhiên thông qua lễ hội, chủ lễ nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tự nhiên.

Có thể nói, Lễ bỏ mả là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc tỉnh Gia Lai. Đến với Lễ bỏ mả, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng nhà mồ – những giá trị có một không hai của đất nước Việt Nam.

4.Lễ hội đâm Trâu
Đồng bào Jrai, Bahnar thường tổ chức lễ hội đâm trâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Người Bahnar tổ chức trong 3 ngày, còn người Jrai tổ chức trong một ngày rưỡi. Lễ hội đâm trâu được tổ chức vào dịp mừng chiến thắng , mừng thắng lợi của cộng đồng, khánh thành nhà rông, lễ cầu an, lễ xoá điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng hoặc tạ ơn thần linh.

Hàng năm dân làng tổ chức một lần lễ hội đâm trâu tại nhà rông, mọi phí tổn trong ngày hội do dân làng đóng góp lại. Người chủ trì ngày hội là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng. Những thanh niên có nhiệm vụ đánh trống, chiêng, cồng trong ngày hội, đầu chít khăn đỏ, mặc áo (loại áo ngày lễ dành cho con trai), đóng khố. Nữ thanh niên mặc áo phia, váy koteh (loại áo, mặc ngày hội của con gái).

Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự.

Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, tiếng cồng chiêng càng nổi lên rộn rã, những thanh niên khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, gươm sáng loáng lao ra, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa dịp đâm trâu. Sau cuộc nhảy múa, họ bắt đầu đâm trâu. Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang chiêng, nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hòa với rượu, bộ phận đao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu, làm thịt trâu xong, họ chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung tại nhà rông.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN