Top 9 di sản thế giới được công nhận tại Israel

0
1567
Vật Phẩm Phong Thủy

Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Israel có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.

1.Thành phố Trắng (Tel Aviv)
Thành phố Trắng (tiếng Hebrew: העיר הלבנה‎, Ha-Ir HaLevana) của Tel Aviv đề cập đến một bộ sưu tập 4.000 tòa nhà được xây dựng theo hình thức độc đáo của kiến trúc Bauhaus hay còn được biết đến với Phong cách Quốc tế ở Tel Aviv từ năm 1930, với những thiết kế của các kiến trúc sư người Do Thái tại Đức di cư đến Ủy Trị Palestine của Anh sau khi Chủ nghĩa Quốc xã ở Đức nổi lên. Tel Aviv cũng chính là nơi có số lượng lớn nhất của các tòa nhà mang trường phái Bauhaus / Phong cách Quốc tế hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới. Tại đây bảo quản và lưu giữ rất nhiều các tài liệu đáng chú ý trong bộ sưu tập về các kiến trúc năm 1930 của Tel Aviv. Năm 2003, UNESCO đã tuyên bố Thành phố Trắng của Tel Aviv là một di sản văn hóa thế giới, như là “một ví dụ nổi bật về quy hoạch thành phố và kiến trúc mới trong những năm đầu thế kỷ 20”.[1] Thành phố cũng có sự thích nghi độc đáo của xu hướng kiến trúc quốc tế hiện đại, hài hòa với truyền thống văn hóa, khí hậu, và phong tục địa phương.Các Bauhaus Center ở Tel Aviv tổ chức các tour du lịch thường xuyên cho du khách để khám phá và tham quan các công trình kiến trúc đặc biệt của thành phố.


2.Shivta
Shivta hoặc Sobota (tiếng Hebrew: שבטה‎), là một di tích khảo cổ ở phía đông thành phố Nitzana, trong vùng hoang mạc Negev, miền nam Israel.

Thành phố này từ lâu đã được coi như thành phố cổ điển của người Nabataean và trạm chót của tuyến đường buôn bán đồ gia vị thời xưa. Ngày nay các nhà khảo cổ coi thành phố này có thể thực sự là thuộc địa nông nghiệp của Đế quốc Byzantine và là trạm nghỉ ngơi cho những người hành hương tới tu viện thánh Catarina được cho là ở trên núi Sinai, Ai Cập.

Việc đánh giá mới về Shivta dựa trên sự phân tích hệ thống dẫn nước tưới tiêu ở đây, tương đương với các cấu trúc Byzantine ở nơi khác. Cho tới nay, cái nổi bật của các tàn tích Byzantine được cho là di tích của một tu viện, được xây dựng trên di tích của một thành phố của người Nabataean trước kia.

Di tích Shivta gồm 3 nhà thờ Byzantine, một nhà ép nho, khu nhà ở và các tòa nhà hành chính. Sau khi người Ả Rập chiếm thành phố vào thế kỷ thứ 7, Shivta bắt đầu giảm dân số. Cuối cùng thành phố bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9.

Cùng với 3 thành phố Haluza, Mamshit và Avdat, Shivta đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ tháng 6 năm 2005.


3.Khu bảo tồn thiên nhiên Nahal Me’arot
Khu bảo tồn thiên nhiên Nahal Me’arot hay còn được gọi là Các hang Wadi el-Mughara là một địa điểm khảo cổ về sự tiến hóa của con người trên núi Carmel ở Haifa, miền bắc Israel. Khu vực bao gồm 4 hang động là Me’arat HaTanur (còn được biết đến với tên gọi là hang Oven, hang Tabun), Me’arat HaGamal (hang Camel), Me’arat HaNahal (hang Stream) và Me’arat HaGedi (hang Young Goat). Các hang động đều thuộc Di tích tiến hóa của loài người tại Núi Carmel, một di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2012.

Với diện tích 54 ha, khu vực là một kho lưu trữ cuộc sống thuở ban đầu của con người ở khu vực Tây Nam Á, đại diện cho 500.000 năm tiến hóa của con người. Tại đây có nhiều mộ táng Natufian và kiến ​​trúc bằng đá đầu đại diện cho quá trình chuyển đổi từ một lối sống săn bắn hái lượm đối sang trồng trọt và chăn nuôi.


4.Masada
Masada nguyên là một pháo đài của người Do Thái nằm trong nước Israel, về phía tây nam của Biển Chết. Pháo đài này phần lớn là do vua Herod Đại đế (Herod I) xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 40 TCN đến 30 TCN trên một pháo đài nhỏ hơn đã có trước đó nhiều thập niên. Thời đấy pháo đài được xem là bất khả xâm phạm. Nằm trên một vùng đất cao có vách đá thẳng đứng, pháo đài chỉ có ba con đường mòn để đi lên. Về phía đông pháo đài nằm ở độ cao 400 mét so với Biển Chết, về phía tây dốc có độ cao là 100 mét.

Chỉ nhờ vào vị trí và tầm nhìn bao quát, mảnh đất rộng 300 m × 600 m có hình thoi này đã có thể được phòng thủ rất tốt. Vua Herod I cho xây dựng hòn núi này thành một pháo đài: bao bọc lấy vùng đất cao này là một đường hầm công sự chắc chắn với đến gần 40 tháp. Bên trong bức tường thành là nhiều công trình xây dựng như nhà kho, chuồng ngựa, nhà ở và lâu đài, trong đó có Cung điện Bắc có nhiều bậc được xây bằng cách khoét vào vách núi.

Ngoài ra, để có thể phòng thủ được lâu dài trong trường hợp bị vây hãm, trong pháo đài có nhiều kho dự trữ lương thực và 12 bể nước có thể chứa hằng chục ngàn mét khối nước mưa.


5.Mamshit
Mamshit (tiếng Hebrew: ממשית‎) là thành phố Memphis của người Nabataean. Trong thời Nabataean, Mamshit là thành phố quan trọng vì nằm trên tuyến đường buôn bán hương liệu từ dãy núi Idumean tới Arabah (trong Thung lũng lớn do vết nứt Trái Đất), đi qua Ma’ale Akrabim tiếp tục tới Beer-Sheva hoặc tới Hebron và Jerusalem. Thành phố này rộng 40.500 m2, là thành phố nhỏ nhất, nhưng là thành phố được trùng tu tốt nhất trong vùng hoang mạc Negev. Các ngôi nhà sang trọng thời xưa theo lối kiến trúc bất thường chỉ thấy ở đây, không thấy có ở các thành phố khác của người Nabataean.

Kho tàng lớn nhất được tìm thấy tại Israel là ở Mamshit – 10.500 đồng tiền bằng (kim loại) bạc, 158 pounds plumbum tonque với dấu của xưởng đúc và một bó giấy papyrus với các bản văn bằng chữ Hy Lạp cổ xưa.

Thành phố được tái thiết này cho các du khách một cảm giác về dáng vẻ thành phố Mamshit thời xưa. Toàn bộ đường phố còn nguyên vẹn, nhiều nhóm nhà của người Nabataean với các phòng lộ thiên, các sân trong và các sân hiên nhà. Các viên đá xây dựng được chạm trổ cẩn thận và các khung vòm nâng trần nhà được kiến tạo xuất sắc.


6.Haluza
Haluza, cũng gọi là Halasa hoặc Elusa, là một thành phố trong vùng hoang mạc Negev, xưa kia nằm trên tuyến đường buôn bán hương liệu (nhũ hương, trầm hương) của người Nabataean từ bán đảo Ả Rập tới các nước vùng Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên tới thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.

Do tầm quan trọng về lịch sử, thành phố Haluza cùng với 3 thành phố Mamshit, Avdat, Shivta của vùng hoang mạc Negev đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới từ năm 2005.

Thành phố này là một trong 2 địa điểm chính có khả năng là thành phố Ziklag được nói tới trong Thánh Kinh. Trong trường hợp này Ziklag được coi như là sự sửa đổi sai lạc của Halusah, có nghĩa là pháo đài, đồn lũy.[
Các nghiên cứu khảo cổ trong khu vực bị ngăn trở phần nào bởi sự hiện diện của các đụn cát chung quanh thành phố, tuy nhiên người ta đã tìm thấy các đường phố của thời đại người Nabataean, cùng với 2 nhà thờ, 1 nhà hát, 1 nhà ép nho và tháp.

Không giống các thành phố khác trên tuyến đường hương liệu, Haluza đã được khai quật mà không được chăm sóc đầy đủ để đưa các tảng đá trở lại vị trí nguyên thủy của chúng, gây hại cho việc khai quật trong tương lai. Ngoài ra, nơi đây cũng ít được trông nom săn sóc.


7.Con đường hương liệu và các thành phố vùng hoang mạc Negev
Đường hương liệu – Các thành phố hoang mạc vùng Negev là tên một nhóm các thành phố trong vùng hoang mạc Negev ở miền nam Israel, nơi xưa kia là đường buôn bán hương liệu từ bán đảo Ả Rập tới vùng Địa Trung Hải. Khu vực này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2005.

4 thành phố Avdat, Haluza, Mamshit và Shivta, nằm trong vùng hoang mạc Negev trên con đường buôn bán hương liệu gồm nhũ hương, nhựa cây trám thơm và cả gia vị thời xưa đi qua – từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên tới thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Đường buôn bán này bắt đầu từ bán đảo Ả Rập tới các nước trong vùng Địa Trung Hải.

Các thành phố trên có nhiều pháo đài cổ và các cảnh quan nông nghiệp trong vùng hoang mạc. Hiện nay vẫn còn các vết tích của các pháo đài cổ, các mương của những hệ thống tưới tiêu và các quán dành cho đoàn lữ hành dừng chân (caravanserai), chứng tỏ người thời xưa đã dùng hoang mạc để canh tác và để buôn bán các đồ xa xỉ.


8.Núi Carmel
Núi Carmel (tiếng Hebrew הַר הַכַּרְמֶל), Har HaKarmel, phiên âm tiếng Việt: Các-men, Ca-mê-lô, Cạc-mên, Cát Minh, nghĩa đen: vườn nho của Chúa); tiếng Hy Lạp: Κάρμηλος, Kármēlos; tiếng Ả Rập: الكرمل, Kurmul) là một dãy núi ven bờ biển ở miền bắc Israel, trải dài từ Địa Trung Hải về phía đông nam. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện rượu nho cổ và các dụng cụ ép dầu ở nhiều địa điểm trên núi Carmel. Dãy núi này là khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO và một số thành phố nằm ở đây, đáng kể nhất là thành phố Haifa – thành phố lớn thứ ba của Israel – nằm ở sườn dốc phía bắc.

9.Akko
Akko hay Acre (tiếng Hebrew: עַכּוֹ, ʻAkko; tiếng Ả Rập: عكّا, ʻAkkā, tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἄκρη Akre) là một thành phố nhỏ ở phía Tây Galilee thuộc miền Bắc Israel, nằm ven Địa Trung Hải tại phần cực bắc vịnh Haifa, với diện tích 13,533 km², có dân số hơn 46.000 người (năm 2011).
Với một bề dày lịch sử lâu đời như vậy, Akko còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa, kiến trúc qua các thời đại. Khu thành phố cổ Akko là thành phố cảng có tường gạch bao quanh, mang tính chất phòng thủ được xây dựng từ thời Ottoman (thế kỉ 18, 19) với đầy đủ yếu tố cấu thành đô thị điển hình như thành lũy, nhà thờ Hồi giáo, Khan (một dạng quán trọ), nhà tắm công cộng. Những di tích của một thành phố Thập tự chinh xây dựng từ khoảng năm 1104 – 1291, hầu như còn nguyên vẹn, nằm trên và dưới nền đất ngày nay, ghi lại dấu ấn về một thủ phủ của vương quốc thập tự chinh Jerusalem thời Trung cổ.

Năm 2001, khu thành phố cổ này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (ii), (iii), (v).

Tiêu chí (ii): Akko vẫn còn giữ được những di tích quan trọng của một đô thị Trung Cổ rất đặc trưng bên cạnh các di tích của thành lũy thành phố Hồi giáo thế kỉ 18, 19.
Tiêu chí (iii): Các di tích của đô thị Trung Cổ, cả phần ngầm và phần nổi, cho thấy nét độc đáo về cách bố trí và kết cấu của thành phố thời kì này.
Tiêu chí (v): Thành phố Akko ngày nay là một thí dụ quan trọng về thành phố có lũy thời Ottoman, với các yếu tố cấu thành đô thị điển hình như thành lũy, nhà thờ hồi giáo, Khan, nhà tắm công cộng, được bảo tồn tốt, một số phần được xây dựng ngay trên các công trình thời Trung cổ từ thế kỉ 12, 13.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN