Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Jordan có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
1.Al Maghtas
Al Maghtas (tiếng Ả Rập: المغطس, có nghĩa là “rửa tội” trong tiếng Ả Rập) là một địa điểm nằm ở bên bờ sông Jordan thuộc Jordan, cách 10 km về phía đông nam Jericho. Đây là nơi mà hầu hết các học giả hiện đại cũng như các nhà khảo cổ học tin rằng đã diễn ra Lễ Phép Rửa của Chúa Giê-su. Điều này đã được đưa ra trong các sách Phúc Âm Mátthêu, Máccô và Luca, khi Chúa tìm đến sông Jordan để xin Gioan Baotixita cử hành phép rửa cho mình.[
Trong thế kỷ 19, đây là tu viện Giáo hội Chính thống Hy Lạp. Năm 1994, UNESCO tài trợ cho quá trình khai quật khảo cổ tại đây. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm địa điểm này vào tháng 3 năm 2000 còn Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã đến thăm vào tháng 5 năm 2009. Trong năm 2007, một bộ phim tài liệu mang tên The Baptism of Jesus Christ – Uncovering Bethany Beyond the Jordan đã được thực hiện để nói về địa điểm này.
Năm 2015, UNESCO đã công nhận địa điểm này cùng với Tell Mar Elias và khu vực quanh nhà thờ Gioan Baotixita là một di sản thế giới.
2.Petra
Petra (tiếng Hy Lạp: πέτρα, có nghĩa là “đá”; tiếng Ả Rập: البتراء Al-Butrā) là một khu vực khảo cổ học ở phía Tây Nam Jordan, nằm trên sườn núi Hor[1], trong một lòng chảo nằm giữa những ngọn núi tạo nên sườn phía Đông của Arabah (Wadi Araba), một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba.
Nó nổi tiếng vì có rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá. Khu vực được che giấu trong một thời gian rất dài này được công bố cho thế giới Tây phương bởi một nhà thám hiểm người Thuỵ Sĩ, Johann Ludwig Burckhardt, vào năm 1812. Nó cũng được công nhận như “một thành phố hoa hồng đỏ với tuổi đời bằng một nửa độ dài của thời gian” trong một bài thơ sonnet đạt giải thưởng Newdigate của John William Burgon. Burgon thực sự chưa đến thăm Petra, nơi mà người Âu Châu chỉ có thể tiếp cận với sự trợ giúp của hướng dẫn viên địa phương và đội hộ tống có vũ trang sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Khu vực này được công nhận là di sản thế giới của UNESCO năm 1985 và được mô tả là “một trong những tài sản văn hoá quý giá nhất của nhân loại”.
3.Tell Mar Elias
Đồi Mar Elias là một gò khảo cổ nằm ở Ajloun, phía bắc Jordan. Nơi đây từ lâu đã được đề cập đến trong Kinh Thánh như là quê hương của nhà tiên tri Êlia (hay Elias hoặc Eliya trong tiếng Ả Rập). Những gì còn lại được biết đến là một nhà thờ Byzantine lớn nhất ở Jordan nằm tại đây. Các hiện vật được tìm thấy bao gồm các hình khắc trên đá cẩm thạch và kim loại nhỏ liên quan đến tôn giáo hiện đang được trưng bày tại bảo tàng khảo cổ học gần lâu đài Ajloun.
Mar Elias đã được khai quật vào năm 1999 bởi Mohammad Abu Abila của Cục Cổ vật của Jordan. Ngày nay nó là một địa điểm hành hương tôn giáo.
4.Um er-Rasas
Um er-Rasas là một khu vực ở Jordan. Khu vực này có nhà thờ thánh Stephen. Khu vực Um er-Rasas đã được UNESCO đưa vào phần di sản thế giới của Jordan.
5.Wadi Rum
Wadi Rum (tiếng Ả Rập: وادي رم) còn được gọi là Thung lũng Mặt Trăng (tiếng Ả Rập: وادي القمر) là một thung lũng cắt vào đá sa thạch và đá granit ở phía nam Jordan tại 60 km về phía đông của Aqaba. Đây là hệ thống suối cạn (wadi trong tiếng Ả Rập) lớn nhất ở Jordan. Tên Rum rất có thể đến từ một gốc tiếng Aram nghĩa là “cao” Để phản ánh đúng cách phát âm tiếng Ả Rập của nó, các nhà khảo cổ chép nó như là Wadi Ramm. Đỉnh cao nhất của Wadi Rum là núi Um Dami với độ cao hơn 1.800 m trên mực nước biển.
Từ thời tiền sử, Wadi Rum là nơi sinh sống của con người với nhiều nền văn hóa, bao gồm cả dân tộc Nabatean để lại các hình vẽ của họ dưới các hình thức bức tranh đá, graffiti, và đền thờ. Tính đến năm 2007, một số bộ lạc Bedouin sinh sống tại Rum và khu vực xung quanh.
Như một khu bảo tồn với diện tích 74.000 ha, nơi đây được ghi trong Danh sách Di sản UNESCO từ năm 2011. Các điêu khắc trên đá, chữ khắc và di vật khảo cổ tại nơi đây làm chứng đến 12.000 năm sinh sống của con người và tương tác với môi trường tự nhiên. Sự kết hợp của 25.000 khắc đá với 20.000 chữ khắc chỉ dẫn sự phát triển của tư tưởng con người và sự phát triển sớm của bảng chữ cái. Địa điểm di chỉ này cho thấy sự phát triển của hoạt động chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và đời sống đô thị trong khu vực.
Wadi Rum được biết đến với cuốn sách Bảy cột trụ thông thái (Seven Pillars of Wisdom) của sĩ quan người Anh T. E. Lawrence, người đã đóng quân ở đây trong cuộc Nổi dậy Ả Rập 1917-1918,và sau đó thậm chí còn nhiều hơn bởi bộ phim Lawrence xứ Ả Rập. Ngọn núi được gọi tên là Bảy cột trụ thông thái có độ cao 1.734 m trên mực nước biển, do hình dạng của nó như bảy trụ cột.