Top 5 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Thái Nguyên

0
3303
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Thái Nguyên nhé.

1.Lễ hội xuân Chùa Hang – Định Hoá
Lễ hội diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng tại tại xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là lễ hội xuân độc đáo của đồng bào các dân tộc Định Hoá từng được tổ chức từ những năm 1950 của thế kỷ trước nhưng do nhiều lý do khác nhau đã bị gián đoạn, mai một dần. Năm 2012, Lễ hội xuân Chùa Hang – Định Hoá được khôi phục lại với ý nghĩa tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no, hạnh phúc, cây cối tốt tươi, đâm chồi nẩy lộc…

Lễ hội mở đầu bằng bằng nghi lễ dâng hương, hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là màn trống hội rộn rã và rước kiệu từ chùa Hang ra đình Quan đế. Trong phần Lễ, người dân địa phương đã dâng lên những mâm lễ mặn để tạ ơn các vị thần đất, thần sông, thần suối… Phần Hội diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc mang bản sắc các dân tộc địa phương như: đi khà kheo, ném còn, chọi gà, tung vòng cổ vịt, bắt chạch trong chum, múa sạp… Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia leo núi, khám phá hang sâu và chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp trong quần thể di tích.

Chùa Hang là một quần thể kiến trúc gồm: Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, Hang Dưới. Trong hang có nhiều nhũ đá với hình dáng đa dạng. Điểm độc đáo của hang là bên trong có nhiều điểm nước chảy lâu ngày tạo nên những “ruộng cô tiên”, có bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. Di tích Chùa Hang còn gắn với sự kiện lịch sử, là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng với Lễ hội lồng tồng lớn nhất Thái Nguyên được tổ chức hàng năm, Lễ hội xuân Chùa Hang – Định Hoá được khôi phục ngoài việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị di tích lịch sử còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với ‘Thủ đô gió ngàn” mỗi độ xuân về./.

2.Tết nhảy của người Dao
Người Dao ở Thái Nguyên từ xưa tổ chức Tết Nhảy vào vào dịp mùng một hoặc mùng hai Tết theo lịch âm ở trước bàn thờ nhà ông trưởng họ. Tục này được thực hiện theo chu kỳ ba năm: Càng nhỏ vào năm thứ nhất, thứ hai, càng lớn vào năm thứ ba.

Tết Nhảy của người Dao (Thái Nguyên) cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Dao có những cái tết khá đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống. Một trong những cái tết độc đáo là Tết Nhảy.

Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu cúng tổ tiên, cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh…

Đây là nghi lễ của một dòng họ tổ chức để cúng tổ tiên dòng họ mình, tất cả mọi công việc được tiến hành tại nhà của ông trưởng họ, nơi có để bàn thờ tổ tiên của cả họ. Nếu vì lý do nào đấy mà không tổ chức được ở nhà ông trưởng họ, thì mọi người trong dòng họ sẽ họp bàn và chọn trong dòng họ một người có uy tín và hiểu biết, để đứng ra lo công việc này.

Trong việc tổ chức lễ Tết nhảy, nếu dòng họ nào làm, thì phải tổ chức nghi lễ trong ba năm liên tục, và ở trong một bản khi có một dòng họ tổ chức lễ tết nhảy thì các họ khác đều không được làm, dòng họ nào có nhu cầu tổ chức nghi lễ này phải đợi sau ba năm mới được làm.

Nghi thức tiến hành như sau: Một tốp nam thanh niên “sài cỏ” theo sự hướng dẫn của thầy cả “chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự tết. Các nam thanh niên sẽ diễn tả hình ảnh mở đường bằng những điệu nhảy. Sau khi đường đã được mở là lúc tổ tiên về. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất là nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ dơ cao; điệu nhảy cưỡi ngựa diễn tả việc tổ tiên cưỡi ngựa về ăn tết; điệu nhảy múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cưỡi “pe họ” mô phỏng các tiên nương cưỡi hạc bay về; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ “mùng hú”… Mỗi điệu nhảy, múa đều có tính hình tượng cao diễn tả cảnh các thiên thần tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu.

Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên cũng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao. Tượng được trạm khắc đẹp với trang phục thời cổ xưa, dài từ 20-25 cm, đường kính thân 5cm, bàn tay phải của các tượng đều cầm thẻ bài. Ngày thường tượng được bọc kín bằng vải trắng. Ngày tết được con cháu rước xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm là thứ nước thơm chế từ vỏ loại cây “sum mụ”.

Sau lễ tắm gội cho tượng, con cháu lại tổ chức các điệu nhảy, dâng gà. Thầy cả và ba thanh niên tay cầm gà trống đỏ, vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà: có động tác rước gà trên đầu, có động tác “vác” gà qua hai vai, có động tác vừa múa vừa vặt đầu gà… Khi cúng tổ tiên xong thì con cháu phải tắm rửa cho sạch mình để cùng tổ tiên ăn tết. Màn tắm than chính là một điểm nhấn độc đáo. Con cháu nhảy múa quanh đống lửa và sau đó sẽ dùng tay hất tung than, gio trong đống lửa lên người. Có nơi là tắm nước nóng, thay bằng than, đồng bào sẽ dội nước khoảng 60-70 độ lên người.

Kết thúc là điệu múa cờ. Tết Nhảy là một nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian: nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về công lao tổ tiên đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ.


3.Lễ hội đền Giá
Nói đến hội Gióng, mọi người thường nhớ làng Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội), nơi tương truyền chàng trai Phù Đổng đứng lên đánh giặc. Tuy nhiên, ngoài làng Phù Đổng, ở Việt Nam còn có 4 ngôi đền khác liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng, trong đó có một ngôi đền ở Thái Nguyên, đó là đền Giá, thuộc địa phận thôn Cẩm La, xã Đông Cao (Phổ Yên).

Lễ hội đền Giá được tổ chức mỗi năm hai lần. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Trong lễ chính, người dân địa phương có tục rước cành “dò” làm bằng tre tươi, bào mỏng thành tua, nhuộm màu đỏ, vàng tượng trưng cho “roi sắt” của Thánh Gióng, sau đó là rước các lễ vật từ các làng, xã đến làm lễ tại đền. Ngoài ra, còn tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, đấu vật, hát trống quân, thi cờ tướng…Lễ hội lần thứ hai được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 4 âm lịch. Những năm gần đây, mỗi năm vào dịp lễ hội, các đơn vị của huyện uỷ, UBND đều về Đền để thắp hương ghi nhớ công ơn của những người đã có công giúp nước.

Tương truyền, thời Hùng Vương thứ 6, nước ta bị giặc Ân xâm lược. Cậu bé làng Phù Đổng bỗng lớn vụt dậy, cầm quân đi đánh giặc. Một lần, khi đang đuổi giặc qua vùng đất thuộc địa phận huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), thì trời tối, rừng cây rậm rạp, không rõ lối đi mà cánh quân của Phù Đổng đã thấm mệt. Lúc đó, một người dân địa phương đi đến, chỉ đường rồi cùng đoàn quân đi đánh giặc. Giặc tan, đất nước trở lại thanh bình, nhà vua phong cho chàng trai làng Phù Đổng là Phù đổng Thiên Vương (nhân dân vẫn gọi là Thánh Gióng), người dân địa phương có công giúp Phù Đổng đánh giặc được phong là “Mạnh Điền Quốc Vương” và cho nhân dân địa phương được thờ cúng. Từ đó, nhân dân địa phương dựng lên một ngôi miếu nhỏ làm bằng gỗ, lợp mái tranh để thờ cúng.

Sang đến thời Lê, khi nền văn hoá dân tộc bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, đền Giá được xây dựng với quy mô to, đẹp. Trải qua thăng trầm lịch sử, đền Giá đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. Ngôi đền không chỉ là nơi người dân địa phương cũng như khách thập phương thể hiện đời sống tâm linh mà nó còn thể hiện những tinh hoa trong kiến trúc của dân tộc. Khu đền có hai toà nhà: Nhà tiền tế ở phía trước rộng 5 gian và hậu cung rộng 3 gian đều có các phần kiến trúc bằng gỗ chạm trổ tinh vi, phong phú với các kiến trúc cuối Lê đầu Nguyễn. Phần tường xây ở hậu cung, đốc nhà…có đắp nổi các hình hoa lá và long, li, quy, phượng.

Đền Giá còn là nơi diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại của huyện Phổ Yên. Ngày 22/8/1945, tại ngôi đền này đã diễn ra hội nghị cán bộ chủ chốt để thành lập chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của huyện, góp phần vào cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 của tỉnh Thái Nguyên. Với giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử như vậy đền Giá đã được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật./.

4. Lễ hội đền Đuổm
Hàng năm từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại long trọng tổ chức lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ danh tướng Dương Tự Minh và cầu cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách thập phương tham gia.

Phần lễ được bắt đầu bằng lễ dâng hường sáng ngày mồng 6. Đi đầu là đội múa Lân, tiếp sau là đội ngũ nam thanh, nữ tú với trang phục dân tộc Tày, trên tay bưng các sản vật của địa phương đưa ra đền thờ tiến hành lễ tế. Đồ lễ gồm có lễ chay và lễ mặn. 3 mâm lễ chay có bánh Dày, bánh Khảo, bánh Mật, bánh Bỏng. Lễ mặn gồm có xôi, thịt gà, thịt lợn…Tất cả được bày tế lễ trước cửa đền Trung, nơi thờ vị tướng Dương Tự Minh.

Phần hội Đuổm được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: cờ tướng, đẩy gậy, đánh đu, đấu vật…cùng các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá…đã thu hút đông đảo các vận động viên tham gia đua tài. Các chương trình văn nghệ do các đội văn nghệ quần chúng biểu diễn cũng đã góp phần làm cho không khí lễ hội thật sự trở nên sôi động, náo nhiệt.

5.Hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh Việt Bắc nói chung. Lễ hội thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới hằng năm ở những đám ruộng to nhất, đẹp nhất do dân bản chọn nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Trong ngày diễn ra lễ hội, phần lễ và phần hội đều diễn ra trang trọng, vui tươi. Phần lễ là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Ðể chuẩn bị lễ ở ngoài đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng, có nhiều nhà làm từ vài chục đến một trăm món. Việc làm cỗ còn mang hàm ý phô bày một cách kín đáo sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng… Có những gia đình dâng mâm cao đến 5 tầng lễ vật, ngoài các loại bánh kẹo còn có các món ăn được chế biến công phu, trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều mầu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ.

Khi cỗ được bày xong, người đựơc dân làng tín nhiệm tiến cử thực hiện nghi lễ cầu cúng cầu mong đất trời, thần linh phù hộ cho bản làng. Phần cúng lễ cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn dành thời gian cho phần hội.
Ngoài ra còn có các hoạt động múa sư tử, múa võ, kéo co… Ðặc biệt, đêm về, nam nữ thanh niên thi hát lượn đối đáp suốt canh dài…

Có thể nói, lễ hội Lồng tồng – lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa dưới ruộng, củ sắn trên nương luôn luôn tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm, là một biểu hiện sinh động của nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc.

Những ai đã một lần được tham dự lễ hội Lồng Tồng, khi trở về đều mang theo nỗi nhớ khó quên và tự hẹn lòng, mùa xuân năm sau lại tìm về dự hội.

[21/02/2013 15:57:01] Ngày 21/2/2013, t?nh Tuyên Quang t? ch?c L? h?i L?ng T?ng (hay L?ng Tông, ti?ng Tày có nghia là “xu?ng d?ng”) và dón nh?n danh hi?u Di s?n van hóa phi v?t th? Qu?c gia c?a dân t?c Tày t?nh Tuyên Quang. Trong ?nh: Màn hát Then d?c trung c?a dân t?c Tày t?nh Tuyên Quang. ?nh: Cu?ng H?ng – TTXVN

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN