Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nam

0
1955
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hà Nam nhé.

1.Lễ hội thả diều
Hội thi thả diều được tổ chức tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Từ rất lâu làng đã có hội thả diều để mừng được mùa và cầu mong an khang thịnh vượng. Địa điểm tổ chức thi thả diều ở đình nội, đình ngoại và đình trong. Hội được tổ chức vào 15 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Mười bốn giáp trong làng đều tham gia thi thả diều, mỗi làng có một mẫu riêng để dễ phân biệt. Việc làm diều được chuẩn bị chu đáo từ tháng 11 âm lịch năm trước. Các cụ già thường chọn các cây tre già dài, thẳng, mịn đã rụng hết lá để pha, chẻ, chuốt thanh các nẹp để làm khung diều, gác lên bếp hong cho khô tới tháng 5 năm sau. Vào tháng 4, các cụ còn lấy nhựa từ từ trái hồng non làm keo dính dán bồi giấy, dán giấy lên khung diều. Dây diều to được xe bằng tơ tằm, dây diều nhỏ được kết bằng chỉ khâu. Ngoài ra còn phải làm một ống suốt cực lớn, hai đầu có bánh xe để cuộn dây, nhả dây nhanh.

Hình dáng của diều làng Đại Hoàng đều có hình thoi, phẳng. Khi diều bay trên cao, cánh phẳng, thanh thoát, khi diều hạ cánh, cánh diều lao vút như một mũi kiếm đâm xuyên lòng đất.

Sáng ngày 15/5 âm lịch, làng bắt đầu thi diều lớn. Một hồi trống chiêng nổi lên giòn giã. Ban chủ khảo và các đấu thủ đền ăn mặc đẹp, đầu chít khăn, áo dài, quần bó, thẳng lưng ngũ sắc. Mỗi đội dự thi có 3 người tham gia, một người cầm dây diều, một người điều khiển diều, một người đâm diều lên cao. Khi các đấu thủ đã đứng vào vị trí trên cánh đồng làng, ban chủ khảo thắp hương để tính giờ. Một hồi trống nổi lên, loa bắt đầu gọi, diều được đồng loạt lao lên, ăn dây. Người điều khiển phải giật dây, chỉnh cho diều lên thật từ từ. Khi no gió, diều lao vút lên cao, đậu trên tầng không, nhỏ dần, nhỏ dần đến khi trông như một chiếc lá. Tiếp đó lại một hồi trống nữa, có tiếng loa truyền: Loa! Loa! Các diều đấu dây vào nhau để bắt đầu chấm giải. Trên cánh đồng, các đấu thủ đi về một điểm. Trong sân đình, ban chủ khảo bàn bạc để chấm giải diều. Tiếp đó, diều được lệnh cho hạ cánh. Cách mặt đất chừng 30m, diều được điều khiển sao cho lao xuống như một mũi tên bắn thẳng, cắm đứng trên cánh đồng. Xong xuôi các đấu thủ cùng về sân đình nghe chủ khảo tuyên bố giải.

Cuộc chơi kết thúc nhưng niềm vui và sự hưng phấn còn đọng mãi trong những đấu thủ và người xem. Họ đã được thả hồn trong sự bay lượn phóng khoáng của những cánh diều trên bầu trời thanh cao, họ còn được sống trong những phút hồi hộp cùng với các đấu thủ để chờ xem giải. Đó là những giây phút hiếm hoi giúp con người thoát ra khỏi cuộc sống đều đặn thường nhật để vươn tới những thăng hoa tinh thần đầy hứng khởi, giúp mỗi một người hòa nhập một cách trọn vẹn vào với cộng đồng. Đối với người Việt Nam nhu cầu về sự thức tỉnh tính cộng đồng trong mỗi con người tùy từng lúc có những biểu hiện khác nhau nhưng có lẽ chưa bao giờ nguội lạnh. Chính vì vậy mà hội hè vẫn luôn có một sức hấp dẫn mạnh mẽ.

2.Lễ hội chùa Đọi Sơn
Trong các lễ hội thờ Phật, đặc sắc và đông đảo nhất là lễ hội chùa Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Hàng năm cứ đến ngày 21 tháng 3 âm lịch, chùa Đọi Sơn mở hội. Nhân dân trong vùng và rất đông khách thập phương đã về dây lễ và văn cảnh chùa.

Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu đã hành lễ từ chân núi lên chùa làm lễ, dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông, người có công mở mang xây dựng chùa. Sau phần lễ dâng hương là các đội tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn Trời Phật.
Về phần hội, vào ngày lễ hội chùa Đọi Sơn, có nhiều trò vui được tổ chức như nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, dấu vật, đánh cờ người.


3.Lễ hội đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang ở thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung. Một năm ở đây có hai kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25 dành, kỳ hội tháng 8 diễn ra vào ngày 20.

Ngày 18 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức chồng kiệu, kéo cờ than trước cửa đền, ngày 21 bắt đầu làm lễ cáo kỵ. Các ngày từ 22 đến 24 tháng 6 là ngày chính tế và rước kiệu Thánh xung quanh đền. Ngày 25 tháng 6 tổ chức lễ tạ và hạ cờ, đóng cửa đền. Ngày 25 tháng 8 âm lịch, đền Yên Từ (xã Mộc Bắc, Duy Tiên) thờ Ngọc Hoa công chúa rước kiệu về bái vọng. Ngoài các nghi lễ như tế lễ, rước thánh còn có phần hội hết sức phong phú như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thổi cơm trên quang gánh, chọi gà, đuổi vị dưới nước, đi cầu khỉ…

Lễ hội vào tháng 6 còn có trò bơi chải trên sông Hồng và lễ rước nước. Nước được lấy từ giữa sông Hồng đem về làm nước cúng và làm lễ tắm tượng của các đền trong khu di tích. Nghi thức lấy nước giữa dòng sông Hồng để thờ cúng và tắm tượng vừa biểu thị nguyện vọng cầu xin mưa thuận gió hòa, vừa thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của nhân dân ta. Căn cứ vào tục thờ, căn cứ vào vị trí của đền bên bờ sông, có thể nhận thấy rằng, các vị thần mà đền Lảnh Giang thờ tuy có tên tuổi sự tích nhưng kỳ thực là những vị thủy thần. Và cũng như các nơi thờ cúng thủy thần khác, tục thờ cúng thủy thần ở đền Lảnh Giang thể hiện hai mặt của đời sống tâm linh: khát khao được thần thiên nhiên chở che và ước muốn chế ngự được sức mạnh của thiên nhiên hung hãn đó.

Ngoài 2 kỳ hội chính, du khách gần xa vẫn tìm về đây cầu tài, cầu lộc. Phương ngôn có câu Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây là để nói đến sức hấp dẫn của một di tích mà vị trí, cảnh quan, sự tích và lễ hội đều đáp ứng nhu cầu tâm linh của người về hành lễ.


4.Hội vật võ Liễu Đôi
Truyền thuyết Liễu Đôi kể rằng ở đây có một chàng trai họ Đoàn có sức mạnh phi thường lại giỏi võ, một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở Nương Cửi, tự nhiên có một ánh sáng xanh chói lòa phát ra, dân làng vô cùng hoảng sợ, chỉ có chàng trai họ Đoàn nọ dám đi tới và nhận thấy ánh sáng ấy phát ra từ một thanh gươm đặt trên một tấm khăn đào. Chàng trái bái tạ thần linh, tay cầm gươm, lưng thắt chiếc khăn đào, múa gươm cho dân làng xem.

Khi có giặc phương Bắc kéo tới, chàng trai mang gươm ra trận. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi đến viếng mộ chàng nhưng quá đau thương nên đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước. Dân Liễu Đôi thương nhớ, lập đền Ông thờ chàng, gọi là Thánh Ông, lập đền Bà thờ nữ tướng, gọi là đền Tiên Bà. Hàng năm làng mở hội vật để tưởng niệm, gọi là hội Thánh Tiên (gọi tắt hai chữ Thánh Ông–Tiên Bà), đó là hội vật võ Liễu Đôi

Ngày mùng 5 Tết, hội vật võ bắt đầu. Trường diễn hay gọi là đóng vật được chọn đặt trên mảnh đất truyền thống, đó là Nương Cửi, nơi chàng trai họ Đoàn được gươm thần thuở trước. Tham dự hội là dân làng Liễu Đôi và các làng có truyền thống vật võ gần xa. Hội vật võ Liễu Đôi cho phép phụ nữ được tham gia, chị em cũng được ra đóng với đao, côn, kiếm, quyền… không thua kém con trai. Nghi thức tiến hành hội như sau:

Đầu tiên là lễ rước Thánh vào đóng: Đóng tức là nơi tổ chức vật, rước thánh vào đóng tức rước kiệu Thánh Ông từ đền vào đóng vật. Lễ vật dâng thánh là lễ chay, gồm mấy phẩm oản, vài bẹ chuối, một nậm trà (thay cho rượu). Một cụ già tay cầm gương đi giật lùi dẫn đầu cuộc rước, khi kiệu Thánh vào đóng thì làm lễ tế. Sau lễ tế Thánh là lễ phát hoả. Người ta đốt lên một ngọn lửa lớn để tưởng nhớ lại ngọn lửa xanh thần diệu bốc lên từ thanh gươm phát hỏa mà trời ban cho đất Liễu Đôi ở cánh Nương Cửi. Tiếp đó là lễ trao gươm và thắt khăn đào tưởng nhớ việc chàng trai họ Đoàn nhận thanh gươm thần và tấm khăn đào.

Ông Trùm là một người cao tuổi có uy tín được cử cầm trống cái cho hội trao chiếc gươm trên kiệu thánh và thắt khăn đào cho một đô vật danh dự được cử ra ngồi dưới cây dải trước rạp. Sau đó là lễ múa cờ tụ nghĩa, điệu múa này còn có tên là “thiên nhân kỳ trận”. Điệu múa này có hai hoặc bốn người tham gia, mỗi người một lá cờ đỏ hình vuông, tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa đóng theo hiệu trống mà múa. Theo tiếp là lễ thanh động. Lễ này bắt đầu bằng tiếng trống cái ở đóng nổi lên liên hồi cùng với tiếng pháo nổ ran, tiếng chuông, cồng, mõ, thanh la tại khu vật võ và tất cả các đền chùa trong vùng đều nhất tề hưởng ứng hoà với tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi.

Sau những nghi thức trên thì đến cuộc vật võ. Hội vật võ có nhiều nghi thức bắt buộc. Đầu tiên là nghi thức gọi là năm keo trai rốt. Trai rốt là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua. Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt ra vật năm keo trình làng, lễ thánh. Tất nhiên trai rốt hãy còn bé chưa vật được nên bố phải ra vật thay. Lệ quy định, hai ông bố chỉ vật biểu diễn, không được vật thật để đối phương ngã, bởi vì hai ông bố ra vật với mục đích trình làng, trình Thánh chứng giám để hai đứa trẻ tương lai sẽ trở thành hai đồ vật võ. Vì vậy nếu để bị ngã thì làng sẽ bắt phạt cả hai. Có khi bố đi vắng thì ông ra vật thay, không được bỏ cuộc. Với lệ này, người dân Liễu Đôi muốn nhắn nhủ con cháu là sinh ra làm anh con trai thì trước hết phải là trai vật võ.

Tiếp theo là nghi thức đô xã làm nền, có nghĩa là đô Liễu Đôi vào đóng trước, giao đấu trước để gây không khí, khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương. Khi đô vật bốn phương đã hăng say rồi thì đô vật Liễu Đôi rút ra, nhường đóng cho khách, chỉ đứng ngoài cổ vũ động viên là chính. Vào giải, ai thắng được 5 keo liền thì được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô trong vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Như vậy, cả người thua cũng có giải. Phần thưởng trao giải là tiền hảo tâm của thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải, nếu còn chút ít thì cho người nghèo ngay tại chỗ, tuyệt không được chi dùng vào việc khác.

Vào đóng, đô vật chỉ được đóng khố, không được mặc quần áo. Các đô vật có tục kiêng cởi áo và xỏ áo tay phải trước, vì tay phải là tay cầm giáo, cầm gươm, tay lợi thế trong đấu vật. Cần cởi áo hoặc xỏ áo, họ dùng tay trái trước, vì thế, tay trái còn gọi là tay áo. Trong đóng, những miếng hiểm độc làm hại đối phương bị cấm ngặt. Ai phạm luật bị xử rất nghiêm khắc. Người phạm luật bị phạt đứng giữa đóng cho một đô vật khoẻ hơn bê vứt ra khỏi đóng và năm đời con cháu không được tham gia vật võ.

Liên quan đến hội vật võ Liễu Đôi còn có hội thi món ăn đặc sản trước hôm mở hội, món ăn nào được làng trao giải mới được đem bán phục vụ khách thập phương trong những ngày hội.

Tinh thần thượng võ của người dân Liễu Đôi còn được thể hiện ở lễ trầm tự, được tiến hành vào đêm 30 tết tại chùa Ba Chạ. Trầm tự có nghĩa là chém chữ. Tương truyền có một vị tướng đời nhà Trần khi về đây thao binh luyện tướng đến khi ra quân đã trao lại cho 5 làng của xã Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là Võ trận. Người dân Liễu Đôi truyền đời phải học thuộc cuốn binh thư đó. Đêm ba mươi tết, các tộc trưởng đeo gươm vào đền thờ Thánh trước mặt là băng giấy ghi chữ đầu trang của tập Võ trận. Đúng giao thừa, đèn nên vụt tắt, mỗi tộc trưởng vung gươm chém một nhát lên băng giấy trước mặt. Chém được đoạn giấy nào thì nhận lấy đoạn giấy ấy. Xong lễ, đèn nến sáng trở lại, từng họ xem các chữ đầu của băng giấy biết được họ mình năm đó phải học thuộc đoạn nào trong sách. Nhiều năm như thế, các dòng họ có thể thuộc lòng quyển binh thư. Đến thời Pháp thuộc, việc dùng gươm chém băng giấy đã được thay bằng việc rút thẻ. Ngày nay, cuốn Võ trận không còn nên lễ trầm tự cũng không còn nhưng ký ức về tục lệ đó đã chứng tỏ tinh thần thượng võ sâu đậm của người dân Liễu Đôi.

5.Lễ hội đền Trần Thương
Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và song thân của người.Cũng như những nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương khác, đền Trần Thương tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc này vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội theo quy định được tổ chức 3 ngày nhưng trên thực tế có thể dài hơn do số lượng người về lễ đăng kỹ dự tế đông. Từ rằm tháng tám đã có đoàn đến tế ở đền. Mỗi ngày có 4 đến 5 đám tế.

Vào ngày chính hội, phần lễ có rước kiệu, dâng hương, tế lễ, phần hội có các trò đánh cờ tướng, bơi chải, đi cầu kiều, tổ tôm điếm… Thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là tục thi đấu cờ tướng. Tục này diễn ra trước các trò hội. Khi tiếng trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi thì các đấu thủ cùng dân làng đến sân đền tham dự. Làng chọn các lão làng, các chức sắc có gia phong tốt vào khai cuộc, trong đó, người cao tuổi nhất được làm chủ tế. Chủ tế làm lề cáo yết Đức Thánh Trần rồi rước bàn cờ từ hậu cung quay ra, đến trước hương án nâng bàn cờ lên vái ba vái. Sau đó, cuộc chơi bắt đầu. Hai đấu thủ mang y phục truyền thống của các tướng lĩnh đời Trần mang thanh long đao vào cuộc. Sau một tuần hương, ai thắng, người đó đoạt giải. Vãn cuộc, quân cờ cùng bàn cờ được rửa bằng nước giếng của đền và nước ngũ quả, lau chùi cẩn thận rồi đặt lên hương án. Tục chơi cờ nhằm tưởng nhớ tài thao lược quân sự của Hưng Đạo Đại Vương, rèn luyện trí tuệ, nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.

Lễ hội đền Trần Thương là một trong ba lễ hội vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội này có ý nghĩa là một cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước.


6.Lễ hội đền Trúc
Đền Trúc nằm ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Nơi đây thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.

Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu từ đền đã về tới cửa đình làm lễ dâng thương. Sau đó, các đội tế trong trang phục tế đủ màu làm lễ tạ ơn Trời Phật. Sau nghi lễ cáo trời đất, thành hoàng chừng 3 tiếng đồng hồ thì đến các trò chơi như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi… Song nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc phải kể đến là múa hát dậm và đua thuyền.

Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.

Múa hát dậm là lối múa hát tương truyền Lý Thường Kiệt bày cho dân trong vùng khi ông thắng trận trở về dừng lại nghỉ ở đất này. Từ đó, vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.

Múa hát dậm được tổ chức ngay tại sân đền. Phường múa hát có từ 30 con dậm trở lên. Đây là những cô gái tuổi từ 13-15, thanh tân, xinh đẹp, có tài múa hát. Ai có chồng hoặc có tang không được hát. Đứng đầu phường hát là cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài, chỉ đạo múa hát. Cụ trùm thuộc lòng tất cả các làn điệu hát múa, trực tiếp điều khiển con dậm thực hiện chương trình tiết mục. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc… Trong múa hát dậm, điệu múa có các động tác mô phỏng các động tác chèo thuyền, lúc đứng hát cũng như khi quỳ lạy (gọi là chèo thuyền và chèo quỳ). Đây được coi là phần lễ gắn bó mật thiết với phần hội là hội đua thuyền trên sông Đáy. Cụ trùm được coi là một “quan chức” trong làng, được ưu tiên ưu đãi. Các con dậm thì chẳng được gì, lại còn phải đóng góp thêm. Nhưng được làm con dậm đã là một vinh dự chẳng phải ai cũng có. Bài bản hát dậm được ghi lại bằng chữ Nôm, có tên là: “Lý Đại vương bình Chiêm sự tích diễn ca”. Hát dậm có 30 tiết mục với hơn một nghìn câu thơ. Múa dậm kết hợp với hát, mô phỏng động tác dậm chân chèo thuyền (vì thế mới gọi là hát dậm). Ngoài hát dậm, hội đền Trúc còn có hát bỏ bộ, hát đúm. Trai gái đến tuổi trưởng thành, còn son đều đến hát với nhau trước cửa đền. Tối tối, họ đến đền lễ tạ rồi tản ra chung quanh, vào rừng, lên núi, dưới bóng cây, bãi đất… hát đối đáp tỏ tình…

Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2. Ngược với hát dậm, chỉ có nam giới mới được tham gia cuộc đua này. Số lượng thuyền đua tùy theo từng năm, thường có 3 thuyền dự thi. Ba đội đua với trang phục có màu sắc khác nhau. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, dài khoảng 8m, đầu và thuyền được đóng vuông. Phía trên đầu thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ và cắm một lá cờ hội nhỏ. Đoạn đường đua dài gần 3km trên sông Đáy. Điểm xuất phát từ trước cửa đền Trúc, đua đến chân cầu Quế rồi vòng trở lại. Mỗi thuyền đua gồm 18 người: 1 người lái thuyền, 16 tay chèo, 1 người gõ nhịp chỉ huy. Mỗi nhịp gõ, mỗi câu hò là một nhịp chèo tạo nên sự nhịp nhàng rất cao, Khán giả đến xem cổ vũ rất đông, tiếng hò reo vang dội cả một vùng. Kết thúc cuộc thi, đội thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng.

Cuộc đua thuyền trên sông Đáy này mang rất nhiều tầng ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một cuộc đua mang tính thể thao nó còn là một nghi lễ tưởng niệm cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt trên sông trong lần tiễn phạt quân Chiêm Thành. Và cổ xưa hơn nữa, đây là một hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi. Hơn nữa, không khí sôi nổi và cuốn hút của lễ hội đền Trúc được tạo ra từ màn múa hát thờ do các cô gái thể hiện trong sân đền và cuộc đua thuyền do nam giới tiến hành trên đoạn sông Đáy trước cửa đền chính là sự diễn tả lại không khí khải hoàn ca thắng lợi của cuộc bình Chiêm nức lòng trong lịch sử dân tộc.


7.Lễ hội đình Đinh
Đình Đinh thuộc thôn Đinh, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam. Đình Đinh thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thương cùng con ông là Đông Xưng đại vương Đoàn Văn, các trung thần của triều Lý, Đông Bảng đại vương triều Lê cùng các vị tiên hiền, các vị có công lập làng. Tương truyền, làng Đinh là nơi mà Đoàn Thượng đại vương đến tìm thầy học và cũng là quê vợ của ông. Khi ông mất, con trai ông là Đoàn Văn cùng nhân dân Đinh Xá lập đền thờ. Hàng năm, cứ vào ngày sinh của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (10 tháng Giêng âm lịch), làng Đinh lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ bậc trung thần.

Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng âm lịch. Ngoài tế lễ, dâng hương, lễ hội làng Đinh còn có lễ rước nước và lễ khai độc.

Cứ 3 năm một lần, làng Đinh và làng Thủy Cơ (xã Châu Sơn, Duy Tiên) lại tổ chức lễ rước nước để tưởng niệm vị Đông Hải đại vương và để thể hiện mối giao hảo giữa hai làng. Thủy Cơ là một làng chài chuyên nghề sông nước. Làng Đinh đã dành một khu đất cho làng Thủy Cơ để một khi có người qua đời thì mai táng ở đó. Do đó, hai làng có mối quan hệ rất thân thiết. Khi vào lễ hội, làng Thủy Cơ cung cấp 5 chiếc thuyền lớn để đi rước nước.

Ngày mùng 9, đình Đinh mở cửa, dân hai làng vào lễ thánh, sau đó rước kiệu, cờ, bát biểu, chiêng trống, đội bát âm cùng đội bơi chải xuống thuyền. Trên thuyền có hai chóe sành được mang theo để đựng nước. Đoàn thuyền bơi đến ngã ba sông Móng, bơi rước 3 vòng, sau đó lấy nước đựng vào chóe, dâng lên kiệu rồi bơi thuyền trở về đình. Chóe nước được đưa vào đình để hôm sau tế lễ. Đội hình tế là tế nam, có chủ tế, xướng tế và bồi tế. Khi tế, đội hình tiến từ sân đình qua tiền đường, vào hậu cung. Trong khi tế, ngoài sân đình có múa rồng, sư tử, đánh gậy, thổi cơm thi, bắt chạch, trên sông Châu thì tổ chức bơi chải.

Hàng năm cũng vào dịp lễ hội mùng 10 tháng Giêng, ở đình có tổ chức lễ khai đọc (mang sắc phong ra đọc dịp dầu năm mới) do hàng xã chủ trì. Chủ tế là chánh tiên chỉ, các tiên chỉ làng là bồi tế. Trước khi vào ngày lẽ, tối mùng 9 có rước sắc từ nhà tiên chỉ ra đình rồi làm lễ khai độc. Ngày màng 10, tổ chức rước hành ngơi (đi chơi trên đường) có kiệu, có cờ quạt, bát biểu… Ngày 11, sau khi tế tạ xong, rước lộ nhang sắc và các sắc phong về nhà tiên chỉ, đóng cửa đình.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN