Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Cao Bằng

0
1707
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Cao Bằng nhé.

1.Lễ hội trọi bò Bảo Lâm
Lễ hội trọi bò được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng, tại thị trấn Pác-Miều, huyện Bảo Lâm. Đến đây người xem bị cuốn hút bởi những trận đấu đầy kịch tính và quyết liệt do những “đấu sĩ bò” trình diễn.
Từ bao đời nay, miền đất chon von trên vách đá dựng trời, với dòng sông Gâm trong xanh, hùng vĩ ấy vẫn rất nổi tiếng với giống bò U quý hiếm và bí quyết nuôi bò danh bất hư truyền. Cũng chính truyền thống nuôi bò giỏi ấy đã tạo ra một hội chọi bò độc đáo, thu hút hàng ngàn người xem mỗi dịp đầu xuân.

Tham dự sàn đấu chỉ có bò U, một giống bò độc nhất vô nhị, thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn to hơn bất cứ giống bò nội địa nào của Việt Nam.

Với người Mông ở Bảo Lâm con bò được yêu quý đến độ nó là đồ trang sức, là biểu trưng sức mạnh và sự giàu có cho “thân chủ.” Chẳng thế mà người ta vẫn bảo vào nhà người Mông ở đây nhìn chuồng bò còn đẹp hơn chính nhà ở của họ.

Vào ngày hội vùng biên Pắc Miều hàng ngày vốn thanh bình, vắng vẻ, bỗng trở nên náo nhiệt đến lạ kỳ. Ngay từ sáng sớm từng tốp người với đủ loại trang phục Mông, Dao, Lô Lô sặc sỡ đổ về khu vực chợ bò của thị trấn.

Sân đấu bò là một thung lũng tròn và rộng như một sân bóng đá nằm cạnh dòng sông Gâm xanh mát.

Sau giờ khai mạc, mọi người từ khắp ngả đều đổ về đứng quanh sân đấu bò. Khi tiếng trống khai hội được nổi lên, hàng ngàn đôi mắt đều đổ dồn vào những chú bò lừng lững bước ra đấu trường.

Vừa được chủ bò tháo dây buộc mũi, hai chú bò lao thẳng vào nhau như tên bắn, tiếng va chạm của sừng, của đầu bôm bốp. Như hiểu ý chủ, những “đấu sĩ bò” thi triển hết mọi miếng đánh, miếng ghì, miếng móc, cả sân chọi bụi mịt mù.

Bên ngoài, khán giả lúc nín thở, lúc lại sôi nổi bởi những miếng đánh quá hay. Đáng sợ nhất là những chú bò với những miếng đánh “cảm tử,” lùi xa rồi bất ngờ lao cả thân mình vào đối thủ, cặp sừng sắc nhọn cắm phập vào mắt, vào cổ đối phương.

Hội chọi bò ở đây không chỉ mang tính giải trí mà nó còn cổ vũ phong trào chăn nuôi bò giỏi của đồng bào dân tộc Mông, thông qua cuộc thi để chọn ra những con giống tốt nhất, khỏe nhất nhằm nhằm giữ gìn nguồn gen bò quý hiếm này.

Bên cạnh đó, Hội chọi bò hàng năm của dân tộc H’mông ở Bảo Lâm còn mang đến cho mọi người niềm vui hứng khởi để bước vào năm mới, đồng thời cũng là dịp để cầu mong mưa thuận gió hòa để mọi người ổn định an cư lập nghiệp.

Từ năm 2007, UBND huyện Bảo Lâm đã đứng ra tổ chức Hội thi chọi bò nhằm khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi, xây dựng thương hiệu thịt bò và quảng bá du lịch lễ hội./.


2.Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên
Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trảy hội.
Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.

Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ – mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Khi ra mỏ nước, rồng không được múa, không được đánh trống mà được bịt mắt bằng giấy bản, đến mỏ nước, rồng nằm phục ở đó. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Cúng xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu xoa vào hai mắt rồng rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra, lúc này rồng đã được mở mắt, sau ba hồi trống nổi lên để đánh thức, rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đuôi. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, rồng bay quanh mỏ nước ba lần rồi đi vào miếu Bách Linh; trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi trong miếu một vòng rồi ra ngoài.

Lễ vật dâng lên tế lễ gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả. Phần lễ diễn ra long trọng với 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Đầu tiên là kiệu rước ảnh Bác Hồ, thứ hai là kiệu rước thần, thứ ba là kiệu pháo hoa, cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, là phần thưởng cho đội thắng cuộc trong trò chơi cướp đầu pháo. Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng, sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước rồng xuất phát đến Đền thờ Nùng Trí Cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Đi tới đâu rồng cũng được người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ, như: múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, tranh đầu pháo… Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò cướp đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh cướp, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức là đội thắng cuộc. Gần đây, khi có lệnh cấm đốt pháo, Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Theo quan niệm của người dân địa phương thì ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội thắng cuộc thi năm đó.

Theo thời gian, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã tồn tại trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.


3.Lễ hội chùa Sùng Phúc
Theo sách Đại Nam nhất thống chí và sách Việt Nam dư địa chí: Chùa Sùng Phúc thuộc tổng Lệnh Cấm nay là xã Thanh Nhật huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng. Hội Chùa hàng năm mở vào ngày Rằm tháng giêng thu hút đông đảo khách thập phương trẩy hội cầu may. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện.
Chùa Sùng Phúc được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông thế kỷ XIII, ban đầu có tên là Sùng Khánh tự, thờ Phật và thờ các nhân vật có công trấn ải vùng biên giới. Năm Cảnh Hưng thứ 43, thời nhà Lê, chùa được trùng tu và đổi tên là chùa Sùng Phúc, chùa thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung có tượng Phật Bà. Bên trái thờ vị Thành Hoàng, người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản làng- ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) tri châu Tư Lang, ông quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở Cao Bằng.

Chùa Sùng Phúc còn thờ vi đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương. Bà theo cha lên Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang là nam thi đỗ tiến sĩ đầu bảng ở trường quốc học Bản Thảnh Cao Bằng. Khi thi đỗ bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Vua Mạc lấy bà làm vợ và đặt tên là Tinh Phi (Sao sa). Năm 1625 nhà Lê cử tướng Trịnh Kiền lên Cao Bằng bắt được vua Mạc Kính Cung đem về Thăng Long trị tội. Bà Duệ chạy về Hạ Lang đi tu ở chùa Sùng Phúc. Bà tài cao học rộng mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà phật. Bà được quan châu Nguyễn Đình Bá mến mộ, truyền cho nhân dân ngoài vùng “Lệnh Cấm” không cho ai được lai vãng đến chùa để che dấu tung tích bà đang bị nhà Lê truy tìm. Nhưng, nhà Lê biết tin bà Duệ ở Hạ Lang đã đón bà về Thăng Long. Sau, người dân tưởng nhớ người thầy nghèo Nguyễn Thị Duệ, đưa bài vị vào Chùa để thờ. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 29/1/1993
Lễ hội chùa ngày nay không còn như dù vậy ban tổ chức vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa. Lễ hội có tổ chức rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, kiệu Thành Hoàng, khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.

4.Lễ hội Chùa Phố Cũ
Chùa Phố Cũ là ngôi chùa cổ kính lớn có kiến trúc cổ còn nguyên vẹn nằm ở tổ dân phố số 1, phố Cũ phường Hợp Giang, Thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội Chùa Phố Cũ diễn ra vào ngày mồng 2/2 Âm lịch hàng năm là hoạt động văn hóa sôi nổi, được coi là ngày hội đoàn kết của bà con nhân dân trên địa bàn phường. Đồng thời thông qua đó nhằm giới thiệu và quảng bá đến nhân dân, đông đảo du khách thập phương về giá trị lịch sử – văn hóa của di tích.
Theo sách xưa, Chùa Phố Cũ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3, có tên gọi là Quan Đế Miếu, là nơi thờ Quan Vân Trường, vị võ tướng có tài mưu lược, khí phách anh hùng và hết mực trung nghĩa của lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc. Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn là di tích cách mạng, nơi Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng do đồng chí Văn Tư (tức Hoàng Đình Giong) lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật. Cũng tại ngôi chùa này, vào ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh và Thị xã tổ chức mít tinh, chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh và thị xã Cao Bằng ra mắt trước đông đảo nhân dân. Chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 31/12/2002.

Hàng năm lễ hội Chùa được tổ chức rất quy củ, đông vui. Nhân dân tổ chức rước kiệu, mổ lợn, dâng hương, tế lễ,… không khí ngày hội tưng bừng, náo nhiệt, bà con nhân dân chúc phúc cho nhau cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, những năm gần đây, công tác tổ chức, an ninh trật tự được tăng cường. Trong ngày hội, diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục dân ca dân tộc như: Dá hai, hát quan họ, chầu văn… Nhiều trò chơi dân gian vẫn được duy trì: cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố,… thu hút sự tham gia của đông đảo các Đội văn nghệ, đội thể thao các xã, phường trên địa bàn.


5.Lễ hội đền Kỳ Sâm
Lễ hội đền Kỳ Sâm được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, tại xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An. Lễ hội tưởng nhớ thánh nhân Nùng Trí Cao – người đã có công đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước.
Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao ở xã Tượng Cần, huyện Thạch Lâm nay là Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 5km. Đền được xây dựng để thờ danh nhân lịch sử Nùng Trí Cao, người Dân tộc Tày, một nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp mở nước ở thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Ông là con của thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Vốn thông minh, lại được về kinh đô Thăng Long theo học, Nùng Trí Cao trở thành người có tài thao lược. Chính vì vậy, vua Lý đã nhiều lần cử người lên thuyết phục Nùng Trí Cao không theo nhà Tống. Sau này ông còn đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên và được nhân dân kính trọng. Sau khi ông mất vua lại phong cho là Khâu Sầm Đại Vương. Câu chuyện về Nùng Trí Cao đã trở thành huyền thoại. Công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ.

Sau phần lễ, phân hội với nhiều trò chơi như: Tung còn, đấu vật, đấu võ, đá bóng, múa sư tử, múa rồng, múa lân… thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách.

Lễ hội cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh và hái lộc đầu xuân. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhân dân cũng lập đền thờ ông./.

6.Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông – vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành.Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Lễ hội của dân tộc Tày – Nùng ở Cao Bằng diễn ra từ ngày 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).

Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm… Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản. Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng : đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, bánh dày, chè lam…Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà). Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ , có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian : cuớp còn (như người Mường, người Việt vùng trung du chơi cướp nõn nường ), ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên(hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng ………

Ném còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, người dân quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. Gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn, là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa, còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời. Đặc biệt các điệu hát Sli ( Nùng ) , Lượn ( Tày ) quen thuộc được biểu diễn một cách tự nhiên trong làng , ở khe suối hay ở các cánh rừng. Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất. Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử . Những điệu múa lễ hội khác của người Tày Nùng là xòe chiêng , múa then. Khi trời tối cũng là lúc không khí hội chuyển sang sự hấp dẫn khác. Lửa trại được nhóm bùng lên. Những là hát cọi vang lên. Câu ca “Gốc cọi ở mường trời, tổ cọi ở xứ tiên” từ miệng hoa của người con gái thường được mở đầu cho các làng hát cọi đối đáp nhau. Ngoài ra, hội còn tổ chức thi hát lượn, hát sli, thu hút đông người tham gia.

Trong những năm gần đây đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian, đã thu hút du khách cả nước đến thăm quan, dự hội ngày một đông.


7.Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày
Hội được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba.Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày thì trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên – con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.

Thời gian tổ chức hội Nàng Hai phụ thuộc vào thời gian đã quy định ở từng xóm từ thời xa xưa truyền lại; như ở Bản Guống đón trăng vào ngày mùng 6 tháng hai và đưa tiễn trăng vào ngày 24 tháng 3. Bản Nưa Khau đón trăng vào ngày 11 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 22 tháng 3. Bản Ngườm Cuông đón trăng vào ngày 15 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 21 tháng 3.

Để tổ chức hội Nàng Hai, các cụ già trong bản chọn một bà mẹ có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hát giỏi để làm Mẹ Trăng, tiếng địa phương gọi là “Mụ cốc” và chọn lấy 12 đến 18 cô gái trẻ đóng vai nàng tiên. Trong các cô này chọn ra hai cô gái chưa chồng để đóng hai chị em trăng. Cô chị gọi là “Nàng Slở”, cô em gọi là “Nàng Gường”. Chọn lấy hai thiếu niên nam mang lễ đi trước mở đường cho cuộc hành trình các nàng và mẹ trăng đi lên trời.

Về trang phục: Mẹ Trăng (Mụ cốc) mặc quần áo chàm, trên đầu buộc một dẻ vải đỏ vắt chéo qua trên khăn. Khi hành lễ, đến đoạn múa lên đường, mẹ trăng tay cầm ngọn mía, trên ngọn mía có treo một túi đựng trầu nhỏ, một chiếc mù soa, và một bát nước có đặt một lá bưởi. Bát nước và ngọn mía có ý nghĩa tượng trưng cho việc tẩy uế.

Hai thiếu niên nam mặc quần áo chàm, trên đầu buộc hai dẻ vải đỏ, ngang hông buộc thắt lưng bằng vải đỏ. Đến khi Mẹ Trăng và các nàng tiên làm cuộc hành trình thì hai thiếu niên tay cầm mỗi người một cây trúc nhỏ tỉa cành, chỉ để lại mấy cành ở ngọn, trên ngọn buộc một chiếc khăn tay. Theo tiếng dân tộc hai cây trúc này gọi là cây “cụ tiến”. Cây “cụ tiến” với ý nghĩa là mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên lên trời cầu các mẹ trăng xuống giúp trần gian trong các công việc làm ăn.

Hai nàng trăng, trăng chị (nàng Slở) thì mặc áo vàng, trên đầu vấn khăn có buộc một dẻ vải màu vàng chéo qua trên khăn, trăng em (nàng Gường) thì mặc áo đỏ, trên đầu buộc dẻ vải màu đỏ. Theo sau trăng chị, trăng em là sáu hoặc tám cô gái mặc áo chàm, trên đầu cô nào cũng buộc dẻ vải màu đỏ, hoặc màu vàng. Các cô này gọi là các mụ nàng đi phục vụ cho hai nàng trăng. Trong lễ hội còn có ông Tào làm lễ cúng các thần để cho lễ hội diễn ra và kết thúc an toàn.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, dân bản dựng một cái lều ở nơi khô ráo trong bản, gọi là lều trăng, tiếng địa phương gọi là “Thiêng hai”. Lều được dựng sơ sài lợp rơm, trong lều kê mấy tấm phản dùng làm chỗ ngồi cho mẹ trăng và các nàng tiên khi làm lễ. Trước lều các cô gái vào rừng hái các hoa rừng như: Bioóc Mạ, hoa cây Khảo Quang, hoa Guột, hoa Chuối… về buộc lại từng bó vắt lên sào treo trước lều trăng. Trước khi hành lễ những người đóng vai Mẹ Trăng (Mụ cốc) và các nàng đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân. Theo trình tự, mỗi người hít thở ba lần khói hương để tống khứ linh hồn của người ra để linh hồn Mẹ Trăng và các nàng tiên nhập vào. Sau lễ nhập hồn việc hành lễ đón trăng bắt dầu. Sau ngày lễ đón trăng, Mẹ Trăng và các nàng đã làm lễ nhập hồn rồi về nhà không được làm những công việc uế tạp như gánh phân, vào chuồng gia súc…

Việc hành lễ hội: Sau lễ đón trăng xuống, các đêm tiếp theo là làm lễ cúng các Mẹ Trăng. Lễ cũng làm trong mười hai đêm. Mỗi đêm cúng mời một Mẹ Trăng xuống giúp cho trần gian làm ăn. Lễ cúng được miêu tả là cuộc hành trình các nàng tiên lên trời đến các cửa của các Mẹ Trăng như cửa mẹ Lạn Ba, mẹ Khắc Cơ, mẹ Bích Lam, mẹ Bích Vân, mẹ Lưỡng Tàm, mẹ Mạ Mỳ… Theo dân gian thì mỗi mẹ phụ trách một công việc; như mẹ Khắc Cơ bảo quản giống lúa, mẹ Bích Lan thì coi giống bông, mẹ Lưỡng Tàm thì quản giống Tằm, mẹ Mạ Mỳ thì trông coi các loại sâu bọ, cầu mẹ nhốt các loại sâu bọ lại không cho nó phá hoa màu…

Sau khi đã cầu hết các cửa, xin các mẹ được đầy đủ các giống cây, con, các điều kiện mưa gió thuận cho việc trồng trọt, làm ăn ở trần gian thì dân bản lại tổ chức đưa tiễn các nàng trăng về trời. Lễ này được tổ chức chu đáo và là ngày hội chính thức trong năm của bản, lễ hội này thu hút nhiều người ở địa phương khác đến chơi.

Tổ chức lễ tiễn các nàng trăng về trời, dân bản lại dựng một lều trăng thứ hai ở ngoài cổng. Lễ này được tổ chức trong một ngày. Trước khi ra hành lễ đưa tiễn các nàng trăng về trời ở ngoài đồng, Mẹ Trăng và các nàng trăng phải làm lễ chia tay trong lều đón trăng ở trong bản, họ hát các bài hát chia tay và vừa đi vừa dùng tay du mạnh những cột lều để cho lều đổ, mục du lều đổ này gọi là mục “Trụ trại”. Sau lễ “Trụ trại”, Mẹ Trăng và các nàng trăng ra cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng trăng về trời.

“Lều trăng” ở giữa đồng cũng dựng sơ sài như lều trăng ở trong bản, phía trước lều có đặt các mâm cỗ, trong đó có ba mâm to, một mâm có thủ lợn, xôi, rượu, hai mâm có con gà, xôi, các mâm khác chỉ có xôi ngũ sắc. Bên cạnh các mâm có đặt những chiếc thuyền đẽo bằng gỗ, trong đó có một chiếc to, trang trí đẹp hơn. Các thuyền này tượng trưng là những con thuyền chở của cải, hoa trái của dưới dương gian đưa lên tiến cho các Mẹ Trăng lên trời. Trước cửa “lều trăng” là những hàng cọc dựng lên thành khung, mỗi khung cách nhau chừng hai mét, trên những khung đó được trải những tấm vải lợp qua, tạo thành một đường vòng quanh sân. Những khung lợp vải này gọi là “trại mùng mành”. Khi hành lễ đoàn các mẹ và các nàng trăng đi qua dưới những tấm vải lợp này. Trong “lều trăng” có trên những sào hoa rừng ở trước lều, những sào hoa này được các nàng phụ đi theo hai nàng trăng khiêng từ lều đón trăng trong bản ra. Trước lều đặt một mâm hương có ba bát gạo một bát có quả trứng gà, một bát có cắm ba con én gấp bằng giấy, ba chiếc thía dùng đựng rượu và một số các loại giống hoa màu. Trong lễ tiễn trăng này, sau khi làm xong lễ đưa tiễn, múa, đưa của cải lên thuyền cho các mẹ và các nàng trăng về trời thì các nàng phụ khiêng hai sào hoa và một người già cầm chiếc thuyền to nhất đi xuống trước bản thả. Sau khi thả thuyền và đặt hoa ở bên suối, thầy Tào làm phép tách vía cho mẹ và các nàng trăng, cùng với thầy Tào, thân nhân, bạn bè của hai cô đóng vai trăng chị và trăng em, gọi hồn vía người ở trần gian nhập lại vào người để trở về người trần. Hai cô phải rũ bỏ khăn vấn trên đầu và ra khỏi chỗ làm lễ tách nhập hồn.

Sau mấy chục năm lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng không có điều kiện tổ chức, đến năm 1996 Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Cao Bằng đã đồng ý cho bà con ở xã Tiên Thành tổ chức lại lễ hội này. Lễ Hội Nàng Hai ở Tiên Thành tuy mới được khôi phục lại nhưng đã có sức cuốn hút nhiều người. Cái độc đáo nhất là lễ hội vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi. Việc khôi phục lại lễ hội Nàng hai là gìn giữ cho dân tộc Tày một lễ hội cổ truyền mang tính văn hóa, đồng thời gìn giữ được làn điệu dân ca “lượn hai” mà lâu nay trong các làn điệu dân ca dân tộc Tày, người sưu tầm gần như đã quên lãng

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN