Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở An Giang

0
1815
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng topxephang tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở An Giang nhé.
1.Lễ Hội Chol ChNam Thmay
Lễ hội Chôl Chnam Thmây còn được gọi là “Tết năm mới” hay “Lễ chịu tuổi” . Đây là lễ hội truyền thống của người dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ giống như tết Nguyên Đán của người Kinh. Lễ hội được kéo dài 3 ngày trong tháng Chétt (lịch Khmer), đó là: 14, 15, 16 tháng 4 Dương lịch (năm nhuận thêm ngày 13-4 dương lịch) tại chùa và ở gia đình.
Ngày xưa, nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết là “đắp núi cát” và “tắm Phật”. Sùng đạo và tôn kính đức Phật. Chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các Lễ hội của người Khmer đều tập trung tại chùa. Trong ba ngày Tết, không khí tại các chùa và các phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm. Tháng tư về… Không gian thông thoáng, khí trời mát mẽ, khô ráo và mùa màng thì cũng đã gặt hái, thu hoạch vừa xong. Đây chính là thời điểm thuận lợi, thoải mái nhất để mọi người thong dong hưởng thụ những ngày lễ hội vui vẻ mà không phải vướng bận to toan. Chôl Chnam Thmây được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, diễn ra trong ba ngày: – Đêm Giao thừa nhằm vào đêm 13 tháng 4, được cúng tại nhà để đưa tiễn “Têvađa” cũ và rước “Têvađa” mới về. Đây cũng chính là đêm “lễ đi tu” (bôn bâm bous) của các chàng trai. Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Têvađa xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ được an cư, lạc nghiệp. Ngày thứ nhất – Chôl sangkran Thmây (ngày đầu năm mới): Chọn giờ tốt nhất trong ngày, có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm (tùy theo năm). Tất cả mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự nhất, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran”, đồng thời diễu hành ba vòng chung quanh chính điện để đón chào Chư Thiên (Têvađa). Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới Têvađa về để hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật. Tối đến các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa Dù kê, Rôbăm, Lâm thôn… được mọi người thưởng ngoạn và tham gia vui chơi rất náo nhiệt. Ngày thứ hai – Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày): Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa (Wen Chông Ham) cho các vị sư. Theo phong tục của người Khmer. Vào các ngày Lễ, Tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi. Đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vât đến cúng chùa. Vào buổi chiều, người ta tổ chức Lễ đắp núi cát (Puôn Phnon Khsach) để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn. Ngày thứ ba – Lơm săk: Còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Vào ngày nầy, các phật tử Khmer, mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ tinh mơ để đâng cơm cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu: Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát. Họ dùng những cành hoa để vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật. Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Phật Trời gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khoẻ, ruông rẫy tốt tươi và trúng mùa. Họ cũng cầu chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện. Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lế sám hối của người Việt. Sau đó mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu). Tất cả mọi người dưới sự hướng dẫn của vị Achar sẽ thành tâm cầu nguyện cho các vong linh những người thân của mình được siêu thoát. Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà. Tất cả con cháu trong gia đình trãi chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi vầo đấy để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa đổi. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ước mong năm mới cả nhà sẽ luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc, con cháu sẽ dùng nước hoa thơm tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục


2.Lễ Ramadan của đồng bào Chăm
NgườiI Chăm ở An Giang sống tập trung tại các huyện An Phú, Tân Châu và Phú Tân, có tháng Thánh lễ rất thiêng liêng gọi là Ramadan. Ðây là tháng ăn chay diễn ra từ ngày 1-9 đến 30-9 theo lịch Hồi giáo.

Ðây là một dịp để đồng bào, cả nam lẫn nữ từ năm tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng – sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để khắc phục, sửa chữa những hành vi sai trái. Mỗi người trong suốt tháng này, từ rạng đông đến chạng vạng phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống (khi tắm cũng không để cho nước ngập đến lỗ tai). Cũng không được sát sinh hại vật, và nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai. Ðược biết, trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, không được tổ chức vui chơi, hát xướng.

Ðể chuẩn bị, trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (vì tuyệt đối không ăn thịt heo và chó, nên bà con không nuôi những con vật này) để khi “ra lễ” sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường, nhưng không uống rượu, kể cả bia.

Thức ăn truyền thống của đồng bào trong những buổi tiệc tùng là hai món cà-ri và cà-púa. Tên gọi hai món ăn này là nói theo tiếng Ấn Ðộ, nhưng truy nguồn gốc thì cà-ri là món ăn ưa thích của người Ấn, còn cách làm cà-púa giống với cách làm của người Thái-lan. Cà-ri nấu với khoai; cà-púa không nấu chung với món nào hết, với gia vị mạnh và cay hơn cà-ri.

Về trình bày, thịt nấu cà-ri cắt sao cũng được, trong khi cà-púa thì có quy tắc nhất định: một kg thịt cắt ra làm 16 cục (miếng); mỗi “carê” (bốn người ngồi một mâm) dọn lên hai đĩa, mỗi đĩa bốn cục. Như vậy tiêu chuẩn mỗi người là hai cục thịt nạc. Trên mâm có dọn thêm một món dưa chua và một tô xương xúp.
Do cà-púa chỉ sử dụng toàn “thịt nạc khối”, nên phần thịt nạc vụn đã bỏ hết gân, được dùng làm món “tung lò mò” (lạp xưởng bò), cắt nhuyễn, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường và một vài loại gia vị riêng, trong đó có cơm nguội. Trộn xong để một lúc cho thấm rồi dồn vào ruột bò đã lộn bề, đem phơi. Ðặc biệt, tung lò mò để càng lâu, càng khô, ăn càng ngon, đến một, hai tháng cũng không hỏng. Thưởng thức tung lò mò ngon nhất là nướng và chiên, ăn với rau sống, chuối chát…

“Những ngày hội” sau tháng Thánh lễ được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 10 theo Hồi lịch. Ðây cũng là ngày “hẹn truyền thống” của những thành viên trong cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Người Chăm ở An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ, gọi là tết Roya, ngày này vui như người Việt ăn Tết Nguyên đán.

3. Lễ hội Kỳ An đình Châu Phú
An Giang là một vùng đất không chỉ nổi tiếng bởi lễ hội Bà Chúa Xứ mà hàng năm nơi đây còn diễn ra một lễ hội vô cùng nổi tiếng. Đó chính là lễ hội Kỳ An ở đình Châu Phú thuộc huyện Châu Phú, nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh – một người có công với đất Nam bộ và nhất là có thời gian gắn bó với vùng đất An Giang. Ngoài Thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh, trong đình còn thờ Thoại Ngọc Hầu cùng hai ông chánh vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và phó vệ thủy Lê Văn Sanh. Lễ hội diễn ra vào tháng năm âm lịch từ mồng 10 cho đến ngày 12 với nhiều nghi thức đặc sắc.
Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày mùng 10/5 âm lịch, tiến hành lễ thỉnh “sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh” từ Nhà lớn về đình. Lễ này rất long trọng, có xe hoa, long đình, chiêng, trống, học trò lễ v.v… các vị trong ban quản trị đình thần mặc áo dài khăn đóng đi hầu phía sau. Sau lễ thỉnh “sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh” là lễ thỉnh “Sắc thần Thoại Ngọc Hầu” tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc hầu), sắc thần của hai ông chánh vệ thuỷ Đỗ Đăng Tàu và phó vệ thuỷ Lê Văn Sanh.

Sang ngày thứ hai 11/5 đúng một giờ đêm lễ túc kết bắt đầu với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống.

– Lễ vật chính dâng cúng trong buổi lễ túc yết gồm có một con heo trắng (heo đã mổ xong, cạo sạch, chưa nấu chín), một chén đựng huyết, một ít lông heo gọi chung là “mao huyết”, một mâm xôi, một trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo. Các lễ vật được bày trên bàn, riêng con heo trắng được đặt sấp, thân phủ lên một giá gỗ cao. Ngoài ra còn có những lễ vật khác do nhân dân mang đến dâng cúng.

Bắt đầu vào lễ, ông chánh tế đến dâng hương lễ trước bàn thờ, rồi lần lượt Ban quản trị thay nhau vào lễ. Kế đến là phần “Khởi chinh cổ”, sau khi đánh ba hồi trống gỗ và ba hồi chiêng mõ. Ban nhạc lễ với các nhạc cụ dân tộc bắt đầu trỗi lên, lễ dâng hương, chuốc tửu, tiệm trà bắt đầu. Sau khi dâng hương, dâng ba tuần rượu gọi là chuốc tửu và dâng trà gọi là tiệm trà, theo lời xướng của người xướng lễ, bản văn tế được mang đến trước bàn thờ. Ban tế quỳ xuống “đọc văn”, trong khi ban nhạc lễ trỗi nhạc để phụ họa cho giọng đọc. Dứt bài văn tế, ông chánh tế nghỉ cúng, đốt văn bản này và một ít giấy tiền vàng bạc, phần nghi thức lễ túc yết coi như đã xong.

Sau khi lễ túc yết xong, là đến lễ xây chầu và hát bội được tổ chức tại gian võ ca phía trước chính điện. Ông chánh tế mở đầu lễ xây chầu bằng việc nhúng cành dương vào tô nước cầm trên tay vẩy ra xung quanh và đọc lời cầu nguyện:

– “Nhất sái thiên thanh”. (Trời thêm thanh bình)

– “Nhị sái địa linh” (Đất thêm tươi tốt)

– “Tam sái nhơn trường” (Người được sống lâu)

– “Tứ sái quỷ diệt hình” (quỷ dữ bị tiêu diệt).

Đọc xong, ông chánh bái đánh ba hồi trống và nói: “Ca công- tiếp hát”, lập tức trống mõ của đoàn hát bội rộ lên và chương trình hát bội được bắt đầu. Đoàn hát rất nhiều xuất với các tích tuồng xưa như: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Trưng nữ Vương, Lưu kim Đính, Sơn hậu…

Ngày 12/5 cuối cùng của lễ hội bắt đầu vào 3 giờ sáng với lễ chánh tế, nghi thức diễn lại như lễ túc yết là sau phần dâng trà là phần âm thực mang ý nghĩa truyền thống. Đến 13 giờ cùng ngày thì tiến hành nghi thức cuối cùng là lễ nối sắc. Nghi thức cũng giống lễ thỉnh sắc.

Lễ hội này thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng qui tụ về với lễ vật trên tay, trang phục chỉnh tề thành tâm cầu thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Như thế, lễ Kỳ Yên ở đình Châu Phú vừa mang ý nghĩa tưởng nhớ một vị có công khai phá miền Nam Bộ, vừa cầu mong một cuộc sống no đủ. Cho nên, đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian đáng được bảo tồn, duy trì và tạo điều kiện phát triển.

4.Hội đền Nguyễn Trung Trực
Đền Nguyễn Trung Trực ở xã Long Kiên, huyện Chợ Mới. Ông là thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở Nam bộ, với chiến thắng vang dội là đã đánh chìm một tàu của Pháp trên sông Nhật Tảo (thế kỷ 19). Lễ hội mở ra vào ngày 18, ngày 19 tháng 10 âm lịch hàng năm để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của ông.

Phần lễ cơ bản có các nghi thức cổ truyền bao gồm: lễ tế đàn cả, lễ tế cụ Nguyễn, lễ dâng hương…

Phần hội với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật với những tiết mục biểu diễn góp phần làm không khí lễ hội trở nên sôi động.Trong đó đáng chú ý nhất là tiết mục diễn lại trận đánh chìm tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, chơi cờ người, thi múa lân sư rồng, thi cộ hoa, thả hoa đăng trên dòng sông Kiên…

Kể từ năm 2003 trở đi, lễ hội đền Nguyễn Trung Trực được xem là một trong những sự kiện văn hoá lớn mang tầm cỡ quốc gia với nhiều hoạt động vui chơi giải trí đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến tham gia


5.Lễ hội Bà Chúa Xứ
Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch. Tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế),thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang.

Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế.

Lễ tắm Bà. Lễ này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khoẻ mạnh và trừ ma quỷ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái.

Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà:Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24.Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc kết thúc. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.
Lễ Túc Yết: Lễ được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26. Tất cả các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Vật cúng gồm có: một con heo trắng (đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là “mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. Ông chánh bái làm lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà, dâng tế, sau đó thì hóa một ít giấy vàng bạc.

Lễ xây chầu: Sau cúng túc yết là Lễ xây chầu.Ông chánh bái sẽ bước tời bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu. Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện. Đọc xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông đánh ba hồi trống và xướng “ca công tiếp giá”, lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương v.v…

Lễ Chánh tế: Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng “túc yết”). Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng.

Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ,các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén…thu hút nhiều du khách.

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Lễ hội thực sự là một lễ hội văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.

6. Lễ hội đua bò dân tộc Khơ – Me
Lễ hội đua bò được tổ chức vào lễ “Đôn ta” (lễ cúng ông bà), từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. “Đôn-ta” là một trong những lễ hội lớn mang tính truyền thống của người Khơ-me để biểu lộ lòng tưởng nhớ, biết ơn đối với tổ tiên và công lao của những người đã khuất.

Sau khi đến chùa làm lễ rước vong linh ông bà tổ tiên về cùng chung vui với gia đình, người Khơ-me thường kết những bè chuối để làm thuyền, trên thuyền bày đủ các phẩm vật đã cúng, mỗi thứ một ít, sau đó đem thả xuống dòng nước cạnh nơi ở hoặc ao hồ, sông rạch gần nhà… Cũng vào dịp này, khách đến thăm phúm, sóc sẽ được bà con Khơ-me đón tiếp nồng hậu, tiếp đãi chu đáo. Vì họ quan niệm khách là sứ giả của tổ tiên về thăm gia đình, con cháu… Trong lễ ”Đôn-ta” ngoài tập tục thả thuyền, người Khơ-me còn tổ chức hội đua bò truyền thống. Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m có nước xăm xắp, được “trục” xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.

Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số qui định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau… Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn – cây xà-lul. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Điều này có khác với đua ngựa ở chỗ là mỗi người cưỡi một con, ai về đích trước sẽ thắng cuộc. Ngày hội đua, từ sáng sớm bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò. Có người ở cách xa hàng vài cây số cũng mang theo cả xoong, nồi, mắm, muối nấu ăn tại chỗ để xem cho trọn vẹn cuộc đua. Chỗ xem cũng không cần cầu kỳ như xem bóng đá, đua ngựa hay một số môn thể thao khác, chỉ cần đứng ở vị trí hơi cao so với mặt sân đua hay leo lên bờ bao là đủ. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến kết thúc không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng, tiếng vỗ tay, reo hò, sôi nổi cổ động dành cho những người điều khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha về đích gay go, quyết liệt.


7.Lễ Hội Hát Gi (Haji hay còn gọi Roya Hadji)
Là lễ hội của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi, ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, thờ thượng đế Allah. Lễ được tổ chức từ ngày 7 đến 10 tháng 12 (hồi lịch) tại các thánh đường Hồi giáo. Hàng năm ở An Giang lễ hội Hát Gi diễn ra tại chùa Chăm Châu Giang xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân.

Vào ngày lễ, toàn thể tín đồ phải lắng nghe ông Khojip nói lại sự tích ngày thánh Lbrôhim. Buổi tối, tổ chức cuộc thi đọc kinh Coran và chấm giải nhất cho ai đọc hay và thông suốt. Sau phần hành lễ, người Chăm thường tổ chức các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao như ca hát, đua ghe… Giống như Tết của người Việt, đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và chúc mừng, cầu nguyện điều lành cho nhau.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN