Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Lào Cai

0
1853
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Lào Cai nhé.

1.Lễ hội đền Bắc Hà
(Cinet) – Lễ hội đền Bắc Hà được tổ chức hàng năm vào ngày 7/7 âm lịch, tại đền Bắc Hà, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, nhằm tưởng nhớ ngày mất Gia quốc công Vũ Văn Mật, người đã có công dẹp loạn, an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16-17.
Phần Lễ gồm: lễ dâng hương, khoá tế nam, khoá kế nữ, rước kiệu.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các tiết mục văn nghệ chào mừng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương như múa xòe sẽ có nhiều hoạt động thể thao đặc sắc như: đẩy gậy, chọi gà, kéo co, cờ tướng…
Đền Bắc Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người gốc Gia Lộc, Hải Dương, lên động Ngọc Uyển (vùng Bắc Hà ngày nay) xây dựng căn cứ quân sự, ổn định đời sống dân cư cả một vùng biên giới rộng lớn.
Sách sử có ghi: “Đời vua Tự Đức năm thứ 7 (1855) sắc phong các chúa Bầu (anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật) làm quốc công, hùng cứ Bắc Hà, làm cho vùng đất này trở thành trù phú, dân cư đông đúc”. Sử nhà Nguyễn chép: “Uy thế nhà Lê nổi là nhờ sức của anh em họ Vũ đã có công đánh giặc, bờ cõi được yên, nhân dân an lạc”.
Nhà Nguyễn cũng sắc phong anh linh các chúa Bầu làm tổng binh trấn thủ Tuyên Quang. Năm Gia Long thứ nhất, xét công bách thần cả nước, quốc công Vũ Văn Mật được liệt vào hàng công thần đời Lê Trung Hưng.
Ngày 29/10/2003, đền Bắc Hà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, ngày chính lễ hàng năm là 7/7 âm lịch. Từ đó đến nay, ngôi đền là nơi để nhân dân trong vùng và khách du lịch thập phương ngưỡng vọng người có công với dân với nước. Lễ hội cũng đóng góp vào sản phẩm du lịch trên cao nguyên hoa mận trắng Bắc Hà./.

2.Lễ cúng rừng của người Dao Tuyển
Lễ cúng rừng của người Dao Tuyển bản Mạ, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết hàng năm. Đây là lễ hội bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, kết hợp lễ cúng rừng đầu xuân theo phong tục cổ truyền.

Từ nhiều đời nay người Dao Tuyển bản Mạ có phong tục cúng rừng đầu xuân mới vào một ngày tháng Giêng và cúng vào 3 ngày chính khác trong năm gồm lễ Thanh Minh (ngày mùng 3/3 Âm lịch), lễ Thần Nông (ngày mùng 6/6 Âm lịch) và lễ Cơm mới (ngày 9/9 Âm lịch). Trong đó, lễ Cúng rừng đầu xuân là lễ lớn nhất vì cúng vào đầu năm mới và có nhiều người tham gia dự hội mở rừng và trồng cây gây rừng theo phong tục người Dao Tuyển.

Để chuẩn bị cho lễ cúng rừng, các hộ gia đình đồng bào Dao Tuyển dậy từ rất sớm dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên và chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất tham dự lễ hội.

Bắt đầu làm lễ, thầy cúng (người có uy tín trong thôn) đi trước với bộ quần áo dài màu vàng, trên áo thêu những nét hoa văn truyền thống độc đáo của dân tộc Dao Tuyển để không bị nhầm lẫn với người dân trong làng. Thầy cúng đội trên đầu một chiếc mũ vẽ hình con hổ (biểu tượng này thay đổi theo từng năm), đi sau đó là các sản vật của dân làng: mâm xôi, thủ lợn, gà, rượu, hương, bánh mật… đã được chuẩn bị sẵn từ hôm trước ở nhà trưởng thôn. Tiếp sau là lãnh đạo huyện, khách mời cùng các già làng trưởng thôn bản, nhân dân trong xã, đặc biệt lực lượng không thể thiếu của buổi lễ cúng rừng là kiểm lâm.
Lễ vật được rước đến dưới cây mí đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu rừng cấm của làng, thầy cúng đỡ những mâm cỗ trên đầu những nam thanh, nữ tú đặt vào miếu trước cây. Bên trên mâm cỗ treo 5 đôi câu đối được viết bằng chữ của người Dao Tuyển với các nội dung như: rừng che chở cho con người và mùa màng; mọi người phải bảo vệ rừng; nhà nhà phải bảo vệ rừng; người người phải trồng và bảo vệ rừng. Thay mặt bà con dân làng, thầy cúng cầu mong thần rừng che chở, mong cho một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Sau nghi lễ cúng rừng, tất cả mọi người tập trung ra khu đồi trống ở gần đó để nghe các cán bộ kỹ thuật kiểm lâm hướng dẫn phương pháp kỹ thuật trồng cây gây rừng. Bà con trong xã cùng nhau trồng nhiều cây xanh để cảm tạ thần rừng và giữ màu xanh cho làng bản.

Tiếp đó, trưởng thôn đọc cam kết bảo vệ rừng, đồng thời đại diện cho toàn thể nhân dân trong thôn tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với lực lượng kiểm lâm. Tất cả mọi người đều phải tuân thủ theo cam kết đã đề ra như: không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận động bà con trong thôn cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” do thôn bản đề ra, tích cực tham gia trồng rừng… Trong năm, không một ai được xâm phạm đến khu rừng cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy ước.

Sau phần lễ cúng rừng, đến phần hội thi đấu một số môn thể thao dân tộc như kéo co, ném còn, đánh quay, đẩy gậy … luôn thu hút hàng ngàn người dân trong vùng cùng tham gia thi đấu và dự cổ vũ./.


3.Lễ hội đền Thượng
Đền Thượng là nơi thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo – vị tướng, người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn, lãnh đạo toàn dân và quân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên xâm luợc hồi thế kỷ XIII.Nhiều năm qua cứ “ đến hẹn lại lên” vào rằm tháng Giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Lào Cai và cả nước lại nô nức hành hương về thành phố Lào Cai – nơi đất thiêng ải Bắc để hoà mình vào bầu không khí sôi động của Lễ hội đền Thượng.
Phần lễ được cử hành trang nghiêm trong các đền chùa trên đồi Hoả Hiệu bao gồm có khai hội, rước kiệu vong linh, đọc văn tế, dâng hương.

Nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, lãnh đạo tỉnh bạn Vân Nam – Trung Quốc… được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Đồng bào các dân tộc ở Lào Cai cũng như từ nhiều nơi khác đến với Lễ hội Đền Thượng dâng lễ đều có tâm nguyện cầu mong Đức Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo cùng Tổ tiên Đại Việt… chứng giám cho tấm lòng thành của mình, phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, hạnh phúc, thành đạt
Phần hội diễn ra tưng bừng náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, vui nhộn như: múa rồng, lân, kéo co, ném còn, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi gà, đu, cờ người…

Lễ hội Ðền Thượng là nét đẹp văn hóa của các dân tộc Lào Cai đã và đang đưược bảo lưu và phát triển. Khách đến không những được tỏ lòng thành kính với ngưười anh hùng dân tộc, thăm quan vãn cảnh đền, cầu chúc cho năm mới may mắn tốt lành, mà còn đưược thưởng thức không khí vui tươi, nhộn nhịp của các hoạt động lễ hội. Hội xuân Ðền Thượng chắc chắn sẽ tạo nên một ấn tượng tốt đẹp, góp phần quảng bá cho hình ảnh của du lịch Lào Cai là điểm đến của du khách trong thiên niên kỷ mới.

4.Lễ hội “Nào Cống”
Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian. Ngôi miếu dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Ngôi miếu trở thành địa điểm tổ chức lễ “Nào Cống” của cả vùng thung lũng Mường Hoa.Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy ở Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện (có thể là chồng hoặc vợ), không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.

Lễ “Nào Cống” có 3 phần: Phần nghi lễ cúng thần, phần công bố quy ước chung cả vùng và phần ăn uống.

Ngôi miếu thờ được người Mông gọi là “Chế đáng” (Tsêr đăngz). Miếu thờ có 3 gian, gian giữa thờ hai viên quan họ Đào, họ Nguyễn đã có công an dân và xây dựng Mường Hoa. Một gian bên trái thờ thần núi (Sơn thần), thần Suối Hoa (Long Vương), người Giáy gọi là “Sía po”, “Sía ta”, người Mong gọi là “Thủ Ti”, “Lùng Vàng”. Một gian bên phải thờ các bà nàng vợ hai ông quan họ Đào, họ Nguyễn. Lễ Vật dân cúng là trâu đen, lợn đen và gà vịt do các làng đóng góp mua. Làng Tả Van Giáy còn có trách nhiệm chuẩn bị vàng hương, bát đĩa dâng cúng.

Trước đây, người chủ lễ phải mời thầy mo người Tày của Mường Bo (4). Từ thập kỷ 40 – 50 của thế kỷ này, chủ lễ là thầy mo của người Giáy ở Tả Van. Thầy mo ăn mặc áo dài, quần thụng (kiêng đội mũ, khăn) trịnh trọng đọc lời cúng các thần kinh. Nội dung bài cúng là mời các thần về dự lễ, cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, được mùa. Sau lễ cúng, chức dịch Mường Hoa lên đọc quy ước chung của cả Mường… Nội dung bản quy ước đề cập đến 4 vấn đề:

– Vấn đề trị an của các làng: không được trộm cắp, có biện pháp phòng ngừa kẻ xấu nơi khác đến trộm cắp.
– Vấn đề bảo vệ rừng: Các làng người Mông, người Dao, người Giáy, phải chú ý làm rẫy, cấm lấy củi hái măng ở khu rừng cấm thờ thổ thần và khu rừng chung đầu nguồn nước của làng…

– Vấn đề chăn dắt gia súc : Quy ước có quy định cụ thể thời gian cấm thả rông gia súc. Hàng năm từ ngày 15 tháng chuột (tháng 10 âm lịch) đến này Thìn tháng giêng (ngày mở hội xuống đồng) người dân mới được thả gia súc. Ngoài khoảng thời gian trên, cấm mọi người thả rông gia súc để tránh bị phá hoại mùa màng.

– Vấn đề ứng xử xã hội: Các quy ước của cả vùng đều đề cập đến quan hệ tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giúp gia đình có tang… đồng thời phê phán quan hệ nam nữ không lành mạnh, “Cấm kéo đàn bà, con gái vào trong núi”… Kết thúc phần đọc các quy ước, người chức dịch còn nhấn mạnh “Hôm nay, tôi nói cho mọi người biết như thế, từ đây mọi người trở về nhà phải tuân theo những lý lối này và kể cho cả nhà được biết để tuân theo”.

Khác với lễ “Nhặn sồng”, “Nào sồng”, lễ “Nào Cống” không tổ chức bàn bạc thảo luận quy ước, mọi người đến dự chỉ có trách nhiệm tuân theo quy ước do chức dịch đã phổ biến.

Kết thúc phần phổ biến quy ước, mọi người dự lễ “Nào cống” đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu. Trong miếu, chỉ có các chức dịch (lý trưởng, phó lý, thầy mo) được ngồi ăn. Trong làng, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.


5.Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc
Đặc điểm chung Lễ hội cầu mùa ở Lào Cai, đều cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng… Nhưng ở mỗi dân tộc khác nhau trong tỉnh cách thức tổ chức lễ hội rất khác nhau.
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển

Như thông lệ vào ngày tý tháng giêng hằng năm, người dân tộc Dao tuyển thôn Làng My, xã Xuân quang, huyện Bảo Thắng, lại rộn rã tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng…

Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội của người Dao Tuyển. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.

Trước khi mở hội người già trong bản, phân công là những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt.

Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ có cả gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, giảm đói nghèo.

Tất cả mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn. Trong trò chơi ném còn người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm.

Lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì

Đây là lễ hội lớn của bà con dân tộc Hà Nhì Đen ở vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Người Hà Nhì mở hội “Khu rừng già” hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.
Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.

Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.

Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.

Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.

Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.

Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần.

Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu.

Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Lễ hội Cầu mùa dân tộc Tày
Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ dâng cúng của các thôn bản trong xã cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người dân được ấm no hạnh phúc.

Phần hội được tổ chức độc đáo với màn đại dậm thuông của hàng trăm nghệ nhân và diễn viên quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như ném pao, ném còn, đá cầu… thu hút được đông đảo du khách và người dân tham dự.

Tuy đây là lễ hội cầu mùa của dân tộc Tày nhưng điều đặc biệt là trong phần lễ có cung kèn của dân tộc Dao và phần hội có nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc khác trong vùng, thể hiện sự đoàn kết giữ các dân tộc.

6.Hội xòe ở Tà Chải
Hội Xòe Tà Chải được tổ chức vào ngày 05/1 Âm lịch, tại Tà Chải Bắc Hà. Đây là hội xuân của người Tày cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Nghi lễ khá đơn giản với một mâm lễ vật tại chân cây nêu to, biểu thị lòng thành kính của dân bản đối với Thần Nông vị thần cai quản ruộng nương. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, cả làng cùng tham gia múa xoè trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã với nhiều điệu đặc sắc: xòe tập hợp, xòe đôi, xòe bốn, xòe chào…

Người Bắc Hà giàu lòng mến khách, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp Bắc Hà trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Nói đến du lịch văn hóa Bắc Hà, phải nhắc tới vùng văn hóa đồng bào Tày xã Tả Chải nổi tiếng với lễ hội lồng tồng và những điệu xòe sôi động.

Nền văn hóa dân tộc Tày xã Tả Chải, nhất là văn hóa lễ hội với hội xòe, lễ hội lồng tồng đặc sắc hấp dẫn… mang đậm nét văn hóa dân tộc với sự độc đáo, tinh tế. Ðó chính là thế mạnh để Tả Chải khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch văn hóa cộng đồng.

Ðồng bào Tày ở Tả Chải duy trì tổ chức đều đặn các lễ hội truyền thống. Ngoài Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, vào ngày rằm tháng chạp âm lịch bà con tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng), 2-2 âm lịch tổ chức lễ cúng rừng, sau vụ mùa vào tháng 10 âm lịch tổ chức lễ cơm mới…

Ðến với lễ hội, du khách thật sự ấn tượng với nét đẹp văn hóa truyền thống tinh tế, độc đáo của đồng bào Tày, nhất là các hoạt động văn hóa – văn nghệ dân gian, hội xòe.

Mở đầu lễ hội là phần lễ, các già làng, trưởng tộc, trưởng họ, những người có uy tín nhất trong cộng đồng người Tày dâng mâm cúng bao gồm các sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của đồng bào Tày nơi đây làm ra, bao gồm gà trống tơ luộc nguyên con, con lợn cắp nách luộc nguyên con, ngan hoặc vịt luộc nguyên con, hoa quả; chuối, quýt… vàng mã, giấy bảng, hương…
Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu… cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi…

Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm và chén rượu lộc. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở chín thôn bản.

Ðồng thời, lễ hội diễn ra các trò chơi như đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn. Các thôn cử ra các chàng trai khỏe mạnh đại diện tham gia. Trong vòng người đông đúc reo hò, cổ vũ, các chàng trai thi đấu hết mình để đem vinh quang cho thôn, bản và thể hiện mình trước các thôn nữ… Tiếp đó là hội diễn văn nghệ. Các đoàn mang đến lễ hội tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất để thi tài.

Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương… thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Các tiết mục ca hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là hát giao duyên tình yêu lứa đôi, hẹn hò nghe bồi hồi, xao xuyến. Trong lễ hội, trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hóa – văn nghệ, tỏ tình, hẹn hò nhau trong các buổi chợ phiên…

Kết thúc lễ hội vào buổi hoàng hôn là hội xòe, sau khi đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe. Lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày được tổ chức đều đặn vào ngày rằm hằng năm đã tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc.

Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa lễ hội. Ðiệu xòe Tả Chải được tổ chức trong lễ hội lồng tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng./.


7.Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín
Tết mừng chiến thắng của người Nùng Dín được tổ chức từ 01/07 đến 07/01 Âm lịch hàng năm, tại huyện Mường Khương và huyện Bắc Hà. Tết là dịp bà con dâng cúng thần linh thổ địa các món ăn từ chuối: quả chuối, hoa chuối, lõi chuối, xôi 7 màu với biểu tượng cây chuối và một đôi đũa màu đỏ, hát dân ca kể về sự tích chống giặc.
Truyền rằng, xưa triều đình nhà Hán (Trung Quốc) đưa quân đánh chiếm Mường Khương. Chúng chiếm đóng, giết người Nùng rất dã man. Do thế giặc mạnh nên sau một thời gian chống cự, đồng bào phải bỏ lại vùng đất của mình, rút lui theo dòng chảy của sông. Quân giặc tưởng người Nùng đã chạy trốn xa rồi nên không đuổi nữa, quay lại chiếm đóng mường, sau đó rút về nước, chỉ để lại một số người cai quản. Sau một thời gian ẩn nấp trong rừng, người Nùng đã củng cố lực lượng, quyết tâm đánh giặc để giành lại vùng đất của mình.
Trong lễ ăn mừng chiến thắng, người Nùng đã làm xôi bảy màu. Từ đó, họ chọn ngày 1/7 âm lịch làm ngày Tết cổ truyền của người Nùng. Cũng từ đó, món xôi này trở nên không thể thiếu trong ngày mừng lễ chiến thắng. Theo những người cao tuổi ở đây, mỗi màu xôi mang một sắc thái của cuộc kháng chiến năm xưa. Chẳng hạn, xanh lá chuối là màu của mùa xuân; đỏ thẫm là màu máu của những người đã anh dũng hy sinh, vàng là biểu tượng cho sự đau thương ly tán, đỏ tươi tượng trưng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín…
Điều làm nên sự khác lạ của món xôi này chính là “bản hợp tấu” tài tình của màu sắc mà chỉ những người phụ nữ Nùng Dín khéo léo mới có thể tạo ra. Không dùng bất cứ một thứ phẩm màu cao cấp nào, chỉ tận dụng cây rừng có sẵn như lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá câm hoa hay nghệ… nhưng bằng bí quyết gia truyền, họ đã tạo ra một món ăn hấp dẫn.
Xôi được làm từ thứ gạo nếp ngon, hạt to tròn, hương thơm ngọt, loại gạo chỉ có trên nương rẫy, mỗi năm một vụ cấy hái. Gạo ngâm kỹ, đãi sạch, ướp màu rồi đồ khoảng hai giờ. Những phụ nữ Nùng Dín giàu kinh nghiệm cho biết, để giữ màu xôi được tươi, không được cho muối vào gạo nếp khi nấu.
Màu xanh là biểu tượng của mùa xuân; màu đỏ là máu của những người đã hy sinh, là chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín…, bảy màu xôi thể hiện sự hào húng của cuộc kháng chiến chống quân Hán của đồng bào Mường Khương
Người Nùng Dín quan niệm, trong các ngày lễ, ngày Tết, việc ăn xôi bảy màu sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN