Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Hải Phòng

0
3369
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Hải Phòng nhé.

1.Hội chọi trâu Đồ Sơn
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân quận Đồ Sơn – TP Hải Phòng, được tổ chức chính thức vào 9/8 âm lịch hàng năm, trước đó còn có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển, Hải Phòng.

Việc chuẩn bị cho lễ hội này thật là công phu, phải chọn mua, nuôi và luyện trâu. Trâu chọi phải là” ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhọn, sừng cánh cung, trường đùi…”, trâu từ 4 đến 5 năm tuổi trở lên. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, không tiếp xúc với trâu thường.
Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên trong làng đã ra làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Lúc này, các làng có trâu chọi đều phải ra làm lễ. Sau đó là lễ rước nước ( có gắn với tục tế Thuỷ Thần). Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng ( phường ) mang về đình riêng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi làm lễ thần, trâu chọi đã chính thức được gọi là “Ông trâu”, là biểu tượng của tâm linh, là niềm tin, và là ước vọng của người dân nơi đây. Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, dân cư trong phường đều kéo ra đình. Từ đây, lễ rước các “Ông trâu” ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm.

Phần hội diễn ra vào chính hội (9/8) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la. Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Với màn múa cờ, những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi.

Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các “ông trâu” vào trận vang lên. Từ hai cổng bắc – nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng (ở hai bên). Hiệu lệnh phát ra thì hai trâu từ hai phía di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 m. Hiệu lệnh tiếp theo người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi, hai trâu liền lao vào nhau bắt đầu trận so tài.

Khi đã phân thắng bại, cảnh “Thu trâu” cũng diễn ra vô cùng hấp dẫn bắt bằng được con thắng để phải thi đấu xếp loại, phân ngôi nhất nhì…

Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Và đặc biệt hơn nữa là cho dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải.

2.Lễ hội vật cầu Kim Sơn
Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và ch­ơi trò vât cầu để rèn luyện quân sĩ. Và từ đó, dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm để đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn. Lễ hôi vật cầu thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình.

Ngay từ sáng ngày 30 tết, 3 giáp và nhân dân trong làng đã nô nức chuẩn bị làm cổng chào. Cổng chào được làm bằng tre quấn rơm và viết câu đối ‘Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân’ (tạm dịch: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). Tối 30 tết cả làng ra đình làng để tế thành hoàng làng.

Trong làng có 24 dòng họ và được chia làm 3 giáp: Giáp Đượng, giáp Nam và giáp Bắc, mỗi giáp 8 dòng họ. Mỗi giáp phải chọn cho giáp mình 6 người trong đó có 1 ông làm tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu và 5 đô vật. Đô vât phải là những thanh niên khoẻ mạnh và chưa lập gia đình. Mỗi một giáp phải dựng 1 cổng chào biểu tượng cho giáp của mình (giáp áo đỏ, giáp áo vàng, giáp áo xanh)

Quả cầu được làm bằng củ chuối hột nặng 20 kg, củ chuối hột phải già và lâu năm và phải do ông trưởng làng đi tìm, đào mang về đảm bảo tươi, nhẵn, trơn, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 – 40cm).Quả cầu được bọc giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng. Sau khi trang trí xong thì được đặt trên mâm bồng trong kiệu để ở án thờ trong đình làng .

Sới vật cầu trên sân đình có hình con nhạn bằng cát đen. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn có đường kính khoảng 1 mét, sâu chừng 0,7m, ba góc sân có 3 lỗ cầu quân nhỏ hơn.

Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng ‘cắc’ trống vang lên; cuộc vật bắt đầu. Vào cuộc, giai cầu nhảy xuống lỗ cầu cái tung lên, quả cầu tròn nhẵn lại rắn nặng khó bấu khiến các đội tranh giành đến là hào hứng. Có lúc cầu được cả 30 chục cánh tay dâng lên cao, khi lại lăn lông lốc kéo cả 15 giai cầu đổ xuống. Cả chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Nắng xuân hanh vàng. Mưa xuân lất phất. Quả cầu trơn đẫm nước, đẫm nhựa và tắm bùn. Còn các chàng trai thì nhễ nhại mồ hôi, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tất cả chìm trong tiếng trống thúc, tiếng người hò reo không ngớt…

Thi vật gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Khi giáp nào thắng cuộc (đưa được nhiều số lần quả cầu về sân mình nhất), tiếng hò reo lại vang dậy như sấm. Kết hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. Người dự hội thường ào xuống tranh giành lấy một miếng về ăn lấy ‘phước’ của thần làng.

Vật cầu Kim Sơn quả là một lễ hội đặc sắc, mỗi năm lôi cuốn hàng ngàn du khách vào cuộc vui ồn ã, bất tận.


3.Lễ hội đua thuyền rồng
Đua thuyền rồng là một lễ hội truyền thống của ngư dân đi biển các huyên Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn… (Hải Phòng) được tổ chức vào khoảng tháng 4,5 dương lịch hằng năm khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam. Lễ hội là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển nhằm cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong năm để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt.
Thuyền rồng để vua dùng gọi là “thuyền ngự”. Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện.

Có thể nói, lễ hội đua thuyền rồng là hình ảnh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển với mục đích cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong năm để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt đã tạo nên nét văn hóa biển độc đáo ở Hải Phòng.


4.Lễ hội rước lợn Ông Bồ
Kỳ Sơn là một trong 4 làng của xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy. Cùng với lễ hội Vật cầu của làng Kim Sơn, lễ hội Rước lợn “ông Bồ” và chạy đá của Kỳ Sơn gợi mở cho du khách cuộc kiếm tìm ý nghĩa của một sinh hoạt văn hóa dân gian, một minh chứng sức sống mãnh liệt của hội làng truyền thống.

Ngoài đặc điểm chung là “lễ hội của nông dân”, lễ Rước lợn “ông Bồ” (tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch) còn mang sắc thái địa phương với nguyện ước mong sao cuộc sống thanh bình, mùa màng tốt tươi, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở. Tìm hiểu về lễ Rước lợn “ông Bồ” của Kỳ Sơn, nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian không muốn chỉ dừng lại ở các hình thức tế rước…

Theo các bậc cao niên trong làng thì ông Bồ” không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là “to”. Người ta vẫn viết hoa chữ “Bồ”, bởi đó là một thành tố tạo nên tên riêng của một lễ hội vốn có từ lâu đời ở Kỳ Sơn. Về dự lễ hội ai cũng thấy cách giải thích trên là có lý, bởi con lợn trong lễ rước rất to, cho dù đã được mổ thịt và làm sạch sẽ.

Nhiều cụ cao tuổi của địa phương cho biết, ở Kỳ Sơn từ những năm xa xưa, các giáp trong làng rất khuyến khích việc nuôi lợn giỏi, nhất là chuẩn bị lợn cho lễ tế đám. Dịp ấy, làng quy định gia đình nào sinh con trai phải gánh tế đám thì người ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn to (do trong giáp đóng tiền ra mua giống và quy định về trọng lượng lợn mà người nuôi phải đạt tới). Lợn nuôi nhiều hay ít là do các giáp quyết và đều có treo giải (bằng cái thủ lợn) tùy theo trọng lượng lợn. Sau khi được nuôi trong chuồng sạch sẽ, đến mùng 9 tháng Giêng thì chủ lợn mở cửa chuồng để bà con biết. Lợn mổ thịt xong mới cân để ghi điểm, ai là người có lợn nuôi nặng cân nhất sẽ được thủ lợn mang về… Lợn đem vào tế đám tính theo trọng lượng móc hàm. Trong khi mổ lợn, các giáp cũng giã bánh dày.Vì thế, vào lễ rước, làng Kỳ Sơn có đủ lợn to, bánh dày, ai cũng hoan hỉ vì có công sức mình trong đó.

Cũng giống như lễ Vật cầu của Kim Sơn, các nghi lễ tế Rước lợn “ông Bồ” của Kỳ Sơn cũng được tiến hành tại đình làng. Lợn được làm sạch sẽ, đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, có giấy hồng điều trang trí. Mâm bánh dày cũng được xếp đẹp mắt, lại thêm mâm ngũ quả nhiều màu sắc. Tất cả đặt lên kiệu rước trong tiếng trống hội làng và đội âm nhạc. Không có sự can thiệp của đạo diễn nào dàn dựng. Toàn bộ lễ rước diễn ra trong sự điều hành chung của các bậc cao niên và dân làng.

Lược ghi một vài “quy ước” như vậy để thấy từ rất lâu, 18 giáp trong làng Kỳ Sơn rất coi trọng việc nuôi lợn và lễ rước lợn. Đặc biệt, Kỳ Sơn không rước lợn đã được làm chín (quay vàng cả con) và mâm xôi đầy như ta thường thấy trong các mâm lễ vật ở các lễ hội. Lợn rước ở đây nặng cân đã mổ thịt và để nguyên tươi sống. Với dân làng Kỳ Sơn, đó là hình ảnh tượng trưng của một lễ hội mà ở đó cộng lại tất cả các nhu cầu tự nhiên của dân làng. Đó là nhu cầu cuộc sống, tâm linh, ước vọng, quyền lợi. Đây cũng là một trong những đặc điểm của lễ hội truyền thống của Hải Phòng. Chỉ cần nhìn con lợn to, mâm bánh dày trắng ngần thơm dẻo, đủ biết người Kỳ Sơn luôn ước mong sự phồn thịnh, năm này, tháng này được mùa cả trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Lễ hội Rước lợn “ông Bồ” được khôi phục lại vào năm 1997. So với trước đây, làng không còn nuôi lợn treo giải, nhưng vẫn cơ bản bảo đảm các quy trình như chọn gia đình nuôi lợn giống tốt để khi vào lễ đúng là lợn “ông Bồ” nặng cân, nhiều thịt, đẹp mắt. Và không thể thiếu bánh dày, ngũ quả. Phần tế trong hội được tiến hành dưới sự huớng dẫn của cụ Phạm Văn Mão và một số cụ đại diện trong làng. Đội tế của người lớn (bồi tế) chủ yếu là thành viên họ Vũ. Bên cạnh đó có 5 em nam thiếu niên học giỏi, khỏe mạnh tham gia.

Trong khói hương nơi cửa đình, các em nghe bài văn tế của các cụ, trang nghiêm trong nghi lễ dân gian để thấm sâu hơn ý nghĩa của một lễ hội quê nhà. Đó là tính kế thừa tinh thần yêu lao động, tạo sự no ấm trên mảnh đất quê hương mình. Sau lễ tế là đoàn khiêng kiệu rước lợn trên những đoạn đường mà làng quy định để trở về đình làng. Rước lợn xong, dân làng được “thụ lộc “thịt lợn, bánh dày và hoa quả. Các hộ chăn nuôi giỏi được biểu dương và khen thưởng. Dân làng ai cũng phấn khởi.

Từ vật nuôi bình thường, ở một thời khắc nhất định được gắn liền với các nghi thức của một lễ hội (mở ba năm một lần như hiện nay), con lợn ở Kỳ Sơn trở nên linh thiêng bởi thấm đẫm các yếu tố tâm linh.Và chính đó là nét đặc sắc của lễ hội Rước lợn ông Bồ ở Kỳ Sơn, Kiến Thụy

5.Lễ hội Núi Voi
Đã thành thông lệ, lễ hội truyền thống Núi Voi ở huyện An Lão, thành phố Hải Phòng mang màu sắc văn hoá của người dân miền biển diễn ra từ ngày 12 đến 14/2. Đây là dịp để du khách được tìm hiểu về vùng đất cổ có bề dày lịch sử và tham gia các hoạt động văn hoá độc đáo. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Núi Voi đã trở thành huyền thoại với hình ảnh “Những cô gái dân quân treo mình bên vách đá, lưng chừng trời ngắm bắn máy bay rơi”.
Núi Voi và lễ hội Núi Voi gắn liền với sự phát triển vùng đất, con người An Lão. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm lịch sử, quy mô tổ chức có thể to, nhỏ khác nhau nhưng lễ hội Núi Voi vẫn luôn được duy trì từ hàng trăm năm qua. Lễ hội là dịp người dân tôn vinh, tưởng nhớ những vị anh hùng dân tộc, lớp lớp thế hệ người An Lão đã chiến đấu, xây dựng lên vùng đất này. Nên đã thành tục lệ, lễ hội Núi Voi luôn được mở đầu bằng nghi thức tế lễ trang nghiêm tại đền thờ nữ tướng Lê Chân nằm bên phía nam núi Voi và lễ tế thần hoàng tại chùa, đình Chi Lai nằm phía bên kia dãy núi. Khu danh thắng, di tích núi Voi vốn ẩn chứa trong mình nhiều dấu tích và những truyền thuyết lịch sử độc đáo, càng trở nên linh thiêng trong không gian lễ hội.

Không chỉ để tôn vinh, tưởng nhớ các vị anh hùng, người có công với đất nước, quê hương, lễ hội Núi Voi là dịp mỗi làng quê giới thiệu đến du khách xa gần những tiềm năng quê hương mình. Ngay trong những ngày đầu năm mới, khắp các làng trên, xóm dưới trong huyện đồng thời diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống, những liên hoan văn nghệ, thể thao, để từ đó lựa chọn những tiết mục đặc sắc nhất, những diễn viên, vận động viên tiêu biểu nhất tham dự lễ hội.

Đã thành truyền thống, ngày mồng 4 tháng Giêng hằng năm, xã Thái Sơn, nơi có sới vật nổi tiếng của huyện, tổ chức hội vật mùa xuân, lựa chọn những đồ vật tiêu biểu tham gia Hội vật tự do Núi Voi. Ngày mồng 3 Tết, xã Bát Trang tổ chức giải bóng chuyền, xã Quang Trung liên hoan văn nghệ, xã An Thọ có giải cờ tướng,… Đây đều là những nội dung nằm trong chương trình hoạt động của lễ hội Núi Voi. Đến với lễ hội Núi Voi du khách được sống trong không gian văn hóa truyền thống

Ngoài ra, tại lễ hội Núi Voi du khách sẽ được thưởng thức các sản vật, món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị quê hương: chè Chi Lai, khoai Tiên Hội…/.

Sự hòa quyện không gian đẹp của danh thắng Núi Voi với hoạt động mang đậm nét dân gian truyền thống của người dân An Lão tạo nên nét riêng hấp dẫn du khách đến lễ hội này.


6.Lễ hội Đình Vĩnh Khê
Đình Vĩnh Khê thuộc làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, ngoại thành Hải Phòng. Lễ hội Đình Vĩnh Khê mở hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng, kỷ niệm ngày sinh của Vũ Trung và Vũ Giao, là hai vị tướng tài trí mưu lược triều vua Trần Nghệ Tông (1370-1372), để thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ cội nguồn, noi gương trung liệt, hiếu nghĩa của hai vị tướng họ Vũ. Hội làng gắn liền với hội thi đấu vật, chỉ diễn ra một ngày nhưng cũng thu hút nhiều đô vật của nhiều lò vật nổi tiếng ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng tới so tài.

Vào trước hôm khai cuộc, các vị cao tuổi trong các dòng họ tiến cử ra hai cụ già làng có đủ tiêu chuẩn: đạo đức tốt, nhà của, con cái song toàn, không vướng tang gia, trang phục gọn gàng, làm lễ “Giao điệt” trước của đình. Hai vị cao tuổi được bình chọn, có trang phục giống nhau và tiến hành biểu diễn những miếng, trò, vờn, chào cơ bản trong thi đấu của một keo vật.

Hội làng Vĩnh Khê ngày trước rất đông vui, bởi ngoài lễ rước thành hoàng còn có đấu vật, thi bơi thuyền trên khúc sông chảy từ sông Sái (Lai Vu – Hải Dương) qua huyện lỵ.

7.Lễ hội Từ Lương Xâm
Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hàng năm tại phường Nam Hải, quận Hải An. Đây là dịp để nhân dân ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và tấm gương, công đức của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.

Lịch sử thành văn khẳng định: Vào cuối năm 938, sau khi diệt trừ bè lũ phản bội Kiều Công Tiễn, ở Đại La (Hà Nội ngày nay), Ngô Quyền kéo đại quân về vùng cửa sông Bạch Đằng xây dựng thế trận đón đánh quân xâm lược Nam Hán. Ông đã triệt để lợi dụng đặc điểm địa hình phức tạp ở vùng cửa biển này để thiết lập trận địa thủy chiến quy mô lớn, đủ khả năng chôn vùi toàn bộ hàng trăm thuyền chiến giặc.

Ông huy động quân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn phía bên trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông. Một đội thuyền nhẹ dưới sự chỉ huy của người thanh niên Gia Viên là Ngô Tất Tố, vốn giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử giặc vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy của ta. Và điều diệu kỳ đã đến, đó là trận đánh diễn ra đúng như diệu kế của Ngô Quyền.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nhanh gọn, bất ngờ đến mức vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Chiến thắng Bạch Đằng gấp lại trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự gắn kết máu thịt Nhà – Làng – Nước nên rất tự nhiên Ngô Quyền trở thành thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng. Ở vùng đất này, mặc dù nhiều làng xã cũ không còn, nhiều làng mới xuất hiện, dân cư đã trải qua nhiều lần thay đổi, xáo trộn nhưng hầu như không có làng nào, xã nào, phố nào không thờ Ngô Quyền.

Hình ảnh Ngô Quyền đã trở thành gần gũi, thân thuộc với mỗi xóm thôn, làng xã, phố phường và người dân vùng đất ông lập chiến công xưa. Ở vùng đất này, mỗi làng mới được lập ra là lại thêm một làng thờ Ngô Quyền. Nhân dân nhiều làng xã vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Tự Đức phong cho 17 xã thờ Ngô Vương vào năm 1880.

Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết: Khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm – tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.

Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) – khu vực trụ sở UBND TP hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.

Trong trường tồn, có không ít giai đoạn, thời kỳ lịch sử, lễ hội Từ Lương Xâm (tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng) đã trở thành ý thức tình cảm cao nhất khi tâm linh người Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành lời nhắc nhở, tiếng thúc giục hàng triệu con tim, khối óc từ già, trẻ, gái, trai tìm về ngưỡng vọng, nhất là mỗi khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa, đất nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm, trời làm hạn hán, gặp bão dông biển động, nghề nông – ngư thất bát.
Khác với lễ hội của các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng.

Xưa kia, sau khi đã tiến hành nghi thức quốc lễ tại từ Lương Xâm thì đến lượt các tổng, các làng xã xung quanh tổ chức tế lễ Ngô Vương; về cấp độ, việc tế lễ Ngô Quyền do 3 cấp tiến hành: của nhà nước (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần) sau này do hàng huyện đảm nhiệm, của hàng tổng và của dân làng sở tại.

Trong lễ hội từ Lương Xâm, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng.

Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Trong lễ hội có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền…

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN