Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Bắc Giang nhé.
1.Lễ hội Thổ Hà
Lễ hội Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tổ chức vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hằng năm. Đối tượng suy tôn là Thành Hoàng làng. Năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng ba năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước. Đây là một lễ hội còn duy trì được nhiều nét bản sắc độc đáo của lễ hội xứ Bắc.
Lễ hội làng Thổ Hà bao giờ cũng gồm hai phần, đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức rất trọng thể và bài bản. Từ sáng sớm, chánh tế, thông xướng, độc chúc cùng toàn bộ các bô lão trong ban tế quần áo chỉnh tề để đón đám rước từ các miếu về đình làng. Chủ tế đứng ở bậc tam cấp đón đám rước. Khi mọi người đã yên vị, cuộc tế mới được bắt đầu với những nghi thức long trọng. Tất cả đều tỏ lòng thành kính mời Thánh về dự hội cùng dân làng và cầu xin Thánh phù hộ cho dân làng một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc.
Sau nghi thức tế lễ, tiếp đến là phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như chọi gà, bơi trải, đấu vật, chơi cờ, cầu lông, chèo thuyền bắt vịt… nhưng tiêu biểu nhất phải nói đến đó là hát quan họ. Thổ Hà được coi là một làng gốc của nghệ thuật hát quan họ. Các liền anh, liền chị của các thôn lân cận cùng về dự hội trổ tài hát cả ngày lẫn đêm tại sân đình hay trên thuyền. Lời hát trữ tình và mượt mà làm nao lòng bao du khách gần xa. Ngoài hát quan họ, một môn thi không kém phần hấp dẫn và sôi động, thu hút được nhiều người tham dự đó là môn cờ tướng. Các bàn cờ được bày ra mời các thí sinh dự tài cao thấp. Người thắng thì hồ hởi, mừng vui còn người thua cũng không vì thế mà “cay cú” chỉ ước mong đến hội năm sau sẽ gặp lại đối thủ. Kết thúc lễ hội, mọi người cùng ra về trong niềm vui hân hoan.
Lễ hội Thổ Hà là một nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc, làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa nước Việt, đáng được gìn giữ và phát huy
2.Lễ hội đền Dành
Lễ hội đền Dành được tổ chức trong 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng hàng năm, tại xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên.
Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn, là một khối núi lớn ở phía đông huyện Tân Yên. Thế núi uyển chuyển hùng vỹ, đỉnh cao nhất của núi cách mặt nước biển đến hàng trăm mét. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước. Nằm trong quần thể di tích, ngoài đền Dành còn có Đình Vường ở thôn Hậu, tên chữ là đình Thịnh Vượng. Đây là ngôi đình đẹp, thế kỷ XVIII và là 1 trong 3 ngôi đình nguyên mẫu của tỉnh ta được được Bộ VH- TT công nhận di tích lịch sử ngày 25.1.1991. Cạnh đó là Chùa Không bụt, tên chữ là Cống phường tự, được công nhận Di tích lịch sử văn hoá năm 2008. Đền Dành trên đỉnh núi có độ cao 117 m, xung quanh đều là thông, bạch đàn xanh tốt, ngay dưới chân núi là giếng nhỏ có tên mũi voi. Tương truyền: Giếng không bao giờ cạn, xung quanh ngọn núi tồn tại nhiều câu chuyện dân gian. Đền Dành xưa là ngôi đền nhỏ cột làm bằng đá vôi tròn, được xây dựng từ thời Lê, thế kỷ 18.
Lễ hội đền Dành là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của Liên Chung. Đền thờ Cao sơn Quí minh thượng đẳng thần và di tích này được công nhận Di tích LSVH.
Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm. So với nhiều đình, đền khác, đền Dành không có gì đặc biệt ở kiến trúc hay quy mô đồ sộ, song hàng năm lượng khách thập phương đến thăm quan vẫn rất đông, nhất là thanh niên nam nữ đến cầu tình duyên. Có lẽ chính bởi phong cảnh núi non kỳ vỹ nên thơ và tương truyền về sự linh thiêng của đền Dành.
Mở đầu lễ hội là lễ tế thần cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, thôn xóm thuận hòa bình yên.
Nét đặc sắc của Phần lễ luôn thu hút đông đảo người dân tham dự là màn rước thánh hùng tráng từ đình Vường lên đền Dành và ngược lại.
Trong hai ngày hội diễn ra các trò chơi dân gian đặc sắc như: Vật tự do, thổi cơm thi, kéo co, bóng chuyền, giao lưu văn nghệ… du khách có thể vừa xem hội vừa tham gia các trò chơi.
Lễ hội đền Dành là dịp để nhân dân hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tôn vinh các bậc hiền tài, những người có nhiều công lao với cộng đồng. Trảy hội đền Dành là dịp để quý khách gần xa tham quan vãn cảnh đền Dành.
3. Lễ hội cầu nước làng Vân
Lễ hội cầu nước làng Vân diễn ra vào tháng 4 âm lịch hàng năm, tại làng Vân, xã Vân Hà, Việt Yên. Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Tục truyền rằng, khi xưa có hai anh em Trương Hống, Trương Hát đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh.
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, là với ý nghĩa hội mừng chiến thắng.
Theo các người cao tuổi ở làng cho biết, trước kia đây là vùng đất trũng hay bị lụt lội cho nên những năm sau này, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày là 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch hằng năm. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.
Trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong ban khánh tiết ra mở cửa đền để dọn dẹp, vệ sinh, lau chùi các đồ thờ phụng sau đó làm lễ tắm rửa cho nhà thánh bằng rượu gừng. Tiếp đó, chủ tế làm lễ phong áo tức là mặc áo vóc đại hồng cho nhà thánh rồi làm lễ an vị và kéo cờ hội. Bên ngoài đền, ban khánh tiết phân công người tổng vệ sinh trong khu vực hội.
Đặc biệt sân cầu phải được xới xáo cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ. Làng lại cử ra hai cô gái trẻ đẹp nết na, chưa có chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.
Việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe. Tổng số quân cầu được chọn là 16 người, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh.
Lễ thánh xong, quân cầu được lên sân đền Chính để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải thiều và rượu đựng trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn. Vừa ăn, họ vừa cười nói vui vẻ.
Sau khi ăn cỗ trận hội trai cầu được xếp thành 4 hàng ở trong sân cầu. Trống nổi lên, các trai cầu vào trận. Từ 20 quân cầu, vào trận mỗi bên chọn 8 người, còn lại là quân dự bị thay thế cho những trai cầu đuối sức. Lễ thánh, trai cầu làm các động tác hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, hai tay đan vào nhau đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục 5 lần. Chuyển thành vòng tròn, các trai cầu tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang phô trương thanh thế. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành hai hàng và từ đây mỗi đội chọn 3 trai cầu làm lễ vật thờ trình thánh. Sau lễ vật thờ, giáp đương cai bê quả cầu làm bằng gỗ mít sơn son, nặng chừng 20kg từ đẳng để trước cửa đền Chính ra giữa sân cầu rộng 14 m, dài 18m được đổ bùn, nước vừa phải do 4 cô gái gánh nước từ sông Cầu đổ vào. Hai đầu sân có hai lỗ tròn đường kính 60cm, sâu chừng 1 mét để hai bên giao đấu bằng việc đưa quả cầu lọt vào lỗ cầu của đối phương được coi là thắng cuộc.
4.Lễ hội Từ Hả
Lễ hội Đền Từ Hả được tổ chức từ ngày 6 đến 8 tháng Giêng âm lịch, tại xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn, nơi thờ thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI (1075-1077).
Tương truyền cách đây hàng nghìn năm, vào đời nhà Lý (thế kỷ X – XI), tại xã Hả Hộ thuộc Động Giáp, là Châu Lạng của nước Đại Việt, đây là một động lớn của vùng Bắc Giang, dòng họ Giáp sống ở động này đã từng nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Các tù trưởng, tộc trưởng vùng này đều thuộc dòng họ Giáp được kế tiếp nhau qua nhiều thế kỷ. Vào thời Lý họ Giáp ba đời có người làm phò mã cho nhà Lý, như: thời Lý Thái Tổ có Giáp Thừa Quý; thời Lý Thái Tông, Thân Thiệu Thái (1029) lấy công chúa Bình Dương; Thời Lý Nhân Tông Thân Cảnh Phúc (1066) lấy công chúa Thiên Thành, các phò mã họ Giáp giỏi đánh giặc đã được nhân dân tôn sùng và lịch sử đã ghi là những “Thiên Thần Động Giáp”. Hội Từ Hả là lễ hội thờ tướng quân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc) phò mã nhà Lý (1066) đã có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Để ghi nhớ đến công lao to lớn của người, hàng năm nhân dân trong vùng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng, trong đó có rước hội, cuộc rước là diễn lại sự tích đi đánh giặc của Người.
Theo lệ xưa, tổ chức lễ hội đền Hả được chia cho 4 giáp: Kép, Trong, Hăng và Nguộm. Mỗi năm, 4 giáp chọn ra một giáp đăng cai, 4 giáp chọn ra một ban khánh tiết. Ban khánh tiết gồm: hội chủ; thầy cả; đương cai; thư văn; bồi tế; chắp hiện; hỏa khí; đạo tràng; các bậc trưởng lão; thủ từ; và 4 nhà chức trách của làng.
Ban khánh tiết có trách nhiệm tổ chức lễ hội theo nghi lễ và nghi thức của nhà thánh đã truyền lại từ xưa đến nay. Hội được tổ chức vào 3 ngày, mồng 7, mồng 8 và mồng 9 tháng Giêng hàng năm. Ngày mồng 8 là ngày chính hội. Trong cả 3 ngày đều có tổ chức tế, lễ tại đền và chùa. Riêng ngày mồng 8 được tổ chức tại Bãi Dược, vừa tế lễ, vừa diễn ra các trò vui.
Cuộc rước và tế ở Bãi Dược được tiến hành từ giỡ Mão đến giờ Ngọ của ngày mồng 8 tháng giêng. Đây là một màn diễn lại tích đức thánh Vũ Thành cầm quân đi đánh giặc giữ nước. Tích diễn này chính là nét độc đáo nhất và tiêu biểu nhất của lễ hội Từ Hả.
Nghi thức và nghi lễ ngày mồng 8 tháng Giêng được bắt đầu bằng nghi lễ giao tín
Lễ giao tín được tế vào giờ Mão (6 -7 giờ sáng) do các quan viên đảm nhận. Đây là lễ dâng cỗ chay trình nhà Thánh, và mời thánh cầm quân ra trận. Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, tôn kính. Cỗ chay của các giáp được đưa lên bàn thờ của thánh để cúng gồm: bánh dày, bánh ít, bánh mật, bánh đậu nhừ, bánh bìa, giang, bánh chay, chè lam, chè mật, bánh mã, xôi, cơm, cam sành, trầu cau. Sau khi làm lễ các đồ rước như kiệu, hương án, bát bửu, binh khí, cờ quạt, ngựa hồng, ngựa bạch… được sắp xếp chỉnh tề, đầy đủ ở sân đền để chuẩn bị rước.
Đúng giờ Tỵ có lệnh cho đoàn rước khởi giá. Đoàn rước tượng trưng cho đoàn quân lên đường đi đánh trận. Vì thế, đoàn rước phải đi rất trật tự âm thầm, cờ sai, quân rẹp đường chỉ lấy hiệu lệnh chuyền nhau 27 lá cờ ngũ hành được quấn lại vào cột cờ, trống, chiêng phải thu hết dùi không được đánh. Kỳ lân, sư tử cũng im lìm bước, ngựa đóng yên cương cũng từ từ bước. Hộ vệ vác đao, bát bửu nghiêm trang, đi đều không được nói. Kiệu ông, kiệu bà chậm rãi rước theo đoàn quân. Đoàn rước cứ im lặng thế đi qua miếu Bà Lão Hậu ở dưới gốc đa rồi qua bãi trống, bãi chiêng, bãi lá cờ… rồi tiến quân vào chân đồi bãi Dược dừng lại. Đây là nơi ém quân chờ thời cơ xung trận.
Sau lễ vật thờ các cuộc tế lần lượt diễn ra. Lễ vật dâng lên thánh ở bãi Dược cũng được chuẩn bị chu đáo, đúng nghi thức và đẹp mắt. Sau tế lễ mừng công thì tiếp đến là lễ đảo cờ lần một và lần hai. Lễ đảo cờ đặc trưng cho 2 lần đi đánh giặc của tướng quân Vũ Thành.
27 lá cờ được chia thành hai hàng ở trước kiệu thánh, 13 lá một hàng, còn 1 lá cắm riêng một chỗ. Các trai đinh của giáp đăng cai ở đúng vị trí và sẵn sàng chờ lệnh đảo cờ. Khi lệnh phát, 13 lá cờ bên tả chạy sang chỗ của 13 lá cờ bên hữu và ngược lại. Thời gian đảo cờ rất nhanh, cự ly chạy bên này sang bên kia là 100m, nên các trai đinh phải vận động nhanh nhẹn. Đảo cờ là biểu diễn của một trận đánh. Lễ đảo cờ lần hai được diễn ra vào lúc 13 giờ và cũng tiến trình như vậy, chỉ khác sau lần đảo cờ thứ hai thì rước thánh hồi cung. Việc đảo cờ lần hai được truyền lại, là đức thánh Vũ Thành đánh quân phương Bắc 9 trận thắng, đến trận thứ 10 thì bị thương, phải chạy về phía sau; vì thế khi thánh hoàn cung qua miếu Lão Hậu bên gốc đa thì phải dừng lại để tưởng nhớ việc tướng quân Vũ Thành khi bị thương có qua đây và hỏi bà già bán nước là “Mất đầu thì sống hay chết”… Sau đó kiệu thánh tiếp tục được hoàn cung.
Tại bãi Dược, sau khi tế lễ xong các trò chơi được tổ chức, như: đu tiên, đá cầu chinh, kéo co, đẩy gậy, vật cổ truyền, võ dân tộc. Ngày nay còn thêm bóng đá, cầu lông và hát múa. Khi thánh đã hồi cung thì dưới bóng cây cổ thụ, 2 thảo xá được dựng lên trước sân để chờ đoàn rước vào lễ hỏa xá và lễ mộc dục. Lễ thảo xá là nghi thức hóa sinh cho nhà thánh về cõi vĩnh hằng. Nơi đây chính là nơi con ngựa bạch đưa tướng quân Vũ Thành về hóa tại đó. Để tượng trưng cho sự hóa sinh ấy người ta đã chặt cây gác vào nhau (gọi là thảo xá) đến giờ dậu thì thảo xá được đốt đi và tiễn thánh về với cõi hư vô.
Anh lính của đức thánh được nhân dân tổ chức lễ mộc dục (tắm gội), tẩy hết bụi trần để siêu thoát về nơi tịnh độ. Lễ này được tổ chức ở ao mộc dục và đài mộc dục. Ao mộc dục được tượng trưng là bãi đất bằng có cỏ mọc, đài mộc dục là gò đất trước cổng, xây gạch vuông vắn. Nghi lễ mộc dục được diễn ra ở đây vào tối mồng 8 tháng Giêng, sau lễ hóa thảo xá. Tối mồng 9 tháng Giêng còn tổ chức lễ cầu siêu ở chùa Từ Hả (còn gọi là chùa Thiên Đài) để mãi mãi sinh linh của đức thánh Vũ Thành phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn thịnh vượng
Lễ hội Từ Hả diễn rã nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta và tinh thần đoàn kết đáu tranh của dân tộc. Đây là một lễ hội lớn của nhân dân trong vùng nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung, lễ hội đã lôi kéo thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương về chảy hội.
5.Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm cũng là Hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.
Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La. Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ nổi tiếng có từ thời Lý, Trần (thế kỷ XII – XIII) thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm. Chùa này nằm ở chỗ hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc. Phía sau chùa là thôn Đức La xa hơn nữa là vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào vùng núi Yên Tử. Bao quanh chùa có một số núi lớn tiêu biểu là núi Cô Tiên. Ra vào chùa có thể đi theo sông Thương, sông Lục Nam và con đường quốc lộ 31 đi Trí Yên (Yên Dũng). Do thuận tiện giao thông như vậy nên khách thập phương đến hội không có trở ngại.
Trong ngày hội (14/2), các tăng ni ở chùa thắp hương tụng kinh, niệm phật ở tam bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. đồng thời cũng thỉnh chuông hoăng dương phật pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.
Từ ngày 13 trở đi, khách thập phương từng đoàn từ 5, 10 đến 20, 30 người lũ lượt kéo về chùa. Khách đến chùa trẩy hội hầu hết là các già, các vãi và thanh thiếu niên nam nữ. Hàng quán được mở tạm dọc theo đường từ tam quan vào đến nhà tiền đường. Trong khu vực nội tự, không có hàng quán nhưng đông các đoàn dâng hương hành lễ. Xen lẫn trong đó các đội văn nghệ của làng biểu diễn tích chùa.
Tổ Chúc Lâm ở Chùa Vĩnh Nghiêm là ba vị :
– Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông
– Thiền Sư Pháp Loa
– Thiền sư Huyền Quang
Về ba vị tổ này, trong một số tấm bia cũ, ở đoạn nói về thời Lý đã ghi : Vua Lý Thái Tổ mở ra chùa chiền . Tăng đồ thịnh hành là thời kỳ đạo phật đại hát đạt. Song không có bia để lại . Chỉ được nghe đại lược như vậy.Ở đời Trần , thì xem trong truyện ký có vua Trần Nhân Tông , cũng là con trưởng vua Thánh Tông lên năm Mậu Dần , đổi niên hiệu là là Thiên Bảo ( 1279- 1284). Ngài là người nhân từ có trí thao lược ,xứng đáng đứng đầu thời nhà Trần , nhưng lúc muộn việc nhàn rỗi , phái mời thiền khách đế giảng giải nghiên cứu tâm tông , tham khảo Tuệ trung thượng sỹ, đi sâu vào thiền cốt . Sau nhường ngôi cho Anh Tông ( theo sử ký : ở ngôi 5 năm , xuất gia 8 năm ).
Năm Kỷ Hợi , Hưng Long thứ 7 (1299) ngài đi đường tắt vào núi Yên Tử , sửa lại Đầu Đà Hạnh , tự hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà tinh xã. Mở khoá giảng về Phật pháp tăng nữ đến học đông đúc. Năm Giáp Thìn , Hưng Long thứ 12 (1304), ngài đi chu du khắp các đạo , tìm người kế thừa đạo pháp. Khi đi qua sông Nam Sách , thấy đứa con ông thần dân nặc danh là Kiên Cương, ngài lấy làm lạ nói: ”Chú bé này có đạo nhân’, bèn ban cho tên Thiện Lai, đưa về am Kỳ Lân, cắt tóc, cho thụ giáo tâm thiên, học kinh hiểu rộng được ban tên hiệu là Pháp Loa. Ngày 11 tháng giêng năm thứ 16 Điều ngự đăng đoàn thuyết pháp ở chùa Bảo Ân chuyện Siêu Loại. Giảng xong bèn đi xuống dắt Pháp Loa lên toà, thay sư vái đáp lễ, xin trao cho y bát, khoác áo rồi Điều Ngực trao cho sư tiếp nối trụ trì chùa Siêu Loại – Sơn môn Yên Tử thành đời thứ 2 của phái Trúc Lâm. Vua Trần Anh Tông nhiều lần gửi tờ điệp cho sư. Sư thường tuý tăng không câu lệ luật thường.
Tháng tư Điều Ngự đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang làm lễ kiết hạ, lệnh cho Pháp Loa trụ trì.
Điều Ngự giảng truyền Đăng Lục, lệnh cho quốc sư (Pháp Loa) giảng Pháp Hoa kinh cho chúng tăng. Hết khoá hạ thì xong. Điều Ngự vào núi Yên Tử đến nằm ở Am Ngoạ Vân – ngày 1-11 bổng dưng ngài hoá. Anh Tông Hoàng đế kính dâg tên hiệu: Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật tổ.
Năm thứ 21, Quý Sửu (1313) Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm, định chức tăng trong thiên hạ và đặt nơi dựng ở chùa một năm. Sau cứ ba năm một lần làm như vậy, nên tăng ni giáo xuống vài ngàn.
Ngày 13 – 2 năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330) Pháp Loa về viện Quỳnh Lâm, bèn đem những điều mà Điều Ngự đã truyền trước đây là giá trạng và tả tâm kệ truyền cho sư Huyền Quang dạy rằng phải gìn giữ lấy. đến ngày 3-3 Pháp Loa cầm bút viết kệ xong, không bệnh qua đời . Thái thượng Hoàng gia phong hiệu cho sư là Tịnh trí tôn giả, gọi là pháp viên thông.
Theo Huyền Quang tam tổ thực lục : thuỷ tổ Huyền Quang ở hương Vạn Tải, Vũ Ninh , Bắc Giang là Ly Ân Hoà , Làm quan cho triều Lý Thần Tông . Đến tổ đời thứ sáu là Quang Dụ làm chuyển vận. sứ ở triều trần . Quang Dụ sinh được bốn người con trai ; con út là Tuệ Tổ , Tức bố đẻ của ngài . Mẹ ngài mang thai 10 tháng , đẻ ra đã đĩnh dị , đặt tên là Đạo Tái; 9 tuổi đã giỏi văn chương. 21 tuổi đỗ đầu khoa thi đại tỉ, được tiếp Bắc Sư . Văn chương ngôn ngữ hơn hẳn thượng quốc . Khi ấy có theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Phượng Nhỡn thấy quốc sư Pháp Loa hành pháp , lập tức giác ngộ tiền duyên ngài cảm khái nói rằng : “Phú quý vinh hoa rồi cũng hết như lá vàng mùa thu , mây trắng mùa hạ , làm sao mà giữ mãi được ?” Nhân đó , ngài nhiều lần dâng biểu từ chức xuất gia, đến thụ giáo Pháp Loa thiền sư, lấy pháp hiệu Huyền Quang đi tìm danh lam trong nước, chăm pháp hương ở Pháp toà, giảng kinh truyền thụ cho môn đệ. Sau ngài đến Côn Sơn và mất ngày 23 tháng giêng năm Giáp Ngọ. Minh Tôn hoàng đế họ tên thuỵ là: Trúc lân thiền sư đệ tam đại. Đặc biệt phong tư pháp Huyền Quang tôn giả.
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện có các toàn chính là: Toà Thiên đường, toà thượng điện nhà tổ đệ nhất gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trìn khác. Chùa có quy mô lớn. Trong ngày hội, mội người đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc này và thắp hương niệm phập ở các toà và tưởng niệm 3 vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm ở toà tổ đệ nhất.
Trong toà tổ đệ nhất hiện nay có một tượng hậu đặt ở phía ngoài, 2 gian bên. Ba tổ Trúc Lâm đặt ở hậu cung thẳng trục gian giữa vào sân bên trong. Mỗi người đến hội, tuy chỉ một nén hương ở chốn này mà kỳ thực như đã tưởng nhớ tới các vị thiền sư có công khai sáng thiền đạo nơi đây./.
6.Hội Liên Xương
Làng Liên Xương thuộc xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trước kia Liên Xương là một xã của tổng Phi Mô, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang. Mỗi năm ở Liên Xương duy trì khá nhiều tiết lệ, trong đó ngày 6, 7,8 tháng giêng là ngày hội lệ to nhất của làng.
Để thực hiện các tiết lệ trên, làng định ra ban tế và các chân cai đám, hoá xí…ở Liên Xương, những ai đến tuổi thì vào làm cai đám. Tuỳ theo từng xóm, từng giáp mà định. Xóm nào, giáp nào đông thì những người 30 – 40 tuổi mới được làm. Xóm nào, giáp nào ít người thì có khi 20 tuổi đã dến lượt. Mỗi năm làng cử ra 3 cai đám, 3 hoá xỉ để lo việc làng. Ai làm cai đám phải nuôi lợn cỗ ba năm liền, nhưng không phải khao làng.
Tế lễ xong, ba ông cai đám làm lễ tế cầu ở đình, rồi cả ba ông bưng quả cầu gỗ đường kính 50cm dán kín giấy đỏ ra bệ làm lễ gieo cầu rồi bưng cầu ra sân. Sân cầu ở đình có vẽ vòng bằng vôi. Cuộc đánh cầu ở Liên Xương chơi theo hai cách gọi là tung cầu và cướp cầu.
Đầu tiên là tung cầu. Cai đám sau khi làm lễ cùng nhau bê quả cầu rồi hô các trai đinh hàng giáp vào sân. Quả cầu được tung lên trong tiếng hò reo của dân làng. Ba ông cai đám cầm mỗi người một nắm tiền xèng tung vào trong sân. Các giai đinh chen nhau tìm nhặt đồng tiền ấy gọi là lấy phước, lấy lộc. Trong cuộc tung cầu này, quả cầu lăn đâu thì lăn, chưa ai tranh cả.
Tiếp theo, đến mục cướp cầu. Ba ông cai đám lại bưng quả cầu cùng nhau tung vào sân. Lần này các giai đinh xô vào tranh cướp lôi quả cầu ra khỏi sân. Phe nào lôi ra khỏi sân là phe ấy thắng, coi như năm ấy làm ăn được.
Hội kéo chữ cũng được tổ chức ở đình. Chữ được kéo là: “ Thiên, Hạ, Thái, Bình ”. Muốn xếp được chữ này, người tham gia phải tập từ trước. Cứ theo hiệu lệnh trống mà tiến theo đường nét quy định, nhịp nhàng cho chữ hiện lên. Khi chữ lên rồi thì ngồi cả xuống cho các quan viên nhìn rõ chấm điểm.
Hội xuân Liên Xương cũng được tổ chức cờ người. Quân cờ toàn là các cô gái trẻ, mặc áo mớ ba mớ bảy, đeo thẻ quân cờ. Tướng ông, tướng bà ăn mặc như tướng quân tam cúc. Tuy là đánh cờ người, nhưng thực ra để biểu diễn. Người chơi cờ chỉ thực hiện một số nước là xong.
Hội Liên Xương ngày nay vẫn duy trì nhưng phạm vi thu hẹp lại. Các nghi thức, lễ nghĩa, cỗ bàn có giảm tiện hơn và thay vào đó là một số môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông….
Đây cũng là một lễ hội có sắc thái riêng ở Lạng Giang.
7. Lễ hội Yên Thế
Lễ hội Yên Thế tổ chức vào ngày 16 tháng 3 dương lịch hàng năm tại thị trấn Cầu Gỗ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội bắt đầu từ năm 1984 – lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế .Từ đó, lễ kỷ niệm đã trở thành một lễ hội.
Lễ hội Yên Thế được tiến hành ở khu đền Thề đối diện với khu đồn Phồn Xương. Ngoài khu trung tâm, hội còn tổ chức ở các địa điểm công cộng trên đất Cầu Gồ quanh khu đồn Phồn Xương.
Vào ngày 16 tháng 3 dương lịch. Từ tờ mờ sáng, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Từng đoàn, từng tốp… tưng bừng phấn khởi, chật cả đường đi. Tại khu tập kết, các đoàn tham gia lễ hội quần áo chỉnh tề, hoá trang… sẵn sàng chờ giờ xuất phát hành lễ.
Lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành để bắt đầu cho Lễ hội Yên Thế. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vàng trong núi rừng Yên Thế.
Sau lễ diễu hành, các trò vui được tổ chức ở nhiều địa điểm. Học sinh các trường thi cắm trại ở sườn đồi đối diện khu đồn Phồn Xương. Sới vật được mở ra và bắt đầu trong khu vực đền Thề. Các đô vật lên làm lễ xe đài và vào trận thi đấu. Các đội văn nghệ, văn công chuyên nghiệp cũng mở màn biểu diễn ban ngày cho bà con xem. Các môn thi đấu thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay, mô tô bay… Cứ như thế, chỗ nào trong khu vực Phồn Xương cũng thu hút rất đông người xem và tham dự. Trong khu đền Thề, chùa Lèo, đền thờ Bà Ba Đề Thám, các cụ, các già, các vãi dâng hương lễ Phật, lễ đền. Người ra người vào không lúc nào ngơi. Khu nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng đã mở cửa phục vụ nhân dân các nơi đến hội.
Ngoài các nội dung trên, lễ hội còn có những hình khác mới được bổ như: tổ chức diễu ngựa từ đình Hả – Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự. Tổ chức tiết mục “Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim”, tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám… các tiết mục này đã làm cho nội dung của lễ hội mỗi ngày một phong phú và có bản sắc văn hóa riêng.