Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên Huế

0
1581
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Huế nhé.

1. Lễ Tịch Điền
Lễ Tịch Điền được tổ chức vào tháng 5 âm lịch, gọi là tháng trọng xuân. Ngày, giờ cử hành được bộ Lễ xem xét cẩn thận, tâu lên vua chuẩn định ngay từ cuối tháng tư.
Lễ Tịch Điền là lễ nhà vua đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy, phát triển nông nghiệp. Vua Minh Mạng từng xuống Dụ coi việc này “thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả”. Xem xét nghi thức cử hành đại lễ này dưới triều đại Trần, Lê thuở trước, vua Minh Mạng cho rằng “nghi lễ phàn nhiều giản lược”, do đó vào năm 1828, nhà vua giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành luật lệ lâu dài.

Ruộng Tịch Điền dưới thời vua Gia Long được đặt ở hai phường Hòa Thái, Ngưỡng Trị trong Kinh thành, đến năm 1828 nhận thấy nơi đây là chổ đất thấp trũng, vua Minh Mạng ra lệnh chuyển về hai phường An Trạch và Hậu Sinh.

Trước lễ 5 ngày, các nhân viên, kỳ lão nông phu, ca sinh…phải có mặt đầy đủ tại sở ruộng Tịch Điền dưới sự điều khiển của quan viên bộ Lễ.

Trước đó một ngày, quan phủ Thừa Thiên phái thuộc hạ đến Võ Khố nhận roi, cày cùng thóc, thúng và các vật dụng khác, sau đó cung nghinh tới án vàng trước thềm điện Cần Chánh, báo cáo cho bộ Hộ rõ để bộ này tâu “rước vua thân hành duyệt đồ cày”. Duyệt xong, toàn bộ các vật dụng được chuyển đến sở ruộng. Cũng như ngày hôm đó, nhà vua đến cung Khánh Ninh chuẩn bị cho việc làm chủ lễ vào rạng sáng hôm sau. Bộ lễ cùng với phủ Nội Vụ, Võ Khố phối hợp với nhau xắp xếp bàn thờ, đồ thờ, bố trí chổ vua nghỉ bên phia trái đàn Tiên Nông là nơi diễn ra nghi lễ chính. Chúc văn được đưa tới án thờ trong đàn sở, cùng lúc các nhân viên đều phải có mặt để diễn tập nghi tiết. Binh lính và voi hầu dàn chầu ở bên ngoài vòng tường bao quanh. Đêm hôm ấy, toàn bộ tế phẩm được xắp đặt đầy đủ; 8 viên chánh, phó Vệ úy, Vệ Cẩm Y mang gươm, cầm đuốc túc trực ở 4 cửa của đàn sở.

Canh 5, ba hồi trống gióng giả vang động một góc trời. Trâu vàng, trâu đen, kỳ lão nông phu đồng trang phục cùng cày, bừa mỗi loại 6 chiếc có mặt tại vị trí đã định. Ca sinh gồm 14 người cất lên bài ca về lúa, cùng với8 nhạc sinh, 30 người cầm cờ ngũ sắc dàn hàng hai bên sở ruộng Tịch Điền.

Tại cung Khánh Ninh, sau khi nghe tiếng quan viên bộ Lễ tâu “Bên ngoài đã xong”, vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng. Thị vệ đưa kiệu đến cửa cung, mời vua lên, rước tới đàn sở. Bảy tiếng trống lệnh nổ vang khi đạo ngự rời khỏi cửa cung. Hai bên đường ngự đạo đi qua, bá quan văn võ và dân chúng đều quỳ lạy đón tiễn. Ngự đạo dừng lại ở phía đông đàn sở, nhà vua vào ngự tọa tại nơi nghỉ dành riêng, tiếp chậu nước rửa tay; xong lên đàn tế, ở phía đông, mặt quay về hướng tây, làm lễ dâng rượu 3 tuần. Lễ xong, đại nhạc và tiểu nhạc cử lên rước vua đến điện Cụ Phục là nơi để nhà vua thay mũ cửu long, áo hoàng bào và nghỉ ngơi một lúc. Tại sở ruộng, mọi việc được bố trí lại lần cuối, thật nghiêm cẩn. 4 kỳ lão nông phu đỡ cày, dắt trâu. 2 viên đường quan bộ Hộ lo dâng tiến cày và gieo giống đứng bên hữu sở ruộng, quay mặt về hướng đông. Phủ doãn phủ Thừa Thiên bưng roi, thúng lúa đứng ở bên tả, quay mặt về phía tây. Khi nghe tiếng “Xin vua làm lễ ruộng”, nhà vua rời khỏi điện Cụ Phục, đến chỗ ruộng cày, mặt hướng về phía nam. Một viên đường quan bộ Hộ dâng cày, Phủ doãn phủ Thừa Thiên dâng roi. Nhà vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi bắt đầu cày ruộng; phụ giúp có 2 kỳ lão nông phu dắt trâu và 2 người đỡ cày. Viên Phủ doãn phủ Thừa Thiên bưng thúng thóc, một viên đường quan bộ Hộ đi bên cạnh để gieo giống. Nhà vua cày ba lượt, giữa tiếng nhạc trầm vang. Xong việc, bộ Lễ tâu rước vua đến đài Quan canh. Tiếp theo là lễ cày của các hoàng tử, thân công, quan viên văn võ và nông phu ở xã Phú Xuân. Các hoàng tử, thân công cày 5 lần, các quan viên văn võ cày 9 lần. Lễ xong thì tới trước đài lạy 5 lạy.

Sau khi nghe nhân viên bộ Lễ quỳ tâu “ Lễ thành” nhà vua rời đài Quan Canh về điện Cụ Phục thay áo, mão rồi lên xe trở về cung Khánh Ninh. Về tới điện, khi nhà vua đã an tọa trên ngai vàng, bắn 5 tiếng trống lệnh. Bá quan bày hàng ở trước sân cung, khi nghe tiếng “Lễ cày ruộng tịch đã thành xin làm lễ mừng” thì đồng quỳ lạy 5 lạy. Sau đó, phủ doãn phủ Thừa Thiên lĩnh vải thưởng cho các kỳ lão nông phu (hạng 1 (8 người) được 4 tấm vải mỗi người; hạng 2 (66 người) được 3 tấm mỗi người). Sau đó, toàn thể được nhà vua ban cho ăn yến một bữa.

Sau lễ, các hạng trâu (vàng và đen) chuyển cho phủ Thừa Thiên tiếp nhận rồi giao cho nông phu xã Phú Xuân chăm nuôi. Còn roi, cày, thúng, thóc thì giao cho Võ Khố cất giữ. Lúa gieo ở ruộng Tịch Điền giao cho nông phu xã Phú Xuân chăm bón, đến mùa lúa chín thì thu hoạch dưới sự quản lý của quan phủ. Phủ Thừa Thiên phối hợp với bộ Hộ lựa chọn số lúa lúa này làm giống gieo cho mùa cày năm sau, nếu còn thừa thì trữ lại đem xay để cúng tế trong lễ tế trời ở đàn Nam Giao và ở các miếu.

2.Lễ hội làng Chuồn
Lễ hội Làng Chuồn được tổ chức vào các ngày 15, 16 và 17/7 âm lịch, tại xã Phú An, huyện Phú Vang là một lễ hội còn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền.
Theo văn tế làng Chuồn , ba họ tộc đầu tiên có công khai canh làng, được tôn làm Thành hoàng là họ Hồ, Nguyễn, Ðoàn. Ngài Hồ Quảng Lãnh, được dân làng trọng vọng gọi là Hồ Quý Công, sắc phong Nhật báo Trung Hưng Linh Phò Ðoan Quốc Công tôn thần. Một truyền thuyết khác liên hệ đến Thành hoàng làng: trong một buổi sấm sét, có hai vị thiên thần, giáp trụ sáng loáng, mang gươm giáo từ trời bay xuống, cùng nhau đấu chiến trên nò, sáo, dân làng thấy vậy hoảng sợ nhưng chưa dám ra. Một lúc sau, cả hai đều biến mất. Dân làng lập miếu thờ và tin rằng họ đã được hai vị thần bảo trợ.

Lễ Thu Tế của làng được tổ chức trong 3 ngày: 15, 16 và 17/7 âm lịch. Ngày 17/7 là ngày chính tế. Ngày 15/7 làm lễ trần thiết và cúng rằm, sáng sớm 16/7 làm lễ rước cung nghinh các bài vị Thành Hoàng về Tổ Ðình, sau đó là lễ an vị kế hành túc yết. Ngày 17/7, đúng 2 giờ sáng làm lễ Chánh Tế; 5 giờ sáng làm lễ tiến cung nghinh, cúng bia bạc. Hàng năm các nghi lễ ấy vẫn được dân làng tiến hành một cách trang trọng và nghiêm túc.

Lễ hội Làng Chuồn có những đặc điểm nổi bật so với các lễ Tế ở các nơi khác. Lễ rước cung nghinh ba vị Thành Hoàng thờ ở Miễu giữa đồng (gọi là đồng Miễu) được cử hành rất đẹp mắt và trọng thể. Ðám rước có đủ cờ xí, lỗ bộ, kiệu lọng. Có tất cả 3 kiệu rước, sắp đặt cách xa đều nhau, có âm nhạc véo von nhịp nhàng. Ðặc sắc của đám rước là mỗi năm dân làng lại thay đổi linh vật, hoặc vật thờ cúng được đan bện, trang hoàng kỳ công, khi thì hai chim hạc, khi thì cá hóa rồng, lại có lúc là cả bộ tam sự gồm lư trầm và hai độc bình. Các nghệ nhân tài giỏi trong làng xem công việc trang hoàng cho đám rước là bổn phận thiêng liêng để họ góp công sức, tài năng nghệ thuật, cho nên các linh vật và lễ vật đã được kiến tạo rất công phu và tỉ mỉ.

Gần cuối đám rước, sau đồ lỗ bộ và kiệu là đoàn hát Thài. Thài là điệu hát chỉ dành riêng cho lễ cung nghinh. Ðám hát Thài gồm khoảng 20 người, mặc lễ phục dân tộc. Một vị bô lão xướng một câu thài 4 chữ, đam thài đọc theo, câu này tiếp câu khác, giọng ngân nga, trầm bổng, trang nghiêm. Hát thài trong đám rước cung nghinh ở làng Chuồn là một lễ tục hiếm có còn sót lại trong các đám rước Thành Hoàng ở Thừa Thiên Huế.

Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ: màu của lễ phục cổ truyền, cờ xí đủ cỡ, đủ loại, kiệu lọng thắm tươi, các loại áo lính vàng đỏ, phản chiếu trên mặt nước hai bên bờ đê khi trời vừa hừng sáng. Quãng đường đám rước di chuyển từ Ðồng Miễu đến Ðình làng xa hơn 1 cây số, đủ khoảng không gian thênh thang cho đám rước phô bày vẻ rộn ràng đầy màu sắc. Ðám rước đi thật chậm di chuyển từng bước qua các cổng chào của các thôn xóm trong làng. Trước mỗi cổng kết hoa là bàn hương án nghi ngút khói hương trầm.

Ðám rước đến trước Ðình, pháo nổ tưng bừng chào đón. Ðoàn Tư văn cúi rạp người làm lễ. Trong lễ Chánh tế, bộ phận nghi lễ thi hành đúng quy cách cổ truyền do Thượng thư Hồ Ðắc Trung truyền dạy. Nghi thức nghiêm trang của Khổng giáo đã thâm nhập từ cung đình đến dân gian.

Tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm. Làng cách Huế khoảng 10 km theo hướng đông bắc, gần phá Tam Giang./.


3.Lễ Rước Hến
Lễ rước hến được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm, tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Đây là một loại lễ hội theo phong tục, có tính chất hương lễ, chỉ có dân làng phường Giang Hến cử hành và tham dự.
Lễ rước hến là một tục lệ của làng Cồn Soi – phường Giang Hến (thuộc xã Phú Xuân cũ) nay thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Ba năm một lần làm lễ lớn, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, ngày chính lễ là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Năm thường thì làm tiền lễ (chỉ đi rước) và cây Phan giữa sông sẽ nhỏ hơn, không có điểm hội đồng như đại lễ.

Tương truyền, Niên hiệu Thành Thái thứ 4 (Nhâm Thìn 1892) ở phường Giang Hến có bà Trần Thị Thẹp đi “tròng” (thuyền nhỏ) ra dũi hến ở vùng sông trước đình Hương Cần (huyện Hương Trà), bị hương lý xã kéo ra bắt, đưa “tròng” của bà Thẹp lên bờ đòi chịu nộp thuế phạt, với lý do “Hến về làng, thành hoàng về miếu”. Dân phường Giang Hến hay tin, làm đơn kéo nhau đi kiện, được châu phê: “Thượng từ nguyên đầu, hạ chí hải khẩu” (Nghĩa là: Từ đầu nguồn đến cuối sông biển, ao hồ chịu thuế, sông nước được dùng).

Ðược thắng kiện, phường Giang Hến kết long đình trên thuyền, trang trí cờ lọng đi rước, châu phê xã Hương Cần phải thả bà Thẹp, đưa “tròng” của bà Thẹp xuống nước, dân phường Giang Hến rước về tận đình phường làm lễ tạ. Dân phường cho rằng: sở dĩ làng được kiện là nhờ thần sông phù hộ, cho nên dân làng lấy ngày này làm ngày lễ tế hàng năm.

Tiến trình lễ hội bắt đầu bằng việc kết thuyền trang trí long trọng, có án thờ giữa thuyền ở đầu cồn Hến (ngã ba sông Hương). Ở giữa sông cắm cây đại phan, gọi là “Hội đồng thần kỳ” do các bô lão túc trực.

Một đoàn thuyền khác, mỗi thuyền đều trang trí cờ lọng, án thờ kết hoa, có trống, chiêng, phường nhạc bát âm, xuất phát từ “Hội đồng thần kỳ” trung tâm, toả đi hai hướng thượng nguyên và hạ nguyên gọi là cung nghinh thần kỳ sông nước các nơi.

Khi đến mỗi địa điểm, chọn nơi có điều kiện, bày hương hoa, quả phẩm, gạo muối làm lễ nghinh rước, đủ 3 tuần rượu rồi cung nghinh về điểm xuất phát. Sau đó lên bờ trở về nhà thờ họ Nguyễn (nhà thờ chung 12 họ khai canh của xã Phú Xuân) để làm lễ rước thần khai canh cùng về đình hiệp tế.

Tất cả người tham dự hội lễ toàn là nam giới, gồm các vị bô lão, trung niên và lớp thanh niên. Ðám rước thần sông nước gồm một số người mặc áo dài đen, thắt lưng bằng vải đỏ gánh án thờ chính ở điểm hội đồng. Phía trước có một số người mặc áo dài đen, thắt lưng vải đỏ, cầm chèo thuyền phân làm hai hàng, vừa đi vừa làm động tác chèo thuyền và cất giọng hò mái đẩy, có kèn trống, giàn nhạc phụ hoạ gọi là chèo cạn.

Ðoạn cuối là các chức sắc trong phường cùng với dân làng, ăn mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần. Trước khi đám rước vào đình còn phải ghé vào nhà thờ họ Nguyễn để làm lễ rước thần về hợp tế. Thần khai canh phường Giang Hến là ông Huỳnh Tương, nguyên người làng Diên Ðại, huyện Phú Vang, tới Cồn Hến lập nghiệp bằng nghề dũi hến. Vua Gia Long lên ngôi, vùng Cồn Hến được đặt tên là phường Giang Hến thuộc xã Phú Xuân.

Lễ tục do vậy mang một ý nghĩa cao đẹp của tập thể, những con người sống trên sông nước ở một vùng sông nổi tiếng ở Thừa Thiên: Cồn Hến, nơi đặc biệt sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt để làm nên món cơm hến độc đáo, ngon lành của xứ Huế./.


4.Lễ hội làng bún Phú Đô
Lễ hội làng bún Phú Đô được tổ chức vào ngày 22 tháng 1 âm lịch hàng năm, tại Đền thờ Bà Bún, làng Vân Cù, huyện Hương Trà. Lễ hội được tổ chức để cầu một năm mới may mắn, sung túc và bình an cho dân làng và người dân thập phương.
Theo người dân ở đây truyền lại nguồn gốc của lễ hội. Ngày xưa, có một người đàn bà rất đẹp, thuỳ mị và khéo léo. Không rõ họ của bà là gì, chỉ biết bà tên là My, từ Thanh Hoá đi vào tìm đất lập nghiệp. Hành trang của bà chỉ có cái cối xay để giã gạo làm bún. Khi đến làng Vân Cù, vì kiệt sức, nên đành dừng lại và định cư luôn ở đây. Bà lấy nghề bún làm kế sinh nhai và dạy cho người dân trong vùng làm theo. Một ngày kia, vào buổi trưa, trong lúc bà đang làm bún, chẳng may hoả hoạn nổi lên thiêu rụi nhà bà và lan sang những nhà khác. Bà bị bắt tội, trói giữa sân đình cho đến chết. Kể từ đó, cứ mỗi độ huý nhật của bà, trong làng đều có nhà bị cháy. Dân làng cho rằng bà bị chết oan nên hiển linh về báo oán. Những người được bà dạy nghề bèn lập miếu thờ và khấn vái xin giải oan cho bà và cũng cầu cho tai qua nạn khỏi. Kỳ diệu làm sao, kể từ đó, không còn cảnh cháy nhà nữa. Dân làng lại ngày càng ăn nên làm ra và nghề bún phát triển cho đến hôm nay. Bún Vân Cù nổi tiếng không đâu sánh được bởi có mùi vị đặc trưng riêng. Con bún khi ăn không chua mà thơm mùi tinh khiết của bột, không bở mà cũng không dai quá lại có màu trắng tinh. Để tưởng nhớ công lao của bà, hàng năm vào ngày 22 tháng 1 âm lịch người dân Phú Đô lại tổ chức lễ hội.

Lễ hội được chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Phú Đô là làng nghề làm bún truyền thống nên phần lễ là dâng cúng sản phẩm đặc trưng của làng. Những gánh bún trắng tinh được dâng lên trời đất cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác: lợn, gà, xôi…

Phần hội diễn ra vui vẻ náo nhiệt với lễ rước kiệu Đức Thánh Cả, Đức Ông và Hai Bà (dân làng thờ Đức tổ nghề làm bún Hồ Nguyên Thơ, hai bà: Bà An và Bà Phương). Lễ rước được tiến hành từ đình làng xuống Quán của làng, Cầu Đôi và sau đó rước các ngài về Đình làng.

Hàng nghìn người dân tham gia rước kiệu, đâu đâu cũng thấy không khí náo nhiệt rộn rã. Lễ rước kết thúc vào 10 giờ trong ngày, vẫn còn đọng lại xúc cảm phấn khởi, hạnh phúc trong lòng người dân. Đây là một nét đẹp văn hoá được gìn giữ và duy trì qua nhiều thế kỷ…


5.Tết Cơm Mới
Lễ Aza được tổ chức ở Huyện A Lưới, đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Thời gian tiến hành lễ Aza của mỗi làng có khác nhau vì ngày tổ chức do làng quyết định, tuy nhiên, Aza của tất cả các làng đều được tổ chức trong tháng 10 âm lịch. Nếu ngày đã chọn vẫn chưa tổ chức được thì làng sẽ tổ chức lễ Aza sau đó 18 ngày.
Trước ngày tổ chức Aza, người Pacô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại. Đó là sự tri ân cây lúa bởi lẽ, cây lúa đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm.
Từ tối ngày mồng 5 đến sáng ngày 6, người làng Đụt đã chuẩn bị những lễ vật để cúng Aza. Nào cơm trắng, xôi, bánh aquat, nào gà, heo, vịt, dê. Ngoài ra, lễ vật có một thứ hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tânghọt – một loại hoa làm từ tre, và những tấm dzèng. Nhà nào cũng muốn mang những lễ vật quý nhất để cúng thần linh.
Sau khi các gia đình đã chuẩn bị xong, thời gian cả làng bắt đầu tiến hành Aza đã đến, một chức sắc của làng thừa lệnh trưởng làng đánh lên những tiếng kẻng báo hiệu: thời khắc Aza đã đến. Ngày xưa, người ta dùng mõ tre hoặc trống da dê để đánh báo hiệu, khi đó, người làng còn ít và ở quanh nhà trưởng làng. Nhưng nay thì người làng đông hơn và đến ở những chỗ xa hơn, vì vậy, phải dùng kẻng mới báo hiệu được. Sau tiếng kẻng ngân vang, nhà nhà trong làng thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh.
Các thần linh được cúng trong lễ Aza bao gồm: Giàng Tro – giống như Thần Nông của người Kinh, đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh – thần Chăn nuôi, đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn – thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh – Thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết. Bên cạnh đó, mỗi gia đình, dòng họ có giàng riêng của mình cũng được cúng trong dịp này. Khi cúng các giàng, đồng bào Pacô muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm, đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cây cỏ tốt tươi.
Quanh không gian thực hiện lễ Aza, những tấm dzèng được treo tạo thành một gian hành lễ. Tuỳ mỗi gia đình mà cách treo các tấm dzèng khác nhau. Treo xung quanh có, bên trên có. Lễ vật được bày la liệt. Nhà nào có điều kiện thì lễ vật nhiều và quý hơn. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét trong Tết Nguyên Đán của đồng bào dưới xuôi, aquat – một loại bánh nếp không nhuỵ của bà con Pacô, là không thể không có và được đặt trên bàn lễ rất trang trọng. Ở từng lễ vật, những cành hoa tre – tânghọt, màu trắng được cắm lên trên.
Trong khi tạ ơn các giàng, tên các giàng được, những lời tri ân năm cũ và cầu mong năm mới được người trong nhà nói to và liên tục 3 lần. Đến khi nào hết tất cả các giàng được cúng thì thôi. Không chỉ cúng các giàng, có nhà còn cúng con ma ngoài đường, ngoài rừng. Với họ, con ma không còn là nỗi sợ hãi như ngày xưa nữa mà nó cũng là một phần của đất trời. Vì vậy, khi cúng Aza thì cũng giành cho những con ma những phần cơm, phần bánh hay con gà, miếng thịt … Những gì dành để cúng con ma sẽ được đổ đi. Có nhà lại sợ linh hồn người thân chưa về kịp với tết cơm mới nên ra trước sân nhà khấn cầu người thân mau về ăn tết cơm mới. Khi đó, họ cũng xướng tên người thân thật nhiều lần để người thân có thể nghe được.
Sau khi tổ chức cúng giàng trong nhà xong, nhà nào cũng lấy một phần lễ vật mang đến nhà sinh hoạt cộng đồng để góp lễ chung vui với mọi người trong làng. Đồng thời tổ chức cúng giàng chung của làng. Đó là những vị thần bảo hộ cho làng và những người thành lập làng. Điều này tương tự đồng bào Kinh tổ chức lễ Thu tế để tưởng nhớ thành hoàng của làng vậy. Trước đây, khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, phần lễ vật giành cho làng sẽ được mang đến nhà của trưởng làng để chung vui. Từ khi có nhà sinh hoạt cộng đồng, hoạt động này được tổ chức ở đây. Điều này cũng mang lại sự tiện lợi cho bà con trong làng. Đó là tránh được mưa và có không gian rộng hơn để mọi người tham gia. Nhà nào cũng muốn giành những lễ vật ngon nhất. Tất cả được bày ra giữa nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà thì mang bánh aquat, nhà thì mang xôi và gà, nhà thì mang heo đến. Có một thứ không thể thiếu là hũ rượu cần. Sau khi các gia đình trong làng tề tựu đến nhà sinh hoạt cộng đồng đông đủ, trưởng làng báo hiệu, bà con bắt đầu khấn nguyện sự yên bình, hoà hợp và no ấm cho làng. Sau đó, cũng như ở mỗi nhà, ai cũng cầm hoa tre ném lên trần nhà sinh hoạt cộng đồng và vui cười. Điều này thể hiện Aza đã xong.

6.Lễ Hội Điện Hòn Chén
Hàng năm hai lần vào dịp xuân tế (mồng 2, mồng 3 tháng 3) và thu tế tháng 7, Điện Hòn Chén tại làng Hải Cát, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế lại tấp nập người trẩy hội Thiên Y A Na Thánh mẫu.

Nghi lễ diễn ra rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Trong đó đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.
Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc thuyền kết đôi với cờ phướn mà người dân gọi là chiếc “bằng”, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng…

Ðám rước cử hành trên những chiếc bằng. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị thượng Ngàn và Thuỷ Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất.

7.Lễ hội Cầu ngư ở Cửa Hội
Lễ hội Cầu Ngư là một trong những sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng cửa biển. Nó gắn với các tín ngưỡng thờ cá – là vật tổ từ xa xưa của cha ông ta trong những ngày đầu di dân về phía biển. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, hoành tráng vào ngày mồng 3 tết hàng năm .

Từ xa xưa, khi khoa học còn lạc hậu, con người chỉ dựa bằng vốn sống và kinh nghiệm thực tế chứ hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học. Chính vì thế mà không biết bao nhiêu con thuyền cùng với những sinh mạng bị nhấn chìm dưới đáy sông. Từ đó, người ta bắt đầu tin vào sức mạnh vô hình siêu nhiên nào đó, họ vừa sợ hãi, vừa cầu mong sự che chở. Cho nên lễ hội cầu Ngư có nguồn gốc từ đó.

Trong quan niệm của những người đi biển ở đây thì “cá ngài” là chúa tể của muôn loài chốn biển khơi. “Cá ngài” là biểu tượng về sự thiêng liêng, uy quyền. Đồng thời mọi biểu hiện của cá đều là sự dự báo chính xác về mọi đều tốt, xấu, may rủi cho một năm, một vụ mùa hay một sự kiện liên quan tới nghề biển.

Trong lễ hội Cầu ngư chủ yếu chỉ có phần lễ. Phần lễ được tiến hành một cách đơn giản nhưng đầy không khí trang nghiêm thành kính.

Đúng 5 giờ sáng phía Nam Cửa Hội có 3 hồi trống trầm ấm, dõng dạc do một vị bô lão trong trang phục áo the, khăn đóng chỉnh tề đánh. Khi tiếng trống vang lên thì 3 chiếc thuyền lớn từ bờ bắc xếp theo hình mũi tên : một chiếc hơi nhô về phía trước, hai chiếc còn lại song song áp sát theo sau từ từ tiến ra giữa dòng.

Cả ba con thuyền này thuộc vào loại lớn nhất trong vạn chài, nó có kích thước, chủng loại gần giống nhau, chỉ trừ thuyền đi trước to, mũi cao hơn một chút, còn hai thuyền sau đều giống nhau. Cả 3 thuyền này đều được trang hoàng rực rỡ, trên mũi của thuyền được thắt một tấm vải đỏ (biểu tượng cho sự may mắn). Phía hai bên đầu thuyền là hai con mắt được vẽ nổi, cả ba thuyền trong lúc hành lễ đều phải là thuyền chèo. Thuyền đi đầu tiên gồm có 9 người, trong đó có 8 tay chèo do 8 thanh niên khỏe mạnh và có kinh nghiệm đi biển. Tất cả đều phải trong trang phục của ngư dân xưa : áo quần nâu mành cánh buồm đều tay đưa thuyền ra giữa “Lạch”. Còn người cuối cùng trên thuyền là một ngư ông cao tuổi – đây là linh hồn của lễ hội Cầu Ngư. Ông phải là người đi biển nhiều năm, am tường mọi biến thiên về thời tiết của vùng, đồng thời là người có uy tín và có tiếng nói nhất được mọi người nể phục. Ông sẽ là người giữ vai trò chủ tế được cả làng cử ra trước đây.

Một điều hết sức đặc biệt là ngay con thuyền này còn chở “cá ngài” với chiều dài gần hết con thuyền. “Cá ngài” ở đây được làm bằng nhựa mềm và có vẻ rất giống thật.

Hai con thuyền còn lại ở hai phía đều có người. Trong 9 người mỗi thuyền thì đã có 8 người thay nhau chèo còn người thứ 9 trong thuyền giữ vai trò là thuyền trưởng cả đội. Người này phải chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động theo nghi thức đặc biệt theo sự phân công, ra hiệu từ con thuyền phía trước do vị chủ tế giao phó. Có một điểm khác so với con thuyền phía trước là cả hai con thuyền này đều phải chở đầy lưới sạch, được xếp trong tư thế như sắp đánh cả. Ở phần đầu giữa mũi con thuyền cũng có hương án bày đầy đủ hương đăng, hoa quả và lễ vật.

Cả ba con thuyền chầm chậm tiến ra vị từ giữa dòng trước sự chứng kiến của hàng chục vạn người. Khi cả 3 thuyền ra đến giữa dòng thì lập tức mũi thuyền đồng loạt hướng về phía biển Đông theo hướng chỉ tay của vị chủ tế. Thuyền ra giữa trung tâm “Lạch” – đó là lúc phần lễ cầu Ngư – Cửa Hội chính thức bắt đầu.

Khi phần lễ được bắt đầu cũng là lúc trống từ hai bờ Bắc Nam cất lên khoan thai, trịnh trọng. Vị chủ tế đứng thẳng, mắt hướng về phía “Lạch”, hai tay đan nhau để lên trán đọc lời cầu lễ. Đó là lời cầu nguyện của đại diện cho hơn 4 vạn dân cầu mong cho một năm gió thuận, mưa hòa, trời yên biển lặng, tôm cá sinh sôi, ngư dân gặp nhiều may mắn. Cứ sau mỗi đoạn tế ngắn thì vị chủ tế quỳ xuống, dập đầu lạy ba lạy, hai vị thuyền trưởng còn lại cũng hành lễ theo trong sự yên lặng theo dõi của mọi người hai bên bờ. Cứ sau mỗi một đoạn tế ngắn vị chủ tế tiếp tục cầu nguyện, còn hai thuyền trưởng sẽ ném dần lễ vật như hương vàng, gạo, hoa quả đèn xuống cửa sông.

Phần lễ được tiến hành trong vòng khoảng 30 phút, kết thúc phần lễ, vị chú tế cùng hai truyền trưởng phía sau dập đầu lạy chín lạy. Xong đâu đó 2 thuyền trưởng của 2 thuyền kia sẽ nhảy sang thuyền lớn trong tiếng trống đổ dồn cùng vị chủ tế đưa “cá ngài” xuống của sông. Việc đưa “cá ngài” xuống nước mang đầy ý nghĩa, đó là sự trở về với giang sơn biển cả, của chúa muôn loài. Đồng thời, khi trở về vật tổ đã mang trong mình đầy đủ những thông điệp cũng như những lời nguyện cầu của muôn dân về một năm may mắn, tốt lành. Đây cũng là lúc mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, trong lòng trở nên phấn trấn và tự tin hơn.

Nhưng đến đây không phải ba thuyền đã hoàn thành phần việc của mình, mà qua phần nguy hiểm của “lạch” một quãng thì vị chủ tế lại trèo lên cột thuyền, nơi có vị trí cao nhất để chỉ huy việc đánh lưới,một mẻ lưới được tiến hành có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 con thuyền. Khi lưới được vây kín đến gang tay cuối cùng thì cũng là lúc hàng trăm thuyền máy lớn nhỏ đồng loạt khởi động chạy ra tham gia vui hội và “chia phần”. Những con thuyền này cố lượn thật sát mẻ lưới đầu tiên đầy thiêng liêng này và múc nước ở đó đổ vào lòng thuyền mình. Họ cho rằng làm như vậy thì mọi may mắn trong năm sẽ đến với thuyền mình. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ “chia phần”, các con thuyền này sẽ chạy vòng ngoài nhường chỗ cho những con thuyền khác ở vòng ngoài vào ’lấy lộc”.

Trong khi các con thuyền liên tục vào ra thì ba con thuyền hành lễ ban đầu vẫn miệt mài với công việc của mình. Họ tiến hành thủ tục đánh cá như thật, cá thu được có khi lên đến hàng tạ. Dù không nhiều song những năm như thế mọi người hoan hỉ lắm. Vì họ cho rằng đó là điềm báo, là dấu hiệu một năm bội thu hoặc là sự linh ứng nhãn tiền của vật tổ khi mẻ lưới cuối cùng được kéo lên thì cũng là lúc tất cả các con thuyền tham gia lễ hội hướng hết mũi ra biển Đông đã vượt “lạch”. Sau khi vượt “lạch” một quãng họ lại quay mũi hướng thuyền về phía bờ trong tiếng hò reo hoan hỉ của mọi người.

Trong quá trình đó người ta vẫn thắp nhang tiếp tục cầu mong sự may mắn và như để vơi bớt nỗi oan khuất cho những người trước kia đã nằm lại nơi đây.

Lễ hội Cầu Ngư là dịp bày tỏ lòng thành kính của ngư dân vùng này với “cá ngài”, cầu mong sự che chở, tốt lành bội thu và cũng như để xua đi mọi điều xấu đồng thời còn là dịp để người ta cúng tế những vong hồn oan khuất và vĩnh viễn ở lại với biển nhằm xoa dịu nỗi đau của những người ở lại

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN