Di sản thế giới là di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, tòa nhà, quần thể kiến trúc hay thành phố,… do các nước có tham gia Công ước Di sản thế giới đề cử cho Ủy ban Di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO. Sau đó, UNESCO sẽ lập danh mục, đặt tên và bảo tồn những vị trí nổi bật về văn hóa hay đặc điểm tự nhiên cho di sản nhân loại chung. Vậy ở Ấn Độ có những di sản nào đã được công nhận , chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.
1.Taj Mahal
Tāj Mahal (tiếng Urdu: تاج محل, tiếng Hindi: ताज महल) là một lăng mộ nằm tại Agra, Ấn Độ. Hoàng đế Môgôn Shāh Jahān (gốc Ba Tư, lên ngôi năm 1627); trong tiếng Ba Tư Shah Jahan (شاه جها) có nghĩa là “chúa tể thế giới” đã ra lệnh xây nó cho người vợ của mình là Mumtaz Mahal, khi bà qua đời. Công việc xây dựng bắt đầu năm 1631 và hoàn thành năm 1653. Một số tranh cãi xung quanh câu hỏi ai là người thiết kế Taj Mahal; rõ ràng một đội các nhà thiết kế và thợ thủ công đã chịu trách nhiệm thiết kế công trình và Ustad Ahmad Lahauri được coi là kiến trúc sư chính.
Taj Mahal nói chung được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Môgôn, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Hồi giáo. Tuy phần mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất, thực tế Taj Mahal là một tổng hợp các phong cách kiến trúc. Nó được liệt vào danh sách các Địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là một “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.[6] Việc xây dựng Taj Mahal đã được giao phó cho một hội đồng quản trị của kiến trúc sư dưới sự giám sát của triều đình, bao gồm Abd ul-Karim Khan Ma’mur, Makramat Khan, và Ustad Ahmad Lahauri. Lahaurithường được coi là người thiết kế chính.
2.Vườn quốc gia Thung lũng các loài hoa
Vườn quốc gia Thung lũng các loài hoa là một vườn quốc gia ở phía Tây của khu bảo tồn Nanda Devi thuộc dãy Tây Himalaya với những đồng cỏ hoa đặc hữu của vùng núi cao. Vườn quốc gia này trải dài trên một diện tích là 87,5 km² (thuộc khu dự trữ sinh quyển Nanda Devi rộng 223,674 km² và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển này lên đến hơn 5.148 km²) và đã được hình thành từ năm 1982 với đỉnh núi cao nhất trong vườn quốc gia là Gauri Parbat cao 6.719 m.
3.Sundarban
Rừng Sundarban (Pron:/ˈsʊndəˌbʌnz/) (tiếng Bengal: সুন্দরবন, Shundorbôn) là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.[2] Phần lớn diện tích (hai phần ba diện tích) nằm tại Bangladesh, một phần còn lại trở thành vườn quốc gia Sundarban của Ấn Độ. Cả hai khu vực đã được công nhận là một di sản thế giới của UNESCO phần của Bangladesh vào năm 1997.
4.Rani ki vav
Rani ki vav là một tổ hợp kiến trúc phức tạp nằm ở thị trấn của Patan, Gujarat, Ấn Độ. Là một công trình được xây dựng trong thời cai trị của Triều đại Solanki, nó đã được thêm vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào ngày 22 tháng 6 năm 2014.[
Công trình được xây dựng trong thời cai trị của Triều đại Solanki. Rani ki vav được các nhà khảo cổ học tin rằng, nó được xây dựng bởi con trai của Mularaja của Vương triều Bhimdev I (1022-1063 TCN) và hoàn thành bởi nữ hoàng Udayamati và Karandev I sau khi ông qua đời. Do thiết kế đặc biệt của nó nên phần lớn ngôi đền sau đó đã bị ngập trong phù sa và nước sông Saraswati qua hàng trăm năm cho đến cuối những năm 1980, khi nó đã được khai quật bởi các nhà khảo cổ học của Ấn Độ. Sau một thời gian khôi phục, những nét chạm khắc tinh xảo và kiến trúc của công trình với những hình khắc được tìm thấy hầu như vẫn trong tình trạng nguyên sơ.
5.Pháo đài Agra
Pháo đài Agra tọa lạc tại Agra, Ấn Độ. Pháo đài này còn được gọi là Lal Qila, Fort Rouge và Pháo đài đỏ của Agra. Pháo đài này cách Taj Mahal 2,5 km về phía tây bắc. Pháo đài này có thể xem như cung thành.
Theo nhiều dự đoán, pháo đài bị nhà Mogul chiếm từ nhà Lodhi cuối thế kỷ 16 bởi Akbar Đại đế. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông đã dời đô của đế quốc mình từ Delhi đến Agra. Nhờ sự dời đô này mà Agra đã trở nên thịnh vượng. Akbar cho xây pháo đài bằng đá cát đỏ và cẩm thạch trắng làm trang trí.
Nhưng phải đến thời kỳ trị vì của cháu Akbar là Shah Jahan thì khu vực này mới có hình dạng như ngày nay. Shah Jahan xây đền Taj Mahal cho vợ. Không giống như ông của mình, Shah Jahan thì thích xây bằng đá cẩm thạch, dát bằng vàng hoặc đá bán quý. Ông đã cho phá hủy một số công trình bên trong để xây lại theo ý mình.
Vào lúc cuối đời, Shah Jahan bị con trai là Aurangzeb tống giam vào tù bên trong pháo đài một hình phạt có lẽ không khắc nghiệt lắm vì pháo đài này rất xa hoa. Người ta đồn rằng Shah Jahan qua đời ở Muasamman Burj, một ngôi tháp với các ban-công bằng cẩm thạch với tầm nhìn tuyệt vời ra Taj Mahal.
Pháo đài này cũng là chiến trường trong Cuộc binh biến Ấn Độ năm 1857, chấm dứt sự cai trị của Công ty Đông Ấn Anh ở Ấn Độ và dẫn đến sự cai trị trực tiếp Ấn Độ trong một thế kỷ bởi Vương quốc Anh.
6.Nhà thờ và tu viện ở Goa
Nhà thờ và tu viện ở Goa – một nhóm các tòa nhà linh thiêng ở Goa cổ (không nên nhầm lẫn với Goa Velha) ở bang Ấn Độ Goa, thủ đô cũ của Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha Ấn Độ, được UNESCO liệt kê ghi vào danh sách di sản thế giới, số 234. Goa cổ cách thủ phủ bang Panaji 10 km. Qua nhiều thế kỷ, các tòa nhà đã phục vụ như là một tiêu chuẩn xây dựng nhà thờ ở Ấn Độ và góp phần vào việc phổ biến nghệ thuật Manueline, và Baroque ở các nước khác ở châu Á.
7.Khu quần thể kiến trúc Mahabalipuram
Khu quần thể kiến trúc Mahabalipuram là một tổ hợp các di tích trên bờ biển Coromandel của Vịnh Bengal, ở huyện Kancheepuram, gần Chennai, Tamil Nadu, Ấn Độ. Quần thể bao gồm khoảng 40 khu vực bảo tồn, trong đó có bức phù điêu ngoài trời lớn nhất thế giới. Quần thể kiến trúc ở Mahabalipuram đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1984. Những công trình triều đại Pallava bao gồm: Pancha Rathas của Dharmaraja Ratha, Arjuna Ratha, Bhima Ratha, Draupadi Ratha, Nakula Sahadeva Ratha, và Ganesha Ratha; Các đền hang của Mahabalipuram bao gồm Varaha, Krishna, Mahishasuramardini Mandapa, Panchapandava; đền cấu trúc bao gồm các đền Shore và Olakkannesvara; và tượng đài Descent of the Ganges, một trong những bức phù điêu ngoài trời lớn nhất trên thế giới.
8.Jantar Mantar, Jaipur
Jantar Mantar là một tổ hợp các công trình, thiết bị thiên văn tại Ấn Độ. Đài thiên văn này đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới (di sản văn hoá) trong cuộc họp thứ 34 tại Brasil. Tổ hợp các công trình này đã được vua Maharaja Jai Singh II cho xây tại nơi lúc đó là kinh đô của triều đại ông Jaipur giai đoạn 1727 và 1734. Công trình này theo mẫu ông đã xây cho thủ phủ Mughal Delhi. Ông đã cho xây tổng cộng 5 công trình như thế tại các địa điểm khác nhau, bao gồm các công trình tại Delhi và Jaipur. Đài thiên văn Jaipur là công trình lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trong tổ hợp này.
9.Hệ thống đường sắt trên núi của Ấn Độ
Hệ thống đường sắt trên núi của Ấn Độ là một hệ thống đường sắt bao gồm sáu hoặc bảy tuyến trên núi cao ở Ấn Độ trong số 20 tuyến đường sắt khổ hẹp còn hoạt động trên thế giới. Được xây dựng bắt đầu hoạt động vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 dưới chế độ thực dân Anh. Ngày nay, hệ thống đường sắt trên núi của Ấn Độ cùng với tuyến đường sắt Kashmir hoạt động từ năm 2005 vẫn được sử dụng để phục vụ công chúng. Trong khi bốn tuyến đường sắt: Darjeeling Himalayan (1881), Kalka–Shimla (1898), Kangra Pathankot (1924), Kashmir đều nằm ở vùng núi ghồ ghề của dãy Himalaya ở miền Bắc Ấn Độ thì hai tuyến đường sắt nằm trên khu vực Ghats tây là Nilgiri ở Tamil Nadu và Matheran ở Maharashtra. Còn tuyến đường sắt Lumding-Silchar được xây dựng vào thế kỷ 20 nằm sâu ở trong thung lũng sông Barak của các đồi Cachar ở Assam. Các tuyến đường sắt Darjeeling Himalayan, dãy núi Nilgiri và Kalka-Shimla đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1999.
Các tuyến đường sắt kết nối các khu du lịch trên núi quan trọng với khu vực chân núi, uốn lượn đi qua các vùng núi đá ghồ ghề nhưng mang phong cảnh tuyệt đẹp. Chúng đã được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa Anh được coi là ví dụ nổi bật về việc trao đổi các giá trị trong phát triển công nghệ đồng thời là tuyệt tác về kỹ thuật.
10.Đồi pháo đài Rajasthan
Đồi pháo đài Rajasthan là một loạt các địa điểm nằm trên mỏm đá của dãy núi Aravallis ở Rajasthan. Các công trình này đại diện cho một loại hình học của đồi kiến trúc quân sự Rajput, một phong cách đặc trưng thiết lập trên đỉnh núi, sử dụng các thuộc tính phòng thủ nhờ vào địa hình. Muốn đi vào được bên trong thì chỉ có cách thông qua các bức tường lớn và cao của pháo đài. Các khu vực trung tâm bao gồm cung điện, đền, đài tưởng niệm và các hồ chứa nước đều ở bên trong phạm vi của các bức tường. Đồi pháo đài ở Rajasthan đại diện cho thành lũy quân sự Rajput trên một phạm vi rộng lớn và đại diện văn hóa Ấn Độ, thể hiện sự phát triển của kiến trúc phòng thủ Rajput như là một ví dụ điển hình về kiến trúc quân sự Rajput.
Kiến trúc này được biết đến với việc tập trung phòng thủ. Cả vùng lãnh thổ rộng lớn đều được các bức tường bao quanh. Các pháo đài có kiến trúc khác nhau, được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 20 và mỗi pháo đài đều có đặc trưng riêng về các tòa nhà và công trình, minh họa sự phát triển kế tiếp của nó và lịch sử quân sự giữa thế kỷ 13 và 19. Khu vực được công nhận là di sản thế giới bao gồm Pháo đài Chittorgarh, Pháo đài Kumbhalgarh, Pháo đài Ranthambore, Pháo đài Gagron, Pháo đài Amber và Pháo đài Jaisalmer. Do sự đa dạng của cấu trúc xây dựng trong mỗi đồi pháo đài, nên chỉ có các yếu tố quan trọng nhất của mỗi pháo đài được mô tả. Năm 2013, Đồi pháo đài Rajasthan đã trở thành một di sản thế giới của UNESCO tại kỳ họp thường niên lần thứ 36.