Top 7 làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Quảng Nam

0
2629
Vật Phẩm Phong Thủy

Nằm ở trung tâm miền trung yêu dấu , Quảng Nam nổi tiếng nhất với làng nghề thủ công đèn lồng Hội An và còn có thêm một số làng nghề truyền thống vẫn đang giữ được tinh hoa của văn hóa Việt .

1.Làng dệt Mã Châu
Lần theo câu ca dao cổ, chúng ta cùng đến thăm làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa Mã Châu, thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, tỉnh Quảng Nam. Dưới bóng cây đa nghìn tuổi còn hiện diện mái đình Mã Châu cổ kính là nơi thờ cúng vị tổ nghề dệt của làng.

Theo lời kể của người dân Mã Châu thì từ thế kỷ 16-18, những bậc tiền nhân khai khẩn đã sớm nhận ra đất xứ Quảng rất phù hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm và làng dệt lụa Mã Châu đã được lập nên từ đó. Trải qua bao biến động của thời cuộc, thăng trầm của lịch sử, nghề dệt vẫn được truyền lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người thợ Mã Châu đã dệt nên những tấm vải xi-ta, may quân trang cho bộ đội. Tuy nhiên, chiến tranh cũng làm cho người dân phải lang bạt khắp nơi, nghề dệt truyền thống của làng bị đình đốn.

Sau ngày miền giải phóng, đất Châu Hiệp lại bạt ngàn xanh tốt những nương dâu, tiếng thoi dệt vải rộn ràng lách cách vang lên. Nhưng khi phải đối mặt với cơn bão của nền kinh tế thị trường, nghề dệt Mã Châu có lúc đứng trước nguy cơ bị tàn lụi. Song nhờ lòng yêu nghề của người dân, sự quan tâm của chính quyền, làng dệt Mã Châu đã không bị mất đi mà trái lại ngày càng phát triển. Nếu như trước đây, cả làng chỉ có 100 khung cửi gỗ thô sơ đạp bằng chân chuyên sản xuất vải màn, băng y tế thì nay đã có 2.900 máy dệt các loại, trong đó có 500 chiếc bán tự động. Làng đã sản xuất được những mặt hàng vải cô-tông, ka-tê có chất lượng cao. Gần 500 trong số hơn 600 hộ dân ở thôn gắn bó với nghề truyền thống này.

Đến thăm Hợp tác xã Nam Phước, bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh thanh bình của làng quê Mã Châu, đó là những cô gái Mã Châu duyên dáng cần mẫn dệt vải. Những tấm lụa Mã Châu được đưa đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, xuất khẩu sang Thái Lan và một số nước khác trên thế giới. Hằng năm, làng dệt được 17 triệu-20 triệu mét vải các loại, tiêu tụ trong nước và xuất khẩu được khoảng 80 tỷ đồng, thu nhập của người lao động từ 700.000đồng đến 1 triệu đồng/tháng.

Với vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên con đường kết nối hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, Mã Châu sẽ là điểm đến hấp dẫn trong lộ trình du lịch của du khách trong và ngoài nước. Đây chính là cơ hội để người dân làng nghề Mã Châu tự giới thiệu với du khách bốn phương về thương hiệu vải lụa có hàng trăm năm tuổi của quê hương mình.


2.Làng đường Bảo An
Làng Bảo An, Ðiện Bàn, Quảng Nam là một trong nhiều làng có nghề làm đường, và trên bến sông tiếp giáp làng này với sông Cái (Thu Bồn) từ xa xưa đã có bến tên gọi bến Ðường. Làng Bảo An có nghề làm đường từ bao giờ? Theo các gia phả còn lưu lại của họ Lương (gốc Minh Hương hội nhập dân Bảo An) thì đó là năm 1680. Các ông Lương Văn Long và Lương Minh Tiêu kết hợp buôn bán và sản xuất nên ta có thể đoán nghề làm đường đã khá thịnh trước đó vì người Hoa thường chỉ thấy nơi nào có sản xuất và thương mại hứa hẹn có lợi lớn họ mới đến lập nghiệp và đóng góp tích cực vào sự nghiệp ấy.
Ở Quảng Nam, có những loại xe và dụng cụ chế tác theo lối Tàu, Ai Cập… có thể biết rõ nguồn gốc vài loại, nhất là xe trâu đạp nước do Phạm Phú Thứ (Ðông Bàn) và Lương Văn Tấn (Bảo An) mang từ ngoại quốc (Ai Cập) về nhân chuyến công du sang Pháp 1863. Nhưng còn có các dụng cụ như máy quạt lúa, nhất là bộ che ép mía bằng gỗ cứng và dẻo thì không biết có từ bao giờ. Ðặc biệt là “Ông Che” rất thuận tiện trong việc ép mía đại trà, cũng được kéo cần bằng trâu hay bò, vận chuyển bằng bánh xe răng cưa như xe trâu, có dáng vẻ phương Tây, xong chắc chắn đã xuất hiện lâu lắm vì phổ biến nhiều nơi và đã được tôn lên hàng ông: “Ông Che”, trong khi xe trâu đạp nước chẳng hạn, chưa được xưng tụng như thế.
Chòi mía nằm trong sân khá rộng nơi có trữ nhiều bó mía mà người đi mua đều phải biết rõ mía có lượng nước bao nhiêu, trồng trên loại đất cát hay biền và ánh sáng mặt trời có bị che rợp hay không. Khi con vật kéo cần cho che quay ở lò thì người thợ mang cây mía vào chòi và có người chuyên môn đưa vào cho che ép ra nước. Nước mía được thợ nấu đường nhen lửa để chế đường. Thợ nấu đường rất có kinh nghiệm “thén vôi” cho thích hợp để có đường tốt, nghĩa là biết vận dụng mắt để quan sát màu nước đường và dùng mũi để ngửi mùi thơm của chảo đường đang sôi sùng sục. Khi đến độ nào đó, người ta đến xin nước “chè hai” để uống. Có thể nói ngày trước, không có thứ nước ngọt nào ngon, thơm bằng nước chè hai. Nó cũng quí như các loại nước ngọt đắt tiền ngày nay. Nhưng không thấy ai chế biến và buôn loại giải khát này. Khi nước đường đến độ gọi là đường non thì người ta có thể dùng để ăn với bánh tráng nướng khá ngon. Khi đường non đặc sánh thì người thợ nấu đường đổ vào hàng lớp các chén trung bày sẵn tức là chế thành đường bát (táng). Ðây là đường đem bán ở thị trường từng cặp úp lại bọc trong rơm để khỏi ẩm. Người ta cũng có phương pháp không làm đường bát mà để nước đường sền sệt đổ vào các loại chum, vại để dự trữ bán quanh năm cho những người có nhu cầu. Cao hơn nữa là đến độ nào đó, người ta đổ nước đường vào muỗng rồi theo kỹ thuật riêng để chế biến thành đường cát. Cái muỗng đường hình tròn và dài, nhưng đến nửa chừng thì uốn nắn dần cho tới cuối cùng thì túm lại và kết thúc bằng một cái lỗ lù; trên nước mật khô ráo, người ta đổ nước bùn lên để kích thích sự hoạt động của mật chảy xuống lỗ lù ra một dụng cụ hứng đựng. Sau đó người ta chia đường làm ba hạng: số một là đường trắng nhất, số hai là đường có hơi vàng và đường dưới muỗng được chế biến làm đường chà để bán cho người trong làng nấu rượu có tiếng ngon mà thời Pháp thuộc gọi là rượu lậu Bảo An (không chịu nộp thuế cho thương tín). Nhưng không phải Bảo An có nhiều đường muỗng đủ để cung cấp thị trường đòi hỏi các loại hảo hạng. Do đó, phải đi mua ở các làng vùng Gò Nổi hoặc các huyện có nghề làm đường nhưng không rành thương mại.
Theo bản tường trình của đặc sứ Anh sang Trung Quốc và ghé lại Ðà Nẵng 1893 thì cách làm đường của ta thời ấy rất thịnh: cũng dùng đường hạ, đổ lên một đoạn thân chuối (chắc là chuối sứ) để cho nhựa chuối lọc hết tạp chất và chảy vào một cái khung tròn. Ðó là một loại đường ngọt dịu, xốp ăn rất ngon. Ta cũng biết đó là đường phổi vì mặt đường lỗ chỗ mà lại xốp, hình tròn thân cây chuối. Không rõ làng Bảo An có chế loại này không?.
Bảo An luôn chế đường cát để bán cho Hội An bất kỳ thời nào. Vì biết đường có thể mang lại rất nhiều lời nên vào thời Minh Mạng, Thiệu Trị (1820-1847) vua Minh Mạng cho đào sông Câu Nhí nối dài từ sông Thu Bồn ra Ðà Nẵng, vừa có tính chiến lược quân sự, vừa có tính thương mại, cụ thể là buôn đường, quế sang các nước nay gọi là ASEAN (tổ chức các nước Đông Nam Á).


3. Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà nằm ở địa phận xã Cẩm Hà, thị xã Hội An. Dù đã trải qua bao nhiêu sự đổi dời của thời gian, sự khó khăn về kinh tế bởi sự cạnh tranh dữ dội của các mặt hàng ngoại quốc, dân làng ở đây vẫn cố tồn giữ một nghề truyền thống truyền thừa từ cha ông đã bao đời lặng lẽ đã góp vào các mặt hàng nhu yếu xã hội bằng các sản phẩm đặc trưng về nghề gốm như: chén, bát, nồi, chum, vại, bình bông, chậu kiểng…

Xuất phát từ nguồn gốc Thanh Hoá, nghề gốm Thanh Hà đã tiếp thu một số kỹ thuật của đất Quảng Nam để hình thành nên một làng nghề với các sản phẩm hội đủ mọi yếu tố không giống với bất kỳ một làng gốm nào ở địa bàn cả nước dù cũng chỉ với nguyên liệu chính là đất sét và kỹ thuật chế tác chính là ở đôi bàn tay và nhiệt độ ở các lò nung. Ðiều đó thể hiện rõ rệt ở các điểm: màu sắc, độ bền, độ nhẹ và các hoa văn trên bề mặt sản phẩm. Tuỳ theo thời gian và nhiệt độ nung màu sắc gốm Thanh Hà có thể từ màu hồng, hồng vàng đến đỏ, gạch nâu và đen tuyền. Tuỳ theo kỹ thuật chế biến đất và các thao tác dây chuyền trong chuốt, nắn độ bền của các sản phẩm gần như vô địch so với các loại khác ở trong nước và độ láng có thể nói là chẳng khác gì tráng men. Ðồ gốm ở đây đặc biệt lại nhẹ hơn các sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác. Ðặc biệt, khi gõ vào sản phẩm vang lên những âm thanh trong, thanh mảnh và có độ vang. Một số sản phẩm được đặt theo yêu cầu hoặc các chậu để trồng phong lan, hoa kiểng đều được thực hiện những hoa văn chìm, nổi tuy đơn sơ nhưng không kém phần tinh tế, sắc sảo về mỹ thuật.

Các nghệ nhân gốm Thanh Hà từng được triều Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình và cũng như nghệ nhân mộc Kim Bổng, họ cũng được phong hàm Cửu phẩm, Bát phẩm. Từ vài thập niên gần đây gốm Thanh Hà vẫn có mặt ở khắp nơi trong nước và thỉnh thoảng lại xuất hiện ở nước ngoài (Canada, Mỹ, Pháp).Ngoài gốm, làng Thanh Hà còn nổi tiếng về gạch, ngói. Nơi đây từ xưa đến nay đã từng cung cấp ngói âm dương, ngói mấu, ngói ống để phục vụ cho các công trình kiến trúc cổ, biểu trưng là đô thị cổ Hội An trong các công trình trùng tu, tôn tạo di tích.


4.Nghề Đúc Đồng Phước Kiều
Làng đúc Phước Kiều nằm trên quốc lộ 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Theo tư liệu gia phả của các tộc họ hiện còn lưu giữ, làng được thành lập từ buổi đầu thời các chúa Nguyễn dựng nghiệp ở hai xứ Thuận – Quảng. Đây vốn là vùng đất truyền thống đúc đồng nổi tiếng, các ông tiền hiền của tộc Dương Ngọc và Nguyễn Bá đã truyền dạy nghề đúc cho bà con đồng tộc, lập ra làng đúc Phước Kiều cho tới nay. Khi các chúa Nguyễn ra sức mở mang, ổn định ở hai xứ Thuận – Quảng, nghề thủ công trong đó có nghề đúc đồng, sản xuất đồ gia dụng phát triển.

Nghề đúc đồng có những bí quyết riêng để có thể tạo ra được những sản phẩm nổi tiếng mà nhiều nơi biết đến. Một trong những bí quyết đó là pha hợp kim. Qua bao thời tồn tại, phát triển nghề đúc làng Phước Kiều đã tích luỹ được những kinh nghiệm lớn. Để có được sản phẩm (nhất là các loại nhạc khí) người thợ phải mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Khuôn đất sét qua nhiều công đoạn: nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu… Tuỳ sản phẩm mà làm khuôn sống (dùng một lần) hoặc khuôn bền (dùng nhiều lần). Cũng tuỳ sản phẩm, thợ đúc làng áp dụng những kỹ thuật khác nhau trong việc nung khuôn, nấu kim loại, rót khuôn và ra khuôn. Mỗi gia đình có bí quyết pha chế hợp kim riêng để đúc. Như đồng đỏ, đồng thau (đồng pha thiếc), đồng (đồng pha nhôm), đồng xanh (đồng pha kẽm) và đồng thoà (đồng pha vàng).

Trong nghề đúc truyền thống, thì làm nguội chính là công đoạn cuối trong việc quyết định chất lượng sản phẩm. Người trong làng nghề Phước Kiều quan niệm, một cái chiêng mới ra khuôn đánh lên vẫn có tiếng, nhưng chưa phải là tiếng chiêng, mà chỉ như âm thanh ban đầu của một đứa bé mới tập nói, vì thế cần phải tạo cho chiêng ngân vang. Kỹ thuật lấy tiếng nhạc khí là nét riêng của làng đúc Phước Kiều, nhờ đó có thể phân biệt nhạc khí của làng với bất cứ nơi nào khác.

Đến nay, nhiều chùa chiền ở Quảng Nam còn lưu giữ các chuông đồng, nhiều buôn làng ở phía tây Quảng Nam, Tây Nguyên, Bình Phước… còn sử dụng những bộ nhạc khí được làm từ làng đúc Phước Kiều. Ngày giỗ tổ Không Lộ Giác Hải thiền sư – 12 tháng giêng âm lịch hằng năm – được xem là nghi lễ cung kính của chủ tộc dân làng diễn ra trong tiếng ngân vang của chiếc chuông được đúc từ thời Tự Đức 11 (1858). Đặc biệt, với đại hồng chung, thợ phải ăn chay ba ngày, làm lễ cầu an mới bắt tay vào việc.


5.Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu
Tuy chưa phát triển với qui mô làng nghề, nhưng dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá Cơ Tu. Với bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, kiên trì, người phụ nữ Cơ Tu đã biến những thứ nguyên liệu “cây nhà lá vườn” thành những tấm đắp (tuốc), khố (cha lan), váy (dóoh)…với nhiều hoạ tiết, màu sắc lộng lẫy và độc đáo

Các công đoạn dệt thổ cẩm hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ khâu rồng nguyên liệu (đay, gai, bông) đến khâu khéo sợi, nhuộm màu, thêu dệt và bố trí hoa văn. Riêng với công đoạn dệt thổ cẩm, để thực hiện hoàn chỉnh một sản phẩm, người phụ nữ Cơ Tu phải làm việc cật lực trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất hơn một tháng.

Nghề dệt thổ cẩm hiện còn lưu truyền tại hầu hết các làng đồng bào CơTu, nhưng tập trung nhiều nhất có lẽ là làng ZaRa xã TaBhing (cách thị trấn Thành Mỹ-huyện Nam Giang khoảng 15 km về phía Tây Bắc). Tại đây, du khách sẽ rất thích thú khi được những người phụ nữ Cơ Tu ân cần chỉ dẫn từng động tác dệt thổ cẩm với những chiếc khung dệt đơn giản làm từ các thanh gỗ, thanh tre, thanh nứa kết hợp lại.
6.Làng mộc Kim Bồng
Nhắc đến nghề mộc ở Hội An người ta không thể không nhắc đến làng mộc Kim Bồng. Làng mộc Kim Bồng nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia bờ con sông Hoài. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.

Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ 15 bởi những người Việt đầu tiên ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.

Ngày nay, dấu ấn mộc Kim Bồng còn thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với những đường nét chạm trổ tinh vi, đẹp mắt. Cũng như ngày xưa, mộc Kim Bồng chuyên về xây dựng nhà cửa và đóng tàu. Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch. Đó là các loại tượng gỗ và đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày.

Gỗ để làm tượng trước tiên phải được phơi khô để tránh cho tượng bị nứt nẻ sau này. Sau đó gỗ sẽ được cưa theo hình dáng và kích thước tương ứng với sản phẩm cần làm. Đối với loại tượng có kích thước lớn thì người thợ ghép nhiều khúc gỗ lại với nhau đó là dùng bột gỗ để trít các khe hở. Tiếp theo là giai đoạn tạo dáng. Người thợ dùng đục đẽo để tạo dáng tổng quát của tượng sau đó sẽ đi dần vào các chi tiết như tay chân, mắt, mũi, miệng… Cuối cùng là giai đoạn đánh bóng tượng. Tượng sau khi được đánh bóng trông sẽ đẹp mắt hơn nhờ vào mặt gỗ nhẵn thín sạch sẽ, nổi rõ từng vân gỗ.

Các nhân vật được tạc tượng thường là một nhân vật thuộc tín ngưỡng dân gian như : Quan công, Phúc Lộc Thọ, Đạt ma sư tổ, Thập bán la hán, Bồ tác Di lặc…
7. Làng chiếu cói Bàn Thạch
Từ thị trấn Nam Phước – huyện Duy Xuyên đi về hướng Đông khoảng 5 km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Đây là nguồn nguyên liệu chính của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rở, mịn màng và bền chắc, được thị trường trong nước ưa chuộng.

Nguyên liệu làm chiếu được lấy từ những vùng cói, đay mọc ven sông. Theo chị Nguyễn Thị Ca – một người buôn chiếu ở Hội An – thì chiếu Bàn Thạch có rất nhiều loại như chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu bùa, chiếu nổi… Mỗi một loại có công đoạn xử lý nguyên liệu và cách dệt khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Tiến năm nay gần 60 tuổi. Lớn lên, lấy chồng, rồi sinh con đẻ cái cũng chỉ quanh quẩn ở vùng Bàn Thạch. Khi nghe hỏi theo nghề dệt chiếu này bao lâu rồi, bà Tiến cười giòn, bàn tay vẫn đan những sợi lác thoăn thoắt : “Nói chi to tát rứa. Hơn 90% dân làng này đều xem nghề dệt chiếu là nghề cha truyền con nối, 6 tuổi là bọn trẻ trong làng đã biết dệt chiếu rồi. Làm chiếu cũng nhẹ nhàng thôi”. Rồi bà giải thích thêm, nghề này ít vốn, có thể làm vào những lúc rảnh rỗi việc nhà nông. Lúc xem ti vi, tán chuyện với nhau cũng có thể dệt được. Với nghề này có thể phân công lao động rõ ràng. Đàn ông thì lo việc đi chặt cây đay, lác, phơi phóng và tước sợi để làm nguyên liệu. Phụ nữ lo việc nhuộm màu, dệt chiếu. Sản phẩm làm ra có thể bỏ cho các đầu mối quen, hoặc mang đi bán quanh các vùng lân cận. Trung bình một người có thể dệt 3-4 chiếc/ngày, kiếm được khoảng 25-30 nghìn đồng.

Khác với các làng nghề dệt chiếu khác, thường dệt chiếu trắng rồi in khuôn hoa lá, hình ảnh lên nền chiếu, chiếu hoa ở Bàn Thạch thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân”. Để hình ảnh, màu sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn. Trước tiên là chọn sợi lác về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm lên, nhúng từng chùm nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Lác nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. Lác dùng để dệt phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi lác còn dài, không chắp nối thì sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn màng, giá có thể cao hơn rất nhiều. Loại cây để làm go (khổ) và thoi dệt chiếu thường là cây cau già vì có độ bền, nhẹ và thẳng. Để dệt một chiếc thường cần có hai người : một người giữ go, một người cầm thoi.

Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt sẽ điều khiển mặt cửi chạm nổi âm dương, mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Bàn tay phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống, cải ba, cải hai,… để cho ra các hình hoa văn thật ăn khớp nhau. Thường người mua tìm đến tận nhà để đặt dệt những mẫu chiếu theo ý mình, chẳng hạn chiếu hoa có chữ song hỷ, màu tươi sáng dành cho những vợ chồng mới cưới. Chiếu có chữ thọ, màu sắc trang nhã dùng để trải tại các đình thờ, trong việc cúng kính,…

Tổ chức OPEC đã tài trợ hơn 6,6 tỷ đồng cho dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Bàn Thạch”, trong đó tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, dạy nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm… Làng chiếu Bàn Thạch cũng là một trong những làng nghề đang được Quảng Nam ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch.

Vài ba năm trở lại đây, khi các loại chiếu trúc, chiếu nhựa hoa của Trung Quốc lan tràn tại Việt Nam, những tưởng làng nghề dệt chiếu cũng dần tàn lụi. Nhưng theo người dân làng thì thị trường của họ vẫn ổn định, có “phân khúc” rõ ràng. Bà Đỗ Thị Cạ – một người dân làng Bàn Thạch – lý giải : Nằm chiếu dệt thủ công vừa rẻ, vừa bền, vẫn bảo đảm độ thoáng mát. Chỉ mất khoảng 15-20 nghìn đồng là đã có được một chiếc chiếu khổ rộng, màu sắc trang nhã, vừa mát vào mùa hè, lại ấm vào mùa đông. Thử hỏi làm sao người ta không ưa. Còn theo bà Tiến thì chiếu Bàn Thạch luôn đạt được sự hài hòa trong màu sắc, sự sắp xếp hoa văn, hình ảnh (có thể là hoa lá, chim muông, hoặc chữ thọ, song hỷ,…) có thể linh động theo yêu cầu của người đặt hàng. Điểm yếu duy nhất của chiếu tại làng nghề là khó gập lại nhỏ để đóng vào hộp mang đi xa. Thế nhưng hiện nay người dân đang tìm tòi và cải tiến phần nào.

Khi du lịch phát triển, các hãng lữ hành và huyện Duy Xuyên đã có kế hoạch đầu tư, khôi phục và đưa làng chiếu Bàn Thạch vào địa chỉ tham quan của du khách trong các tour du lịch. Người dân làng nghề cũng ý thức rất rõ lợi ích từ các tour du lịch mang lại nên ngày càng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm để chào bán du khách. Anh Nguyễn Văn Hào – hướng dẫn viên du lịch ở Hội An – nhận xét : Du khách, đặc biệt là khách Nhật, rất thích đặt mua những chiếc chiếu khổ nhỏ, trang trí tứ linh hoặc hoa văn ở bốn góc, hoa văn nổi, chìm ở cả hai mặt chiếu để mang về làm quà. Nhiều người dân đã sáng kiến dệt nên những chiếc gối chân nho nhỏ. Đan những chiếc rổ đựng kim chỉ, hoặc làm những đôi dép tận dụng bằng những sợi lác còn lại để bán cho du khách.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN