Top 6 tựa sách hay của Nguyễn Ngọc Tư được nhiều người mua nhất hiện nay

0
1392
Vật Phẩm Phong Thủy

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, bạn sẽ phải làm những điều khác biệt. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vài cuốn sách truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi hoàn toàn cái nhìn của bạn và khiến cuộc sống của bạn bước sang trang mới. Dưới đây là 6 tựa sách hay của Nguyễn Ngọc Tư được nhiều người mua nhất hiện nay

1 Khói Trời Lộng Lẫy

Khói trời lộng lẫy có độ dài hơn 16.000 chữ. Đây là tác phẩm miên man đan xen giữa ký ức, thực tại và ước mơ của một cô gái đã mang đứa em trai nhỏ của mình bỏ trốn cuộc sống phố thị đến sống tại một xóm nghèo trên chiếc Cồn hoang vắng của sóng nước miền Tây. Trên xóm Cồn heo hút này, trong mắt mọi người, hai chị em bị lầm tưởng là hai mẹ con đang dắt díu, tha phương tìm đất sống. Giữa thiên nhiên hoang sơ, giữa những người có tâm sự u uẩn như: Ông Sáu già nung nấu nỗi căm hờn giết chết tình địch làm tan nát hạnh phúc gia đình mình, chị Thắm lỡ thì, anh chàng Thơ bị khùng… cậu bé trai tên Phiên lớn lên từng ngày trong sự cô đơn khi bị người chị, mà cậu gọi là mẹ, tước đoạt hồi ức về tuổi thơ. Vẫn trung thành với văn phong đậm chất miền Tây dân dã, qua Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư, một lần nữa độc giả được đắm mình trong không gian sông nước, cây trái, quang cảnh và lối sống của vùng đất phương Nam trù phú, mênh mông… Khói trời lộng lẫy là truyện dài thứ 3 của nhà văn nữ Nam Bộ, sau Cánh đồng bất tận và Gió lẻ.

“Tôi lặng nhìn Phiên đẹp qua tuổi thơ bận rộn của nó. Buổi sáng đi dài xóm ngửi mùi khói bếp coi nhà nào có đồ ăn ngon nó sẽ nghe với Thơ khùng, sẽ đứng một chân hay đứng bằng cả bốn chân tay, tùy hôm đó cả hai là vịt hay chó. Ngủ trưa lang chạ ở đâu đó, bất cứ giường nào võng nào của bất cứ ai, thức dậy sẽ tới chòi chơi với ông Sáu. Trên đường di chuyển giữa chỗ này với chỗ nọ, gặp nhãn lòng chín nó ngẹo đầu đớp ăn luôn trên cây như chim trao trảo, khỏi phải thò tay hái mắc công. Nó thử coi ổi chua hay cũng bằng cách này, nhá cái răng chó nhọn hoắc lên lên những trái vẫn đang lủng lẳng trên cành, thấy vưà thì ăn, còn chát thì bỏ đó chờ thêm ít bữa. Vừa ta bà ăn chơi vừa ngó trời, thấy chuyển mưa nó chạy về nhà giúp tôi gom củi đem cất trong bếp, bắt mấy con gà con vô nhà.

Có khi nhìn thằng Phiên nằm ngủ, mấy con gà con cũng khoanh tròn trên bụng nó, tôi tự hỏi có gì đẹp hơn vậy. Có gì đẹp như trẻ con, gà con, như mà vừa lú lên, cỏ vừa vượt đất. Xanh lấm tấm. Xanh chưa thẳm. Mong manh.”

2 Cánh Đồng Bất Tận

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giờ đã trở thành cái tên quá quen thuộc với độc giả cả nước. Các đầu sách của chị ngày càng có sức cuốn hút riêng với độc giả trẻ. Không chỉ vì họ tìm thấy ở đó sự tương đồng trong cách nhìn nhận thế giới của những người “trí thức trẻ” mà các tác phẩm của chị còn mang chiều sâu triết lý, triết học nhân sinh không mấy nhà văn trẻ mới vào nghề có được. Chính vì yêu mến chị Tư và muốn cảm nhận tác phẩm của chị theo một chiều kích mới, tôi xin mạo muội “ xoá hết khỏi tâm trí” những nhận xét, phê bình, khen, chê của những người đi trước mà xin cảm nhận tác phẩm của chị dưới góc độ một người trẻ tuổi “băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời”.

Đã đọc Cánh đồng bất tận rất nhều lần nhưng lần nào, tác phẩm cũng là một khám phá mới, một trải nghiệm bất ngờ với tôi. Cánh đồng bất tận hay Nguyễn Ngọc Tư như chất men say càng uống càng say và càng say càng muốn uống.
Nếu bạn mong chờ một sự giải trí đơn thuần hay những phút giây gạt bỏ những vướng bận cuộc sống hàng ngày thì xin đừng đọc Nguyễn Ngọc Tư. Vì không cứ chỉ Cánh đồng bất tận mà ngay cả những tạp văn, bút ký hay truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều khó đọc. Bởi hiểu một nghĩa chưa đúng, chưa đủ, đằng sau cái đó còn là những tầng nghĩa khác. Cánh đồng bất tận hay và hấp dẫn vì ngay từ đầu nó đã bắt ta phải căng óc, hình dung, tưởng tượng và tự mình xây dựng cho mình sân khấu các nhân vật trong tác phẩm. Trên sân khấu ấy sự đau khổ tột cùng không phải là nội dung chuyển tải chủ yếu mà sự lạc lõng, bơ vơ giữa bầy đàn và giá trị sống mưu sinh của con người mới là ám ảnh đối với người đọc.

Hai đứa trẻ lạc lõng chính trong gia đình – chúng chỉ như những cái bóng lập loè, dường như không dùng “tiếng người” để giao tiếp. Rồi ông bố – sống lầm lũi và hoang dại với những thù hằn. Ngay cả đến những người đàn bà đĩ điếm hay khao khát sự đụng chạm thể xác với người đàn ông hoang dại cũng trôi nổi vô định như những kiếp bèo bọt. Câu chuyện theo lời kể của nhân vật “tôi” nhưng dường như từ đầu cho đến cuối, bất kể là lời tự sự hay những đoạn đối thoại đều vang lên những tiếng kêu gào nhức buốt của những kiếp người. Họ đòi quyền sống, đòi quyền làm người và đòi cả một sự giảng giải cụ thể mang ý niệm triết học: Sống để làm gì?

3 Gáy Người Thì Lạnh

Nguyễn Ngọc Tư là một trong hai tác giả Việt Nam mà tôi thích hiện nay, người còn lại là Hồ Anh Thái. Cả hai tác giả đều viết rất thật rất ác về hiện thực cuộc sống của xã hội Việt Nam, đương nhiên phong cách mỗi người mỗi khác. Tôi thừa nhận mình không đọc nhiều văn học Việt Nam hiện đại thuộc dòng hiện thực nhưng sau khi “lên núi” lâu ngày và đến hạn phải về, phải hòa nhập với thế giới xung quanh thì tôi sẽ đọc những gì họ viết, cùng với vài tác giả lão thành khác.

Tập tản văn này gồm 2 phần: Phần 1 – Của nhớ và xa; Phần 2 – Của đá và người. Tuy nhiên, tên của mỗi phần cũng không thể hiện hết những chủ đề mà tôi cảm nhận sau khi đọc cả quyển. Nhưng cảm nhận cá nhân cũng chỉ là cảm nhận cá nhân.

Đối với phần 1, ấn tượng trong tôi là cảm giác về những chuyến đi và những người đã gặp đã xa. Những cảm giác nhẹ nhàng nghẹn ngào, vương vất như muôn ngàn vạt khói mong manh.

Những chuyến đi đôi khi bất chợt gợi cho con người khát vọng được tung cánh bay cao bay xa hướng đến tự do và không bị ràng buộc. Trong cuộc sống ai mà không mơ như thế nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. Con người có bao nhiêu mối quan hệ, có bao nhiêu trách nhiệm và bổn phận. Tất cả chúng như một sợi dây vô hình quấn lấy ta, nhưng vô hình đó biến mất lại làm ta hụt hẫng, nhưng đôi khi tháo ra một chút rồi buộc lại cũng không phải điều tồi.

“Gáy người thì lạnh” là một bài viết ngắn trong phần 1. Gáy người và gáy sách. Một sự so sánh khập khiễng nhưng sâu sắc. Một cuốn sách được tặng nằm trơ gáy cho dù phủ bụi cũng làm người ta thấy ấm lòng vì tình cảm chất chứa trong từng trang giấy. Nhưng nhìn một người quay lưng đi dù biết hay không ngày gặp lại thì vẫn y nguyên cảm giác chia ly tàn nhẫn hững hờ.

“Tùy bút phải lòng” là cảm nhận về cách nhìn một người xét trên tình cảm của họ đối với người thân ruột thịt. Bài viết không dài, không rắc rối chỉ đơn giản như một tâm sự nhàn nhạt lúc rảnh rỗi nhưng cái cách mà nó liên hệ cuộc sống, cũng như về bữa cơm gia đình, đơn giản mà làm người khác bùi ngùi rơi nước mắt. Trong cuộc sống xô bồ hiện đại với biết bao những điên đảo thị phi có thứ gì để ta tin tưởng nương tựa !? Đó chỉ có thể là huyết thống. Kẻ không thể yêu thương người sinh ra mình hoặc người mình sinh ra thì làm sao có thể yêu thương người dưng nước lã.

4 Đảo

Đọc Đảo của Nguyễn Ngọc Tư giống như ngồi trên một chiếc ca nô hỏng, lúc lao vút, lúc lại ì ạch men theo những luồng lạch của lòng người để chạm đến sâu thẳm tâm hồn.

16 truyện ngắn là thế giới của những nhân vật bị bỏ rơi, mất mát, cay đắng bẽ bàng luôn mưu cầu hạnh phúc đơn sơ, trần tục nhưng không đạt được. Chúng đan cài vào nhau như một mạng nhện rối rắm, những phận người bị mắc kẹt giữa những sợi tơ ảo ảnh không thể vùng thoát ra được.

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ngọc Tư chọn cái tên “gọn lỏn” – Đảo – một dấu chấm nhỏ tròn vo, quây tròn của sự cô đơn. Vì thế, những trang sách cũng nhiều gió lạnh, mưa, những mái nhà dột… Dù ngọn lửa thiêu rụi nhà Tam, Nhàn trong truyện Tro tàn rực rỡ thì đó vẫn chỉ là sự hoang lạnh của những muội than đen xì, xác xơ.

Trong truyện ngắn cùng tên tập sách, chị vẽ ra một hòn Trống tứ bề gió thổi; ở đó chỉ có một gã đàn ông mù tên Sáng sống tạm bợ. Không có đôi mắt nhưng ông cảm nhận tinh tường những giông gió, nắng trời. Anh làm việc dự báo mà “người ta tin ông cũng như tin đằng sau cái vẻ dịu dàng của trời biển là sự hung hiểm khó lường”.

Nguyễn Ngọc Tư không giải thích vì sao Sáng bỏ ra đảo sống một mình nhưng phần nào anh tìm thấy an yên. Cuộc đời dĩ ngẫu, không ai lường trước được những khúc quanh và biến cố. Quà xuất hiện, ranh mãnh dọa về giọt máu của gã với cô là con Xoài, hay thằng Xoài nào đó có thể ra đời làm mất đi sự tĩnh tại trong Sáng – hay khơi dậy những bão tố vốn không bao giờ yên trong con người anh?!

5 Yêu Người Ngóng Núi

32 bài tản văn trong Yêu Người Ngóng Núi là những câu chuyện “rất tình” về Đất, về Người Nam Bộ. Từ những chi tiết nhỏ như…cục kẹo, đến những vấn đề mang tính sống còn của người nông dân đã được đề cập một cách thấu đáo, chân thành và ý nhị. Có cả những chuyện tưởng chừng riêng tư nhưng lại hòa vào dòng thời sự chung như chuyện đi du lịch, nuôi dạy con, và cả chuyện yêu đương…

Tập sách còn hấp dẫn bởi chất trữ tình phóng khoáng Nam bộ, cái duyên dáng tài năng thường thấy ở tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

6 Ngọn Đèn Không Tắt

Ngọn đèn không tắt là bức tranh sinh động về thanh niên hôm nay trên mọi mặt đời sống; là tập truyện ngắn vừa hấp dẫn vừa thuyết phục. Với giọng văn mộc mạc bình dị, với ngôn ngữ đời thường đã tạo nên một không khí rất tự nhiên về màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng tổ quốc. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN