Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Quảng Ninh nhé.
1.Lễ hội Yên Tử
Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân tại vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, Thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt thuở trước, nơi phát tích của Thiền Viện Trúc Lâm. Du khách đến lễ hội chùa Yên Tử để tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Sau phần nghi lễ long trọng được chính quyền địa phương tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử-chùa Ðông. Ðường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc…
Với thời gian trung bình 3 giờ leo núi vất vả mới có thể đến được chùa Ðông, đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tinh, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.
Rải đều trên các cung bậc của hành trình Hội xuân Yên Tử là những cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp…Lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây, huyền ảo như trong chuyện cổ tích, vừa quyến rũ du khách, vừa khích lệ tinh thần chinh phục. Ðến đỉnh Yên Tử du khách có cảm giác như lên tới cổng trời cưỡi mây nhìn xuống hạ giới. Phóng tầm mắt ra phía đông là Vịnh Hạ Long mênh mông với hàng ngàn đảo đá nhấp nhô như chuỗi ngọc. Nhìn về phía nam là TP. Hải Phòng với dòng sông Ðá Bạch, Bạch Ðằng lững lờ như một dải sa tanh lấp lánh. Trông về Tây là đồng bằng trù phú Hải Dương, Bắc Ninh, còn phía Băc điệp trùng rừng núi…Tất cả gợi lên niềm phấn khích tự hào, lâng lâng trong niềm vui chiến thắng và chinh phục.
Vào dịp lễ hội, trong dòng người thập phương đổ về Yên Tử, có nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài. Có những người đến Yên Tử để ngưỡng cảm ý chí thông tuệ và đức độ thanh cao của các bậc cha ông. Có người về Yên Tử để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí thanh bình. Nam nữ thanh niên đi Yên Tử để khám phá, chinh phục. Nhiều Việt kiều về nước tìm dến Yên Tử đắm mình trong những giá trị nhân văn, tinh hoa dân tộc. Rất nhiều khách nước ngoài đã biết đến Yên Tử như một điểm hấp dẫn du lịch tôn giáo, lịch sự, văn hóa và sinh thái.
Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Ðồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Những giá trị tinh thần, văn hoá của tổ tiên; sự dâng hiến tinh khiết, trong hoa lá…Ðâu phải vô tình mà Yên Tử làm nơi hành đạo.
2.Lễ hội Quan Lạn
Lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn) là hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội được tổ chức trong vòng 10 ngày từ 10 – 20/6 (chính hội ngày 18/6) âm lịch hằng năm trên bến Đình Quan Lạn. Lễ hội Quan Lạn là lễ hội kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư – một danh tướng thời nhà Trần nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà nước Đại Việt.
Ngày 10/6: Khoá làng (một tục làm trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội.
Lễ hội Quan Lạn có tục đua thuyền khác với bơi trải. Dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ lập doanh trại riêng từ ngày 13 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền.
Ngày 16/6: Làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.
Ngày 18/6 (chính hội): Vào 3 giờ chiều (năm nào cũng vậy thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình) hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.
Có thể nói, Lễ hội Quan Lạn là một lễ hội mang dấu ấn của một hội làng truyền thống đã thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển đồng thời đây cũng là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển Vân Đồn.
3.Lễ hội Bạch Đằng
Lễ hội Bạch Đằng (còn gọi là Giỗ trận) được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, Đình Trung Bản, Đền Trung Cốc, Đình Đền Công… (xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh). Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm với trận địa cọc gỗ trên sông Bạch Đằng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn các danh tướng nhà Trần.
Phần lễ: Lễ dâng hương tại đền thờ Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà. Dân làng rước kiệu dọc bờ sông, cạnh nơi diễn ra cuộc đua thuyền náo nhiệt. Cũng giống như nghi lễ của cư dân sông nước, tục bơi trải là một nghi lễ quan trọng. Trên dòng sông lớn, cuộc đua tài của nhiều thuyền đua hình lá tre lao vun vút, tiếng hò reo của người dự hội trên bờ sông như làm sống dậy âm hưởng của trận chiến năm xưa.
Phần hội: Cùng với bơi trải, nhiều trò chơi cũng được tổ chức như đấu vật, đánh cờ người, chọi gà… Trước kia hội còn tổ chức trò diễn, tái hiện cuộc tập trận của quân dân đời nhà Trần.
Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức trên vùng đất cổ với bao chiến tích hào hùng của cha ông trong suốt mấy ngàn năm dựng và giữ nước, hằng năm đã thu hút hàng vạn người con đất Việt từ muôn phương về tham dự.
4.Hội đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thuộc Phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Hội đền Cửa Ông còn gọi là Hội đền Cửa Suốt được tổ chức 2 năm một lần vào năm chẵn nhằm tôn vinh công đức của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc và trấn ải vùng đông bắc.Lễ hội bắt đầu từ 2/1 và kéo dài hết tháng 3. Ngày 2/3 là chinh hội.
Ngày chính hội diễn ra trang trọng với lễ dâng hương và rước bài vị của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Hội nổi bật với lễ rước kiệu từ đền Cửa Ông ra miếu ở xã Trác Chân và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông và nhiều hoạt động thể thao, văn hoá như:biểu diễn múa rồng và thi đấu cờ người, hát quan họ, thi đua thuyền, bịt mắt đập niêu, bịt mắt đánh trống. Bên cạnh đó còn có một số hội thi: thi tiếng hát khu dân cư, thi đấu cờ bỏi, nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, đẩy gậy…Lễ hội đền Cửa Ông là một trong những lễ hội lớn thu hút hàng vạn lượt du khách đến tham quan, nhưng thông thường ngay từ đêm 30 và sáng mồng 1 Tết Nguyên Đán có rất nhiều người dân trong vùng và du khách thập phương đến lễ Đền.
Lễ hội là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời gìn giữ và phát huy những nét đẹp về bản sắc văn hoá dân tộc.
5. Lễ hội Thập Cửu Tiên Công
Lễ hội diễn ra ở đền Thập Cửu Tiên Công, thuộc xã Cẩm La, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịc hàng năm. Đền Thập Cửu Tiên Công (còn gọi là miếu Tiên Công) thờ 19 vị Tiên Công – những người có công đầu tiên quai đê lấn biển lập nên khu đảo Hà Nam trù phú, làng xóm đông vui như ngày nay. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công.
Truyền thuyết kể lại rằng ngày mở hội chính là ngày các vị Tiên Công tìm ra mạch nước ngọt trên đảo cách đây trên 500 năm.
Tại đền Tiên Công các vị chức sắc làm lễ cáo yết Tiên Công và bình chọn bốn cụ thượng thọ khoẻ mạnh, gia đình hoà thuận, con cái chăm ngoan để làm lễ động thổ.
Ngày mồng 7, các cụ thượng thọ từ 70 tuổi trở lên cùng con cháu ra đền lễ Tiên Công. Con cháu đội các mâm lễ vật đi trước. Mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, đặc biệt là các hương án trên có con long mã kết bằng hoa quả. Các cụ thượng thọ đi sau. Các cụ già yếu thì được con cháu khiêng bằng võng, che bằng lọng. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước. Các đám rước nhập lại khi đến gần đền tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Các cụ vào đền dâng lễ vật và tế Tiên Công, đến giữa trưa phần lễ kết thúc.
Sau lễ tế đến lễ động thổ: bốn cụ đã được chọn bẻ bốn hòn đất đắp đê tượng trưng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật, nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp của các Tiên Công quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng.
Sau lễ động thổ, dân làng và dân các nơi khác đến bắt đầu vào cuộc hội náo nhiệt với các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, trai gái còn hát đám, hát chèo đường suốt ngày hôm đó.
6.Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán
Nghi lễ cấp sắc là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Thanh phán Hoành Bồ. Mọi người con trai Dao Thanh phán đều phải làm lễ cấp sắc, đó vừa là nghĩa vụ, là bổn phận, vừa là niềm vinh dự, tự hào của mỗi chàng trai người Dao…
Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ. Trong đó chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và mang đậm bản sắc dân tộc Dao. Thông qua nội dung các bài cúng khấn, các bài hát trong lễ cấp sắc đã nói lên khát vọng của con người mong muốn có một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc, thể hiện những quan niệm về đạo đức, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc.
Trình tự hành lễ như sau:
Các bước làm lễ cấp sắc khá cầu kỳ và kéo dài tới 3 ngày, 3 đêm, nay các thủ tục có thể được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các trình tự hành lễ. Đầu tiên là lễ dâng hương có ý nghĩa báo cho ông bà tổ tiên, thần linh được biết gia đình có người làm lễ cấp sắc. Đây cũng là giờ phút thiêng liêng nhất mở đầu cho thời gian làm lễ kéo dài cũng là lúc không khí tưng bừng, sôi động nhất. Tiếng trống, tiếng chuông, tiếng kèn vang lên rộn rã. Các thầy cúng, người giúp việc, người được cấp sắc và đặt tên đều cùng nhảy múa theo tiếng nhạc, thu hút đông đảo nhân dân trong xóm ngoài làng cùng đến xem đông như hội.
Sau lễ dâng hương là đến lễ khai đàn với ý nghĩa từ giờ phút này mảnh đất này trở nên thiêng liêng bởi đã có ông bà tổ tiên thần linh về ngự giám, bởi vậy mọi việc làm đều phải thận trọng. Tiếp theo là lễ dâng đèn với ý nghĩa dẫn dắt người được cấp sắc đi vào con đường học hành để nâng cao sự hiểu biết…
Lễ cấp sắc kết thúc vào lúc nửa đêm, từ đây mọi nghi lễ còn lại chủ yếu dành cho người được cấp sắc. Như lễ Thượng quang (lễ tế trời) nhằm cảm ơn và cầu mong trời phù hộ cho gia chủ và người được cấp sắc, đặt tên gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống. Lễ còn có ý nghĩa là đón ánh sáng thiêng liêng toả ra từ vị vua có quyền uy tối cao ở trên trời là Ngọc Hoàng thượng đế. Bởi vậy, lễ Thượng quang được làm ở ngoài trời vào lúc rạng sáng.
Kết thúc phần lễ, thầy cả cầm tù và giương lên trời cao thổi liên tục những hồi dài. Tiếng tù và cất lên vang vọng khắp bản làng, khắp núi rừng trong đêm thanh vắng làm cho cuộc lễ càng trở nên thiêng liêng huyền bí. Được chứng kiến cảnh thầy cúng nhảy múa tế lễ và thổi tù và trong lễ Thượng quang khiến ta liên tưởng đến những cuộc tế lễ thần linh của các bộ tộc thời lịch sử xa xưa của loài người. Đó chính là nét độc đáo mang tính chất nguyên bản của lễ cấp sắc của tộc người Dao Thanh Phán ở Hoành Bồ.
Lễ Giao dấu ấn được làm sau đó với ý nghĩa từ nay trở đi người được cấp sắc có thể làm thầy được. Nhưng khi đã được trao ấn mộc rồi người được cấp sắc vẫn phải miệt mài học tập để nâng cao kiến thức nhiều hơn nữa thì mới được trao ấn có mực. Kết thúc bài khấn, thầy cả giao con dấu cùng với 2 mảnh âm dương cho người được cấp sắc. Con dấu và 2 mảnh âm dương được gói trong một chiếc khăn tay coi như vật bảo bối của gia đình và được cất giữ rất cẩn thận. Sau này nếu người được cấp sắc đi làm thầy cúng thì mang theo và đem con dấu này ra dùng. Đây là giây phút thiêng liêng và tự hào đối với người được cấp sắc trong ngày lễ trọng này. Sau đó là lễ cấp binh với ý nghĩa từ nay trở đi người được cấp sắc được cấp một số binh lính để che chở bảo vệ trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp đó là đến lễ kết hôn với ý nghĩa là để Ngọc Hoàng Thượng đế và các thần linh chứng giám và nhận người vợ của thầy ở trên dương gian trần thế cũng là vợ của thầy ở cõi âm, để sau này khi qua đời vợ chồng thầy vẫn ở bên nhau…
Hiện nay ở một số xã vùng cao như Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng của huyện Hoành Bồ, những gia đình dân tộc Dao Thanh Phán có điều kiện về kinh tế vẫn tổ chức lễ cấp sắc cho con cháu trong gia đình dòng tộc. Tuy nhiên, nhiều địa phương khác đến nay đã không còn tổ chức lễ cấp sắc thường xuyên như trước đây vì nhiều lý do về nhận thức, về kinh tế. Xác định đây là một di sản quý, Quảng Ninh cần có biện pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy tốt lễ cấp sắc trong thực trạng di sản đang biến dạng và có nguy cơ mai một dần trong đời sống hôm nay./.
7.Lễ hội đền Bà Men – Lễ hội của tình đoàn kết
Lễ hội đền Bà Men, Quảng Ninh là lễ hội độc đáo, mang đậm tín ngưỡng và văn hóa đặc trưng của làng chài trên Vịnh Hạ Long, được tổ chức thường niên vào ngày 18, 19 tháng Giêng âm lịch.
Đã đi vào tiềm thức, mấy chục năm qua cứ tới ngày 18, 19 tháng Giêng là tất cả ngư dân của các làng chài trên Vịnh Hạ Long, Cát Bà lại tụ về đền Bà Men để tổ chức lễ hội. Đền Bà Men nằm trên một bãi cát tương đối rộng ven đảo đá, cách hồ Ba Hầm khoảng 500m theo đường chim bay và cách đất liền khoảng hơn 30km là nơi giáp ranh giữa di sản Vịnh Hạ Long với bên kia là huyện Cát Bà (Hải Phòng). Cũng có lẽ vì địa thế nằm ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh mà lễ hội Bà Men độc đáo hơn các lễ hội khác. Lễ hội không có ban tổ chức đại diện đoàn thể, chính quyền mà chỉ có 1 người là ông chủ nhang của đền. Dân làng chài kính trọng và tuân theo sự điều hành của ông Nguyên Văn Miên, ngư dân làng chài Cao Minh, Cát Bà. Đã 20 năm nay ông nhận trách nhiệm nhang khói, chăm sóc cho ngôi đền toàn tâm, toàn ý mà không chút vụ lợi.
Ngư dân ở đây truyền tai nhau về sự linh ứng của đền Bà Men. Tàu bè qua lại nơi đây đều ghế lên đền thắp hương và gọi đây là Cửa Bà. Ngày nay, ngôi đền đã được tôn tạo lại có kè đã vững chắc để chống chọi với sóng gió biển khơi.
Lễ hội Bà Men cũng có phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra từ ngày 18 tháng Giêng cho tới trưa ngày 19 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm, tàu bè của ngư dân Hạ Long và Cát Bà đã neo đậu trật tự ngay trước cửa đền. Các ngư dân, hội Phật tử, du khách thập phương dâng hương hoa lễ vật lên đền. Có lẽ vì là làng chài nên thay cho các hình nộm voi, ngựa, xe như người ở trên bờ, ngư dân dâng lễ vật là hình nộm con tàu, thuyền, với mong ước một năm đi biển gặp mọi sự thuận hoà, bình yên.
Phần hội diễn ra từ trưa ngày 19 tháng Giêng thu hút đông đảo bà con tham gia với cuộc thi đua chải diễn ra giữa các làng chài. Theo thông lệ mọi năm, tham gia cuộc thi gồm có 4 đội chải gồm Cống Đầm – Vung Viêng, Cửa Vạn, Hà Nam (hồ Ba Hầm) và Cao Minh (Cát Bà). Mỗi chải gồm 14 tay chèo và 1 người cầm lái. Đường đua dài khoảng 500m, điểm xuất phát từ trước cửa đền. Các chải sẽ đua 2 vòng, chải nào về đích trước sẽ thắng. Hai bên đường đua, cổ động viên hò reo cuồng nhiệt. Đội nào cũng cố gắng hết sức để giành chiến thằng bởi theo quan niệm của ngư dân các làng chài, làng nào giành chiến thắng trong đua chải thì năm ấy người dân trong làng đi biển gặp nhiều may mắn.
Đất Quảng Ninh có nhiều lễ hội nhưng có lẽ chỉ có lễ hội đền Bà Men mới có những nét độc đáo khác lạ, thú vị nhất có lẽ là sự gắn kết chặt chẽ của ngư dân hai tỉnh Hạ Long và Hải Phòng. Trải qua hàng chục năm, lễ hội vẫn tồn tại và phát triển thể hiện nét đẹp của tình đoàn kết keo sơn găn bó một nhà giữa những người con làng chài đất Việt.