Từ lâu, Bắc Ninh đã nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh đẹp và vô số khu vui chơi thú vị. Và top những địa điểm du lịch Bắc Ninh dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết cho du khách những điểm đến nổi tiếng mà không ai có thể bỏ qua khi đến tham quan thành phố xinh đẹp này.
1. Đền Đô
Nhắc đến vùng đất địa linh nhân kiệt Cổ Pháp – Đình Bảng, Bắc Ninh, ngày nay, là nhắc tới một trong ba “tam cổ” nổi tiếng lịch sử, thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp. Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí linh thiêng. Đây là một vùng có nhiều hồ, đầm lầy, sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, thế đất mang hình con nhện, xòe ra như cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý, phát tích đế vương – ứng với 8 vua nhà Lý, hưng thịnh kéo dài tới 216 năm. Hiện nay, tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh, còn đậm dấu ấn anh linh của các vị đế vương. Nơi đó chính là đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế nơi thờ 8 vị vua nhà Lý.
Có đến thăm đền Đô, bạn mới thấy vì sao nơi này lại khắc đậm hào khí Thăng Long, ghi đậm dấu ấn lịch sử. Đền Đô được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
2. Hội Lim
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương .
Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. ông còn cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Do có nhiều công lao với hàng tổng và việc ông đặt hậu ở chùa Hồng ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) hiện giữ ở đình thôn Đình Cả đã cho biết khá rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn mỗi năm hai dịp vào “ngày sinh” và “ngày hóa” của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng ân trên núi Lim. Song trải tháng năm lịch sử, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào một dịp là ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng tổng
3. Đình Đình Bảng
Đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) làm hoàn toàn bằng gỗ lim, vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cách đây 300 năm.
Từ xa xưa, dân gian xứ Bắc có câu: “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm”. Ngày nay, đình Đông Khang không còn, đình Diềm trước có năm gian, nay còn ba gian. Chỉ có đình Báng (đình Đình Bảng) còn tương đối nguyên vẹn.
Đình Báng được xây dựng năm 1700-1736, do ông quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên (quê Thanh Hóa) xây dựng. Khi nghỉ làm quan ở Thanh Hóa, ông Lượng đã mang theo 8 bè gỗ lim. Từ năm 1686 tới năm 1700, ông xây dựng tư dinh cho dòng họ, đến khi tay nghề thợ vững mới bắt đầu xây đình.
4. Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích, một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cho đến nay vẫn còn giữ được nhiều di vật cổ quý giá. Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi.
Đặc biệt tượng A Di Đà được đặt trên bệ tòa sen bằng đá. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen được tạo hình các đóa sen đang nở với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình đôi rồng đang vờn nhau, ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm được chạm những chùm hoa dây mềm mại. Cuống hoa có nhiều người leo trèo. Mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Tất cả đều rất tỷ mỷ, sống động.
Nhiều tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý còn được giữ tại chùa cho đến nay. Ngay ở bậc thềm thứ hai, có mười linh thú gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử trước sân chùa Phật Tích đều được tạc bằng đá nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng.
5. Chùa Dâu
Chùa Dâu có vị trí ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa nằm ở chính trung tâm khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xứ Kinh Bắc, gồm có thành cổ Luy Lâu, đền thờ, lăng mộ Sĩ Tiếp, gồm hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp… Chúng được coi là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thập kỉ trước và sau Công Nguyên.
Chùa Dâu là ngôi chùa được hình thành sớm nhất Việt Nam mang dấu tích của buổi đầu Phật giáo du nhập vào đất Việt và xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”, đây là một trong những lối kiến trúc cầu kì nhất.
6. Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp (nằm ở bên đê hữu ngạn dòng sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành, đây là ngôi chùa cổ có tượng Phật Bà Quan nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất nước ta. Chùa có khuôn viên rộng với kiến trúc quy mô cổ hoàn chỉnh nhất còn sót lại cho đến ngày nay.