Top 6 địa điểm du lịch mà bạn nên đến khi tới Phú Thọ

0
1162
Vật Phẩm Phong Thủy

Từ lâu, Phú Thọ đã nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh đẹp và vô số khu vui chơi thú vị. Và top những địa điểm du lịch Phú Thọ dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết cho du khách những điểm đến nổi tiếng mà không ai có thể bỏ qua khi đến tham quan thành phố xinh đẹp này.

1. Khu di tích đền Hùng
Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.

Lăng vua Hùng: Tương truyền là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây.Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết

Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.

Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

Ngày nay, ở gần Công Quán (nơi để tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc bao gồm đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng. Đến với đền Hùng, du khách không chỉ được xem kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật điêu khắc, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của công trình hoành tráng ẩn mình dưới những cây cổ thụ to lớn…Đặc biệt, nếu có cơ hội đến đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, du khách sẽ được hòa mình vào những nghi thức, tinh thần hướng về cội nguồn của một lễ hội được nâng tầm quốc lễ.

2. Đền Quốc mẫu Âu Cơ
Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ chính thức được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Thần tích của đền ghi lại rằng, ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Trải qua hơn năm thế kỷ, đền Mẫu xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Hiền Lương tiến hành trùng tu ngôi đền.

Ngôi đền không rộng lớn, đồ sộ nhưng lại được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.

Đền thờ Mẫu Âu Cơ kết hợp với chùa Linh Phúc tạo thành một quần thể di tích có sức hút đặc biệt với du khách thập phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ cho biết: “Được sự đồng ý của chính quyền, chúng tôi đang nhanh chóng khôi phục đình thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn (người con thứ hai của Mẫu) nằm cách đền Mẫu 500m về phía đông để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân”.

3. Bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương khánh thành vào ngày 4/4/2010, sau 2 năm xây dựng. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích đất khoảng 15.000 m², trong đó có khu nhà bảo tàng 3 tầng, mô phỏng kiến trúc nhà sàn Bắc Bộ, với mái dốc 4 phía dán ngói đỏ, kiến trúc hoa văn Đông Sơn kết hợp kiến trúc hiện đại, diện tích sàn 9000 m²…

Ngoài ra còn có gian trưng bày trang phục các dân tộc, bản đồ phân bố 54 dân tộc của nước ta và phòng trưng bày tranh ý tưởng của các kiến trúc sư về xây dựng Tháp Hùng vương do tỉnh Phú thọ cùng Viện Kiến trúc Việt Nam tổ chức.Bảo tàng Hùng Vương hiện trưng bày gần 10 nghìn hiện vật qua các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước cùng các tư liệu khảo cứu hiện vật của các triều đại lịch sử Việt Nam từ tiền sử, sơ sử đến ngày nay. Đặc biệt, Bảo tàng Hùng Vương còn lưu trữ được những hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, nhất là những hiện vật bảo vật thời Lý, Trần. Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ các chiến tích lịch sử chiến tranh trong các trận chiến của quân và dân ta trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, từ Bắc thuộc đến thời kỳ chống Mỹ và chống Pháp.

4. Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hoà, xã ấm Thượng, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh huyện Hạ Hoà tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 80km, cách Hà Nội 150km. Đường đến Đầm Ao Châu tiếp cận rất dễ dàng, có thể đi bằng đường bộ, đường thuỷ dọc theo sông Hồng và đường sắt tuyến Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai. Tới đây đường cao tốc xuyên á: Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc) đi qua huyện Hạ Hoà sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi khi đến với Đầm Ao Châu.

Tương truyền vào thời dựng nước các vua Hùng đi chọn đất lập kinh đô đã đi đến vùng đất có 99 ngọn đồi, trước lại có 99 ngách nước, nhà vua và quần thần đã ngây ngất trước vẻ đẹp của vùng đất “sơn thuỷ hữu tình”. Trong khi vãn cảnh Vua Hùng và các quần thần đã bắt gặp cuộc giao đấu quyết liệt bất phân thắng bại giữa hai con trâu vàng. Sau đó cả hai con lặn xuống đầm nước mất tăm. Từ truyền thuyết xưa có người còn gọi hồ nước là Hồ Kim Ngưu nghĩa là Hồ Trâu Vàng. Tuy nhiên theo người dân ở nơi đây kể lại: để hình thành nên Đầm Ao Châu là do chủ đồn điền Minh Hạc là Lê Thượng Quát đắp đập Lửa Việt để tưới nước cho cánh đồng Minh Hạc vào những năm đầu thế kỷ XX. Về sau nhân dân tiếp tục đắp nối từ Vũ Cầu đến Vũ ẻn để lấy nước tưới ruộng cho 6 xã của huyện hạ Hoà là: Mai Tùng, Vĩnh Chân, Vũ Cầu, Lang Sơn, Minh Hạc và Ấm Thượng. Và thế là từ một hồ Kim Ngưu trong truyền thuyết đã tạo nên một Đầm Ao Châu rộng lớn mênh mông có diện mạo như ngày hôm nay. Đầm nước làm nên mùa màng tươi tốt cho cả một khu vực rộng lớn hàng trăm hécta, quý chẳng kém gì châu báu, ngọc ngà. Vì vậy mà Đầm có tên gọi là Đầm Ao Châu.

5. Ao Giời – Suối Tiên
Suối bắt nguồn từ núi Nả, một ngọn núi cao nhất của huyện Hạ Hòa và có nhiều thác. Có những thác độ cao đến 20m tạo nên những cảnh quan rất hấp dẫn, có thác đổ xuống những vực nước sâu trong xanh, có thác lại đổ xuống những bãi cuội ngũ sắc lấp lánh tạo nên những vẻ đẹp kỳ ảo cho nơi đây.

6. Hang Lạng
Hang Lạng là hang lớn và dài nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ðến với vùng Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm bao lòng người. Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, có cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN