Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên

0
2405
Vật Phẩm Phong Thủy

Là một cao nguyên đầy nắng và gió , mang trong mình sự mạnh mẽ của núi rừng , vùng đất tây nguyên bao gồm 5 tình của đất nước . Với văn hóa đa dạng và phong phú , du lịch tây nguyên trở nên nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh vô cùng hùng vĩ . Sau đây là top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên.

1.Biển Hồ
Hồ Tơ Nưng còn gọi là Biển Hồ chính là “đôi mắt Pleiku” mình vẫn thường hay nghe, ngoài việc đóng vai trò là hồ nước ngọt nằm trên núi cao, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Tp. Pleiku và một số huyện lân cận của tỉnh Gia Lai thì phong cảnh nơi đây còn rất đẹp với những rừng thông xanh mát bên cạnh những ngọn núi cao với những di vật, trầm tích thời tiền sử, đây được coi là viên ngọc quý mang những điều kỳ bí của đại ngàn.

Biển Hồ trước vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm, cách thành phố Pleiku chừng 6km. Con đường dẫn xuống hồ hun hút rất đẹp với hai bên là những rặng thông ba lá nên không khí rất trong lành, mát mẻ, đến cuối đường có những bậc tam cấp bằng đá dẫn đến nhà lồng được xây trên nột đồi cao ăn ra lòng hồ nhìn rất thơ mộng. Đứng bên hồ có thể nhìn bao quát được xung quanh là những ngọn núi, đồi chè, đồi cà phê, cả những thửa ruộng bậc thang lớp lớp của đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Rai.

Hồ Tơ Nưng cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim đẹp. Nếu để ý trong các lùm cây sát bờ nước sẽ thấy nhiều loại như chim sin sít, chim bói cá, chim cuốc, chim d’rao, chim trắc ta, le le, ngỗng trời… Đây còn là vựa cá nước ngọt lớn của vùng Bắc Tây Nguyên với các loại cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá chày… Ngoài ra còn rùa, ba ba, lươn, chình… cũng là những thủy sản sống lâu năm trong hồ.

Vị trí: Hồ Tơ Nưng nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 9km theo Quốc lộ 14.

2.Hồ Lắk
Hồ Lắk rộng 500ha là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên và lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau hồ Ba Bể. Đây cũng là điểm đến có cảnh đẹp tự nhiên hoang sơ với không khí trong lành, đặc biệt là trải nghiệm những cảm giác mới lạ như cưỡi voi bơi qua hồ, lướt thuyền độc mộc hay tìm hiểu văn hóa của nhưng buôn làng M’nông quanh hồ.

Vùng hồ này còn nổi tiếng bởi gắn với vị vua Bảo Đại, đây là nơi nhà vua cho xây biệt điện để nghỉ ngơi mỗi dịp đến Tây Nguyên, biệt điện này nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao bên bờ hồ có thể ngắm toàn cảnh hồ Lắk và thị trấn Liên Sơn. Ngày nay người ta đã cho trùng tu khác với nguyên bản để làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch.

Ngoài ra các bạn còn có thể đến buôn Jun hay buôn M’Liêng nằm ở ven hồ là nơi sinh sống của dân tộc M’nông, Ê đê và cả người Kinh nữa. Trong hai buôn làng này cũng còn khá nhiều những ngôi nhà dài cổ truyền thống của đồng bào dân tộc ở đây. Các bạn sẽ thấy người ta dệt thổ cẩm, thấy nhiều những vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, chiêng, trống là những điểm nhấn rất thu hút. Nói về đặc sản thì không thể không nhắc đến các loài cá luôn có sẵn dưới hồ trong đó cá thác lác, đặc biệt là món chả cá thác lác rất hấp dẫn.

Vị trí: Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía Nam theo Quốc lộ 27.

3.Làng cà phê Trung Nguyên
Café Trung Nguyên là loại mình thấy hầu hết đều quen thuộc với người Việt Nam, tuy nhiên được mục sở thị xuất xứ, gốc gác của nó thì không phải ai cũng được biết. Mình chia sẻ lại với các bạn lần đến Buôn Ma Thuột tìm đến nơi này của mình.

Làng café Trung Nguyên là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 2ha, có không gian được chia thành hai khu chính là khu thưởng thức và khu trưng bày, trình diễn. Ở mỗi khu đều mang đến những điều thú vị riêng.

Đến với khu thưởng thức, các bạn sẽ thấy bóng dáng những ngôi nhà cổ Hội An thế kỷ 18 bên cạnh những ngôi nhà sàn dài ẩn hiện trong các dãy núi đá và suối nhân tạo, ở đây còn có hệ thống vườn sưu tập các giống cà phê phổ biến khá là ấn tượng. Ở đây, các bạn có thể ngồi thưởng thức những tách cà phê nguyên chất, hòa quyện với hương thơm của hoa cà phê rất mới lạ.

Vị trí: Làng cà phê Trung Nguyên tọa lạc ở số 222, gần cuối đường Lý Thái Tổ, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột.

4.Thác Đray Nur
Từ thành phố Buôn Ma Thuột đi theo Quốc lộ 14 khoảng 25km về phía Nam qua thủy điện Buôn Kôp các bạn sẽ đến với thác nước được coi là hùng vĩ nhất Tây Nguyên có tên là Đray Nur còn gọi là thác Vợ, cách đó không xa là thác Gia Long, thác Đray Sap tạo nên cụm thác hoành tráng nối hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Thác Đray Nur là một nhánh của sông Sê-rê-pốk chảy từ độ cao hơn 30m, dòng nước trải rộng đến 150m tạo nên màn nước ngoạn mục. Phía sau màn nước đó là một hang động lớn. Dòng thác tạo 3 khúc chính, ở hồ nước khúc thứ nhất mực nước thấp nên có thể lội nước hoặc tắm ở đây, đến hồ thứ hai nước ở lưng chừng nhưng lại có đá trơn, sắc nên phải cẩn thận chút, ở hồ thứ 3 thứ nước sâu đến 10m. Các bạn có thể lách người qua vách đá cạnh dòng thác để vào bên trong, cảm giác ngắm thác từ bên trong sẽ rất khác biệt vì hang rộng đến 3000m2 có những tảng đá đủ hình thù lấp lánh, phía trước là bức tường nước trắng xóa nên sẽ tạo cảm giác lung linh, mờ ảo.

Vị trí: Thác Đray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km về hướng Nam, thác Đray Nur có chiều dài 250m, nối liền địa bàn hai tỉnh Dak Lak và Đắc Nông.

5.Buôn Đôn
Buôn Đôn là một huyện cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 40km, thủ phủ của nó là một thị trấn rất lớn nhưng đến đây phải chạy tiếp tầm trên chục cây nữa mới đến được các khu du lịch.

Bản Đôn theo tiếng Lào có nghĩa là làng Đảo bởi được thành lập bên sông Sê-rê-pôk có nhiều đảo nhỏ nối giữa dòng nước. Đây là nơi chung sống của cộng đồng nhiều dân tộc như Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Lào, Thái… với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có tiếng, các món đặc sản đặc sắc như là thịt rừng nướng, cơm lam, cá sông, gà nướng bản Đôn, rượu cần, rượu Ama Cong.

Vị trí: Trung tâm huyện Buôn Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km về hướng Tây bắc theo con đường Tỉnh lộ số 1. Địa danh Bản Đôn cách thị trấn Buôn Đôn 20km về hướng Ea Súp. Trung tâm huyện Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km.

6.Cột mốc biên giới Campuchia – Lào – Việt Nam
Cột mốc biên giới – địa danh Ngã ba Đông Dương ở Kon Tum gắn liền một thời oanh liệt trong các thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên thu hút du khách trong hành trình đến điểm cực bắc Tây Nguyên Việt Nam.


7.Núi Langbiang
Núi Langbiang ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là khu du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến dã ngoại. Trên đỉnh Langbiang vẫn còn có tấm bia đá kể về câu truyện huyền thoại Langbiang.


8.Thác Krông Kmar
Thác Krông Kmar thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là một trong số những thác nước đẹp của khu vực Tây Nguyên mà nếu có điều kiện thì các bạn nên đến. Krông Kmar không bắt nguồn từ sông Sê-rê-pốk như hầu hết dòng thác ở đây mà như một dòng sông treo trên đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin (được coi là nóc nhà của Tây Nguyên) không hoành tráng như Dray Nur, Dray Sap nhưng lại mang cái hoang dã rất riêng của đại ngàn.

Vì bắt nguồn từ độ cao hơn 2.400m nên thác không đổ ào xuống mà chia thành những bậc thác nối tiếp nhau. Thác Krông Kmar được chia làm 3 tầng với cơ man các tảng đá lớn nhỏ xen kẽ 2 bên. Ở mỗi tầng lại hình thành nên một hồ chứa rất rộng. Dòng nước của Krông Kmar đổ xuống các bậc đá tạo nên những âm vang không dứt, các bạn có thể ngồi nghỉ trên những tảng đá lớn, phẳng như mặt bàn hoặc dừng chân ngắm cảnh.

Nếu có nhiều thời gian leo bộ ngược theo dòng thác về hướng thượng nguồn, các bạn sẽ khám phá được nhiều phong cảnh rừng núi hơn, ở phía trên đỉnh của dãy Chư Yang Sin có một hồ rộng, nước trong và rất sâu nằm ở giữa một rừng thông với khung cảnh tĩnh mịch, yên tĩnh hơn chứ không ồn ào như phía dưới. Nếu may mắn và được phép thì các bạn có thể cưỡi voi của đồng bào Ê đê để chinh phục đỉnh 2.402m của dãy Chư Yang Sin với nhiều cảnh đẹp và hấp dẫn hơn nữa.

Vị trí: Thác thuộc thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cách Buôn Ma Thuột 60km, cách trung tâm thị trấn Krông Kmar 4km.

9.Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn thuộc 2 huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk, đây là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất nước ta với tổng diện tích lên đến hơn 115 nghìn ha nằm giữa sông Sê-rê-pốk và biên giới Campuchia.

Nếu đến Yok Don vào mùa mưa các bạn sẽ được thấy vẻ đẹp của sông Sê-rê-pốk cuộn trào, còn đến vào mùa khô thì vẫn thấy mát mẻ mặc dù vào mùa này ở Tây Nguyên bao trùm bởi cái nắng gay gắt. Về mặt sinh học thì Yok Don nổi bật với rừng khộp với loại cây họ dầu mà ở Việt Nam không nơi nào có được. Bên cạnh đó còn rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím…

Ở Yok Don rừng nguyên sinh chiếm 90% diện tích nên các loài động thực vật ở đây rất đa dạng, được biết có khoảng gần 500 loài động vật gồm thú, chim, lưỡng cư và các loài côn trùng khác, thực vật cũng có khoảng 50 loài, trong đó nổi bật nhất là phong lan với trên 23 loài đủ màu sắc.

Vị trí: Vườn quốc gia Yok Đôn thuộc huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km về phía Tây Bắc.

10.Khu du lịch Măng Đen
Nằm cách thành phố Kon Tum hơn 50 km, khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plong (Kon Tum), được đánh giá là khu du lịch sinh thái hấp dẫn và giàu tiềm năng. Măng Đen theo tiếng M’Nông bản địa có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng.

Khu du lịch Măng Đen còn được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Bắc Tây Nguyên bởi nằm ở độ cao hơm 1.000m, khí hậu mát mẻ quanh năm. Bao quanh Măng Đen là những cánh rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt là nơi đây còn có rừng thông đỏ và thông pơ mu lâu đời được trồng hai bên đường đèo Măng Đen.

Điều kiện khí hậu ở Măng Đen rất thích hợp để trồng các loại nông sản, vì vậy ở đây có một khu vườn thực nghiệm trồng nhiều loại rau và hoa xứ lạnh. Bên cạnh đó còn có vườn thú nuôi nhiều loại thú rừng để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch như: Heo rừng, nai, gà, nhím…

Ngoài ra, Măng Đen còn có nhiều hồ nước trong xanh như: Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam… và nhiều thác còn nguyên vẻ hoang sơ như: Paish, Dakke, Lô Ba. Đến đây, các bạn có thể đi thuyền trên hồ ngắm cảnh, câu cá, tắm thác hay ghé nhà rông bên hồ xem các điệu múa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông, Xơ đăng, Hrê.

Vị trí: Khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách thị xã Kon Tum khoảng 50km.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN