Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Cần Thơ

0
2664
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi cùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Cần Thơ nhé.

1.Lễ Vu Lan
Lễ hội Vu Lan được tổ chức vào ngày 19 và 20/7 âm lịch hàng năm, tại nghĩa trang người Hoa huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức quy mô, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân.
Trước ngày diễn ra lễ Vu Lan thắng hội do Quảng Triệu hội quán tổ chức đã có rất nhiều người đến hội quán để đăng ký cúng cho cha mẹ, người thân mình. Trong dịp lễ, khi đến nghĩa trang người Hoa ở huyện Phong Điền, sẽ thấy ngay một tấm bảng lớn treo giữa cổng với bốn chữ Hán to: Vu Lan Thắng Hội. Trong nghĩa trang tấp nập người qua kẻ lại… Bên phải là hình vẽ một vị thần trấn cửa, vẻ mặt oai phong; bên trái là hình vẽ vị thần đảm nhận công việc bố thí, tay vị thần này cầm một cây quạt to, trên đó có bốn chữ: phân y, thí thực – với ý nghĩa là phân phát quần áo và bố thí lương thực cho các vong nhân. Phía sau vị thần này là điện Địa Tạng – nơi dùng để đặt bài vị của những người quá cố và cũng là nơi để trai đàn, tụng kinh. Phía trước điện Địa Tạng là một cây phướn cao mang ý nghĩa dùng để dẫn đường cho các linh hồn đến nghe kinh và đi đầu thai. Bên trong điện, bày mâm lễ vật trước các bài vị để cho đội nhạc lễ tụng kinh. Đặc biệt, phía trước bàn cúng có hình một chữ “đạo” được làm từ những hạt gạo trắng ngần trông thật tinh khiết và tạo ấn tượng thiêng liêng. Những hạt gạo được sắp xếp một cách hết sức khéo léo tạo nên chữ “đạo” rất thanh thoát, mềm mại lại vừa đẹp mắt.
Lễ diễn ra như sau:
Đến giờ làm lễ, vị chủ lễ mặc một chiếc áo màu vàng, viền đen điều khiển buổi lễ, rồi sau đó tụng kinh. Nhạc trỗi lên, tiếng mõ, tiếng chiêng, tiếng tụng kinh… tất cả hòa vào nhau tạo thành một âm thanh thật êm tai, thoát tục, làm lòng ta lắng lại, bao nhiêu bon chen của cuộc sống đời thường chợt tan biến, để lòng hướng thiện. Những người đến đây trong ngày lễ hoặc là cùng nghe kinh kệ, hoặc là viếng mộ người thân. Buổi lễ diễn ra đến khoảng 11 giờ trưa thì tạm nghỉ để dùng cơm. Cơm xong, những người trong Ban trị sự hội quán bắt đầu phát gạo cho những gia đình nghèo khó.
Vào chiều ngày 20 tháng Bảy âm lịch, sau khi tụng kinh xong, người chủ trì buổi lễ cùng với đoàn nhạc lễ hướng dẫn khách đi qua Cầu Tiên để đưa ông bà, cha mẹ mình đi đầu thai. Buổi lễ qua cầu diễn ra thật nhộn nhịp, mọi người đứng chật cả sân. Trên tay ai cũng cầm bài vị của người thân mình, cố tìm một chỗ đứng tốt. Đoàn nhạc lễ đi trước, quan khách theo sau, đi qua một vòng sân trong nghĩa trang, vào viếng từ đường, rồi mới qua cầu. Khi qua cầu, người ta thả tiền xuống như là một hình thức hối lộ cho âm binh. Trẻ con đứng chật ních ở chân cầu, chen nhau lượm tiền, tránh nhau náo nhiệt. Đứa trẻ nào mình mẩy cũng lấm lem, nhưng mặt thì hớn hở tươi cười, khoe nhau tiền vừa lượm được. Qua cầu xong, người ta mới lấy bài vị của người thân đốt, xem như ông bà, cha mẹ mình đã siêu thoát, đã được đầu thai.
Vu Lan thắng hội ở Phong Điền hằng năm là một ngày lễ lớn không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ mà còn của cả người Việt vì trong nghĩa trang này, có rất nhiều hài cốt, bài vị của người Việt. Lễ hội Vu Lan ở đây thể hiện sự gắn bó bền chặt, tinh thần đoàn kết và sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Hoa và các dân tộc anh em trên đất Cần Thơ. Vu Lan thắng hội ở Phong Điền thể hiện một nét đẹp nhân văn của cộng đồng người Hoa – là tinh thần tương thân tương ái thể hiện qua việc phát gạo cho người nghèo.

2.Lễ vía Quan Thánh Đế
Lễ vía Quan Thánh Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, hằng năm vào ngày vía, các vị cao tuổi trong Ban trị sự chùa cùng đông đảo người Hoa ở địa phương tổ chức lễ vía Ông.

Theo sách xưa, trong quá trình di cư sang nước ta, những lưu dân người Hoa đã gặp phải không ít khó khăn do sóng to gió lớn trong chuyến đi, cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Tín ngưỡng mang theo từ quê nhà kết hợp với tín ngưỡng bản địa nơi họ đến sống làm cho đời sống tinh thần của người Hoa thêm phong phú, tạo nên sự hỗn dung văn hóa trong đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh đó được thể hiện qua các Hội quán – dân gian quen gọi là chùa Hoa. Có thể nói Hội quán là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa. Những gì thiêng liêng cao quý, tôn kính đều được đặt trong Hội quán. Tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đặc biệt Quan Công là vị thần được bà con người Hoa hết lòng tôn kính về lòng trung, hiếu, tiết nghĩa, gắn liền với câu chuyện kết nghĩa của ông với Lưu Bị và Trương Phi ở vườn đào. Họ tôn ông là Quan Thánh Đế Quân và thờ ông ở khá nhiều nơi.

Theo thông lệ, buổi lễ bắt đầu lúc 9 giờ, mọi thức ăn, đồ cúng đã được chuẩn bị sẵn sàng trước đó. Đúng 9 giờ, tiếng chuông chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ. Tất cả mọi người (chủ yếu là những người trong Ban trị sự và những người có liên quan đến việc bảo quản Hội quán) khoảng 7- 8 người cử ra một người chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng cũng được dọn sẵn ra trên bàn đặt trước chánh điện gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí đẹp mắt, trên lưng heo có cắm một con dao, với ngụ ý là mời các vị thần dùng dao xẻ thịt ăn. Bên phải là con gà luộc, bên trái là một dĩa trái cây gồm chôm chôm, nho, chuối,… phía trước là những cốc trà cùng với hai bình trà, rượu được đặt kề bên.

Khi mọi người tề tựu xong, lại một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ). Chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa với nội dung: Hôm nay là ngày vía Quan Thánh Đế Quân, chúng tôi tổ chức buổi lễ gồm: Trà, rượu, heo, gà, bánh trái… dâng cúng thần, cầu thần ban cho phúc lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt… Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó, khiêng bàn đựng đồ cúng quay ra hướng cổng chính để cúng Thiên Địa. Tiếp một hồi trống nữa. Bài văn tế thần được đọc lại (chỉ có việc thay tên vị thần sắp cúng mà thôi) rồi mọi người xá ba xá. Xong, châm trà rượu. Cứ thế, nghi lễ lần lượt cúng các vị thần: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, Phước Đức Chính Thần, Mã Tiền Tướng Quân. Riêng Phật Bà Quan Âm, thức cúng là đồ chay, hoặc trái cây.

Lễ cử hành xong, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Lúc này khách tấp nập đến cúng nhang, đèn ở Hội quán. Có người cúng tiền, số lượng ít thì để vào thùng phước thiện, nhiều thì gởi trực tiếp cho người tiếp nhận ghi tên người cúng vào sổ công đức. Có người đem nhang khoanh đến cúng (loại nhang này cọng nhỏ, uốn cong thành nhiều vòng tròn từ nhỏ đến lớn). Một cụ bà dùng cây móc để đưa cuộn nhang treo lên trần nhà. Sau đó, bà đưa một cây bằng gỗ dài trên có đặt một cây nến cho khách đốt nhang của mình. Từ trên trần, những vòng nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành một hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên có ghi tên người cúng bằng chữ Hoa. Khói nhang bay phảng phất, tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo.

Tất cả khách đến cúng đều được mời dùng bữa cơm thân mật hoặc nán lại bên bàn trà, trò chuyện dăm ba câu, bàn chuyện làm ăn, thời sự, thế thái nhân tình…

Lễ vía Quan Thánh Đế Quân là một lễ hội mang đậm tính văn hóa và nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Hoa ở Nam bộ đóng góp vào tạo bản sắc văn hóa Nam bộ phong phú và đa dạng.

3.Lễ Kỳ Yên
Lễ Kỳ yên được các ngôi đình ở Cần Thơ tổ chức cúng vào 3 ngày khoảng giữa tháng ba, tháng 4 âm lịch. Cá biệt có nơi cúng vào tháng Bảy âm lịch, như đình thần Vĩnh Trinh. Còn lễ Kỳ yên Thượng Điền được tổ chức vào khoảng 2 hoặc 3 ngày giữa tháng 11 âm lịch.

Kỳ yên tức là cầu an, mỗi đình tổ chức lễ cúng vào một ngày khác nhau. Lễ cúng thần dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thành Hoàng. Thượng điền và Hạ điền là hai kỳ lễ lớn trong năm. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền.

Trịnh Hoài Đức ghi lại trong “Gia Định thành thông chí” như sau: “Tế xã: mỗi làng xây dựng một ngôi đình, kỳ tế phải trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm lại đình, suốt đêm ấy gọi là túc yết sáng sớm ngày mai áo mão trống chiêng làm lễ chính tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Dùng ngày giờ cúng tế tùy theo hương tục không đồng nhau, hoặc chỗ dùng tháng giêng là thủ nghĩa Xuân kỳ, hoặc chỗ dùng tháng 8, 9 là thủ nghĩa thu báo, hoặc chỗ dùng trong 3 tháng mùa đông, thủ nghĩa là trọn năm thành công, tế chưng tế lạp là đáp tạ ơn thần, sự tế có chủ ý, đều gọi là Cầu an. Ngoài hương lệ, tọa thứ có nghi tiết thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có người học thức làm theo lễ “Hương ẩm tửu”, giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có phong tục tốt. Đồng thời trong ngày ấy xét sổ sách trong làng coi một năm ấy thâu nạp thuế khóa, diêu dịch, lúa tiền dư thiếu thế nào, nông điền được mất thế nào, giữa hội đồng trình bày tính toán; cùng bầu cử người chức sự coi làm việc làng cũng bàn giao trong ngày ấy”.

Lễ vật cúng thần Thành Hoàng trong dịp này tùy tình hình tài chính của đình, cũng như tùy vụ mùa hàng năm, trúng mùa hay thất mùa mà có sự gia giảm khác nhau, nhưng nhất thiết trên bàn lễ vật phải có một con heo quay, có nơi thì cúng thêm ngỗng, vịt. Ngoài ra, còn có bánh trái, trà rượu và một thứ nữa cũng không thể thiếu trong dịp này đó là xôi. Xôi này phần lớn do dân làng ở địa phương nấu sẵn đem vào cúng. Ngày xưa, đất đai của đình rộng nên thường cho dân làng mướn làm lúa để đình thu huê lợi. Cho nên, trong những dịp cúng đình, những người mướn đất của đình để canh tác mới nấu xôi đem vào đình để cúng, nhằm tạ ơn thần đã cho họ được no ấm, mùa màng tốt tươi. Những người không mướn đất của đình cũng đem hoa quả trong vườn của mình, cũng đem xôi, thịt đến đình để cúng thần Thành Hoàng làng mình. Bởi họ cho rằng, chính vị Thành Hoàng làng này trong năm đã che chở cho dân làng, phù hộ cho dân làng được yên ổn làm ăn, có cuộc sống no đủ. Truyền thống này ngày nay vẫn còn được duy trì trong mỗi dịp cúng đình ở Cần Thơ.

Trong lễ hội Kỳ yên này, hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ đều có tổ chức lễ rước sắc thần và lễ hồi sắc.

“Sắc thần là một tờ giấy súc khá tốt, dai, khổ giấy từ 1m20 đến 1m50 với chiều dài, từ 0,50m đến 0,60m với chiều rộng, dày, màu vàng. Mặt giấy có in nền chìm bằng dụ ngân hình rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hồi văn chữ vạn, nên gọi long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép), hoặc chữ đinh hay hoa lá dây chéo nhau. Mỗi sắc thần thường có từ 5 đến 11 hàng dọc, chép từ phải qua trái. Dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng, ngày cấp sắc. Ấn vàng của nhà vua dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này, kể từ chữ (niên) trở xuống, ấn hình vuông, có bốn chữ viết theo lối triện là Sắc Mệnh Chi Bửu”2.

Ngày xưa, sắc thần thường để ở nhà các hương chức cất giữ, hoặc để trong nhà của những người trong ban tế tự. Đó là những người đủ uy tín, phẩm hạnh mới được giao giữ sắc thần. Bởi vì ngày xưa, thỉnh thoảng có xảy ra hiện tượng mất cắp sắc thần nên sau này người ta không dám cất sắc thần trong đình. Sắc thần là thiêng liêng cho nên đình nào có sắc thần là xem như sự công nhận hợp pháp của nhà nước đối với đình thần làng mình. Còn đình nào không có sắc thì chẳng khác nào “đình chui”, không đủ uy tín để mọi người tin tưởng đến cúng bái và cũng không đủ hiển linh để người ta đến cầu nguyện. Cho nên có những đình không có sắc thần thường tìm cách mua lại sắc thần của những kẻ trộm. Sắc thần ở Cần Thơ phong cho các vị Bổn Cảnh Thành Hoàng phần lớn là những vị thần trong ý niệm, hữu danh vô thực cho nên việc đình này mua lại sắc thần của đình kia cũng chẳng phương hại gì. Cái nào cũng là “Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng” chứ không hề có danh tánh cụ thể. Theo niềm tin của người xưa, sắc thần là thiêng liêng nên phải cất kỹ, không thể tùy tiện mở, nên không dễ mấy ai nhìn kỹ sắc thần. Một số ngôi đình ở Cần Thơ còn có lệ phơi sắc thần. Lệ phơi sắc này gồm hai mục đích: Thứ nhất, sắc thần được để trong hộp, cất kỹ suốt năm nên rất dễ bị ẩm ướt, mối mọt nên trong lễ cúng đình người ta đem sắc ra phơi là để kiểm tra xem sắc có bị hư hỏng không và cũng là để cho sắc có sự thông thoáng tránh bị ẩm ướt. Thứ hai, phơi sắc cũng là sự tự hào của đình làng mình vì đình mình có sắc. Điều này cũng để cho mọi người thấy đình làng mình là “đình chính thức” có sắc hẳn hoi, có sự công nhận đàng hoàng.

Nghi lễ thỉnh sắc thường bắt đầu bằng một hồi trống để báo cho dân làng biết để đến cùng đi thỉnh sắc và cũng là một cách báo cho dân làng biết để bày hương án hai bên đường cúng tạ ơn thần (Lệ bày hương án hai bên đường ở Cần Thơ ngày nay đã không còn). Kế tiếp là chiêng, trống gióng lên báo hiệu cho cuộc rước bắt đầu. Đi đầu đám rước thường là chiêng, trống, kèn, kế đó là các vị chức sắc, những người trong Ban tế tự – những người này có nhiệm vụ như là những người dẫn đầu đám rước. Kế đó là hai viên chức trong làng. Một ôm ấn kiếm – kiếm của thần và một ông kia bưng dàn lỗ bộ nhỏ.

Tiếp sau là những người ăn mặc như lính hầu đi hai bên, mỗi bên khoảng 4 đến 5 người, tay cầm cờ phướn, đao, kiếm, thương… sau đó là bè thủy lục dùng để rước sắc thần nếu rước bằng đường thủy, hoặc long đình nếu rước bằng đường bộ.

Bè thủy lục được ghép từ 2,3 chiếc ghe lại thành một bè, trên bè đặt kiệu đỏ, trang trí đèn lồng, múa lân biểu diễn trên bè. Trên bè có để hộp sắc thần, có các viên quan hương chức áo trang nghiêm hầu sắc thần, có thêm lễ nhạc ở trước, sau và hai bên. Dân làng ngồi cầm dầm để bơi bè.

Một cái bè nhỏ khác cũng được trang hoàng đẹp đẽ, nghiêm trang đi trước cái bè lớn khoảng 30 thước. Trong bè để trống chiêng, dàn đồ bắc cấu trổi điệu nhạc. Các chấp sự và hương chức có phận sự đi tiên phong ở trên bè nhỏ này. Khi đi rước, trống chiêng, bắc cấu đánh lên rập ràng, inh ỏi. Hai bên bờ sông, mỗi nhà đặt trước cửa một bàn hương án, đèn nhang nghiêm chỉnh, để tỏ lòng thành kính của mình đối với thần linh. Dưới sông ghe xuồng của hương chức đi hầu hạ đông nghẹt và những người hiếu kỳ chèo ghe theo để xem chật ních cả khúc sông. Sắc thần sẽ được để vào Long đình là ngôi đình thu nhỏ, thường làm bằng gỗ, chạm trổ và sơn son thếp vàng – qua một cửa nhỏ ở bên hông, để rước về đình. Long đình đặt trên bàn do bốn người ăn mặc như lính hầu khiêng kiệu.

Đi sau bè thủy lục hoặc long đình là những người theo kiệu, các thành viên trong hội đình hoặc dân làng đi theo để thỉnh sắc.

“Khi đám rước đến nơi giữ sắc thần thì các vị chức việc vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế (hay khấn cũng được), gọi là lòng văn nghinh, ngắn gọn, rồi chức việc đứng đầu bưng hộp đựng sắc trao cho chánh hội (hay chánh ban quí tế…) để ông đem ra đặt vào long đình, để đưa sắc về đình.

Đến đình, cử hành một nghi thức an vị: tế một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà. Sau lễ này, các chức việc dâng hương ra mắt thần theo sự chỉ đạo của lễ sinh xướng. Trong thời gian sắc thần để ở đình, dân chúng đến lễ bái và dâng hoa quả, bánh trái và tiền bạc góp phần tài chính cho việc tế lễ kỳ yên.

Sắc thần được để tại đình ba ngày lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc. Nghi hồi sắc: tế một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà, đọc một bài văn tế gọi là lòng văn tống. Nghi trượng hồi sắc giống như nghi trượng thỉnh sắc. Khi sắc tới nơi cất giữ cũ lại cử hành lễ an vị: một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Sau đó đám rước tự giải tán để cử hành nghi lễ cúng đưa khách, nếu có”.

Ngày nay, nghi thức thỉnh sắc thần vẫn còn. Ở Cần Thơ, một số địa phương vẫn để sắc thần tại đình. Đến kỳ tế lễ, người ta có lệ thỉnh sắc thần đi “du ngoạn”. Trong buổi cúng, người ta dâng phẩm vật cùng trà rượu, dâng hương khấn vái xin phép thần ngay bàn thờ thờ Thần, sau đó lấy hộp sắc ra để vào xe rước, gọi là long xa phụng tán, rồi đưa Thần đi một vòng quanh các phố chợ. Mục đích của chuyến “du ngoạn” này là để Thần thưởng ngoạn khắp nơi, đồng thời xem xét cuộc sống của dân tình để Thần có những biện pháp bảo trợ cho phù hợp. Sau đó quay về làm lễ an vị sắc thần, coi như đám rước đã xong./.


4.Lễ Đấu đèn ở Chùa Ông
Chùa Ông còn được gọi là Quảng Triệu Hội Quán – Chùa Ông có nhiều lễ hội trong năm, nhưng tiêu biểu nhất là ngày vía Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 26 tháng 6 âm lịch và ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, tại đường Hai Bà Trưng, bến Ninh Kiều, phường Tân An.

Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa và dân làng địa phương đến tham dự tạo nên một không khí rất sinh động và vui tươi. Người đi lễ đều thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng an lành, bình an trong cuộc sống. Cạnh lễ chính, Ban trị sự chùa còn tổ chức đấu giá đèn lồng, múa lân, sư, rồng, hội diễn văn nghệ… tạo được một không khí sinh hoạt văn hóa lành mạnh và sân chơi bổ ích cho địa phương.

Đấu đèn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa được lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Nó có nguồn gốc từ rất lâu đời, được các thế hệ người Hoa lưu giữ và bảo tồn trong nhiều thế kỷ qua. Tục đấu giá đèn lồng thường không theo định kỳ, có khi năm ba năm không tổ chức. Nhưng cũng có nơi tổ chức hằng năm. Thông thường, tập tục này ít khi được tiến hành riêng biệt mà hay tổ chức theo một ngày kỷ niệm nào đó.

Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng nhằm làm tăng thêm sinh khí cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa từ thiện. Số tiền đấu giá được đều dùng vào việc công đức như: xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi… Tục đấu giá đèn lồng thường được tổ chức vào các ngày thành lập chùa, thành lập trường, hội, các ngày vía Bà, vía Quan Thánh Đế quân… Người Hoa làm đèn lồng rất đẹp, mỗi đèn đều có tên riêng: đèn Thiên Hậu Thánh Mẫu, đèn Quan Thánh Đế, đèn Phước Đức Chính Thần… Đèn cao khoảng 60cm, chu vi khoảng 40cm, hình trụ có 6 mặt, mỗi mặt là một miếng kính, có vẽ hình phong cảnh, núi sông, mai, điểu, trúc, sen… và kèm theo những câu chúc phúc bằng chữ Hán như: “Sinh ý hưng long”, “Hiệp gia bình an”, “Tài lai lộc tấn”… Sáu góc đèn là hình 6 con rồng được thếp vàng lộng lẫy, đầu chầu vào nhau, 6 đuôi rồng hơi dang ra, tạo thế chân đèn, các cạnh xung quanh đều treo tòn teng các miếng ngọc bội màu xanh và nơ màu đỏ, phía dưới cùng treo lủng lẳng một miếng thẻ bằng nhựa màu vàng ghi chữ đỏ tên từng loại đèn, phía trong gắn một bóng đèn tròn, khi đèn nóng thì lồng đèn tự động xoay từ từ. Người Hoa quan niệm: đấu được đèn, là vinh dự cho mình, cho gia đình và cho cả làng xóm. Người ta cũng tin khi đấu được đèn, rước đèn về nhà là một sự may mắn, bình an, sẽ làm ăn phát đạt…

Đấu giá đèn lồng luôn là sự kiện sau cùng của lễ hội. Khi các nghi thức của ngày lễ được cử hành xong là cuộc đấu giá đèn lồng bắt đầu. Mọi người tập trung ở chính diện của hội quán. Tất cả các đèn lồng đều được treo lên trần theo thứ tự giá khởi điểm từ thấp đến cao. Tùy theo địa phương thờ vị thần nào là chính thì giá của đèn lồng mang tên vị thần đó sẽ cao. Ngoài ra, cũng tùy thuộc vào tâm lý của từng người. Người nào thích vị thần nào thì cho giá đèn đó cao để quyết tâm đấu được. Đa phần chiếc đèn mang tên Quan Thánh Đế Quân là có giá cao nhất.

Giờ đấu đèn đến. Người trong hội quán của địa phương bước lên bục, giới thiệu dẫn chương trình bằng tiếng Hoa và tiếng Việt về mục đích, ý nghĩa của việc đấu đèn, cách thức đấu đèn. Người trong Ban Trị sự của Hội quán đứng ra điều khiển buổi đấu giá. Từng loại đèn được đọc tên, nêu giá khởi điểm. Một người nữa đứng kế bên, chờ đếm số lần định giá. Mọi người bàn tán xôn xao, xầm xì to nhỏ khi người điều khiển cho biết giá, mọi người hớn hở reo hò, những cánh tay nối nhau giơ lên… Cứ thế, giá mỗi chiếc đèn ngày càng được tăng cao cho đến khi không còn ai trả hơn thì chiếc đèn đó thuộc sở hữu của người đặt giá cao nhất.

Thông thường, những người tham gia đấu đèn ít khi là những cá nhân mà là một tập thể, đại diện cho một tỉnh, một xóm, một phường… Người thắng cuộc sẽ được trang trọng mời lên phía trên để nhận đèn, được xướng tên họ, quê quán, đại diện cho địa phương nào, đơn vị nào…, và người trao đèn, phần nhiều là khách mời ở các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương… Cảnh trao đèn diễn ra rất long trọng với tiếng hò reo, vỗ tay tán thưởng của mọi người. Cứ thế, buổi lễ tiếp tục diễn ra cho đến khi chiếc đèn cuối cùng được đấu xong. Giữa các lần đem đèn ra đấu giá có thể có một vài tiết mục văn nghệ để tăng thêm phần hào hứng cho buổi lễ. Và cũng để cho những cá nhân, đơn vị thua cuộc ở lần đấu trước củng cố lại niềm tin để có thể thắng cuộc ở lần sau.

Buổi lễ kết thúc. Tổng kết số tiền đấu giá được và thông báo số tiền đó sẽ được sử dụng vào những mục đích gì, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân nào.

Người đấu được đèn không đem về nhà ngay, cũng không phải trả tiền liền, mà gởi lại ban tổ chức. Người ta ghi họ tên, địa chỉ của người thắng cuộc và cho xe đưa đèn đến tận nhà người thắng cuộc rồi mới thu tiền. Đèn thuộc về cá nhân, đơn vị nào sẽ được treo trang trọng giữa nhà hoặc một nơi tôn nghiêm nào đó, nhằm khuếch trương sự may mắn, thành đạt, vinh hoa…

Ngoài phương diện tín ngưỡng, có thể thấy rằng chùa Ông còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, góp phần làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam càng phong phú và giàu đẹp./.


5.Lễ hội đình Bình Thủy
ĐÌnh Bình Thuỷ là một đình thần ở Thành phố Cần Thơ. Một năm đình có 2 kỳ lễ hội lớn gắn liền dấu ấn sản xuất nông nhiệp. Lễ Thượng điền để cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới vào ngày 14 và 15 tháng 4 âm lịch và Lễ Hạ điền để tạ ơn và cúng ruộng đồng nghỉ ngơi vào ngày 15 tháng chạp âm lịch Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay thất mùa.

Nghi thức trong cả hai ngày lễ gần giống như nhau. Ngày đầu tiên gọi là lễ Túc Yết – ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình.

Kế đến là lễ Chánh Tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất…

Thường thì, sau phần nghi thức lễ được tổ chức trang trọng là phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… thể hiện được một nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.

Những người đến dự lễ hội đình làng được tự do xem hát, tham gia các trò chơi, trao đổi tâm tình và cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhưng ăn uống có văn hóa, vui chơi có mức độ. Ai cũng cố gắng giữ tư cách, không say sưa, càn quấy hay nói tục, bởi trong những ngày này, mọi khía cạnh đời thường đã được nâng lên đời thiêng. Không gian thiêng liêng của đình cả năm im lìm nay được tái hiện trở lại bởi con người. Đèn, nến sáng trưng, cờ ngũ sắc tung bay, chiêng trống nổi lên, lòng người khắp nơi náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN