Top 7 lễ hội truyền thống lớn và nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi

0
7773
Vật Phẩm Phong Thủy

Mỗi vùng đất trên nước ta đều có những bản sắc riêng với những lễ hội đặc sản vùng miền khác nhau . Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem những lễ hội truyền thống đặc sắc ở Quảng Ngãi nhé.

1.Lễ hội đua thuyền Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở đảo Lý Sơn có những nét tương đồng nhưng đồng thời cũng có những nét dị biệt so với lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long. Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể xuất hiện sau lễ hội người Tịnh Long, cũng không thể thu hút nhiều người ở vùng khác đến như Tịnh Long, vì Lý Sơn là một đảo nhỏ, cách đất liền 25 km, nhưng chắc chắn việc đua thuyền ở đây có quy mô và qui củ hơn nhiều. Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, ngoài ra vào rằm tháng Bảy, cúng tế các vị tiền hiền, người ta cũng tổ chức đua thuyền.

Lý Sơn có 2 đơn vị hành chính ngang nhau là 2 xã trước kia là Bình Vĩnh và Bình Yến, sau lập huyện đổi lại là Lý Vĩnh và Lý Hải và mỗi xã đều hình thành 4 thuyền, đủ bộ “tứ linh” (long, ly, qui, phụng). Các thuyền cũng đặt ở nơi am miếu để thờ cúng: ở xã Lý Vĩnh, thuyền long thờ tại miếu Hoà Lân, thuyền phụng tại lăng Cồn, thuyền ly tại Dinh Chàm, thuyền qui ở lăng Nghĩa Tự. Ở xã Lý Hải, thuyền long thờ ở lăng Cồn, thuyền ly đặt ở Trung Hoà, thuyền qui ở Trung Yên, thuyền phụng ở dinh Tam Toà. Cũng như ở Tịnh Long, thuyền đua ở Lý Sơn có dáng thon dài, ngang nơi rộng nhất 1,4 mét, dài 9,5 mét; trước kia thuyền được làm bằng khung gỗ, mê tre (tất nhiên có trát đầu rái); sau này mê tre được thay bằng mê nhôm hoặc đuya-ra, vừa bảo quản được lâu, vừa đỡ được sức cản của nước hơn. Trên thuyền các phần được trang trí công phu hơn ở sự chạm khắc (chứ không chỉ vẽ như ở Tịnh Long). Khi ghe được đưa đi hạ thuỷ, người ta cũng tổ chức cầu cúng vào đêm trước, sáng sớm trước khi đua và sau khi đua, để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh. Mỗi thuyền đua có từ 18 đến 20 người, trong đó có người Đập then (còn gọn là lái nhịp) và Tổng lái (đội trưởng). Cũng như ở Tịnh Long, mỗi thuyền đua ở Lý Sơn đều có một đồng phục riêng tùy thích, nhưng bao giờ các vận động viên cũng chít khăn đỏ trên đầu. Cách tính điểm đua cũng tương tự như ở Tịnh Long, tuy nhiên trường đua ở đây dài hơn (từ 800 đến 1000 mét) và kéo dài ngày gấp đôi ở Tịnh Long. Tất nhiên, sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc ở toàn đội, ở sự khoẻ mạnh, dẻo dai của các thành viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhặt quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc. Một khi nhịp đã vừa mà có thuyền viên không theo đúng nhịp, gây lực cản thì phải kịp thời phát hiện để thay bằng người khác. Tổng lái là người đứng ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời đảm đương nhiệm vụ lái thuyền. Thuyền đua ở biển có đặc điểm là thủy truờng không êm như ở sông, bởi vậy, tổng lái vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên. Cách quyên góp để tổ chức hội đua thuyền cũng tương tự như ở Tịnh Long, nhưng việc tập dượt để chuẩn bị đua lại hoàn toàn khác. Nếu như để bước vào cuộc đua chính thức, các thuyền viên ở Tịnh Long phải bỏ ra nhiều ngày tập dượt, thì ở đây chỉ cần vài ba ngày. Khi cả đội tập luyện, đội trưởng sẽ xem xét mực ghe để có thể thay thuyền viên cho vừa, mực ghe vừa rồi thì tập cho nhịp nhàng và quen tay. Sở dĩ chỉ cần ít ngày tập luyện bởi những người tham gia đua thuyền đều là những người hàng ngày đánh bắt cá trên biển, rất thông thạo với nghề đi biển.
Tuy không thu hút được dân nhiều địa phương khác đến, nhưng để đổi lại, những ngày đua thuyền thật sự là những ngày hội của người dân toàn đảo. Cùng với tiếng trống giục, cờ phất là tiếng reo hò vang dậy suốt dọc bờ biển trong những ngày đầu Xuân khiến không khí ắng lặng hàng ngày đã hoàn toàn được xua tan, thay vào đó là niềm vui tươi, phấn chấn. Người ta tin rằng những thuyền đua thắng cuộc thì việc làm ăn trong năm sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn.

Lớp tín ngưỡng xa xưa của lễ hội đua thuyền có thể là tín ngưỡng thờ mặt trăng, nếu cần tìm ở một tầng sâu hơn sẽ là tín ngưỡng thờ thần biển, nhưng hiện tại, lớp tín ngưỡng ấy đã nhạt nhoà. Vì vậy, trên lát cắt đồng đại, lễ hội đua thuyền chỉ còn lắng đọng niềm tin tín ngưỡng của người dân.

Lễ hội đua thuyền hàng năm ở Tịnh Long và Lý Sơn, ngoài những ý nghĩa như đã nói, còn là nơi tập luyện và thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, kích thích con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp.

2.Hội Dồi Bòng
Hội Dồi Bòng được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, tại xã An Hải, huyện Lý Sơn. Đây là một trò diễn dân gian tiêu biểu trong Lễ hội đình làng An Hải.

Trong tâm thức người làng An Hải, vẫn luôn nhớ về ngày hội qua câu ca “Mùng bốn có hội đua ghe / Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”, thể hiện một nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh không thể thiếu được trong những ngày tết đầu năm.

Hội dồi bòng của người dân làng An Hải có từ xa xưa, thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội có thể thấy đây là một trong những loại hình sinh hoạt văn hoá của cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ, đã theo chân người Việt trong quá trình di cư vào Quảng Ngãi, ra đảo Lý Sơn (đầu thế kỷ XVII) và được nhân dân làng An Hải tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm sau khi kết thúc hội đua thuyền truyền thống đầu năm của làng. Hội dồi bòng kết thúc cũng đồng nghĩa với kết thúc những lễ hội mùa xuân được tổ chức tại đình để nhân dân bắt tay vào một năm mới với những niềm tin và hy vọng mới sau khi giành thắng lợi tại hội dồi bòng.

Không gian diễn ra lễ hội là sân đình, tại đây người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò”, trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở 2 đầu bãi dựng 2 cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì 2 phe cử 2 người giữ 2 cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.

Quả bòng để tổ chức hội dồi bòng được làng mua từ trong đất liền trong những ngày cuối tháng Chạp, đến ngày “trồng đu lên phướn” (ngày 24 tháng chạp) làng sẽ tổ chức lễ mở cửa đình để chuẩn bị cho các hoạt động sinh hoạt lễ hội của làng và đưa quả bòng vào đặt tại “long đình” – nơi ngự trị của thần linh trong các ngày diễn ra lễ hội đầu năm tại đình làng. Vì vậy quả bòng trong hội dồi bòng không chỉ đơn thuần là quả để tổ chức hội mà còn là “quả thiêng” của thần linh, để sau này trong hội dồi bòng ai giành được, theo quan niệm của người dân, sẽ mang lại nhiều yếu tố may mắn cho bản thân, gia đình và xóm làng.

Để tổ chức lễ hội người ta chia làm 2 phe (mỗi phe gồm 2 xóm liền kề nhau), xã An Hải có 4 xóm: xóm Tây, xóm Trung Yên làm thành một phe; xóm Trung Hoà và xóm Đông làm thành một phe, mỗi phe cử ra một đại diện gọi là “trùm phe” để tham gia cuộc chơi giành quả bòng. “Trùm phe” được trang phục như trang phục vận động viên thuyền đua và để phân biệt xóm này với xóm khác người ta làm dấu chữ thập màu đỏ và màu trắng trên tráng của các Trùm phe. Trùm phe là người được tham gia lễ tế thần lần thứ 2 tại “nhà trò” trước khi tổ chức hội dồi bòng.

Trước khi bước vào hội, trong ngày mùng 7 tháng giêng ông Cả làng làm chủ tế lễ thần linh tại đình làng theo nghi thức trang trọng với sự có mặt đầy đủ các chức sắc trong xã và đại diện thất tộc tiền hiền để tế cáo thành hoàng bổn xứ, các vị thần được thờ cúng trong xã và xin phép làm lễ “ra trò” (tổ chức trò diễn). Sau khi tế xong trong đình, hương án và long đình được rước ra “nhà trò” trước sân đình để tiếp tục làm lễ tế lần thứ hai – lễ tế này mang tính chất an vị thần linh khi di chuyển thần từ đình ra “nhà trò”. Sau khi kết thúc lễ tế và kết thúc cuộc đua thuyền trong ngày mồng 7, ông Cả làng đến trước long đình cúi lạy 3 lạy và tiến đến lấy trái bòng được thờ trong long đình bước lui ra sát sân chơi để ném. Sau 3 hồi trống hiệu, ông Cả làng giơ cao quả bòng qua đầu, mặt nhìn vào long đình và ném ngược quả bòng ra sân để các phe tranh nhau.

Trong tiếng trống giục liên hồi, tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người xem hội, cuộc giành bòng diễn ra rất quyết liệt giữa các “trùm phe” để cố giành được trái bòng, có khi do sự tranh nhau làm cho quả bòng bị vỡ, nên chẳng có đội nào giành được quả bòng trong hội năm đó. Nếu người nào giành được trái bòng thì ngay lập tức ném về đội mình để giữ lấy. Khi bòng được “trùm phe” ném ra, một cuộc tranh giành nữa cũng rất quyết liệt giữa những thành viên trong phe đã được phân chia theo xóm để cố giành và giữ cho được quả bòng và ngay lập tức thành viên phe nào bắt được quả bòng sẽ nhanh chóng mang quả bòng chạy về hướng xóm mình trong sự truy cản quyết liệt của đối phương, trong lúc đó người “trùm phe” cũng chạy đuổi theo để nhận lại quả bòng từ tay thành viên phe mình và đem ném vào giỏ tre treo trên cột tre thuộc đội mình. Nếu phe nào giành và ném được quả bòng vào giỏ tre của phe mình là xem như phe đó thắng cuộc và được làng ban thưởng.

Quả bòng được người dân gọi là quả “sanh yên” – đầu năm ăn quả sanh yên/thanh yên, với mong muốn đem lại điều yên bình trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân an vật thịnh, đó cũng là khát vọng muôn thuở của cư dân nông nghiệp quanh năm vất vả với ruộng đồng nhưng luôn “trông trời mưa nắng phải thì” để cuộc sống được yên bình, no ấm hơn./.

3.Lễ hội làng An Hải
Hằng năm Hội làng An Hải được tổ chức tại đình làng, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn từ ngày 1-7 tháng Giêng. Hội làng An Hải được chia làm 2 phần khá rõ rệt: từ ngày 1-3 tháng Giêng (âm lịch) diễn ra các tế lễ tại đình; từ ngày 4 – 7 tháng Giêng vừa diễn ra lễ và hội.

Trong hội làng An Hải đầu xuân phần Lễ là nghi thức quan trọng gắn liền với các hoạt động diễn ra tại đình làng, bao gồm các lễ như: lễ tế thần, lễ động thổ, lễ tỉnh sinh, lễ ra trò, lễ khai hạ… với các nghi thức dâng lễ tế thần trong và ngoài sân đình hết sức trang trọng, thể hiện lòng tri ân của con người với thần thánh và phản ảnh tâm thức cầu mong các lực lượng siêu nhiên phù hộ độ trì cho họ một năm mới no đủ và bình an. Nghi thức tế thần được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 7 tháng Giêng trong đình, với sự tham gia của các chức sắc trong làng, các vị trưởng tộc của 7 tộc tiền hiền và các vị chủ lân của các xóm trong làng do ông Cả làng làm chủ tế.

Mỗi cuộc tế thường có từ 25 – 30 người tham gia thực hiện nghi thức tế lễ, bao gồm: chủ tế, bồi tế, học trò gia lễ (2 người dâng đèn và 2 người dâng rượu), đội nhạc lễ…Mỗi cuộc tế được thực hiện theo 3 bước: sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Trong lễ tế chính, chủ tế mặc áo thụng màu đỏ; bồi tế, phụ tế mặc áo thụng màu xanh hoặc màu đen, đầu đội khăn đóng. Bắt đầu vào buổi tế, những hồi trống, chiêng được gióng lên liên hồi và trong quá trình tế lễ đều có nhạc lễ phụ hoạ, đội nhạc lễ gồm: phách, tiêu, kèn, trống con, xập xoã, bì và đờn nhị ngân lên những âm thanh réo rắt, tạo không khí thiêng liêng và trang nghiêm cho buổi lễ. Trong tiếng chiêng trống trầm hùng và mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian lễ, dưới ánh đèn mờ ảo trong mái đình cổ kính, tạo nên không khí uy nghi và trang nghiêm của buổi lễ tế, sau 3 tuần rượu (sơ hiến, á hiến, chung hiến) là đến tuần trà và mục đọc văn tế (xướng văn). Sau các nghi thức “chúc vị” (chuẩn bị), “chuyển chúc” (chuyển chúc văn đến vị trí đọc) và “đọc chúc”, văn tế được người đọc xướng lên với những âm điệu du dương, bay bỗng dễ đi vào lòng người. Buổi tế lễ chính thức cũng tiến hành tuần tự qua ba bước (sơ hiến, á hiến và chung hiến) và được kết thúc khi các chức sắc trong làng, đại diện các tộc tiền hiền, hậu hiền, dân làng dự lễ thay nhau vào bái kiến trước các ban thờ để tỏ lòng thành kính thần linh và cầu mong sự bình an cho cuộc sống của làng xã, gia đình và cho bản thân mình. Cứ như thế nghi thức tế lễ tại đình làng được tổ chức hằng ngày, từ ngày 1 đến ngày 7 tháng Giêng.

Theo qui định, khi làng chưa làm lễ động thổ đầu năm thì mọi hoạt động liên quan đến cày xới đất đai đều bị cấm, tránh những va chạm mạnh vào mặt đất, kể cả khi tế lễ tại các dinh miếu trong làng cũng chỉ được dùng loại trống nhỏ để đánh, không được dùng loại trống chầu, vì sợ vang động đến Thổ thần.

Thông thường lễ động thổ được tổ chức vào tối ngày mùng 3 tết Nguyên đán. Buổi lễ được tổ chức bắt đầu tại đình làng. Tại đình làng người ta tổ chức lễ tế thần linh bằng các nghi thức cúng tế hết sức long trọng với sự có mặt của tất cả các chức sắc trong làng, do ông Cả làng làm chủ tế kết hợp với sự thực hiện nghi lễ động thổ của pháp sư (thầy pháp/thầy phù thuỷ). Sau khi tổ chức tế thần trong đình xong, là tổ chức lễ động thổ ngoài sân đình.

Để chuẩn bị cho lễ động thổ, ngoài sân đình người ta cắm 4 góc sân đình 4 cây đuốc đang cháy và bày 3 bàn lễ vật để tế cáo thần linh theo sự hướng dẫn của pháp sư. Tế ngoài sân là do vị pháp sư của làng thực hiện – Cả làng và chức vị trong làng chỉ chứng kiến buổi lễ. Sau khi kết thúc các nghi thức tế lễ, theo hướng dẫn của thầy pháp, ông Cả làng đến hướng đại cát – hướng tốt, xúc 1 xẻng đất và đem đến hướng xấu trong năm (đại hung) để đổ.

Kết thúc nghi thức lễ động thổ tại Đình làng, ông Cả làng sẽ gióng 3 hồi trống đầu năm để các lăng miếu trong làng biết, sau đó các lăng miếu trong xóm tiếp tục làm lễ động thổ. Để làm lễ động thổ tại các dinh miếu của các xóm, ông chủ xóm dùng đuốc mang ngọn lửa từ đình làng về dinh xóm để tổ chức làm lễ động thổ. Sau khi xong lễ, chủ xóm đánh 3 hồi trống chầu (trống lớn) báo hiệu cho các Lân trong xóm biết để tiếp tục làm lễ động thổ và sau đó đánh trống báo hiệu cho dân làng biết lễ động thổ đã được làng, xóm thực hiện. Sau khi làng và xóm làm lễ động thổ xong thì kể từ giờ, ngày đó dân trong làng mới được ra đồng cuốc xới đất đai.

Ngoài ra, trong Lễ hội đầu năm tại đình làng An Hải còn tổ chức nhiều lễ khác trước khi tổ chức hội, như: lễ ra trò (xin phép thần tổ chức hội hè), lễ tỉnh sinh (giết vật hiến tế) và lễ khai hạ (hạ nêu và kết thúc lễ hội).

Cùng với các lễ thức dân gian được tổ chức mang tính tín ngưỡng tâm linh là các trò diễn dân gian cũng hết sức phong phú và hấp dẫn tạo nên một Hội làng đầu năm tại đình làng An Hải mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt như hội đua thuyền tứ linh, các trò diễn dân gian như: Dồi bòng, đô vật, đu quay, trong đó tiêu biểu mang thu hút nhiều người dân trong xã đến tham dự và cổ vũ là Hội đua thuyền tứ linh. Hội đua thuyền tứ linh là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân làng An Hải được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng./.

4.Lễ hội điện Trường Bà
Lễ hội điện Trường Bà được tổ chức trong 3 ngày từ 15 đến 17/4 âm lịch. Đây là lễ hội dân gian mang tính đặc trưng độc đáo có sự tích hợp, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.
Theo nhiều di tích và văn bản để lại, vào khoảng thế kỷ 14-15, người Chăm đã đến sinh sống tại thị trấn Trà Xuân, Trà Bồng và xây điện Trường Bà để thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thánh mẫu trong việc giúp dân tộc Chăm đi khai hoang, mở đất và sống no đủ.
Tuy nhiên, điều khác biệt của điện Trường Bà ở Trà Bồng so với những điện thờ Thánh Mẫu Thiên Yana trên địa bàn trong và ngoài tỉnh là, ngoài việc thờ phụng thiên thần Yana, người dân địa phương còn thờ phụng 2 vị nhân thần có thật khác trong lịch sử.
Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc thể hiện lòng thờ kính, biết ơn đối với Thánh mẫu Thiên Yana và các vị thần khác được nhân dân địa phương thờ phụng từ hàng trăm năm nay. Trong đó, các hoạt động chính của lễ hội điện Trường Bà được tổ chức vào ngày 06/5. Đây được gọi là Lễ Lệ xuân Trường Bà- Một trong hai lễ hội được tổ chức tại điện Trường Bà hằng năm.
Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau như: Lễ Mộc Dục, lễ Tế ngoại đàn, Lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, lễ chánh tế và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: Thi đấu cờ người, hát bộ, múa lân, thi đấu bóng chuyền.
Trong các hoạt động lễ hội tại điện Trường Bà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em mà điển hình là văn hóa của các dân tộc Chăm, Hoa, Cor, Việt… được thể hiện qua từng phần lễ và hội.
Nếu như Lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì cũng tại lễ hội điện Trường Bà, lễ hiến trâu, múa cồng chiêng… mang nét đặc trưng của đồng bào Cor địa phương. Lễ hội đã thể hiện thông điệp đầu tiên có nội dung gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong công cuộc mở mang bờ cõi và phát triển đất nước.
Không chỉ vậy, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác trong vùng… Do đó, đồng bào các dân tộc Chăm ở Châu Đốc, An Giang, người gốc Hoa ở Hội An và nhiều du khách thập phương khác cũng tề tựu đông đủ tại lễ hội lần này.
Cứ đến thời điểm rằm tháng 4 và 8 âm lịch hàng năm, bà con người Cor lại tụ tập về điện Trường Bà để làm lễ cầu an và thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh. Mỗi dịp như vậy, người dân nơi đây lại dâng vật phẩm của rừng, làm lễ đâm trâu và múa Cadháu, chơi cồng chiêng… Đồng bào Cor từ xưa vẫn coi lễ hội Trường Bà là lễ hội chung, mang ý nghĩa đoàn kết của nhân dân miền xuôi và miền ngược.
Việc tổ chức long trọng lễ hội nhằm giúp cho người dân hiểu biết rõ ý nghĩa gắn bó đoàn kết, giữa các dân tộc là truyền thống có từ rất lâu đời trong dân gian. Bên cạnh đó, lễ hội cũng đã thể hiện tốt chức năng trong việc thu hút khách du lịch, góp phần phát triển thương mại- dịch vụ tại địa phương.
Lễ hội điện Trường Bà đã mang lại nhiều ý nghĩa cùng giá trị nhân văn và giáo dục sâu sắc. Đây như là một di tích sống khẳng định tinh thần đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược. Với tinh thần đó, di tích lịch sử văn hóa điện Trường Bà và lễ hội hằng năm tại đây xứng đáng được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau./.

5.Lễ lên nhà mới của người Kor
Người Kor, huyện Trà Thủy tổ chức lễ lên nhà mới một lần duy nhất đối với ngôi nhà mới của mình. Bởi vậy, họ rất coi trọng và chuẩn bị khá kỹ lưỡng với nhiều lễ cúng để mong muốn tổ tiên và thần linh phù hộ cho gia đình, dòng tộc khỏe mạnh, mùa màng bội thu, anh em thuận hòa…

Đầu tiên là lễ cúng sống, đồ lễ gồm một con heo, ba con gà sống, gạo, muối, trầu cau… để báo với thần linh (thần Cờy Vắt), ông bà biết nhà mình hôm nay chính thức lên nhà mới.

Sau lễ cúng sống, các đồ lễ heo sống, gà sống được đem làm thịt và chế biến thành các món ăn của người Cor để tiến hành lễ cúng chín. Trong thời gian chuẩn bị cho lễ cúng chín, chủ nhà tiếp khách đến chơi, mừng nhà mới.

Việc chuẩn bị cho lễ cúng chín cũng khá cầu kỳ, lễ được chia làm 3 mâm: gồm các loại bánh: bánh lá đót, bánh lá tốp, bánh rồng (cơm lam), cá nướng, trầu cau, thịt lợn, gà đã luộc, gạo muối… Tất cả đã được bày sẵn để già làng chủ trì lễ cúng. Lễ cúng chín một lần nữa khẳng định và thông báo với ông bà, thần linh là gia đình người Kor đã chính thức lên nhà mới.

Trước lễ cúng chín, chân gà sẽ được làm “phép”, ngâm vào nước, nếu chân gà co đều có nghĩa thần linh phù hộ, ngược lại nếu chỉ có ngón chân giữa co có nghĩa thần linh không đồng ý. Tiếp đó, già làng và những người tham gia cùng nâng ly rượu phép trước khi cử hành lễ cúng chín.

Lễ cúng chính với tất cả các đồ chín đã được bày ra, các thành viên trong gia đình ngồi quanh mâm cúng vừa cầu nguyện những điều tốt đẹp vừa rắc muối gạo quanh mâm cúng. Hương trầm hòa quyện vào ánh lửa, tiếng cầu nguyện khiến không gian ngôi nhà thêm linh thiêng mà ấm cúng.

Sau khoảng 20 phút lễ cúng kết thúc. Già làng và các thành viên của gia đình đem lửa, nước rắc lên nhà tum (phòng ở của từng gia đình trong ngôi nhà lớn). Kết thúc lễ cúng, người Kor đánh cồng chiêng rồi cùng múa Cà Đáu để cầu mong thần linh và tổ tiên phù hộ cho đại gia đình người Kor luôn mạnh khỏe, mùa mang tươi tốt…
Tiếp sau phần lễ là phần giao lưu với hàng xóm. Mọi người đều tập trung đông đủ trước nhà sàn người Kor, trong trang phục truyền thống dân tộc mình nhưng tất cả đều hòa vào điệu múa Cà Đáu của người Kor. Điệu múa của sắc màu, mềm mại nhưng cũng rất khỏe khoắn. Trong phần giao lưu, ấn tượng và hấp dẫn nhất là màn đấu chiêng của hai chàng trai Kor. Họ cùng đọ “tiếng”, tiếng chiêng dồn dập lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng lúc mạnh mẽ như trạng thái của hai chàng trai. Tiếng vỗ tay hưởng ứng mỗi lúc một to hơn, người xem thích thú vì lần đầu tiên được chứng kiến màn đấu chiêng này.

Sau khi cả chủ và khách đã “mãn nhãn” với các tiết mục múa, đấu chiêng tất cả cùng thưởng thức những món đặc sản, dân dã, cùng nhâm nhi chén rượu quế người Kor tự làm và mang ra.


6.Lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu ngư là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân (còn gọi là “Lễ ra quân đánh bắt thủy sản”, hoặc “Lễ ra quân nghề cá”) được tổ chức vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, gia đình, và có khi là của cả cộng đồng. Tiêu biểu cho lễ cầu ngư của cư dân ven biển Quảng Ngãi là lễ cầu ngư Sa Huỳnh được tổ chức vào gày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm.

Trình thức lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh bao gồm các lễ thức: Tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề, và các trò diễn.

Lễ tế cáo: Là lễ thức mà tất cả các ban tế tự của làng và đại diện các chủ thuyền tế cáo ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và gia tiên để khai lạch ra khơi. Lễ tế cáo chỉ đơn giản là trầm trà hoa quả và diễn ra trong chiều ngày mùng 2 Tết hoặc sáng sớm ngày mùng 3 Tết.

Lễ ra nghề: Vào sáng sớm ngày mùng 3 Tết, tất cả các thuyền trong các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ… Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín…), và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ.

Các trò diễn: Khi tất cả các thuyền đã quay lại vào bờ, các trò diễn, như đua thuyền, thi lắc thúng, thi đánh bóng chuyền… mới bắt đầu diễn ra. Có năm trong dịp làm lễ cầu ngư, người Sa Huỳnh còn tổ chức hát bội vài ba ngày. Vài ba năm trở lại đây, trong lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh, người dân địa phương còn tổ chức múa hát bả trạo và hát sắc bùa.

Lễ hội cầu ngư của cư dân các làng chài duyên hải miền Trung nói chung, cư dân Sa Huỳnh nói riêng, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa biển bội thu, cá mực đầy khoang, đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.


7.Lễ hội chùa Ông – Thu Xà
Lễ hội chùa Ông – Thù Xà được tổ chức từ ngày 14 đến 15 tháng 7 âm lịch, tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.

Chùa Ông được người Hoa sinh sống tại Quảng Ngãi đứng ra xây dựng năm 1821 (năm Minh Mạng thứ 2),do tứ bang Minh Hương: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập. Trải qua 4 lần trùng tu vào các năm 1881, 1894, 1920, 1991 với sự đóng góp tiền của quan lại triều nhà Nguyễn, thương gia và dân chúng ở Quảng Ngãi. Mặc dù nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc chùa vẫn giữ được nguyên vẹn. Chùa thờ Quan Công ở gian chính diện, Phật Quan Âm Nam Hải ở gian hậu cung theo kiểu “Tiền thánh hậu Phật”. Ngoài ra ở hậu cung còn có cụm tượng Thiên Hậu với Thiên Lý Nhãn, Thiên Lý Nhĩ, Cửu Thiên Huyền Nữ và cụm tượng Kim Đẩu với 12 bà mụ. Chùa có bố cục chặt chẽ gồm: Cổng tam quan, Bình phong, Lầu chuông lầu trống. Trong nhà tiền đường có 18 cột chia làm ba gian hai chái. Kiến trúc theo kiểu chữ tam gồm ba nhà liên kết nhau: tiền đường, chính diện và hậu cung. Đỉnh bờ mái trước mặt chùa có ghi ba chữ: “Quan Thánh tự”. Vào lần trùng tu thời Khải Định năm 1920 kiến trúc chùa đã có sự thay đổi. Chùa có 6 văn bia chữ Nho chia làm 2 loại: loại có niên hiệu Thành Thái thứ 7 (năm 1895) và văn bia niên hiệu Khải Định Canh Thân (năm 1920) là các năm trùng tu chùa.

Nội dung tổ chức lễ hội, bao gồm các hoạt động: tổ chức các nghi thức tế lễ Quan Thánh, Tiền hiền bên trong chùa Ông và lễ đăng đàn chẩn tế thập loại chúng sinh bên ngoài chùa Ông; các phần hội như: chưng và rước xe hoa dọc tuyến đường thôn Thu Xà, múa lân, thả hoa đăng, phóng sinh, nghi thức diễu hành xe hoa dọc đường thôn Thu Xà.

Trước khi bước vào lễ chính, chiều ngày 14 tháng bảy, Ban tế tự chùa Ông tổ chức Lễ túc yết để tế cáo Quan Thánh, thành hoàng bổn xứ và tiền hiền. Buổi tế được thực hiện qua các bước sơ hiến, á hiến và chung hiến lễ. Sau khi kết thúc nghi thức tế lễ bên trong chùa là nghi thức tế cáo âm hồn ngoài sân. Kết thúc buổi tế nhân dân dự lễ dâng hương tại các ban thờ trong chùa để cầu cho bình yên trong cuộc sống và gửi gắm ước nguyện tốt đẹp đến các vị thần linh và đức Quan Thánh.

Sáng ngày 15 tháng bảy, lễ hội chính thức được tổ chức với nghi thức múa lân tại sân chùa, sau đó là lễ tế Quan Thánh tại chính điện và tế tiền hiền. Buổi lễ được thực hiện qua các bước tế: sơ hiến, á hiến và chung hiến lễ. Trong suốt thời gian tế, nhạc lễ được vang lên để phụ họa cho từng nghi thức lễ, làm cho buổi tế thêm trang nghiêm và sinh động. Trong thực hành nghi lễ còn có đội học trò gia lễ di chuyển từ ngoài sân vào trong chánh điện để dâng rượu, trà theo mỗi bước tế. Kết thúc nghi thức tế tại điện Quan Thánh là nghi thức tế tiến hiền tại ban thờ tiền hiền tại Chánh điện. Sau khi kết thúc các nghi lễ bên trong chùa, nhân dân dự lễ vào dâng lễ vật và dâng hương tại các ban thờ Phật, Quan Thánh, Tiền hiền – hậu hiền. Đến chiều là nghi lễ tế thập loại chúng sinh bên ngoài sân. Trước khi tế âm hồn người ta tổ chức lễ phóng sinh bên đàn tế, hàng trăm loài chim bồ câu, chim sẻ được phóng sinh trên bầu trời gửi theo lời cầu nguyện cho xóm làng bình yên, cho cuộc sống an lạc, thái bình. Đến giờ lành, 3 vị hòa thượng, gồm 01 vị chủ tế, 02 người phụ tế (đọc kinh) và vị chánh tế lễ hội bắt đầu thực hiện nghi lễ tế thập loại chúng sinh. Vị sư chủ tế đăng đàn và ngồi đối diện với đàn tế, đứng bên cạnh là ông Chánh tế lễ hội và ngồi đối diện với vị sư chủ tế là 02 vị sư phụ tế. Đặt trước mặt vị chủ tế là 01 bát gạo, bát muối và đĩa đặt tiền. Trong quá trình thực hiện các nghi lễ, vị sư chủ tế trộn gạo với muối và tiền lẻ vãi ra xung quanh để nhân dân dự lễ nhận lấy, theo quan niệm của người dân việc giành lấy được những đồng tiền lẻ hay vài hạt gạo, hạt muối như là sự ban lộc của thần Phật cho con người và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Sau khi vị hòa thượng cúng xong dân làng đến xô cỗ và tranh nhau giành các lễ vật, hoa quả tạo nên khung cảnh sôi nổi, náo nhiệt.
Sau khi kết thúc các nghi thức tế lễ tại chùa Ông, đến cuối buổi chiều, khi ánh mặt trời vừa tắt, dân làng tiến hành tổ chức lễ rước các xe hoa được trang trí các hình ảnh mang yếu tố Phật giáo đi khắp đường làng. Tất cả có 3 xe: xe thứ nhất chưng cụm tượng Quan Thánh, xe thứ hai chưng hình ảnh Phật bà Quan Âm, xe thứ 3 chưng Mục Kiều Liên. Đoàn rước gồm có: đi đầu là Đội lân sư rồng, tiếp theo là 14 thanh niên cầm lỗ bộ, 10 thanh niên cầm cờ, 10 thanh niên cầm đuốc được thắp sáng và 10 thiếu nữ xinh đẹp gánh những chiếc đèn lồng lung linh tỏa sáng được trang trí những bông hoa. Sau các thiếu nữ là 03 xe hoa rực rỡ ánh đèn, sau cùng là các chức sắc trong làng và dân chúng tham gia diễu hành. Những chiếc xe được trang trí sinh động và đoàn diễu hành bắt đầu từ chùa Ông đi khắp trong làng tạo nên không khí hội rất sôi động và sau đó tập trung tại bến sông Vực Hồng để tổ chức lễ hoa đăng.

Khi dân làng đã tề tựu đông đủ trên triền sông Vực Hồng, ban tổ chức lễ ra hiệu cho các thuyền chở hoa đăng thả hàng trăm ngọn hoa đăng nối đuôi nhau trôi lững lờ trên dòng sông, tỏa ánh sáng lung linh xuống dòng sông với những lời nguyện cầu cho linh hồn người đã khuất được siêu thóat và cầu mong cho gia đình, làng xóm được bình an, sức khỏe. Sau lễ hoa đăng, đoàn diễu hành quay trở về chùa Ông và làm lễ an vị Quan thánh tại chùa, kết thúc lễ hội sôi động, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa tâm linh và đầy tính nhân văn./.

Các Bài Hay Nên Xem Khác

Vật Phẩm Phong Thủy

BÌNH LUẬN